Tàu vừa chạy, người người đứng chen chúc sát vào nhau như cá hộp. Thỉnh thoảng, họ phải tránh đường cho những đứa bé bán trà đá hay thuốc lá đi ngang. Học trò Hạ thường là một hay vài đứa trong những đứa bé này. Hạ vội cuộn vé tàu và tiền vào cánh tay áo và gấp nó lên. Những đứa học trò hay buôn bán trên tàu thường kể cho Hạ nghe những chuyện cướp hay các vụ rạch các túi xách, móc túi trên tàu của những kẻ bất lương cho nên Hạ phải giữ gìn cẩn thận cái số tiền nho nhỏ mà Hạ có được. Lặng yên nhìn cảnh vật thụt lùi đằng sau và nghe tiếng xình xịch của đoàn tàu, Hạ thầm mong khi đến Phan Rí hay Phan Rang sẽ có người xuống tàu và sẽ có chỗ ngồi cho đở mỏi chân.
Khoảng tám giờ tối, Hạ ra khỏi ga Nha Trang. Buổi tối đi bộ trên những con đường về nhà, Hạ cảm thấy như người tha phương trong thành phố lạ. May mắn thay, tối hôm ấy trên con đường đến nhà Hạ có đèn. Những ngày này các khu vực trong thành phố có hôm có điện, có hôm chỉ có vài ánh đèn dầu leo lét.
Đến cổng nhà, Hạ cố giữ cho chiếc khoen cài không gây tiếng động. Khép cánh cổng lại, Hạ đặt chiếc khoen trở lại vị trí cũ. Hai cánh cửa của nhà bác cả khép kín. Từ lúc thất nghiệp, bác gần như ở vào thế giới riêng biệt và không muốn tiếp xúc với bất cứ người khách nào. Căn nhà lớn trông thật là hoang vắng. Hạ đi thật nhẹ qua bụi hoàng anh, hoa lài, dâm bụt, cây vú sữa, cây dừa, rồi đến nhà bếp của má tìm chỗ bí mật của chiếc chìa khóa nhà. Giờ này có lẽ mấy con chó trong nội đang ăn tối, cho nên chúng không biết Hạ về.
Bật công tắc điện lên, Hạ bồi hồi khi nhìn những vật dụng trong nhà. Tất cả đều y nguyên như vị trí Hạ từng sắp đặt. Tuy nhiên, mọi thứ đều bị bụi bám đầy. Mấy ngày này, có lẽ Thảo Vy đi dạy xa chưa về, còn má Hạ đã về quê ngoại. Hạ quét vội nền nhà rồi ra giếng xách nước vào lau nhà và bàn tủ. Hạ có thói quen nằm trên nền xi măng và nhìn lên các mái ngói trên trần nhà. Hạ cũng thích nhìn ngọn đèn điện bóng dài trên cây gỗ đòn dông và nhìn ánh sáng nhạt trên màu xanh ngọc của những bức tường, nơi mà thỉnh thoảng những con thằn lằn bò qua lại cắn đuôi nhau.
Nền nhà vừa khô nước, Hạ quẳng chiếc gối xuống và định bụng sẽ ngủ một giấc tới sáng dưới ánh đèn “néon”. Vừa đặt được chiếc lưng xuống, đã nghe tiếng gõ cửa vang lên, Hạ chép miệng, nghĩ thầm, “Cô Út gọi vào ăn cơm.”
Vẫn nằm yên, Hạ nói thật lớn:
- Con không ăn cơm đâu cô ơi. Con muốn ngủ thôi.
Không có tiếng trả lời, nhưng tiếng gõ cửa vẫn tiếp tục vang lên. Hạ uể oải đứng dậy, bước đến cửa, mở cái khoen cài. Đẩy cánh cửa ra, Hạ cằn nhằn:
- Con không muốn ăn cơm, con...
Chưa hết câu Hạ phải im bặt vì sửng sốt. Người đang đứng trước mặt Hạ là Quân. Hạ tròn mắt nhìn anh ta như thể mình đang ở trong mơ.
Vẫn khuôn mặt linh lợi và giọng nói tự tin ngày xưa:
- Không mời vào nhà sao?
Hạ chớp mắt, nói ngập ngừng:
- Mời vào.
Vội vàng nhặt chiếc gối lên, Hạ ôm ghì nó vào bụng, rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện trước mặt anh ta mà không biết mở lời ra sao.
