Ông chồng nguyên là một quan chức có chức quyền, thích chơi cây cảnh. Nhà ở mặt phố, nhưng có vườn khá rộng, bày nhiều cây bon sai rất đẹp. Có cây giá trị lên đến năm bẩy chục triệu chứ không ít. Nghe đâu hầu hết đều do các đối tác, các chỗ thân tình biếu tặng, chứ ông ấy không phải bỏ tiền ra mua.
Nghỉ hưu, ông ấy xin vào Hội sinh vật cảnh để có bạn chơi và nhờ cậy chăm sóc cây. Sinh vật cảnh vốn là cái hội chơi bời, chẳng quan trọng và cũng chẳng vai vế gì trong cộng đồng xã hội. Nên kết nạp ông ấy, tuy là kết nạp một người yêu thích cây bon sai, nhưng vô hình trung cũng là được kết nạp luôn cả cái quá khứ chức quyền vinh quang của ông ấy nữa.
Và cũng vì cái “dấu cũ” ấy mà ông Chủ tịch hội bảo tôi: “ Đừng bôi bác quá. Đám này vòng hoa phải chi một trăm ông ạ!”. Vâng. Tất nhiên là phải thế rồi. Nhưng chỉ khổ cho cái quỹ còm của hội ta thôi!
Từ ngày đổi mới, có rất nhiều cái ồ ạt bung ra. Trong đó có cả cái sự bung ra của các chủng loại Hội. Hội chính trị. Hội vừa chính trị vừa nghề nghiệp. Và cả loại hội không chính trị, mà cũng chẳng nghề nghiệp gì như hội đồng hương, hay hội đồng khóa chẳng hạn.
Tính trung bình mỗi người ở độ tuổi sáu, bẩy mươi, ít nhất cũng có chân từ ba đến bốn hội. Ngoài những hội lớn, có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội như: Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội những người cao tuổi. Và còn rất nhiều hội nghề nghiệp khác nữa như: Hội kiến trúc sư, Hội luật gia, Hội nuôi ong, nuôi cá, nuôi chim v..v…Và rất vui là hầu như tất cả các chủng loại hội ấy đều là thành viên của Mặt trận tổ quốc cả. Thế mới vui chứ! Mặt trận như một bà mẹ vô sinh, nhưng giầu lòng từ thiện, vớ được đứa trẻ mồ côi nào cũng nuôi tất!...
Thế mà người ta bảo vẫn chưa phải là nhiều. Nghe đâu ở Thổ Nhĩ Kỳ còn có cả “ Hội những người thích đùa” nữa cơ mà!
Sắp đến giờ viếng. Chúng tôi đi lấy vòng hoa. Vừa trông thấy cái vòng có dòng chữ “Hội sinh vật cảnh”, ông Chủ tịch đã lắc đầu quầy quậy:
- Không được rồi! Xấu quá, không đạt yêu cầu. Một trăm nghìn mà sao nhiều hoa giả thế, cô hàng?
- Bố già ơi! Bọn con có được ăn cả đâu, chỉ được sáu mươi phần trăm thôi, còn là hoa hồng của người ta đấy ạ.
- Mua có một trăm nghìn tiền hàng mà “xơi” những bốn chục nghìn tiền hoa hồng?
- Vâng ạ! Không chi đậm thì họ đi hàng khác. Mà họ còn ăn dầy nữa cơ bố ạ. Về cơ quan, giá cứ việc đội lên. Bao nhiêu là quyền của họ.
- Nhưng chúng tôi không phải là cơ quan, không cần tiền hoa hồng. Chị cứ làm đúng giá.
- Vâng. Thế thì xong ngay thôi. Nhanh thoăn thoắt, cô hàng dỡ những bông hoa giả ra, bỏ bớt lá độn, cài hoa thật vào. Những bông bạch thiên hương trắng muốt, cúc đại đóa vàng suộm, hồng nhung đỏ thắm, xinh tươi rời rợi và ngào ngạt hương thơm. Dưới lớp giấy bóng kính trong suốt, trông vòng hoa sang trọng hẳn lên.
Chúng tôi đến nhà hiếu. Đang giữa mùa hè. Hơn năm giờ chiều rồi mà trên đỉnh dẫy núi phía tây thành phố, mắt trời vẫn rừng rực như cái vạc lửa đỏ ối. Lễ viếng đang giờ cao điểm. Đoàn đến, đoàn đi, người cứ chen chân nhau. Kẻ đứng người ngồi, chật cứng cả trong nhà ngoài rạp. Nhiều người phải tản ra ngoài vỉa hè, tránh nắng dưới gốc cây. Tiếng kèn trống, tiếng loa phóng thanh, và tiếng khóc chen vào nhau, âm vang không dứt. Hương đốt. Khói bay mù mịt. Mùi khen khét của hương hòa trộn vào mùi mồ hôi người, xông lên nồng nặc. Tiếng loa của Ban lễ tang không ngừng mời gọi, cảm ơn đoàn vừa viếng xong và mời đoàn khác vào lễ viếng.
Trong lúc đứng chờ, tôi ghé vào tai ông Chủ tich Hội sinh vật cảnh nói: “Về hưu rồi mà ông ấy còn nhiều người nể vì quá nhỉ!”. Ông chủ tịch đáp: “Bố cựu nhưng con tân. Người ta đến viếng đông là vì ông con đang chức đang quyền đấy!”.
À..thì ra là thế!...
Người viếng vẫn tiếp tục kéo đến. Vòng hoa không còn chỗ để. Người ta phải xếp đống ra bên ngoài vỉa hè, Nhìn những vòng hoa bị dập nát tả tơi, bất chợt tôi thốt lên: “Nâng như nâng trứng, hấng như hấng hoa. Hoa mà lại đánh đống lên thế kia thì còn gì là hoa nữa!”. Bỗng một người đàn ông trẻ tuổi đứng bên cạnh tôi bảo: “Vòng hoa chỉ là hình thức thôi. Đối với nhà đám thì cái đống phong bì chồng chất trên chiếc “bàn vong” kia mới là nội dung quan trọng bác ạ!”.
Ồ…phải phải! Nội dung mới là quan trọng. “Nội dung quyết định hình thức” cơ mà. Bây giờ đang là thời đại của nền văn hóa phong bì và cái “nội dung” của nó. Phải. Phải lắm!..