- Mẹ đi đâu rồi chị Lê?
Nhỏ em gái từ ngoài ngõ chạy vụt vào, cất giọng lảnh lót hỏi. Tôi ném nắm lúa ra xa cho đàn gà con chạy theo tranh ăn, trả lời:
- Hổng biết nữa, chị treo võng đung đưa một hồi thức dậy thấy mẹ mất tiêu.
- Chắc mẹ lại nhà mợ Năm mua sầu riêng cho tụi mình ăn rồi. Hay là em với chị đi bắt hến đi?
Tôi háo hức:
- Đi thì đi. Ơ, mà ai coi nhà đây?
- Đóng cửa lại, có ai ăn trộm ăn cắp gì đâu mà lo.
Hai chị em xuống bếp lấy nồi, rổ rồi xuống bến sông trước nhà. Dòng sông lúc này chỉ còn là một con lạch nhỏ, hai bờ phơi đầy sình đen thui. Hàng dừa nước đứng lặng lẽ trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì, mặc cho những quày trái trĩu nặng muốn sà cả xuống mặt nước. Tôi đưa rổ cào một đường dài, khi giở lên thấy lẫn trong sình là vài chiếc vỏ ốc cùng những con hến nho nhỏ xanh xanh và… một chú thợ rèn xấu số có đôi càng dài ngoằng búng tanh tách.
- Ê, út coi chị được con gì nè?
Nhỏ Ly cười:
- Sao trên Sài Gòn mình mua cả ký tép mà vẫn không thấy thích như ở đây bắt được có một con này chị há?
Tôi đồng tình:
- Ừ, có lẽ tự tay mình bắt được mới vui. Hai chị em mình ráng bắt một nồi hến lên vớt cuốn bánh tráng ăn chơi. Coi thử có ngon bằng hến xúc bánh tráng ở quán… Đo Đo hông?
- Trời, chị nói làm chi mà em đã nghe… nước miếng ứa ngập răng rồi nè.
Chúng tôi cùng cười vang khiến bầy vịt trắng nhà ai đang rúc mỏ sục sạo kiếm thức ăn nơi đống chà nhọn tua tủa chợt giật mình vỗ cánh kêu càm cạp. Còng lưng xúc, đãi, lượm một lúc lâu, tôi quăng rổ lên bãi sình ngồi bẹp xuống thân dừa lão mẹ dùng bắc cầu, nghỉ mệt và đưa mắt nhìn khắp dòng sông đang trải dài chút ánh nắng nhàn nhạt của buổi xế chiều. Hơn mười năm đã trôi qua mà cảnh vật chẳng có phần nào thay đổi. Con sông vẫn uốn lượn quanh co giữa đôi bờ đầy dừa nước, ô rô và những cây bần xanh ngắt. Có khác chăng là nay hiếm có khi nào nước ròng mà cả xóm đổ xuống sông, người bắt hến, kẻ đi mò, đi xúc hay chận sông lại “cản” như những ngày tôi còn thơ dại nữa. Có lẽ bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn nên con tép, con cá nơi dòng sông quê đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì chẳng còn bị ai săn lùng đuổi bắt nữa chăng? Tự dưng tôi bùi ngùi nhớ năm mới mười hai tuổi, đâu thể cầm nổi cái rổ xúc lớn bằng cái thúng giạ để cào hến nên chị Một ở xóm trong đã thương tình cào cho mấy rổ một lúc, đổ lên bờ cho tha hồ ngồi lượm. Chiều đó thế nào mấy mẹ con cũng ăn cơm với hến xào hành, còn nước luộc thì qua tay mẹ, trở thành một nồi canh chua bắp chuối thơm lừng mùi ngò gai, rau om. Ôi, những ngày xưa yêu dấu đó đã thật sự trở thành dĩ vãng rồi ư?...
- Hai đứa làm gì mà ở hoài dưới đó, nước lớn rồi cũng chưa chịu lên sao?
