Gần đây, tôi có gặp một doanh nhân vùng Texas, một người đang bừng bừng phẫn nộ. Tôi đã được báo trước rằng chỉ sau 15 phút gặp mặt, thế nào cũng kể hết nỗi bực dọc của mình cho người đối thoại. Quả đúng như thế thật. Mặc dù chuyện đã xảy ra trước đó 11 tháng nhưng ông vẫn chưa nguôi cơn giận. Ông không thể nói về một điều gì khác ngoài điều đó. Ông đã chi cho 34 nhân viên tổng cộng 10.000 đô-la tiền thưởng trong lễ Giáng sinh – tức là xấp xỉ 300 đô-la mỗi người – vậy mà ông không nhận được dù chỉ một lời cảm ơn. Ông cay đắng phàn nàn: “Giờ tôi thấy tiếc từng xu đã thưởng cho họ”.
Khổng tử nói: “Người đang giận dữ thì chứa đầy nọc độc”. Và vị doanh nhân này chứa nhiều nọc đọc đến nỗi tôi cảm thấy ái ngại cho ông. Ông đã 60 tuổi, mà theo tính toán của các công ty bảo hiểm nhân thọ thì những người ở độ tuổi của ông trung bình chỉ sống thêm được 2/3 thời gian tính từ hiện tại cho đến khi 80 tuổi. Vì vậy, nếu may mắn thì ông cũng chỉ còn khoảng 14-15 năm nữa của cuộc đời. Vậy mà ông đã lãng phí gần một năm quý báu ấy vào việc bất mãn và cay cú về một sự kiện đã qua đi từ lâu. Tôi thấy tiếc thay cho ông.
Thay vì bực tức và tủi thân, có lẽ ông nên tự hỏi tại sao mình không nhận được sự cảm kích nào. Có thể ông đã bắt nhân viên làm việc quá sức và trả lượng quá thấp. Có thể họ không coi số tiền ấy là một món quà Giáng sinh mà là phần trả công xứng đáng cho nỗ lực của mình. Có thể ông quá nghiêm khắc và khó gần nên không ai dám hoặc muốn đến nói lời cảm ơn. Có thể họ cho rằng đấy cũng chỉ là một cách ông trốn thuế mà thôi.
Mặc khác, biết đâu những nhân viên ấy là những kẻ ích kỷ, keo kiệt và xấu tính. Có thể thế này. Có thể thế kia. Cả tôi hay các bạn đều không thể biết nguyên nhân là gì. Nhưng tôi biết rằng Tiến sĩ Samuel Johnson đã nói: “Lòng biết ơn là trái ngọt của những tháng ngày dày công vun xới. Không phải ai cũng có được thái độ ấy”.
Đây chính là điều tôi muốn nói với các bạn: vị doanh nhân này đã phạm phải một sai lầm đáng buồn mà con người thường mắc phải, đó là mong đợi được biết ơn. Ông đã không thực sự hiểu rõ bản chất con người.
Nếu cứu sống một người, bạn có mong được hàm ơn không? Có thể là có. Nhưng Samuel Leibowitz – người từng là một luật sư hình sự nổi tiếng trước khi trở thành thẩm phán – thì hoàn toàn không. Ông từng giúp 78 người thoát khỏi cái án ngồi ghế điện! Theo bạn, bao nhiêu trong số này từng nói lời cảm ơn đối với Samuel Leibowitz hoặc nhớ gửi cho ông một tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh? Bao nhiêu người? Bạn thử đoán xem… Bạn đoán đúng rồi đấy – không ai hết.
Chúa Jesus đã chữa khỏi bệnh hủi cho 10 người trong một buổi chiều – nhưng bao nhiêu trong số họ bày tỏ lòng biết ơn với Ngài? Chỉ một mà thôi. Bạn cứ giở Thánh kinh Luke ra kiểm tra xem. Khi Chúa hỏi các môn đệ rằng: “Chín người kia đâu?” thì những kẻ vô ơn ấy đã đi về hết rồi. Đi về mà không có lấy một lời cảm tạ! Cho phép tôi được hỏi câu này: Đến những ân huệ của Chúa Jesus còn bị đối xử như vậy thì bạn và tôi – cùng vị doanh nhân vùng Texas kia – sao có thể mong mỏi rằng những giúp đỡ nhỏ bé của mình sẽ nhận được thái độ cảm kích xứng đáng?
Nhất là khi liên quan đến vấn đề tiền bạc thì điều này lại càng trở nên không tưởng. Charles Schwab(47) kể cho tôi nghe rằng có lần ông đã bỏ tiền ra để giúp một thủ quỷ ngân hàng khỏi phải vào tù vì tội lấy tiền của nhà băng đem đầu tư vào thị trường chứng khoán. Người thủ quỹ ấy có biết ơn Charles không? Ồ! Tất nhiên là có rồi, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Sau này anh ta đã trở mặt, sỉ nhục và lăng mạ ông – sỉ nhục và lăng mạ chính con người đã giúp anh ta không phải ngồi nhà đá!
