Nếu hồi bấy giờ, cuộc đời chẳng đổi, người Pháp không đến, cứ để cho con cháu Hồng Bàng làm chủ non sông Nam Việt thì thiên cổ ai biết Phan Đình Phùng?
Nếu hồi bấy giờ, trong triều không xảy ra những việc Thuyết và Tường chuyên quyền sinh sự, giết vua nọ, lập vua kia, mà cụ Phan không có dịp nói, thì bất quá từ chức Ngự sử, khéo lắm mười mấy năm sau lên đến Thượng thư là cùng, rồi già về hưu, cất nhà tậu ruộng, uống rượu ngâm thơ, lại lo gây dựng cho mấy cậu ấm, rồi cùng với cỏ rác cùng nát, thì thiên cổ ai còn nói đến Phan Đình Phùng?
Nếu hồi bấy giờ, Nam kỳ chưa mất, Bắc kỳ chưa tan, mà Thuyết Tường không tàn bạo chém giết kẻ có đạo, và không kình địch người Pháp, tất nhiên thành chưa mau tan, nước chưa mau mất, mà vua Hàm Nghi cũng không việc gì phải chạy, vậy thì thiên cổ làm gì cần có Phan Đình Phùng?
Nhưng mà thời thế cốt đào tạo cụ Phan trở nên một người anh hùng, cho nên ở vào hoàn cảnh nào, từ sinh ra đời cho đến lúc ra làm quan, lúc về làm ruộng ở nhà, toàn là những cơ hội xui khiến cụ phải ra để làm một việc của nhân tâm thời thế trao cho.
Đến đây, thời thế sắp phiền cụ tới nơi rồi.
Khi vua Hàm Nghi tới Hàm Thao, định từ đấy đi lên Sơn Phòng Hà Tĩnh nên mới hạ chiếu cho bọn văn thân Hà Tĩnh tiếp giá, nhưng nghe quân Pháp đuổi gần tới nơi, Tôn Thất Thuyết phải lật đật đem ngài lánh đi chỗ khác.
Nay đây mai đó, mãi tới tháng 10, ngài mới lui về đến miền thượng du tỉnh Quảng Bình.
Năm ấy ngài mới có 15 tuổi, đối với thời cuộc cũng chưa có cảm giác gì mấy; chỉ biết nhà tan nước mất là thương, thân mình giãi gió dầm sương, bơ vơ lưu lạc là khổ, chứ không biết chủ trương ông phó với cảnh ngộ ra sao. Cho nên bị đuổi rất nguy, mà nên chạy đi đâu, nên làm thế nào, nhất thiết ngài đều theo Thuyết chủ trương; ngài chỉ như một chiếc thuyền con lênh đênh trên mặt sóng, mà Thuyết là người cầm chèo bẻ lái vậy.
Sự thế đến cùng rồi, Thuyết nghĩ bây giờ chỉ còn trông cậy có dân, nghĩa là muốn lấy dân khí dân tâm chống với tàu bền súng lớn; ấy tức là cái khí giới cuối cùng của Thuyết định chống với người Pháp. Nhưng mà dân lúc đó, khác nào như lá rụng ở trong rừng ban đêm, tất phải ai có sức thu thập lại cho thành đống, thì mới chụm lửa mà đốt lên cho sáng được. Ông bèn nghĩ ngay đến người mà hồi xưa ở trong triều mắng ông mà ông đã định chém, là Phan Đình Phùng.
