Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống

Chương 13: Chấm dứt việc trả đũa

Khi oán ghét kẻ thù nghĩa là ta đang cho chúng khả năng chi phối bản thân ta, chi phối giấc ngủ, bữa ăn, huyết áp, sức khỏe cũng như hạnh phúc của ta. Nhưng đối thủ của chúng ta hẳn sẽ nhảy lên vui sướng nếu biết rằng họ đang làm chúng ta lo lắng, đau khổ và cay cú như thế nào! Sự oán ghét của ta chẳng mảy may làm họ tổn thương mà chỉ khiến cho cuộc sống của ta trở thành những chuỗi ngày khốn khổ.

Theo bạn, ai là người đã nói những lời lẽ sau: “Nếu có kẻ ích kỷ nào đó tìm cách lợi dụng bạn, hãy xóa tên hẳn ra khỏi danh sách bạn bè của mình, nhưng đừng cố trả đũa; bởi khi muốn trả đũa kẻ thù, bạn sẽ làm tổn thương chính mình hơn là làm tổn thương hắn?”.

Nghe như phát ngôn của một người theo chủ nghĩa lý tưởng nào đó phải không? Không đâu, đó là một đoạn trích từ một bản thông cáo của Sở cảnh sát Milwaukee. Chắc rằng họ đã chứng kiến quá nhiều sự mất mát của những người từng ôm ấp và tiến hành các vụ trả thù nên mới đúc kết ra những lời khôn ngoan như vậy.

Cố gắng trả thù có thể làm tổn hại đến bạn theo những cách nào? Theo tạp chí Life, ngoài biết bao khổ sở về tinh thần, nó thậm chí còn có thể hủy hoại sức khỏe của bạn. Tác giả bài báo ấy viết: “Nét đặc trưng của những người mắc chứng huyết áp là rất hay tức giận. Khi một người thường xuyên có cảm giác giận dữ, tâm trạng đó sẽ kéo theo bệnh cao huyết áp và trở thành bệnh tim mãn tính”.

 Bởi vậy, có thể thấy rằng khi nói: “Hãy yêu thương kẻ thù của mình”, Chúa Jesus không chỉ đơn thuần thuyết giảng đạo lý mà còn đưa ra một phương thuốc cần thiết cho loài người. Lời khuyên: “Hãy tha thứ” của Chúa chính là lời chỉ dạy giúp chúng ta tránh bị cao huyết áp, tim mạch, loét dạ dày và nhiều căn bệnh đau đớn khác.

Gần đây, một người bạn của tôi đã lên một cơn đau tim nguy kịch. Bác sĩ đã yêu cầu cô phải nằm nghỉ và không được tức giận dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Các bác sĩ biết rằng nếu bạn yếu tim thì chỉ cần một cơn giận dữ cũng có thể giết bạn. Mà không phải chỉ là có thể! Cách đây vài năm, một cơn giận dữ đã giết chết một chủ nhà hàng ở Spokane, Washington. Trên bàn tôi giờ vẫn còn lá thư của Jerry Swartout, cảnh sát trưởng ở Spokane Washington, trong đó nói rằng: “Vài năm trước, William Falkaber, ông chủ 68 tuổi của một quán cà phê ở Spokane đã tự giết mình bằng một cơn thịnh nộ chỉ vì đầu bếp của ông một mực đòi uống cà phê bằng dĩa chứ không dùng cốc. Người chủ quán này đã phẫn nộ đến mức chụp lấy khẩu súng lục và đuổi theo người đầu bếp rồi ngã xuống đột tử sau một cơn đau tim – tay vẫn nắm chặt khẩu súng. Báo cáo giám định pháp y cho biết chính cơn giận dữ là nguyên nhân của cơn đau tim đó”.

