CĂN CỨ vào số liệu thống kê, huyền thoại là ở phe hữu. Tại đấy, nó thuộc bản chất: được nuôi dưỡng tốt, hào nhoáng, cởi mở, ba hoa, nó không ngừng tự sáng tạo. Nó nắm bắt lấy mọi thứ: các vấn đề tư pháp, luân lý, mỹ học, ngoại giao, các nghệ thuật nội trợ, văn chương, sân khấu. Sự bành trướng của nó có cùng quy mô với hiện tượng thoát-danh tư sản. Giai cấp tư sản muốn bảo tồn thực thể mà làm ra vẻ không muốn thế: đó chính là tính chất phủ định không muốn lộ mặt tư sản, tính chất phủ định ấy vô hạn như mọi tính chất phủ định, nó nhờ cậy huyền thoại một cách vô hạn. Người bị áp bức chẳng là gì hết, bản thân anh ta chỉ có một ngôn từ, ngôn từ của sự giải phóng bản thân mình; kẻ áp bức là tất cả, ngôn từ của y phong phú, đa dạng, uyển chuyển, muốn cung bậc nào cũng có: y có độc quyền siêu ngôn ngữ. Người bị áp bức làm ra thế giới, anh ta chỉ có một ngôn ngữ năng động, ngoại động (chính trị); kẻ áp bức bảo tồn thế giới, ngôn từ của y thì phong phú, nội động, hoành tráng, khoa trương: đó là Huyền thoại, ngôn ngữ của người này nhằm mục đích biến đổi đi, ngôn ngữ của người kia nhằm mục đích duy trì mãi.
Trạng thái phong phú ở những huyền thoại của Trật tự (giai cấp tư sản tự xưng như thế) có bao hàm những khác biệt nội tại hay không? Chẳng hạn, có những huyền thoại tư sản và những huyền thoại tiểu tư sản hay không? Ở đấy không thể có những khác biệt căn bản, bởi vì dù công chúng tiếp nhận là ai, thì huyền thoại vẫn nêu thành tiền đề sự bất di bất dịch của Bản chất tự nhiên. Nhưng có thể có những mức độ hoàn chỉnh hoặc bành trướng khác nhau: có ít nhiều huyền thoại chín rộ hơn ở một số vùng xã hội; trong lĩnh vực huyền thoại cũng có những vi khí hậu*.
Huyền thoại Tuổi thơ-Thi sĩ, chẳng hạn, là một huyền thoại tư sản còn non: nó vừa mới nảy ra từ mảnh ruộng sáng tạo (Cocteau chẳng hạn), và chỉ chớm vào mùa vụ của mình (L’Express); có thể một bộ phận giai cấp tư sản còn thấy nó quá nhiều bịa đặt, quá ít chất huyền thoại nên chưa sẵn sàng thừa nhận nó (cả một bộ phận của giới phê bình tư sản chỉ làm việc với những tư liệu huyền thoại chính thức): đó là một huyền thoại chưa được rà soát kỹ, chưa chứa đựng đủ bản chất tự nhiên: để cho Đứa trẻ-Thi sĩ thành yếu tố của vũ trụ luận, cần phải khước từ sự kỳ diệu (Mozart, Rimbaud v.v.), và chấp nhận những chuẩn mực mới, những chuẩn mực của tâm lý giáo dục học, của chủ nghĩa Freud, v.v., đó là một huyền thoại còn xanh.
Vậy là mỗi huyền thoại có thể bao hàm lịch sử của nó và địa lý của nó: vả chăng cái này là dấu hiệu của cái kia; một huyền thoại chín vì nó toả rộng. Tôi chưa có thể tiến hành nghiên cứu thật sự nào về địa lý xã hội của các huyền thoại. Nhưng rất có thể vạch ra cái mà các nhà ngôn ngữ học gọi là những đồng ngữ của một huyền thoại, những đường nét xác định vùng miền xã hội nơi lưu truyền huyền thoại ấy. Vì vùng miền đó luôn di động, có lẽ nên nói đấy là các đợt sóng du nhập của huyền thoại thì đúng hơn. Huyền thoại Minou Drouet vậy là ít ra đã biết đến ba đợt sóng lan toả: 1) tờ L’Express; 2) các tờ Paris-Match, Elle; 3) tờ France-Soir. Một số huyền thoại dao động: chúng sẽ du nhập các báo lớn, đến nhà người hưởng niên kim ở ngoại ô, vào các phòng hớt tóc, xuống tàu điện ngầm? Địa lý xã hội của các huyền thoại sẽ vẫn khó thiết lập chừng nào chúng ta còn thiếu ngành xã hội học phân tích báo chí*. Nhưng ta có thể nói rằng chỗ đứng của nó đã có rồi.