Tôn Thất Thuyết có thể gọi là một bậc người "ở đời trị thì làm năng thần, ở đời loạn thì làm gian hùng" được. Xem như việc đối với Phan Đình Phùng thì đủ biết. Lúc còn quyền cao chức trọng ở trong triều, ông làm việc gì sai lầm, ai dám bẻ bác ông, ông chẳng giết; ông bỏ tù một viên án sát ở ngoài Bắc là Tôn Thất Bá, vì ông này dám nói là thế lực của người Pháp 8 phần thì mình chỉ có 2, làm sao chống nổi; ông giết cả một viên quan ở bộ Binh là ông Chuyên vì ông này đi đâu cũng nói bô bô rằng: “Khiêm không, Thuyết ngu"; ông giết đến cả ông Thượng thư Trần Tiễn Thành, vì ông này ngăn cản không cho ông chống cự với người Pháp. Ấy là kể những người có thế lực to và danh vọng lớn cả, mà Thuyết còn không tha; hễ ai phạm đến Thuyết thì tất mất mạng. Cụ Phan Đình Phùng hồi ấy, ngôi bất quá Ngự sử, lại không có bè đảng gì to, khiến cho Thuyết đủ sợ, thì Thuyết muốn giết lúc nào chẳng xong. Thế mà vì việc giết vua nọ, bỏ vua kia, cụ Phan mắng Thuyết giữa triều đình là kẻ phản thần mà Thuyết không biết, chỉ cách chức đuổi về thôi, ý hẳn Thuyết có chủ kiến sao đó. Giết vua là việc nhỏ, và việc ở triều, hay ở trong nhà ông (vì ông là người hoàng tộc), còn cứu quốc là việc lớn, là việc của cả dân cả nước; ông khinh việc nhà mà trọng việc nước, cho nên ai như cụ Phan Đình Phùng bảo ông giết vua là bậy, thì ông tha, còn ai như mấy ông trên kia, bảo ông đừng chống với binh Pháp, thì ông giận lắm, tất là ông giết. Ông biết rằng: cụ Phan Đình Phùng chỉ có cái tư tưởng giết vua là khác ông, nhưng còn cái tư tưởng khác, thì thật là ám hợp với ông, ấy là tư tưởng chống với người Pháp tới cùng, dầu tự biết đức mình thua cũng vậy. Ông không giết một người bạn đồng chí, chắc hẳn biết trước rằng thời thế sau này sẽ cần dùng đến người như thế.
Còn cụ Phan cũng biết rằng Thuyết đối với mình có chỗ dụng tâm sâu sắc là thế nào, cho nên dầu bị cách chức mà không oán; đối với việc triều đình, Thuyết đã làm ngang tàng quá thì cụ khinh, nhưng đối với việc cứu nước của Thuyết tính làm thì cụ vẫn trọng. Sau khi cụ về nhà quê làm ruộng được ít lâu, Thuyết đem ngay một cái trách nhiệm nặng nề trao cho, là cử cụ làm Tham biện Sơn Phòng tỉnh Hà Tĩnh, tức là bảo cụ dự bị sẵn sàng để chống cự binh Pháp nay mai; một chỗ đó biết Thuyết và cụ là bạn tri kỷ vậy.
Hồi cụ làm tham biện Sơn Phòng Hà Tĩnh là năm Thân (1884). Đến tháng chạp năm ấy, bà cụ thân sinh mất, cụ xin nghỉ về để cư tang. Thế nhưng mắt cụ để luôn đến thời cuộc: mấy tỉnh ở ngoài Bắc kỳ mất, cụ biết; quân Pháp chiếm Mang Cá, cụ biết; cửa Thuận An mất, cụ biết; kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi chạy, cụ biết. Bấy nhiêu cái tin thảm thiết đến nơi, làm cho cụ bồn chồn, bảo với tả hữu rằng:
- Thời thế không cho ta ngồi yên đây!
Vào khoảng tháng sáu tháng bảy năm Dậu (1885) cụ nghe tin vua Hàm Nghi chạy ra tới miền thượng du tỉnh Quảng Bình, liền phái một ông cử ở trong làng là Phan Cát Su đi lên miền thượng du tỉnh Hà Tĩnh để đón, dặn rằng khi nào xa giá tới nơi thì kíp về báo tin cho biết. Đến tháng 10 vua Hàm Nghi đến nơi, cụ cùng các ông bạn đồng chí là Phan Quang Cư, Phan Khắc Hoà, Hoàng Xuân Phong, Nguỵ Khắc Kiều, Phan Trọng Mưu tới hành tại bái yết, khóc mà tâu rằng:
- Để cho thành tan nước mất Thánh thượng mông trần là tội ở lũ thần hạ. Xin Thánh thượng yên lòng, lũ thần hạ nguyện hết sức cần vương cứu quốc, dẫu chết cũng không từ, miễn để Thánh thượng sớm hồi cung.