Khi nói: “Hãy yêu thương kẻ thù của mình”, Chúa Jesus cũng đồng thời dạy chúng ta cách làm cho dụng mạo của mình đẹp hơn. Tôi biết có những người mặt xếp đầy nếp nhăn và đanh lại vì oán ghét hay trở nên méo mó vì căm giận. Tất cả những cuộc giải phẩu thẩm mỹ cũng chẳng mang lại hiệu quả cho vẻ đẹp của chúng ta bằng một nửa so với những gì mà một trái tim bao dung, dịu dàng và yêu thương có thể mang lại.

Sự oán ghét còn khiến chúng ta ăn không biết ngon. Nói như Kinh Thánh thì: “Một bữa tối chỉ có rau cỏ nhưng dạt dào tình yêu thương còn ngon hơn bữa tối với thịt bò béo ngậy nhưng chất chứa oán thù”.

Có lẽ nào kẻ thù của chúng ta lại không xoa tay hả hê nếu biết được rằng lòng oán ghét họ đang dần làm ta kiệt sức, mệt mỏi, căng thẳng, khiến nhan sắc ta tàn phai hay làm cho ta mắc bệnh tim mạch và có nguy cơ bị tổn thọ?

Nếu không yêu thương được kẻ thù thì ít nhất chúng ta cũng nên thương chính mình. Hãy yêu bản thân đủ nhiều để kẻ thù không thể chi phối niềm vui, sức khỏe và dung nhan của bạn. Shakeppeare từng nói:

Nóng nảy chẳng làm kẻ thù của bạn bị thiêu đốt

Mà chỉ làm mỗi bạn bị thiêu đốt mà thôi.

Khi khuyên chúng ta nên tha thứ cho kẻ thù, Jesus còn chỉ cho chúng ta cách làm việc. Chẳng hạn, khi đang viết những dòng này, trước mắt tôi là một lá thư của một người có tên là George Rona ở Uppsala, Thụy Điển. George là luật sư nhiều năm ở Vienna nhưng trong Thế chiến thứ hai, anh buộc phải chạy trốn sang Thụy Điển. Tại đó, không một xu dính túi, George cần việc làm vô cùng. Với khả năng nói và viết được nhiều ngôn ngữ, anh hy vọng sẽ xin được vị trí một nhân viên giao dịch thư từ tại các công ty xuất nhập khẩu. Nhưng hầu hết các công ty đều trả lời rằng họ tạm thời không cần tuyển vị trí ấy trong thời buổi chiến tranh, và họ sẽ lưu hồ sơ của anh lại để khi cần thì thông báo, v.v Tuy nhiên, có một người đã viết cho George một lá thư với nội dung sau: “Những gì anh hình dung về công ty chúng tôi chẳng đúng chút nào. Anh vừa thật sai lầm vừa rất ngớ ngẩn. Tôi không cần bất cứ một nhân viên giao dich thư từ nào cả. Mà dù có cần, tôi cũng chẳng thuê anh, bởi ngay đến việc viết tiếng Thụy Điển cho ra hồn anh còn không làm nổi. Lá thư anh gửi cho tôi toàn lỗi”.

Khi đọc lá thư này, George Roma phát điên lên như Vịt Donald. Gã Thụy Điển này có ý gì khi nói anh không viết nổi tiếng Thụy Điển trong khi lá thư do chính gã viết cũng mắc đầy lỗi! George Roma lập tức viết một lá thư nhằm chọc cho ông ta tức điên lên. Sau đó, anh dừng lại, tự nhủ: “Khoan đã. Làm sao mình biết được ông ấy không đúng? Mình đã học tiếng Thụy Điển, nhưng đó đâu phải là tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy nhỡ mình mắc lỗi mà không biết thì sao. Nếu vậy mình cần phải chăm chỉ học tiếng hơn nữa mới mong kiếm được việc làm. Có thể ông ấy đã giúp mình dẫu rằng không có ý định làm thế. Dù lá thư từ chối này có khó chịu đến đâu thì cũng không thay đổi được sự thực là mình mang ơn ông ấy. Do đó, mình sẽ viết thư cảm ơn ông ấy vì những gì ông ấy đã làm cho mình”.

