NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

QUÊ HƯƠNG

Tôi và Catia vào mua thực phẩm trong một cửa hàng nhỏ. Catia đi vào sâu trong cửa hàng, tôi dừng lại ở cửa. Tất cả séc du lịch đều đề tên Catia, bởi tôi ký rất vất vả. tôi vất vả lắm mới giữ được bút và chữ ký của tôi kiểu gì cũng thể gây tin tưởng được. Catia chọn đồ ăn, lại chỗ người bán hàng để thanh toán. Đứng sau quầy là một người Ả rập. Ông ta nhiệt tình chứng minh với Catia điều gì đó, tuyệt vọng ra hiệu. Catia không biết tiếng Anh, người nói lại phải là tôi.

Tôi nhấn cần điều khiển, tiến lại quầy. Catia lui lại.

Có chuyện gì thế?

Tôi không thể nhận séc của ngài. Tôi chỉ nhận séc có trị giá không quá mười đô la, ngài lại đưa ra séc năm mươi đô la.

Tôi đang ở nước Mỹ. Tôi ở Mỹ đã hai tuần. Tôi bình thản. Một lần nữa lại chạm cần điều khiển xe lăn. Lưng xe dựng lên gần thẳng đứng. Tôi tiến sát quầy.

Tôi hiểu rồi, ngài muốn nói séc là đồ giả. Xin hãy nhìn tôi. Ngài cho rằng tôi có khả năng làm đồ giả? Tôi giống hoạ sĩ lắm hay sao? Tôi giống tên lừa đảo sao? Hãy nhìn chiếc xe lăn. Ngài có biết nó giá bao nhiêu không? Hôm qua tôi đã mua thực phẩm chỗ ngài, hôm kia cũng mua, hôm nay mua và hy vọng cả ngày mai cũng sẽ mua. Đây là nước Mỹ. Ngài bán, tôi mua. Có hai lựa chọn. Nếu như séc thật, ngài sẽ bán cho tôi, nếu séc giả và do tôi tự vẽ, xin hãy gọi cảnh sát.

Ông ta nhìn tôi tỏ vẻ thiện cảm. Rõ ràng là ông thoả mãn với cách giải quyết này.

Thôi được, tôi nhận séc. Cậu là người Palestine?

Không, người Tây Ban Nha.

Từ Tây Ban Nha?

Từ Nga.

Bao giờ về nhà?

Sau ba ngày nữa.

Chắc là cậu nhớ quê hương, muốn về nhà.

Không, không nhớ.

Tại sao?

Nơi đó tồi tệ. Không có những chiếc xe lăn, lề đường như thế này, không có cửa hàng như của ông. Tôi chẳng hề muốn về. Nếu được, tôi sẽ ở lại đây mãi mãi.

Ông lắc đầu trách móc. Nhìn tôi độ lượng và thoáng buồn:

Cậu bé, cậu bé tí xíu ơi. Cậu hiểu gì về cuộc đời? Không nên sống ở đây. Con người giống như thú dữ. Chỉ vì một đô la người ta cũng sẵn sàng hại nhau. Tôi làm việc mười bốn tiếng mỗi ngày, ky cóp tiền. Tôi sẽ dành dụm thêm ít nữa và quay về quê hương, về Palestine. Ở đó đang bắn nhau. Chỗ cậu không có bắn nhau phải không?

Không.

Chúng tôi trả tiền, chào tạm biệt và bước đi. Tôi lăn xe ra khỏi cửa hàng. Quay xe nhìn người Palestine trung niên qua lớp kính. Một con người hạnh phúc. Ông ta có quê hương.