Ngoài ra còn có tôi và Vasilec. Vasilec trông khoảng 20 tuổi. Anh bị liệt hai chân. Khoẻ như một con bò mộng. Hay đúng hơn như tất cả những người thiếu khả năng trí tuệ. Có lần anh đã túm chân bà bảo mẫu trêu anh, khiến bà ta không sao thoát ra được, và mãi lâu sau trên chân bà ấy vẫn còn vết tím bầm. Các bảo mẫu trêu chọc anh, con bò mộng hiền lành, vỗ vào lưng khi lại gần hay nói gì đó tục tĩu, còn anh sau đó cả đêm ồn ào cục cựa, làm cớ cho những trò chọc ghẹo mới. Nói chung, họ đối với anh cũng tốt, luôn cho anh suất đúp.
Tôi là một thằng bé chín tuổi. Hãy hình dung một người liệt. Nằm còng queo trên sàn và lắc lư người từ bên nọ sang bên kia. Nó làm cái gì đó nhưng bạn vẫn chưa hiểu là cái gì. Nó bò đi. Tôi bò đi rất nhanh, tôi có thể bò được ba trăm mét trong nửa tiếng nếu tôi không mệt. Nhưng cứ được mươi mười lăm mét là tôi phải nghỉ. Nhưng tôi có thể bò! Trong phòng chỉ có tôi và Vasilec là có thể bò – điều này khiến chúng tôi khác với những người còn lại.
Bọn họ có bảy người. Tôi không nhớ hết tên..Mà cũng không cần phải biết tên họ. Chỉ có Sasha Poddubnưi là có thể ngồi được và mỗi sáng các bảo mẫu đặt anh xuống sàn trước cái bàn thấp. Những người khác nằm suốt ngày trên giường. Người ta gọi họ là những “cậu bé”. Tất cả mọi người trong cô nhi viện đều nể họ, thậm chí kể cả “Đại bàng” của cô nhi viện cũng phải tìm đến họ xin lời khuyên. Chỉ phòng của chúng tôi mới có tivi và chúng tôi tha hồ xem tuỳ thích.
Tôi lọt vào phòng này một cách tình cờ. Tôi được đưa đến đúng lúc có một “cậu bé” mới chết. Đó là chiếc giường số 3 bất hạnh. Trước tôi đã có ba người ngủ trên đó và cả ba đều đã chết. Không ai muốn nằm ở đó cả, còn tôi lại là ma mới. Sau đó người ta muốn chuyển tôi sang phòng khác, nhưng Sasha Poddubnưi yêu cầu và người ta để tôi lại. Nhưng đó là một câu chuyện khác.
°
Một lần Sasha muốn đi vệ sinh mà Vasilec lại không có trong phòng.
Tôi có hai lựa chọn: bò đi tìm bà bảo mẫu hoặc thử tự mình giúp. Tôi dùng răng cắn dây thun quần anh kéo đi, đẩy bô tới và anh đái vào đó. Giờ đây, theo luật bất thành văn của cô nhi viện, tôi cũng có thể yêu cầu anh một điều gì đó. Lấy hết can đảm, tôi đề nghị anh cho tôi đọc một trong số những cuốn sách của anh. Anh có rất nhiều sách. Anh luôn đọc và dịch từ tiếng Đức.
Hãy lấy và đọc cuốn Ba Chàng Ngự Lâm.
Ba chàng ngự lâm em đã đọc rồi. Truyện trẻ con. Cho em mượn Solaris.
Cậu sẽ chẳng hiểu gì đâu.
Em sẽ hiểu.
Cậu thật bướng, rất tốt. Hãy lấy đi sau đó kể xem cậu hiểu những gì.
Tôi đọc hết cuốn Solaris trong một ngày chủ nhật. Khi Xasa hỏi tôi hiểu được những gì trong cuốn sách, tôi trả lời: nhân vật chính chẳng cần phải bay đi, bởi cần phải giải quyết mọi chuyện với phụ nữ ngay trên trái đất. Xasa nói tôi vẫn còn bé và chưa hiểu gì hết. Nhưng kể từ đó anh bắt đầu cho tôi mượn sách. Nói chung tôi đã gặp may. Các “cậu bé” đối xử với tôi rất tốt.
°
Các sếp đến thăm chúng tôi. Sếp của chúng tôi là các sinh viên trường sư phạm.
Chúng tôi được tập trung trong hội trường lớn, các sếp hát cho chúng tôi nghe rồi chuồn. Chính xác hơn là không phải tất cả đều bỏ đi. Theo kế hoạch giúp đỡ của các sếp, sinh viên phải có một số hoạt động với chúng tôi, giúp chúng tôi làm bài và nhiều việc khác nữa. Nhưng phần đông bọn họ nhìn chúng tôi như nhìn bọn hủi. Câu “như nhìn người hủi” tôi được đọc sau này, và tôi rất thích. Mà làm sao có thể diễn tả khác được những cặp mắt thô lố và sự ghê tởm được che giấu một cách vụng về?