Vua Hàm Nghi phong cho cụ làm Tán là Quân vụ, thống tướng các đạo nghĩa binh. Cụ tạ ơn lui ra, cùng với ông Thuyết bàn đại sự nhà nước.
Ông Thuyết hỏi đến kế sách tiến hành, cụ nói rằng:
- Không nói thì chắc tướng quân cũng biết, thời cuộc bây giờ khó khăn lắm rồi, vì trong thời cuộc này tướng quân đã trải lắm. Xứ Nam kỳ là chân tay của nước nhà, nhân tâm đã khá, tiền của lại nhiều, nếu chân tay mất thì thân thể không cựa quậy được nữa. Từ ngày sáu tỉnh trong Nam kỳ mất, thực lực của nước mình tổn hại lắm rồi, tôi đã biết rằng việc đời, đành để cho nó lấn tới hoài, không thể nào cưỡng nổi. Trước sau gì thì từ Khánh Hoà trở ra Bắc, người Pháp cũng lấy cả, nhưng nếu trước kia ta đừng thất sách mà giết hại bọn giáo dân và đừng ngăn trở họ về việc thông thương để làm cái cớ gây hờn cho họ, thì họ chưa lấy cớ đâu dùng binh mà bức bách ta nguy vong sớm đến thế. Ta nhân thời giờ đó, có thể tự tỉnh tự cường được, đâu có đến nỗi mất Bắc kỳ rồi mất đến cả kinh thành.
Đến bây giờ, khắp trong nước đâu cũng có gót chân người Pháp, họ kéo đi đâu như gió lướt ở trên cỏ mọc ở dưới, làm cho lòng người phần thì sợ hãi, phần thì chán nản đã lắm. Lại thêm những đứa tiểu nhân, dựa theo thế ngoài để ăn hiếp anh em cùng giống, khiến cho bọn dân vô cố chạy không có đường, kêu không có ngõ, thật là cực khổ. Phương chi trong nước bị nạn binh cách bao nhiêu năm nay, kho tàng sạch không, mùa màng mất mãi, quân lính bị thương vẫn chưa lành, khí giới không được lấy khẩu súng tốt, nếu có bao nhiêu người chí sĩ đi nữa, nhưng quân lương lấy vào đâu, quân khí lấy vào đâu, hòng chống lại cường địch cho được? Tình thế ấy đủ chứng tỏ cho tướng quân hiểu rằng thời cuộc nước ta bây giờ khó khăn tới đâu. Nhưng ta may được một thứ khí giới còn mạnh, ấy là lòng người. Lòng người dầu sao cũng vẫn còn trông cậy được. Tôi nay mà nhận cái trách nhiệm nặng nhọc này, là trông vào lòng người thôi.
Lòng người đã đành là một võ khí mạnh rồi, nhưng nếu người ta cứ đưa súng bền đạn tốt ra mà bắn mãi vào đầu mình thì mình lấy gì chống đỡ. Thế tất mình cũng phải có khí giới. Đồ súng đạn của ta làm sao địch lại được họ? Muốn địch lại được họ, tất cũng phải có một thứ súng đạn ngang với họ mới được. Nhưng hiện nay trong nước mình vật liệu không có, người làm chưa có, thì phải trù biện ở ngoại quốc về. Đã trù biện khí giới, lại phải cầu cứu cả viện binh nữa. Nhưng nước cứu viện cho mình không phải là nước Tàu, vì nước Tàu đang lo việc nhà họ cũng rối bét chưa xong, ta không thể tin cậy được. Cứ theo ý tôi xem ra, thì tất phải nước Xiêm. Tôi cũng không tin là nước Xiêm có thể địch nổi với Pháp để cứu mình, nhưng mà nhờ họ mua khí giới và cho mượn binh, thì cũng giúp cho mình có được thanh thế. Vả chăng nước họ đối với mình là một nước xui gia thì hoạ may họ còn lấy chân tình mà giúp ta chăng? Còn tôi, thì rồi đây tôi cũng phải ra ngoài Bắc một lúc để hiệu triệu cho bọn chí sĩ ngoài ấy hưởng ứng, vậy mới gây dựng được thế lực to, và may ra mới thành công lớn được.
