NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

NGƯỜI SĨ QUAN

Người ta đưa đến nhà dưỡng lão một người mới. Người đàn ông to lớn cụt chân ngồi trên chiếc xe lăn thấp tè. Ông tự tin liếc quanh và chậm chạp đi vào phòng. Ông định vị được ngay, không cần mách bảo. Ông đi khắp toà nhà ba tầng của chúng tôi, không vội vã, từ phòng này sang phòng khác. Bắt đầu từ nhà ăn. Lúc đó đang là bữa trưa. Ông xem người ta cho ăn gì, khẽ cười khẩy buồn rầu, không ăn. Ông đi thang máy lên tầng ba – tầng của những người phải chết, tầng của những người sắp chết. Ông ngó vào từng phòng, không hoảng hốt, ồn ào, không bịt mũi ghê tởm, không quay lưng lại sự thật. Ông nhìn thấy những người già cả đáng thương nằm bất động trên giường, nghe thấy những tiếng rên rỉ, kêu la. Đến chiều ông quay trở về phòng của mình, nằm trên giường.

Một căn phòng tốt ở tầng hai. Với một người cùng phòng. Trên cửa co treo tấm bảng đẹp đẽ có dòng chữ “Cựu chiến binh Chiến Tranh Vệ Quốc sống ở đây”. Những điều kiện sống bình thường. Có thể tới nhà ăn ngày ba lần, ăn những gì được cho ăn, chiều chiều xem vô tuyến cùng với mọi người. Một phần lương hưu thừa đủ để trang trải những nhu cầu không phức tạp của người luống tuổi – thuốc lá, trà, bánh ngọt. Nếu muốn, chẳng ai và chẳng có điều gì có thể ngăn ông mua vodka và uống với người cùng phòng, nói chuyện về quá khứ, kể cho nhau nghe họ là ai trong quá khứ, họ đã chiến đấu và chiến thắng ra sao, đã luôn chiến thắng. Có thể đẩy xe tới nhà vệ sinh chừng nào đôi tay còn cho phép, chừng nào tay còn giữ nổi cái thìa, chừng nào còn đủ sức để ngày ngày chiến đấu vì quyền được thấy mình là con người.

Chiều hôm đó họ không có vodka. Cùng phòng là một người tốt bụng. Chấp nhận cuộc sống do nhà nước đài thọ, ông già lặng lẽ lắng nghe chuyện người mới đến suốt từ chiều đến nửa đêm. Bằng giọng chỉ huy, người đàn ông cụt chân rành rọt kể chi tiết toàn bộ đời mình. Nhưng dù cho ông có bắt đầu như thế nào thì câu chuyện vẫn quay về một mối: trong chiến tranh, ông đã từng là sĩ quan trinh sát xa.

Những sĩ quan trinh sát xa. Những chiến sĩ đã được thử thách, những người dũng cảm, giỏi nhất trong số những người giỏi, những người số một. Ưu tú. Họ đột nhập vào khu vực của kẻ thù, vượt qua những bãi mìn, tiến sâu vào lòng địch. Không phải ai cũng quay trở về, những người quay trở về lại tiếp tục đi vào lòng địch. Chiến tranh là chiến tranh. Họ không lẩn tránh cái chết, họ thực hiện nhiệm vụ, làm theo chỉ thị. Cái chết không phải là  điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một người. Họ sợ bị bắt làm tù binh – nhục nhã, bị lăng nhục, bất lực. Trong trinh sát xa không có tù binh và thương binh. Theo chỉ thị, người làm chậm bước tiến của toàn đội phải tự sát. Một người chết còn hơn là tất cả đều chết. Một người tự bắn mình, những người khác đi tiếp, thực hiện nhiệm vụ, giết giặc. Trả thù cho Tổ quốc mình, cho những đồng đội đã hy sinh, cho những người đã tình nguyện rời bỏ cuộc sống vì nghĩa lớn. Nếu vết thương nặng đến mức người lính không thể tự bắn mình, bên cạnh luôn có một người bạn, anh ta sẽ buộc phải giúp. Một người bạn thật sự, không phải xã giao, không phải cùng hội rượu hay chỉ là người hàng xóm ở cầu thang bên cạnh. Đó là người sẽ không phản bội, người sẽ chia sẻ miếng bánh cuối cùng, viên đạn cuối cùng.

Người sĩ quan cứ kể mãi, kể mãi. Chuyện vấp bãi mìn, chuyện yêu cầu người bạn “Hãy bắn đi”. Tai nạn xảy ra cách biên giới không xa, người bạn vác ông về được với đồng ngũ, mười cây số - không sâu trong lòng địch. Chuyện ông sợ phải trở thành gánh nặng suốt đời ra sao, rồi làm việc trong hợp tác xã, khâu thú nhồi bông. Lấy vợ, nuôi các con khôn lớn. Con cái tốt chỉ có điều chúng không còn cần tới một ông già cụt chân.

Và gần sáng, người sĩ quan đã tự cứa cổ mình bằng con dao nhíp. Cứa rất lâu. Con dao nhỏ cùn đụt. Vậy mà người cùng phòng đáng thương không nghe thấy gì hết trong giấc ngủ rất tỉnh của người già. Không một tiếng động, không một tiếng rên.