Vẫn thái độ tự nhiên và bình thản như xưa, Quân hỏi:
- Khỏe không?
Hạ gật đầu và ngơ ngẩn. Từ nhà nội qua đến nhà Hạ là khu vườn rộng. Những con chó nhà nội rất dữ. Chúng không để bất cứ ai vào đến nhà Hạ dễ dàng, thế mà không hiểu sao anh ta có thể đi ngang khu vườn của nội. Chưa biết mở đầu thăm hỏi ra sao đã nghe tiếng cô Sáu gọi ngoài vườn:
- Hạ hay Vy về đó? Vào ăn cơm đi con.
Hạ cau mày, không đứng dậy, cũng không trả lời cô. Giờ này mà cô Sáu vào nhà bắt gặp chỉ có Quân và Hạ chắc hẳn Hạ sẽ bị hiểu lầm. Lúng túng không biết phải làm sao thì cô Sáu đã bước vào nhà cùng mấy con chó:
- Con mới về hả Hạ?
- Ủa! Quân mới xuống hả con?
Tròn mắt vì ngạc nhiên, Hạ chăm chú nhìn hai người. Ngạc nhiên hơn, khi mấy con chó dữ tợn của cô Út vẫy đuôi quấn quít xung quanh chân Quân. Cô Sáu nhấc chiếc ghế ngồi cạnh Quân, thân mật:
- Me khỏe không con? Mấy hôm trước, me con còn rảnh để xuống thăm o, còn dạo ni o không thấy me con nữa. Ba làm cảnh sát chắc bị “học tập” lâu lắm.Tội nghiệp cho me con ghê! Lo cho đàn con lại còn lo cho chồng. Thời buổi này mà lo cho nhiều người đâu phải là dễ.
Quay sang Hạ, cô nói không ngừng:
- Hạ biết không, me Quân là bạn thân của cô đó. Khi còn đi học, hai cô thương nhau lắm. O Hạnh, me của Quân, tốt lắm con à!
Hạ chưa biết nói sao, cô lại nói tiếp:
- Thôi con nói chuyện với Quân đi, chập nữa vào ăn cơm. Lâu ni Vy nó không về, còn mạ con thì cứ lo mót lúa ngoài Tuy Hòa chứ buôn bán giờ không được nữa.
Vừa nói xong cô đứng dậy nhắc chiếc ghế lại vị trí cũ:
- Quân ngồi chơi, o phải vào nhà làm bánh. Cho o gửi lời thăm me nghe con. Hôm nào rảnh o nói nhiều hơn. Hạ tiếp bạn xong, vào nhà trong chào nội và ăn cơm nghe con.
Cô Sáu vừa khuất dạng, Hạ cau mày hỏi ngay:
- Vì sao cô Sáu biết Quân?
- Quân thường xuống nhà Hạ chơi nên gặp cô Sáu. Hỏi lòng vòng mới biết me Quân và o Sáu là bạn thân ngày xưa.
Hạ nhìn anh ta không chớp mắt:
- Quân xuống đây chơi với ai?
- Với Thảo Vy. Thời gian Vy chưa đi thực tập.
- Hạ tưởng Quân đã đi rồi.
Quân ngơ ngác:
- Đi đâu?
- Đi Mỹ. Có quá nhiều người trốn đi vượt biển. Thành phố Nha Trang bây giờ mất rất nhiều người. Hạ không biết ai còn, ai đi.
Im lặng một lúc, Hạ nói tiếp:
- Lâu lắm Hạ không liên lạc với bạn bè xưa. Hạ hề không biết tin bạn cũ ở xóm Nguyễn Hoàng và Phước Hải. Quân có thường gặp Anh không?
- Anh đã lập gia đình. Gặp nhau làm gì?
- Còn Anh Thư thì sao?
- Lấy chồng giàu lắm, bây giờ chắc đi Mỹ rồi.
- Còn Quân làm gì?
- Công nhân cho nhà máy điện.
Hạ đưa ngón tay vẽ nghệch ngoạc trên miếng trải bàn, thầm nghĩ: Chuyện của anh ta giống như tiểu thuyết. Người yêu bỏ đi lấy chồng, chán đời, buồn tình, đi tìm người quen cũ. Hạ có đang là “người quen cũ” của quyển tiểu thuyết “cải lương chi bảo” này không?
- Đan Hạ có muốn ra phố với Quân ăn chút gì không? Quân hỏi.
