Súp lơ đơn thuần là một loại cải nhưng ở mức độ cao hơn.
Mark Twain
Mẹ đã cố gắng cả đời để biến tôi thành một quý cô miền Nam thanh lịch. Bà thất bại, đơn giản vì cá tính chúng tôi quá khác nhau. Bản chất tôi là một người thích tự do. Điều đó cho thấy tôi được sinh ra và nuôi lớn ở miền Nam bang Mississippi. Tôi nghĩ được làm diễn viên biểu diễn trên sân khấu còn thú vị hơn là một diễn viên múa balê suốt cả đời.
Tôi muốn trở thành một ngôi sao trên sân khấu từ khi mới 4 tuổi. Mẹ cho tôi đi học nhảy với cô Whitfield ở phòng thể dục của trường. Thật ra, chúng tôi không thực sự học nhảy mà học cách di chuyển trên đầu ngón chân, tạo sự chuyển động nhịp nhàng và chậm rãi của cánh tay.
Mẹ làm cho tôi cái quần chẽn để mặc đến lớp. Tất cả chúng tôi phải mặc loại quần đó. Nó là một mảnh liên tục, được túm lại ở hai đầu và không có lưng quần. Vả lại, đứa nào cũng còn cơ thể mập mạp của em bé nên cũng chẳng có eo.
Nhớ lại những ngày ấy, tôi có thể thấy một lớp toàn con nít trông như mấy quả cam, quả chanh, hay quả nho đủ màu sắc trong bộ đồ nhảy tự làm. Chúng vừa cười vừa học các chuyển động nhịp nhàng mà người ta cho rằng bọn nhóc sẽ trở thành những phụ nữ miền Nam thanh lịch sau khi học.
Chúng tôi chuyển động trên đôi chân trần theo điệu nhạc Liebestraum của cây đàn dương cầm. Chúng tôi học cách yêu và phân biệt nhạc cổ điển, học cách chạy nhảy theo cảm hứng của mình. Vài đứa trong chúng tôi bị mắc chứng sốt sân khấu. Ước gì tôi cũng bị lây căn bệnh ấy.
Ngoài việc học nhảy, mẹ còn ghi danh cho tôi học lớp nói chuyện truyền cảm của cô Ragsdale. Đây là lớp học tự lập. Tôi học cách đọc và ghi nhớ các bài thơ. Tôi nhớ bài thơ đầu tiên mà tôi học cách đọc có tên “Bò rống”. Nhưng ký ức rõ nhất về các nỗ lực của mẹ để biến tôi thành một quý cô vẫn là lớp học nhảy.
Lần đầu tiên chúng tôi có bộ trang phục thực sự là do một thợ may ở địa phương làm. Bọn tôi đã biểu diễn ở bữa tiệc do câu lạc bộ của mẹ tổ chức. Tổ chức này bao gồm các bà mẹ trẻ tự nhận mình là “Câu lạc bộ văn hóa của các bà mẹ”. Tôi vẫn còn vài cuốn sách do những người này viết vào cuối thập niên 1920, mục đích là giáo dục con cháu họ biết tôn trọng nghệ thuật.
Tất cả bọn trẻ trong lớp cô Whitfield đều mặc trang phục như những bông hoa và con chim. Chúng thay phiên nhau biểu diễn các động tác nhảy.
Lúc đó, tôi mặc đồ giống bông cúc vàng và rất háo hức biểu diễn. Khi bài hát vang lên, tôi từ từ nhô ra khỏi đám đông. Mấy đứa còn lại đang chờ nối đuôi theo sau. Tôi rất thích biểu diễn đến độ khi người đánh đàn đã kết thúc bài nhạc mà tôi vẫn còn nhảy. Cô ấy vội dạo lại đoạn nhạc đến khi tôi hoàn thành lần nhảy thứ hai.
Khi cô Whitfield nhận ra tôi không có ý định rời sàn diễn, cô buộc phải loại con chim xanh để nhận tôi vào. Tôi không chắc mẹ cảm nhận thế nào khi xem buổi biểu diễn, có lẽ bà hơi bối rối. Đó là lần đầu tiên mẹ cảm thấy lúng túng vì có đứa con gái quá bạo dạn.
Mẹ tôi là một phụ nữ kiên trì và thực sự thì bà đã gặt hái được một số thành công trong nhiều năm qua. Tóm lại, tôi phải nói rằng với vai trò là một người mẹ miền Nam, bà đã làm hết sức những gì có thể để hoàn thành vai trò ấy.
Betsy Bee