Nhân Tướng Học

Chương 3: Mắt

I. TỔNG QUÁT VỀ MẮT

a) Các đặc ngữ về Mắt:

Trong khoa xem tướng Mắt có nhiều danh hiệu khác nhau tùy theo thuật ngữ của từng lãnh vực: Trong lãnh vực đoán vận hạn lưu niên, Mắt trái được gọi là Thái Dương, Mắt phải được gọi là Thái Âm (còn gọi là Nhật Nguyệt hay Âm Dương tinh ). Đứng về phương diện "Ngũ Quan" Mắt được gọi là Giám sát quan. (Phép đoán vận hạn lưu niên thông dụng chia Mắt trái thành 3 phần: Thái dương, Thiếu dương, Trung dương; Mắt phải thành 3 phần: Thái âm, Thiếu âm, Trung âm. Hay còn gọi Mắt là: Tam Âm, Tam Dương)  

b) Những nét đặc thù tổng quát về Mắt:

Nói một cách tổng quát người ta chia Mắt thành 3 phần chính yếu:

      - Đồng tử

      - Tròng đen

      - Lòng trắng

Các sách cổ tướng học Trung Hoa khi mô tả Tròng đen thường nói là: Đen nhiều điểm san, hắc như điểm tất. Nói như vậy không có nghĩa là đen thực sự như nghĩa thông tục, mà phải hiểu tròng đen thuần túy một màu thuần khiết, không có tia máu lẫn vào dù đậm hay nhạt.

Trong thực tế tròng mắt các sắc dân Á châu, đặc biệt là tròng đen và lòng trắng có các đặc thái sau:

- Tròng đen: màu đen hoặc màu nâu sẫm.

- Lòng trắng: trắng ngà hoặc hơi pha xanh.

Nhà tướng học Kiến Nông cư sĩ trong cuốn Quan Nhân Thuật trích dẫn các kiến giải của các y sư Trung Hoa cổ đại và Nhật Bản hiện tại cho rằng:

- Tròng mắt đen là tròng mắt của các sắc dân thuộc về các chủng tộc phương Bắc đại lục Á châu 

- Tròng mắt đen mà kỳ thực là màu nâu sậm thuộc về các sắc dân chủng tộc phương Nam đại lục Á châu.

So sánh ưu điểm tổng quát giữa hai màu mắt nâu sậm và đen tuyền của tròng mắt, Kiến Nông cư sĩ nhận thấy rằng màu nâu có nhiều ưu điểm về phẩm tính hơn đại khái như:

* Can đảm nhưng khai phóng

* Hành động nhanh nhẹ hơn, tư tưởng mẫn tuệ hơn.

* Có nhiều nghệ thuật tính hơn như thi ca, triết lý, hùng biện

Về hình dạng tổng quát, trước khi đi sâu vào việc tế phân Mắt thành các loại điển hình để phán đoán chi tiết, người ta thường phân biệt.

1. Mắt lớn, nhỏ:      

Mắt lớn không có nghĩa là cả 3 bộ phận chính của mắt đều lớn mà thực ra người ta căn cứ vào vị thế của Tròng đen đối với khuôn mắt (bao bọc bởi hai mí mắt để định lớn nhỏ)

- Nếu hai mí mắt che lấp phần nhãn cầu thì đó là Mắt lớn.

- Nếu hai mí mắt vừa vặn tiếp xúc với nhãn cầu, nhìn vào thấy rõ hình tròn của nhãn cầu thì đó là Mắt nhỏ

2. Mắt dài, ngắn:

Sự dài ngắn này có tính chất tương đối vì nó tùy thuộc vào tầm vóc của từng cá nhân. Trung bình thì Mắt hợp tiêu chuẩn bình quân khoảng từ đầu đến cuối Mắt (phần lòng trắng) có chiều dài tương đương với chiều dài của khoảng cách hai ngón tay trỏ và ngón tay giữa duỗi thẳng và để liền nhau. Quá mức độ bình quân thì coi là dài, dưới mức độ bình quân thì coi là ngắn.

Một cách khách quan hơn, khoảng bề dài của Mắt bằng hoặc hơn 3 cm hay 3,2cm gọi là dài. Dĩ nhiên không tính Ngư Vĩ là phần đuôi Mắt kéo dài.

Khi quan sát Mắt để xác định dài, ngắn, to, nhỏ cần phải chú ý là Mắt phải ở trạng thái bình thường. 

3. Mắt trắng dã và mắt đen xì:

- Mắt đen: Khi tròng đen chiếm ít nhất 2/3 tổng số diện tích của mắt so với lòng trắng

- Mắt trắng dã: cần phân biệt hai trường hợp là: Mắt Tam bạch và Mắt Tứ bạch

Mắt Tam bạch: (h46) Nhãn cầu chỉ chạm vào một trong hai mi mắt (trên hoặc dưới) ba mặt còn loại bao bọc bởi lòng trắng.

Mắt Tứ bạch: (h47)  Nhãn cầu ở giữa bốn bên đều bị lòng trắng bao phủ, giống như hòn đảo trơ trọi giữa đại dương.

4. Mắt lộ và mắt bình thường:

Giả sử là từ hai bên mi mắt ta áp một mặt phẳng tưởng tượnh tiếp xúc với hai bờ mắt thì:      Nếu nhãn cầu tiếp xúc với mặt phẳng nói trên thì đó là mắt bình thường.

Nếu nhãn cầu cắt mặt phẳng trên thì đó là mắt lộ; mắt lộ quá đáng thì gọi là mắt ốc lồi.

Nếu nhãn cầu không chạm tới mặt phẳng tượng tượng kể trên thì tướng học gọi là mắt sâu.

 

II CÁC Ý NGHĨA CỦA MẮT

Trong Ngũ Quan, Mắt được gọi là Giám sát quan nghĩa là cơ quan quan sát. Sự quan sát có hai chiều: mình quan sát người và người quan sát mình. Mắt giúp ta phán đoán phẩm cách quý tiện hoặc thọ yểu. Về mặt này Đông và Tây phương rất gần nhau. Nếu Tây phương có câu: " mắt là tấm gương của tâm hồn" thì sách Quảng giám tập cũng viết: "Nhãn vi tâm chi ngoại hộ. Quan trì vật ngoại nhi tri kỳ nội" (mắt là cửa ngoài của tâm hồn. Nhìn bên ngoài mà biết rõ bên trong của người ta)

Bàn về mắt Mạnh Tử đã nói: " Lòng ngay thẳng thì mắt sáng sủa. Lòng tà vay thì Mắt không che được thiện ác của tâm hồn"

a) Tương quan giữa Mắt và cá tính:

1. Tàn ác hiểm trá:

Mắt lộ "phù quang" nghĩa là ánh mắt lúc nào cũng sáng sủa đều đều một cách buồn tẻ như Mặt trăng, đồng thời hai viền mắt đỏ học là loại Mắt sát nhân. Kẻ có loại Mắt này tâm tính gian trá, độc ác. Khi tới vận hạn về Mắt (từ 35 đến 49 tuổi) rất dễ gặp tai họa

Kẻ Mắt lớn, tròn, lộ hung quang là kẻ tâm tính hung bạo dễ đưa đến việc tụng, ngục. Khi đến vận hạn của Mắt dù ở địa vị cao quý cũng khó tránh khỏi nguy hiểm. Do ở điểm Mắt lộ thì xấu, nên sách Nguyệt hạ động trung kinh khuyên: " Mạc giao nhãn đội, vãng vãng kiến tai họa" (chớ giao lưu với kẻ Mắt lồi vì luôn luôn có tai họa xảy đến)

2. Hung ác:

Ngoại biểu của cá tính này là Mắt hình tam giác. Tướng pháp có câu: "Mắt tam giác ẩn tàng độc hại". Đầu óc của hạng người có Mắt tam giác luôn luôn bị ám ảnh bởi tư tưởng: "hại nhân tổn vật". Nếu là đàn bà thì khắc phu hại tử. Bàn về đàn bà có Mắt này sách Nhãn luận đại thống phú có viết: "Đàn bà có Mắt tam giác thường hay cáu kỉnh làm hại đến mạng chồng". Mắt tam giác có hình như lưỡi dao nên còn gọi là Sát phu chi dao.  