Nếu cho một người họ hàng một triệu đô-la, bạn có mong anh ta sẽ cảm kích không? Andrew Carnegie(48) đã làm thế. Nhưng nếu bây giờ sống lại hẳn ông sẽ sửng sốt nhận ra mình đang bị chính người họ hàng ấy sỉ vả thậm tệ! Tại sao? Tại vì “lão già Andy” đã quyên góp 365 triệu đô-la cho quỹ từ thiện và “chỉ để lại cho anh ta một triệu đô-la vô tích sự, chẳng thấm vào đâu” – theo như anh ta nói.
Cuộc đời là như thế. Con người vẫn là con người – và có lẽ điều này sẽ chẳng có gì thay đổi trong thời đại của chúng ta. Vậy thì tại sao chúng ta không chấp nhận nó? Tại sao không suy nghĩ một cách thực tế như ông già Marcus Aurelius, một trong những người lãnh đạo khôn ngoan nhất của Đế chế La Mã. Ông đã viết trong nhật ký rằng: “Hôm nay ta sẽ lại gặp những kẻ nói nhiều, ích kỷ, tự cao tự đại và vô ơn. Nhưng ta sẽ không ngạc nhiên hay bực dọc, bởi ta không thể tưởng tượng nổi thế giới này sẽ như thế nào nếu thiếu những loại người như thế”.
Đấy là một thực tế phải không nào? Nếu bạn và tôi cứ cố chấp căn nhằn về sự vô ơn thì ai mới là kẻ đáng phê phán đây? Bản tính con người, vốn ích kỷ và vô ơn – hay thái độ không đếm xỉa đến bản tính con ngươi của chúng ta? Vì vậy, đừng trông gặp được thái độ biết ơn, chúng ta mới có cảm giác ngạc nhiên thú vị và hạnh phúc. Nếu gặp tình huống ngược lại, thì chúng ta cũng sẽ không phải bực mình, tức giận.
Đó chính là điều đầu tiên tôi muốn bạn lưu ý: Bản tính con người vốn ích kỷ và vô ơn. Nếu chúng ta cứ cố chấp, đòi hỏi thái độ biết ơn thì chúng ta chỉ tự chuốc lấy bực dọc và đau khổ cho mình.
Tôi biết một phụ nữ ở New York, một người luôn than vãn rằng mình rất cô đơn. Không một người thân nào muốn ở gần bà – và tôi cũng chẳng ngạc nhiên gì về điều ấy. Nếu bạn đến thăm bà, bà sẽ kể lể hàng giờ về công lao dưỡng dục của mình với hai cô cháu gái khi họ còn nhỏ; bà đã chăm sóc hai cô khi họ bị ho, lên sởi và quai bị; bà đã nuôi nấng họ bao nhiêu năm trời; đã lo cho một người vào học ở trường kinh doanh, đã che chở người kia cho đến tận khi cô ấy đi lấy chồng.
Các cháu gái có đến thăm bà không? Tất nhiên là có, thỉnh thoảng thôi, theo bổn phận. Nhưng họ sợ chết khiếp những cuộc viếng thăm ấy. Họ biết rằng mình sẽ phải ngồi nghe hàng giờ liền những lời trách móc bóng gió. Họ sẽ được thết đãi bằng hàng tràng những lời phàn nàn chua cay không ngớt và những tiếng thở dài não ruột. Rồi đến khi không thể dọa nạt, ép buộc các cháu gái đến thăm mình, bà bỗng lên một cơn đau tim. Liệu có phải bà bị đau tim không? Ồ, có chứ. Bác sĩ đã nói bà: “có một quả tim rất dễ bị kích động” và đập rất nhanh. Nhưng bác sĩ cũng nói rằng họ không thể làm gì được trong trường hợp của bà – rắc rối của bà là vấn đề tình cảm.
Điều bà thực sự cần là tình yêu và sự quan tâm. Nhưng bà lại nhầm lẫn gọi là sự biết ơn. Và bà sẽ không bao giờ nhận được sự biết ơn hay tình yêu bởi vì bà luôn đòi hỏi nó. Bà nghĩ rằng đó là những gì mình đáng được hưởng.
Có hàng ngàn người như người phụ nữ này, phiền muộn vì cảm thấy mình bị cô đơn, hắt hủi và là nạn nhân của thói vô ơn. Họ mong muốn được yêu thương; nhưng họ không biết rằng cách duy nhất để nhận được tình yêu thương trên thế giới này là cho đi tình yêu mà không đòi hỏi được đền đáp.