Muốn làm một việc lớn như thế này, phải có thiên thời, phải có địa lợi, phải có nhân hoà. Đất Hà Tĩnh tiếng có núi cao rừng sâu, nhưng không phải có địa lợi, vì bề ngoài không ra được biển mà bề trong thì là vào rừng, vào rừng là đường chết. Nếu sau này bị bốn mặt bọc vây, ở giữa tuyệt lương thì nguy lắm. Song việc đó tôi đã tính rồi. Duy được có nhân hoà là quý hơn cả, tôi dám làm đại sự là chỉ trông cậy vào đó mà thôi, còn thiên thời thì tôi không dám nói đến.
Thuyết nghe cụ nói rất lấy làm kính phục, vỗ vai cụ mà nói:
- Thiên thời thì ai dám chắc. Song ngài cứ vì nước hết sức, việc cầu viện rồi có tôi lo.
Cụ phụng mệnh trở về, liền phát tờ hịch đi khắp các nơi, kéo cờ khởi nghĩa ở ngay làng cụ là làng Đông Thái.
Trong hịch văn, đại ý nói cụ phụng mệnh vua cử nghĩa binh để chống với cường địch, cứu lại quốc gia, song việc đó là việc chung của mọi người làm dân, tự mình cụ không gánh vác nổi, vậy xin những bậc anh hùng chí sĩ, ở trong bốn biển chín châu, cùng ra tài ra sức cứu nước mới được...
Lời hịch văn đơn sơ mà thống thiết, khiến cho ai xem cũng phải động mối thương tâm, coi hình như là tờ hịch của ông Lạc tân vương ở đời nhà Đường ngày xưa đánh bà Võ hậu vậy. Nhân thế mà chỉ trong có một tuần, nghĩa sĩ ở các nơi hưởng ông theo cụ có đến năm sáu ngàn người, đều thề hết sức theo cụ chỉ huy, liều mình vì vua vì nước.
Cụ bèn lấy ngay nhà cụ ở làm "nghĩa sĩ đường” tụ họp nghĩa quân, làm lễ tuyên thệ, rồi chia binh ra từng đồn trại đóng khắp trong tổng Việt Yên. Đồn trại nào cũng đều có kỷ luật, và có quân thám tử hẳn hoi, cách sắp đặt điều khiển rất là nghiêm minh. Nơi địa đầu làng Đông Thái lập ra một cái xưởng lớn để đúc súng và chế thuốc đạn - theo lối của ta - và rèn gươm đao nữa. Trong xưởng này bao giờ cũng một trăm người thợ làm việc suốt đêm ngày, để mau có đủ khí giới cho quân dùng.
Một vùng chỗ đó, trước kia có cái quang cảnh cũng như mọi chỗ khác, nghĩa là ban ngày trông thì làng xóm bao la, ruộng lúa, bờ tre man mác kẻ đi chợ búa, người việc cày cấy; đến đêm thì bốn bề đen tối, tịch mịch một màu bất quá thỉnh thoảng nghe có tiếng chó sủa cầm canh, gà đua gáy sáng mà thôi. Thế mà nay đổi ra hẳn một cái cảnh khác: cờ quạt rợp trời, chiêng trống dậy đất, gươm đao sáng quắc, đèn đuốc thâu đêm; người ta trông thấy hình như ai cũng nô nức tấm lòng, cho đế ngọn cỏ cành cây, hình như cũng nhấp nháy muốn động cả. Nhiều ông già, bà cả được mục kích hồi ấy, thuật lại rằng: Vui nhất là trông thấy cái quang cảnh những người nghe cụ khởi nghĩa binh mừng rỡ múa hát, nào kẻ thì dắt trâu gánh gạo đến để khao quân, nào kẻ thì nách thước tay đao đến để vào ngũ, làm cho đường sá đi lại tấp nập ngày đêm, biến hẳn quang cảnh nhà quê ủ rũ vắng vẻ kia, trở nên một nơi hùng tráng vô cùng, khí phách vô cùng!