Dù chưa xác lập những hình thức phương ngữ của huyền thoại tư sản, người ta vẫn có thể phác hoạ các hình thức tu từ của nó. Thuật ngữ tu từ ở đây cần phải hiểu là một tập hợp những hình thái cố định, quy củ, dứt khoát, để thu nhận các hình thức đa dạng của cái biểu đạt huyền thoại. Các hình thái ấy trong suốt, hiểu theo nghĩa là chúng không gây phiền hà cho tính co giãn của cái biểu đạt; nhưng chúng lại đã được quan niệm hoá đủ để thích ứng với việc thể hiện thế giới về mặt lịch sử (giống như tu từ học cổ điển nêu lên được sự thể hiện theo kiểu Aristote). Chính qua tu từ học của chúng mà các huyền thoại tư sản vẽ ra triển vọng tổng quát của cái pseudo-physis kia nó xác định mộng tưởng của thế giới tư sản hiện đại. Đây là những hình thái chủ yếu:
1. Tiêm chủng. Tôi đã đưa ra những thí dụ về hình thái rất phổ biến này, đó là thừa nhận căn bệnh ngẫu nhiên của một thể chế giai cấp để che đậy tốt hơn căn bệnh cội nguồn. Người ta tạo miễn dịch cho sự hoang tưởng của công chúng bằng một mũi tiêm chủng nhỏ điều tệ hại đã được thừa nhận; thế là người ta đề phòng nguy cơ bùng nổ phá phách. Liệu pháp phóng khoáng ấy không thể thực hiện được chỉ một trăm năm trước đây; vào thời điểm ấy, lợi ích tư sản không thoả hiệp, nó hoàn toàn cứng nhắc; từ đó đến nay nó mềm dịu đi nhiều. Giai cấp tư sản không ngần ngại thừa nhận vài sự phá phách khu trú như khuynh hướng tiền phong, cái phi lý tuổi ấu thơ, v.v. từ đấy về sau nó sống theo cách điều tiết bù trừ: cũng như trong mọi công ty vô danh khéo tổ chức, những cổ phần nhỏ bù trừ về mặt pháp lý (chứ không về mặt thực tiễn) cho các cổ phần lớn.
2. Tước bỏ lịch sử. Huyền thoại tước bỏ hết Lịch sử* khỏi đối tượng mà nó nói đến. Ở huyền thoại, lịch sử bay hơi; đó là loại đầy tớ lý tưởng: hắn sửa soạn, bưng vào, bày ra, chủ nhân đến, hắn lặng lẽ biến đi: chỉ việc thưởng thức chẳng cần băn khoăn cái thứ hay ho ấy từ đâu đến. Hoặc thậm chí: nó chỉ có thể đến từ cõi vĩnh hằng: thời buổi nào thì nó cũng đã được làm ra cho con người tư sản, ở thời buổi nào thì nước Tây Ban Nha trong sách Hướng dẫn Du lịch Xanh cũng đã được làm ra cho khách du lịch, ở thời buổi nào thì những “người nguyên thuỷ” cũng đã chuẩn bị các điệu múa của họ để ai nấy thưởng thức chất ngoại lai. Người ta thấy tất cả những gì vướng víu mà hình thái thuận lợi ấy làm cho biến mất: cả định mệnh và tự do. Chẳng có gì sản xuất ra, chẳng có gì được lựa chọn; chỉ có việc chiếm hữu các đối tượng mới mẻ ấy mà người ta đã xoá hết dấu vết bẩn thỉu về nguồn gốc hoặc lựa chọn. Sự bay hơi kỳ diệu của lịch sử ấy là hình thái khác của một khái niệm chung cho phần lớn huyền thoại tư sản, đó là sự vô trách nhiệm của con người.
