NẾU huyền thoại là một ngôn từ phi chính trị hoá, thì ít ra có một ngôn từ đối lập với huyền thoại, đó là ngôn từ vẫn có tính chính trị. Đến đây lại phải trở về với sự phân biệt ngôn ngữ-đối tượng và siêu-ngôn ngữ. Nếu tôi là một tiều phu và tôi định gọi tên cái cây tôi đốn hạ, dù hình thức câu nói của tôi ra sao, đấy là tôi nói cái cây, chứ tôi không nói về nó. Như vậy có nghĩa ngôn ngữ của tôi là để thao tác, nó gắn với đối tượng của nó theo cách liên kết ngoại động*: giữa cái cây và tôi chẳng có gì khác ngoài công việc của tôi, nghĩa là một hành động: chính đấy là ngôn ngữ chính trị; nó giới thiệu với tôi cái tự nhiên chỉ trong chừng mực tôi sắp biến đổi nó, đó là ngôn ngữ qua đó tôi tác động đối tượng: cái cây không phải là một hình ảnh đối với tôi, nó đơn giản chỉ là nghĩa của hành động của tôi. Nhưng nếu tôi không phải là tiều phu, tôi không thể nói cái cây, tôi chỉ có thể nói về nó, nói đến nó; ngôn ngữ của tôi chẳng phải là công cụ của một cái cây được tác động nữa, mà là cái cây được ca ngợi trở thành công cụ của ngôn ngữ tôi; giữa tôi và cái cây chỉ còn mối quan hệ nội động*: cái cây chẳng còn là nghĩa của hiện thực tức hành động của con người, nó là một hình-ảnh-tuỳ-sử-dụng: đối diện với ngôn ngữ thực tế của tiều phu, tôi tạo ra ngôn ngữ thứ hai, một siêu ngôn ngữ, trong đó tôi sẽ tác động, không phải các sự vật, mà là tên của chúng, và ngôn ngữ ấy so với ngôn ngữ thứ nhất thì cũng như điệu bộ so với hành động. Ngôn ngữ thứ hai này không hoàn toàn có tính huyền thoại, nhưng nó chính là nơi huyền thoại cư trú; bởi vì huyền thoại chỉ có thể hoạt động trên những đối tượng đã nhận được sự trung gian của ngôn ngữ thứ nhất.
Vậy có một ngôn ngữ không mang tính huyền thoại, đó là ngôn ngữ của con người sản xuất: bất cứ ở đâu con người nói để biến đổi hiện thực chứ chẳng phải để bảo tồn nó bằng hình ảnh, bất cứ ở đâu con người gắn ngôn ngữ của mình với việc chế tạo ra các sự vật, siêu-ngôn ngữ bị bắt trả về ngôn ngữ-đối tượng, thì không thể có huyền thoại được nữa. Đấy là lý do vì sao ngôn ngữ cách mạng thực sự thì không thể là ngôn ngữ huyền thoại. Cách mạng được xác định như một hành động thanh lọc nhằm phát lộ chức trách chính trị của thế giới: nó làm ra thế giới, và chức năng ngôn ngữ của nó, chức năng toàn bộ ngôn ngữ của nó đều cuốn hút vào hành động làm ấy. Chính vì nó sản sinh trọn vẹn một ngôn từ, nghĩa là có tính chính trị lúc ban đầu cũng như khi kết thúc, khác với huyền thoại là lời nói lúc ban đầu có tính chính trị và khi kết thúc có tính tự nhiên, nên cách mạng loại trừ huyền thoại. Cũng như hiện tượng thoát-danh tư sản xác định đồng thời hệ tư tưởng tư sản và huyền thoại, danh tính cách mạng đồng nhất cách mạng với việc loại bỏ huyền thoại: giai cấp tư sản che giấu mình là tư sản, do đó mà sản sinh ra huyền hoại; cách mạng công khai mình là cách mạng, do đó mà thủ tiêu huyền thoại.
