Giờ khám bệnh. Bác sĩ đi khắp các phòng với sự hộ tống của các sinh viên trẻ. Bác sĩ lại gần giường tôi. Liếc nhìn bệnh án của tôi và đọc cái điều mà tôi đã phải nghe suốt một năm trời. Bác sĩ nói về tay chân tôi, về sự chậm phát triển của trí tuệ tôi. Tôi đã quen. Việc khám bệnh diễn ra thường xuyên. Tôi đã quen với nhiều thứ trong cái bệnh viện này. Tôi gần như chả thiết gì nữa.
Bác sĩ vén chăn đắp trên người tôi, lôi thước ra, chỉ chỏ ề à và chán ngắt thân thể tôi cho các sinh viên đang uể oải. Bác sĩ giải thích cho họ về các phương pháp đang chữa trị cho tôi và về những điều linh tinh khác. Đám sinh viên gần như ngủ gật.
Hai cộng hai là mấy? – bác sĩ bất ngờ hỏi tôi.
Bốn.
Thế ba cộng ba?
Sáu.
Đám sinh viên vui vẻ hẳn lên, hết cả buồn ngủ. Bác sĩ giải thích một cách ngắn gọn và quả quyết với họ rằng không phải tất cả các phần trong não của tôi đều bị liệt. “Thằng bé thậm chí còn nhớ được tên của mình và nhận ra hầu hết các bác sĩ”, ông ta mỉm cười với tôi. Tôi biết những nụ cười như vậy, tôi căm thù chúng. Người ta chỉ cười như vậy đối với những đứa trẻ sơ sinh hay đối với những con vật. Họ cười không thật lòng.
Vậy hai nhân hai bằng mấy?
Từ “nhân” ông ta đặc biệt nhấn mạnh. Thật là quá lắm. Quá lắm thậm chí đối với cả tôi trong cái bệnh viện này, quỷ tha ma bắt nó đi.
Hai nhân hai bằng bốn, ba nhân ba bằng chín, bốn nhân bốn – mười sáu. Tôi lạnh. Hãy đắp chăn cho tôi, nếu không thì cũng đóng cửa sổ lại. Phải, tôi chậm phát triển, tôi biết điều đó, nhưng người chậm phát triển cũng biết lạnh đấy. Tôi không phải là con thỏ thí nghiệm của các người.
Cụm từ “thỏ thí nghiệm” tôi nghe lỏm được ở phòng thay băng. Bác sĩ nhìn tôi lạ lẫm. Ông ta đứng im. Không nói gì. Một cô gái trong đoàn của ông ta nhanh chóng cúi xuống phủ chăn cho tôi và lùi lại cũng nhanh chóng như vậy. Cuộc khám bệnh đã xong.
Buổi chiều, một phụ nữ mặcváy thường, trẻ, xinh đẹp đến chỗ tôi. Cô không mặc áo choàng trắng. Đã hơn một năm nay tôi chưa hề trông thấy người nào không mặc áo choàng trắng. Cô quả quyết cúi xuống bên tôi hỏi:
Cậu là người Tây Ban Nha?
Vâng.
Chị cũng là người Tây Ban Nha. Chị học trường sư phạm. Bọn chị phải kể lại “Khúc ca về cuộc hành binh Igor”. Rất khó, chị chẳng hiểu gì cả, cậu có giúp chị được không?
Nhưng cháu hãy còn nhỏ, còn cô đã học đại học.
Xưng chị thôi.
Vâng, em sẽ cố gắng giúp chị.
Chị lôi cuốn sách ra khỏi túi xách, kéo ghế lại gần giường tôi và bắt đầu đọc. Chị đọc chậm rãi, gần như từng âm một. Phần lớn những từ khó hiểu, tôi đều biết, còn những từ tôi không biết, trong sách đều có chú thích. Một cuốn sách hay.
Trời tối dần. Đến lúc chị phải ra về. Chị gấp sách lại rồi đứng dậy.
Chúng ta vẫn chưa đọc xong. Ngày mai chị sẽ đến, chị tên là Lolita.
Em tên là Ruben.
Chị mỉm cười.
Chị biết tên em. Mai chị sẽ đến, Ruben ạ.
