Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Tổ chức Ân xá thế giới phải đối mặt với một sự thật đau lòng: Cho dù được ân xá nhưng nhiều tù nhân từng bị tra tấn không thể nào trở lại được cuộc sống bình thường. Tổ chức này kêu gọi các bác sĩ trên toàn thế giới hãy giúp đỡ những người đã từng bị tra tấn. Inge Genefke, một nữ bác sĩ người Đan Mạch, là người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi này. Năm 1974 bà đứng lên thành lập một nhóm thầy thuốc chăm sóc các nạn nhân của các vụ tra tấn. Tại thời điểm đó trên thế giới chưa hề có một tổ chức phi chính phủ nào hoạt động trong lĩnh vực này. Nhóm thầy thuốc của Inge đã thu được những kết quả quan trọng, đủ để khích lệ nhiều thầy thuốc ở các nước khác trên thế giới đứng lên thành lập những nhóm hoạt động tương tự. Năm 1982, Inge phát triển tổ chức của bà thành một trung tâm nghiên cứu các hành động tra tấn và phục hồi cho những nạn nhân từng bị tra tấn. Mục tiêu hoạt động của trung tâm là tạo điều kiện phục hồi về thể xác và tinh thần cho những nạn nhân của các vụ tra tấn, thông qua những diễn đàn phổ biến phương pháp khám và điều trị phục hồi cho những nạn nhân từng bị tra tấn, tiến hành nghiên cứu về bản chất, mức độ và hậu quả của việc tra tấn, cung cấp tài liệu và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm phòng ngừa tra tấn trên toàn thế giới. Năm 1997, tổ chức này trở thành một tổ chức quốc tế mang tên IRCT.
Chỉ trong một năm từ năm 1999 đến năm 2000, Inge đã lãnh đạo IRCT thiết lập được 15 trung tâm phục hồi sức khoẻ cho những nạn nhân từng bị tra tấn ở những nước vừa mới trải qua nội chiến và xung đột quân sự. Sau cuộc khủng khoảng ở Kosovo, bà và các tình nguyện viên đã mở trung tâm chăm sóc các nạn nhân của các vụ tra tấn tại Pristina và sáu trung tâm vệ tinh khác ở khắp Kosovo. IRCT cũng thực hiện chương trình điều trị tâm lý cho 5000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi các hành động bạo lực trong cuộc nội chiến ở Đông Timor và huấn luyện 125 giáo viên tại các trường học ở nước này thành những nhà tâm lý trị liệu ngay tại cộng đồng của họ. Hoạt động hỗ trợ nạn nhân của các hành động tra tấn cũng đã được triển khai ở Iraq, trong một chương trình mang tên “Đến với những nạn nhân bị tra tấn sau chiến tranh Iraq”. Chương trình này bắt đầu với một dự án thí điểm triển khai 15 trung tâm phục hồi trên khắp Iraq. Cáctrung tâm này cung cấp các dịch vụ phục hồi thể lực, phục hồi tâm lý, tư vấn luật pháp cho 1500 người đã từng bị tra tấn. Thành công của dự án này là tiền đề cho IRCT thành lập 75 hội chăm sóc sức khoẻ và 15 hội tư vấn pháp luật cho các nạn nhân trên khắp Iraq. Các trung tâm mở rộng sau các dự án tương tự cũng được phát triển ở Ukraine, Uganda, Kenya, Kuwait v.v…
Inge đã từng nói trên các diễn đàn: “Mục đích của hành động tra tấn là huỷ hoại một con người, huỷ hoại thể xác và tâm hồn người đó. Nó còn tệ hại hơn cả hành động giết người. Ngày nay chúng tôi biết rằng, những người sống sót sau những vụ tra tấn có thể được giúp đỡ để lấy lại sức khoẻ, sức mạnh tinh thần và để giúp họ, chúng tôi sẽ tước vũ khí của những kẻ tra tấn. Những kẻ tra tấn tìm cách huỷ hoại người khác nhưng chúng tôi đã chứng minh cho những kẻ đó thấy rằng họ đã không thành công”. Đúng như những gì bà nói, ngay từ những ngày đầu hoạt động, Inge đã hướng IRCT tới chương trình nghiên cứu mang tính cơ bản và toàn diện về vấn đề tra tấn trên thế giới, để tạo ra hệ thống kiến thức đầy đủ giúp ích cho công tác giáo dục và phòng ngừa tra tấn tại các quốc gia. Những hoạt động liên kết giữa IRCT với các tổ chức phi chính phủ khác đã giúp người dân tại các quốc gia ý thức sâu sắc hơn về thực trạng và hậu quả của việc tra tấn. Các tài liệu nghiên cứu mà Inge cho công bố bước đầu đã thúc đẩy một số nước trên thế giới đi đến xem xét, bổ sung các điều khoản luật có tác dụng ngăn ngừa các hành động tra tấn.
Từ việc chăm sóc sức khoẻ cho các bệnh nhân tại một cộng đồng ở Đan Mạch, Inge đã trở thành bác sĩ không biên giới. Hiện nay bà điều hành 180 dự án của 130 trung tâm tại 70 nước trên khắp các châu lục. Số nạn nhân may mắn được tổ chức của bà giúp đỡ lên tới hàng nghìn người. Thành công của IRCT đã khiến Inge trở thành một trong những người phụ nữ đáng khâm phục nhất ở châu Âu trong những năm đầu của thế kỷ XXI.