Nghĩ vậy, George Rona liền xé bức thư đầy những lời lẽ xúc phạm đang viết dở và viết một bức khác, nói rằng: “Ngài thật tốt khi đã dành thời gian chỉ ra những thiếu sót trong lá thư của tôi, nhất là khi ngài lại không cần tuyển nhân viên. Tôi rất tiếc vì đã nhầm lẫn về quý công ty nhưng trước khi viết cho ngài, tôi thực sự đã đi hỏi thăm và được biết công ty của Ngài là công ty hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tôi không hề biết rằng mình đã mắc nhiều lỗi ngữ pháp trong thư. Từ giờ, tôi sẽ siêng năng học tiếng Thụy Điển hơn nữa để cố gắng sửa chữa những lỗi của mình. Tôi muốn cảm ơn ngài vì đã giúp tôi trong bước đầu tự hoàn thiện bản thân”.

Chỉ sau vài ngày, George Rona đã nhận được một lá thư hồi âm từ người đàn ông Thụy Điển đó, mời anh đến gặp. Rona đã đến – và được nhận vào làm việc. George Rona đã tự nghiệm ra rằng: “một câu trả lời mềm mỏng sẽ xóa bỏ hết sự phẫn nộ”.

Có thể chúng ta không đủ thánh thiện tới mức yêu thương kẻ thù những ít nhất hãy vì sức khỏe và hạnh phúc của bản thân mà tha thứ và bỏ qua cho họ.  Đó là việc làm khôn ngoan. Khổng Tử có câu: “Bị hại hay cướp thì có nghĩa lý gì, trừ khi ta cứ nhớ mãi về nó”. Có lần tôi hỏi John, con trai Tướng Eisenhower rằng cha ông có bao giờ để những chuyện tức tối trong lòng không. John trả lời: “Không bao giờ. Cha tôi chẳng phí thời gian để nghĩ đến những người mà ông không thích”.

Ngạn ngữ có câu: “Kẻ không biết nổi giận là kẻ dại, người không muốn nổi giận là người khôn”.

Đó cũng chính là phương châm sống của William J. Gaynor, nguyên Thị trưởng thành phố New York. Không chỉ bị báo chí của phe đối lập công kích phỉ bang, ông còn bị một kẻ quá khích tấn công bằng súng và suýt thiệt mạng. Trong thời gian ở bênh viện, chiến đấu giành giật lại sự sống từ tay tử thần, ông nói: “Mỗi đêm, tôi đều tha thứ cho mọi người và mọi việc”. Nghe có vẻ không tưởng ư? Nếu vậy, hãy tham khảo ý kiến của của Schopenhauer, nhà triết học vĩ đại người Đức đồng thời là tác giả quyển Studies in Pessimism (Những nghiên cứu về chủ nghĩa bi quan). Schopenhauer nhìn cuộc đời như một cuộc phiêu lưu phù phiếm và đầy đau khổ. Tuy nhiên, tận sâu trong nỗi niềm chán nãn của mình, ông vẫn thốt lên: “Giá mà con người không biết hận thù”.

Có lần tôi đã hỏi Bernard Baruch – cố vấn thân tín của 6 đời Tổng thống: Wilson, Harding, Goolidge, Hoover, Roosevelt và Truman rằng đã bao giờ ông cảm thấy khó chịu bởi những lần công kích của các đối thủ chưa. Ông trả lời: “Không bao giờ, không người nào có thể hạ nhục hay làm phiền tôi. Tôi sẽ không cho phép bất cứ ai làm điều đó”.

Và cũng không ai có thể hạ nhục hay làm phiền bạn và tôi – trừ khi chúng ta cho họ cơ hội làm điều ấy.

Gậy và đá có thể làm gãy xương tôi.

Nhưng chẳng lời nói nào có thể làm tổn thương tôi.

