Một buổi trưa mùa đông, một buổi trưa khô ráo ấm áp. Ở sân đình Thụy Khuê bên hồ tây, Mai và Huy ngồi sưởi ấm dưới ánh nắng mặt trời. Mấy cây muỗm, lá xanh đen, gió thoảng qua hơi rung động rì rào. Mặt nước hồ bằng phẳng lấp lánh như tấm gương lớn trong cái khung đục màu xám.
Ngắm những cây đại trơ trọi, khẳng khiu, giơ xương như người trần truồng giữa canh mùa đông giá lạnh. Mai lại nhớ tới tình cảnh nghèo đói của chị em mình. Nàng thở dài, mắt lờ đờ nhìn chân trời.
- Chị nghĩ gì vậy?
- Không, em ạ.
Câu hỏi của Huy thốt nhắc Mai nhớ tới hiện tại. Vì Mai đang sống trong một quãng đời quá khứ.
Sáu tháng qua....
Trong sáu tháng, đã xảy ra biết bao mừng vui, lo, ước mong. Nào bệnh Huy lúc nguy kịch, lúc thuyên giảm, nào thời kỳ sinh nở của Mai....
Mai lại thở dài. Huy hơi gượng nói đùa để cô làm khuây lòng chị.
- Chị ạ, trông con cóc đậu trên cái cọc be rau muống như pho tượng đồng đen một cô kỹ nữ Xiêm La giở hai tay ra múa.
Mai mỉm cười, rồi hai chị em ngồi yên lặng, nhìn vơ vẫn, nghĩ vơ vẫn, Huy bảo Chị:
- Can Chi Chị phải lo phiền. Ông đốc tờ đã hứa tìm việc cho em, rồi em đi làm cũng đủ tiền nuôi cháu.
- Ấy, chính vì thế mà chị buồn, em ạ. Trong sáu tháng nay, ông đốc Minh hết chăm nom thuốc thang cho em lại săn sóc đến chị và cháu. Chị em mình biết làm thế nào để đền lại ơn ấy cho xứng đáng. Nói đến tiền thì tất là chả đào đâu ra được rồi...
Huy mắt rầu rầu, nhìn chị. Cậu chẳng phải tìm đâu xa, cái duyên cớ sự tử tế của ông đốc Minh đã hiện ngay trước mặt cậu: Cái nhan sắc lộng lẫy, hoạt động của chị, nhất ngày nay chị lại là cô "gái một cong", tuy chị mới ở cữ được có hơn một tháng. Ý tưởng ấy khiến Huy căm tức, nhớ lại những cử chỉ và hành vi khốn nạn của Lộc. Huy thở dài bảo chị:
- Những tư tưởng lạc quan của chúng ta sai lầm chăng? Bản tính loài người là tàn nhẫn chăng?
Mai mỉm cười:
- Em không nên vì một người, mà ghét lây, mà ngờ vực cả mọi người. Biết đâu ông đốc Minh chỉ vì nhân đạo mà muốn cứu vớt chị em ta!
Huy hơi cau mày:
- Phải anh tham Lộc cũng đã đem nhân đạo đối đãi với chúng ta!
Mai tỏ ý không bằng lòng:
- Em cũng nên xét lại, anh ấy chỉ vì vâng lời mẹ.
Huy gắt:
- Một người có dã tâm như thế mà chị còn bênh ư? Mẹ với con!
Mai buồn rầu bảo em:
- Chị xin em đừng nhắc tới chuyện ấy nữa.
- Chị quên câu chuyện bữa nọ rồi ư? Có phải vì anh ấy vâng lời mẹ anh ấy mà hôm đó gặp chị, anh ấy lánh mặt không?
Mai nghe em nói lấy làm khổ tâm, song sợ em vì tức giận quá mà bệnh cũ lại tái phát ra nên gượng cười đáp:
- Em tính hôm đó chị ăn bận lôi thôi, lại gánh hàng quà đi bán còn ai nhận ra được!
Rồi nàng nói lảng:
- Em ngắm hồ có nhớ hôm chị mới tới Hà Nội lần đầu, vào trường đón em không? Hôm ấy chị em ta ngồi trước của đền Quan Thánh, giời xuân mưa phùn, chị em ta kể chuyện con hươu vàng tìm mẹ...
Mai tưởng ôn lại chuyện cũ để làm vui lòng em, ngờ đâu càng khiến em thêm hối hận. Huy thở dài nói:
- Chỉ vì em... chỉ vì chị thương em.
Mai nghiêm sắc mặt hỏi Huy:
- Thế em có thương chị không?
Huy ứa nước mắt không trả lời. Mai lại nói:
- Nếu em còn thương chị thời em không được buồn, phải nhớ lời sau cùng của thầy: giữ lòng vui, linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc. Ngày nay, Chị em ta càng cần có nghị lực....
Một tiếng còi điện ô tô. Hai người quay đầu lại. Chiếc xe hòm vừa đỗ bên cổng đình, và Minh ở trên xe bước xuống sắp rẽ vào làng Thụy Khuê, Huy vội chạy theo nói to:
- Bẩm chúng tôi ở đây!
