MỘT SỐ các ứng cử viên nghị sĩ tô điểm tờ quảng cáo tranh cử của họ bằng bức chân dung. Vậy là coi như tấm ảnh có khả năng xoay chiều cần phải phân tích. Trước hết hình của ứng cử viên tạo mối liên hệ cá nhân giữa người đó với các cử tri; ứng cử viên không chỉ đưa chương trình để người ta xem xét, mà còn trưng ra khung cảnh cá nhân, tập hợp những lựa chọn hàng ngày thể hiện ở hình dáng, ở cách ăn mặc, ở tư thế. Như vậy ảnh có xu hướng thiết lập nền gia trưởng của các cuộc bầu cử, tính chất “có tư thế” của những cuộc bầu cử ấy, tính chất đó bị rối loạn bởi chế độ bầu cử theo tỷ lệ và sự ngự trị của các đảng phái (cánh hữu dường như sử dụng biện pháp này nhiều hơn cánh tả). Khi ảnh là ngôn ngữ tỉnh lược và là sự ngưng kết của tất cả những gì “khó diễn tả nên lời” về mặt xã hội, nó trở thành một vũ khí phản-trí thức, có xu hướng tránh né “chính trị” (nghĩa là một tập hợp những vấn đề và những giải pháp) để làm lợi cho một “trạng thái”, một quy chế tâm lý-xã hội. Người ta biết rằng sự đối lập ấy là một trong những huyền thoại quan trọng của chủ nghĩa Poujade (Poujade trên truyền hình: “Các bạn hãy nhìn tôi đây: tôi cũng như các bạn”).
Vậy ảnh chụp để tranh cử trước hết là sự thừa nhận một cái gì đó sâu xa, phi lý tính lan rộng sang lĩnh vực chính trị. Được truyền vào ảnh của ứng cử viên không phải là những dự án, mà là những động cơ của ông ta, tất cả những trạng huống gia đình, tinh thần, kể cả tình ái, toàn bộ phong cách sống mà ông ta vừa là sản phẩm, là mẫu mực và là mồi nhử. Rõ ràng phần lớn các ứng cử viên để cho chúng ta đọc được trong hình ảnh của họ địa vị xã hội vững chãi, tình trạng khoan khoái hiện ra mặt về các chuẩn mực gia đình, pháp lý, tôn giáo, sở hữu những thứ tốt đẹp trời cho của giai cấp tư sản, chẳng hạn như đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật, thái độ bài ngoại, món bít tết khoai tây rán và trò hề bị cắm sừng, tóm lại cái mà người ta gọi là một hệ tư tưởng. Đương nhiên, việc sử dụng ảnh để tranh cử coi như phải được sự tiếp tay: ảnh là tấm gương cho ta thấy cái quen thuộc, cái đã biết, giới thiệu với cử tri gương mặt của chính cử tri được làm sáng sủa, được tôn lên, được nâng cao vời vợi đến trạng thái mẫu mực. Chính sự gia tăng ấy xác định rất chính xác nghệ thuật chụp ảnh tranh cử: cử tri thấy mình vừa được thể hiện vừa được suy tôn, cử tri được thôi thúc lựa chọn chính mình, uỷ nhiệm để người ta bầu cho mình: cử tri uỷ quyền cho “dòng dõi” của mình.
Các mẫu người được uỷ quyền không đa dạng lắm. Trước hết là mẫu người có địa vị xã hội, có tư cách đáng kính, hồng hào và béo mập (các danh sách thuộc phái “quốc gia”) hoặc trắng trẻo và tao nhã (các danh sách M.R.P.*). Một mẫu người khác là mẫu trí thức (nhân đây tôi nhấn mạnh đó là những mẫu người “được biểu đạt” chứ không phải những mẫu người tự nhiên: tính chất trí thức giả dối của phái Tập hợp quốc gia, hoặc “sắc sảo” của ứng cử viên cộng sản. Trong cả hai trường hợp, ảnh muốn biểu đạt sự kết hợp hiếm hoi giữa tư duy và ý chí, giữa suy nghĩ và hành động: mí mắt hơi nhíu lại để hé ra cái nhìn sắc bén dường như lấy sức mạnh từ một lý tưởng đẹp đẽ trong đầu, song vẫn không ngừng nhìn vào những trở ngại có thực, như thể ứng cử viên mẫu mực ở đây phải liên kết một cách tuyệt vời chủ nghĩa duy tâm xã hội với chủ nghĩa kinh nghiệm tư sản. Mẫu người cuối cùng đơn giản chỉ là mẫu “anh chàng đẹp trai”, lôi cuốn sự chú ý của công chúng nhờ sức khoẻ và phong độ của mình. Tuy vậy một số ứng cử viên nhập vai tài tình hai mẫu người cùng một lúc: ở một góc bích trương là khi còn trẻ, diễn viên đóng vai chàng thanh niên say đắm yêu đương, là anh hùng (mặc quân phục), và ở góc khác là lúc đã đứng tuổi, là công dân tráng kiện đẩy cái gia đình nhỏ bé của mình ra phía trước. Bởi vì mẫu ảnh chụp thường xuyên được bổ trợ bằng những thứ đi kèm rất rõ ràng: ứng cử viên vây quanh là những đứa con nhỏ (được trang điểm và chải chuốt như tất cả các đứa trẻ được chụp ảnh ở Pháp), thanh niên nhảy dù với hai cánh tay áo xắn lên, sĩ quan ngực gắn đầy huân chương. Tấm ảnh ở đây thực sự như để phơi ra những giá trị tinh thần: tổ quốc, quân đội, gia đình, danh dự, chiến trận.
Ngoài ra, bản thân tính chất quy ước của ảnh chụp cũng đầy những ký hiệu. Tư thế nhìn thẳng tô đậm óc thực tế của ứng cử viên, nhất là khi có đeo cặp kính như xoi mói. Tất cả ở đây đều biểu hiện các phẩm chất sáng suốt, nghiêm túc, thẳng thắn: vị nghị sĩ tương lai nhìn thẳng vào kẻ thù, vào trở ngại, vào “vấn đề”. Tư thế chụp ba phần tư, thường xuyên hơn, gợi lên quyết tâm theo đuổi một lý tưởng: cái nhìn mất hút một cách cao quý về tương lai, nó không đối đầu, nó chế ngự và gieo mầm một cái gì khác e dè chưa xác định. Hầu hết các ảnh chụp ở tư thế ba phần tư đều hướng lên, khuôn mặt ngước về phía ánh sáng siêu nhiên nó thu hút, nó nâng khuôn mặt lên các miền của tình thương cao cả, ứng cử viên đạt tới vùng trời của những tình cảm cao thượng, nơi mọi mâu thuẫn chính trị đều được giải quyết: hoà bình và chiến tranh ở Angiêri, tiến bộ xã hội và những lời lãi của giới chủ, giáo dục “tự do” và sự trợ cấp cho ngành củ cải đường, cánh hữu và cánh tả (sự đối lập luôn luôn “vượt qua được”!), tất cả cùng tồn tại hoà bình trong ánh mắt tư lự, hướng chăm chăm một cách cao thượng về phía những lợi ích huyền bí của Thể c…