Nhưng một số người đã đến. Thật lạ, đó lại là các nữ sinh viên, những vì sao rơi từ trên trời xuống. Lòng trắc ẩn, sự thương hại thiên bẩm và có thể cả tính tò mò đã kéo họ đến với chúng tôi. Không chỉ một lần.
Một cô gái như vậy đã vào phòng chúng tôi.
Các chàng trai có cần giúp đỡ gì không?
Bạn có muốn uống chiphir không?
Gì cơ?
Trà đặc.
Có.
Vậy hãy lấy “tàu ngầm” dưới đệm của tôi, lấy lọ trong tủ con, đi lấy nước và thực hiện mọi công đoạn dưới gầm giường.
Người nói là Vovca Moskva. Biệt danh của anh là “Moskva”. Tôi không biết vì sao.
Cô sinh viên ấy đến chỗ chúng tôi mấy lần, các “cậu bé” đãi cô kẹo sô cô la và kể chuyện tiếu lâm. Thật thoải mái và vui vẻ khi tiếp xúc với cô. Một lần cô ở chỗ chúng tôi đã hơi lâu và đến lúc phải ra về. Tất nhiên chẳng ai muốn để cô ra về.
Các chàng trai, tôi còn phải làm bài tâp môn vật lý và toán, mà chẳng ai dễ dàng cho tôi chép bài cả đâu.
Bạn học năm mấy?
Năm thứ hai.
Bạn có mang sách theo chứ?
Có, trong túi.
Hãy lấy ra và đọc đầu bài đi.
Người nói là Genka nằm ở giường trong góc.
Cô lấy sách ra ngồi xuống và đọc.
Nhưng tôi không hiểu gì hết.
Tôi cũng vậy. Tôi mới chỉ học đại học được có một năm. Cô hãy đọc to lên.
Thế còn công thức?
Công thức cũng đọc to.
Cô đọc và chúng tôi vui mừng vì thấy cô vẫn chưa ra về, và không hề nghi ngờ rằng Genka sẽ giải được tất cả các bài tập của cô. Cô đọc rất lâu và sau đó Genka bảo cô ngồi xuống bàn và chép.
Nhưng cậu không nhìn thấy những gì tôi viết!
Còn bạn?
Tôi thấy.
Vậy thì hãy viết đi.
Và anh đọc cho cô gái lời giải tất cả những bài tập, rồi im lặng.
Tôi có thể kiểm tra đáp số được không? Tôi có đáp án đây.
Kiểm tra đi.
Tất cả đều đúng! Làm sao cậu làm được? Không hề nhìn vào vở! Cậu lại còn nhỏ thế kia!
Genka nặng mười ký lô. Ngoài chuyện không thể đi lại được, anh lại có vấn đề với tuyến giáp, không lớn được. Anh thường được đắp chăn đến cằm, và từ trong chăn thò ra khuôn mặt của một cậu bé tám tuổi. Nhưng có lẽ thế lại tốt hơn. Thỉnh thoảng anh được bế ra đường. Tôi và Vasilec có thể tự bò ra đường, còn những người khác chưa hề nhìn thấy đường phố.
Tôi mười tám tuổi, tôi cũng “nhỏ” như bạn vậy.
Ôi, các chàng trai! (Cô gọi họ là “các chàng trai”, ngoài cô ra, chẳng ai gọi họ như vậy) Vậy mà tôi cứ nghĩ các bạn còn đang học phổ thông.
Chính thức chúng tôi vẫn đang đi học. Lớp hai. Còn một số người học hai năm một lớp. Đơn giản vì giám đốc của cô nhi viện chúng tôi là một người tốt bụng. Ông không muốn đưa chúng tôi đến nhà dưỡng lão. Ở đó không có ai chăm sóc chúng tôi và chúng tôi sẽ chết.
Vậy tại sao các bạn không thi vào đại học? Các bạn sẽ là những sinh viên xuất sắc.
Trường đại học chỉ lấy những người đi được.
Cô vội vàng thu dọn đồ đạc và ra về. Tôi bò ra hành lang. Mưa rơi. Và tôi muốn bò ra cổng.
Trời lành lạnh – thu muộn hay xuân sớm? Cổng không đóng và tôi thích bò ra tận cổng để nhìn mưa. Những hạt mưa hiếm hoi tạt vào bên trong, rơi trúng người tôi. Thật là dễ chịu và buồn.
Nhưng lần này đã có người chiếm chỗ ở cổng của tôi. Chính cô sinh viên đó đang đứng, tựa hẳn người vào dầm cửa, rít thuốc liên tục. Và khóc. Tôi không nhớ cô ăn mặc ra sao. Chỉ nhớ cô đi giày cao gót. Cô rất xinh đẹp. Tôi có cảm tưởng sẽ không bao giờ còn nhìn thấy một cô gái xinh đẹp như vậy nữa. Cô rít thuốc và khóc. Rồi hút hết điếu thuốc và bước đi dưới mưa. Không áo mưa, không dù che.
