TẠP CHÍ Match đã kể một chuyện nói lên nhiều điều về huyền thoại tiểu tư sản liên quan đến người Da đen: một cặp vợ chồng nhà giáo trẻ tuổi đã thám hiểm xứ sở của dân Ăn thịt người để vẽ tranh; họ mang theo đứa con mới mấy tháng tuổi tên là Bichon. Ai nấy đều hết sức lấy làm lạ về sự dũng cảm của ông bố, bà mẹ và con họ.
Thoạt đầu, người ta hết sức bức xúc về thứ anh hùng chủ nghĩa chẳng có mục đích. Một xã hội vô cớ tiến hành triển khai những hình thức phẩm chất của mình thì thật là một tình huống nghiêm trọng. Nếu thật sự em bé Bichon sẽ gặp những mối hiểm nguy (thác lũ, thú dữ, bệnh tật v.v.), thì rõ ràng ngốc nghếch bắt nó phải chịu đựng chỉ vì lý do duy nhất đến châu Phi vẽ tranh và để thoả mãn cái phù hoa găm lên vải vẽ “mặt trời và ánh nắng chói chang”; lại còn đáng trách hơn nữa là coi cái ngốc nghếch ấy như sự can trường nổi đình đám và gây xúc động. Người ta thấy lòng dũng cảm ở đây diễn tiến ra sao: đó là một hành động hình thức và rỗng tuếch, nó càng vô cớ thì lại càng được kính nể; người ta đang ở giữa thời buổi của nền văn minh hướng đạo sinh, khi chuẩn mực của những tình cảm và những giá trị hoàn toàn bị tách ra khỏi các vấn đề của tình đoàn kết và tiến bộ cụ thể. Đó là huyền thoại cũ về “tính cách” nghĩa là về “rèn luyện”. Những thành tích của Bichon đều cùng loại với những thăng tiến tuyệt diệu: đó là các biểu hiện về đạo đức, mà giá trị cuối cùng chỉ là nhờ vào quảng cáo mà thôi. Trong các xứ sở chúng ta, tương ứng với những hình thức thể thao tập thể xã hội hoá thường có hình thức thể thao – ngôi sao đỉnh cao: sự nỗ lực rèn luyện thân thể ở đây không xây dựng mối liên kết của cá nhân với cả nhóm, mà lại khích lệ thứ đạo đức phô trương, sức dẻo dai kỳ lạ, chút phiêu lưu bí hiểm, thứ đạo đức đoạn tuyệt một cách quái quỷ mọi quan tâm gắn bó với xã hội.
Chuyến du hành của bố mẹ Bichon lại diễn ra tại một miền rất mơ hồ không xác định, đâu như là Xứ Mọi Da Đỏ, loại địa phương hư cấu mà người ta như vô tình xoá mờ những đặc tính chân thật quá, nhưng cái tên hoang đường của địa phương ấy cũng gợi lên sự nhập nhằng dễ sợ giữa màu da của cư dân và máu người được xem là đồ uống của cư dân, chuyến du hành ấy được thuật lại với chúng ta ở đây bằng ngôn từ đi chinh phục: họ ra đi tất nhiên không mang theo vũ khí, mà “tay cầm bảng màu và cây bút vẽ”, hệt như đấy là chuyến đi săn hay cuộc viễn chinh, được quyết định trong những điều kiện vật chất ác nghiệt (các nhân vật anh hùng luôn luôn là nghèo khổ, xã hội quan liêu của chúng ta không ưu đãi những chuyến đi phong lưu), nhưng giàu về lòng dũng cảm – và về tính chất vô tích sự tuyệt vời (hoặc lố lăng) của lòng dũng cảm ấy. Còn em bé Bichon thì như Parsifal, em đối lập màu tóc vàng hoe của em, sự ngây thơ của em, những búp tóc của em và nụ cười của em với thế giới ghê người của lũ da đen da đỏ, với các vết rạch ở má và các bộ mặt gớm khiếp. Tất nhiên, chính là màu trắng dịu dàng đã chiến thắng: Bichon khuất phục “lũ ăn thịt người” và trở thành thần tượng của họ (dân Da trắng dứt khoát được sinh ra để làm chúa tể). Bichon là một em bé người Pháp hiền lành, em chẳng phải đánh đấm gì mà thuần hoá và khuất phục được bọn man rợ: mới hai tuổi đầu*, đáng lẽ đi chơi ở rừng Boulogne*, em đã làm việc cho tổ quốc của em, hệt như ba em, ta chẳng hiểu rõ tại sao, là người đã chia sẻ cuộc sống của một đơn vị lính cưỡi lạc đà và truy đuổi “bọn kẻ cướp” ở bưng biền.