Lúc bấy giờ, anh hùng chí sĩ ở bốn phương về theo cụ rất đông; người trong làng thì như ông Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, ông cử Phan Cát Su, Phan Quang Cư, còn văn thân ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thì có Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Hoàng giáp Nguyễn Quý, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Đinh Văn Chất, Cử nhân Nguyễn Hanh, hai anh em ông ấm Lê Ninh, ông Phó bảng Võ Nguyễn Hạnh, ông Cử nhân Thái Vĩnh Chính, Cao Đạt... nhân vậy mà thanh thế của cụ thành ra to. Chính phủ bảo hộ và triều đình phải chú ý đến.
Hồi đó trong triều đã lập vua khác rồi, là vua Đồng Khánh (lên ngôi ngày 6 tháng 8 năm Dậu, sau thất thủ kinh thành ba tháng) em ruột vua Hàm Nghi. Cuộc bảo hộ đã xếp đặt đâu đó xong rồi. Nhất thiết mọi việc quốc gia, triều đình phải theo chính phủ bảo hộ chỉ bảo.
Các tỉnh một dãy Trung kỳ, tỉnh nào cũng tùng phục, duy có tỉnh Quảng Bình là còn độc lập, vì vua Hàm Nghi còn trốn tránh ở đó, nên bọn văn thân còn dựa vào chủ nghĩa cần vương mà làm kịch liệt. Lúc này Hoàng Phúc làm dữ nhất, Hoàng Phúc tức là gia thần của ông Thuyết, có võ nghệ giỏi, lại có hai đứa thủ hạ là Chít và Én cũng giỏi lắm. Triều đình phái ông Phan Đình Bính (tức là ông ngoại vua Duy Tân) ra tiễu trừ không xong. Chính phủ bảo hộ muốn trấn phục nhân tâm, bèn phiền vua Đồng Khánh ngự giá ra tỉnh Quảng Bình để chiêu phủ dân tâm, và dụ vua Hàm Nghi ra thú luôn thể. Vua Đồng Khánh đem 200 lính Pháp và 800 lính ta, có cơ nghi oai vệ lắm, từ kinh khởi giá ngày 16/5/1886, nhưng ngự giá đi cũng chẳng được gì, nên đến tháng 8 thì về. Sau đến ông Hoàng Kế Viêm ra làm Khâm sai, hết sức chiêu phủ làm cho đảng vũ của Hoàng Phúc lìa tan hết cả. Hoàng Phúc buồn mà chết, bấy giờ mới yên.
Tiếng rằng yên, nhưng mà tỉnh Quảng Bình, chỗ này còn kẻ xưng hùng, chỗ kia còn người khởi nghĩa, đều làm thanh thế cho cụ Phan Đình Phùng, thành ra cái gốc phản đối người Pháp ở Quảng Bình lại chuyển sang Hà Tĩnh. Triều đình bèn phái ông thương tá Hà Tĩnh là Lê Kính Hạp làm Tiểu phủ sứ hội với quân Pháp để đi tiễu.
Trận đầu tiên của cụ Phan Đình Phùng ra binh là đánh phá mấy làng có đạo.
Cái cớ cũng là tự mấy ông cố đạo gây nên trước.