Nghe có vẻ là một triết lý của chủ nghĩa lý tưởng hão huyền, viển vông chăng? Không đâu. Đây là một điều rất hiển nhiên, là con đường tốt nhất dẫn chúng ta đến với hạnh phúc mà mình hằng khao khát. Tôi hiểu điều này bởi tôi đã tận mắt chứng kiến điều kỳ diệu đó trong gia đình mình. Cha mẹ tôi vẫn lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho bản thân. Chúng tôi sống nghèo khổ - lúc nào cũng trong cảnh nợ nần. Nhưng dù nghèo đến đâu, hàng năm cha mẹ vẫn gửi tiền tới một trại trẻ mồ côi mang tên Nhà Tình thương ở Hội đồng Bluffs, Iowa. Cả hai ông bà vẫn chưa một lần đặt chân đến đấy và có lẽ cha mẹ tôi cũng không nhận được hình thức cảm ơn nào khác ngoài những bức thư. Nhưng hai người đã được đền đáp xứng đáng bằng niềm vui dạt dào từ việc giúp đỡ trẻ nhỏ - mà không mong được đáp đền hay cảm tạ.
Khi trưởng thành và sống xa gia đình, tôi luôn gửi về nhà một tấm séc vào dịp Giáng sinh, giục cha mẹ đi mua sắm những gì họ thích. Nhưng chẳng mấy khi hai người làm thế. Khi tôi trở về nhà vào mấy ngày trước lễ Giáng sinh, cha sẽ lại kể cho tôi nghe về đống than đá và đồ tạp phẩm đã mua tặng một góa phụ nào đó trong thị trấn, người có một đàn con nheo nhóc mà chẳng biết kiếm đâu ra tiền để mua thức ăn và chất đốt. Hai người đã vui sướng biết bao vì có thể đem tặng những món quà ấy – niềm vui của việc cho đi mà không cần được nhận lại bất cứ thứ gì!
Tôi tin rằng cha tôi có lẽ đã đáp ứng được gần hết những chuẩn mực mà Aristotle đề ra cho một con người lý tưởng – người đáng được hưởng hạnh phúc nhất: “Con người lý tưởng là người luôn lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho mình”.
Và đây chính là điểm thứ hai tôi muốn bạn quan tâm: Nếu muốn tìm thấy hạnh phúc thì đừng băn khoăn xem mình có được biết ơn hay không mà hãy cho đi và tận hưởng niềm vui từ chính việc cho đi ấy.
Suốt mười nghìn năm nay, các ông bố bà mẹ vẫn luôn vò đầu bứt tai về thái độ vô ơn của con cái.
Ngay đến bậc vua chúa, như vua Lear của Shakespeare, cũng kêu lên: “Thà bị rắn độc cắn còn hơn có một đứa con vô ơn bạc bẽo!”
Nhưng làm sao bọn trẻ có thái độ biết ơn nếu ta không dạy dỗ chúng? Sự vô ơn là một phần của tự nhiên – cũng giống như cỏ dại. Còn thái độ biết ơn là hoa hồng – cần được vun trồng, nuôi dưỡng, nâng niu và bảo vệ.
Nếu con trẻ vô ơn, ai là người có lỗi? Có lẽ chính là người lớn chúng ta. Nếu chúng ta chưa bao giờ dạy cho chúng lòng biết ơn người khác thì sao lại mong chúng sẽ tỏ lòng biết ơn với mình?
Tôi có quen một người ở Chicago, người có lý do chính đáng để phàn nàn về thái độ vô ơn từ những đứa con riêng của vợ. Ông làm việc quần quật trong một nhà máy đóng hộp với tiền công chẳng mấy khi vượt quá 40 đô-la một tuần. Rồi ông kết hôn với một quả phụ, và bà đã thuyết phục ông vay thêm tiền để nuôi hai đứa con trai lớn của bà học đại học. Ông phải dựa vào đồng lương ít ỏi của mình để trả tiền thức ăn, tiền thuê nhà, tiền khí đốt, tiền quần áo và cả số lãi vay nữa. Đã như thế suốt 4 năm nay, ông làm việc như một cu li và chưa bao giờ phàn nàn tới nửa lời.
Vậy mà ông có nhận được lời cảm ơn nào không? Không hề, vợ ông cho đó là đương nhiên – cả hai đứa con của bà cũng vậy. Chúng chưa bao giờ nghĩ rằng mình đang nợ cha dượng một thứ gì – cả một lời cảm ơn cũng không!
Ai là người đáng trách? Những đứa con? Đúng thế; nhưng bà mẹ còn đáng trách hơn. Bà cảm thấy có lỗi nếu khiến những năm tháng tuổi trẻ của các con phải trĩu xuống dưới gánh nặng của “ý thức về bổn phận”. Bà không muốn chúng có “cảm giác phải mang nợ”. Vậy là bà chẳng bao giờ đoái hoài tới việc dạy bảo rằng: “Dượng của các con là một người thật đáng kính vì đã nuôi cả hai đứa học đại học!”. Thay vào đó, bà giữ cái thái độ: “Ôi dào, ít ra ông ấy cũng phải làm được như thế chứ”.
