TRẬN LỤT hồi tháng Giêng 1955 có thể đã gây ra cho hàng ngàn người Pháp những trở ngại và những bất hạnh, nhưng nó vẫn mang tính chất Hội hè hơn là thảm hoạ.
Mới đầu, trận lụt đã làm cho một số đồ vật trở nên lạ lẫm, đã làm tươi mới nhận thức về thế giới bằng cách đưa vào đó những điểm bất thường tuy rằng có thể lý giải được: người ta đã thấy những chiếc xe hơi chỉ còn là cái mui, những đèn đường bị cụt gốc, chỉ còn cái ngọn nổi lên như các bông hoa súng, những ngôi nhà bị cắt như các khối xếp hình của trẻ, một chú mèo bị mắc nghẽn nhiều ngày trên một cây cao. Tất cả những vật dụng đời thường đó bỗng chốc dường như bị tách lìa khỏi gốc rễ của chúng, bị tước mất thực thể hợp lý tuyệt vời là Thế gian. Sự đoạn tuyệt ấy có cái hay là lạ lùng, mà không huyền ảo đáng sợ: làn nước đã tác động như một trò kỹ xảo điêu luyện nhưng ai cũng biết rõ, mọi người có cái thú được nhìn thấy những thứ bị thay hình đổi dạng, nhưng tóm lại vẫn “tự nhiên”, đầu óc họ đã có thể chăm chú vào hiệu quả, mà không sa vào nỗi khắc khoải vì tù mù chẳng hiểu nguyên nhân. Nước lụt đã làm đảo lộn quang cảnh thường ngày, song lại không lái chệch nó về phía kỳ ảo: các vật thể đã bị xoá đi một phần, nhưng không bị biến dạng: cảnh tượng đã trở nên kỳ cục, nhưng vẫn hợp lý.
Mọi đoạn tuyệt hơi quá một chút với cái đời thường đều dẫn đến Hội hè: vả chăng nước lên không chỉ lựa chọn và làm cho lạ lẫm một số vật thể, mà nó còn làm đảo lộn ngay cả cảm giác chung về quang cảnh, làm đảo lộn tầm nhìn bao quát lâu nay: các tuyến địa chính quen thuộc, các hàng cây như rèm che, các dãy nhà, các con đường, ngay cả lòng sông, những thứ vốn vững bền để phân định rõ rệt các sở hữu, tất cả đều đã bị tẩy xoá đi, đã bị mở rộng từ góc ra diện: chẳng còn trục đường, chẳng còn bờ sông, chẳng còn phương hướng; một chất liệu bằng phẳng trải ra không biết đâu là bờ bến, và vì thế nó làm cho người ta chững lại, chơi vơi bị bứt khỏi các hiện trường, chẳng biết lấy đâu làm căn cứ.
Hiện tượng gây bối rối nhất chắc chắn là chính dòng sông cũng biến mất: con sông, nguyên nhân của tất cả sự xáo trộn ấy, giờ không còn nữa, nước không còn chảy theo dòng, cái dòng sông uốn lượn, hình dạng sơ đẳng của mọi nhận thức địa lý, mà trẻ em, đúng thế, rất ưa chuộng, chuyển từ đường nét thành mặt phẳng, những chỗ quanh co lồi lõm của địa hình chẳng còn thấy đâu nữa, không còn phân chia thứ bậc đâu là sông, là đường, là đồng ruộng, là sườn dốc, là những khoảng đất trống; tầm nhìn toàn cảnh mất đi quyền lực lớn lao là tổ chức không gian theo kiểu sắp xếp các chức năng liền kề bên nhau. Vậy là lũ lụt gây bối rối chính ngay ở trung tâm các phản xạ thị giác. Nhưng bối rối ấy không gây lo lắng về mặt thị giác (tôi nói về các ảnh chụp đăng báo, phương tiện tiêu thụ duy nhất thực sự mang tính tập thể của cảnh lũ lụt); nhận thức đúng đắn về không gian bị ngưng lại, trở nên lạ lẫm, nhưng cảm giác chung vẫn dịu dàng, êm đềm, bất động và dễ chịu; tầm nhìn bị kéo loãng ra vô tận; cảnh quan thường ngày mất đi mà không gây náo động: đó là sự biến dịch người ta chỉ thấy diễn ra trọn vẹn rồi, vì thế nỗi khiếp sợ chẳng còn.
