Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm

Chương Chín

Nhưng, sự yên tĩnh của Hạ lại bị khuấy động. Hạ hết còn được ngồi một mình dưới gốc dương để thì thầm hay mơ mộng. Những hàng dương của trường Hạ bây giờ trở thành nơi cư ngụ của những người tị nạn Cộng Sản. Sân trường, lớp học không còn là nơi duy nhất dành cho các cô gái học sinh áo trắng ngây thơ mà lẫn lộn đàn ông, đàn bà, trẻ em với những đôi mắt hoang mang, khuôn mặt khắc khổ và áo quần lam lũ, xốc xếch. Trong khi những người tị nạn khiêng những chiếc ghế dài trong các lớp học để xếp lại thành chỗ nằm, giăng dây từ nhánh dương này đến nhánh dương khác để treo quần áo, và chia nhau từng khu vực trong sân trường để nấu ăn; cô hiệu trưởng và các giáo sư trong trường lăng xăng vận động chính phủ cứu tế cho họ. Các giáo sư, lúc này, hầu như không quan tâm nhiều đến kỷ luật của học sinh, cũng không tập trung tinh thần cho việc giảng dạy như trước đây. Mỗi lần vào lớp, các giáo sư chỉ đề cập về chuyện xin lương thực, áo quần và thuốc men cho những người tị nạn. Không một người nào có thời giờ để nói về chiến tranh hay giải thích những gì đang xảy ra, bởi vì mỗi lần thầy, trò gặp nhau, các giáo sư thường chia lớp thành từng nhóm để đi thăm những gia đình tị nạn và ghi lại những gì họ cần để báo cho nhà trường biết.

Hạ linh cảm có một điều gì đó chẳng lành. Bạn bè Hạ, cũng như Hạ không bao giờ quan tâm gì đến chính trị hay chiến cuộc, nhưng đến lúc ấy, sau khi thăm các gia đình tị nạn xong, đứa nào cũng chụm năm, chụm bảy bàn tán xôn xao. Thoạt tiên, cả bọn lấy tin từ nhỏ Thanh Trang, Trang “chính chị, chính em”. Con nhỏ thường nghe lén đài Việt Cộng nên biết rõ mọi sự: “Việt Cộng đã chiếm Buôn Mê Thuột, Pleiku và đang tiến vào Nha Trang.”

Mỗi ngày, số dân tị nạn vào trường Hạ ở ngày càng tăng và giờ học các môn của các lớp càng ngày càng giảm. Có những tiết học phải hũy bỏ vì không có phòng học, hoặc không có giáo sư. Bạn bè lớp Hạ rủ nhau đi xin xăm để biết hậu vận. Cả bọn lóc cóc đạp xe qua cầu Xóm Bóng, đến tận Tháp Bà cầu xin. Nhóm “Ngũ cô nương” không ai được như ý, đứa nào, đứa nấy chỉ được quẻ “Hạ Hạ” hay “Trung Bình” mà thôi. Dị đoan thì ít mà tình hình di tản càng lúc càng nghiêm trọng khiến cho mấy đứa con gái buồn não ruột.

Vài ngày sau, các lớp của trường Nữ Trung Học Huyền Trân bị dời sang trường Nữ Tiểu Học Nha Trang. Sự xôn xao di chuyển từ trường này qua trường khác và cảnh ba mẹ của bạn Hạ đến đón con về khi lớp đang học đã tác động nhiều đến sự lo lắng và bồn chồn của Hạ. Dần dà, lớp học của Hạ chỉ còn chín  người. Ngoài Hạ ra không còn một ai trong nhóm “Ngũ cô nương”  đến lớp. Hạ càng hoang mang và lo lắng hơn khi thấy cô giáo chủ nhiệm kiêm dạy việt văn của mình cũng chào tạm biệt để vào Sài Gòn. Hôm ấy tan học về sớm, đến nhà Hạ nghe tin gia đình cô Mỹ chuẩn bị đưa bà nội vào Sài Gòn. Bà con xa gần tụ tập tại nhà nội, xôn xao bàn tán về viễn ảnh tệ hại nếu thành phố bị chiếm và tình hình khó khăn khi di tản để phân tích nên đi hay ở. Phần lớn mọi người quyết định ra đi. Gia đình nào cũng tìm cách chạy vào Sài Gòn vì tin đồn: “Nơi chia đôi đất nước không còn là vĩ tuyến thứ mười bảy mà sẽ là Phan Thiết.”

