VỤ VIỆC Minou Drouet* trong thời gian dài có vẻ như thuộc lĩnh vực trinh thám bí ẩn: có vụ việc ấy hay không có vụ việc ấy? Người ta đã áp dụng vào bí ẩn này các kỹ thuật quen thuộc của cảnh sát (trừ tra khảo, và gì nữa!): điều tra, giam giữ, xem bút tích, kỹ thuật tâm lý và phân tích nội tại các tư liệu. Xã hội đã huy động hầu như bộ máy tư pháp để giải quyết một bí ẩn “thơ ca” là vì người ta ngờ rằng không phải đơn giản chỉ là do thị hiếu thơ ca: bởi lẽ hình ảnh một cô-bé-thi-sĩ họ thấy vừa lạ lùng vừa cần thiết: đó là hình ảnh cần phải chính thức hoá một cách khoa học tối đa do chỗ nó chi phối huyền thoại trung tâm của nghệ thuật tư sản: huyền thoại về sự không chịu trách nhiệm (mà thiên tài, trẻ em và nhà thơ chỉ là những gương mặt thăng hoa).
Trong khi chờ đợi phát hiện các tài liệu khách quan, tất cả những người đã tham gia vào việc tìm ra manh mối (và số này rất đông) chỉ có thể dựa trên một ý niệm chuẩn mực nào đấy về tuổi thơ và thơ ca mà họ vốn có. Những lập luận họ đưa ra về trường hợp Minou Drouet đều mang tính chất trùng ngôn, chẳng có bất cứ giá trị chứng minh nào cả: tôi không thể chứng minh những câu thơ tôi phải thẩm định đúng là những câu thơ của một đứa trẻ, nếu trước hết tôi không biết tuổi trẻ là gì và thơ ca là gì: thế là vụ án khép lại chẳng đi đến đâu. Đây là thí dụ mới về thứ khoa học cảnh sát hão huyền đã tiến hành điên cuồng trong vụ ông già Dominici: chỉ hoàn toàn căn cứ vào kiểu võ đoán về khả năng có thể xảy ra, thứ khoa học ấy dựng nên một sự thật vòng vo, cẩn thận loại bỏ thực tế của bị cáo hoặc của vấn đề ra ngoài; mọi cuộc điều tra của cảnh sát thuộc loại ấy đều nhằm đi tới những định đề mà người ta đã tự mình đặt ra lúc đầu: ông già Dominici có phạm tội, điều đó trùng khớp với “tâm lý” sẵn có của quan chưởng lý, đó là úm ba la nhận lấy cái tội nằm ở bản chất của các quan toà, đó là làm vật bung xung giơ đầu chịu báng, khả năng có thể xảy ra bao giờ cũng chỉ là khuynh hướng của bị cáo giống với các vị xét xử mình. Cũng vậy, nêu vấn đề (một cách giận dữ, như người ta đã nêu trên báo chí) về tính xác thực của thơ ca Drouet, đó là xuất phát từ một định kiến về tuổi thơ và về thơ ca, và tất cả những gì người ta nhặt nhạnh được dọc đường đều trở về đấy không sao tránh khỏi, đó là nêu thành định đề một chuẩn mực vừa dựa vào thơ ca vừa dựa vào tuổi thơ, theo đó người ta sẽ xét xử Minou Drouet, đó là phán quyết Minou Drouet, dù người ta xét xử thế nào đi nữa, vừa như thần đồng vừa như nạn nhân, vừa như bí ẩn vừa như sản phẩm, rốt cuộc nghĩa là một cái gì thuần tuý kỳ ảo, của mọi huyền thoại thơ ca và mọi huyền thoại tuổi thơ trong thời đại chúng ta.