Giọng mẹ vang lên trên bờ khiến tôi giật mình trở về thực tại. Nhỏ Ly dạ một tiếng rõ to rồi ôm nồi rổ lặc lè bám lấy đầu cầu leo lên. Mải suy nghĩ mông lung, tôi chẳng nhận ra nước bắt đầu đứng lại rồi chầm chậm chảy ngược trở vô. Từng dề lục bình ngoài sông Cái cũng theo dòng nước trôi lững lờ trên mặt sông đục ngầu màu phù sa. Và từng hồi, từng hồi tiếng “bịp… bịp… bịp… bìm bịp…” vang lên, khắc khoải…
Đêm trước ngày trở lại Sài Gòn, tôi và nhỏ Ly theo mẹ đi chợ bán hai buồng chuối xiêm và một trái mít thật to. Ba mẹ con quá giang xuồng của dì Hai để tránh cái nhớp nhúa lầy lội của con đường làng mùa mưa. Dì Hai bơi mũi, mẹ bơi lái. Nhỏ Ly ngồi thò tay xuống sông vọc nước một hồi rồi trải áo mưa nằm ngủ khò. Tôi ngồi im nghe tiếng nước chảy róc rách và mái dầm khua nhẹ trong đêm vắng. Chiếc xuồng ba lá cứ mải miết âm thầm rẽ nước lao đi. Gió từ mặt sông hắt lên thật lạnh. Hai bên bờ, hàng trăm con đom đóm lập lòe phát ánh sáng xanh biếc trong màn đêm đen thẫm. Giọng mẹ thật nhẹ:
- Hồi chiều đi đăng ký tạm vắng cho con, chú Chất công an cứ cười hoài, hỏi sao Lê không chịu chuyển hộ khẩu về trên ấy luôn đi để khỏi tạm vắng tạm trú gì nữa hết, lại dễ xin việc làm.
Tôi giãy nảy:
- Thôi, con cứ để hộ khẩu ở đây, vài năm nữa… già rồi con về đây sống, khỏi chuyển tới chuyển lui.
Mẹ thở dài:
- Coi bộ trong tám đứa chỉ có mình cô muốn vậy mà thôi.
- Kệ, vậy con khỏi phải… chia gia tài, cũng khỏi mất công giành giựt với ai cho mệt.
Mẹ im lặng đưa cao mái dầm. Xuồng bắt đầu ra ngoài sông Cái, đã có sóng nên chỉ dám bơi men theo bờ. Ba bề mênh mông nước. Tôi ngước mắt say sưa nhìn bầu trời đen thẫm chi chít những ngôi sao tựa như một tấm thảm dát vàng. Dãy cù lao phía xa xa thấp thoáng ánh đèn điện sáng trưng là minh chứng hùng hồn nhất cho việc “điện khí hóa nông thôn”. Từng dề lục bình dập dềnh trôi trên những lượn sóng nhẹ nhàng trắng xóa. Ngôi đình cổ kính rồi nhà máy chà lúa từ từ lùi lại phía sau. Chợ nổi nơi ngã ba vàm sắp sửa hiện ra trước mắt. Đã nghe xôn xao trong đêm tiếng ghe máy nổ giòn từng tràng hòa trong tiếng kêu gọi í ới. Càng đến gần chợ, tôi càng cảm thấy nôn nao trong lòng, y hệt như đêm nào xa lắc, khi lần đầu tiên được biết thế nào là chợ khuya! Ngần ấy năm xa quê sống nơi phố thị ồn ào nhộn nhịp, quen vô cùng việc ăn… cơm hộp và đi dạo siêu thị để giải sầu, vậy mà cảm giác hồi hộp ngày nào vẫn không hề mất, dường như nó đã âm thầm tồn tại ở một góc con tim, thấm sâu ở một nơi nào đó trong tâm hồn để giờ đây, dịu dàng trỗi dậy, len lỏi chảy trong từng mạch máu…
Cho dù không hề sinh ra ở đây nhưng quả là không uổng phí chút nào khi tôi đã và sẽ mãi mãi chọn miền đất hiền lành này làm quê hương!
15/7/2000