Biết trước anh ta sẽ không quan tâm nên bà quyết định ghi ra giấy.
Chào con yêu!
Mẹ muốn bàn về lòng tự trọng bởi những khó khăn chúng ta gặp trong cuộc sống. Suy cho cùng là do ta không thích hoặc không tin vào bản thân mình mà thôi.
Mỗi ngày, chúng ta xây dựng lòng tự trọng và đôi khi lại đánh đổ nó mà ta không biết. Khi chúng ta làm việc mình thích, nghĩa là đang xây dựng lòng tự trọng cho bản thân. Chúng ta xây dựng cảm xúc tốt về mình và nâng cao lòng tự tin. Khi chúng ta làm điều mình cảm thấy rất tệ, nghĩa là ta đang bào mòn lòng tự trọng. Ước gì mẹ biết điều này trước mỗi lần nổi nóng. Mỗi khi không giữ được bình tĩnh, mẹ thường làm và nói những điều khủng khiếp. Mẹ ghét chính mình và những lời “xin lỗi” mẹ từng nói, vì dường như nó không làm thay đổi những suy nghĩ của người khác về mẹ.
Khi một người bạn gọi điện mời mẹ đi chơi hoặc đi dự tiệc và mẹ nói “được” trong khi thật sự mẹ không muốn, lúc đó mẹ đã đánh mất lòng tự trọng. Mẹ sẽ tức giận nếu họ mời và nổi điên với chính mình vì không đủ can đảm để nói lên suy nghĩ. Vì không biết cách từ chối nên mẹ thường nói “được”, điều này đã trở thành một thói quen. Chắc chắn sau mỗi lần như vậy, lòng tự trọng lại giảm xuống.
Mẹ nghĩ thỉnh thoảng chúng ta nhầm lẫn hai khái niệm “ích kỷ” và “xem mình là trung tâm”. Xem mình là trung tâm được hiểu là chúng ta quá ghen tị với những người khác đến độ không quan tâm đến nhu cầu của họ. Ích kỷ được hiểu là một người muốn được phục vụ trước so với những người còn lại. Làm sao mẹ có thể giúp con nếu mẹ không giúp chính mình trước? Làm sao mẹ tôn trọng con nếu mẹ không học cách tôn trọng chính mình? Làm sao mẹ có thể rộng lượng với con khi chưa rộng lượng với mình?
Nhiều khi mẹ tự đặt mình vào vị trí phải hy sinh cho người khác, phải đặt quyền lợi và cảm xúc của mình bên dưới họ. Đây là cách chúng ta được nuôi dạy khi còn bé. Con yêu! Sự phủ nhận nhu cầu của bản thân đã gây tổn hại đến gia đình và ngay chính mẹ. Rốt cuộc, mẹ đã hy sinh chính cuộc sống của mình, không còn thấy được giá trị thực và không nhận ra mình là ai. Mẹ đã làm điều mọi người muốn mà không để ý đến nhu cầu bản thân.
Đó không phải là ích kỷ đâu con, mà đơn thuần là đọa đày. Đó không phải là ích kỷ, mà là “xem mình là trung tâm”. Không hài lòng với chính mình, mẹ tìm cách làm người khác hài lòng bằng cách đáp ứng mong ước của họ.
Con à! Khi lòng tự trọng suy giảm, ta cố làm người khác hài lòng để tìm kiếm sự đồng thuận của họ và vì vậy chúng ta được đánh giá cao. Làm vậy sẽ không ích gì. Khi con làm điều hợp với mình và làm cho mình cảm thấy thỏa mãn, nghĩa là con đã tìm thấy giá trị bản thân.
Con sẽ tìm thấy sự tự do vì không bị nhu cầu của người khác khống chế. Con tự do vì không cần tìm sự ủng hộ của người khác. Đó là lúc con đang sống thực với mình.
Mẹ phát hiện vài điều thú vị khi bắt đầu đứng lên bảo vệ quan điểm của mình: nhiều khi điều này có nghĩa là phải nói “không”. Nếu con không có tiền để làm việc này hay để đi chơi với bạn, con nên trung thực nói cho họ biết. Nếu mẹ cần ở nhà để làm vài việc vặt, mẹ sẽ nói với bạn mình rằng: “Tôi thích đi nhưng tôi cần phải làm việc này hay việc nọ, xin hãy để dịp khác. Dù sao cũng cảm ơn.” Nếu mẹ có kế hoạch khác hay chỉ muốn ở một mình, mẹ sẽ đối mặt với họ và nói sự thật, không cần phải xin lỗi hay tìm cách lẩn tránh.
Bud ạ, con biết không? Hầu hết những người mẹ quen đều hiểu, rộng lượng và kính trọng điều mẹ muốn. Nhưng cũng có một số người không còn điện thoại hay ghé chơi, vì sao vậy? Đơn giản họ không còn là bạn của mẹ nữa.
Mẹ thường thấy con đi theo lối mòn của mẹ, hy sinh bản thân để trở thành một hình mẫu mà người khác muốn. Điều này làm mẹ đau lòng. Không có ích gì đâu, con yêu.
Hãy ích kỷ và dành thời gian cho chính mình.
Hãy ích kỷ và quan tâm đến nhu cầu của con.
Hãy ích kỷ và làm theo điều mách bảo của trái tim.
Đừng xem mình là trung tâm và hẹp hòi với người khác, nhưng hãy ích kỷ. Vì điều này sẽ tạo cho con lòng tự trọng, biết kính trọng bản thân và mọi người.
Mẹ yêu con.
Mẹ