Vả chăng chính sự phối hợp liều lượng hai huyền thoại ấy gây nên các phản ứng và các xét xử khác nhau. Ba thế hệ huyền thoại được nêu lên ở đây: vài nhân vật cổ điển thủ cựu, do truyền thống mà thù địch với loại thơ-lộn-xộn, lên án Minou Drouet đủ mọi cách: nếu quả đó là thơ của cô, thì đấy là thơ của một cô bé, vậy là cô ta đáng ngờ, không “biết phải trái”; và nếu đó là thơ của người đã trưởng thành, họ lên án cô bởi vì lúc đó cô là giả dối. Gần với thế hệ chúng ta hơn, và rất hãnh diện bước vào thơ phi lý, một nhóm các tín đồ mới đáng kính sửng sốt phát hiện ra (vào năm 1955) quyền lực thơ ca của tuổi thơ, khen toáng lên là “kỳ diệu” một sự kiện văn chương tầm thường, đã biết từ lâu; cuối cùng một số người khác, những người trước đây đấu tranh cho thơ-ca-nhi-đồng, những người đã từng ở mũi nhọn của huyền thoại khi huyền thoại là tiền phong, lại nhìn thơ ca của Minou Drouet bằng con mắt hoài nghi, mệt mỏi do ký ức nặng nề về chiến dịch anh hùng, về sự thông hiểu mà chẳng gì có thể hăm doạ được nữa (Cocteau*: “Tất cả những đứa trẻ chín tuổi đều có thiên tài, trừ Minou Drouet”). Thế hệ thứ tư, thế hệ của những nhà thơ hiện nay, dường như không được hỏi ý kiến: người ta nghĩ rằng vì họ ít được công chúng rộng rãi biết đến nên phán xét của họ có lẽ chẳng có giá trị chứng minh nào, cũng vì lẽ họ chẳng đại diện cho một huyền thoại nào cả: vả chăng tôi ngờ rằng bản thân họ chẳng nhận thấy bất cứ điều gì trong thơ ca của Minou Drouet.
Nhưng dù người ta tuyên bố thơ của Minou Drouet là ngây thơ hay trưởng thành (nghĩa là người ta khen ngợi hay nghi ngờ), thì đó cũng là thừa nhận thơ ấy được xây dựng trên tính khác biệt sâu sắc do chính tự nhiên đặt ra giữa tuổi ấu thơ và tuổi chín chắn, đó cũng là nêu thành định đề trẻ em như một con người phi xã hội, hay ít ra, con người có khả năng bột phát tự phê phán và tránh không sử dụng những từ ngữ đã từng nghe, với mục đích duy nhất là tự thể hiện đầy đủ như một đứa trẻ lý tưởng: tin vào “thiên tài” thơ ca của trẻ em là tin vào một thứ trinh sản văn chương, là một lần nữa xem văn chương như năng khiếu trời cho. Mọi dấu vết “văn hoá” ở đây đều bị xếp vào loại dối trá, dường như việc sử dụng các từ ngữ đều được tự nhiên quy định hết sức nghiêm ngặt, dường như đứa trẻ không sống thường xuyên thẩm thấu với môi trường người lớn; và phép ẩn dụ, hình ảnh, các chi tiết ý nhị có được ở tuổi ấu thơ là những dấu hiệu của tự phát thuần tuý, trong khi, có ý thức hay không thì chúng vẫn cứ là kết quả của nỗ lực rèn luyện, chúng vẫn đòi hỏi phải có một “chiều sâu” nơi sự chín chắn cá nhân có phần quyết định.
Dù kết quả điều tra là như thế nào, điều bí ẩn vẫn chẳng thú vị gì mấy, chẳng soi sáng về tuổi ấu thơ cũng như về thơ ca. Lý do khiến chẳng còn ai quan tâm đến nó là ở chỗ dù ngây thơ hay chín chắn, thơ ca ấy vẫn hoàn toàn có thực tế lịch sử: người ta có thể xác định thời điểm của nó, và chí ít có thể nói, đó là hơn tám năm một chút, trùng với tuổi của Minou Drouet hiện nay. Thực vậy, chung quanh năm 1914 có một số nhà thơ vị thành niên mà các cuốn lịch sử văn học của chúng ta, hết sức lúng túng khi sắp xếp cái hư không, thường gom lại dưới cái tên nhã nhặn là các Thi sĩ Biệt lập và các Thi sĩ Đến muộn, các Thi sĩ Phóng túng và các Thi sĩ Tâm tình, v.v.. Hiển nhiên là phải xếp vào đấy cô bé Drouet – hoặc nàng thơ của cô ta – bên cạnh các thi sĩ uy tín như Bà Burnat-Provins*, Roger Allard* hoặc Tristan Klingsor*. Thơ ca của Minou Drouet là thuộc mãnh lực ấy; đó là loại thơ ca khôn khéo, ngọt ngào, hoàn toàn xây dựng trên niềm tin rằng thơ ca là việc của ẩn dụ, và nội dung chẳng có gì khác ngoài thứ tình cảm bi thương tư sản. Cái lối kiểu cách tỉa tót ấy mà có thể xem là thơ ca, và thậm chí người ta còn dẫn ra tên của Rimbaud, nhà-thơ-nhi-đồng quen thuộc, điều đó bắt nguồn từ huyền thoại thuần tuý. Mà là huyền thoại hết sức hiển nhiên, bởi lẽ chức năng của các thi sĩ ấy là rõ ràng: họ cung cấp cho công chúng những ký hiệu của thơ ca, chứ không phải là thơ ca đích thị: họ rất tiết kiệm và làm yên lòng. Một phụ nữ đã thể hiện rõ ràng chức năng bề ngoài thì phóng túng còn bề sâu thì khôn ngoan của “mẫn cảm” tâm tình ấy: đó là bà De Noailles*, chính bà (thật là trùng hợp!) vào thời của mình cũng đã đề tựa cho những bài thơ của một cô bé “thiên tài” khác, Sabine Sicaud*, chết khi mới mười bốn tuổi.