        3. Tâm hồn bất định nông cạn:

Tâm hồn bất định, hay nghi kỵ, kiến thức nông cạn, cố chấp được thể hiện ra ngoài bằng ánh mắt dao dác. Loại mắt này trong lúc đàm thoại hoặc trầm ngâm thường hay nhướng mắt chuyển động nhãn cầu để quan sát mọi người, mọi vật trong khi đầu cổ vẫn cố định.

Khuôn mắt ở khoảng giữa bị thu hẹp lại, là biểu hiện của kẻ tuy kiến văn rộng rãi nhưng tính tình ưa gây gổ, khích bác, mỉa mai, nên thường gây ác cảm với người kế cận. (hình51)  Kẻ có loại mắt này khó có nổi yếu tố nhân hòa.

So với Mắt nhỏ thì thì Mắt lớn có tướng tốt hơn, nhưng nếu quá lớn thì lại là kẻ có dũng khí nhưng phóng túng. Trong khi hành động hay va chạm và dễ dẫn đến bại vong.

Trái lại, mắt nhỏ và khuôn mắt sâu: tính tình tiêu cực, chấp né hoặc ngoan cố không đủ ý chí và tự lực để thực hành sở nguyện

Tóm lại: quá lớn hay quá nhỏ đều là cực đoan, vì thái quá tương đương với hậu quả bất cập, đều đưa đến sự mất quân bình, không phải là loại tướng tốt.

- Nhìn người mà ánh mắt long lanh, nhãn cầu như lồi ra ngoài là kẻ có dục tính mãnh liệt.

- Mắt hôn ám, nhìn người mà hay liếc xéo là người có tâm địa bất chính, ý chí khiếm khuyết hay xuẩn động

- Khuông mắt nhỏ và ngắn: tính tình ngu độn kiến văn nông cạn.

- Mắt nhìn mà lộ ra sắc giận là kẻ nóng nảy, hiếu thắng, ưa cạnh tranh.

- Phần lòng trắng nhiều tròng đen ít là kẻ tính tình hung hiểm, bạc bẽo, và ngu độn, kết cục ít khi được tốt lành.

- Khi nhìn người ánh mắt trừng trừng như muốn nhìn xuyên quy y phục kẻ đối diện là biểu hiện cua tâm tính độc hại, thô bạo.

- Tròng mắt có những vết nhỏ hoặc chấm tia hay đỏ thì dù nhìn thoáng qua có vẻ trung hiếu, ôn nhã mà kỳ thực trong lòng đầy dẫy nhưng âm mưu quỷ kế hung hiểm. Vậy khi quan sát Mắt phải hết sức chú ý đến điểm này để đề phòng kết giao lầm lạc nguy hại đến bản thân.

- Hai mắt lớn nhỏ không đều là kẻ hay sử dụng gian kế, vui giận bất thường.

- Mắt tam bạch tứ bạch biểu hiện tâm tính gian ác. Có thể thông minh tùy theo mắt sáng hay không nhưng bạc tình bạc nghĩa.

      - Hai mắt nhỏ dưới mức bình thường là xấu nhưng thần quang sung túc thì lại là kẻ có tiểu xảo, chỉ biết lưu tâm đến lợ ích thiển cận nhãn tiền, tự mãn dễ dàng với kết quả tầm thường.

- Nhãn cầu có màu sắc vàng sậm mà thiểu vẻ bóng bảy, thì thiên tính kiêu ngạo hay khinh thị người khác.

      

- Phía đuôi mắt (Ngư Vĩ) có đường cong hướng vòng lên trên như hình móc câu (h25) là kẻ tính nết ngoan cố có nhiều thiên kiến. Nếu không tu dưỡng tinh thần nếu gặp nghịch cảnh dễ biến thành điên loạn.

- Nhãn cầu thường hay di động từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới là kẻ hay bồn chồn nóng nảy, làm việc gì cũng muốn gấp rút do đó thường hay hỏng việc.

- Ngư Vĩ mà cuốn thành hình tròn, là biểu thị cho tính nết thiếu thành tín. (h53)

- Đầu mắt (long cung) tròn mà đuôi mắt (Ngư Vĩ) nhỏ và nhọn là kẻ ưa hư trương. Muốn hùng hổ nhưng trong lòng thiếu thiện đảm lượng, dám nói mà không dám làm (h54). Muốn biết rõ sự thiếu đảm lượng cần quan sát thêm các bộ vị khác trên mặt.

-  Bình thường khuôn mắt nhỏ bé nhưng bất chợt có lúc khuôn mắt mở rộng hẳn trong hình dáng lúc đó mắt hoặc như tam bạch hay tứ bạch là biểu hiện kẻ có dã tâm nguy hiểm.

- Đồng tử quá lớn gần chiếm hết cả tròng đen là kẻ đại gian hùng, cần phải hết sức đề phòng khi tiếp cận.

- Mắt pha sắc tía là biểu hiện của kẻ thô bạo, kiến thức nông cạn. Đối với loại người này không thể dùng lý lẽ cao xa hay nhún nhường để tiếp cận được.

- Phía dưới mắt có các gân dọc là kẻ có tâm địa không được chính định.

- Khuôn mắt nổi cao phần giữa (h55) là biểu hiện trí óc thiển cận, dễ giận vu vơ vì những lý do nhỏ mọn không đáng kể.

- Tròng mắt (bất kể đồng tử hay lòng trắng có điểm đen ăn xuống là biểu thị tâm hồn gian trá: đối với người ưa dùng mưu kế, xảo thuật hơn là tâm thành, ưa lợi dụng hơn là xả thân.

- Lòng trắng ngả sang màu vàng nhạt hoặc ánh mắt lúc nào cũng long lanh như nước mùa thu là Mắt dâm đãng.

- Tròng mắt pha màu hồng, đồng tử màu vàng thay vì màu đen là kẻ có nội tâm độc hại khôn lường. Đầu óc lúc nào cũng chỉ muốn hại người. Đối với họ hại người là một nhu cầu, một thứ bệnh tâm linh.

4. Tâm hồn trầm ổn, tuấn dật:

Cá tính trên được biểu hiện ra ngoài bằng hai đặc trưng:

* Thần khí thanh tú: Đồng tử sáng ngời không nghiêng lệch không lồi ra, nằm ngay chính giữa nhãn cầu, tròng đen lòng trắng rõ rệt.