Bà nghĩ mình đang giúp các con được sống thảnh thơi, nhưng thực ra, bà đang đẩy chúng bước vào đời với một quan điểm rất nguy hiểm rằng cuộc đời mắc nợ chúng. Và đúng là như thế. Bởi một trong hai người này đã cố “mượn” tiền của ông chủ và rồi kết cục phải ở tù!
Chúng ta phải nhớ rằng bản tính con trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách ta uốn nắn chúng. Chẳng hạn, em gái của mẹ tôi – dì Viola Alexander, ở Minneapolis – là một ví dụ điển hình về một người mẹ không bao giờ phải phàn nàn về “thái độ vô ơn” của các con. Hồi tôi còn nhỏ, dì Viola đã đưa mẹ đẻ về nhà để phụng dưỡng, và dì cũng làm như thế với mẹ chồng. Giờ đây tôi nhắm mắt lại vẫn có thể thấy hình ảnh hai người mẹ già cùng ngồi trước lò sưởi trong căn nhà giữa nông trang của dì. Có bao giờ họ làm dì mệt mỏi không? Tôi cho là có. Nhưng bạn sẽ không bao giờ nhận ta điều này trong thái độ của dì. Dì thực sự yêu thương họ - vì thế dì chiều lòng họ, chiều theo những yêu cầu phiền hà của người già và khiến họ cảm thấy như được sống trong gia đình. Đấy là chưa kể đến việc gì Viola còn có 6 đứa con cần phải chăm sóc; nhưng chưa bao giờ dì nghĩ rằng mình đang làm một công việc cao cả, rằng mình đáng được hưởng vầng hào quang rực rỡ bởi đã đưa cả hai người mẹ già về phụng dưỡng. Đối với dì, đó là một điều hết sức tự nhiên, một điều hợp đạo lý mà dì muốn làm.
Dì Viola hiện này như thế nào? Dì đã là một quả phụ hơn 20 năm sau khi dượng tôi qua đời; những người con của dì đã trưởng thành và có gia đình riêng mà vẫn luôn đòi được chăm sóc và đưa mẹ về nhà mình ở! Họ yêu quý dì; không bao giờ họ cảm thấy mệt nỏi vì dì. Có phải đó là lòng biết ơn không? Vớ vẩn! Đó là tình yêu – chỉ tình yêu mà thôi. Khi còn bé, họ đã được sống trong bầu không khí ấm áp, tràn ngập yêu thương, nên giờ đây, đâu có gì phải ngạc nhiên khi mọi thứ đảo lại trật tự, chính họ lại tạo ra bầu không khí yêu thương ấy?
Vì vậy, chúng ta hãy ghi nhớ rằng để nuôi nấng con cái thành những người có lòng biết ơn thì cha mẹ cũng phải như thế. Hãy nhớ rằng “trẻ con hay nghe lỏm” – nên hãy chú ý những lời nói của mình. Nếu lúc nào đó, chúng ta đang có biểu hiện coi nhẹ lòng tốt của người khác ngay trước mắt bọn trẻ thì hãy bảo mình dừng lại ngay. Đừng bao giờ nói những câu đại loại như: “Nhìn vào những chiếc khăn lau bát bác Sue gửi làm quà Giáng sinh này. Bác ấy đã tự đan đấy. Vậy là không tốn một đồng nào!”. Những lời nói ấy có thể chẳng có ngụ ý gì đối với chúng ta – nhưng bọn trẻ đang nghe đấy. Vì vậy, thay vào đó chúng ta nên nói: “Thử nghĩ mà xem, bác Sue đã phải tốn bao nhiêu thời gian để làm những món quà Giáng sinh này! Bác ấy tốt quá! Chúng ta hãy viết thư cảm ơn bác ấy ngay đi thôi!”. Như thế, con bạn có thể tự nhiên hình thành thói quen biết trân trọng và khen ngợi người khác.
Để không phải bất mãn và lo lắng về thái độ vô ơn, bạn hãy ghi nhớ Nguyên tắc 3:
1/ Thay vì phẫn nộ về thái độ vô ơn, hãy chấp nhận đó là một điều bình thường.
2/ Hãy nhớ rằng cách duy nhất để có thể tìm thấy hạnh phúc là đừng mong đợi được biết ơn mà hãy cứ cho đi và vui hưởng niềm hạnh phúc từ việc làm ấy.
3/ “Lòng biết ơn là trái ngọt cần vun trồng”. Vì vậy, nếu muốn con cái có thái độ biết ơn thì chúng ta phải dạy bảo chúng bằng chính hành động và thái độ của mình.