Nghe mọi người bàn tính bỏ đi mà Hạ cảm thấy như mình bị bỏ rơi mà buồn muốn khóc. Hạ rất muốn chạy theo mọi người vào Sài Gòn để được sống với những người thân của Hạ, với bạn bè, với thầy cô như đã từng. Vì tài chính khó khăn của má, Hạ không thể đòi hỏi gì hơn. Nghĩ đến Thảo Vy, nghĩ đến giấc mơ của hai đứa, Hạ thấy trái tim mình như tê liệt. Nhìn má giày vò, than khóc, Hạ không bao giờ còn có hy vọng gặp lại đứa em gái duy nhất của mình nữa.

    Dồn dập các tin xấu đến: “Việt cộng sẽ tiến đến Nha Trang trong vài giờ”, “Tụi Việt cộng này có sức khỏe vô biên. Chúng có thể đu từ cành đu đủ này nhảy đến cành đu đủ khác”, “Chúng sẽ tẩy não những người dân miền Nam Việt Nam.”, “Chúng sẽ rút móng tay dài của những đứa con gái điệu đà và sẽ bắt những đứa con gái miền Nam gả cho phế binh Việt Cộng.”

    Những tin này hoàn toàn làm Hạ khủng hoảng tinh thần. Mặc cho mọi người xôn xao lo lắng, Hạ muốn đi một vòng thành phố trước khi Việt Cộng tấn công.

  Anh dường như là người bạn duy nhất của Hạ còn lại ở thành phố Nha Trang này. Con bé vẫn còn giữ cái lệ cũ là réo Hạ ơi ới ngoài bức thành:

  - Hạ ơi! Hạ ơi!

Hạ thò đầu ra bức tường thành:

- Ủa, không phải Anh đã đi rồi sao?

  - Đi không được vì bà ngoại Anh không muốn đi. Má Anh không nỡ để bà ngoại ở lại một mình.

  - Hạ muốn đi một vòng thành phố. Anh muốn đi cùng không?

    Anh gật đầu:

- Anh xuống gặp Hạ cũng vì lý do này.

    Như những lần trước, Anh đứng ngoài bức tường thành nơi cách xa cái cổng gỗ trước nhà bác cả để chờ Hạ ra khỏi nhà. Hôm ấy không như mọi hôm, Hạ ngang nhiên dắt xe ra khỏi khuôn viên nhà nội mà

không sợ sự kiểm soát nào. Những ngày này, người lớn trong nhà không quan tâm gì đến sự đi lại của Hạ. Tất cả tập trung nghe tin tức và các phóng sự của BBC hay VOA  gì đó. Hạ có thể tạo tiếng kêu của cái khoen gài cổng thật to mà không ai buồn để ý, kể cả hai con chó Jack và Jick.

  Như thói quen, Hạ và Anh đạp xe hướng về trường Nữ Trung Học Huyền Trân. Hôm ấy đáng ra là ngày mà tụi Hạ phải đến trường và ngồi trong lớp học, nhưng thời cuộc đã làm hai đứa lang thang ngoài đường. Con đường dẫn đến trường không còn thấy

những chiếc áo dài trắng thân thương mà còn lại chỉ là sự vắng vẻ đến kinh sợ. Những ngày này, mọi người thi nhau tìm cách rời thành phố, một số khác hoang mang không biết làm gì ngoài việc mua thực phẩm dự trữ và cố thủ trong nhà, cho nên đường dẫn đến trường hầu như không còn bóng người.