* Hiển xuất tinh quang: Mắt có ánh sáng tự nó tỏa ra như vẻ sáng của tinh tú, không lộ liễu tinh anh, không lờ mờ hôn ám

Theo Đạt Ma sư tổ: cặp Mắt quý nhất (quý ở đây là đẹp, thanh nhã thần khí sung túc) phải đồng thời hội đủ 7 điều kiện dưới đây:

a. Tú nhi chính (đẹp và ngay thẳng): Tú là vẻ sáng đẹp và êm đềm. Chính là ánh mắt ngay thẳng không nhướng lên, không liêc xéo, vừa khoan khoái vừa oai nghiêm. Tú chỉ hình dáng, chỉ tính chất.

b. Tế nhi trường(hẹp mà dài): cả hai yếu tố trên đều phải hội tụ cùng một lúc. Nếu chỉ có bề ngang là hẹp không thôi là kẻ tiểu xảo. Nếu chỉ có bề dài mà bề ngang không thu hẹp thì là Mắt ác.

c. Định nhi xuất (trầm ổn mà có vẻ sáng): Ánh mắt an định thu tàng nghĩa là có vẻ sáng nhưng vẻ sáng đó không lộ liễu. Nếu không có vẻ sáng thì là người ngu độn. Chữ "xuất" ở đây là thần khí hiện ra vừa đủ.

d. Xuất nhi nhập (rõ ra mà lại thu vào): sáng để người thấy rõ mà không lộ liễu là Mắt có thần. Nhưng không cần mà không thu tàng ánh mắt được thì đó là kẻ "lộ thần" biểu hiện cho sự phóng đãng.

e. Thượng hạ bất bạch (phía trên và phía dưới nhãn cầu không được lộ lòng trắng): tròng đen tối thiểu phải tiếp xúc với hai mi mắt. Kẻ mà mắt lộ tam bạch phía trên thường hay gian trá, lộ tam bạch phía dưới thường mắc hình thương

f. Thi cửu bất thoát (nhìn lâu mà không chớp mắt): có điều kiện này là kẻ có thần khí đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh thần trí vững vàng.

g. Ngộ biến bất mao (gặp biến cố không mờ): kẻ gặp nguy nan bất chợt mà không hoảng hốt, vẫn giữ nguyên được thần sắc là kẻ "thần bất loan" (điềm tĩnh). Đó là đặc trưng của thần khí đầy đủ, hãm dưỡng cao siêu.

Hiện nay hầu hết tác giả về tướng đều công nhận là cặp Mắt là nơi giúp chúng ta phát hiện phần lớn cá tính chính yếu của con người. Do đó, để giúp độc giả phần nào biết được cá tính của kẻ đối diện qua cặp Mắt của họ, soạn giả đúc kết những điều quan sát được về Mắt thành một "biểu nhất lãm" sau đây:

- Đồng tử (con ngươi) tính khiết, sáng sủa; tròng đen, lòng trắng phân biệt rõ ràng nhưng Ngư Vĩ bị khuyết thì tuy bản tính thông tuệ nhưng ham thích rượu chè.

- Tròng đen nhiều lòng trắng ít là biểu hiện thông minh nhân hậu

- Tròng đen lớn chí khí cao

- Tròng đen lớn, Mắt sâu biểu hiện chí khí cao thâm, đại lượng, khai phóng. Loại người này không chịu trói buộc trong khuôn thức cổ truyền, có tính tự tin cao và thiên lương.

- Tròng đen lớn, ánh mắt khi nhìn người thì nhìn thẳng kẻ đối diện, là kẻ tính nết đoan chính không thích điều ta vay.

- Ánh mắt sáng sủa có thần, khuôn mắt phía dưới đầy đặn, là kẻ có tính nhẫn nại biết cương nhu tùy lúc. Đó là kẻ có khả năng trí tuệ, có khả năng biến cải vận xấu thành tốt.

- Khi nhìn mà ánh mắt thẳng vừa hòa vừa nghiêm, khiến người đối diện không dám nhìn thẳng vào mắt là dấu hiệu của "tinh thần sung túc"

- Đồng tử tròn lớn ngay ngắn, đứng giữa tròng đen là tướng mắt của người hiển minh.

- Tròng mắt đen, lớn và nhuận là của kẻ hiểu lễ

- Mắt đẹp sáng sủa là biểu hiện tâm hồn cao thượng, quân tử không tỵ hiềm.

b) Tương quan giữa mắt và thọ yểu:

Mắt là nơi tàng ẩn thần khí nên có ảnh hưởng lớn lao đến thọ yểu cuẩ con người. Xem mắt có thể biết được thọ mạng dài ngắn tuy không hoàn toàn đầy đủ nhưng cũng bao quát được những nét chính yếu. Các bộ vị khác đóng vai trò phụ, có giá trị về chi tiết.

1. Các dấu hiệu trường thọ:

- Mắt tương đối dài mà vẻ sáng ẩn tàng

- Đồng tử tròn trịa tương đối lớn, sáng đồng thời nhãn cầu như toát ra vẻ sáng êm dịu

Nói chung nếu mắt đáp ứng đầy đủ như Đạt Ma sư tổ đòi hỏi thì có thể quả quyết rằng trong trường hợp bình thường kẻ có cặp Mắt đó có khả năng trường thọ và có tư cách cao quý hơn người.

2. Các dấu hiệu chết yểu:

- Khuôn mắt lớn và tròn, khoảng giữa lồi ra, tia mắt lúc nào cũng cau có, lườm lườm như giận dữ là kẻ tinh thần bạo tháo, khó giữ được mạng sống yên ổn. Kẻ có tướng này hầu hết chết vì hình phạt hay tai vạ.

- Mắt có tia máu ăn lan cẩ vào đồng tử.

- Mắt lồi, sắc mắt không có thần.

- Đồng tử mở lớn mà mờ đục, tinh thần phảng phất như ở ngoài Mắt chứ không ẩn tàng ở trong Mắt. Đó là dấu hiệu thần tâm suy nhược dễ chết vì bệnh tật.

- Gân máu xâm chiếm lòng đen là dấu hiệu của nội tạng suy nhược, dễ mắc bệnh nặng về nội thương.

- Lòng trắng có nhiều gân máu nổi rõ khiến cho người ngoài nhìn vào cảm giác như lòng trắng có màu hồng là điềm chết tự nhiên, hoặc là do nguyên nhân bất chợt ngoài ý liệu thông thường tùy theo thần thái của Mắt và các bộ vị khác.

- Phía dưới Mắt có các lằn ngang dọc cắt lẫn nhau một cách rõ rệt là dấu hiệu của kẻ thường có tư tưởng tự tử ám ảnh.

- Tròng đen quá lồi gần như tách ra khỏi lòng trắng là dấu hiệu bạo tử.

- Thị lực yếu mà ánh mắt không có vẻ sáng là dấu hiệu chết non.

- Đàn bà mà phía dưới mắt có sắc hồng rất rõ là triệu chứng báo trước có thể chết vì thai sản.

- Đàn bà mà khuôn mắt quá rộng lớn là kẻ lạc thần, khó thọ qua tuổi trung niên

- Đàn bà mà khuôn mắt quá nhỏ hẹp sinh đẻ khó khăn,  hoặc chết trong tuổi trung niên.

c) Tương quan giữa Mắt và phú quý, bần tiện:

Mắt cũng có ý nghĩa phú quý (giàu sang)

1. Sang và giàu:

- Đại phàm Mắt dài sâu vừa phải, sáng sủa tươi nhuận là tướng mắt cao quý vinh đạt.