Cô không bao giờ đến chỗ chúng tôi nữa.
°
Có đoàn thanh tra từ Moskva đến. Giám đốc bị khiển trách, còn các “cậu bé” bị đưa vào nhà dưỡng lão. Cô giáo của họ đến lớp chúng tôi “Giờ cô sẽ làm việc với các em cho đến khi các em ra trường”. Tôi đã lên lớp năm. Nhóm tiểu học đã kết thúc và bây giờ chúng tôi có giáo viên chủ nhiệm riêng và cô giáo phụ trách riêng.
Một tháng sau khi các “cậu bé” được đưa tới nhà dưỡng lão, cô giáo phụ trách đi thăm những người được mình bảo trợ. Cô quay về và kể hết với chúng tôi. Trong số tám người chỉ có Genka còn sống. Nhà dưỡng lão gồm các ngôi nhà biệt lập kiểu lều gỗ. Người già và người tàn tật được phân ra theo mức độ tàn tật. Các “cậu bé” của chúng tôi nằm riêng trong một lều với những người kiệt sức. Dọc tường là những hàng dài giường tầng, nước tiểu nhễu giọt. chẳng có ai tới chỗ họ. Cô giáo mang đến cho họ các loại nước hoa quả đựng trong những lọ lớn. Cô kể về Genka “Nó có vẻ giận dữ, bảo cô mang nước quả về đi, đàng nào bọn người đi được cũng uống hết”.
Tôi hỏi cô điều gì sẽ đến với tôi khi tôi lớn. Người ta cũng sẽ chở tôi đến nhà dưỡng lão và tôi sẽ chết?
Tất nhiên.
Nhưng khi đó em mới chỉ có mười lăm tuổi. Em không muốn chết sớm như vậy. Hoá ra tất cả đều vô ích ư? Vậy học để làm gì?
Chẳng có gì vô ích cả. Các em phải học bởi vì các em được nuôi không phải trả tiền. Mà này, em đã học thuộc bài chưa
Kể từ đó tôi thay đổi rất nhiều. Chỉ những chứng cớ nhỏ nhặt cũng đủ làm tôi chảy nước mắt và oà khóc.
Cả những lời hăm doạ và thuyết phục đều không giúp ích gì. Tôi khóc thành tiếng.
Người ta gọi bác sĩ. Một thanh niên trẻ măng tới, ngồi bệt xuống sàn bên cạnh tôi, mỉm cười và hỏi điều gì đó. Tôi mỉm cười đáp lễ. Tôi không muốn nói chuyện với anh ta. Nhưng đành phải nói.
Tại sao cháu hay khóc?
Cháu không hay khóc.
Tại sao chiều hôm qua cháu khóc?
Cháu bò, bị cộc đầu và khóc.
Chú không tin. Cô giáo của cháu đã kể hết với chú. Cháu khóc suốt. Điều này không bình thường. Tại sao cháu không muốn nói với chú?
Vì chú là bác sĩ tâm thần. Bọn họ lúc đầu tốt bụng là thế, rồi sau đó họ lôi tới bệnh viện. Còn trong bệnh viện người ta chích và cho uống những thứ thuốc để khiến thành ra như Vasilec.
Ai nói với cháu những chuyện vớ vẩn đó? Không ai lôi cháu đi đâu cả. Vasilec là ai?
Vovka Moskva đã kể cho cháu nghe về bệnh viện.
Thế cái cậu Vovka của cháu đang ở đâu?
Chết rồi. Các anh ấy chết rồi. Bọn họ thật tốt bụng và thông minh. Xasa Poddubnưi còn đưa sách của anh ấy cho cháu đọc. Giờ bọn họ chẳng ai còn sống, chỉ còn Vasilec. Người ta chở anh tới một cô nhi viện tốt khác, bởi vì anh ấy có thể bò được và tự mình đi vệ sinh.
Ai nói với cháu là họ chết cả rồi?
Cô giáo. Cô ấy còn nói với cháu rằng người ta cũng sẽ chở cháu đi khi cháu tròn mười lăm tuổi. Bây giờ cháu được mười tuổi.
Cô giáo cười cười, băn khoăn nhìn bác sĩ nói “Thì đã sao nào? Có gì không phải ở đây? Tôi đã kể chuyện này cho cả lớp nghe”. Bác sĩ châm thuốc hút. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy người lớn hút thuốc ngay trong phòng. Không hiểu sao tôi thấy thích chú ấy.
Cháu có sợ chú không?
Có.
Chú không hề ác độc. Hút hết điếu thuốc, chú nhìn tôi rồi đi mất.
Còn Genka chết sau đó không lâu.