Bao đời nay, người ta vẫn thắp nến thành kính trước những con người thánh thiện và chẳng bao giờ biết đến trả thù như Chúa Jesus. Tôi thường đứng trong công viên Quốc gia Jasper ở Canada để ngước mắt chiêm ngưỡng một ngọn núi đẹp vào loại bậc nhất phương Tây – ngọn núi được vinh dự mang tên Edith Cavell, nữ y tá người Anh đã chết như một vị thánh sau khi bị quân Đức kết án hỏa thiêu vào ngày 12 tháng 10 năm 1915. Vì tội gì ư? Bà đã nuôi giấu và chữa trị vết thương cho những lính Anh và Pháp ngay trong ngôi nhà tại Bỉ của mình rồi giúp họ chạy trốn sang Hà Lan. Buổi sáng tháng Mười ấy, khi những giáo sĩ người Anh đến nhà tù quân đội ở Brussels để làm lễ cầu nguyện cho bà trước khi bà bị đem ra giàn hỏa thiêu, Edith Cavell đã thốt ra hai câu nói vẫn còn được lưu truyền đến tận ngày nay trên bảng đồng và đá hoa cương: “Tôi nhận ra rằng chỉ yêu nước thôi thì chưa đủ. Tôi còn phải từ bỏ lòng oán giận hay thù ghét bất cứ ai”. Bốn năm sau khi Edith Cavell qua đời, thi thể của bà được chuyển đến Anh và được mai táng trang trọng tại Tu viện Westminster. Tôi từng có thời gian một năm sống ở London. Suốt thời gian ấy, tôi thường đến trước bức tượng tưởng niệm bà, đặt đối diện với Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia, và đọc lại những lời nói bất hủ được khắc trên tấm bia đá hoa cương: “Tôi nhận ra rằng chỉ yêu nước thôi thì chưa đủ. Tôi còn phải từ bỏ lòng oán giận hay thù ghét bất cứ ai”.

Một cách để tha thứ và quên đi kẻ thù của mình là dồn hết tâm sức cho mục tiêu cao cả hơn chính bản thân mình. Khi đó, những lời lăng mạ hay sự thù hằn không còn quan trọng nữa bởi chúng ta sẽ chẳng chú ý đến cái gì khác ngoài mục tiêu cao cả của mình. Hãy lấy sự kiện chấn động xảy ra trong những cánh rừng thông ở Mississipi năm 1918 làm ví dụ. Một vụ hành hình kiểu lin-sơn(45)! Laurence Jones, một giáo viên cũng là nhà truyền giáo người da đen đã suýt bị hành hình theo kiểu đó. Vài năm trước, tôi có ghé thăm và phát biểu trước các sinh viên của ngôi trường do Laurence thành lập – trường Piney Woods Country. Ngày nay, ngôi trường đã nổi tiếng cả nước nhưng sự việc mà tôi sắp kể sau đây xảy ra rất lâu trước đó. Chuyện xảy ra vào thời cao điểm của Thế chiến thứ nhất. Có tin đồn khắp miền Trung Mississipi rằng quân Đức đang kích động và xúi giục người da đen nổi loạn. Laurence Jones bị tố cáo có tham gia vào âm mưu ấy. Trong lúc dừng chân trước cửa nhà thờ, một nhóm người da trắng đã nghe thấy tiếng Laurence Jones nói lớn trước giáo đoàn rằng: “Cuộc sống là một cuộc chiến trong đó mỗi người da đen phải luôn sẵn sàng áo giáp sắt để tranh đấu cho sự tồn tại và thành công của mình”.

“Cuộc chiến”, “Áo giáp sắt”! Thế là đủ! Những thanh niên quá khích tức tốc phóng ngựa suốt đêm, gọi thêm một nhóm người khá đông rồi quay trở lại nhà thờ, bắt trói nhà truyền giáo và kéo lê ông suốt một dặm đường, rồi treo ông lên giá đựng trên một đống củi, chuẩn bị thiêu sống ông. Nhưng đúng lúc que diêm được bật lên thì có tiếng ai đó la to: “Hãy để cho ông ta nói rõ mọi chuyện rồi hãy thiêu. Nói đi! Nói đi!”. Laurence Jones lúc đó đang đứng trong đống củi với sợ dây trói quanh cổ đã lên tiếng vì cuộc sống và mục tiêu cao cả của mình. Ông tốt nghiệp Đại học Iowa năm 1907. Phẩm chất đáng quý, học vấn và khả năng âm nhạc của ông đã khiến cho các giáo sư và sinh viên trong khoa đều yêu mến. Tốt nghiệp xong, ông đã bỏ qua lời đề nghị giúp thành lập công ty riêng từ một chủ khách sạn, cũng từ chối luôn hảo ý của một doanh nhân giàu có muốn tài trợ cho ông đi học nhạc. Tại sao ư? Bởi trong ông đã ấp ủ một ước mơ cháy bỏng khác. Chính câu chuyện về cuộc đời của Booker T. Washington(46) mà ông đọc được đã thôi thúc ông quyết tâm cống hiến cả đời cho việc giáo dục những người nghèo khổ và mù chữ thuộc chủng tộc của mình. Ông đã tìm đến vùng đất lạc hậu nhất ở miền Nam – một nơi cách vùng phía nam của Jackson, Mississipi 40 cây số. Ông cầm cố chiếc đồng hồ của mình được 1,65 đô-la để lấy tiền mở một ngôi trường trong khu rừng với những gốc cây làm bàn học. Laurence Jones đã kể cho những người da trắng đang vô cùng tức giận và sẵn sàng hành hình mình về chuyện ông đã đấu tranh thế nào để dạy dỗ những cô bé thất học nơi đây, để chúng trở thành những nông dân, kỹ sư, những đầu bếp và bà nội trợ tốt trong tương lai. Ông cũng kể về những người da trắng đã giúp ông xoay xở để thành lập trường Piney Woods – họ đã hỗ trợ ông đất, gỗ, lợn, bò, và tiền bạc để ông tiến hành công việc giảng dạy của mình.

Sau này, khi được hỏi ông có ghét những người đã kéo lê và đòi thiêu sống mình hay không, ông trả lời rằng lúc ấy ông quá mải mê với mục đích của mình -  mải mê dồn hết tâm sức vào điều còn lớn lao hơn cả bản thân mình nên chẳng còn thời gian mà thù ghét ai. Ông nói: “Tôi không có thời gian để cãi cọ, không có thời gian để hối tiếc, và không ai có thể ép tôi hạ mình mà ghét họ”.

Thấy Laurence Jones nói chuyện với vẻ chân thành và cảm động, hơn nữa còn không màng đến tính mạng để kêu gọi cho mục đích cao cả của mình, nhóm người da trắng bắt đầu nguôi giận. Cuối cùng, một cựu chiến binh già của quân Ly khai đứng trong đám đông đã lên tiếng: “Tôi tin cậu ta đang nói sự thật. Tôi biết những người da trắng mà cậu ta vừa kể. Cậu ta đang làm một việc tốt. Chúng ta đã nhầm lẫn rồi. Chúng ta nên giúp thay vì thiêu sống cậu ta”. Người cựu chiến bình già liền chuyền mũ của mình qua đám đông và quyên góp được 52,4 đô-la từ chính những người trước đó hò hét đòi thiêu sống người sáng lập ra ngôi trường Piney Woods County – người đã nói rằng: “Tôi không có thời gian để cãi cọ, không có thời gian để hối tiếc, và không ai có thể ép tôi hạ mình mà ghét họ”.

Cách đây 19 thế kỷ, Epictetus cũng đã chỉ ra rằng chúng ta gieo gì thì sẽ gặt nấy và ở một mức độ nào đó, những ai gieo gió ắt phải gặt bão. Epictetus nói: “Về lâu dài, mỗi cá nhân đều phải trả giá cho những tội ác của mình. Người nào ghi nhớ điều này sẽ không nổi giận với bất kỳ ai, không căm giận ai, không gây thù chuốc oán với ai, không đổ lỗi cho ai, không oán ghét ai”.

