DÂN TỘC Pháp xem rượu vang là một tài sản đặc thù cũng như ba trăm sáu mươi loại pho mát và nền văn hoá của mình. Đó là thứ đồ uống – totem, tương đương với sữa bò Hà Lan hoặc nước trà mà hoàng gia nước Anh uống một cách trịnh trọng. Bachelard* đã tiến hành xem xét chất lỏng ấy về mặt phân tâm học ở cuối tiểu luận của ông về các mơ mộng của ý chí, chỉ ra rằng rượu vang là cốt tuỷ của mặt trời và của đất, trạng thái gốc của nó không phải là ướt mà là khô, và vì vậy thực thể huyền thoại đối lập nhất với nó chính là nước.
Nói thực ra, cũng như mọi totem dai dẳng, huyền thoại về rượu vang có những biến thái nhiều khi tưởng như mâu thuẫn. Chẳng hạn cái chất kích thích ấy bao giờ cũng được xem như loại giải khát hiệu nghiệm nhất, hoặc chí ít cái khát là lý do tại ngoại đầu tiên khiến người ta uống nó (“nó gây khát”). Có dạng màu đỏ, bản thể xa xưa của nó là máu, chất lỏng đậm đặc và liên quan đến sự sống. Đó là vì dạng thể dịch của nó thực ra không quan trọng mấy; trước hết nó là một chất chuyển đổi, có khả năng lật ngược các tình huống và các trạng thái, và rút từ các đối tượng ra mặt đối lập của chúng, chẳng hạn có khả năng biến người yếu thành kẻ mạnh, người ít nói thành gã ba hoa; do đó mà nó có ma lực di truyền lâu đời, có quyền năng triết học chuyển đổi hoặc sáng tạo ex nihilo*.
Về bản chất là một chức năng, mà chức năng thì có thể thay đổi, nên rượu vang xem ra có những khả năng linh hoạt: nó có thể dùng làm lý do tại ngoại cho mơ mộng cũng như cho thực tế, tuỳ thuộc người sử dụng huyền thoại. Với người lao động, rượu vang sẽ làm cho tay nghề được thuần thục, dễ dàng sáng tạo (“để tâm vào công việc”). Với người trí thức, nó sẽ có chức năng ngược lại: rượu vang “petit vin blanc” hoặc “beaujolais” sẽ giúp nhà văn thoát khỏi thế giới quá trần tục của những rượu cốc-tay và những rượu bạc* (thói đua đòi chỉ đưa ra mời những loại ấy thôi); rượu vang sẽ giải thoát ông ta khỏi những huyền thoại, sẽ dứt bỏ ông ta khỏi tính trí năng, sẽ đặt ông ta ngang tầm với người vô sản; nhờ rượu vang, người trí thức tiếp cận với tính chất cường tráng tự nhiên, và vì vậy thoát được tai hoạ mà một thế kỷ rưỡi chủ nghĩa lãng mạn tiếp tục đè nặng lên tính chất lý trí thuần tuý (ta biết rằng một trong những huyền thoại đặc thù của người trí thức hiện đại là nỗi ám ảnh “có cái đó”).
Nhưng điều đặc biệt với nước Pháp là khả năng chuyển đổi của rượu vang chẳng bao giờ được nêu lên công khai như một mục đích: những xứ sở khác uống là để say sưa,và ai cũng nói như vậy; ở Pháp, say sưa là hệ quả, chẳng bao giờ là mục đích; uống rượu được cảm nhận như sự nhâm nhi hứng thú, chứ không như nguyên nhân cần thiết để đạt hiệu quả mong muốn: rượu vang không chỉ là bùa ngải, nó còn là hành động nhấm nháp dài dài: động tác ở đây có giá trị trang trí, và quyền lực của rượu vang chẳng bao giờ tách rời với các phương thức tồn tại của nó (ngược với rượu whisky, chẳng hạn, là loại rượu uống để say sưa “sự say sưa khoan khoái nhất, với những hậu quả ít khó chịu nhất”, uống, rồi lại uống, và việc uống whisky rút lại thành một hành vi – nguyên nhân).
Tất cả những điều đó đều được biết, được nói hàng ngàn lần trong phôn-clo, trong tục ngữ, trong các cuộc chuyện trò và trong Văn chương. Nhưng ngay sự phổ quát ấy cũng bao hàm tính chất thủ cựu: tin vào rượu vang là một hành vi cộng đồng bắt buộc; người Pháp nào hơi xa lánh huyền thoại sẽ phải hứng chịu những lời nói ra nói vào, chẳng phải là sai về hoà đồng, mà trước hết anh ta phải thanh minh. Nguyên tắc phổ quát hoàn toàn chi phối ở đây, theo nghĩa là xã hội gọi bất cứ ai không tin vào rượu vang là ốm yếu, khuyết tật hoặc hư hỏng; xã hội không comprend* người đó (theo hai nghĩa, về phương diện tinh thần và về phương diện không gian của thuật ngữ này). Ngược lại, văn bằng chứng nhận hoà nhập tốt được cấp cho ai uống rượu vang: biết uống là một kỹ thuật quốc gia dùng để xác định tư cách người Pháp, để chứng tỏ đồng thời năng lực thành tích, sự tự chủ và tính cách hoà đồng của người đó. Vậy rượu vang là cơ sở cho đạo đức cộng đồng, bên trong nền đạo đức ấy, mọi thứ đều được bỏ qua: những thái quá, những bất hạnh, những tội ác chắc là có thể xảy ra với rượu vang, nhưng tuyệt nhiên không phải là ác độc, phản trắc hoặc xấu xa; điều ác mà nó có thể gây ra là thuộc loại bất khả kháng, nên thoát khỏi hình phạt, đó là điều ác chẳng may, chứ không phải điều ác do tính khí.