Thay vì xoay tay lái về phía đường Đinh Tiên Hoàng, Hạ và Anh tiếp tục đạp xe trên đường Bá Đa Lộc nơi mà trường Nam Trung Học Võ Tánh ngự trị. Dọc hai bên đường, hai hàng cây trước trường thẳng tắp dài hun hút đến tận đường biển Duy Tân. Các ngọn cây vươn cao vời vợi với cành lá sum suê đan vào nhau tạo thành một vòm cây rất nên thơ. Bọn con gái trường Hạ rất thích đi dưới con đường này bởi vì khi đi dưới vòm cây và nhìn biển xa xa trước mặt như thể đi vào động thần tiên. Tuy nhiên, bọn Hạ không bao giờ dám bạo gan đi trước trường Võ Tánh này khi trường có những đứa con trai quần xanh áo trắng. Bọn con trai “Võ Tánh” thích tập trung ở các quán chè trước cổng  trường để chọc các “nạn nhân con gái” đi ngang. Bọn Hạ thường kháo nhau là bọn Nam Trung Học Võ Tánh “mua đứt” đường Bá Đa Lộc vì ban ngày chẳng có “ma” con gái nào dám bạo gan đi qua lại. Bọn Nữ Trung Học Huyền Trân vừa sợ bị chọc vừa sợ bị hiểu lầm đi ngang để “điệu”, không ai bảo ai, để mặc cho bọn Nam Sinh Trung Học Võ Tánh làm chủ con đường dễ thương nhất Nha Trang. Được đi trên con đường này trong giờ trưa như thế quả là đặc biệt đối với hai đứa Hạ. Cái tĩnh mịch và vắng lặng trên con đường không tạo cho Hạ cảm giác sung sướng khi được tự do đi lại. Trái lại, nó khiến cho Hạ nhớ lại hình ảnh quần xanh,  áo trắng ngày nào và mong ước ngôi trường này sinh động ồn ào như xưa.

Anh đạp xe gần Hạ hơn và đưa tay với tới bàn tay trái của Hạ. Bóp mạnh vào nó, Anh nói:

- Hứa với Anh đi Hạ. Bất kể sau này như thể nào đừng bỏ nhau nghe.

Hạ nhìn Anh với tất cả thất vọng và buồn bã rồi lắc đầu. Hạ cảm thấy nhỏ bạn của Hạ thật tội nghiệp và đáng thương như bản thân của Hạ hiện tại. Làm sao Hạ có thể hứa với Anh được gì khi chính Hạ không hiểu những gì sẽ xảy ra cho Hạ trong những ngày sắp tới.

Im lặng đạp xe hướng về Cầu Đá, hai đứa gặp  Khánh, một trong ba người con trai mà trường Nam Trung Học Võ Tánh gửi sang học Pháp Văn với nhóm Pháp văn lớp 12C của Hạ.

Khánh hoảng hốt:

- Đến giờ này mà Anh và Đan Hạ còn ở đây sao? Việt cộng sắp tấn công vào thành phố rồi đó. Hoặc là về nhà, hoặc là tìm cách nào vào Sài Gòn ngay. Nếu không, thì không kịp nữa đó. Khánh về nhà lấy đồ để ra cảng Cầu Đá theo tàu vào Sài Gòn hôm nay.

  Hạ không muốn giải thích tình trạng của mình nên chỉ lắc đầu và yên lặng.  Anh hỏi:

  - Sao ở đây đông người quá vậy Khánh?  Mọi người tính đến Cầu đá để đu tàu vào Sài Gòn hả?

Khánh hấp tấp:

  - Một số thôi, còn lại là những người xuống kho vũ khí gần cảng Cầu Đá để lấy súng đạn. Người ta phá kho nạn từ tối hôm qua.

  Hạ thảng thốt:

  - Lấy vũ khí? Họ là thường dân mà lấy vũ khí để làm gì?