Nói cho phải, thuở nước có lắm ông cố đạo tuy miệng nói chỉ chuyên tâm có việc tôn giáo mà thôi, nhưng cũng lôi thôi xen lộn vào việc chính trị, hoặc ỷ sức mạnh hiếp bức người ta. Nếu không vậy thì ngày xưa chẳng làm gì có việc lương giáo đánh giết nhau mà cũng không đến nỗi có điều gì ác cảm nhau. Thật thế, các ông ấy giảng đạo, song nếu “con chiên" có việc gì kiện cáo với lương dân, tức thời các ông mang "bộ áo dài thâm" vào, rồi thân hành lên quan phủ huyện kêu nài và doạ nạt quan phủ huyện phải xử cho con chiên được kiện. Nếu quan không bênh vực theo ý muốn của các ông thì các ông hâm doạ lên nói với quan công sứ để tìm cách ám hại. Các nhà truyền giáo, không ở trong bờ cõi tôn giáo của mình, lại lấn sang vòng chính trị, dầu ở xã hội nào cũng là chuyện lôi thôi bất bình, không trách nào bây giờ các nước Âu châu phân biệt quyền tôn giáo và nhà nước riêng hẳn ra cũng phải.
Trong hồi Pháp Việt đang giao thiệp với nhau, các ông ấy ỷ thế người Pháp bênh vực mà làm nhiều cử động cho người mình sinh thù, sinh ghét, làm cho nước Pháp bận lòng quá. Có khi chính các ông làm đà cho giáo dân làm bậy, rồi mỗi chuyện gì cũng đổ cho bọn văn thân; cái tình tệ ấy nói sao cho biết. Công sứ tỉnh Nghệ hồi đó là ông Duranton đã thuật lại việc lương giáo xung đột ở Huế như sau này, đủ làm chứng cớ.
- Các ông cố đạo gọi dân đến dụ dỗ, hễ đứa nào chịu theo đạo thì lĩnh sáu đồng bạc. Những đứa đã phải ngửa tay lấy tiền dụ dỗ đút lót cho nó đi đạo như thế, thì có phải là hạng người ra hồn gì đâu. Chúng nó lĩnh tiền xong, rồi về làng doạ nạt anh em đồng bào mình: Bây liệu hồn! Chúng tao đây đã có người Pháp đỡ đầu, dễ bây dám há miệng chửi tao một câu, hay là gây gổ với chúng tao một chút, là chúng ta nướng xác bây cháy ra tro và lấy hết của cải bây.
Trời ơi! Hâm doạ người ta như thế rồi chúng nó làm thật. Vả chăng, sự thật chúng nó vì nghèo đói quá, nên phải tìm một cách để kiếm ăn. Đêm tối chúng nó chụm lửa tự đốt tiêu cơ nghiệp nhà tranh vách nát khốn nạn của chúng đi, rồi la làng chói lói rằng bọn văn thân - hay là dân lương - đã đốt nhà và lấy hết cả của cải chúng nó. Thế là chúng lấy được tiền của nhà nước bồi thường cho mà đám dân lương bị giá hoạ vu oan kia thì bị tội.
Đại khái, cái tình lệ giữa dân lương giáo nước ta hồi trước như thế. Cụ Phan Đình Phùng mà đánh phá hai làng giáo dân cũng vì mấy ông cố đạo ở hai làng đó xui giục giáo dân, định đến ám hại cụ. Rồi độc giả sẽ coi việc này ra sao?
Chúng tôi đã nói, cụ Phan xuất binh trước hết là đánh phá hai làng có đạo, nguyên nhân bởi mấy ông cố đạo ở đấy ám hại văn thân.
Nguyên một đêm kia, vào khoảng canh ba, quân thám tử của cụ đi tuần phòng các dinh trại bắt được ba tên dân đạo là người ở hai làng Định Trường và Thọ Ninh (cùng thuộc trong một tổng với cụ) đang núp lén trong bụi tre, gần bên trường đúc khí giới. Nghĩa quân bắt được và khám xét chúng nó, thấy đứa nào cũng có giắt hoả hổ ở trong mình, họ liền giải ba đứa về đồn nộp. Cụ Phan hội chúng tướng lại tra xét thì chúng xưng rằng: cố của chúng nó xui biểu chúng nó tới lén đốt hết cả đồn trại nghĩa binh ở Đông Thái đi. Tức thời cụ sai chém ba thằng ấy rồi hạ lệnh cho mấy toán nghĩa binh đang đêm kéo đến bao vây đánh phá hai làng Định Trường và Thọ Ninh. Lệnh truyền nghiêm lắm; chỉ đánh phá nhà thờ, nhà cố, cấm xâm phạm nhà dân.