- Không! Hạ chỉ về thăm nhà chứ không muốn đi đâu.
Ngừng một lúc, Hạ nói tiếp:
- Hạ muốn ngủ sớm để sáng sớm ngày mai Hạ đi tàu vào lại Sông Mao.
Quân ngạc nhiên:
- Hạ chỉ về nhà vài giờ thôi sao?
Hạ nhìn thẳng vào mắt anh ta:
- Phải! Khi nào nhớ nhà, Hạ chỉ về vài giờ rồi trở lại Sông Mao.
Quân đứng lên:
-Vậy Quân về cho Hạ nghỉ.
Khi đưa Quân ngang khu vườn và chờ anh ta lấy xe, Hạ để ý anh ta kỹ hơn. Khuôn mặt đẹp, cương nghị đàn ông và dáng cao ráo đã tạo cho anh ta cái vẻ phong trần. Vậy mà bao nhiêu lâu nay, chưa bao giờ Hạ có ý nghĩ nỗi buồn riêng của Hạ xuất phát từ cái bề ngoài này.
Tiễn Quân về xong, Hạ mới cảm thấy cô đơn. Thay vì vào nhà nhìn ánh đèn “néon”, và những con thằn lằn, Hạ gieo mình trên chiếc võng giữa vườn để nhìn những tán lá của cây vú sữa, những tàu lá dừa đu đưa trong gió, và chiếc sạp gỗ bán hàng trái cây của má. Chiếc sạp gỗ này được đặt nằm cạnh gốc vú sữa từ lúc má buôn bán thua lỗ vì ế ẩm. Nhìn nó, Hạ thấy nhớ má nhiều hơn.
Từ lúc buôn bán thất bại và không còn đủ vốn, má đã làm thuê cho bà dì Tư. Năm ngoái, khi Hạ được dịp về thăm nhà là lúc má đưa một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa chợ về. Tất cả hàng xóm đổ xô đến nhà Hạ thăm thằng bé. Nhìn đứa bé trai non nớt trong chiếc khăn, Hạ thích thú xin má ẵm nó ngay. Mọi người xúm xít, hỏi han má đủ chuyện:
- Chị thấy nó ở đâu vậy?
- Tôi và chị Tư chủ xạp trái cây nghe tiếng oe oe trong chiếc sọt giỏ trái cây, tưởng đâu là con mèo.
- Đến khi mở ra mới thấy là đứa nhỏ này. Nó chưa rụng rún mấy chị ơi!
Mọi người chép miệng:
-Tội nghiệp! Không biết mẹ nó bị làm sao mà lại bỏ con như vậy?
-Coi nè chị Năm, rún nó vẫn còn đỏ au chứng tỏ mẹ nó vừa sanh nó ra thôi.
- Thời buổi này nhiều người nuôi con không nổi nên phải đành vậy thôi.
Có tiếng cãi lại:
- Biết đâu được mà nói. Nhiều khi mẹ nó không có chồng mà lỡ có con thì sao?
- Ừ, có lẽ mẹ nó có hoàn cảnh hay nỗi khổ tâm nào đó.
-Chị Năm ơi! Rồi làm sao chị mua sữa cho nó bú? Sữa bây giờ không phải rẻ đâu nghe chị.
- Nội cái củi, chỉ còn không có tiền mua để chụm, phải xin vỏ dừa ở các hàng bán dừa, huống hồ gì sữa.
- Còn vụ áo quần em bé nữa chứ! Chị em nào gần đây biết ai có con nhỏ, xin ít quần áo cũ cho chỉ, để chỉ cho nó mặc đi.
- Chưa bao giờ Hạ có em trai. Một đứa bé sơ sinh trai nhỏ nhắn, dễ thương với hoàn cảnh tội nghiệp đã làm cho Hạ thấy thương và ôm nó chặt hơn. Thời gian này nuôi một đứa bé thật sự khó khăn cho những người nhà nghèo. Đúng như mọi người bàn tán, gia đình Hạ không thể nào nuôi nó giống như hoàn cảnh khó khăn nào của mẹ ruột của nó vậy. Mẹ đứa bé này là ai? Bà ta có nỗi khổ tâm gì mà phải bỏ đứa con ngây thơ tội nghiệp như thế này? Tò mò tìm hiểu, Hạ mở cái khăn quấn để rờ được bàn tay của nó. Thằng bé bất chợt mở mắt ra và chu miệng mút lấy mút để rồi cất tiếng khóc to. Hạ vội vàng vuốt nhẹ trên ngực và bụng của nó. Bộ đồ nó mặc có viền rất sang. Trước khi đưa nó sang cho má, Hạ còn cẩn thận xem xét dấu tích trên chiếc khăn lông thêu hy vọng tìm được tên của mẹ đứa bé. Hạ căn dặn:
- Má nhớ giữ những vật mà nó có hiện giờ để sau này tìm mẹ cho nó nghe má.
