TÁC PHẨM của Jules Verne* (mà người ta vừa làm lễ kỷ niệm nhân dịp tròn năm mươi năm*) sẽ là đối tượng tốt cho việc phê bình về cấu trúc; đó là một tác phẩm luận đề, Verne đã xây dựng một thứ vũ trụ khép kín trong bản thân nó, nó có những phạm trù riêng của nó, có thời gian, không gian, trạng thái trọn vẹn của nó, và thậm chí cả nguyên tắc hiện sinh của nó.
Nguyên tắc ấy theo tôi dường như là động tác khép kín liên tục. Trí tưởng tượng của Verne về chuyến du hành xoay quanh việc thám hiểm trong khuôn viên đóng kín, và sự bắt gặp của Verne với tuổi ấu thơ không bắt nguồn từ chuyện phiêu lưu thần bí vô vị, mà trái lại từ niềm hạnh phúc thông thường về cái hữu hạn người ta tìm thấy ở trẻ em say mê những túp lều và những nhà bạt: tự quây mình lại và ở trong đó, đấy là mơ ước hiện sinh của trẻ em và của Verne. Màu lý tưởng của ước mơ ấy là cuốn tiểu thuyết gần như hoàn hảo: Hòn đảo bí ẩn*, ở đó con người – trẻ thơ sáng tạo lại thế giới, chất đầy nó, rào kín nó, tự nhốt mình trong đó, và tôn vinh nỗ lực bách khoa ấy bằng tư thế chiếm hữu tư sản: giầy vải đi trong nhà, tẩu thuốc lá và bên góc lò sưởi, trong lúc ngoài kia bão táp, nghĩa là cái vô hạn, cứ việc hoành hành vô tích sự.
Verne từng là một người say mê sự sung mãn: ông không ngừng hoạch định thế giới và bày biện đồ đạc thế giới ấy, làm cho nó đầy ắp như kiểu một quả trứng; hành động của ông đúng là hành động của một nhà bách khoa thư thế kỷ XVIII hoặc của một hoạ sĩ Hà Lan: thế giới là hữu hạn, thế giới thì đầy những vật liệu đo đếm được và liền sát nhau. Nghệ sĩ không thể có công việc gì khác ngoài lập các bản danh mục, các bản thống kê, và xua đuổi các xó xỉnh còn bỏ trống, để đưa vào đấy thành hàng thành lối san sát những sáng tạo và dụng cụ của con người. Verne thuộc hàng ngũ tiến bộ của giai cấp tư sản: tác phẩm của ông khẳng định không gì có thể thoát khỏi con người, thế giới, kể cả thế giới xa xôi nhất, cũng chỉ như một đồ vật trong bàn tay con người, và quyền sở hữu, tóm lại, chỉ là một thời điểm biện chứng trong quá trình tổng thể chế ngự Tự nhiên. Verne không hề tìm cách mở rộng thế giới bằng những con đường thoát ly lãng mạn hoặc những kế hoạch thần bí vươn tới cái vô hạn: ông luôn tìm cách co hẹp thế giới đó lại, dồn mọi thứ vào đấy, thu nó thành một khoảng không gian quen biết và khép kín, nơi con người sau đó có thể ăn ở thoải mái: thế giới có thể rút ra mọi thứ từ bản thân nó, để tồn tại nó chẳng cần đến ai khác ngoài con người.