3. Đồng nhất. Anh tiểu tư sản là một kẻ bất lực không hình dung được Người Khác*. Nếu người khác xuất hiện trước mắt, anh tiểu tư sản không thấy, không biết và chối bỏ, hoặc nữa là biến người đó thành bản thân mình. Trong thế giới tiểu tư sản, tất cả các sự việc đối sánh đều là những sự việc phản chiếu, mọi cái khác đều rút lại là chính nó. Các cuộc biểu diễn, các toà án, những nơi có nguy cơ cái khác xuất hiện, đều trở thành gương phản chiếu. Bởi vì cái khác là chuyện bê bối xâm phạm đến bản chất. Dominici, Gérard Dupriez chỉ có thể tồn tại trong xã hội nếu từ trước họ đã bị rút lại chỉ là những hình nộm bé nhỏ của quan chánh án toà thượng thẩm và quan chưởng lý: đó là cái giá cần phải đặt ra để kết án họ trước công lý, bởi vì Công lý là thao tác cân, mà cái cân lại chỉ có thể cân được vật nào đó với cái ngang bằng với nó. Trong mọi ý thức tiểu tư sản luôn có những hình nộm nhỏ bé của tên lưu manh, của kẻ giết cha giết mẹ, của gã loạn dâm, v.v., mà tổ chức tư pháp cứ định kỳ rút ra từ bộ óc của mình, đặt lên ghế bị cáo, quát tháo và kết án: người ta xưa nay chỉ xét xử những kẻ tương tự lầm lạc: vấn đề đường đi nước bước, chứ không phải vấn đề bản chất, bởi vì con người là thế mà. Đôi khi – hiếm lắm – Người Khác xuất đầu lộ diện không khoan nhượng: chẳng phải do đắn đo bất chợt, mà bởi vì lương tri chống lại: người này không phải da trắng, mà da đen, người kia uống nước lê ép chứ không uống Pernod. Làm thế nào đồng nhất với người Da đen, người Nga? Ở đây có hình thái dự phòng là tính ngoại lai. Người khác trở thành đồ vật thuần tuý, thành cảnh tượng, thành con rối: bị dồn vào chốn ranh giới của nhân loại, y không tác hại đến sự an bình của mọi người được nữa. Đây đặc biệt là một hình thái tiểu tư sản. Bởi vì ngay cả nếu không nhập vào với Người Khác được, thì anh tư sản ít ra vẫn có thể hình dung chỗ của người ấy. Giai cấp tiểu tư sản không tự do phóng khoáng (nó sản sinh ra chủ nghĩa phát-xít, trong khi giai cấp tư sản sử dụng chủ nghĩa phát-xít): nó tiến hành chậm trễ hành trình tư sản.
4. Trùng ngôn. Vâng, tôi biết, từ ngữ này chẳng đẹp đẽ gì. Nhưng sự việc cũng hết sức xấu xa. Phép trùng ngôn là biện pháp ngôn từ định nghĩa điều gì đó bằng chính nó (“Sân khấu, đó là sân khấu”). Người ta có thể thấy ở biện pháp này một trong những cách xử sự huyền ảo mà Sartre đã bàn đến trong Phác thảo một lý thuyết các cảm xúc*: người ta trốn tránh vào trùng ngôn, như người ta sợ hãi, hoặc nổi khùng, hoặc buồn bực, khi bí không giải thích được; tình trạng bất lực đột xuất của ngôn ngữ đồng nhất hoá một cách huyền ảo với việc người ta quyết định làm như đấy là sự phản kháng tự nhiên. Trong phép trùng ngôn có hai cuộc sát hại: người ta giết chết cái hợp lý bởi vì nó cưỡng lại; người ta giết chết ngôn ngữ bởi vì nó bỏ rơi. Phép trùng ngôn là sự ngất xỉu đúng lúc, là chứng bệnh câm bổ ích, nó là một cái chết, hoặc có thể nói là một hài kịch, là sự “thể hiện” phẫn nộ các quyền của hiện thực chống lại ngôn ngữ. Vì là huyền ảo nên tất nhiên nó chỉ có thể núp sau lý lẽ quyền uy: như cha mẹ bị con cái đòi giải thích, bí quá liền trả lời: “đó là như thế, bởi vì đó là như thế”, hoặc thậm chí: “bởi vì, thôi, im đi”: hành vi huyền ảo hổ thẹn làm như nói ra lý lẽ, nhưng lập tức lại từ bỏ nó ngay, và tưởng thế là giải thích nhân quả xong xuôi, vì đã thốt ra lời dẫn nhập rồi. Phép trùng ngôn chứng tỏ sự ngờ vực sâu sắc đối với ngôn ngữ: người ta vứt bỏ ngôn ngữ bởi vì nó không đáp ứng được. Thế mà mọi khước từ ngôn ngữ đều là cái chết. Phép trùng ngôn lập nên một thế giới chết, một thế giới bất động.
5. Chủ nghĩa chẳng chẳng. Tôi gọi như thế hình thái huyền thoại đặt hai cái trái ngược nhau và đắn đo cái này với cái kia để rồi quẳng đi cả hai (Tôi chẳng muốn cái này chẳng muốn cái nọ.) Đấy quả là một hình thái huyền thoại tư sản, vì nó liên quan tới hình thức hiện đại của chủ nghĩa tự do. Người ta bắt gặp lại ở đây hình tượng cái cân: thực tại trước hết được thu về những cái tương tự; rồi người ta cân nó; cuối cùng thấy cân bằng rồi, người ta tống khứ nó đi. Ở đây cũng có cách xử sự huyền ảo: người ta đặt quay lưng vào nhau những gì người ta thấy phiền phức phải lựa chọn; người ta trốn tránh thực tại khó chịu bằng cách thu nó về hai cái trái ngược, chúng chỉ cân bằng nhau về phương diện hình thức, còn trọng lượng riêng của chúng thì không tính đến. Chủ nghĩa chẳng chẳng có thể có những hình thức thoái hoá: trong chiêm tinh học chẳng hạn, tiếp theo những điều dữ luôn luôn là những điều lành ngang bằng; những điều lành điều dữ bao giờ cũng được tiên đoán thận trọng theo hướng bù trừ: một sự cân bằng kết cục cố định hoá các giá trị, cuộc đời, số phận, v.v.; chẳng có gì phải lựa chọn nữa, cần phải chịu đựng.
6. Số lượng hoá chất lượng. Đó là hình thái lởn vởn khắp các hình thái trên kia. Bằng cách quy mọi chất lượng thành số lượng, huyền thoại giúp cho đỡ hao tổn trí óc: nó hiểu thực tại một cách đỡ tốn phí. Tôi đã đưa ra nhiều thí dụ về cơ chế ấy, cơ chế mà huyền thoại học tư sản – và nhất là huyền thoại học tiểu tư sản – chẳng ngần ngại áp dụng vào những sự kiện mỹ học mà giai cấp ấy về một phương diện khác cho là thuộc bản chất phi vật chất. Sân khấu tư sản là một thí dụ rõ ràng về mâu thuẫn này: một mặt, sân khấu được xem như một bản chất không thể quy về mọi ngôn ngữ và nó chỉ lộ ra với trái tim, với trực cảm; do tính chất ấy mà nó thành nghiêm trang ai cũng sợ bóng sợ vía (cấm không được phạm cái tội “coi thường bản chất” là nói đến sân khấu một cách khoa học: hoặc giả mọi cách thức vận dụng trí tuệ để đề cao sân khấu sẽ bị dè bỉu là khoa học chủ nghĩa, là ngôn ngữ thông thái rởm); mặt khác, nghệ thuật sân khấu tư sản dựa trên số lượng hoá thuần tuý các hiệu quả: cả một quy trình các hiện tượng bề ngoài có thể tính toán được dựng lên sự cân bằng về số lượng giữa tiền vé và nước mắt của diễn viên, cảnh bài trí sang trọng: chẳng hạn ở nước ta người ta xem “tài năng bẩm sinh” của diễn viên trước hết là số lượng hiệu quả rõ rệt.
