°
Một trong những hồi ức đầu tiên của tuổi thơ là câu chuyện nghe lỏm được của người lớn.
Cậu nói rằng nó thông minh. Nhưng nó không biết đi!
Từ đó đến nay chẳng có gì thay đổi. Suốt cuộc đời mình, người ta nói đến sự tàn phế của tôi như nói đến khả năng có thể hay không thể thực hiện được các động tác cơ học: đi lại, ăn uống, đi vệ sinh. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn luôn luôn là điều quan trọng nhất: tôi không thể đi lại được. Những điều khác người lớn hầu như không bao giờ quan tâm. Không thể đi được nghĩa là kẻ chậm phát triển.
Cô nhi viện tiếp theo, sự chuyển nhà tiếp theo. Tôi được chuyển đến cô nhi viện đó từ bệnh viện, nơi hai năm trời người ta cố gắng giúp tôi đi lại nhưng không thành. Việc chữa chạy rất đơn giản, đôi chân khoèo ở đầu gối của tôi được bó bột, rồi dần dần tháo bột ở những chỗ cần thiết, nắn các khớp xương và cố định chân trong tư thế mới. Sau một năm rưỡi, chân tôi thẳng ra. Người ta thử cho tôi đi nạng, hiểu ra rằng vô ích, người ta cho tôi xuất viện. Trong suốt thời gian chữa chạy, đôi chân tôi lúc nào cũng đau nhức, tôi tiếp thu rất kém. Theo quy định, tất cả các học sinh Liên Xô đều có quyền học hành, những ai có thể đều tới lớp học mở ngay trong bệnh viện, những người khác được giáo viên đến tận phòng dạy. Cô giáo cũng đến chỗ tôi đôi lần, nhưng sau khi nhận thấy rõ sự ngu ngốc không thể chuyển hoá được tôi, cô đã để tôi yên. Các thầy cô thương hại đứa trẻ tội nghiệp và trong tất cả các môn học đều cho tôi điểm trung bình. Tôi cứ như vậy mà lên từng lớp một.
Tôi được đưa đến bệnh viện khi đang học lớp hai, khi ra viện, người ta cho tôi học lớp bốn. mọi chuyện đều đúng đắn, mọi chuyện đều theo luật. Người ta mang tôi đến lớp, đặt xuống sàn. Đang là giờ học toán. Tôi gặp may. Đúng ngày hôm đó cả lớp phải làm bài kiểm tra. Kiểm tra môn toán là một việc nghiêm túc. Hội đồng giáo viên đã dành hẳn hai tiết liền, mỗi tiết 45 phút cho sự kiện quan trọng này. Cô giáo hỏi tôi dăm ba câu, nhận thấy cần phải chuyển thằng bé xuống lớp hai và yên tâm. Cô gọi bảo mẫu tới, ra lệnh đưa tôi về phòng ngủ. Bảo mẫu tới. Nhìn tôi.
Tôi vừa mới bế nó, giờ lại bế nữa à? Tôi không phải là con ngựa thồ của các người, tôi cũng có quyền của tôi. Thế mà gọi là có học đấy à? Nó không thuộc bài và tôi phải gánh chịu sao? Nếu không có chiến tranh, có khi tôi cũng đã thành cô giáo.
Bà bảo mẫu mỗi lúc một to tiếng, cô giáo nghe bà chăm chú và cuối cùng phải nhượng bộ. Cô lịch sự yêu cầu bà bảo mẫu ra ngoài, xin lỗi vì đã làm phiền. Bà bảo mẫu đi khỏi, có thể bắt đầu làm bài kiểm tra.Cô giáo viết nhanh đề bài lên bảng, rồi ngồi xuống ghế.
Tôi nhìn lên bảng và không hiểu gì hết. Trong bài tóan có cả chữ cái đứng lẫn lộn với số. Thế nào là cộng và trừ thì tôi biết rõ – trước khi vào bệnh viện tôi học giỏi nhất lớp – nhưng dấu nhân với tôi chỉ là dấu viết nhầm thông thường.
Ở đây có nhầm lẫn trong thí dụ - tôi lên tiếng không chờ xin phép – Tại sao cô viết chữ cái cùng với những con số? Không thể tính toán các chữ cái được.
