Tịnh Phương uể oải ngồi lên khi nghe Hiền Thục, cô bạn ở chung phòng hỏi.
Cô lắc đầu:
- Phương làm biếng quá à, chẳng muốn về một chút nào cả.
Nghiêng đầu nhìn Tịnh Phương với vẻ tò mò, Hiền Thục thắc mắc:
- Sao lại thế? Hồi mới lên đây học Phương chỉ mong cho mau tới ngày thứ sáu để về nghỉ cơ mà?
Tịnh Phương ú ớ không biết trả lời sao với cô bạn thân của mình. Chẳng lẽ lại khai ra sự thật chuyện nhà ra cho bạn biết hay sao? Làm thế thì có khác nào vạch áo cho người xem lưng!
Nhưng không nói lý do thì cũng không được với Hiền Thục đâu, Tịnh Phương biết thế. Vì vốn Hiền Thục không thích cái gì là lấp lửng, nên khi muốn biết một điều gì, cô thường hay hỏi cho đến cùng mới thôi.
Suy nghĩ thật nhanh, Tịnh Phương tìm cách trả lời với bạn:
- Ừ thì mọi khi mình muốn về nhà nhanh nhanh vì có ba mình đợi, nhưng bữa nay ba đâu có ở nhà. Về nhà một mình cũng chán lắm, thà ở đây với Thục cho có bạn có phải là hay hơn không?
Hiền Thục lại hỏi tiếp:
- Thế ba Tịnh Phương đi đâu mà lại không có nhà?
Tịnh Phương lại phải tìm cớ:
- Ba Phương đi miền Tây thăm một người bạn thân hồi trước đang bị bệnh Thục à.
Hiền Thuch gật gù:
- Thế thì về nhà chán thật đấy, mà ở lại đây phải có mục nào hay hay chứ hai đứa con gái xinh đẹp như tụi mình mà cứ ở nhà nhìn nhau thì chán chết.
Hiền Thục nói năng thật bạo dạn, chẳng giống cái tên Hiền Thục của cô tí nào. Tịnh Phương vốn đã quen với cái kiểu « bạo nói nhưng không bạo làm » của Hiền Thục nên cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. Cô lại nằm xuống, vớ lấy quyển sách:
- Bọn mình thì có thiếu gì việc để làm, làm gì có thời giờ dư ra mà ngồi nhìn nhau!
Hiền Thục giật quyển sách trong tay Tịnh Phương:
- Thôi đi học cả tuần rồi bộ không chán hay sao? Mà giờ này còn ngồi ôm quyển sách nữa. Bộ Phương không sợ « tẩu hỏa nhập ma » hay sao?
Tịnh Phương ngơ ngác:
- « Tẩu hỏa nhập ma » nghĩa là gì?
Hiền Thục phá lên cười:
- Công nhận là Phương “ khờ “ thật, có mấy tiếng đó mà cũng không biết. Đó là những loại bệnh dành cho người luyện võ công quá sức mình đến nỗi bị... bị... tẩu hỏa nhập ma đó mà!
Không biết dùng cách nào để giải thích cho bạn hiểu, Hiền Thục đành nói theo kiểu “huề vốn “. Tịnh Phương lắc đầu
- Giải thích như thế mà cũng làm mặt tài lanh. Thôi, trả sách cho Phương đi, Phương đang coi đến đoạn hấp dẫn rồi đó.
Chẳng những không trả sách cho bạn, Hiền Thục còn giấu nó sau lưng của mình. Cô lắc đầu:
- Đã nói là hôm nay không học hành gì hết mà.
Tịnh Phương xuống giọng năn nỉ:
- Trả cho Phương đi mà, Hiền Thục.
Hiền Thục cương quyết lắc đầu:
- Đã nói “ không “ là “ không “, Phương đừng có năn nỉ mất công. Bây giờ Phương mau dậy thay quần áo đi, tụi mình đi ra phố chơi.
Tịnh Phương xụ mặt:
- Hiền Thục gì mà không hiền thục chút nào vậy? Toàn là bắt nạt mình không à?
Hiền Thục bật cười:
- Cái này không thể gọi là “ bắt nạt “ được mà phải gọi là “ cưỡng bức “. Thục phải bắt buộc Phương đi ra ngoài cho thoải mái mới được chứ cứ chôn người ở trong nhà như thế này thì thật là phí phạm thời gian quá. Tuổi trẻ mình có được bao nhiêu năm tháng đâu, phải tận hưởng chứ chưa gì mà Phương đã muốn sống như một bà cụ hay sao?
Câu nói của Hiền Thục vừa dứt thì có tiếng xe máy ngừng ngay trước cửa. Tịnh Phương vui mừng nói:
- Đó bạn của Thục tới rủ Thục đi chơi đó, mau trả sách cho mình rồi ra với bạn kẻo người ta đợi.