- Hai mắt có hoạt lực tức tinh thần tiềm ẩn, bình thường không có gì đặc biệt nhưng khi có sự thích thú, hờn giận bất chợt tỏa ra ánh sáng dị thường là phú quý.

- Mắt thanh tú mà dài là biết mắt của tướng quý. Nói rõ hơn, ranh giới giữa đen và trắng phân biệt rõ ràng, đồng tử phải ở ngay chính giữa.nhãn cầu. Người có tướng mắt này cộng với tai, Lông Mày hợp cách và tương phối là đại quý nhân; Lông Mày dài và thanh biểu tượng phúc vừa quý vì giữ được tiền bạc.

- Mắt dài quá 1 tấc(3-3.2cm) là quý cách. Muôn biết đại trung hay tiểu quý cần phải phối hợp đúng cách là tướng vừa quý vừa hiển đạt và trường thọ.

- Mắt cương liệt, có oai tướng được mọi người nể phục, có khả năng hội tụ muôn dân.

2. Nghèo hèn:

- Đầu mắt có điểm đen, sẹo hay sứt mẻ tự nhiên là tướng nghèo hèn. (Mức độ bàn hàn, khả năng cải số, hoặc vĩnh viễn đói khổ là do sự phối hợp tổng quát của Tam Đình, Ngũ Nhạc. Ở đây chỉ nói tổng quát về Giám sát quan mà thôi)

- Mắt nhiều lòng trăng mà bạc nhược vô thần, hoặc bất an là tướng bần hàn vĩnh viễn, không thể thăng tiến được.

- Mắt lớn, lồi và không sáng sủa là tướng nghèo hèn, không có danh vọng.

- Phía trên của tròng đen có điểm chút màng trắng hoặc có điểm trắng là tướng nghèo ít có khả năng đủ ăn.

- Mắt dù đẹp nhưng phía dưới có mắt bị ám và dáng vẻ thô trọc, Tam Đình, Ngũ Nhạc bất tương phối thì dù không nghèo hèn nhưng cũng khó có hy vọng vươn lên cao được.

- Mắt đặc biệt sâu hõm xuống như đáy giêng là mắt kẻ suốt đời thiếu thốn.

- Mắt hôn ám, thô trọc, bất thành thì vừa nghèo vừa hèn, tài vận không bao giờ hanh thông

- Ngư Vĩ có nhiều nếp nhăn quá dài cơ hồ như chạm vào chân tóc mai là tướng phá của. Có thể kiếm được nhiều nhưng tiêu cũng lắm, của cải không giữ được lâu bền.

d) Tương quan giữa Mắt và gia vận:

1. Hưng gia tích tài:

Tướng mắt gây dựng được nhà của, giữ được tiền tài được biểu lộ bằng các đặc thái sau:

- Mắt lớn mà sáng sủa

- Mắt có hình dáng đẹp, đoan chính, Lông Mày dài.

- Đen trắng phân minh, tinh thần sung túc, và độ sáng của mắt khác phàm là tướng được hạnh phúc, gia đình viên mãn.

2. Con cái:

- Hai bờ mắt nảy nở là dấu hiệu lắm con.

- Đàn bà mà phía dưới mắt da thịt nở nang mà được thêm sắc diện hồng hào là tướng lắm con và được quý tử.

- Mắt thuộc loại mắt nhỏ, tại phần giữa có sắc xanh đen là kẻ ngỗ với cha mẹ hay gây phiền muộn cho gia đình.

- Hai mắt lớn nhỏ không được đồng đều (chưa đến độ hung nhãn) biểu thị song thân không toàn vẹn, cá tính đơn độc, bất hòa với anh em ruột thịt.

3. Gia vận:

- Đàn ông mà có mắt trái nhỏ hơn mắt phải thường có số tai họa vì đàn bà, gia cảnh xáo trộn, vợ con không thuận hòa.

- Đầu mắt có nốt ruồi, điểm đen hoặc khuyết hãm gia cảnh xấu, bản thân và vợ con đối nhau không thuận hòa hoặc có mối họa sinh ly, tùy theo nốt ruồi hay vết hãm đó có từ nguyên thủy hay mới nảy nở sinh từ lưu hạn niên đó.

- Kẻ mắt lộ tam bạch hay tứ bạch, gia vận rất xấu anh em ngoảnh mặt làm ngơ. Nếu lòng trắng có sắc hồng, đồng tử pha sắc vàng thì càng cùng khốn cô độc.

- Phần tròng đen ít, lòng trắng nhiều là kẻ hay bỏ nhà phiêu bạt, dễ phạm tội.

- Ngư Vĩ cả hai mắt rũ xuống là tướng vợ chồng hay phân ly.

- Mắt trũng sâu, bị hãm, ướt như khóc mà sắc mắt hỗn trọc là tướng kẻ cô độc, cùng khổ thường chết ở quê người. Đàn bà mà có loại mắt này sẽ khắc chồng, tan hoang gia cảnh đồng thời cũng khốn khổ vì tật bệnh.

- Phía dưới mắt co nốt ruồi, chấm đen sứt sẹo thì thường hay bực dọc chuyện vợ chồng, Nếu lập gia đình sơnm thì tơ duyên trắc trở hoặc không con (tùy theo sự phối hợp về các bộ vị khác...)

- Đàn ông mà Ngư Vĩ có nốt ruồi, chấm đen hay sẹo là không hợp với vợ, nếu không thế thì sinh ly tử biệt hoặc là có mối lo về con  cái...

- Mắt trái mà bị mờ, khuyết hãm, là triệu chứng không hợp với cha, mắt phải là không hợp với mẹ. Song thân phải có một người mất sớm (tùy theo mắt), vợc on cũng bị ảnh hưởng.

e) Tương quan giữa mắt và thời vận:

Vận hạn của con người ngoài cách cục tổng quát chung thân ra, liên quan tới mắt trong vòng  sáu năm (35 đến 40):

- Bờ mắt phía trên mà có nốt ruồi, tâm tính tham lam tới vận hạn về mắt sẽ trở thành thực tế.

- Nốt ruồi phía dưới mắt biểu thị cho tai họa, tính chất này còn ohuj thuộc tùy theo bộ vị khác và thần của mắt lúc đó.

- Hai mắt bỗng nhiên sinh sắc hoặc khí đen từ 25-27 gia trạch có điều không lành.

- Phía  dưới mắt có sắc xanh đột nhiên xuất hiện có lôi thôi về Miệng tiếng, sắc hồng hay đỏ lôi thôi về quan tụng, sắc đen là tiền bạc phá tán, sắc vàng tươi nhuận là điềm lành.

- Đàn bà mà phía dưới mắt xuất hiện sắc xanh là dấu hiệu chồng chết, có mang mà xuất hiện sắc đỏ là dấu hiệu nguy hiểm khi sinh nở. Đuôi mắt có sắc trắng trẻo, tươi nhuận là có điềm báo sự thăng tiến của chồng.

- Đột nhiên mắt có tia máu an lan vào nhãn cầu lẫn đồng tử điềm báo trước sự chết thảm.

