NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

BỨC THƯ

 Đó là một cô nhi viện tồi tệ, rất tồi tệ. Thức ăn tồi tệ, những người lớn tồi tệ. Tất cả đều tồi tệ. Cô nhi viện cũng như nhà tù, có nhiều loại. Cô nhi viện đó đặc biệt tồi tệ. Tệ nhất là phải chịu đựng cái lạnh: cô nhi viện không được sưởi ấm. Mùa đông thật hết sức tồi tệ. Mực trong bút máy đông cứng lại. Lớp học lạnh, trong phòng ngủ lạnh, khắp nơi lạnh, dù tôi có bò đi đâu cũng vậy. Trong các cô nhi viện khác, chỉ ở ngoài hành lang mới lạnh, còn trong cô nhi viện này chỗ nào cũng lạnh. Trong các cô nhi viện khác thậm chí ở ngoài hành lang có thể bò lại gần lò sưởi cho ấm, trong cô nhi viện này lò sưởi là những cục sắt lạnh ngắt. Một cô nhi viện tồi tệ, rất tồi tệ. 

Người ta mang đến một thành viên mới. Bại não. Thằng bé to lớn đang lên cơn co giật. Những cơn co giật mạnh như vậy thường ít xảy ra. Người ta xốc nách nó, kéo vào phòng ngủ, đặt lên giường.

Khuôn mặt méo mó, lời nói khó nghe, hầu như không thể nghe được. Tôi hiểu tất cả. Nó không được thông minh cho lắm nhưng cũng không phải hoàn toàn là kẻ chậm phát triển như tất cả mọi người, từ cô giáo cho đến bạn bè cùng lứa đều nghĩ như thế. Nó ngồi trên giường, luôn nhắc đi nhắc lại một âm thanh, gần giống như tiếng chim “xl”, “xl”, như một câu thần chú. Trong tiếng Nga, không có từ nào chỉ toàn phụ âm. Tôi biết được điều này và đoán được nguyên âm qua môi, chính xác hơn là qua cử động của cơ mặt. Cậu bé không thần kinh. Đêm ngày nó chỉ nhắc mỗi một từ đơn giản “xe lăn”. Cũng khó mà coi nó là người bình thường. Nó vẫn chưa hiểu gì hết, chẳng hiểu gì hết cả. Trong cô nhi viện này, ăn còn chẳng có, nói gì đến xe lăn?

Các cư dân trong cô nhi viện có quyền viết thư cho bố mẹ. Mỗi tuần cô giáo lại kiên trì khuyên bọn trẻ viêt thư. Tuần nào bọn trẻ cũng thẳng thừng từ chối viết thư về nhà. Lũ trẻ ngu ngốc. Chúng được phát không một chiếc phong bì, một tờ giấy trắng.

Ở các lớp nhỏ, hầu như đứa trẻ nào cũng viết thư. Những bức thư của bọn trẻ được đưa cho cô giáo, cô sửa lỗi chính tả, cho thư vào phong bì và gởi đi. Tất cả đều biết điều gì nên viết trong các bức thư. Tất cả đều viết về kết quả học tập, về những người lớn ân cần, về lớp học đoàn kết. Mỗi khi đến ngày lễ, bọn trẻ được phát những bưu thiếp rất đẹp, giống hệt nhau, để chúc mừng bố mẹ. Người lớn đặc biệt thích những bưu thiếp. Với mỗi bưu thiếp, phải dùng bút chì và thước kẻ để kẻ dòng, sau đó viết nháp lời chúc mừng. Cô giáo sửa lỗi bản nháp. Sau đó mới được chép lại lời chúc mừng bằng bút chì lên bưu thiếp, rồi sau đó, nếu không có lỗi, mới được tô lại bằng bút mực. Ai cũng hiểu những điều gì không được viết. Không được viết về những điều tồi tệ, thí dụ bọn trẻ bị cấm viết về chuyện ăn uống. Đặc biệt là về chuyện ăn uống. Nhưng trong thư, không hiểu tại sao các bậc phụ huynh ngốc nghếch cứ hỏi về chuyện ăn uống. Bởi vậy tất cả các bức thư đều bắt đầu giống nhau “Chào mẹ, chúng con được ăn rất tốt”. Người ta tuyên dương những đứa viết thư tốt, còn những bức thư viết không tốt thì bị phê bình. Những bức thư đặc biệt tồi tệ được đọc to cho cả lớp nghe.