Đứa bé khóc to như khát sữa. Những người hàng xóm tốt bụng thi nhau tìm các bình nhựa và sữa cho nó.
Người hàng xóm cạnh nhà Hạ nói:
-Chị Năm à! Trên phố Độc Lập có cặp vợ chồng giàu lắm mà không có con cái gì cả. Chị cho họ đứa bé này đi. Bây giờ mà nuôi con nhỏ cực lắm.
Người khác chen vào:
-Chị có hai đứa con gái lớn lâu lâu đi làm xa mới về. Nuôi nó, người ta sẽ dị nghị là con gái chị đã chửa hoang rồi đóng kịch. Chị nên cho người ta nuôi đi. Miệng đời mà...
Thấy má ôm ghì đứa nhỏ cho bú mà không trả lời, Hạ nhắc:
- Má có nghe bác Tám và bác Hai nói gì không?
Má bực bội:
- Nghe rồi! Nhưng ai muốn nói gì nói. Trời cho tôi gặp nó thì tôi nuôi. Biết ai giàu? Biết họ ở đâu mà tìm đưa cho họ? Hơn nữa, giàu mà họ có tốt không?
Nhìn đứa bé ngoan ngoãn nằm bú, Hạ thấy thương và muốn giữ nó như má, nhưng nhớ đến những ngày tháng cơ cực, Hạ cảm thấy cần vất đi nỗi ích kỷ và ham muốn của cá nhân.
Chờ mọi người về hết. Hạ khuyên má:
- Má nên tìm người giàu có và lương thiện để giao cho họ nuôi, cho nó có cuộc sống sung sướng hơn.
Má Hạ nổi nóng như thể ai muốn bắt đứa con ruột của bà:
- Má nuôi nó! Trời cho má gặp nó thì nó là con của má. Ai nói gì thì nói, má vẫn nuôi nó.
Hạ tức giận:
- Nó không phải là con của má. Má muốn giữ nó chỉ vì má không có con trai. Má muốn giữ nó là vậy!
- Cho con ăn học khôn lớn để bây giờ nói với mẹ những lời này phải không? Tôi biết cô bây giờ đủ lông, đủ cánh nên dạy lại tôi.
Hạ nhỏ giọng hơn:
- Má nghĩ coi, cuộc đời của má không sung sướng được thì tại sao má lại giữ nó sống theo cái khổ của má? Tại sao má không để cho nó có điều kiện ở với những người giàu có, để nó được sung sướng hơn?
Má la to:
- Bây giờ cô là cô giáo rồi cho nên cô muốn dạy ai thì dạy. Con mà dạy mẹ! Tốt lắm đó!
Hạ tự ái khi nghe những lời nói này và không thèm đề cập gì về quyết định của má nữa. Hôm ấy, Thảo Vy không có ở nhà, thành ra, Hạ chẳng biết phân trần hay tâm sự cùng ai. Chiều theo ý má, khi trở lại Sông Mao, Hạ thường gửi tiền và nhu yếu phẩm giúp má nuôi bé Trực. Xong thực tập lao động, Thảo Vy về ở với má và Trực. Con nhỏ thường viết thư kể cho Hạ nghe mọi sinh hoạt trong gia đình. Qua thư Vy, Hạ thấy thương má và Trực nhiều hơn.
Gió đêm lành lạnh như giục Hạ trở vào nhà. Khi cánh cửa khép lại, cô đơn với mọi vật xung quanh, Hạ thấy nhớ má, nhớ Thảo Vy, nhớ bé Trực. Hạ mong gặp lại tất cả những người trong gia đình Hạ, nhất là con nhỏ Thảo Vy để tra hỏi những gì xảy ra trong thời gian Hạ không có ở nhà. Chủ nhật tuần tới Hạ sẽ đón tàu về cho đến khi nào gặp được Thảo Vy và hỏi cho ra chuyện mới thôi.