 

III. CÁC LOẠI MẮT ĐIỂN HÌNH

1. Mắt rồng (long nhãn)

Mắt không có mí, tròng đen và lòng trắng phân minh, đuôi mắt dài  và đẹp. Bề ngang bề dài trung bình, ánh mắt có thần ẩn hiện. Mục quang tựa như hạt châu, tự sáng và không giao động.

Về phương diện thành tựu mắt rồng tượng trưng cho cho cực phú, cực quý nều toàn thể bộ vị, cốt cách đều hợp và đắc thế. Nếu chỉ được bộ mắt rồng thôi thì quý tướng tương đối, có danh có lộc nhưng danh nhỏ lộc ít.

2. Mắt phượng (phụng nhãn):

Mắt có hình thể khá dài, hẹp bề ngang, đầu mắt không nhọn, đuôi mắt hơi nhọn và Ngư Vĩ đẹp, Mắt có hai mí rõ rệt, tròng đen nhiều và sáng, lòng trắng ít và đen trắng phân minh. Thần quang ẩn tàng, mắt nhìn xa thấy rõ ràng (hinh57). Trong ý nghĩ các nhà tướng học Giám sát quan mà có hình thể phụng nhãn là đắc thế. Mắt phượng tượng trưng cho thông tuệ văn hóa.

Người có mắt phượng không thích hợp với nghề thương mại kỹ nghệ thích hợp với nghiên cứu về tư tưởng học thuật.

Mắt phượng tối kỵ phối hợp với Lông Mày thô, ít hoặc quá ngắn, các loại người ngũ đoản, ngũ lộ. Đặc tính trội yếu nhất của Mắt phượng là Quý nhi bất phú, không mấy khi được đại phú.

 

Các nhà tướng học dựa vào hình thể mà chia mắt phượng làm 3 loại như sau:

a. Mắt phượng đỏ (đan phụng):

Ngư Vĩ dài hơi cong về phía trên, hai mí tươi đẹp và gần bằng nhau, hình dáng mắt lúc nào trông cũng như là mỉm cười, ánh mắt trơn ướt vừa phải và không giao động.

Người có mắt đan phụng thường có tài văn chương hơn người.

b, Mắt phượng về đêm (Dạ phụng nhãn):

Hình thể tương tự như đan phụng nhãn tuy nhiên mắt nhỏ hơn. Người có mắt dạ phụng ngoài tài văn chương còn có bụng dung người, đại lượng không câu nệ tiểu tiết. Nên ngoài phú còn có thể quý tuy nhiên cũng chỉ ở mức trung bình.

c, Mắt phượng gáy (Minh phụng nhãn):

Mí mắt trên dài gần bằng Ngư Vĩ, Ngư Vĩ cong lên phía trên rất rõ, mí dưới ngắn hơn mí trên. Độ lớn của mắt ở chỗ rộng có bề ngang nhất so với hai loại kể trên và không có mỉm cừi nữa. Loại mắt này thường có ở người thanh cao quý hiển. Nếu mục quang không lộ thì tuổi trung niên làm vẻ vang tổ nghiệp

3. Mắt voi (Tượng nhãn):

Mắt nhỏ có chiều dài rõ rệt và hơi cong như hình cánh cung. Mí mắt trên có nhiều nếp nhăn nhưng không rõ, mí mắt phía dưới lộ.

Về phẩm tính, người có mắt voi tính nết từ ái khoan hòa, đắc thời có thể phú quý nhưng không hiển đạt rõ ràng, không đắc thời thì cũng được hưởng cuộc sống bình lạc không vất vả. Cổ tướng học coi mắt voi là một trong loại Mắt hợp cách và biểu thị sự trường thọ. Mắt voi không hợp với tướng ngũ trường, kỵ Lông Mày quá đậm và nhiều hoặc quá dài mà ít

4. Mắt khỉ:

Tròng đen lớn và lấn át lòng trắng, hai mí mắt trên và dưới đều có nếp xếp chồng lên nhau. Mắt có bề ngang rất rõ rệt nếu so sánh với bề ngang của mắt phượng.

Mắt khỉ hội đủ các đặc tính hình thể lại có mục quang thực sự ẩn tàng là loại Mắt quý. Tuy nhiên muốn hoàn toàn đắc cách thì thân hình phải có nhiều nét phảng phất giống khỉ. Kẻ đắc hầu một cách hoàn toàn thì công danh cực phú quý giữa tính tình đa nghi ưa dùng mưu trí hơn là dùng sức. Hơn nữa kẻ đắc hầu rất háo dâm.

Về mặt phối hợp mắt với các bộ vị khác, Mắt khỉ hợp với tướng ngũ lộ hoặc ngũ đoản hợp với loại Lông Mày đẹp và ngang dài vừa phải. Đi ngược với sự phối hợp trên, hoặc không đắc thế thì kẻ đó chỉ là kẻ tầm thường háo dâm và trí trá, bất thành hảo sự.

5.  Mắt rùa (quy nhãn)

Mắt có hình dáng hơi tròn và nhỏ, lòng trắng hơi pha màu xanh, tròng đen hơi vàng. Khi nhìn tuy có vẻ thẳng thắn nhưng có vẻ co đầu rụt cổ vẻ tự nhiên.

Người có đặc tính và hình thể của Mắt rùa lại có phần nào quy cách của kẻ thiện lương, được hưởng phúc trời nhưng tính tình ôn hoà đôi khi nhút nhát, không thích hoạt động tích cực. Loại mắt này không bao giờ giàu nhưng đủ tiêu dùng và thanh nhàn hơn người.

6. Mắt chim tước (thước nhãn)

Mắt có tròng đen trung bình, mí trên có vằn đẹp và dài tương đương với chiều dài Ngư Vĩ, mí dưới có nếp ngắn hơn mục quang ẩn tàng ở mức trung bình.

Cổ tướng học xếp mắt chim tước vào cách trung bình, không tốt lắm và cũng không xấu. Kẻ có mắt chim tướng là kẻ tâm tính thiện lương, tin thực. Nếu các bộ vị không khuyết hãm thì Mắt tượng trưng cho thiếu niên bình đạm, vãn niên cát xương vừa phải.

7. Mắt sư tử (Sư nhãn)

Mắt lớn, hơi lộ tròng đen không lớn, không nhỏ, tia mắt có chân quang và uy nghiêm như người thôi miên. Mắt sư tử thường đi đôi với loại Lông Mày thô đậm, mí dưới ngắn không rõ, mí trên có nhiều nếp xếp hoặc ngắn hoặc bằng chiều dài của Mắt.

Mắt sư tử được xếp vào loại mắt rất quý, nhưng với điều kiện phải hợp cách cục: mày trông có vẻ thô tục, nhưng trong cái vẻ thô tục lại có vẻ thanh cao, tướng đi như rồng như cọp. Mắt có thần quang lẫm liệt khiến kẻ yếu bóng vía nhìn phải khiếp sợ.

Kẻ có mắt sư tử đúng cách, tính hơi cuồng phóng, nhưng không tham bạo trọng điều nghĩa khí. Mạng vận tốt đẹp, phú quý khang thọ. Cổ tướng học cho rằng Mắt sư tử được xếp vào cực phẩm danh thần.