Minh nhìn về phía hai chị em Mai, mỉm cười vẫy tay rồi hấp tấp đi tới, hỏi:
- Bà không lạnh à?
- Bẩm quan lớn không, hôm nay ấm lắm.
- Tôi đã nói bà đừng gọi tôi là quan lớn như thế không được thân, phải không cậu Huy?
Huy ngờ Minh giở giọng lả lơi cùng chị nên đứng im, nét mặt lãnh đạm. Song thực ra Minh không có ý bỡn cợt, chàng chỉ cốt tỏ ý không thích ai gọi mình là quan lớn hệt. Chàng như hiểu thấu sự ngờ vực của hai chị em Huy, điều đó chàng không muốn có, nhất chàng lại đứng trước mặt những người khổ sở đương bị hãm vào trong vòng quẫn bách. Chàng liền nghiêm trang nói tiếp:
- Tôi thích người ta gọi tôi là thầy thuốc còn hơn gọi tôi là quan đốc hay quan lớn. Tôi có làm quan lớn, quan bé gì đâu!
Mấy lời như xé cái màn nghi kỵ đương bọc hai chị em Mai. Cảnh nghèo nàn khiến hai người luôn luôn tưởng tới sự khinh bỉ, sự xúc phạm của kẻ khác đối với mình. Huy lấy làm hối hận, liếc mắt nhìn chị.
Minh hỏi Mai:
- Thế nào, cháu Ái ngoan đấy chứ? Đã đến nửa tháng nay, tôi bạn việc luôn không đến thăm bà và cháu.... Nhưng sao bà không ở nhà bế cháu?
- Bẩm, tôi nhờ bà Cán ẵm hộ.
- Không nên, bà ấy chân tay không được sạch sẽ. Khi nào bà mỏi tay thì đặt cháu xuống giường còn hơn. Bà đưa tôi về thăm qua cháu.
Ba người cùng vào làng Thụy Khuê. Tới ngõ, nghe tiếng trẻ khóc. Mai chạy vội về, đỡ lấy con, nói nựng để dỗ. Minh đứng gần nhìn thằng bé mập mạp, hồng hào, mỉm cười khen:
- Thằng bé kháu quá! Nó giống bố nó như đúc.
Câu nói vô tình khiến Mai và Huy cùng rầu rầu nét mặt. Ý chừng Minh cũng biết là mình lỡ lời, nên nói lảng:
- Bà nhớ cho cháu bú đúng giờ.
Rồi ông ngả đầu chào:
- Thôi, kính chào bà và cậu. Dăm hôm nữa tôi lại về thăm cháu.
Mấy phút sau, Minh trở lại, tươi cười bảo Huy:
- Tôi quên không báo tin cho cậu biết rằng tôi đã tìm giúp cho cậu một việc rồi đấy. Tôi có người anh em bạn lập ấp ở Nam Định cần một người thầy giáo để dạy các con. Tôi biên thư cho ông ấy và nhận được thư trà lời nói ngày mai cậu về chuyến xe hỏa thứ nhất. Ông ấy sẽ cho ô tô đón ở ga Gội.
Minh mở ví đưa cho Huy cái danh thiếp:
- Tên và địa chỉ của ông ấy đây... Nhớ ga Núi Gội nhé, qua Nam Định một ga.
Mai sung sướng nhìn em. Huy yên lặng ấp úng mấy câu cảm ơn. Minh vội gạt:
- Có gì mà ơn với huệ. Ông ấy chẳng mượn cậu cũng phải mượn người khác, mà vị tất đã giỏi bằng cậu... À! Lương tháng mười lăm đồng đấy còn cơm thì ăn với ông ta. Đây, tiền lộ phí của ông ấy gửi cho cậu đây.
Rồi Chàng đưa cho Huy hai cái giấy bạc một đồng. Tiền ấy chính là tiền của chàng, mà sợ Huy không nhận, chàng phải nói thác ra là tiền lộ phí của người bạn chàng gửi lên.
Bà Cán đứng nghe mừng rỡ:
- Bẩm quan lớn, thế thì hậu quá!
Tỏ lòng cảm ơn một cách gián tiếp, Huy bảo Mai:
- Vậy mỗi tháng em gửi cho chị mười hai đồng, em tiêu ba đồng cũng phong lưu chán.
- Thôi thế thì bà không phải nghĩ đến cách sinh nhai... lam lũ nữa. Không phải là tôi khuyên bà đừng làm việc, nhưng hiện giờ bà cần làm ở nhà nuôi cháu. Và người bà còn yếu lắm.
Chàng lại mỉm cười nói tiếp:
- Tiền của em gửi biếu chắc bà không thề từ chối được nữa!... Thôi chào tất cả nhà nghỉ nhé!
Mai và Huy tiển Minh ra tận cổng, cảm động không nói nên lời.
- Thế là ngày mai, chị em ta phải xa cách nhau.
