Những Huyền Thoại

Bộ Óc Của Einstein

Bộ óc của Einstein

BỘ ÓC của Einstein* là một vật thể huyền thoại: nói một cách nghịch lý, trí tuệ tuyệt vời nhất lại gợi hình ảnh một bộ máy hoàn hảo nhất, con người quá quyền lực thì bị tách rời khỏi tâm lý, bị đưa vào thế giới người máy; ta biết rằng trong những tiểu thuyết viễn tưởng, các siêu nhân luôn luôn có cái gì đấy như được vật thể hoá. Einstein cũng vậy: người ta thường quy cái đó cho bộ óc của ông, cơ quan đầu não, một hiện vật bảo tàng thực thụ. Có lẽ do chuyên môn là toán học, nên siêu nhân ở đây bị tước bỏ mọi tính chất thần kỳ; ở ông chẳng có quyền lực mù mờ nào, chẳng có bí ẩn nào khác ngoài bộ máy: ông là một bộ máy cao siêu, phi thường, nhưng có thực, kể cả về mặt sinh lý. Về phương diện huyền thoại mà nói, Einstein là vật chất, quyền lực của ông không tự phát lôi cuốn đến tâm linh, ông cần sự trợ giúp của một luân lý độc lập, sự gợi lại lương tâm của nhà bác học. (Người ta đã nói là Khoa học không lương tâm).

Chính Einstein cũng đã tạo điều kiện ít nhiều cho truyền thuyết bằng cách đi tặng bộ óc của ông mà hai bệnh viện tranh giành nhau như thể đấy là một bộ máy bất thường mà người ta có thể sắp tháo ra xem. Một bức hình chụp ông nằm dài, trên đầu chằng chịt những dây điện: người ta ghi các bước sóng của não bộ ông trong lúc người ta bảo ông “hãy nghĩ về tính tương đối”. (Nhưng xét cho cùng “nghĩ về…” chính xác muốn nói lên điều gì?). Chắc hẳn họ muốn chúng ta hiểu rằng “tính tương đối” là vấn đề càng hóc búa thì điện não đồ càng mạnh. Vậy là bản thân tư duy được thể hiện như một thể năng lượng, sản phẩm có thể đo được của một bộ máy phức tạp (gần gần như máy điện) nó chuyển hoá chất não thành lực. Huyền thoại Einstein biến ông thành một thiên tài chẳng mấy thần kỳ đến mức người ta nói về tư duy của ông như về lao động chức năng chẳng khác gì sản xuất ra xúc xích bằng máy, xay ngũ cốc hoặc nghiền quặng: ông sản xuất ra tư duy, liên tục như cối xay sản xuất ra bột, và cái chết với ông trước hết là sự ngừng lại của một chức năng được khu trú “Bộ óc mãnh liệt nhất đã ngừng tư duy”.

Bộ máy thiên tài ấy được coi như sản xuất ra những phương trình. Nhờ huyền thoại Einstein, thế giới đã thích thú tìm thấy lại hình ảnh tri thức được công thức hoá. Điều nghịch lý, thiên tài của con người càng được cụ thể hoá dưới các chủng loại của bộ óc người đó, thì sản phẩm của phát minh lại càng trở về với tình trạng thần kỳ, càng là hiện thân hình ảnh bí truyền cổ xưa về sự thông thái khép kín hoàn toàn trong vài con chữ. Có một điều bí mật duy nhất của thế giới, và điều bí mật ấy chỉ nằm trong một từ, vũ trụ là một cái két sắt mà nhân loại tìm mã khoá: Einstein gần như đã tìm ra, đấy là huyền thoại Einstein; người ta thấy lại ở đấy tất cả những chủ đề nhận thức: tính nhất thể của tự nhiên, khả năng lý tưởng về một thế giới căn bản hoàn nguyên, sức mạnh khai mở của từ ngữ, cuộc vật lộn từ xa xưa của một điều bí mật và một ngôn từ, ý niệm cho rằng sự hiểu biết tổng thể chỉ có thể được phát hiện ra tức khắc, như ổ khoá đột nhiên bật mở sau hàng ngàn năm hí hoáy chẳng ăn thua. Phương trình có tính chất lịch sử E = mc², do tính chất đơn giản bất ngờ, hầu như thể hiện đầy đủ ý niệm thuần tuý về chiếc chìa khoá, trần trụi, dài và hẹp, chỉ bằng một thứ kim loại, mở dễ dàng như có phép thần thông cánh cửa mà thiên hạ đã loay hoay từ nhiều thế kỷ. Các tranh ảnh nêu rõ điều đó. Einstein, được chụp ảnh, đứng bên một chiếc bảng đen đặc kín những ký hiệu toán học nhìn vào thấy ngay là phức tạp; nhưng Einstein được vẽ, nghĩa là đi vào truyền thuyết, thì tay vẫn đang cầm viên phấn, vừa mới viết trên chiếc bảng còn trống trơn, như không chuẩn bị, cái công thức thần kỳ của thế giới. Như vậy là huyền thoại tôn trọng tính chất các phần việc: sự nghiên cứu theo nghĩa đích thực làm chuyển động các bánh xe cơ giới, trung khu của nó là một cơ quan hoàn toàn vật chất chỉ quái dị ở tính chất phức tạp về phương diện điều khiển học của nó mà thôi; sự khám phá, trái lại, thuộc bản chất thần kỳ, nó giản dị như một thể nguyên sơ, như một chất bản nguyên, hòn đá tảng của các nhà huyền bí học, nước nhựa đường của Berkeley*, khí ô-xy của Schelling*.

Nhưng vì thế giới cứ tiếp diễn, vì sự nghiên cứu vẫn luôn luôn phong phú, và cũng vì phải dành phần cho Thượng đế, nên một thất bại nào đấy của Einstein là cần thiết: Einstein chết, theo như người ta nói, mà chưa xác minh được “cái phương trình chứa đựng bí mật của thế giới”. Vậy là cuối cùng thế giới đã cưỡng lại, điều bí mật vừa mở ra đã khép vào luôn, mã khoá không đầy đủ. Như vậy Einstein thoả mãn hoàn toàn huyền thoại, nó bất chấp các mâu thuẫn, miễn rằng nó thiết lập được tình trạng an toàn thoải mái: đồng thời vừa là pháp sư vừa là bộ máy, vừa là người thường xuyên tìm kiếm, vừa là người phát kiến chưa toại nguyện, khởi động cái tốt nhất và cái xấu nhất, bộ óc và lương tâm, Einstein hoàn thành những mơ ước trái ngược nhau nhất, dung hoà một cách huyền thoại quyền lực vô tận của con người đối với tự nhiên và “tính tất yếu” của một điều thiêng liêng mà con người chưa thể bác bỏ.