Rượu vang được xã hội hoá bởi vì nó là cơ sở không những cho nền đạo đức, mà còn cho bối cảnh nữa; nó trang trí cho những lễ nghi nhỏ nhặt nhất của cuộc sống thường ngày ở Pháp, từ bữa ăn qua loa (rượu vang đỏ, pho mát camembert) đến bữa liên hoan, từ cuộc trò chuyện ở quán rượu đến bài diễn văn trong buổi tiệc tùng. Nó kích thích các khí hậu, dù đó là khí hậu nào, trong rét mướt nó liên kết với tất cả những huyền thoại của nóng ấm, và trong oi bức nó khơi gợi mọi hình ảnh của bóng râm, mát mẻ và giá buốt. Chẳng có tình trạng khó chịu nào của cơ thể (nhiệt độ, cái đói, sự buồn phiền, sự bức bối, cảnh ngộ đất khách quê người) lại không khiến ta mơ ước đến rượu vang. Là chất cơ bản kết hợp với những hình thái thức ăn khác, nó có thể trùm lên mọi không gian và mọi thời gian của người Pháp. Nhắc đến một chi tiết nào đó của cuộc sống đời thường mà thiếu rượu vang thì người ta thấy bực mình như chẳng phải ở quê hương: ông Coty*, khi bắt đầu nhiệm kỳ bảy năm, để người ta chụp ảnh trước một bàn ăn thân mật, trên bàn, thật khác thường, chai Dumesnil dường như thay thế cho chai litron đỏ, cả nước náo động lên: điều đó không thể tha thứ được cũng như một ông vua mà sống độc thân. Rượu vang trong trường hợp này là thuộc lý do quốc sự.
Bachelard chắc có lý khi cho rằng nước là cái đối lập với rượu vang: về phương diện huyền thoại học, điều đó là đúng; về phương diện xã hội học, ít ra ngày nay điều đó không đúng lắm; những hoàn cảnh kinh tế hoặc lịch sử đã chuyển vai trò ấy cho sữa. Bây giờ sữa là thứ phản-vang thật sự: và không phải chỉ là do những sáng kiến của ông Mendès-France* (cố ý theo phong cách huyền thoại: uống sữa ở diễn đàn như Mathurin ăn rau spinach), mà cũng bởi lẽ, trong đại danh mục hình thái các chất, sữa là đối lập với lửa do mật độ phân tử dày đặc của nó, do bản chất kem trên bề mặt của nó; rượu vang có tính chất cắt bỏ, tính chất phẫu thuật, nó chuyển đổi và sản sinh; sữa thì có tính chất mỹ phẩm, nó gắn kết, bồi đắp, phục chế. Hơn nữa, cái tinh khiết kết hợp với tính chất trong trắng trẻ thơ của sữa là sự bảo đảm cho sức mạnh, sức mạnh không bừng bừng, không nổi nóng, mà bình tĩnh, thản nhiên, tỉnh táo, hệt như thực tại. Trong vài phim Mỹ, nhân vật nam, cương nghị và trong trắng, không khước từ một cốc sữa trước khi rút khẩu súng côn trừng trị kẻ gian tà, những nhân vật ấy đã chuẩn bị cho sự hình thành huyền thoại mới về Parsifal này: đến bây giờ, trong giới anh chị ở Paris, đôi khi người ta cũng uống thứ sữa-lựu lạ thường, du nhập từ châu Mỹ. Nhưng sữa vẫn là một chất ngoại lai; rượu vang mới mang tính chất dân tộc.
Vả chăng, huyền thoại học về rượu vang có thể giúp chúng ta hiểu tính chất nhập nhằng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Bởi vì rượu vang đúng là một chất tuyệt vời, nhưng cũng đúng không kém là việc sản xuất rượu vang mang nặng tính chất của chủ nghĩa tư bản Pháp, dù đó là của những người nấu rượu nhà hay của những tên đại thực dân bên Angiêri, chúng buộc tín đồ đạo Hồi, ngay trên mảnh đất đã bị người ta tước đoạt, phải trồng loại cây chẳng biết dùng làm gì, vì họ thiếu cả cơm ăn. Vậy nên có những huyền thoại rất dễ thương nhưng dẫu sao cũng chẳng phải là vô hại. Và đặc điểm sự tha hoá hiện nay của chúng ta chính là ở chỗ rượu vang không thể là chất hoàn toàn tốt lành, trừ phi buộc lòng phải quên đi nó cũng là sản phẩm của sự chiếm dụng.