Không kể vô số những điều do khoa học cung cấp, Verne đã tìm ra phương tiện tiểu thuyết tuyệt vời để làm nổi bật việc chiếm hữu thế giới ấy: bảo lãnh không gian bằng thời gian, không ngừng liên kết hai phạm trù ấy với nhau, tất cả chỉ do ngẫu nhiên hoặc do ý định chợt nảy trong đầu, nhưng bao giờ cũng thành công. Bản thân những diễn biến cũng phải đem lại cho thế giới trạng thái co giãn, phải nới rộng hoặc thu hẹp khuôn viên, phải ăn nhập trơn tru với các khoảng cách vũ trụ, và cảm nghiệm một cách ranh mãnh quyền năng của con người đối với các không gian và các thời biểu. Và trên hành tinh bị nghiến ngấu một cách thắng lợi vẻ vang bởi người hùng của Verne, một loại Antée* tư sản chỉ đêm đêm mới là thời gian thảnh thơi và “hồi sức”, vẫn thường có một nhân vật khác lạ nào đấy, bị giày vò bởi nỗi ân hận hoặc chán chường, dấu vết của một thời lãng mạn đã qua rồi, và nhân vật ấy do sự tương phản càng làm nổi bật sức khoẻ của những chủ sở hữu thế giới thực sự, họ chẳng có mối băn khoăn nào khác ngoài việc thích nghi càng trọn vẹn càng tốt với các tình huống phức tạp không phải về phương diện siêu hình cũng chẳng phải về phương diện đạo đức, mà đơn giản chỉ là do sự thay đổi thất thường quá quắt nào đấy về địa lý mà thôi.
Vậy hành động sâu xa của Jules Verne chính là sự chiếm hữu chẳng sai vào đâu. Hình ảnh con tàu, hết sức quan trọng trong huyền thoại của Verne, không hề mâu thuẫn với điều đó, mà hoàn toàn ngược lại: con tàu rất có thể là biểu tượng của sự ra đi; sâu xa hơn, nó là dấu hiệu của khuôn viên khép kín. Sở thích đi tàu bao giờ cũng là niềm vui được sống hoàn toàn khép kín một nơi, được có trong tầm tay càng nhiều vật dụng càng tốt. Được tuỳ ý sử dụng một không gian hữu hạn tuyệt đối: yêu những con tàu, trước hết đó là yêu một ngôi nhà cực điểm, bởi lẽ đóng kín hoàn toàn, chứ tuyệt nhiên không phải là những chuyến đi xa mơ hồ: con tàu là nơi cư trú trước khi là một phương tiện chuyên chở. Vả chăng tất cả những con tàu của Jules Verne đều đúng là các “xó bếp” hoàn hảo, và những chuyến đi đằng đẵng càng tăng thêm niềm hạnh phúc của khuôn viên khép kín, tăng thêm sự hoàn thiện của tính nhân bản trong đó. Con tàu Nautilus về phương diện ấy là một hang động dễ thương: niềm vui thích được khép kín đạt tới cực điểm khi từ trong lòng chốn nội thất không khe hở ấy lại có thể lờ mờ nhìn qua ô kính lớn sóng nước dập dờn bên ngoài, và đồng thời như thế cũng là có thể qua đối lập mà xác định được bên trong.
Phần lớn những con tàu truyền thuyết hoặc hư cấu, về phương diện ấy, là chủ đề về một cuộc sống ru rú khép kín thú vị, như con tàu Nautilus, bởi lẽ chỉ cần đưa tàu làm chỗ ở cho con người là đủ để cho con người ngay lập tức tổ chức ở nơi đây cuộc sống hưởng thụ một thế giới tròn trịa và trơn tru, hơn nữa cả một đạo lý hàng hải khiến con người đồng thời vừa là chúa tể, là chủ nhân và chủ sở hữu của thế giới ấy (chủ nhân duy nhất trên tàu, v.v..). Trong huyền thoại về hàng hải đó, chỉ có một cách phù phép cho bản chất chiếm hữu của con người đối với con tàu là gạt bỏ con người và để con tàu chỉ một mình nó mà thôi; khi ấy con tàu không còn là cái hộp, là nơi ở, là vật bị chiếm hữu nữa; nó trở thành con mắt phiêu diêu, lướt qua những khoảng vô tận vô cùng; nó không ngừng tạo ra những chuyến ra đi. Đối lập thật sự với con tàu Nautilus của Verne là Con tàu say của Rimbaud*, con tàu xưng “tôi” và, không còn hình dáng khum khum, nó có thể làm cho con người chuyển từ một thứ phân tâm học về hang động sang một thi pháp học đích thực về thám hiểm.