7. Ghi nhận. Huyền thoại vươn tới tục ngữ. Hệ tư tưởng tư sản ở đây tấn phong các lợi ích căn bản của mình là chủ nghĩa đại đồng, sự khước từ giải thích, tôn ti trật tự bền vững của thế giới. Nhưng một lần nữa lại phải phân biệt ngôn ngữ-đối tượng với siêu ngôn ngữ. Tục ngữ dân gian xa xưa vẫn còn mang tính chất công cụ chiếm lĩnh đối tượng thế giới. Một ghi nhận của dân quê, chẳng hạn như “đẹp trời” giữ mối liên hệ thực tế với sự hữu ích của thời tiết đẹp; đó là sự ghi nhận hàm chứa tính chất công nghệ; câu nói, ở đây, mặc dù mang dạng khái quát, trừu tượng, vẫn chuẩn bị những hành động, nó xen vào hoạt động chế tạo: dân quê không nói về thời tiết đẹp, mà tác động nó, lôi kéo nó vào công việc của mình. Tất cả các tục ngữ dân gian của chúng ta theo cách ấy đều là một ngôn từ chủ động, nó dần dần kết tinh lại thành ngôn từ ngẫm nghĩ, nhưng là sự ngẫm nghĩ rút ngắn, quy thành sự ghi nhận, ngôn từ phần nào dè dặt, thận trọng, bám sát chủ nghĩa kinh nghiệm. Tục ngữ dân gian dự kiến nhiều hơn hẳn khẳng định, nó vẫn là ngôn từ của nhân loại đang tự tạo ra mình, chứ không phải đang hiện hữu. Còn ngạn ngữ tư sản thì thuộc về siêu ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ thứ hai hoạt động trên những đối tượng đã được chuẩn bị. Hình thức cổ điển của nó là châm ngôn, ở đây sự ghi nhận không còn hướng về một thế giới cần tạo ra nữa; nó phải che phủ một thế giới đã được tạo ra, vùi lấp các vết tích của sự sản sinh ấy dưới dáng dấp hiển nhiên muôn đời: đó là sự chống-giải-thích, cái tương đương cao quý của phép trùng ngôn, của cái bởi vì hống hách kia mà các bậc cha mẹ không biết trả lời thế nào liền đem treo lơ lửng trên đầu con cái họ. Nền tảng của sự ghi nhận tư sản là lương tri, nghĩa là một sự thật nó dừng lại theo lệnh độc đoán của kẻ nói ra sự thật đó.
••••
Tôi đã nêu lên những hình thái tu từ ấy chẳng theo trật tự, và có thể còn có nhiều hình thái khác nữa: một số hình thái có thể cũ mòn đi, một số khác có thể nảy sinh. Nhưng dù các hình thái ấy là thế nào đi nữa, ta thấy rõ là chúng tập hợp lại thành hai khu vực lớn, giống như các chòm sao hoàng đạo của vũ trụ tư sản: các Bản chất và các Bàn cân. Hệ tư tưởng tư sản liên tục biến các sản phẩm của lịch sử thành những kiểu bản chất; giống như con mực phun mực ra để tự bảo vệ, hệ tư tưởng tư sản không ngừng che lấp để không ai thấy là thế giới mãi mãi được tạo ra, không ngừng cố định thế giới thành đối tượng sở hữu vô hạn, kiểm kê sở hữu của mình, ướp xác thế giới ấy, tiêm chủng vào thực tại chất tinh dầu thanh lọc nào đó để làm cho thực tại ngừng biến đổi, không chuyển sang những hình thức tồn tại khác. Và cái sở hữu đã được cố định và ngưng kết lại như thế rốt cuộc sẽ thành ra có thể tính toán được: đạo lý tư sản về căn bản sẽ là thao tác cân đo: các bản chất sẽ được đặt lên những cái cân mà con người tư sản sẽ vẫn là đòn cân bất động. Bởi vì mục đích của các huyền thoại chính là làm cho thế giới bất động: các huyền thoại phải làm sao khơi gợi và mô phỏng cái cơ cấu phổ quát nó cố định dứt khoát tôn ti trật tự của các sở hữu. Như vậy, ở mọi nơi mọi lúc, con người bị các huyền thoại ngăn lại, bị tống trả về với cái nguyên mẫu bất động kia nó sống thế chỗ cho con người, nó bóp nghẹt con người như kiểu một vật ký sinh nội tại kếch xù, và khoanh cho hoạt động của con người những giới hạn chật hẹp trong đó con người được phép đau khổ mà chẳng làm cho thế giới động đậy: cái pseudo-physis tư sản là sự cấm đoán hoàn toàn con người tự sáng tạo ra mình. Các huyền thoại chẳng qua chỉ là sự khuyên nhủ không ngừng, không biết mệt, là sự đòi hỏi âm ỉ, lì lợm muốn rằng tất cả mọi người nhận ra mình trong cái hình ảnh vĩnh hằng kia, tuy hình ảnh ấy được xây dựng từ chính họ ở một thời điểm nhất định nhưng lại được xem như ở mọi thời đại. Bởi vì cái Bản chất tự nhiên trong đó người ta giam giữ họ với lý do để họ thành bất tử, chỉ là một Thông lệ. Và Thông lệ ấy, dù lớn lao thế nào đi nữa, chính là thứ con người cần phải nắm lấy và biến đổi đi.