Nước những con sông lặng lẽ tràn bờ khiến các chức năng và các tên của địa hình bị ngưng lại, tương ứng với cảnh quan làm yên lòng ấy rõ ràng là cả một huyền thoại thích hợp về sự trượt lướt đi: trước các bức ảnh chụp cảnh lũ lụt, mỗi độc giả cảm thấy mình như cũng đang được lướt đi. Do đó mà những cảnh chụp các con thuyền đi trong phố rất thành công: những cảnh ấy nhiều lắm, báo chí và độc giả tỏ ra ham thích lắm. Đó là vì ở đấy người ta thấy diễn ra trong cuộc đời thực ước mơ huyền thoại và đơn sơ lớn lao về con người đi trên mặt nước. Sau mấy ngàn năm lướt trên sông biển, con tàu vẫn còn là điều khiến người ta ngạc nhiên: nó sản sinh ra những ham muốn, những khát vọng, những mơ mộng: trẻ em trong trò chơi hay những người lao động bị mê hoặc bởi các chuyến du hành đường biển, tất cả đều nhìn thấy ở đấy chính cái công cụ của sự giải phóng, việc thực hiện luôn luôn kỳ lạ một vấn đề mà lương tri không giải thích nổi: đó là đi trên mặt nước. Lũ lụt lại tung chủ đề ấy lên, đưa đến cho nó một khung cảnh lôi cuốn là phố xá của mọi ngày: người ta đi bằng tàu đến hiệu bán tạp hoá, cha xứ đi bằng thuyền đến nhà thờ, một gia đình đi mua sắm đồ thiết dụng bằng ca nô.
Thêm vào loại chuyện kỳ dị ấy là niềm háo hức xây dựng lại thôn làng hoặc khu phố, tạo cho nó những con đường mới, xử sự đại khái như ở trên sân khấu, biến đổi huyền thoại trẻ thơ về túp lều tranh, bằng cách khó tiếp cận ngôi nhà – chốn nương thân, nó được chính làn nước bảo vệ như một pháo đài hay một toà lâu đài ở Venise. Điều ngược đời, lũ lụt đã tạo nên một thế giới dễ sử dụng hơn, có thể điều khiển một cách khoái trá như khi trẻ con sắp xếp, khám phá và thích thú chơi đồ chơi. Các ngôi nhà chỉ còn là những hình lập phương, các đường sắt chỉ còn là những tuyến tách biệt, các gia súc chỉ còn là những bầy đàn di dời, và chính là con tàu nhỏ, thứ đồ chơi tuyệt vời nhất của thế giới trẻ thơ, đã trở thành phương thức sở hữu cái không gian được bày ra, trải ra và không còn cắm sâu bén rễ nữa.
Nếu ta chuyển từ các huyền thoại về cảm giác sang các huyền thoại về giá trị, lũ lụt vẫn giữ được phần háo hức như thế: báo chí đã có thể triển khai rất dễ dàng động lực của tình đoàn kết và ngày này qua ngày khác nói đến lũ lụt như một sự kiện tập hợp mọi người lại với nhau. Điều đó chủ yếu liên quan đến tính chất dự báo của tai hoạ: chẳng hạn báo chí đã sôi nổi và năng nổ dự kiến trước lũ lụt sẽ tới đỉnh điểm vào ngày nào; cái thời hạn tai hoạ ập đến xem ra có vẻ khoa học, đã tập hợp được mọi người để bàn giải pháp chống chọi hợp lý: đắp đập, trét các lỗ hổng, sơ tán, vẫn là sự hối hả háo hức như thu dọn thóc lúa hoặc quần áo phơi khi sắp có cơn dông, như nhấc cầu rút trong một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu, tóm lại là chống chọi với tự nhiên chỉ bằng thứ vũ khí là chạy đua với thời gian.
Đe doạ Paris, lũ lụt cũng đã có thể hoà mình chút ít vào huyền thoại năm bốn mươi tám*: dân chúng Paris đã dựng các “chướng ngại vật”, họ đã bảo vệ thành phố của mình bằng những viên đá lát đường chống lại dòng sông kẻ thù. Phương thức kháng cự truyền thuyết ấy đã có sức quyến rũ lớn lao, được tán dương bằng cả loạt hình ảnh nào là tường ngăn chặn, nào là chiến hào, nào là thành luỹ bằng cát trẻ con dựng trên bờ bãi để chạy đua chống lại nước tràn tới. Như thế còn hay hơn là bơm nước từ các căn hầm ra mà báo chí không khai thác được gì nhiều, các bác gác cổng chẳng hiểu bơm nước đổ ra con sông đang dâng nước lên thì được tích sự gì. Tốt hơn là tung ra hình ảnh huy động binh lính cứu trợ, những chiếc xuồng cao su gắn máy, việc cứu nạn “các trẻ em, cụ già và bệnh nhân”, việc dồn súc vật lên xuồng, hối hả như Noé trong Kinh thánh chất đầy con Tàu lớn. Bởi lẽ con Tàu lớn là một huyền thoại tốt lành: ở đấy nhân loại tránh được tai hoạ, nhân loại tập trung vào đấy và tạo dựng ở nơi đây ý thức cần thiết về quyền lực của mình, từ trong bất hạnh vẫn tỏ rõ là có thể điều khiển được thế giới.