Một công ty kinh doanh có lợi nhuận cao bất thường luôn tìm kiếm phóng viên ít nhất 10 năm kinh nghiệm và một tấm bằng MBA với mức lương cực kỳ hấp dẫn, công việc ít áp lực, được mặc những bộ vét đẹp, luôn tha thẩn trong những tòa nhà lộng lẫy, và thi thoảng đưa ra những quyết định thi hành. Yêu cầu công việc: dị ứng với bảng tính, không có khả năng chơi golf, không thể che đậy cảm giác chán ghét cuộc sống nơi công sở, có kiến thức về Hy Lạp cổ đại.
Mẩu quảng cáo tuyển nhân viên tôi luôn kiếm tìm nhưng chưa bao giờ thấy
Đó là vào khoảng giữa tháng 1 và chúng tôi đã không được nhìn thấy mặt trời ở Cambridge trong suốt mấy tháng qua. Từ căn hộ bên bờ sông Charles, tôi chỉ có thể nhìn thấy những đám mây và tuyết tan trên mặt đất trải dài đến tận chân trời của thành phố Boston. Và tôi vẫn chưa biết mình muốn làm gì. Mọi sinh viên khác đều nhận được rất nhiều lời mời làm việc và các công ty thi nhau trả lương cao cho họ. Dịch vụ giới thiệu việc làm biết rằng đây là thị trường việc làm lớn nhất mà họ từng thấy. Tôi vẫn không chắc là tôi có muốn làm một công việc liên quan đến tấm bằng thạc sĩ hay không. Nhưng tiền học phí đang đến hạn phải trả, tôi còn có hai con nhỏ, và cần sớm xác định rõ nghề tôi muốn làm. Tôi đã gửi email xin ý kiến của một người bạn làm báo ở Washington? Anh trả lời rằng: sao không thử làm phóng viên nước ngoài tại Paris? Mọi ngày, tôi đều ngó qua ngân hàng việc làm của HBS, nơi các công ty đăng tuyển việc làm. Công việc nào cũng yêu cầu các ứng viên phải có từ “2 đến 4 năm kinh nghiệm trong đầu tư ngân hàng và tư vấn quản lý”. Quyết định không chọn bất cứ việc nào trong số đó của tôi trong suốt mùa hè dường như quá ngu ngốc. Tôi mệt mỏi di con trỏ xuống các mục bên dưới. Ngay cả các tổ chức phi lợi nhuận cũng yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm tư vấn. Công việc duy nhất phù hợp với khả năng của tôi là làm việc cho Cục Tình báo Mỹ, CIA.
Những buổi giới thiệu về công ty tại HBS càng khiến tôi lo lắng hơn. Yêu cầu thấp nhất là của một công ty xuất bản ở New York, do một phụ nữ to béo trong bộ áo choàng điểm những bông hoa vàng quản lý. Bà ta có làn da tai tái và điệu cười chanh chua, giọng nói giả tạo, đầy vẻ hợp tác mà tôi nghĩ rằng mỗi khi về nhà, bà ta sẽ xả nỗi bực tức của mình bằng những lời tục tĩu và những cú đấm đá vào tường.
“Chúng tôi rất yêu công việc của mình”, bà nói nói với giọng đều đều mệt mỏi. “Đam mê tác động đến mọi việc chúng tôi làm”. Những quả ngọt của niềm đam mê này lần lượt được đặt ra trên bàn trước mặt chúng tôi: thông tin tài chính, sách báo giáo dục và kinh doanh, tên những cuốn tạp chí chán nhất mà tôi từng thấy. Lần lượt, từng sinh viên tốt nghiệp MBA được nhà xuất bản này tuyển dụng đứng lên phát biểu.
Người đầu tiên phát biểu mà chẳng có sức thuyết phục chút nào cho biết: “Công việc thật sự rất thú vị. Ngày đầu tiên làm việc, tôi nhận nhiệm vụ tại Manhattan và họ bảo tôi đến thăm một nhà kho tại New Jersey. Tôi đã ở đó vài tuần. Tôi trình lên ban lãnh đạo cấp cao và họ đã chấp nhận những đề nghị của tôi.”
Người thứ hai lên phát biểu là một phụ nữ người châu Phi, nói rất hăng: “Điều tuyệt vời nhất trong công ty chúng tôi là niềm đam mê. Ở đây, mọi người đều thật sự mong muốn hoàn thành tốt nhất công việc của mình, đồng thời không ngừng phát triển công ty và môi trường làm việc. Tôi từng bị luân chuyển từ phòng ban này đến phòng ban khác trong công ty phòng marketing, tài chính, kế hoạch chiến lược nhưng nơi đâu cũng thật tuyệt vời.”
Một người nghiện thuốc đáng nguyền rủa xen vào. “Chúng tôi muốn tìm kiếm những người thật sự thông minh, đam mê và nghiêm túc”. Tôi bực tức, trút giận lên cái bút bi, muốn tóm cổ con quái vật này và hét vào mặt anh ta: “Và các người sẽ làm gì với họ? Nhồi nhét họ vào thứ văn hóa đần độn, tầm thường của các người và làm phí hoài cuộc sống của họ trong guồng quay của cuộc sống doanh nghiệp ư?”
Chán ghét chính mình, tôi đã đầu hàng và nộp đơn xin việc vào công ty tư vấn McKinsey. Thủ tục của họ còn đơn giản hơn việc mua vé máy bay. Tất cả những việc bạn phải làm là điền thông tin cá nhân vào một mẫu đơn có sẵn trên mạng. Tôi đã làm việc này vào ban đêm khi đã nghiên cứu xong bài tập tình huống. Tôi tự nhủ rằng nếu được làm nhân viên tư vấn tại New York trong lĩnh vực truyền thông, tôi sẽ chấp nhận công việc đó. Nó sẽ rất hữu ích cho tương lai của tôi. Tôi có thể làm việc miệt mài hàng giờ, cả những ngày cuối tuần trong văn phòng, vì ngay lúc này, tôi cần phải kiếm sống. Tôi không thể tốt nghiệp HBS mà không có việc làm. Hiện tại, tất cả những điều từng là niềm tự hào của tôi những buổi tối bên gia đình, việc kiểm soát thời gian không còn nghĩa lý gì nữa. Vấn đề lúc này là áp lực mà tôi đang phải gánh chịu.
Ben, nhân viên làm việc trong khu công nghiệp mà tôi từng ngồi cạnh khi học Chương trình dự bị, đã đề nghị được giúp tôi chuẩn bị cho các buổi phỏng vấn ở McKinsey. Anh đã làm việc trong suốt mùa hè năm thứ nhất và thứ hai tại văn phòng của công ty này ở Boston và thật sự yêu thích công việc. Hơn thế, anh nói anh chưa từng được gặp những người thông minh và đáng ngưỡng mộ như vậy, hay từng được làm việc cho một công ty luôn quan tâm sâu sắc đến văn hóa của tri thức, giáo dục và không ngừng phát triển. Anh phải làm việc hàng giờ đồng hồ với công việc đơn điệu, nhưng những điều anh nói vẫn rất ấn tượng, và tôi tôn trọng ý kiến của anh.
Chúng tôi gặp nhau trong bữa sáng tại nhà hàng Spangler, anh lôi ra một bộ hồ sơ lớn tập hợp những tình huống kinh doanh nhỏ mà các công ty tư vấn thường sử dụng để kiểm tra năng lực ứng viên. Anh nói, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một số chi tiết về một tình huống. “Khách hàng là một công ty bia và loại bia hơi mới của họ không bán được tại các thị trường chính. Công ty từng có lịch sử thành công và không hiểu nguyên nhân vì sao loại bia mới này lại không thành công.” Sau đó, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra vài con số. Khi nhà tuyển dụng ngừng nói, đến lượt bạn đặt câu hỏi. “Nhưng trước hết”, Ben nói, “bạn phải hỏi xem mình có vài phút suy nghĩ không.”
“Ừ, đúng, một phút”, tôi nói.
“Không, nghiêm túc đấy, anh phải hỏi: “Anh có phiền không nếu tôi muốn có vài phút suy nghĩ?”
“Chính xác là phải hỏi như thế à.”
“Khá nhiều đấy. Bạn phải tỏ ra là bạn hiểu thông tin. Sau đó, bạn nhắc lại tình huống để xác minh xem bạn có hiểu rõ vấn đề hay không.”
“Vậy, tôi sẽ nói: ‘Xin đợi một lát. Chúng ta đang phải xử lý tình huống của một công ty bia không thể bán được sản phẩm bia hơi của mình’.”
“Chính xác.”
“Không chệch đi đâu được.”
“Tốt nhất là thế.”
Khi bạn đã có vài giây suy nghĩ và xác minh vấn đề, bạn phải đặt câu hỏi. “Chiến lược marketing của họ là gì?” hoặc “Bia của họ có ngon không?” Nhà tuyển dụng sẽ dần dần tiết lộ các dữ kiện và con số khi bạn hỏi và yêu cầu bạn phải tính toán nhanh một số dữ kiện khác. Điểm hòa vốn của doanh nghiệp này là bao nhiêu? Quy mô thị trường ra sao? Toàn bộ bài tập tình huống này sẽ diễn ra trong 20 phút. Sau khi được Ben tư vấn, tôi đã tham dự một buổi thực tập phỏng vấn đặc biệt tại trường do McKinsey tổ chức. Tám người chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn trong khi một nhân viên cộng tác cấp thấp trông có vẻ mệt mỏi tuôn ra những tràng câu hỏi tình huống. Mỗi khi cô đưa ra một tình huống, sinh viên nào trả lời cũng đều nói “Chị có phiền nếu tôi xin vài giây suy nghĩ không?”
Các cuộc phỏng vấn với McKinsey diễn ra tại khách sạn Doubletree, một khối nhà hình lập phương xấu xí chỉ cách HBS vài bước đi bộ. Khi đến tiền sảnh, tôi thấy ở đó có rất nhiều sinh viên cùng khóa, thậm chí cả những người đã thề không bao giờ làm việc cho một công ty tư vấn. Họ đều mặc com-lê và mang cặp da đựng một tập giấy ghi chép và một chiếc bút bi. Mọi người đều bao biện: “Ồ, tôi chỉ thử cho biết thôi”. “Đó chỉ là một lựa chọn phòng thủ nếu không được làm việc cho các quỹ đầu tư”. “Đây là công ty duy nhất tạo cơ hội cho nhân viên sang Nam Mỹ”. Thậm chí tôi còn bắt gặp cả Bo: “Tôi muốn gặp vài cậu bạn cũ”, cậu phân trần, có vẻ không thoải mái trong bộ com-lê màu đen. “Ý tôi là, chúng ta đang học ở HBS. Cũng phải có lúc đi phỏng vấn ở McKinsey để lấy kinh nghiệm chứ.”
“Đồ phản bội”, tôi lên tiếng.
Lần lượt từng người được gọi lên một dãy phòng trong khách sạn để thực hiện phỏng vấn cùng một nhân viên của McKinsey. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, một tư vấn viên hỏi tôi sẽ làm gì với một cửa hàng thuốc kinh doanh thua lỗ. Tất cả những việc có thể là lựa chọn lại sản phẩm và đưa ra một loạt hoạt động khuyến mại đáp ứng nhu cầu khách hàng. Dường như cuộc phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ. Trong cuộc phỏng vấn thứ hai, một tư vấn viên khác đề nghị tôi phát triển một hướng đi mới cho một giám đốc quỹ đầu tư có mức lợi nhuận biên thấp hơn đối thủ. Chúng tôi đang ngồi trong những chiếc ghế bành và bây giờ tôi mới hiểu vì sao ai cũng mang theo cặp da. Tôi cần có giấy để viết những ghi chú. Tôi đã quên không xin chút thời gian suy nghĩ mà lại trả lời ngay. Nhà tuyển dụng rất tiếc về trường hợp của tôi.
“Tôi đã từng rất ghét trường”, anh nói. “So với một người không tốt nghiệp Harvard, những tri thức chúng ta thâu lượm thêm chẳng nhiều nhặn gì”. Anh hỏi tôi đi du lịch lần cuối cùng ở đâu và tôi có phải là một đồng nghiệp tốt không. Rõ ràng, đó không phải là những câu hỏi dành cho những ứng viên có khả năng được tuyển dụng. Chúng tôi chỉ đang giết thời gian mà thôi. Sau 20 phút, anh đứng dậy và bắt tay tôi. Tối hôm đó, anh gọi cho tôi và nói tôi không phù hợp cho vị trí tuyển dụng. Tôi chấp nhận điều đó.
***
Peter Drucker, chuyên gia hàng đầu về quản trị, từng nói: ”Tính cách một người không thuộc phạm vi quyền hạn của một giám đốc. Làm thuê là một dạng hợp đồng quy định hoàn tất một số nghĩa vụ cụ thể… Bất kỳ một hành vi nào vượt quá quyền hạn này đều được coi là hành vi lạm dụng trái phép. Đó là sự xâm phạm đời tư vừa vô đạo đức lại vừa bất hợp pháp. Đó là sự lạm quyền. Một nhân viên không hề có nghĩa vụ phải “trung thành”, cũng không cần phải “yêu quý” hay có bất kỳ một “thái độ” nào với công ty một nhân viên chỉ có nghĩa vụ phải hoàn tất nhiệm vụ của mình, và không phải có bất kỳ nghĩa vụ nào khác”.
Nhưng tại sao mọi diễn giả tới HBS đều yêu cầu chúng tôi phải “đam mê” công việc? Có thể nhìn nhận quan điểm này theo một số cách khác nhau. Thứ nhất, các diễn giả thật sự mong muốn chúng tôi tìm thấy hạnh phúc trong công việc. Trong trường hợp đó, việc họ khuyên chúng tôi làm theo đam mê của mình là hoàn toàn có lý. Yêu quý những thứ ta làm sẽ khiến công việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Có một cách giải thích nữa là từ “đam mê” chỉ là một cách diễn đạt hoa mỹ khác khi phải miễn cưỡng làm việc. Chẳng có gì là đủ nếu bạn phải làm một công việc bạn thấy là ổn vì những lý do tài chính. Bạn buộc phải nói là bạn đam mê công việc dù với bạn, nó vô nghĩa và luôn khiến bạn không vừa ý. Thế nên, nếu đó là công việc mà bạn đam mê, tại sao bạn lại không muốn được ở văn phòng tới tận tối khuya và trong suốt những ngày nghỉ cuối tuần? Chẳng phải bạn đã nói đó là đam mê của bạn sao? Vậy tại sao bạn lại về nhà sớm? Rồi còn trốn cả tiệc liên hoan của công ty nữa?
Các diễn giả được mời tới trường thường thích nói hoa mỹ kiểu như “Nhận làm gia công là đam mê của đời tôi”, “Tôi rất hạnh phúc khi mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất”, “Tại Widgets, chúng tôi yêu mến các hệ thống quản trị nguồn lực của doanh nghiệp”. Nhưng chẳng phải đam mê chỉ là thứ cảm giác phù du thoáng qua, một thứ cảm giác mà hầu hết mọi người đều được may mắn cảm nhận một lần trong đời sao? Trong tình yêu, chúng ta vẫn thường nói về thứ tình cảm cuộn dâng trong phút đầu gặp gỡ, rồi sẽ mất dần đi, nhường chỗ cho một dạng tình cảm khác. Chúng ta vẫn nói về cảm xúc mãnh liệt của các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ và những người chiến đấu cho tự do. Có lẽ, những doanh nhân vĩ đại nhất, những người sống cho công việc, đều có chung một niềm đam mê này. Vậy những người còn lại như chúng ta thì sao?
Cách lý giải thứ ba là các doanh nghiệp vẫn sử dụng cụm từ đam mê vì nó phản ánh điều họ muốn nhân viên cảm nhận được. Công việc, tốt nhất nên là đam mê, không nên là sự đày ải. Một vài người may mắn có thể cảm thấy thật sự đam mê công việc, nhưng tôi cảm giác, các công ty vẫn thường sử dụng cụm từ này rất tùy tiện vì nó giúp họ đặt ra những mục tiêu cao hơn, không chỉ giới hạn ở lợi nhuận cho các hoạt động. Hòa mình vào công việc của doanh nghiệp thôi chưa đủ. Bạn phải làm được những việc lớn hơn thế. Nhưng các doanh nghiệp tìm kiếm đam mê ở đâu? Hay đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi CEO tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group nói với một lớp học MBA là: “Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn”. Hay cán bộ tuyển dụng đến từ công ty đầu tư Fidelity: “Các chuyên gia phân tích của chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi tuân theo các nguyên tắc của công ty”. Hay vị CFO của ngân hàng Goldman Sachs đã nói: “Với nhân viên, chúng tôi luôn kỳ vọng được thấy niềm khát khao theo đuổi các thành công tài chính, niềm đam mê công việc và mọi thứ gắn liền với nó, không quan tâm tới bất kỳ một điều nào khác, điều này sẽ khiến họ luôn có được những phút giây hạnh phúc trong cuộc đời khốn khổ này. Chúng tôi luôn đòi hỏi nhân viên phải tận tâm với công việc”. Đó chính là nỗi ám ảnh về một nền văn hóa rộng khắp công ty, kỷ luật, mệnh lệnh, lúc nào cũng bị đồng nghiệp đánh giá, sợ bị lên án, luôn sùng bái lãnh đạo.
***
Trong trường mới xuất hiện một nhà tuyển dụng rất có ảnh hưởng tới sinh viên, đó chính là hãng Google. Vào tháng 10, Google cử một phái đoàn đến thăm trường. Một nhân viên tốt nghiệp HBS mới được hãng tuyển dụng kể rằng lại công việc hàng ngày của cô là xử lý thư từ và họp hành. Cô nói thêm rằng do công ty phát triển quá nhanh, nên cô thường không thể biết được nội dung của cuộc họp tiếp theo sẽ là gì. Rồi cô phát tặng cho sinh viên bút bi và những chiếc áo phông có in khẩu hiệu “Bạn có thấy mình may mắn không?” và một loạt tài liệu mô tả những vị trí tuyển dụng. Hầu hết các vị trí này đều yêu cầu ứng viên phải có bằng tin học hoặc vài năm kinh nghiệm làm việc tại một công ty giải pháp công nghệ. Tôi đã bỏ qua cơ hội này.
Nhưng trong suốt những ngày khủng hoảng hồi đầu tháng 1, tôi đã quay lại trang web đăng tin tuyển dụng trực tuyến của Google. Tôi đã có những kỷ niệm thú vị khi tới thăm doanh nghiệp này trong trò chơi kỹ năng lãnh đạo Westrek. Tôi đã tìm được một mục quảng cáo tuyển dụng vào vị trí marketing cho nút bấm Tìm kiếm sách, một nỗ lực của Google trong việc số hóa, nhằm giúp cho việc tìm kiếm sách trở nên dễ dàng hơn. Yêu cầu công việc là kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông hay phát hành và một tấm bằng MBA. Nhân viên sẽ làm việc tại New York, có nhiệm vụ liên lạc với thư viện, nhà xuất bản, tác giả và độc giả, làm cho mọi người thấy hứng thú với dịch vụ mới này và đồng ý ký kết hợp đồng. Nút bấm Tìm kiếm sách đã gặp phải trục trặc nho nhỏ do sự thiếu tập trung của Google. Google đã đặt ra một mục tiêu tương đối lớn là: mọi người, bất kể nam hay nữ, người lớn hay trẻ nhỏ, đều có thể tìm kiếm và đọc được mọi cuốn sách trực tuyến, chỉ với một chiếc máy vi tính nối mạng, bất kể mọi vùng miền, trình độ giáo dục hay điều kiện kinh tế. Nó giống như một thư viện Alexandria ảo mà ai cũng có thể truy cập dễ dàng. Nhưng những người phản đối kế hoạch này lập luận rằng Google đang cố tình cướp đi niềm vui được cầm đọc một cuốn sách hay lang thang qua các cửa hàng sách cũ, hy vọng được may mắn khám phá ra những điều mới mẻ. Họ nói rằng, Google sẽ làm thui chột khả năng tập trung và phá hủy văn hóa đọc sách in đã tồn tại hàng thế kỷ. Tôi hoàn toàn có thể đứng lên tranh luận về vấn đề này.
Những người từng nộp đơn xin việc vào Google đều cảnh báo rằng màn phỏng vấn là khó khăn nhất. Bạn khó có thể đoán biết được quyết định cuối cùng. Email hay điện thoại hỏi kết quả luôn bị phớt lờ. Bạn sẽ phải nói chuyện với ít nhất 10 người, thuyết phục tất cả mọi người đồng ý nhận bạn, rồi họ sẽ gửi trường hợp của bạn lên Larry Page, một trong hai nhà sáng lập công ty. Dù hiện nay Google đã có trên 5.000 nhân viên nhưng Larry Page vẫn muốn đích thân kiểm tra từng nhân viên. Vào 2 giờ sáng ngày thứ bảy, một trong những bạn học cùng khối tôi đã nhận được emai tuyển dụng từ một giám đốc của Google. Do đó, tôi cho rằng mình nên bình tĩnh chờ kết quả.
***
Ba tuần sau khi gửi đơn xin việc, tôi nhận được email mời phỏng vấn bằng điện thoại với một giám đốc quản lý sản phẩm tại trụ sở chính của Google ở thung lũng Silicon. Cuộc phỏng vấn sẽ kéo dài trong nửa giờ. Đầu tiên là phần giới thiệu về bản thân – những câu hỏi kiểu như “tại sao bạn lại tới học tại HBS”. Nửa sau cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng nọ đặt ra những mục tiêu mà ông ta gọi là mục tiêu “lớn, táo bạo, phi thường” và hỏi tôi sẽ làm gì để đạt được chúng. Ví dụ như tôi sẽ phát triển một thiết bị đọc sách điện tử, đưa ra thị trường và trao tới tay 5 triệu khách hàng trong ba tháng bằng cách nào. Ông nói, Google rất thích những mục tiêu lớn và táo bạo. Tôi nói sẽ cố gắng liên kết với chương trình Câu lạc bộ Sách của Oprah, người dẫn chương trình nổi tiếng, một trong những phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, hoặc một nhà xuất bản sách giáo khoa và phổ cập nó trong các trường phổ thông và đại học.
Mười ngày sau, tôi lại nhận được email khác đề nghị tôi tham dự một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại khác. Tôi đã phác ra trong đầu những mục tiêu thật lớn và táo bạo. Trong tưởng tượng của tôi, họ giống như loài nhím biển, đen đúa và đầy gai nhọn, tiết ra chất nhớt, trôi nổi khắp nơi với hai con mắt đầy gỉ, săn lùng, kiếm tìm và hạ gục lũ sinh viên kinh tế bằng hơi thối. Cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút, nhưng nhà tuyển dụng tỏ ra khá ủ rũ. Hóa ra ông từng làm chủ một công ty phát triển công nghệ của riêng mình nhưng đã phải bán lại cho Google. Ông không kiếm được nhiều tiền từ công việc kinh doanh như ông hằng kỳ vọng và phải đóng cửa công ty vài năm sau đó. Ông bảo: “Tôi dành tới 90% thời gian một ngày chỉ để trả lời thư từ và họp hành”. Tôi tưởng tượng ra cảnh cuối ngày, trong phòng làm việc tại thành phố Mountain View ở California, ông ngồi kiệt sức với đống tài liệu chất ngất. Một tuần sau, khoảng cuối tháng hai, tôi nhận được thông báo là tới California để phỏng vấn cả ngày.
Đó là một buổi chiều tràn ngập ánh nắng tại thành phố San Jose. Hạnh phúc biết bao khi được thấy lại mặt trời sau những ngày u ám ở Boston. Khách sạn mà Google đặt phòng cho tôi đã kín chỗ, vì vậy, tôi được sắp xếp ở tại một khách sạn nhỏ gần một trung tâm mua sắm. Căn phòng tối tăm trông ra một bãi đậu xe và có một thứ mùi khó chịu khiến tôi nghĩ đến cảnh hết người này đến người khác đã nằm trên giường và xem sách báo khiêu dâm. Tôi để cặp trong phòng rồi đi ra ngoài. Tôi tìm thấy một cửa hàng của hãng Jamba Juice và ngồi ở đó, thư giãn với một ly chanh leo và đọc lướt qua tập tài liệu Google gửi cho tôi. Tựa như chúng được một cậu học sinh phổ thông xuất sắc viết. Trong đó có hướng dẫn cách đòi công tác phí: “Nếu bạn đi ăn tại một nhà hàng, hãy nói thật ngọt ngào và boa cho nhân viên không quá 15% hóa đơn, để đảm bảo rằng trong hóa đơn có ghi rõ số tiền đó… Nhớ trình công tác phí trong vòng 15 ngày… Nếu quên, bạn sẽ bị mất tiền oan đấy!… Chúng tôi có thể sẽ yêu cầu thêm thông tin xác minh chi tiết về bất kỳ sự việc nào liên quan tới công tác phí nếu nghi ngờ đừng phản đối, chỉ cần ghi chép lại cẩn thận là được”. Vào một buổi tối ấm áp tại bang California, đọc tài liệu và ngắm nhìn xe cộ ra vào bãi đậu xe, đèn giao thông liên tục nhấp nháy, tôi chợt thấy nhớ nhà da diết.
Chín giờ sáng hôm sau, tôi ra cửa khách sạn đứng chờ chiếc xe buýt sẽ đến đón tôi tới Google. Đêm hôm trước, dù đã trùm chăn kín mít nhưng tôi vẫn không thể ngủ được vì từ phòng bên cạnh, tiếng tivi ì xèo vọng qua bức tường mỏng đến tận 2 giờ sáng. Chợt có một chiếc Limousine trắng xuất hiện trước cửa khách sạn, một thanh niên trẻ tuổi mặc áo gi-lê thêu chỉ vàng bước ra.
“Ngài là Broughton phải không ạ?”
“Vâng, tôi đây”, tôi vừa nói, vừa nhìn chằm chằm chiếc xe.
“Chiếc SUV của chúng tôi gặp vài trục trặc nho nhỏ, thế nên chúng tôi phải sử dụng chiếc Limousine dùng cho đám cưới”. Có một miếng các-tông nhỏ đang bay phần phật trên nóc xe. “Xin lỗi, mái che nắng bị vừa hỏng”. Tôi leo lên sau xe. Cửa kính đầy bụi kêu lách cách khi tôi đóng cửa xe. Thật không thể tin nổi. Tôi đang đi phỏng vấn tại một công ty tự hào theo chủ nghĩa bình quân, không hề phô trương, nơi nhân viên mặc áo phông và đi dép tông, có phương châm hoạt động là “Đừng làm quỷ dữ”.
Trụ sở của Google, 1600 Amphitheatre trên đường Parkway, là một tòa nhà tổ hợp chạy dài bằng kính và kim loại vốn được xây cho tập đoàn truyền thông Netscape, một người khổng lồ trong làng Internet đã bị Microsoft đè bẹp. Khu nhà nằm trơ trọi một mình, bị bao vây bởi những con phố và đường cao tốc. Các tòa nhà uốn cong, ngoằn ngoèo quanh những hàng cây và sân bóng chuyền ngoài trời. Giữa các tòa nhà, đường mòn tự hình thành trông rất duyên dáng. Cả tòa nhà giống như một khu trường đại học hay tổng hành dinh của một nhà thờ cấp tiến. Qua những ô cửa kính, bạn có thể thấy mọi người đang làm việc bên trong, nhiều người đang làm việc với hai chiếc máy vi tính một lúc. Đó là những người phóng khoáng, từ những chàng trai đam mê lướt mạng có mái tóc dài tới những người đàn ông da trắng mặc áo sơ mi cài kín cổ và quần ka ki, đều mang theo chiếc máy tính ThinkPad của hãng IBM. Nhưng trước tiên, tôi phải vào được công ty này đã. Chiếc Limousine đi qua phòng bảo vệ, vòng qua một đảo giao thông nhỏ và hẹp. Đằng sau chúng tôi là một hàng dài những chiếc Toyota và Honda bình thường, mỗi chiếc đều chở một nhà tỷ phú của Google. Khi xe dừng lại, tôi nghe thấy tiếng kêu răng rắc từ bộ phận hãm xung phía trước. Tài xế cho xe lùi ra sau. Lại một tiếng kêu răng rắc nữa, nhưng lần này là ở cạnh xe. Anh cố tiến rồi lại cố lùi xe lần nữa. Tôi có thể thấy rõ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán khi anh xoay người lại, cố nhìn vào chiếc gương chiếu hậu.
Anh nói: “Thử lại nào”. Rắc rắc. “Có lẽ chúng ta sẽ bị kẹt ở đây một lúc.”
“Tôi phải ra ngoài”, tôi nói và thu dọn đồ đạc của mình. “Tôi cố mở cửa xe, nhưng nó bị kẹt cứng. Tôi cố đẩy cánh cửa còn lại và bị văng ra khỏi xe ngay khi hai nhân viên bảo vệ lại gần để trợ giúp. Tôi vội liếc nhìn lại phía sau xem một hàng dài những chiếc ô tô nối đuôi nhau vào tòa nhà tổ hợp của Google. Tôi cắm mặt chạy một mạch đến tòa nhà số 42. Phía trên quầy lễ tân có một tấm bảng của Google ghi lựa chọn tốc độ xử lý các yêu cầu tìm kiếm của khách hàng: máy cắt cỏ, tennis, Bush, hậu môn, thịt nướng Omaha. Tôi vớ một cốc nước hoa quả miễn phí đặt trong chiếc tủ lạnh gần cửa ra vào và quăng mình xuống chiếc ghế sô pha màu tía để lấy lại sức. Cuối cùng, tôi được chỉ tới một phòng họp nhỏ, không có cửa sổ, sơn màu xám nhạt, vừa đủ rộng để kê một chiếc bàn tròn và hai chiếc ghế. Có lẽ tôi sẽ phải ngồi trong phòng này cả ngày hôm nay. Tôi xách cặp đi vào góc phòng và ngồi đợi.
Buổi phỏng vấn bắt đầu từ 10 giờ sáng, liên tục tới tận 5 giờ 30 phút chiều mới kết thúc bảy cuộc phỏng vấn liên tiếp, với một giờ nghỉ ăn trưa. Cuộc phỏng vấn đầu tiên bắt đầu bằng những câu hỏi thường gặp. Tại sao bạn lại chọn Google? Tại sao bạn lại học ở HBS? Tại sao bạn lại thích làm marketing? Vâng, tại sao phải là marketing?
Rất nhiều sinh viên HBS đã biết vị trí họ muốn theo đuổi. Hồi mới vào HBS, tôi chẳng hề biết vị trí trong doanh nghiệp là gì, nói chi đến biết được vị trí nào phù hợp nhất với mình. Tôi có nên trở thành nhân viên quản lý tài chính không, tôi thích hợp làm ở vị trí quản lý marketing, hay quản lý sản phẩm, chiến lược? Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Trong các buổi thảo luận về những bộ ghế sô pha của hãng Spangler, tôi được biết các giám đốc sản xuất tại các công ty chuyên về công nghệ phải biết nói ít nhất hai, hoặc ba thứ tiếng. Họ cần phải giao tiếp và hiểu được những ý nghĩ, nguyện vọng của các kỹ sư phần mềm. Họ còn phải nói chuyện để hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Tóm lại, họ phải nói chuyện làm ăn và kiếm tiền từ sản phẩm của mình. Thách thức duy nhất của nghề này là giao tiếp. Bạn phải có khả năng thuyết phục các kỹ sư, những người vốn dĩ luôn bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cầu toàn, rằng đôi khi, họ phải biết thay đổi sản phẩm, không phải vì yêu cầu kỹ thuật mà do khách hàng muốn vậy. Đồng thời, bạn còn phải giúp nâng cao trình độ của khách hàng và phát triển một mô hình kinh doanh.
Với những công ty như Google, có rất nhiều MBA sáng láng phụ trách quản lý sản phẩm làm việc hăng say. Một số người phải quản lý toàn bộ sản phẩm, như ở dịch vụ email của Gmail, hay AdWord dịch vụ quảng cáo cho các doanh nghiệp. Nhưng hầu hết mọi người đều làm việc cho các nhóm quản lý sản phẩm với nhiệm vụ quản lý từng chi tiết nhỏ của sản phẩm và trao đổi với nhau qua email. Tiếp theo là quản lý marketing sản phẩm. Với những công ty như P&G chuyên sản xuất hàng hóa thông dụng như kem đánh răng hay giấy vệ sinh, marketing là vua. Bạn không thể khác biệt hóa sản phẩm giấy vệ sinh của mình so với đối thủ nếu chỉ dựa trên chức năng sử dụng của sản phẩm. Bạn phải vận dụng tới thương hiệu và cách tiếp thị sản phẩm đó. Phần lớn các vị lãnh đạo cao cấp tại P&G đều thăng tiến thông qua hoạt động tiếp thị và bán hàng, và đó chính là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp. Nhưng ở Google, marketing luôn bị coi là hạ sách. Hệt như lúc được tuyển dụng, nhân viên marketing phải làm việc vất vả lắm để không bị sa thải, luôn cố thu thập lời nhận xét và ý kiến của khách hàng về việc giới thiệu các sản phẩm mới. Nhưng phòng này vẫn luôn bị lãng quên và thiếu nhân lực. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Đó là chuyện rất dễ hiểu. Google đã phát triển thành một công ty trị giá hàng tỷ đô-la mà không cần phải tiêu tốn một đồng quảng cáo. Tính ưu việt của sản phẩm công cụ tìm kiếm đã nói lên tất cả. Thành công này là một thành tích kỳ diệu của khoa học máy tính, xây dựng được một sản phẩm tuyệt vời mà nhiều người có thể cùng sử dụng một lúc, không cần tới thứ quảng cáo ngớ ngẩn chuyên thổi phồng sự việc. Họ là những người cực kỳ thực tế, chỉ yêu những thứ có hiệu quả, căm ghét những thứ vô tác dụng, không chịu dựa vào những tấm biển quảng cáo thương hiệu của hãng quần lót khiến họ trở nên hấp dẫn hơn trước nữ giới.
Vấn đề là chính vì thành công quá lớn của Google khiến họ trở thành đối tượng của sự đố kỵ và cạnh tranh không ngừng, nên công ty này cũng phải tìm đến marketing. Nó không thể tiếp tục ẩn mình trong Mountain View kiếm hàng tỷ đô-la và phớt lờ cả thế giới. Khi phát triển tại Trung Quốc, các dữ liệu cá nhân và các ngành khác nhau từ xuất bản sách tới viễn thông đều được lưu trữ tại Mỹ đã gây nghi ngờ và tạo ra nhiều đối thủ cạnh tranh. Một nữ sinh trong khối tôi đã từ chối một vị trí marketing tại Google vì cô nói rằng cô sẽ phải đứng bên kia hàng rào chỉ để chờ những người khác trong công ty quăng sang bên mình một gói sản phẩm mới khi chúng đã sẵn sàng phát hành. Marketing sẽ không bao giờ tác động tới phương thức phát triển sản phẩm của Google. Phòng marketing chỉ có tác dụng bảo vệ phòng chế tạo những kẻ kỳ dị không hợp thời khỏi phải đối diện với thế giới này. Theo những gì tôi được biết, nếu là quản lý marketing tại Google, bạn sẽ được trả lương, được sở hữu một số lượng cổ phiếu có giá trị nhất định và bị các chuyên viên máy tính phớt lờ. Thậm chí còn tệ hơn nữa. Tôi đã nói với người phỏng vấn rằng Google đang gặp phải rất nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hình ảnh công ty cần được giải quyết ngay lập tức, giống như Microsoft trong quá khứ vậy, và đó là lý do công ty cần tới một chuyên gia giao tiếp như tôi giúp tháo ngòi quả bom. Tôi nói rằng mình vốn là một khách hàng trung thành của Google và tôi tin rằng nút bấm Tìm kiếm sách là ý tưởng khá hấp dẫn. Trong mỗi lần phỏng vấn, chúng tôi đều đưa ra những mục tiêu thật lớn, thật táo bạo. Vậy, nếu bạn thích chia sẻ hình ảnh, có việc nào bạn chưa thể làm và bạn có muốn mình làm được hay không? Bạn sẽ giới thiệu tính năng mới như thế nào? Bạn sẽ giới thiệu cho 10 triệu người sử dụng tính năng này trong sáu tuần bằng cách nào? Bạn sẽ thuyết phục các nhà xuất bản sử dụng Google như một kênh truyền thông để hấp dẫn các nhà quảng cáo bằng cách nào? Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tổ chức loại sự kiện nào? Bạn sẽ mời các giám đốc nhà xuất bản tới thung lũng Silicon, rồi làm gì tiếp theo? Là phóng viên, bạn muốn viết gì về Google? Không công khai mức giảm doanh số quảng cáo với các đối tác xuất bản có phải là hành động xấu xa không? Giống như học tại HBS, lúc nào cũng phải kiên trì tìm kiếm câu trả lời và kế hoạch hành động cùng với sự phân tích.
Các phỏng vấn viên đều rất dễ mến. Trong số đó có một phụ nữ khoảng 20 tuổi, đã làm quản lý công ty từ rất lâu trước đợt phát hành cổ phiếu lần đầu. Tôi cho rằng cô phải kiếm được nhiều tiền vì cô không mấy quan tâm xem marketing sản phẩm có tác dụng hay không. Một người đàn ông khoảng 30 tuổi chạy xộc vào phòng khi mồ hôi vẫn chảy ròng ròng và uống nước ừng ực. Anh này luôn làm việc cho phòng bán hàng và nói chuyện rất nhanh với giọng đầy vẻ lo lắng. Anh đề nghị tôi giải thích về mạng lưới hiệu ứng của công việc kinh doanh của Google, tại sao có thêm nhiều người tiêu dùng nghĩa là có thêm nhiều nhà quảng cáo, có thêm nhiều nhà quảng cáo có nghĩa là có thêm nhiều người tiêu dùng, và cứ vậy, lợi nhuận không thể tính xuể và vô số thị phần còn bỏ ngỏ. Còn có một phụ nữ chịu trách nhiệm marketing cho nút bấm Tìm kiếm sách trong suốt những tháng qua, khi các nhà xuất bản và tác giả sách lên tiếng phản đối.
Giữa các cuộc phỏng vấn, tôi đi loanh quanh khu vực để đồ ăn, nhét đầy bụng kẹo dẻo và bánh quy xoắn nhúng kem miễn phí, thêm một cốc cà phê espresso. Đến cuối ngày, hơi thở của tôi chắc phải bốc mùi như đám ruột thối của quỷ Sa tăng.
Nhiều người đã nói rằng ở Google luôn có không khí làm việc sôi nổi do đợt phát hành cổ phiếu lần đầu đã khiến mọi người trở nên cực kỳ giàu có. Tôi cũng có cảm giác như vậy. Ngoại trừ anh chàng bán hàng, tôi chẳng dám trông đợi còn được gặp ai khác có vẻ ngoài hấp dẫn. Có thể đây là một đặc điểm của California. Có lẽ các kỹ sư thiết kế phần mềm quá thông minh đến mức những người còn lại trong công ty chỉ còn biết bám lấy họ. Hoặc cũng có thể tôi chỉ bị sốc vì thật sự là họ chẳng có vẻ gì độc ác cả.
Tôi hòa mình vào ánh chiều tà đang nhạt dần, đầu óc vẫn còn lẫn lộn với từng mảnh kiến thức công nghệ. Chiếc Limousine màu trắng vẫn đang đợi tôi dưới phố, với một vết xước ở thân xe. Tài xế bắt đầu cho xe chạy vào bãi đỗ xe, nhưng tôi vẫy anh lại, chạy ngang qua đảo giao thông nơi chúng tôi đã bị mắc kẹt vào buổi sáng. Tôi kéo mạnh cửa và quăng người vào ghế sau, hai tay giơ lên phía trước giống như một siêu nhân đang bay, hy vọng không bị ai nhìn thấy. Tối muộn hôm đó, chuyến bay của tôi bị hoãn lại. Tôi phải ngồi trong phòng chờ từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau dưới bức pano rộng khoảng 5 m quảng cáo một hộp đêm.
Ba tuần sau, khoảng giữa tháng ba, tôi lại nhận được tin tức từ Google. Họ rất thích tôi, nhưng vẫn muốn hỏi liệu tôi có thể tham gia phỏng vấn điện thoại lần nữa không. Tôi nhận lời phỏng vấn. Tôi nhận cuộc gọi phỏng vấn khi đang ngồi trong lớp học tại HBS và mải miết nhìn ra phía nhà kho chạy dài sau trường. Bầu trời đầy những đám mây vỡ vụn và những tia chớp phía xa xa. Một lằn chớp lóe sáng rồi phụt tắt, để tôi lại một mình nói chuyện trong bóng tối. Tương lai của tôi nằm trong tay người đang nói điện thoại cách tôi 3.000 dặm với giọng nói điềm tĩnh, thân thiện. Kết thúc cuộc phỏng vấn, người đó nói rằng tôi sẽ nhận được thông báo trong một tuần hoặc 10 ngày tới.
Hai tuần sau, tôi gửi email tới người phụ trách tuyển dụng nhưng không hề nhận được chút thông tin nào. Ba tuần sau, tôi gọi điện thoại. Chẳng có gì. Tôi đã gọi điện thêm hai lần nữa. Vẫn chẳng có gì. Tôi gửi email tới cả bốn vị giám đốc phụ trách tuyển dụng mà tôi đã gặp. Cuối cùng, một tháng sau cuộc phỏng vấn cuối cùng, ba tháng sau khi nộp đơn xin việc, tôi nhận được một cuộc gọi. Mọi vị trí đều đã có người, nhưng tôi vẫn được đưa vào danh sách chờ. Họ hỏi liệu tôi có muốn làm việc tại vị trí quản lý sản phẩm cho phòng các giải pháp công nghệ hay không? Có muốn làm việc tại Mountain View hay không?
Với lòng tự trọng bị tổn thương, tôi tới gặp một sinh viên HBS đã tốt nghiệp đang làm việc tại Google hỏi xem tôi nên làm gì. Cô liền sắp xếp cho tôi một cuộc phỏng vấn khác, lần này là ở New York, với vị trí bán hàng. Cô bảo: “Công việc ở phòng bán hàng đấy”. Đây chính là nơi thu lại tiền. Và thế là tôi lại tới Manhattan để phỏng vấn lần thứ 11, 12, 13 và 14. Ở đó cũng có những chiếc đèn rạn hình dung nham núi lửa, phòng giải trí, bàn bi lắc và tủ lạnh chứa đầy nước hoa quả. Ở đó cũng có những người có đẳng cấp khác nhau như ở thung lũng Silicon, họ đang đứng nói chuyện trên cầu thang bằng sắt, ở đó cũng có cả những phòng làm việc nhỏ sát vách nhau. Nhưng lần này, tôi đã cảm thấy nôn nao ngay từ giây phút đặt chân đến đây. Tôi biết mình đã đến nhầm chỗ.
“Có hàng tỷ người ao ước được làm việc tại đây, nhưng chỉ có vài người trong số đó vượt qua được những yêu cầu khắt khe của chúng tôi”, một quản lý bán hàng giải thích cho tôi. “Điều gì khiến bạn nghĩ rằng bạn có thể đáp ứng được những yêu cầu đó?” Những người phỏng vấn tôi đều làm việc trong phòng bán hàng từ khi mới vào nghề. Khi tôi hỏi một người xem anh ta đã tiến tới vị trí hiện tại bằng cách nào, anh ta vẽ một biểu đồ nho nhỏ, liệt kê các công việc rồi nối chúng lại bằng những mũi tên và ô vuông. “Tôi đã cống hiến tận tụy cho phòng bán hàng”, trông mặt anh rất hãm tài khi đọc lướt qua hồ sơ của tôi. “Bạn đã làm việc như vậy bao giờ chưa?” Khi trả lời câu hỏi, tôi có thể cảm nhận thấy khả năng tôi có thể làm việc tại một nơi như Google đang dần sụp đổ, bị hiện thực phá hủy hoàn toàn. Khả năng tôi được phụ trách vị trí bán hàng tại một công ty giải pháp công nghệ còn khó hơn việc chinh phục đỉnh Eiger trên dãy Alps, vốn nổi tiếng vì có rất nhiều vận động viên leo núi thiệt mạng.
Tối hôm đó, khi về đến nhà tại Boston, tôi quyết định sẽ bỏ cuộc trước khi bị tống ra khỏi cửa. Tôi gửi email cho Google nói rằng sau bốn tháng phỏng vấn, tôi không còn muốn tiếp tục theo đuổi nữa. Họ nói rằng họ rất tiếc và tôi có thể quay lại bất cứ lúc nào. Nhưng tôi muốn nhanh chóng tống khứ công ty này khỏi cuộc đời mình. Tôi muốn cạo sạch lớp mặt nạ vì họ tôi đã đeo cho mình trong suốt những tháng qua. Tôi gỡ bỏ toàn bộ các tính năng của Google trên máy tính và thay vào đó bằng công cụ tìm kiếm của Yahoo! Tôi thẳng tay quăng vào thùng rác một tập dày những ghi chép và bài viết về công ty mà tôi đã thu thập được. Công cuộc tìm kiếm việc làm tại HBS của tôi đã kết thúc như vậy đấy. Tôi đã chơi trò này thật dở tệ. Margret lại gần tôi với một chai bia.
Nàng hỏi: “Anh thấy sao?”
“Tuyệt vời!”