  Khánh nhún vai rồi lắc đầu:

- Có thể là để chống lại Việt cộng, có thể là để tùy thân hay là để tự tử. Nhưng mà thôi, Khánh phải đi đây. Đan Hạ và Anh nhớ cẩn thận. 

  Nhìn anh ta khuất bóng mà Hạ buồn vô hạn. Còn nhớ những ngày trường Hạ chưa phải dời các lớp học đến trường Nữ Tiểu Học Nha Trang, ba người con trai “tá túc” học Pháp văn thường lấp ló, chờ tất cả bọn con gái của trường Huyền Trân vào các lớp mới chịu thò đầu vào lớp. Hôm nào ba anh chàng may mắn thì vào lớp trước thầy nhưng xui xẻo gặp hôm thầy đã vào lớp thì thể nào cũng nghe thầy giảng đạo. Thật sự là vào lớp sau khi thầy đã có mặt quả là bất lịch sự, nhưng đối với ba người này, hình như cái sợ thầy la không át nổi cái sợ khi đi giữa đám con gái trong trường Hạ. Chiều nay người bạn này sẽ vào Sài Gòn và sẽ gặp những người bạn cũ “Huyền Trân”, “Võ Tánh”, và những người Nha Trang khác, còn Hạ và Anh mãi mãi không còn có cơ hội nữa.

Hai đứa quay đầu xe lại và đạp xe đi dọc đường biển. Giống như những con đường, biển cũng hoàn toàn bị bỏ rơi. Mọi người trong thành phố lo sợ cho số phận và tính mạng của họ hơn là suy nghĩ đến những sự xa xôi. Riêng Hạ, biển gợi lên niềm an ủi còn lại.

- Mọi người bỏ đi nhưng tụi mình vẫn còn có biển.

  Anh nhìn Hạ với ánh mắt biểu đồng tình.

  Dọc đường biển không còn những chiếc xe bán cóc, ổi, xoài ngâm cam thảo và  mực nướng. Cách hôm ấy vài ngày, Phong, người con trai thường hát “ngày nào cho tôi biết tương tư”  trong lớp học tư thục, chào từ giã Hạ để vào Sài Gòn. Do buổi học thêm ở trường Kim Yến không có thầy, anh ta mời Hạ ra biển nói chuyện. Dựng hai chiếc xe kề nhau xong, Phong mua hai trái cóc, rồi trao cho Hạ một trái. Dù không một tình ý gì, lời chia tay của anh ta như là sự mất mát lớn trong Hạ. Cắm quả cóc ngâm cam thảo được cắt khía năm cạnh xuống bãi cát, Hạ rưng rưng:

- Thôi mình đi về đi. Hạ chúc anh đi ngày mai gặp nhiều may mắn!

  Phong lặng lẽ cắm quả cóc của mình bên cạnh quả cóc của Hạ rồi nói:

  -Ừ! Thôi mình đi về!

  Đẩy chiếc xe Honda lên đường, Phong dừng lại và nhìn xuống bãi cát.

  - Đan Hạ nhìn lại xem! Hai trái cóc trên cát biển trông dễ thương không?

    Hạ quay lại nhìn chúng rồi nhìn anh ta và lắc đầu.

    -Mới chỉ vài ngày thôi mà bây giờ người bán cóc không còn thấy nữa, người mua cóc cũng đã ra đi xa và hai trái cóc có lẽ bị cát biển che lấp hết.

Hạ và Anh tiếp tục đạp xe hướng về đường phố Phan Bội Châu rồi Độc lập. Vài chiếc xe qua lại trên đường, vài người hấp tấp qua lại trên hè phố, các cửa tiệm đóng kín. Thành phố như đang từ từ chết trong sự hoang vắng và tiêu điều. Cuối đường Độc Lập hướng về phía Mã Vòng thì hoàn toàn ngược lại. Xe, người hoảng loạn, vội vã, chen chúc hướng về Quốc Lộ chính để tiến vào Sài Gòn. Anh nhìn Hạ với đôi mắt buồn bã và chán chường, rồi lên tiếng:

  - