NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

CÂY GẬY

Nhà dưỡng lão. Một nơi khủng khiếp. Con người ta trở nên nhẫn tâm vì bất lực và tuyệt vọng, tâm hồn của họ bị bao bọc bởi một lớp áo giáp không thể xuyên thủng. Chẳng điều gì có thể khiến họ ngạc nhiên. Một cuộc sống bình thường trong một nhà dưỡng lão bình thường.

Bốn bà phục vụ đẩy chiếc xe cút kít chở các tấm trải giường. Ông già ngồi trong xe gào lạc cả giọng. Ông đã sai. Lỗi là tại ông. Trước đó ông bị gẫy chân và bà phụ trách đã ra lệnh chuyển ông lên tầng ba. Tầng ba đối với một người gãy chân là án tử hình.

Những bạn rượu và người quen đều ở lại tầng hai. Ở tầng hai thức ăn còn được phát thường xuyên và các bà phục vụ còn đi đổ bô. Những người bạn đi lại được có thể nhờ bác sĩ hay bà phục vụ mua hộ bánh ở cửa hàng. Ở tầng hai bảo đảm ông có thể sống sót với đôi tay lành lặn, cố gắng trụ trì cho đến khi chân lành, cho đến khi lại được tính là người đi được, được giữ lại trong danh sách những người sống.

Ông già hét lên hăm doạ về những chiến công trên mặt trận của mình, giải thích về thâm niên thợ mỏ bốn mươi năm. Nghiêm khắc đe doạ sẽ kiện lên lãnh đạo cấp cao hơn. Đôi tay run rẩy chìa vốc huân chương, huy chương về phía các bà phục vụ. Dở hơi! Ai thèm cái đồ vớ vẩn ấy của ông ta!

Chiếc cút kít thẳng tiến về phía thang máy. Các bà phục vụ chẳng đếm xỉa gì đến những lời phản đối của ông, họ vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Tiếng kêu của ông già nhỏ dần. Ông thôi không đe doạ nữa, chỉ còn van nài, tuyệt vọng níu kéo cái cuộc sống chẳng cần cho ai. Ông cầu xin đừng đưa ông lên tầng ba vào ngày hôm nay, hãy đợi thêm vài ngày nữa. “Chân sẽ lành thôi, rồi tôi sẽ đi được mà” – người thợ mỏ đã uổng công cố gắng hòng khiến các bà phục vụ mủi lòng. Rồi ông ta khóc. Một giây, chỉ một giây thôi, ông chợt nhớ ra mình đã từng là con người. Ông nhoài người khỏi xe cút kít, bám chặt cứng vào cánh cửa thang máy. Nhưng đôi tay già yếu làm gì được với những bà phục vụ lực lưỡng? Và ông già khóc lóc rên rỉ bị đẩy vào thang máy. Vậy là xong. Đã có một con người. Và không còn nữa.

°

Người ta lọt vào sống thường xuyên ở trại chúng tôi theo những cách khác nhau. Có người được người thân đưa tới, có người tự đến vì quá mệt mỏi với gánh nặng của cuộc sống tự do. Nhưng cảm thấy tự tin và nhẹ nhàng hơn cả trong nhà dưỡng lão là những cựu tù nhân. Những người đã ngồi tù, những con sói già, ở ngoài tự do đã không kiếm nổi cho mình nhà cửa, gia đình, rơi vào chỗ chúng tôi ngay sau khi mãn hạn tù.

Tiếng ồn ào la lối từ sáng sớm. Các bà phục vụ la hét chửi mắng tục tĩu một ông già khô quắt hay đi lại. Họ la chửi uổng công. Thực ra ông ấy chẳng hề muốn thêm việc cho họ. Tất cả vẫn như mọi khi. Họ chơi bài với nhau trong phòng, uống vodka. Quân bài không đồng chất hay người cùng phòng định ăn gian – không ai biết được. chỉ có điều ông già dùng gậy đập vào đầu người bạn rượu đến nỗi máu chảy từ cái đầu vỡ dây ra cả trong phòng, cả nhà vệ sinh nơi ông già đánh bài – nạn nhân  chạy vào, cả hành lang dẫn từ phòng đến nhà vệ sinh. Ông ấy không muốn làm dây bẩn sàn nhà, không hề muốn, chẳng may thành như thế.

Ông già ngay sau khi đến nhà dưỡng lão đã đổ đầy chì vào cây gậy nhôm thông thường, đi đâu cũng chống gậy. Thâm niên ba mươi năm ngồi tù đã dạy ông quan tâm đến sự an toàn của cá nhân. Và cây gậy nặng tiện lợi cũng có ích khi ẩu đả. Ông ta yêu quý thứ vũ khí đó, ông ta thích thú khi có trong tay vật bảo đảm tuyệt đối cho sự bất khả xâm phạm của mình. Còn việc cái sàn bị dây bẩn ông đã thành thực xin lỗi. Người ta tha lỗi cho ông, nhưng để tránh tai hoạ người ta vẫn chuyển ông đến một phòng riêng.