Học sinh lớp lớn không viết thư. Cô nhi viện thế nào thì các bậc phụ huynh cũng đã biết. Cần  gì phải khiến họ thêm lo lắng? Còn nếu như ai đó cần viết thư, thì luôn có thể mua được phong bì, họ có sẵn tiền. Chỉ có những đứa trẻ không được thông minh cho lắm mới đưa thư cho các cô giáo. Ai cũng biết, theo quy định, cô phải mang thư về nhà đọc và chỉ sau đó mới quyết định có gởi đi hay không. Bất cứ người lớn nào cũng có thể bỏ thư vào thùng thư. Thường các bảo mẫu hay được nhờ thực hiện công việc nhỏ nhặt này, còn có một đứa chuyên nhờ gởi thư qua người lái xe chở bánh mì. Hàng ngày người ta thường chở bánh mì đến cho cô nhi viện. Thằng bé đến bên bác tài, nói thầm với ông ta “Bác bỏ giúp cháu bức thư vào thùng thư với”. Bác tài nhìn chung quanh, lặng lẽ lấy bức thư và ngồi vào tay lái. Thư của nó được gởi đi ngay trong ngày, cha mẹ của nó biết được điều này qua dấu bưu điện trên bì thư. Nó tự hào thuyết phục chúng tôi rằng tất cả những người lái xe đều tốt. Bố nó là lái xe.

Có thể cô giáo thật sự tin rằng các học sinh lớp lớn không viết thư, có thể cô có một chút nghi ngờ, nhưng hàng tuần cô vẫn kiên trì khuyên tất cả lũ trẻ nên viết thư. Cô nói, còn tất cả đều im lặng. Đã  thành lệ như vậy. Nếu cô giáo cố tình ép buộc ai đó thì cậu này phải làm ra vẻ là đã quyết định viết thư. Nó viết vội ra giấy “Món cháo đại mạch làm cho con choáng”, bỏ vào phong bì, dán bằng loại keo chuyên dán những mô hình máy bay. Không một bức thư nào loại này đến được địa chỉ, nhưng cũng chẳng ai quan tâm. Bù lại, cậu bé này sẽ được để yên, không bị ép đến lần thứ hai.

Thằng bé mới đến luôn ngồi trên giường kêu khóc. Lúc đầu, các bảo mẫu đối xử với nó không tệ, buổi sáng họ đưa nó từ trên giường xuống sàn, hỏi nó xem phải đặt thế nào thì nó có thể bò được. Thằng bé tàn tật nằm ngửa, giãy giụa chân tay trong không khí, ọ ẹ điều gì không rõ. Khi người ta đặt nó nằm sấp, nó kêu còn to hơn. Các bảo mẫu đặt nó trở vào giường và bỏ đi. Họ còn có thể làm gì được?

Nó kêu la, giãy giụa và khóc. Ngày cũng như đêm. Những đứa cùng lớp lúc đầu muốn đánh nó để cho nó im miệng, nhưng họ không làm điều đó. Họ không đánh kẻ chậm phát triển. Họ chỉ yêu cầu quản trị chuyển nó sang phòng khác. Chẳng ai muốn ngủ trong tiếng la hét suốt đêm của nó. Trong lúc người lớn còn đang quyết định nên chuyển thằng bé bất hạnh đi đâu, các đứa thanh niên cố gắng tìm cách mua vui cho nó. Họ mang đến cho nó bong bóng bay, đồ chơi trẻ con – chẳng ích gì. Các cậu bé không đầu hàng. Phải có gì đó khiến thằng bé thích. Có người mang đến cho nó một cuốn vở, một cuốn vở kẻ ô ly dày cộp. Nó như bị hút vào cuốn vở, đột nhiên không khóc nữa và nói rất rõ ràng “đưa”. Thành công bất ngờ khiến ai cũng vui mừng. Họ bắt nó nói lại từ “đưa”. Nó nhắc lại và mỉm cười. Từ “đưa” nó nói rất rõ. Nó có thể phát âm rõ ràng không vấp váp tứ “bố”, “mẹ”, “đưa”, “có” và “không”. Từ “không” nó nói một cách khó nhọc, đầu tiên là âm “kh” hầu như không nghe thấy, sau đó im lặng rồi âm “ông” kéo dài. Nhưng điều đó cũng quá đủ. Nó đòi bút. Họ đưa bút cho nó, rồi không đợi yêu cầu, họ bưng bàn đến, đẩy bàn lại gần giường nó, đặt bút lên trên. Nó thoáng lặng đi rồi cầm bút bằng tay phải một cách khéo léo, tự tin, xoài cả nửa người ra bàn, đè cả lên cuốn vở, nó mở vở bằng cằm và chọc bút vào trang giấy trắng. Nó ngồi, tay giang ra hai bên, co giật một cách vô nghĩa, đôi chân dưới gầm bàn run rẩy không theo nhịp. Nó cười, các chàng trai cũng cười theo nó.

Cuộc sống của kẻ mới đến đã thay đổi. Đêm đêm nó ngủ ngon lành, còn sáng ra các bảo mẫu nhét bút vào tay nó, đặt trước mặt nó quyển vở. Cả ngày nó ngồi trên giường, khi thì ngả cả người lên cuốn vở, cố gắng chọc bút vào trang giấy trắng, khi lại cong người vì cười khi ngắm nghía các bức tranh của mình. Trong hai tuần, các thanh niên cùng phòng được ngủ yên. Trong hai tuần, thằng bé ngốc nghếch nhẫn nại vẽ vào vở những dấu móc, những vòng tròn ẩn ý, những biểu tượng và ký hiệu mà chỉ một mình nó hiểu. Khi cuốn vở không còn chỗ trống nữa, nó lại thét lên. Nó lại kêu khóc. Trong cô nhi viện, vở rất hiếm, hơn nữa lại là vở kẻ ô ly. Nhưng thằng ngốc muốn vẽ, còn các chàng trai thì lại muốn đêm được ngủ. Người ta mua cho nó cuốn vở mới, để mặc cho nó vẽ. Nó thậm chí không thèm nhìn đến cuốn vở mới. Nó ném bút xuống sàn, đặt cuốn vở, thứ đồ chơi nhàu nát, đã trở thành vô dụng, cạnh người và gào khóc.

Giờ thì ai cũng hiểu nó kêu gì. Nó gọi “Mẹ!” Nó khóc rất to. Các cậu bé đã hơi quen với ngôn ngữ của nó. Tất cả đều cố gắng hiểu xem nó còn muốn gì nữa, thuyết phục nó thôi kêu khóc, hứa sẽ mang đến cho nó thêm nhiều vở - vô ích. Bọn họ nó với nó hết từ này đến từ kia, nhưng nó đều trả lời “không”. Sau đó họ bắt đầu nói theo bảng chữ cái, nếu nó thích chữ cái nào, nó sẽ nói “có”, và như thế họ được một từ “thư”. Rõ rồi. Nó muốn những bức tranh của mình được gởi tới cho mẹ. Bọn họ gọi cô giáo tới. Cô xem xét cuốn vở rất lâu. Những trang giấy nhàu nát dày đặc những ký hiệu gì đó. Có chỗ các ký hiệu đứng cách nhau, có chỗ lại chen chúc dày đặc lại thành một cục những đường giao nhau bằng mực. một số trang phủ kín những vòng tròn. Những vòng tròn kích cỡ khác nhau không phải lúc nào cũng khép kín, phải thật sự cố gắng lắm mới có thể coi đó là chữ “o”. Nhưng ai lại đi viết chữ “o” hai trang liền?

Cô giáo từ chối gởi cuốn vở cho bố mẹ nó. Đó là một bức thư, cô cần phải biết nội dung của nó. Thế là ầm ĩ cả lên. Làm sao có thể tìm được nội dung gì ở giữa những bức tranh vô nghĩa? Cô giáo nghiêm khắc sẽ đi về nhà sau ca trực, sẽ ngủ một giấc, còn các thanh niên sẽ lại phải ngủ  trong tiếng kêu khóc không dứt của thằng nhóc hay sao? Cô giáo buộc phải tìm ra một lối thoát khỏi tình huống không mấy dễ chịu này. Cô lại gần đứa mới đến.

Đây là một bức thư?

Không.

Đây là một bức tranh của cháu?

Có.

Cháu muốn cô gởi chúng cho mẹ?

Có.

Có thể chúng ta sẽ không gởi cả cuốn vở cho mẹ? Chúng ta sẽ chọn những bức tranh đẹp nhất và gởi đi?

Không. Không.

Nó nói “không” hai lần, từ mà thường nó phải nói rất khó khăn. Rồi gào lên. Nó thét “mẹ”, đập chân và cố gắng nói “không” một lần nữa. Nhưng không được.