Hiền Thục chưa kịp nói gì thì tiếng gõ cửa đã vang lên. Hiền Thục lên tiếng ngay:
- Vào đi cửa không khóa!
Cách cửa được mở ra, và một thanh niên mò đầu vào. Vừa trông thấy anh, Hiền Thục đã reo to:
- Bạn của Phương chứ không phải là bạn của mình. Hay thật!
Thoại – phải, người thanh niên mới bước vào căn phòng trọ nhỏ bé của hai cô giá là Thoại. Không đợi mời, anh đã ngồi ngay xuông ghế và cười cười:
- Chuyện gì mà Hiền Thục có vẻ vui mừng thế kia?
Chỉ tay vào Tịnh Phương, Hiền Thục nói với Thoại:
- Em đang bắt nhỏ Phương đi ra ngoài với em đó anh Thoại. Một buổi chiều đẹp như thế này mà cứ ru rú ở trong phòng như nó thì có phí công không cơ chứ?
Thoại gật đầu:
- Đúng thế, nhưng Thục cũng không cần phải rủ rê Tịnh Phương nữa đâu. Anh đến để chở Tịnh Phương về nhà đây.
Tịnh Phương lắc đầu:
- Em không muốn về đâu, anh Thoại ạ!
Không lạ gì tình cảm và suy nghĩ của Tịnh Phương, Thoại không nói gì khác hơn là thấp giọng dỗ dành:
- Sao lại thế hở Phương? Phải về nhà một chút chứ.
Hiền Thục lại lau chau:
- Nó nói là ba nó không có ở nhà nên nó không muốn về.
Thoại ngạc nhiên:
- Chú Tịnh đi đâu à?
Tịnh Phương cúi mặt, cô không muốn Thoại đoán biết được sự nói dối của mình:
- Ba em không có nhà đâu.
Thoại nhìn Tịnh Phương thương yêu:
- Chú Tịnh không có ở nhà thì sang chơi bên nhà anh, mẹ anh nhớ em lắm đấy. Cả tuần nay mẹ không được khỏe, đang đợi em về để nói chuyện với bà.
Tịnh Phương hoảng hốt:
- Bác sao mà không khỏe hở anh?
Thoại lắc đầu:
- Anh cũng không rõ, chỉ nghe ba nói trong điện thoại vắn tắt mấy câu thôi. Ba nói mẹ nhớ em, nên chiều nay anh sang để chở em về đấy chứ.
Hiền Thục tán thành ngay:
- Thế là đúng nhất rồi, anh làm ơn chở nó về nhà dùm em đi. Ở đây hai ngày với gương mặt thảm sầu của nó chắc là em khóc quá.
Thoại cười, anh trêu Hiền Thục:
- Thế Thục có chương trình gì hấp dẫn chưa mà cứ đuổi Tịnh Phương về thế? Em không ngại ở nhà một mình thì buồn hay sao?
Hiền Thục lắc đầu:
- Em thì làm gì biết buồn mà anh nói như thế! Em thiếu gì mục để đi, còn lâu em mới chịu ngồi một chỗ như nhỏ Phương vậy đâu.
Tịnh Phương đứng lên, cô nói với Thoại:
- Anh Thoại đợi em một chút để em thay quần áo đã nhé!
Thoại gật đầu:
- Em cứ từ từ, còn sớm mà. Từ đây về nhà chỉ độ nửa tiếng thôi, có gì mà phải vội vã.
Ngồi sau lưng Thoại, Tịnh Phương thấy lòng mình thanh thản hơn một chút. Cô biết, cả nhà Thoại đều yêu quý mình. Nhất là bà Mẫn, bà coi cô chẳng khác nào con gái của mình. Đôi khi, Thoại còn phải ganh tỵ khi thấy bà dành cho cô quá nhiều ưu ái.
Chính nhờ vào những tình cảm nơi gia đình ông bà Mẫn mà Tịnh Phương mới thấy mình được an ủi rất nhiều. Cô thấy nỗi buồn của mình như nhẹ đi nhờ vào sự thương yêu đó. Vì thế, khi nghe Thoại nói bà Mẫn không khỏe, cô đã thấy lòng mình thắt lại như đang lo lắng cho một người thân của mình. Và sự ngần ngại không muốn về nhà tan biến mất ngay khi cô biết được bà Mẫn đang mong mình.
Tịnh Phương nhớ rất rõ, cả tháng nay cô đã không về thăm nhà rồi. Vì thế, tuy không về vì không muốn gặp mặt bà mẹ kế, nhưng thật sự cô rất nhớ thương cha và những người đã thương yêu mình. Ngay cả khung cảnh xung quanh nơi cô lớn lên cũng làm cô mong nhớ rất nhiều.
- Bài vở lúc này có nhiều không hở Phương?