Vậy là xác thực hay không thì thơ ca ấy cũng đã cũ – và cũ mèm rồi. Nhưng ngày nay được chiến dịch báo chí và vài nhân vật bảo lãnh làm rùm beng, thơ ca ấy cho chúng ta đọc chính cái mà xã hội tưởng là tuổi ấu thơ và thơ ca. Được dẫn ra, được ca ngợi hoặc chê bai, những bài thơ của gia đình Drouet là các tư liệu huyền thoại quý giá.
Trước hết ở đấy có huyền thoại về thiên tài mà chắc chắn người ta không bao giờ có thể nói hết ngọn ngành. Các nhà cổ điển đã hống hách tuyên bố thiên tài là vấn đề kiên trì. Ngày nay, thiên tài là vượt thời gian, là làm năm lên tám tuổi việc mà thông thường người ta làm năm hai mươi lăm. Chỉ đơn giản là lượng thời gian: vấn đề là đi nhanh hơn tất cả mọi người một chút. Vậy thời thơ ấu sẽ trở thành cõi ưu ái của thiên tài. Vào thời đại Pascal*, người ta coi tuổi thơ như một thời bỏ lỡ: vấn đề lúc đó là ra khỏi thời thơ ấu cho thật nhanh. Từ thời đại lãng mạn, nghĩa là từ chiến thắng tư sản, vấn đề là ở lại thời thơ ấu càng lâu càng tốt. Mọi hành vi người lớn có thể quy cho tuổi ấu thơ (kể cả đến muộn) đều mang tính chất phi thời gian, đều có vẻ lạ lùng bởi là sản vật xuất hiện sớm. Tình trạng trưởng thành lạc lõng của tuổi ấy tất nhiên đòi hỏi người ta xem nó như một tuổi cá biệt, hoàn toàn khép kín, có quy chế đặc biệt, như một bản chất khó tả nên lời và bất khả truyền.
Nhưng ngay lúc tuổi ấu thơ được xác định như một điều kỳ lạ, người ta lại cam đoan điều kỳ lạ ấy chẳng qua chỉ là sớm bước sang những năng lực của tuổi trưởng thành. Tính chất riêng biệt của tuổi ấu thơ do vậy mà nhập nhằng, đúng như tính chất nhập nhằng của tất cả các đối tượng trong thế giới cổ điển: như những quả đậu xanh trong so sánh của Sartre*, tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành là những lứa tuổi khác nhau, khép kín, không liên thông được với nhau, thế nhưng lại y hệt nhau: Minou Drouet kỳ lạ ở chỗ đã làm ra thơ ca người lớn, mặc dầu còn trẻ con, đã kéo bản chất thơ ca xuống bản chất trẻ thơ. Điều ngạc nhiên ở đây không phải là sự huỷ hoại thật sự các bản chất (kể ra đó cũng là chuyện hết sức lành mạnh), mà đơn giản chỉ là sự hỗn hợp vội vã chúng lại với nhau. Điều này được nói lên rất rõ qua khái niệm hoàn toàn có tính chất tư sản thần đồng (Mozart*, Rimbaud, Roberto Benzi*); đối tượng tuyệt diệu ở chỗ làm tròn chức năng lý tưởng của mọi hoạt động tư bản chủ nghĩa: rút ngắn thời gian, thu khoảng thời gian con người vào chuyện đo đếm những khoảnh khắc quý giá.