Nghĩa quân đánh riết lắm, mấy ông cố phải sai người liều chết trốn ra khỏi trùng vây mà đi báo, để quân Pháp đóng đồn gần đó về cứu viện. Quân Pháp về tới. Nghĩa quân đón đầu giao chiến được hai giờ đồng hồ rất là hăng hái. Nhưng vì hầu hết nghĩa binh chỉ là hạng tráng đinh nhiệt huyết, vừa mới triệu tập, chưa được huấn luyện gì, cũng chưa quen việc đánh nhau, lại thêm súng đạn lúc này còn là kiểu súng của ta, cách bắn chậm chạp lôi thôi, tự nhiên không sao địch lại súng Pháp, thành ra ứng chiến được hai giờ là nhiều rồi, nghĩa binh phải thua chạy. Quân Pháp thừa thắng đánh rốc tới đại đồn Đông Thái, đốt phá tan tành. Dân cư làng này bị tàn phá tử thương và trốn làng bỏ đi nhiều lắm.
Cụ Phan thu thập tàn quân lại, an ủi tướng sĩ rằng: Được thua là sự thường của binh gia, tướng sĩ ta đừng nên vì thế mà ngã lòng thối chí. Rồi cụ kéo quân tới đóng ở đất hai huyện Hương Sơn và Hương Khê, nay ở chỗ này mai dời chỗ khác, không thể nhất định là chỗ nào, làm cho quân Pháp đi tiễu trừ lắm nỗi khó nhọc, tốn hao. Chẳng những chưa dẹp được cánh quân cụ Phan, mà thanh thế cụ lại càng to, và phong trào văn thân lại càng ùn ùn nổi lên tứ phía.
Sang đầu năm Tuất (1886), Phan đóng quân ở làng Phụng Công về huyện Hương Sơn. Còn anh là ông Phan Đình Thông thì đóng ở Thanh Chương, tỉnh Nghệ. Không ngờ Phan Đình Thông bị tên thủ hạ là Nguyễn Sử làm phản; nó làm nội ứng, nửa thêm thừa lúc ông Phan Đình Thông đang ngủ, dẫn quân lính bảo hộ đến vây đồn, trong lúc thảng thốt ông bị bắt sống giải về tỉnh Nghệ. Tổng đốc tỉnh Nghệ hồi ấy là Nguyễn Chính, vẫn còn ghi nhớ chuyện cũ, thù hiềm cụ Phan, hồi làm Ngự sử, đã dâng sớ hạch tội y làm Kinh lược Bắc kỳ, chỉ hư trương nghi vệ và tác oai tác phúc xằng, không chăm lo việc dân việc nước giữa lúc gian nan. Câu chuyện cũ này, một đoạn trên xa, chúng tôi đã nói. Vì sự hạch tội ấy vua Tự Đức bãi chức Kinh lược của Nguyễn Chính. Sau nhờ Bảo hộ phục chức, cho làm Tổng đốc Nghệ An.
Nay bắt được anh cụ Phan, Nguyễn Chính toan chém tức thời cho đã cơn giận và trả thù xưa. Nhưng rồi tấm lòng mưu lập đại công biểu và ngừng tay lại, trong trí suy tín làm sao chiêu dụ được Phan Đình Phùng ra hàng, thì mình lập công lao với Bảo hộ to lớn, tự nhiên cái ngôi cực phẩm triều đình ở trong túi áo. Chừng nào chiêu dụ mà Phan Đình Phùng không chịu ra hàng thì bấy giờ sẽ giết Phan Đình Thông cũng chưa muộn. Nghĩ vậy rồi, Nguyễn Chính một mặt sai kẻ tâm phúc đi dò tung tích cụ Phan ở miền Hương Sơn, Hương Khê để dỗ cụ ra quy thuận.