Huy nhìn chị, khuyên giải:
- Chị đừng buồn, chị ạ. Còn sáu tháng nữa đã đến kỳ thi, em về thi đậu làm giáo học nhà nước thời chị em ta sẽ được sum họp mãi mãi.... Nay em cần phải làm tạm kiếm tiền để chị đỡ vất và. Số tiền mười hai đồng: chị trả bà Cán bốn đồng tiền ăn, còn thừa thì trả tiền nợ cũ. Còn như tiền thuốc, chị hãy khất ông đốc đến khi em đi làm giáo học.
Mai cười:
- Em chu đáo lắm!
Tuần lễ sau, một buổi chiều, Minh lại về Thụy Khuê thăm Mai. Bà Cán đi chợ bán hàng vắng, chỉ có mình Mai ở nhà, ẵm con nằm võng. Nàng thấy Minh đến, lo sợ, đứng dậy đặt con xuồng võng, rồi nhớn nhác, nhìn quanh mình nhử để tìm người cứu viện. Minh lại gần ngã đầu chào hỏi:
- Cậu Huy đã nhận việc rồi.
- Bẩm vâng, bẩm thực.... quan lớn, bẩn quan lớn ơn ấy....
Minh mỉm cười nhắc:
- Ơ kìa! Bà lại kêu tôi là quan lớn kìa!
Thực ra Mai sợ hãi cuống quít ấp úng không nói ra câu, Minh chữa thẹn cho Mai:
- Trông bà hôm nay khá nhiều, da dẽ đã hồng hào.
Nói cho đúng, Minh ngắm Mai thấy Mai đẹp lắm, đẹp ít người sánh kịp. Minh đăm đăm nhìn khiến Mai bẽn lẽn cúi mặt. Chàng nói:
- Tôi lấy làm ái ngại cho bà, ở vào giữa nơi thô lậu tục tằn.
Nghe giọng khinh bỉ của Minh, Mai đáp:
- Bẩm nếu không có nơi thô lậu tục tằn này thì chắc đâu chị em tôi còn sống sót đến ngày nay. Bẩm vì thế, không bao giờ chúng tôi quên được cái nhà này cùng là những người nhân đức ở trong cái nhà này.
Minh nói chữa:
- Vẫn biết thế, nhưng nay Cậu Huy đi xa thì bà cũng chả nên ở đây nữa. Chung quanh rặt những thợ thuyền dữ tợn.
- Bẩm, anh em thợ thuyền đều coi tôi như chị em cả.
- Bà nhẹ dạ lắm. Tin thế nào được bọn họ.
- Bẩm, tôi xin cám ơn... ông dạy bảo. Tôi chỉ tạm ở đây ít lâu để chờ em Huy kiếm được nhiều lương rồi cùng đi ở chung với em.
Mình ngẫm nghĩ, đăm đăm nhìn Mai, khẽ nói:
- Tôi có câu chuyện tâm sự nhiều lần muốn ngỏ cùng bà, nhưng chỉ vì bà là người còn chịu ơn tôi, nên lương tâm tôi bứt rứt, và tôi ngần ngại không dám hé môi. Song thiết tưởng đó là một việc nhân đạo.
Mai ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Bẩm việc gì, xin ông cứ nói.
- Thưa bà, tôi xin làm người bạn trăm năm để che chở cho bà.
Ý Mai quả quyết từ chối. Song đối với ân nhân này, nàng không nỡ nói thẳng. Nàng đương tìm lời dịu dàng để thoái thác, thì Minh tưởng nàng bằng lòng, tiếp luôn:
- Thưa bà, tôi một thân trơ trọi ở trên đời thì không còn sợ xảy ra sự gì nữa.
Mai ôn tồn trả lời:
- Thưa ông, nếu tôi tái giá thì ông thực là người chồng tôi kính phục. Nhưng tôi đã trót yêu anh Lộc thì tôi không thể yêu ai được nữa.
Minh thất vọng buồn rầu:
- Thưa bà, ông Lộc đối với bà tàn nhẫn đến thế mà bà còn yêu được?
- Thưa ông, bây giờ có lẽ tôi không yêu chồng tôi, mà cũng không muốn trông thấy mặt nữa, nhưng tôi nói trót yêu một người thì tôi cho rằng cái đời tôi như thế là hết, dù tôi chỉ mới nửa chừng xuân.
- Thưa bà, đối với một người đã lừa dối bà, đã ruộng rẫy bà để lấy vợ khác, thiết tưởng bà chả cần gì phải thủ tiết. Bà tha lỗi cho, nhất lại đối với một người đã khinh bỉ bà một cách rõ rệt.
Chàng vừa nói vừa cầm lấy hai tay Mai. Trong trí nhớ của Mai thoáng hiện ra cái cảnh tượng bên hồ Tây, khi lần thứ nhất. Lộc tỏ tình thương yêu nàng. Nàng vội kêu rú lên, giật tay ra ngồi bưng mặt khóc. Đứng bên, Minh kêu van:
- Xin bà tha lỗi cho... Quả tôi thực tình...
Chàng lễ phép cúi đầu chào, rồi vội vàng ra xe về thẳng như người chạy trốn.