NGƯỜI-PHÓNG là phi công máy bay phản lực. Tạp chí Match đã chỉ rõ người đó thuộc một chủng tộc mới của ngành hàng không, gần với người máy hơn là anh hùng. Dầu sao ở người-phóng vẫn còn sót lại nhiều yếu tố của Parsifal mà ta sắp thấy đây. Nhưng nổi bật trước hết trong huyền thoại jet-man* là sự loại bỏ tốc độ; chẳng có gì trong truyền thuyết ám chỉ cụ thể tới tốc độ cả. Đến đây cần đi vào một nghịch lý mà tất cả mọi người đều sẵn lòng chấp nhận, và thậm chí còn xem như một bằng chứng của tính hiện đại; nghịch lý ấy là tốc độ quá lớn quay về trạng thái nghỉ; viên phi công-anh hùng khác người ở huyền thoại về tốc độ cảm nhận được, về khoảng không gian vun vút băng qua, về chuyển động ngây ngất; còn jet-man thì sẽ được xác định bởi cảm giác bản thể như đứng yên tại chỗ (“ở 2.000 km trên giờ, như dừng nghỉ, chẳng còn cảm giác nào về tốc độ nữa”), dường như thiên hướng quá quắt của anh ta chính là ở chỗ vượt qua chuyển động, là đi nhanh hơn tốc độ. Huyền thoại giờ đây từ bỏ mọi hình ảnh về lướt qua bên ngoài mà đề cập đến cảm nhận bản thể thuần tuý: sự chuyển động không còn là nhận thức bằng mắt các điểm và các diện. Nó đã trở thành một thứ rối loạn theo chiều thẳng đứng, tạo bởi những co rút, tối sầm, khiếp sợ và ngất xỉu; nó không còn là chuyển động trượt, mà là sự phá phách bên trong, bối rối khủng khiếp, khủng hoảng bất động của ý thức cơ thể.
Tất nhiên đến mức ấy huyền thoại về phi công mất đi mọi tính nhân bản. Người anh hùng của tốc độ cổ điển trước đây có thể vẫn là một “người lương thiện” khi sự chuyển động đối với anh ta là một thành tích phụ, để đạt được chỉ đòi hỏi duy nhất lòng dũng cảm mà thôi: người ta đi nhanh bởi ráng sức, như một tài tử nhanh nhẹn, chứ không như một tay chuyên nghiệp, người ta tìm kiếm “sự ngây ngất”, người ta đến với chuyển động, mang theo đạo lý cổ truyền kích thích nhận thức về chuyển động và cho phép nâng thành triết lý. Chừng nào tốc độ là cuộc phiêu lưu thì nó gắn phi công với cả loạt những vai trò con người.
Còn jet-man thì dường như không biết đến phiêu lưu cũng chẳng biết đến số phận, mà chỉ là một thân phận; đã thế thân phận ấy mới thoạt nhìn lại mang tính chất nhân chủng hơn là con người: về phương diện huyền thoại mà nói, người-phóng được xác định bởi lòng dũng cảm không bằng bởi trọng lượng cơ thể, chế độ ăn uống và các thói quen của anh ta (tiết độ, thanh đạm, chay tịnh). Tính chất đặc thù về chủng tộc của anh ta lộ rõ ở hình thái: bộ áo liền quần chống-G băng ni lông có thể làm phồng và chiếc mũ nhẵn bóng choàng cho người-phóng một bộ da mới khiến “ngay đến mẹ đẻ có lẽ cũng không nhận ra”. Đó là sự chuyển đổi chủng tộc thật sự, xem ra càng dễ chấp nhận vì khoa học viễn tưởng đã lan truyền sự chuyển đổi giống loài ấy: mọi sự diễn ra như thể đã có biến đổi đột ngột giữa những sinh linh cũ của nhân loại-cánh quạt và các sinh linh mới của nhân loại-phản lực.
Tuy là huyền thoại mới về bộ máy khoa học, thực ra ở đây chỉ có sự chuyển dịch đơn giản của cái thiêng liêng mà thôi: tiếp nối kỷ nguyên thánh nhân liệt truyện (các Thánh và các Tử vì đạo của hàng không – cánh quạt) là giai đoạn tu viện: và chỉ riêng những quy định ban đầu về chế độ ăn uống có vẻ đã mang ý nghĩa tu hành: chay tịnh và tiết độ, xa lánh các thú vui, sống chung với nhau, quần áo đồng phục, tất cả nhằm mục đích thể hiện, trong huyền thoại người-phóng, tính dễ uốn nắn của cơ thể, sự phục tùng của cơ thể đối với những mục đích tập thể (các mục đích ấy vả chăng cũng kín đáo lập lờ), và chính sự phục tùng ấy là điều hy sinh để đạt tính chất độc đáo kỳ lạ của thân phận phi nhân. Cuối cùng xã hội tìm thấy lại ở người-phóng giao ước thông thần học xưa kia là muốn có quyền lực thì phải tu luyện khổ hạnh, muốn vươn lên thành á thánh thì phải trả giá bằng “hạnh phúc” trần gian. Tình cảnh của jet-man thể hiện rõ rệt dáng dấp thiên hướng tu hành đến mức bản thân tình cảnh ấy là cái giá của những hành xác tiên quyết, những bước đường thụ pháp, nhằm thử thách người xin vào tu viện (vào phòng không trọng lượng, vào máy quay ly tâm). Ngay đến Huấn luyện gia, tóc hoa râm, vô danh, bí hiểm, cũng hoàn toàn biểu thị vị tu sĩ cần có để truyền thụ bí pháp. Còn về khả năng chịu đựng, chúng ta được biết rõ không phải là chịu đựng về thể chất, cũng như trong mọi sự thụ pháp: chiến thắng các thử thách tiên quyết nói đúng ra là thành quả của tư chất tinh thần, người đủ tư cách để được phóng lên thì cũng như những kẻ khác được gọi về với Chúa.
Mọi chuyện sẽ tầm thường nếu như đấy chỉ là người anh hùng truyền thống mà cái giá chỉ là lái máy bay nhưng không rời bỏ chất nhân loại của mình (Saint-Exupéry* nhà văn, Lindbergh* mặc bộ comlê). Nhưng, đặc trưng huyền thoại của người-phóng là không giữ lại bất cứ yếu tố lãng mạn và cá biệt nào của vai trò thiêng liêng, song không vì thế mà buông rơi vai trò. Tuy người-phóng, như tên gọi, đồng nhất với tính thụ động thuần tuý (còn gì trơ trơ và bị động hơn là một vật bị phóng đi?), anh ta dẫu sao vẫn tìm thấy qua huyền thoại dáng dấp của một chủng tộc tưởng tượng, thiên giới, nhờ tu luyện khổ hạnh mà có những đặc thù, và dường như là kết quả của một thứ thoả hiệp về nhân chủng giữa con người và những cư dân sao Hoả. Người-phóng là một anh hùng được vật thể hoá dường như cho đến ngày nay loài người vẫn chỉ có thể quan niệm được trên trời là nơi có những vật thể nửa vời mà thôi.