Đó không phải là lỗi. Thật ra các chữ cái này thể hiện các con số. Con số nào đáng ra phải đứng ở các chữ cái, chúng ta phải tìm ra. Đó gọi là giải phương trình.
Nếu vậy một cộng với “xờ” bằng ba, thì “xờ” bằng hai? Giống như bài đố vui trong tạp chí.
Không phải “xờ” mà là “iks”. Nói chung thì em nói đúng.
Vậy tại sao trong thí dụ thứ hai “iks” lại viết giữa hai con số?
Đó không phải là “iks” mà là dấu nhân. Nó được viết hoặc là như dấu chấm hoặc là giống chữ “xờ“. Trên bảng cô viết dấu nhân giống chữ “xờ” để các bạn ngồi bàn sau có thể nhìn thấy rõ hơn.
Phép nhân là gì tôi không biết. Các bác sĩ ở bệnh viện không hiểu tại sao lại chỉ quan tâm hai với hai, ba với ba bằng mấy. Nếu tôi trả lời không đúng, họ phá lên cười, nhắc câu trả lời cho đúng, thỉnh thoảng cho tôi kẹo hay bánh bích quy. Nếu như bọn họ giải thích ngay rằng phép nhân là phép cộng lần lượt thì tôi cũng chẳng thấy khá hơn. Chân tôi đau ghê gớm. Tôi ghét bác sĩ.
Cô giáo giải thích cho tôi về phép nhân.
- Cô giải thích cho em những điều đó làm gì nhỉ? – cô nói tiếp – Em thậm chí không thuộc bảng cửu chương.
- Em thuộc, nhưng chỉ đến năm thôi. Em vẫn còn nhớ sáu lần sáu là ba mươi sáu.
- Thế bảy lần tám?
- Đợi em một chút.
Tôi bắt đầu tính toán thành tiếng. Tôi trả lời đúng.
Giỏi lắm – cô giáo khen tôi.
Điều đó không khó – tôi nói – khi cô giải thích, thật đơn giản. Cô cứ nói tiếp đi.
Em sẽ không hiểu được.
Em sẽ hiểu. Chính cô vừa bảo em giỏi là gì.
Cô giáo nhanh nhẹn tới bên bảng và bắt đầu bài giảng. Cô viết mải miết. Thỉnh thoảng cô dừng lại và hỏi “Em có hiểu không?” Tôi hiểu hết. Cô nói với tôi về toán học. Tôi ngắt lời cô bằng những câu hỏi. Cô nói nữa đi, tôi đề nghị, cô nói tiếp đi. Chúng tôi mỉm cười với nhau. Mọi chuyện thật giản đơn.
Xong. Đến đây là xong. Cô đã giảng cho em hết những gì một học sinh lớp bốn cần biết.
Em có thể làm bài kiểm tra không?
Cô không tin tưởng lắm nhưng em hãy thử đi.
Tôi thử. Hai tiếng trôi qua thật nhanh. Cả lớp nộp bài kiểm tra. Cô giáo cúi xuống, cầm tờ giấy của tôi lên, liếc thật nhanh. Cô nhìn tôi. Ánh mắt của cô lạnh lùng và xa lạ, không giống lúc mới đây khi đứng bên bảng. Tôi hiểu mọi chuyện.
Là kẻ chậm phát triển không quá khó. Mọi người nhìn lướt qua bạn, không nhận thấy bạn. Bạn không phải là người, không là gì cả. Nhưng đôi khi vì lòng tốt tự nhiên hay vì sự cần thiết nghề nghiệp mà người nói chuyện nhận thấy rằng nội tâm bạn cũng giống như tất cả những người khác. Trong một giây, sự vô cảm thay bằng sự ngưỡng mộ - nỗi tuyệt vọng câm lặng trước thực tế.
Tôi không nhìn cô giáo. Tất cả bọn họ đều giống nhau. Tôi tin chắc rằng lúc này cô cũng nghĩ điều mà tất cả, ở vào địa vị của cô, đều nghĩ – về đôi chân của tôi. Đôi chân mới là quan trọng, còn môn toán, đó chỉ là chuyện vặt, trò giải trí.