8. Mắt cọp (hổ nhãn)

Mắt lớn, hơi tròn phía giữa, hắc bạch phân minh, tròng đen có pha sắc vàng, đồng tử hơi dài khi mắt mr lớn hết cỡ. Mí mắt trên dài hơn mắt nhưng ngắn hơn Ngư Vĩ, mí dưới rất rõ ràng và thường giao đấu với mí mắt trên, hoặc Ngư Vĩ.       Nói chung mắt cọp là loại mắt lớn nhất trong loại mắt người.

Mắt cọp tương tự ý nghĩa mắt sư tử nhưng về quý cách thì mức độ thấp hơn, tính nết cương cường cố chấp hơn, tàn nhẫn hơn, sự phát đạt công danh thiên về binh nghiệp hoặc những nghề cần tới sự quả cảm, sức mạnh hơn là mưu trí.

9. Mắt trâu (ngưu nhãn)

Khuôn mắt lớn, có hình tròn rất rõ và hơi lồi. Sức mắt rất kém tuy không bị cận hay viễn. Có nhiều nếp xếp trên hai mí mắt. Trong tướng học mắt trâu là loại hợp cách giám sát quan nghĩa là không phải mắt xấu. Nếu Ngũ Quan toàn hảo, thân hình đầy đặn, thì người có mắt trâu là người có dấu hiệu trường thọ, giàu có lớn. Người có mắt trâu thích hợp về buôn bán kỹ nghệ không có thiên khiếu về văn học nghệ thuật.

Mắt trâu phối hợp đắc cách với tướng ngũ lộ, ngũ trường mày dài và thưa, cần phải có mũi tốt mới trở thành đại phú được.

10. Mắt công (Khổng tước nhãn)

Cờ mắt trung bình cả về bề ngang lẫn bề dài, mí mắt trên có hai nếp xếp rõ ràng, nếp xếp mí mắt dưới không được rõ ràng. Tròng đen rất rõ và sáng, lòng trắng hơi xanh.

Về phương diện Giám sát quan, mắt công được xếp vào loại trung bình. Mắt công ở người bộ vị hình thể không bị khuyết biểu hiện tính nết thuần lương nhưng it độ lượng, càng về già càng phát đạt, dễ chịu và có thể nổi tiếng.

Mắt công không hợp với người ngũ đoản hoặc ngũ lộ và các loại Lông Mày thô đậm và lớn bản.

11. Mắt uyên ương (uyên ương nhãn)

Mắt có hình thể hơi xếch lên về phía đuôi, hình dáng hơi tròn ở khoảng giữa, nhãn cầu hơi lộ, lòng trắng ửng hồng và mịn. Phía trên có hai mí, phía dưới một mí rõ rệt.

Về phương diện thành tựu, mắt uyên ương được xếp vào loại trung bình cách. Phối hợp đắc cách với Hoả hình nhân và các bộ vị toàn hảo, kẻ có mắt uyên ương là kẻ khéo cư xử với nữ giới dễ tạo cảnh phu phụ hoà hợp nhưng tình dục mạnh mẽ. Càng giàu thì càng đi tới chỗ dâm loạn vì đủ phương tiện để thực hiện thôi thúc của bản năng.

12. Mắt hình dáng hạc (hạc hình nhãn)

Hình dáng có vẻ như hình dáng con hạc, hai bờ mắt trên dưới võng xuống như hình trăng hạ tuần, đuôi mắt cao vọt lên, cả đầu mắt đuôi mắt đều nhọn. Mí mắt trên đẹp và kéo dài đến tận gian môn, đồng tử trong sáng, có thần, tia mắt ngay thẳng.

Mắt hình hạc là loại mắt đặc biệt hiếm thấy. Phối hợp đặc cách với loại tướng ngũ trường thì được mọi người yêu mến giúp đỡ vì tính tình thanh đạm, cao khiết. Về phương diện mạng vận, người có mắt hạc mà lại được hạc cách chung cuộc cũng được tiểu phú tiểu quý.

13. Mắt nhạn (nhạn nhãn):

Hình dáng đuôi mắt như đuôi chim nhạn, tròng đen như mực tàu, lòng trắng hơi có màu vàng cả hai mí mắt trên dưới đều dài và rõ rệt.

Mắt nhạn nếu hợp với hình hài và Ngũ Quan toàn hảo và thần quang thanh tú là người có nghĩa khí và nặng về tình cảm gia đình. Xuất chính thì ôn cung, cần kiệm và nổi danh nhờ đặc điểm trên. Mắt nhạn cần phải phối hợp với Lông Mày dài thanh tú mới hợp cách cục. Về phương diện Giám sát quan đây là loại mắt quý.

14. Mắt đào hoa (đào hoa nhãn)

Hình mắt dài, đầu và đuôi nhọn không có mí mắt hoặc có nhưng rất mờ, ánh mắt lúc nào cũng ướt và luôn luôn đưa đẩy, cười mỉm.

Đây là loại mắt dâm dục tuy không thể hiện thành hành vi cụ thể thì cũng luôn luôn có ý dâm dục trong đầu óc.

15. Mắt ngỗng (nga nhãn)

Ngư Vĩ rất dài, cong lên về phía trên, mí mắt phía trên có nhiều nếp và đẹp uốn theo đuôi mắt. Mí mắt phía dưới không được rõ rệt. Mắt có hình thể tròn, ở khoảng giữa đen trắng phân minh và tròng đen chiếm đa số so với lòng trắng.

Mắt ngỗng nếu sáng sủa có thần, phối hợp với Lông Mày thanh tú, dài và đuôi cao, dáng người dong dỏng cao, cổ dài là đắc cách. Kẻ có mắt ngỗng đắc cách tâm tính từ thiện được hưởng phúc lộc tự nhiên và lâu dài. Càng về già càng tốt. Mắt ngỗng tối kỵ đi với Lông Mày không che phủ hết mi cốt hoặc quá đậm và lan xuống bờ mắt hoặc Mũi có Sơn Căn, Tỵ Lương khuyết hãm.

16. Mắt hạc (hạc nhãn)

Khuôn mắt cỡ trung bình, đầu mắt tròn và thấp hơn đuôi mắt, mí mắt trên có ít nhất hai lằn xếp và rõ, lằn xếp mi dưới không rõ rệt lắm. Ngư Vĩ tương đối ngắn, tròng đen lòng trắng phân minh, đen trắng ở mức độ quân bình. Mắt có thần khí ẩn tàng.

Mắt hạc là loại mắt quý vì có chân quang, nhưng muốn đắc cách hoàn toàn phải phối hợp với Lông Mày thanh tú, dáng người cao và cốt cách tanh kỳ, Sơn Căn, Tỵ Lương không bị khuyết hãm. Kẻ đắc cách toàn bộ mà có mắt hạc chí khí cao viễn, khác hẳn thế nhân, công danh phú quý ở bậc thượng khanh có khuynh hướng duy lý duy mỹ.

17. Mắt âm dương (âm dương hay thư hùng nhãn)

Hai mắt lớn nhỏ không đều nhau hoặc có hình dạng khác hẳn nhau. Mắt có mục quang và nhìn người hay liếc ngang.

Người có cặp mắt âm dương rất nham hiểm nhưng bề ngoài lại rất hoà nhã khôn ngoan. Nếu Ngũ Quan toàn hảo, người có mắt âm dương rất dễ thành công trên thương thường và dễ giàu có.

18. Mắt ngái ngủ (tuý nhãn)

Đầu mắt nhọn và cong xuống, đuôi mắt hẹp, dài không rõ, Ngư Vĩ có nhiều nhánh ngang và đi xuống; hai mí mắt trên và dưới rõ rệt. Lòng trắng không rõ vì pha lẫn màu hồng và vàng, tròng đen mờ ảo, đồng tử đục và không thần lúc nào cũng lờ đờ, đỏ ngầu như người say rượu hoặc nhẹ hơn giống như người ngái ngủ. Ánh mắt lúc nào cũng có vẻ đen xạm.

Bất cứ nam hay nữ có ánh mắt này cũng thuộc loại gian dâm, thọ mạng ngắn ngủi, tinh thần bạc nhược, không làm nên được điều gì đến nơi đến chốn.

19. Mắt dê (dương nhãn)

Hình dạng mắt tròn, đầu nhọn, đuôi lớn, mí trên dài và rõ, mí dưới không rõ, tròng đen hỗn tạp, đen ít vàng nhiều. Đồng tử mờ như có lớp vải hay sương mỏng che phủ. Toàn thể mắt trong không có vẻ thanh nhã. Đặc biệt loại mắt dê có nhãn cầu rất nhỏ, lòng trắng rất nhiều và đục.

Về phương diện Giám sát quan mắt dê thuộc loại bất thành tựu. Nếu Ngũ Quan toàn hảo, cốt cách khá thì cũng được hưởng lộc nhỏ trong một khoảng thời gian nhưng không trọn vẹn. Từ trung vận trở về sau, càng ngày càng xấu.

20. Mắt cá (ngư nhãn)

Hình dáng mắt khá đều dặn, Ngư Vĩ chẻ làm thành hai nhánh trông giống như đuôi cá. Hai mí mắt rõ, dài và đầu trông như giao nhau. Mắt lộ và lúc nào cũng ướt mà lịa không sáng, ánh mắt nhìn có vẻ bất định lúc xa lúc gần.

Về phương diện Giám sát quan mắt cá thuộc loại bất thành tựu vì không có thần và lộ. Người có mắt cá không thọ.

 

21. Mắt heo (chư nhãn)

Mắt có nhiều nếp xếp mở rộng và rõ ở cả trên lẫn dưới khuôn mắt, Ngữ vi sâu và ngắn. Tròng đen và lòng trắng không rõ, vì toàn thể tròng đen, lòng trắng và đồng tử bị lớp màng mỏng như sương mù bao phủ.

Đặc trưng của mắt heo là không có thần nên được xếp vào loại bất thành tựu. Người có cặp mắt heo là kẻ có tâm tính thô bạo, không biết cân nhắc lợ hại. Nếu Ngũ Quan toàn hảo thì cũng có thể có một thời gian phú quý nhưng bạo phát bạo tàn dễ phạm tội mà tan hoang cơ nghiệp, nguy đến bản thân. Mắt heo thuộc loại mắt lộ (khoảng đầu và đuôi mắt rất sâu so với giữa) nên thích hợp với người hình Hoả. Chỉ trong trường hợp này mắt heo mới đắc cách và có thể bạo phát được nhưng rồi kết cục chẳng lành.

22. Mắt ngựa (mã nhãn)

Hình dáng mắt rất tròn ở khoảng giữa, đầu và đuôi mắt nhọn và sâu, bờ mắt đầy, mắt lộ và thuộc loại mắt Tam bạch không khóc nhưng lúc nào cũng ướt đầm như đang khác, mặt lúc nào cũng như nhăn nhó bực bội.

Mắt ngựa thuộc loại cực xấu không có gì đáng nói. Người có cặp mắt ngựa là kẻ suốt đời bôn ba lại hình thê khắc tử.

23. Mắt bồ câu (cáp nhãn)

Hình dáng mắt nói chung tròn đẹp, mí trên rõ, mí dưới mờ nhạt, nhãn cầu tương đối tròn và nhỏ tiếp xúc vừa vặn với hai bờ mắt; lòng trắng đôi khi pha màu vàng rất nhạt. Mắt bồ câu được xếp vào loại Giám sát quan trung cách. Nếu Ngũ Quan toàn hảo, mắt bồ câu biểu tượng cho cuộc sông vinh hiển. Những kẻ có mắt này thường thuộc loại tâm tính thực ít hư nhiều, khó tin cậy. Đặc tính trội nhất về tâm hồn của mắt bồ câu là hay dâm loạn bất kể là nam hay nữ; mắt càng sáng thì đặc tính dâm loạn càng phát triển, nếu mắt ướt thì có thể đi đến cuồng dâm.

24. Mắt rắn (xà nhãn)

Khuôn mắt nhỏ tròn hơi lộ, tròng đen nhiều hơn lòng trắng, lòng trắng pha màu hồng. Mi trên có ít nhất hai nếp xếp, mi dưới có một và kéo dài quá đuôi mắt. Ngư Vĩ dài và kéo dài một khoảng trước khi tẽ ra làm hai nhánh như đuôi cá.

Mắt rắn biểu hiện tâm tính ác độc tự nhiên dù là đối với cha mẹ, vợ hay con cái.

Mắt càng sáng thì cá tính đó càng bộc lộ rõ rệt. Tuy nhiên nếu phối hợp đắc cách, cốt cách và Ngũ Quan toàn hảo không khuyết hãm thì mắt rắn có thể thành đạt được nhưng là loại bất khả giao hữu, vì ngoài tâm tính độc ác, kẻ mắt rắn rất xảo quyệt trí trá khôn lường.

 

25. Mắt chó sói (lang nhãn)

Khuôn mắt vừa phải, đầu mắt thấp, đuôi mắt cao, Ngư Vĩ thẳng và hướng lên, mí trên dài quá mắt; lòng trắng co màu vàng nhạt. Mắt sáng, nhìn người như thôi miên kẻ đối diện khiến kẻ đó phải khiếp phục. Mắt sói tuy xấu về phương diện đạo đức nhưng là loại mắt có chân quang nên tùy theo phương diện đạo đức hay mục thần mà người ta xếp vào loại Giám sát quan thành tựu hay bất thành tựu.

Phối hợp với Ngũ Quan toàn hảo, mắt sói có thể đại thành đạt vì kẻ mắt soi là kẻ cương quyết, khôn ngoan nhiều khi có thiên tư lãnh đạo người khác nên sự nghiệp dễ thành đạt. Tuy nhiên bản chất của mắt sói là tham lam hung bạo cuồng loạn nên dễ làm liều, bạo phát bạo tàn nên dù dễ thành đạt nhưng cũng khó bền lâu; ít khi trọn vẹn cả cuộc đời.

26. Mắt loan (loan nhãn)

Hình thể mắt thuộc loại lớn về nhãn cầu, đầu và đuôi mắt nhọn, phía đầu mắt rất thấp so với đuôi mắt. Mí mắt trên đẹp và rõ, dài quá khuôn mắt, mí dưới đầy đặn và không rõ rệt. Nói chung hình dáng mắt hơi dài so với chiều ngang. Ánh mắt sáng và không thiên lệch.

Mắt loan thuộc loại mắt quý. Nếu hội tụ đầy đủ các điều kiện như Chuần Đầu lớn và tròn, mày thanh mắt sáng dáng đi mau lẹ, lời nói êm dịu khôn khéo, thì từ trung vận trở đi kẻ có mắt loan dễ dàng được đại dụng, khai thác được thời cơ thành đại phú.