Tối đó hầu như tôi không ngủ. Chưa hề có ai đến thăm tôi. Hầu như ai cũng có người thân ở ngoài “tự do”: bố, mẹ, ông bà, anh chị em. Một thanh niên người Gruzia thậm chí có anh họ đến thăm. Bố mẹ anh ta không còn nữa, anh ta sống với người bác. Chàng thanh niên người Gruzia giải thích cho tôi rằng người anh họ là người ruột thịt. Mà người ruột thịt là người thân thiết nhất trên đời. Anh ta có rất nhiều người thân. Tôi thì chẳng có ai.
Ngày hôm sau các xếp đến thăm chúng tôi. Trường sư phạm bỗng nhiên muốn bảo trợ khoa nhi của bệnh viện chúng tôi. Thực ra trên giấy tờ trước đó họ đã là sếp, nhưng vào ngày hôm đó họ đến đúng phòng bệnh của chúng tôi. Trong số các sếp, tất nhiên có cả chị Lolita. Chị khoác hờ chiếc áo trắng. Chị đến bên giường bệnh của tôi.
Chào em. Em thấy chưa, chị đã đến rồi này. Sao em lại khóc?
°
Các sếp đến thường xuyên, hầu như mỗi chủ nhật. Lolita không phải lúc nào cũng đi cùng, nhưng mỗi khi đến, chị thường ngồi rất lâu bên giường tôi. Chúng tôi cùng trò chuyện. Chỉ tán phét thôi. Được nói chuyện với một con người đối với tôi có ý nghĩa rất nhiều, thật nhiều đối với nhận thức non nớt của tôi. Chị thật tuyệt vời. Chị chẳng khi nào thấy thoả mãn. Chỉ đến thăm một thằng bé đau yếu, cô đơn là quá ít. Một lần các sinh viên mang máy chiếu phim tới bệnh viện. Trong phòng sinh hoạt chung, người ta chiếu phim hoạt hình, như mọi khi, tôi nằm lại một mình trong phòng. Lolita bước vào, nhìn tôi nói gì đó, tôi trả lời. Hôm ấy tâm trạng của chị không vui, tôi nghĩ vậy. Chị vụt chạy khỏi phòng. Vào ngày chủ nhật tiếp theo, các sinh viên mang máy chiếu phim tới phòng tôi, họ kê giường tôi đối diện với bức tường. Trong cái khung trắng mờ trên bức tường trong bệnh viện, con chó sói ngộ nghĩnh cố gắng đuổi theo chú thỏ tinh nghịch một cách vô vọng. Tất cả chín tập bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nga. Lần đầu tiên trong đời tôi được xem những bộ phim này.
Từ khi quen Lolita, mọi thứ đều là lần đầu. Lần đầu tiên tôi được chuyển từ giường sang cáng và được cho ra ngoài phố. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời bệnh viện của mình, tôi được nhìn thấy bầu trời. Bầu trời thay cho trần nhà trắng triền miên.
°
Ngày lễ. Trong bệnh viện có lễ hội. Lễ hội không liên quan gì đến tôi]. Tôi cóc cần đến lễ hội. Có ai đó đang vui vẻ ở đâu đó.
Lolita rất xinh đẹp chạy ào vào phòng bệnh với trang phục Tây Ban Nha, trang điểm rực rỡ và không có áo choàng trắng.
Ruben, họ sẽ mang cáng đến để đưa em tới phòng nghỉ. Hôm nay chị sẽ múa.
Hôm nay chị vui sướng và xinh đẹp. Một ngày lễ thật sự, sôi động. Cô y tá bước vào phòng. Một cô y tá bình thường mặc áo trắng.
Bệnh nhân không được di chuyển. Nó mới được phẫu thuật cách đây không lâu.
Từ khi Lolita tới, tôi quên bẵng cả cuộc phẫu thuật. Lại một lần nữa các bác sĩ cắt bó bột của tôi, tôi lại phải đau đớn vô ích thêm một lần nữa. Không được. Không bao giờ được làm gì hết. Nói chung tôi đã quen, tôi đã gần như quen với các từ “không được” bất tận. Lolita không quen. Chị lao ra khỏi phòng. Mất hút. Sau vài phút, họ ồn ào chạy vào, nói gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha. Lolita, Pablo, và một thanh niên thấp lùn có râu. Pablo cầm đàn ghi ta. Tôi biết Pablo. Người có râu chuyển sang nói tiếng Nga.