Tất nhiên “bản chất” ấu thơ ấy có những dạng khác nhau tuỳ theo tuổi tác của người dùng nó: đối với những nhà “hiện đại chủ nghĩa”, tuổi ấu thơ tiếp nhận phẩm giá ngay từ chất phi lý tính của mình (ở báo L’Express, người ta chẳng lạ gì khoa tâm lý giáo dục): do vậy mà có sự lẫn lộn nực cười với chủ nghĩa siêu thực! Nhưng với ông Henriot là người không chịu biểu dương mọi nguồn gốc của lộn xộn, tuổi ấu thơ không được sản sinh ra bất cứ gì khác ngoài cái thú vị và cái ưu tú: đứa trẻ không thể là tầm thường cũng chẳng thể là dung tục, vậy là vẫn hình dung một loại trẻ em lý tưởng, từ trên trời rơi xuống bên ngoài mọi quyết định luận xã hội, vậy là cũng gạt ra ngoài cửa của tuổi ấu thơ một số đông trẻ em, và chỉ thừa nhận là trẻ em những chồi non duyên dáng của giai cấp tư sản mà thôi. Lứa tuổi con người chính xác tạo lập bản thân mình, nghĩa là hấp thu mạnh mẽ xã hội và nhân tạo, đối với ông Henriot, thật ngược đời đó là lứa tuổi của “bản tính”; và lứa tuổi một thằng nhóc rất có thể giết một thằng khác (chuyện linh tinh xảy ra cùng thời với vụ Minou Drouet), với ông Henriot, đó vẫn là lứa tuổi con người dường như không thể sáng suốt và nhạo báng, mà chỉ có thể “thành thật”, “dễ thương” và “ưu tú”.
Các nhà bình luận của chúng ta lại có điểm nhất trí với nhau, đó là tính chất ít nhiều tự phụ của Thơ ca: đối với tất cả các vị ấy, Thơ ca là một chuỗi liên tục những khám phá, đó là tên gọi hồn nhiên của ẩn dụ. Bài thơ càng chất chứa những “công thức”, thì càng được xem là thành công. Song chỉ có những thi sĩ tồi mới tạo các hình ảnh “đẹp” hoặc chỉ tạo các hình ảnh ấy mà thôi. Họ ngây thơ quan niệm ngôn ngữ thơ ca như đem cộng các lời hay ho lại với nhau, chắc họ tưởng rằng thơ ca vốn là để chuyển tải cái phi thực tại, nên cần phải bằng bất cứ giá nào phiên dịch đối tượng, chuyển từ Larousse* sang ẩn dụ, dường như chỉ cần gọi sai tên các sự vật là đủ làm cho chúng thành thơ. Kết quả là lối thơ ca ẩn dụ thuần tuý ấy hoàn toàn được xây dựng trên một thứ từ điển thơ ca, mà Molière đã lấy ra vài trang cho thời đại của ông, và thi sĩ rút trong từ điển ấy ra bài thơ của mình, như thể anh ta phải dịch từ “văn xuôi” sang “thơ”. Thơ ca của gia đình Drouet là lối ẩn dụ liên tục hết sức chăm chút ấy, trong đó các tay sốt sắng, cả nam cả nữ, hoan hỉ nhận ra khuôn mặt sáng láng, đầy uy lực của Thơ ca, Thơ ca của họ (còn gì khiến an tâm hơn một cuốn từ điển).
Chính những khám phá chồng chất ấy sinh ra con số cộng hết lời khâm phục này đến lời khâm phục khác: việc thâm nhập bài thơ chẳng còn là hành vi tổng thể, quyết định một cách chậm chạp và kiên trì qua cả loạt những thời gian chết, mà là chất đống những ngây ngất, những hoan hô, những chào mừng trò nhào lộn ngôn từ thành công: cả ở đây cũng thế, chính là số lượng tạo nên giá trị. Những bài thơ của Minou Drouet xuất hiện theo hướng đó như phản ngữ của mọi Thơ ca, ở chỗ chúng trốn tránh thứ vũ khí đơn độc của các nhà văn là tính văn chương: song chỉ duy nhất tính văn chương là có thể làm cho ẩn dụ thơ ca thoát khỏi giả tạo, để nó lộ ra như tia loé của chân lý chinh phục được qua sự lải nhải ghê tởm của ngôn từ. Để chỉ nói về Thơ ca hiện đại (vì tôi nghi ngờ có một bản chất của thơ ca, bên ngoài Lịch sử của nó), tất nhiên là thơ của Apollinaire*, chứ không phải thơ của bà Burnat-Provins, chắc chắn vẻ đẹp của nó, chân lý của nó là ở tính biện chứng sâu sắc giữa cái sống và cái chết của ngôn ngữ, giữa bề dày của từ ngữ và nỗi ngán ngẩm của cú pháp. Thế mà thơ của Minou Drouet cứ lải nhải mãi không thôi, như thể chúng sợ sự im lặng; thơ ấy rõ ràng sợ hãi con chữ và sống bằng cách chồng chất các kiểu xoay xở: nó lẫn lộn cuộc đời với chứng thác loạn thần kinh.