Kẻ đắc cách mắt loan với điều kiện kể trên tối kỵ phối hợp với tướng ngũ lộ ngũ đoản. Trong trường hợp xung khắc cách cục kể trên thì Mắt loan mất hết giá trị.

27. Mắt cò (lộ tư nhãn)

Mắt nhỏ không có mí mắt rõ rệt, đầu và đuôi mắt đều nhọn, tròng đen khá nhiều, lòng trắng có màu vàng nhạt.

Mắt cò được xếp vào loại giám sát quan bất thành tựu.  Tuy nhiên mắt cò đi với Lông Mày ngắn và thưa, thân hình cao gầy sắc da mịn sạch (không bao giờ có phấn tiết ra), lúc đi đứng thì chân tay giao động hơn cách người khác thì đó lại là kẻ đắc cách. Kẻ đắc cách thì tính tình thuần lương cao kiết không ưa cạnh tranh tiền bạc. Cho nên tuy ngẫu nhiên mà có tiền bạc nhưng cũng không giữ được trọn vẹn lâu bền.

28. Mắt tê giác (phục tê nhãn)

Mắt thuộc loại lớn về hình dáng, đầu mắt nhọn và ở gần vị thế ngang với đuôi mắt. Ngư Vĩ ngắn, rõ và có khuynh hướng đi ngang chứ không cong. Mí mắt trên đẹp và rõ, mí mắt dưới hoặc không rõ hoặc rất ngắn. Nhãn cầu ở mức trung bình, ánh mắt sáng vừa phải và từ ái, tròng đen lòng trắng phân minh.

Mắt tê giác thuộc loại mắt quý giá trị tương đương mắt voi. Mắt tê giác muốn hoàn toàn đắc cách phải đồng thời:

- Đi đôi với Lông Mày ngắn, đậm, đẹp
- Tai có sợi lông mọc dài ở bên trong
- Thân hình đầy đặn, hợp cách cục (thổ hình thân)

Mắt tê giác thường biểu hiện chi thanh tịnh, tao nhã. Khi hoàn toàn đắc cách ngoài quý  còn được hưởng giàu sang no đủ. Mắt tê giác chỉ đại quý thọ chứ không đại phú. Loại mắt này tối kỵ với người hình Hỏa.

29. Mắt nai (lộc nhãn)

Mắt cờ trung bình đầu mắt nhọn và ngang bằng đuôi mắt, có hai mí mắt đẹp và rõ. Nhãn cầu lớn ánh mắt sáng dịu và có vẻ ngỡ ngàng xa lạ, tròng đen lòng trắng rõ ràng.

Mắt nai thuộc loại mắt quý vì có thần quang. Phối hợp với người hình Mộc, dáng đi nhanh nhẹn, mắt nai biểu thị tính cương nghị, háo nghĩa, ưa phóng khoáng không ham danh lợi vật chất.

30. Mắt vượn (viên nhãn)

Mắt cỡ trung bình hơi tròn ở khoảng giữa, nhãn cầu khá lớn tròng mắt hơi có màu vàng; bờ mắt phía trên có nhiều lằn xếp, khi nhướn mắt thì phía trên trông rõ lòng trắng. Mắt vượn được xếp vào loại Giám sát quan thành tựu vì có chân quang. Điều kiện phối hợp như mắt khỉ nhưng sự thành đạt kém về mặt thực chất. Kẻ có mắt vượn đắc cách cục bộ vị hình thể thì có trí tuệ sâu sắc thông minh nhưng không được chuyên cần, đa nghi, dễ nổi danh về học vấn.

31. Mắt tôm (hà nhãn)

Mắt hơi nhỏ, Ngư Vĩ dài mà cong về phía trên,  đầu mắt không nhọn và ngang với đuôi mắt, mí mắt trên dài và đẹp, mí mắt dưới không rõ.

Về phương diện phối hợp mắt tôm thuộc lạo trung cách hay liệt cách tùy theo nó phối hợp với người hình Hỏa hay Thuỷ đới Mộc.

Phối hợp với người hình Hỏa (tướng ngũ lộ) mắt tôm biểu thị cho sự cực nhọc, khốn khổ, thànhít bại nhiều, non yểu.

Phối hợp với người hình Thủy đới Mộc thì lại dễ dàng đắc cách, gần vãn niên được hưởng vinh hoa phú quý nhưng không trường thọ.

 

32. Mắt gấu (hùng nhãn)

Mắt tròn và có nhiều nét giống mắt heo tuy nhiên mỗi bờ mắt chỉ có một mí, mí dưới giao đầu với đuôi mắt. Ánh mắt mờ ảo không có thần.

Cũng như mắt heo mắt gấu được xếp vào loại bất thành tựu, phối hợp bất cứ loại hình thể nào cũng không thay đổi được cá tính và vận mạng.

Kẻ có mắt gấu là kẻ có sức nhưng ngu độn, hung bạo không biết suy tính lợi hại nên luôn luôn rước lấy thảm họa. (hầu hết bọn lục lâm thảo khấu có mắt này ít kẻ chết an lành hay trường thọ)

33. Mắt én (yến nhãn)

Đầu và đuôi mắt đều nhọn và ở vị thế ngang nhau, Ngư Vĩ ngắn và rõ, nhãn cầu lớn có hai mí rõ rệt. Mắt sâu, tròng đen và lòng trắng rõ ràng và sáng.

Mắt én thuộc loại giám sát quan trung bình, đi đôi với loại người Miệng nhỏ, Môi hồng, khi đi đầu thường hay lắc lư là đắc cách. Kẻ đắc cách yến nhãn: thường nói năng chuẩn xác tín nghĩa, nhưng phát đạt chỉ ở mức bình thường, khéo léo nhưng thường gặp cảnh lao đao, hiếm con.

34. Mắt cua (giải nhãn)

Mắt tròn lộ  tứ bạch không có mí rõ rệt. lòng trắng hoặc pha xanh hoặc pha hồng, mắt thuộc loại mắt lồi.

Đây là lọa giám sát quan bất thành tựu, phối hợp với hỏa hình nhân thì còn khả trợ. Người có mắt hình cua tính tình ưa lông bông phiêu bạt, không có tinh thần gia đình, sống ngày nay không biết đến ngày mai; đầu óc ngu độn nên khó thành sự nghiệp.

35. Mắt mèo (miêu nhãn)

Hình dáng trông tương tự mắt cua nhưng đầu và đuôi mắt nhọn, có hai mí rõ rệt và nhãn cầu trung bình, mắt không lộ; về màu sắc lòng trắng mắt mèo hơi vàng.            

Mắt mèo được xếp vào loại giám sát quan thành tựu trung cách phối hợp với người loại hình thuỷ đắc cách nhất, với loại hình thổ tạm được. Kẻ có mắt mèo đắc cách tính tình nhu thuận, có tài có chí nhưng tính nết nhã đạm, thanh cao không ưa danh lợi, vật chất nên không thích hợp với hoạt động doanh thương.

36. Mắt diệc (chác cô nhãn)

Tương tự như mắt có nhưng ngắn hơn một chút. Về mặt vận mạng, Mắt diệc tương tự như mắt cò