Được rồi. Được rồi.  Cô hiểu cả rồi. Mẹ cháu rất thích khi cháu vẽ. Cô sẽ gởi cho mẹ cháu tất cả những bức tranh của cháu. Cô sẽ viết cho mẹ cháu một bức thư, cô sẽ viết rằng cháu rất thích ở đây, cháu có rất nhiều bạn và cháu thích vẽ. Cháu thích ở đây chứ?

Có.

Và họ đã thoả thuận xong. Cô giáo gởi cuốn vở cho bố mẹ đứa mới đến. Nó yên. Đêm nó ngủ, ngày nó ngồi trên giường của mình, nhìn chăm chăm vào một điểm.

Một tháng sau người ta chở xe lăn tới, xe lăn có nhiều, đủ cho tất cả. Kẻ mới đến cũng được xe lăn, các bảo mẫu xốc nách nó, nó đứng dậy. Họ đưa nó đến chỗ xe lăn, đặt nó ngồi vào. Họ định đặt chân nó lên thanh ngang, nhưng nó không cho. Họ bỏ thanh ngang đi. Nó đẩy chân trên sàn và lao đi. Nó đẩy đôi chân khoẻ mạnh trên sàn, trượt xe trong hành lang.

Trong cuộc họp lớp thường kỳ, cô giáo lại mắng kẻ mới đến. Đất nước đã gồng mình, đã dành cho chúng tôi mẩu bánh cuối cùng, vậy mà nó lại vô ơn. Cô chứng minh rằng cô đã đối xử với kẻ mới đến như với một con người, đã gởi cuốn vở của nó cho cha mẹ nó, vậy mà trong cuốn vở, hoá ra nó bôi nhọ cả tập thể cô nhi viện, mô tả cuộc sống trong cô nhi viện màu đen, phỉ báng cả đội ngũ giáo viên lẫn nhân viên phục vụ. Cô ta cứ nói mãi. Kẻ mới đến chả nghe gì cả. Khi cô bắt đầu buộc tội nó là vô tình và nhẫn tâm, những lời buộc tội thường dùng trong các trường hợp tương tự, nó dùng chân đẩy bàn và lăn xe ra hành lang.

Từ đó người ta không cho nó viết thêm một lá thư nào nữa. Nó cũng chẳng đòi. Sau giờ học, nó đẩy xe trong hành lang, chơi với quả bóng thổi hàng giờ. Bữa trưa nó thường xuyên đòi ăn thêm. Phải đút cho nó cho nên các bảo mẫu không muốn cho nó ăn thêm. Người ta cố gắng giải thích cho nó mọi điều, nhưng vô ích. Nó đẩy xe theo bà bảo mẫu cho đến khi nào bà ấy phải đầu hàng thì thôi. Các bảo mẫu trốn trong phòng để tránh sự mè nheo của nó. Nó ngồi ngoài cửa và kêu la. Khi chán phải nghe nó kêu, họ mở cửa và cho nó thêm một đĩa súp hay cháo nữa. Dần dần mọi người cũng quen với nó và luôn cho nó suất đúp để thoát khỏi sự quấy nhiễu của kẻ tật nguyền.

Khi chỉ có một mình, tôi nói chuyện với nó. Phát âm chậm chạp từng từ một, nó nói một câu, nhìn tôi dò hỏi và nghi ngờ. Tôi nhắc lại lời nó. Dần dà nó tin tưởng tôi và tôi không phải nhắc lại những lời của nó nữa. Chúng tôi nói chuyện bình thường. Tôi hỏi nó, điều gì trong bức thư.

Ruben, tớ nghĩ rất nhiều.

Tớ biết, cậu nghĩ rất nhiều và viết một bức thư rất hay. Cậu đã viết những gì?

“Mẹ, con được ăn rất tồi và không có xe lăn”.

Cả trang đầu của bức thư đầu tiên trong cuộc đời được vẽ đầy những chữ “m”. To và nhỏ. Nó hy vọng dù chỉ một chữ trong cả trang giấy được nhận ra. Có khi để viêt một chữ phải mất mấy trang liền. Cuốn vở chín mươi sáu trang được viết kín đặc.

Hai chữ đầu là thừa – tôi cố gắng cãi.

Tớ đã nghĩ rất lâu.

Nhưng hai chữ đầu vẫn là thừa. Cậu có thể không đủ chỗ trong cuốn vở.

Nó suy nghĩ rồi ngoác miệng ra cười và phát âm rất chậm, rõ ràng “Mẹ”.