Người ta đã hỏi tôi là liệu có các huyền thoại “phe tả” hay không. Tất nhiên là có, chừng nào phe tả không phải là cách mạng. Huyền thoại phe tả nảy sinh đúng vào lúc cách mạng biến thành “tả”, nghĩa là chấp nhận ẩn giấu mình đi, che đậy danh tính của mình, sản sinh ra siêu-ngôn ngữ vô can và tự biến dạng thành “Bản chất tự nhiên”. Tình trạng thoát-danh cách mạng ấy có thể là chiến thuật hoặc chẳng phải, vấn đề ấy không bàn ở đây. Trường hợp nào thì sớm hay muộn người ta cũng cảm thấy nó trái với cách mạng, và bao giờ lịch sử cách mạng cũng xác định những “trệch hướng” của mình liên quan đến huyền thoại. Đến lúc, chẳng hạn, chính chủ nghĩa xã hội đã xác định huyền thoại Staline. Staline với tư cách đối tượng được nói tới đã biểu thị trong nhiều năm, ở trạng thái thuần tuý, những tính chất cấu thành của ngôn từ huyền thoại: một nghĩa, đó là Staline có thật, Staline của lịch sử; một cái biểu đạt, đó là sự tôn sùng Staline, là tính chất tất yếu của những tính ngữ thuộc bản chất tự nhiên người ta bao bọc quanh cái tên ông ấy; một cái được biểu đạt, đó là ý định về chính thống, về kỷ luật, về thống nhất mà các đảng cộng sản cho là thích hợp với mình trong một hoàn cảnh nhất định; cuối cùng là một sự biểu đạt, đó là một Staline được thiêng liêng hoá, những quyết định lịch sử của ông lại được xem như bản chất tự nhiên, được thăng hoa dưới với tên gọi Thiên tài, nghĩa là cái phi lý tính và cái không diễn tả được: ở đây, tính chất phi chính trị hoá thật hiển nhiên, nó tỏ rõ đầy đủ huyền thoại.*
Vâng, huyền thoại có ở phe tả, nhưng nó không hề có cùng những tính chất của huyền thoại tư sản. Huyền thoại phe tả thì không bản chất. Trước hết những đối tượng nó nắm bắt rất hiếm hoi, chỉ là vài khái niệm chính trị, dù bản thân nó phải dùng đến cả kho huyền thoại tư sản. Chẳng bao giờ huyền thoại phe tả chạm tới lĩnh vực mênh mông của những mối quan hệ giữa người với người, tới cái diện hết sức bao la của hệ tư tưởng “vụn vặt”. Nó không xâm nhập được cuộc sống đời thường: trong xã hội tư sản không có huyền thoại “phe tả” liên quan đến cưới xin, bếp núc, nhà cửa, rạp hát, công lý, đạo đức v.v. Thêm nữa, đó là huyền thoại phụ, việc sử dụng nó chẳng liên quan đến chiến lược như trong trường hợp huyền thoại tư sản, mà chỉ là chiến thuật, hoặc tệ nhất, là sự lệch lạc; nếu có, thì đó là huyền thoại tiện thể mà sinh ra chứ không phải là do thiết yếu.
Cuối cùng và đặc biệt, đấy là huyền thoại nghèo nàn, bản chất là nghèo nàn. Nó không biết sinh sôi nảy nở; được sản sinh theo yêu cầu và trong tầm nhìn hạn hẹp về thời gian, nó tự sáng tạo ra mình dở lắm. Nó thiếu năng lực chủ chốt là năng lực bịa đặt. Dù xoay xở thế nào đi nữa thì nó vẫn còn cái gì đấy cứng nhắc và sát sạt, có hơi hướng của khẩu hiệu: như người ta nói một cách ý vị, nó vẫn khô khan. Thực vậy, còn gì cằn cỗi hơn là huyền thoại Staline? Chẳng có sáng tạo nào ở đây cả, một sự sắp đặt vụng về: cái biểu đạt của huyền thoại (hình thức mà chúng ta biết là vô cùng phong phú trong huyền thoại tư sản) chẳng hề thay đổi: trước sau chỉ là kể lể dài dòng.
Tôi có thể nói thiếu sót ấy là gắn với bản chất của “phe tả”: dù nội hàm thuật ngữ ấy còn mơ hồ thế nào đi nữa, thì phe tả luôn được xác định liên quan đến kẻ bị áp bức, dân vô sản hoặc dân thuộc địa*. Thế mà lời nói của người bị áp bức chỉ có thể là nghèo nàn, đơn điệu, tức thì: tình trạng túng quẫn của anh ta chính là kích thước ngôn ngữ của anh ta: anh ta chỉ có một ngôn ngữ, trước sau vẫn thế, ngôn ngữ qua những hành động của mình; siêu ngôn ngữ là thứ xa xỉ, chưa thể thâm nhập vào đó được. Lời nói của người bị áp bức là thực sự, như lời nói của tiều phu, đó là lời nói ngoại động; lời ấy hầu như không thể nói dối; dối trá là sự giàu có, coi như có cái gì đấy, có những chân lý, có các hình thức thay thế. Tình trạng nghèo nàn bản chất ấy sản sinh ra những huyền thoại hiếm hoi, gầy guộc: hoặc thoáng qua, hoặc lộ liễu một cách nặng nề; chúng công khai phô bày bản chất huyền thoại của chúng, chúng giơ ngón tay chỉ cái mặt nạ của chúng; và cái mặt nạ ấy chỉ hơi một chút là mặt nạ của pseudo-physis: cái physis kia vẫn còn là một sự phong phú, kẻ bị áp bức chỉ có thể vay mượn nó; anh ta bất lực không thể moi hết cái nghĩa thật sự ra khỏi các sự vật, không thể đem lại cho chúng cái hình thức trống rỗng xa xỉ, để đón lấy tính chất vô can của một Bản chất tự nhiên giả dối. Ta có thể nói rằng theo một nghĩa nào đấy, huyền thoại phe tả luôn luôn là huyền thoại giả tạo, huyền thoại tái tạo: do đó mà nó vụng về.