Tiếng Thoại vang lên bên tai làm Phương giật mình, cô vội trả lời:
- Cũng khá nhiều anh ạ!
- Vậy thì em học có khó khăn lắm không?
Tịnh Phương lắc đầu như Thoại đang nhìn thấy:
- Cũng không vất vả gì cho lắm, em chỉ cần cố gắng thêm một chút thì cũng ổn thôi.
- Phương có năng khiếu mà, chắc là cũng ổn thôi.
- Năng khiếu đâu mà năng khiếu, là do em học bài miệt mài đó thôi. Em biết khả năng mình không có bao nhiêu nên cứ phải cố gắng, nếu mà em không chịu khó chắc là em không theo nổi đâu anh Thoại ạ.
Thoại khuyến khích.
- Tại em khiêm tốn nên mới nghĩ thế thôi chứ anh thì cho rằng em sẽ dễ dàng theo học cho đến nơi đến chốn. Mai này em sẽ là một nhà ngoại giao cừ khôi đấy.
Câu nói của Thoại đã làm cho Tịnh Phương biết là anh cũng rất quan tâm đến mình, vì nếu không như thế thì anh làm sao biết được mộng ước của cô?
Thế nhưng tuy cảm động là thế, Tịnh Phương cũng không để lộ cho Thoại biết tâm tư của mình. Cô bật lên tiếng cười reo vui:
- Ngoại giao gì cái thứ em, có mà “ mài dao “ thì có ấy chứ.
Thoại ngớ ra:
- Em nói như vậy là có ý gì?
- Có nghĩa là em chỉ biết ăn thôi chứ ngoại giao cái nỗi gì.
Thoại cũng bật cười trước cách nói chuyện dí dỏm của Tịnh Phương. Anh cũng nói đùa:
- Vậy thì có lẽ em phải kiếm một anh chàng nào đó tình nghuyện nuôi em suốt đời để em chỉ có mỗi việc mài dao mà thôi.
- Chuyện đó coi bộ hơi khó à anh Thoại, chẳng có tên con trai nào mà chịu cưới một cô vợ chỉ biết có ăn mà thôi.Vì vậy, em luôn ở trong tư thế sẵn sàng ở một mình để... ăn.
Thoại lại phá lên cười, tiếng anh lãng đãng trong gió và trong âm vang giọng cười của anh:
- Em đừng lo, nếu không có anh chàng nào chịu cưới em thì anh sẽ lo cho em suốt đời, em chịu không?
Câu nói của Thoại như một tiếng chuông gõ nhẹ vào trái tim nhạy cảm của Tịnh Phương. Cô thấy lòng mình chùng đi mất một nhịp, rồi ngay khi đó, cô lại thấy lửa bùng lên trong trái tim mình. Anh nói thật hay chỉ là những lời nói đùa thế nhỉ? Đừng đùa như thế Thoại ơi, vì đùa như thế anh tàn ác biết bao khi đem trái tim của em ra làm ví dụ. Nhưng nếu anh ấy nói thật thì sao nhỉ? Chẳng lẽ anh ấy cũng đã nhận ra tình cảm của mình dành cho anh ấy rồi hay sao?
Tịnh Phương đột nhiên im lặng khiến Thoại thấy làm lạ. Anh đã nói điều gì để cho Tịnh Phương giận anh rồi hay sao? Thoại không muốn điều đó, vì khi Tịnh Phương mà giận thì cô bé sẽ chẳng nói chuyện gì với anh nữa đâu.
Tìm bàn tay Tịnh Phương đang đặt hờ hững bên hông mình, Thoại siết nhẹ:
- Giận anh hở Phương?
Tịnh Phương lúc lắc đầu hỏi lại:
- Sao anh Thoại lại hỏi thế? Anh có làm gì đâu mà em lại giận anh?
Thoại thở ra thật nhẹ:
- Tại thấy em im lặng lên anh mới tưởng như thế chứ em không giận anh thì tốt quá rồi. Phương này...
- Gì hở anh?
- Em có muốn ghé chợ ăn một chút gì trước khi về nhà không?
Tịnh Phương lắc đầu:
- Không cần đâu anh, em không đói. Em muốn về nhà ngay để coi bác bệnh như thế nào.
Thoại trấn an:
- Chắc là bệnh mẹ anh không đến nỗi nào đâu, Phương ạ. Nhưng mà nhớ em thì chắc là có đấy.
- Vậy thì anh chạy nhanh hơn một chút nữa đi!
Làm theo lời Tịnh Phương, Thoại tăng ga thêm một chút. Chiếc xe chạy nhanh hơn, những luồng gió buổi chiều làm mái tóc Tịnh Phương tung bay. Cô ngồi nép sát vào Thoại thêm tí nữa, một chút ấm áp len nhẹ trong lòng cô.