Hồi đó, ông Tiễu phủ sứ Lê Kính Hạp, nguyên trước là anh em bạn thân với cụ, nhưng sau Bảo hộ sai đem quân đi đánh cụ, cảnh ngộ hai người gần giống như Ngũ Tử Tư và Thân Bao Tư ở đời Đông Châu. Nhân dịp anh cụ bị bắt, Lê Kính Hạp muốn lấy lẽ cốt nhục tình thâm, bèn viết gửi cụ một bức thư chữ Hán cứng cáp gọn gàn mà hay, xin dịch ra quốc văn như vầy:
"Bác Phan,
Tôi với bác xa cách bấy lâu nay, tấm tình thương nhớ, chắc cũng bồi hồi như nhau, đều đó không cần phải nói.
Duy có điều phải nói là mấy lúc gần đây tôi đi qua làng Đông Thái ngó thấy đền thờ cùng là phần một các đức tiên quân bác nghiêng ngả điêu tàn không ngờ tôi sụt sùi nước mắt mà khóc.
Này bác Phan ơi! Ngày nay trong họ hàng làng xóm được an hay nguy chỉ can hệ ở nơi bác, tính mạng ông anh bác mất hay còn, cũng chỉ can hệ ở nơi bác. Thôi thì tấc lòng trung của bầy tôi đối với vua, tới đó bác cũng đủ chứng tỏ với quỷ thần rồi, không lo ai chê mình vào đâu được nữa. Còn Hiếu và Đễ cũng là cái gốc lớn của đời người ta, có lẽ nào bậc người khoa giáp như bác mà học chưa tới nơi hay sao?
Huống chi là ông nuôi tay áo, nọc ở trong mình tấm gương ấy không phải đâu xa, kỳ thật nó sờ sờ ở con mắt bác rồi đó.
Núi Hồng sông Lam có vô số là cảnh non nước tốt đẹp có thể làm nơi vắng vẻ thanh cao cho bác ở để tu dưỡng chí tiết của bác được.
Thôi nên về đi thôi! Tôi xin nói thật".
Cụ Phan tiếp được thư này, cười mà nói rằng:
- Mấy anh đồ nho hèn nhát, động một chút là đem cửa nhà mồ mả ra để doạ nạt người ta.
Nhân dịp cụ nói với chúng tướng rằng:
- Tôi từ khi cùng chư tướng khởi binh cần vương đã có chủ tâm là bỏ cả việc gia đình quê quán ra ngoài, không nghĩ gì đến nữa. Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ, là đất Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to, đang bị nguy vong, là cả mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang phần mộ của mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình, thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi...
Nói vậy rồi cụ không thèm viết thư trả lời, chỉ nhắn kẻ đưa thư về nói với Lê Kính Hạp rằng: Nếu ai có làm thịt anh ta, thì nhớ gửi cho ta bát nước canh!
Chúng tướng nghe đều ứa nước mắt. Cụ không chịu bãi binh quy hàng, tức là ông Phan Đình Thông bị hại, không cần phải nói.
Từ đấy cụ cùng tướng sĩ đóng đồn trong rừng, trên núi, thường dùng cách đánh du kích, vì chưa đủ sức đương trường đối chiến.
Bảo hộ phái quân lính đi tập nã hoài. Nghĩa binh cũng giao chiến nhiều trận, có trận được, trận thua, nhưng kể ra thì cái bước lui nhiều, mà bước tới rất ít. Vì quân lính Bảo hộ tới đâu cũng có kẻ truyền báo và trợ lực rất là nhanh nhẹn. Còn nghĩa quân thì đánh nhau không quen, khí giới lại xấu, chỉ trông cậy được là ở lòng người mà thôi, nên chi không địch được với quân Bảo hộ là phải.
Qua năm Hợi (1887), Phan nghĩ mình cô lập không xong, bèn quyết kế ra Bắc kỳ để hiệu triệu đám văn thân chí sĩ ở ngoài ấy cùng nổi lên làm thanh viện. Khi đi, cụ dặn dò chúng tướng hãy khoan đừng nên bạo động để đợi cụ về sẽ hay.