Và người ta an tâm với loại thơ ca này chính là vì thế. Mặc dầu người ta cố cường điệu nó lên là khác thường, mặc dầu người ta làm ra vẻ sửng sốt tiếp nhận nó với những kiểu tán tụng lây lan mãi, chính lối thơ lải nhải, lối liệt kê những khám phá, lối khéo léo tính toán sắp xếp những thừa thãi chẳng đáng giá là bao ấy, tất cả dựng lên một loại Thơ ca hào nhoáng và mamg tính kinh tế: cả ở đây cũng ngự trị thứ giả, một trong những phát minh quý giá nhất của thế giới tư sản, bởi vì phát minh này làm cho kiếm thêm được tiền mà hàng hoá bề ngoài trông vẫn cứ như thật. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tờ L’Express đã vơ lấy trường hợp Minou Drouet: đó là thơ ca lý tưởng của một thế giới hết sức chăm chút đến cái bề ngoài; bản thân Minou dọn đường cho những kẻ khác: chỉ tốn có một cô bé để bước vào Thi đàn lộng lẫy.
Loại Thơ ca ấy tất nhiên có Tiểu thuyết của nó, thể loại tiểu thuyết này sẽ là một ngôn ngữ cũng hoàn toàn minh bạch và thực tiễn, hào nhoáng và thông dụng, chức năng của nó sẽ được niêm yết với giá phải chăng, một tiểu thuyết rất “lành mạnh” sẽ mang trong bản thân nó những ký hiệu rành rành về tính tiểu thuyết, một tiểu thuyết vừa chắc chắn vừa không đắt: chẳng hạn Giải thưởng Goncourt được giới thiệu với chúng ta vào năm 1955 như sự thắng lợi của truyền thống lành mạnh (Stendhal, Balzac, Zola* thế chỗ Mozart và Rimbaud ở đây) chống lại những sự suy đồi của phái tiền phong. Điều quan trọng, như trong trang nội trợ ở những tờ báo phụ nữ của chúng ta, là phải xử lý với các vật phẩm văn chương để người ta biết rõ mẫu mã, công dụng và giá cả trước khi mua, và trong các vật phẩm ấy đừng bao giờ có cái gì khiến người ta bỡ ngỡ: bởi lẽ chẳng có bất cứ nguy hiểm gì khi cao giọng tuyên bố thơ của Minou Drouet là lạ thường, nếu như ngay từ đầu người ta thừa nhận thơ ấy là thơ. Thế nhưng Văn chương chỉ bắt đầu trước cái không thể gọi tên, đối diện với nhận thức về một cái khác xa lạ chính ngay với ngôn ngữ đang tìm kiếm nó. Chính sự hoài nghi có tính sáng tạo ấy, chính cái chết năng sản ấy là điều mà xã hội chúng ta lên án trong Văn chương tốt lành và phù phép trong Văn chương xấu xa. Muốn la lối lên rằng Tiểu thuyết là tiểu thuyết, Thơ là thơ và Kịch là kịch, lối trùng ngôn vô tích sự ấy là cùng một loại với những luật định danh liên quan đến quyền sở hữu các Tài sản trong Luật dân sự: ở đây tất cả đều đồng quy vào sự nghiệp tư sản lớn lao, đó là rốt cuộc con người quy về một của cải, đối tượng quy về một vật sở hữu.
Sau tất cả những điều đó, còn lại vụ việc bản thân cô bé. Nhưng xã hội chẳng việc gì phải than vãn một cách giả đạo đức: chính xã hội làm hại Minou Drouet, Minou Drouet là nạn nhân và chỉ là nạn nhân của xã hội mà thôi. Nạn nhân hiến sinh cầu phúc để cho thế giới được minh bạch, để cho thơ ca, thiên tài và tuổi ấu thơ, nói tóm lại là sự lộn xộn được làm quen một cách dễ dàng, và để cho sự bức xúc thật sự, khi xuất hiện thì đã thấy chẳng còn chỗ để len vào trên các báo chí nữa, Minou Drouet là đứa-trẻ-tuẫn-tiết của người lớn khao khát vinh hoa thơ ca; đó là cô bé bị giam nhốt hoặc bị bắt cóc của một trật tự thủ cựu quy tự do về điều kỳ diệu. Minou Drouet là cô bé mà mụ ăn mày đẩy đi phía trước, trong khi phía sau mụ là chiếc giường ọp ẹp đầy ắp những tiền xu. Một giọt nước mắt cho Minou Drouet, một chút rùng mình cho thơ ca, và thế là chúng ta được giải thoát khỏi Văn chương.