Như mọi khi, các bà phục vụ làm ầm lên từ sáng sớm. Cũng bình thường. Chẳng có gì đáng sợ. Ông già cựu tù bị đột quỵ. Đột quỵ là chuyện nghiêm trọng. Ông già tỉnh dậy, phần bên phải của nửa người không chịu nghe theo sự điều khiển của bộ não bị tổn thương. Tay phải thẳng đơ, chân phải nặng trịch không nhúc nhích. Nụ cười nửa bên mặt và bản án đáng sợ - tầng ba. Bà phụ trách tất bật chạy và ra chỉ thị. Các bà phục vụ đã ăn sáng xong, đi thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo một cách vui vẻ, chẳng vội vã. Chẳng đi đâu mà vội, ông già không thể biến đi đâu được.

Có điều người cựu tù không vội về thế giới bên kia. Ông ta vẫn chưa chán nhìn mặt trời, vẫn chưa uống hết định mức vodka. Ông ta rên khó nhọc, nắm chiếc gậy bằng tay trái, nằm và chờ đợi. Các bà phục vụ tới. Họ ngạc nhiên nhìn ông già với cây gậy giơ cao. Người cựu tù phủ đầu, không để bọn họ kịp phản ứng, nhìn những người mới bước vào và cất lời. Cái nhìn sắc nhọn ảo não của một con thú bị dồn bắt, cây gậy nặng không hề run rẩy trong tay con người cao tuổi.

Sao hả? Đến lôi đi hả đồ chó? Nào, lại đây! Mày đầu tiên hả, hay mày? Tao hứa tao sẽ đánh bể đầu. Nếu không giết cũng làm cho tàn phế.

Ông ta tự tin nhìn thẳng vào họ. Ông hiểu rằng mình đang liều mạng. Ông, một người liệt, có thể làm gì được với bốn người phụ nữ thôn quê khoẻ mạnh? Nếu họ cùng một lúc xông tới giằng lấy cây gậy. Nhưng chẳng ai muốn là người đầu tiên. Họ sợ bị thương, họ sợ cây gậy của ông ta. Tên cựu tù sẽ ra đòn, sẽ không nương tay.

Những người phụ nữ đồng loạt bước ra không do dự. Bà phụ trách chạy trong hành lang, la mắng, thuyết phục. Vô ích. Họ khuyên bà ta nên là người đầu tiên xông vào lão cựu tù và tước cây gậy của ông ta. Phẫn nộ, bất lực, bà phụ trách gọi cảnh sát khu vực.

Cảnh sát khu vực, một người đàn ông nghiêm túc, còn vài năm nữa thì nghỉ hưu. Ông tới khi được gọi khẩn cấp – phong cách lính, súng lục trong bao da. Ông bước vào phòng người cựu tù, nhìn kẻ vi phạm trật tự công cộng. Trên giường là một ông già gầy quắt, và không hiểu tại sao lại cầm cây gậy trong tay.

Ông vi phạm trật tự chung hả?

Ông nói gì vậy thưa ông? Trật tự nào cơ? Ông không thấy tôi bị liệt sao?

Viên cảnh sát cúi xuống bên người bệnh, gạt tấm chăn đắp.

Họ gọi bác sĩ chưa?

Y tá có đến, có chích cho một mũi thuốc.

Họ muốn gì ở tôi?

Ông hãy lấy cây gậy của ông ta, còn lại chúng tôi tự giải quyết – bà phụ trách xen vào câu chuyện.

Bà kia, hãy lui ra cho, không được cản trở việc tiến hành nghiệp vụ điều tra – viên cảnh sát lớn tiếng đe dọa bà ta. Ông đóng cửa lại, kéo ghế gần giường và ngồi xuống.

Cớm trong trại cũng không độc ác bằng họ - người cựu tù bắt đầu thanh minh – họ muốn chuyển tôi lên tầng ba. Đó là chỗ của những người sắp chết.

Vì sao?

Ai mà biết được. Bọn đàn bà…

Bọn đàn bà – cảnh sát khu vực trầm ngâm nhắc lại – tôi không hiểu được họ.

Cả hai cùng yên lặng. Viên cảnh sát đứng lên, bước ra khỏi căn phòng.

Các vị, tôi đã tiến hành giáo dục người được bảo trợ của các vị, ông ta hứa sẽ sửa chữa và không vi phạm trật tự chung nữa. Còn nếu như ông ta có vi phạm điều gì nghiêm trọng, các vị cứ yên tâm, chúng tôi sẽ đến lập biên bản và bắt ông ta phải chịu trách nhiệm theo pháp luật một cách nghiêm khắc nhất.

Người cảnh sát khu vực sửa lại mũ, nhìn mấy bà cô mặc áo choàng trắng một cách thiếu thân thiện rồi đi ra cửa. Còn ông già đã dần hồi phục. Có thể là do những mũi chích của cô y tá tốt bụng, mà cũng có thể là khát vọng sống của một con thú đã kéo ông ta về từ thế giới bên kia, nhưng ông ta rồi cũng ngồi dậy được, đứng được. Và cứ đi lại trong nhà dưỡng lão, kéo lê cái chân liệt, tay trái cầm chặt cây gậy. Một cây gậy tốt, nặng, một vật rất tuyệt, hiệu quả.