Người ta đã có thể đoán được hình ảnh của tên Da đen thấp thoáng phía sau mẩu chuyện bổ ích ấy: thoạt đầu tên Da đen gây nỗi sợ hãi, hắn là dân ăn thịt người; và nếu người ta thấy Bichon anh hùng, chính là vì em thật sự có nguy cơ bị ăn thịt. Không có sự hiện diện hàm ẩn của nguy cơ ấy, câu chuyện sẽ mất đi tính chất giật gân, độc giả sẽ chẳng sợ hãi; vì vậy có rất nhiều cuộc chạm trán mà em bé da trắng chỉ có một thân một mình, bị bỏ mặc, vô tư lự, giữa một vòng những tên Da đen xem chừng đều rất đáng sợ (hình ảnh duy nhất của dân Da đen hoàn toàn không đáng ngại sẽ là hình ảnh của anh bồi, gã man rợ đã thành nô lệ, vả chăng hình ảnh này thường sóng đôi với một nét phổ biến khác của tất cả các chuyện hay ho về châu Phi: anh bồi kẻ cắp cuỗm đồ đạc của chủ rồi chuồn). Cứ mỗi hình ảnh, ta lại phải rùng mình về chuyện có thể xảy ra: người ta chẳng bao giờ xác định rõ là chuyện gì, chỉ “khách quan” có thể nào thuật lại như thế; nhưng thực ra câu chuyện dựa trên mối tương quan đầy xúc động giữa thịt trắng và da đen, giữa tính ngây thơ và sự tàn bạo, giữa tinh thần và ma thuật; Người Đẹp chinh phục Con Thú, Daniel* để cho lũ sư tử liếm láp, tính chất văn minh của tâm hồn khuất phục tình trạng dã man của bản năng.
Mưu mẹo quỷ quyệt tung ra chuyện Bichon là giới thiệu thế giới da đen qua đôi mắt nhìn của đứa trẻ da trắng: mọi thứ ở đấy rõ ràng có vẻ như một con rối. Và bởi lẽ sự thu nhỏ này rất khít với hình ảnh người ta thường nghĩ về những nghệ thuật và tập quán ở các xứ sở xa lạ, nên độc giả của tạp chí Match vững tin vào con mắt nhìn trẻ thơ của mình, củng cố thêm chút nữa sự bất lực không thể hình dung được cái gì khác mà tôi đã chỉ ra ở các huyền thoại tiểu tư sản. Chung quy, dân Da đen không có cuộc sống trọn vẹn và tự chủ: đó là một đối tượng kỳ dị; nó rút lại chỉ còn là một chức năng ký sinh, chức năng giải trí cho những người da trắng do tính chất kỳ cục có phần dễ sợ của nó: châu Phi, đó là một con rối hơi nguy hiểm.
Và bây giờ, nếu người ta muốn đối chiếu hình ảnh phổ biến ấy (Match: khoảng một triệu rưỡi độc giả) với những nỗ lực giải hoặc sự kiện người da đen của các nhà dân tộc học, với những cân nhắc hết sức cẩn thận từ rất lâu khi họ buộc phải dùng đến các khái niệm hàm hồ “người Nguyên thuỷ” hoặc “người Cổ sơ”, với trí tuệ trung thực của những người như Mauss, Lévi-Strauss hay Leroi-Gourhan* đương đầu các thuật ngữ phân biệt chủng tộc được che đậy, người ta sẽ hiểu rõ hơn một trong những phiền toái to lớn của chúng ta: đó là mâu thuẫn gay gắt giữa tri thức và huyền thoại. Khoa học tiến nhanh tiến thẳng trên con đường của nó; song những biểu hiện tập thể không theo kịp, tụt lại sau nhiều thế kỷ, bị uy quyền, bị giới báo chí hùng hậu và bị những giá trị tôn ti kìm hãm quẩn quanh trong sai lầm.
Chúng ta đang còn sống trong tâm trạng thời tiền Voltaire, đấy là điều cứ phải nhắc đi nhắc lại. Bởi lẽ vào thời của Montesquieu* hoặc Voltaire*, người ta ngạc nhiên về những dân Ba Tư hoặc những dân Huron là vì chí ít để gán cho họ đức tính chất phác. Voltaire ở vào thời nay chắc sẽ không viết về những chuyện phiêu lưu của Bichon như tạp chí Match đã viết: mà có lẽ ông sẽ tưởng tượng ra một Bichon nào đó ăn thịt người (hoặc dân Cao Ly) phải đương đầu với “con rối” trang bị bom na-pan của phương Tây.