Có thể không người nào trong lịch sử nước Mỹ từng bị lên án, ghét bỏ và chỉ trích nhiều hơn Lincoln. Ấy thế mà theo như lời kể trong quyển tiểu sử kinh điển của Herndon viết về Tổng thống, “Lincoln không bao giờ phán xét bất kỳ ai chỉ dựa trên cảm xúc yêu ghét của mình. Nếu có một công việc cần giao phó thì ông luôn tin rằng những người đối địch với mình cũng có khả năng đảm nhiệm nó như bất kỳ ai. Bất kể người đó là bạn hay kẻ đã bôi nhọ và có hằn thù cá nhân với mình, Lincoln vẫn không ngại ngần cất nhắc – miễn là họ phù hợp với vị trí công việc … Tôi không nghĩ ông từng bãi chức ai đó chỉ vì không thích họ vì họ là kẻ thù của ông”.

Lincoln đã từng bị lên án và lăng mạ bởi một số người dó chính ông cất nhắc lên những vị trí cao như McClellan, Seward, Stanton và Chase. Nhưng ông vẫn tin rằng: “Không thể tán tụng một người nào chỉ vì những gì anh ta đã làm; hay khiển trách anh ta chỉ vì những việc anh ta làm hoặc không làm”, bởi “tất cả chúng ta đều là sản phẩm của điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, thói quen hàng ngày và những lề thói đã tạo ra con người như từ xưa đến nay và mãi mãi về sau”.

Tôi tin Lincoln nói đúng. Nếu bạn và tôi cũng được thừa hưởng một kiểu thể chất, tinh thần và những tính cách, cảm xúc như kẻ thù của mình, nếu cuộc đời cũng cho chúng ta và họ những thứ giống hệt nhau thì hẳn chúng ta sẽ cư xử hoàn toàn giống họ. Chúng ta chẳng thể làm khác được. Cần phải đủ thành tâm cất lên lời cầu nguyện của những người da đỏ vùng Sioux: “Cầu xin Linh hồn vĩ đại hãy giữ cho con khỏi phán xét và chỉ trách người khác chừng nào con chưa ở trong hoàn cảnh của người đó được hai tuần”. Vì vậy, thay vì oán ghét kẻ thù, ta hãy thương hại họ và cảm ơn Chúa vì đã không biến ta thành người như họ. Thay vì nuôi dưỡng mối hằn thù và chỉ trích, hãy tỏ lòng cảm thông và thấu hiểu đối với họ, hãy giúp đỡ, tha thứ và cầu nguyện cho họ.

Tôi được nuôi dạy trong một gia đình có thói quen hằng đêm đều đọc Kinh thánh hoặc một đoạn Thánh thư rồi quỳ xuống thì thầm “lời cầu nguyện của gia đình”. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cha trong trang trại vắng vẻ ở Missiouri, nhắc lại lời Chúa Jesus – những lời sẽ còn tồn tại mãi cùng với lý tưởng nhân ái của con người : “Hãy yêu thương kẻ thù của mình, chúc phúc cho những ai đã nguyền rủa mình, làm việc thiện cho những ai ghét mình, hãy cầu nguyện cho những người gây hiềm khích và ngược đãi mình”.

Cha tôi đã cố sống theo những lời răn dạy đó của Chúa Jesus; và chúng đã đem đến cho người sự bình yên trong tâm hồn – điều mà những vị vua chúa cũng hiếm khi có được.

Để có thái độ tinh thần có thể mang lại cho bạn sự thanh thản, hạnh phúc, bạn hãy ghi nhớ Nguyên tắc 2:

ĐỪNG BAO GIỜ CỐ TRẢ ĐŨA KẺ THÙ CỦA MÌNH, BỞI KHI ĐÓ CHÚNG TA SẼ LÀM TỔN THƯƠNG BẢN THÂN CÒN NHIỀU HƠN LÀ TỔN THƯƠNG HỌ.