Monica Caison sinh ra và lớn lên ở Florida, Hoa Kỳ. Năm cô hai mươi hai tuổi, một người quen nhờ cô chuyển hộ một số tấm séc và cô đã giúp người đó mà không biết đó là những tấm séc bị ăn cắp. Cô bị kết tội đồng loã ăn cắp và nỗi oan này đã làm thay đổi cả cuộc đời cô. Cô quyết định làm người hoạt động vì cộng đồng.
Trước tuổi hai nhăm, Monica đã chứng kiến ba trường hợp mất tích ở nơi cô sống. Cô biết họ chỉ là ba trong số hàng triệu trẻ em và người lớn mất tích ở Mĩ. Đa số họ mất tích vì những nguyên nhân chưa được làm sáng tỏ, nhưng có một điều rõ ràng là sự biến mất của họ gây ra nỗi đau, nỗi lo lắng khôn nguôi cho những người thân. Với mong muốn mang lại hy vọng cho những gia đình có người mất tích, năm 1994 Monica thành lập trung tâm CUE. Trung tâm của cô tập trung vào hai hoạt động: Tìm kiếm người mất tích và giúp đỡ gia đình có người mất tích. Cô tổ chức những đội tìm kiếm người mất tích với mọi phương tiện mà CUE huy động được, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về người mất tích, giữ liên lạc với các nhân chứng. Cô cũng cung cấp dịch vụ tư vấn và quyên góp tài chính hỗ trợ gia đình của những người mất tích, tổ chức các hoạt động giúp phòng ngừa mất tích. Kể từ khi thành lập, Monica và những người tình nguyện của CUE đã giúp đỡ được 6000 gia đình có người mất tích trong những thời điểm họ bối rối và khó khăn nhất.
Tìm kiếm người mất tích không phải là một công việc đơn giản. Có những trường hợp mất tích cách đây đã 30 năm và cảnh sát đã ngừng các hoạt động tìm kiếm từ lâu, nhưng gia đình của những người mất tích thì không muốn bỏ cuộc. Họ tìm đến CUE và Monica giúp họ khơi dậy mối quan tâm từ cộng đồng với người bị mất tích. Năm nào cô cũng tổ chức những chương trình thu hút sức mạnh của cộng đồng đối với công việc tìm kiếm người mất tích. Năm 1996 cô tổ chức chương trình truyền thông mang tên Bạn có nhìn thấy họ ở đâu không?... Chương trình được triển khai với một chiến dịch phát ảnh và thông tin về người mất tích đến nhiều bang. Chỉ riêng cái tên gây xúc động của chương trình đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân. Năm 1998, cô vận động hãng truyền thông cáp Times Warner hỗ trợ việc cập nhật thông tin về những trường hợp mất tích. Nỗ lực này đã dẫn đến sự ra đời của chương trình thông tin về người mất tích trên kênh 4 của hãng. Năm 2004 Monica và những người tình nguyện của CUE tổ chức một chuyến đi xuyên Mĩ mang tên Con đường để nhớ. Mục đích của chuyến đi này là khơi dậy trong trí nhớ của người dân về 30 trường hợp mất tích thuộc mười bang của nước Mĩ. Họ hy vọng rằng khi những tấm ảnh của những người mất tích được xem, những câu chuyện về người mất tích được nghe, những tài liệu về những người mất tích được phát tới hàng nghìn người trên đường đi, họ sẽ nhận được những thông tin mới giúp ích cho quá trình tìm kiếm. Khởi hành từ bắc Carolina, đoàn tình nguyện đã đi 10 giờ mỗi ngày theo đúng hành trình mà những người mất tích đã đi, trước khi họ biến mất. Chẳng hạn, để người dân nhớ lại trường hợp một phụ nữ tên là Leagh Roberts mất tích năm 2000, đoàn tình nguyện đã đi từ Raleigh đến Washington dừng lại ở 18 thành phố, nơi có người nói là đã nhìn thấy Leagh. Họ đến cả nơi mà chiếc xe Jeep của Leagh bị bỏ lại. Monica cho biết những nỗ lực của họ không vô ích; họ đã thu thập được những thông tin mới về hành trình của Leagh từ những người dân sống ở Tennesse. Ông Jim Viola chồng của một phụ nữ bị mất tích tại Bogota từ ngày 13 tháng Hai năm 2001 tham gia đoàn lữ hành xúc động nói: “Thay mặt cho cá nhân tôi, các con của tôi, gia đình tôi và gia đình của cô ấy, chúng tôi cảm ơn các bạn rất nhiều đã tạo cơ hội cho câu chuyện về Patrica, vợ tôi, được quan tâm trở lại qua chuyến đi này”.
Monica điều hành trung tâm CUE với vô số những công việc nảy sinh hàng ngày. Cô luôn ở trong tư thế của một người tìm kiếm; tìm kiếm người mất tích, tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng, tìm kiếm niềm vui cho những nỗ lực của cô và những người tình nguyện. Trên trang web của CUE, Monica cho đăng một đoạn hỏi đáp giữa cô và những người truy cập Web. Người ta hỏi: “Nếu tôi gửi tiền quyên góp cho CUE thì tiền của tôi sẽ đi đâu?”. Cô trả lời: “Tất cả tiền quyên góp đều được sử dụng để hỗ trợ những gia đình có người mất tích”. Khi được hỏi có phải tiền ủng hộ cũng được dùng để trả lương cho nhân viên của CUE phải không?” Monica trả lời: “Không, chúng tôi, những nhân viên tình nguyện, hiến tặng công sức lao động của mình”.
Monica cho biết cô sẽ dành cả phần đời còn lại của mình cho những cuộc tìm kiếm những người mất tích.