Em phải có mặt trong buổi biểu diễn, ngay lập tức.
Em sẽ múa ở đây. Ở đây và ngay bây giờ.
Em sẽ múa ở chỗ em được ra lệnh. Tôi sẽ tịch thu ghi ta. Pablo, ta đi thôi.
Pablo, anh đi đấy à?
Lolita nhìn trân trân chàng thanh niên cao lớn. Thẳng thắn, thách thức và hân hoan. Pablo cụp mắt. Người có râu đi ra khỏi, lôi Pablo đáng thương theo sau. Chúng tôi còn lại một mình trong phòng. Lolita múa. Chị múa, dùng tay đánh nhịp.
Lolita múa. Chị múa cho riêng mình. Căng thẳng và nghiêm ngặt gõ nhịp một giai điệu xa xôi, lạ lẫm. Không có ghi ta, không có Pablo. Chị múa thật sự, hết mình.
Chỉ có một lần trật tự đó bị phá vỡ. Nhân ngày chiến thắng, có một vũ đoàn đến chỗ chúng tôi. Bỗng nhiên thầy giáo lịch sử của chúng tôi chạy lên sân khấu, thì thầm điều gì đó với người nhạc công kéo đàn đang bối rối. Rồi thầy bắt đầu nhảy ngồi, khua huân chương kêu loảng xoảng. Các thiếu nữ dãn ra nhường chỗ. Một con người quá chén, hãy để ông ấy nhảy. Thầy giáo quả có uống một chút vào ngày hôm đó. Chính vì thế nó mới là ngày chiến thắng. Thầy nhảy rất tuyệt, cuồng nhiệt và thoải mái. Điệu nhảy của thầy làm tôi cảm thấy quen thuộc một cách mơ hồ. Nó phảng phất sự tự do và sức mạnh. Tôi chẳng bao giờ được chứng kiến điều gì như thế nữa.
Nhưng lần đầu tiên tôi được thấy một vũ điệu thật sự sống động trong bệnh viện phía Bắc nước Nga. Một vũ điệu thật sự. Vũ điệu Tây Ban Nha.
°
Chúng tôi chia tay. Lolita phải về nước.
Chị sẽ tìm được em, cậu bé. Nhất định chị sẽ viết thư cho em. Hãy chờ nhé.
Chị hứa sẽ viết thư nhưng tôi không tin, như tôi đã không tin những lần trước đó.
Chị sẽ không thể tìm ra được em. Em thậm chí không biết người ta sẽ chở em tới cô nhi viện nào.
Tôi không tin.
Mấy năm sau tôi nhận được một bức thư. Một bức thư bình thường. Bức thư đầu tiên trong đời. Trong thư là một tấm bưu thiếp rất đẹp. Trên bưu thiếp có hình một cô gái Tây Ban Nha mặc váy sặc sỡ đang múa. Chiếc váy trong bưu thiếp được thêu bằng chỉ màu. Những tấm bưu thiếp như vậy không thể tìm thấy được ở nước Nga.
Cô giáo đưa thư cho tôi. Cô đặt trước mặt tôi chiếc phong bì đã mở, ngồi xuống phía đối diện.
Ruben, cô phải nói chuyện nghiêm túc với em. Cô đã đọc bức thư. Trong đó không có gì nguy hiểm. Tạm thời chưa. Cô hy vọng em hiểu rằng em không thể viết thư trả lời. Tây Ban Nha là nước tư bản. Thư từ với nước tư bản không được khuyến khích. Người nước ngoài nào cũng có thể là gián điệp. Em là cậu bé thông minh và em hiểu rằng ban giám thị cô nhi viện không có quyền để cho em mạo hiểm như vậy.
Cô cầm lấy bì thư rồi đi ra. Tôi ngắm mãi tấm bưu thiếp rồi giấu nó trong cuốn sách toán. Sáng hôm sau, tấm bưu thiếp không còn nằm trong cuốn sách toán đó nữa.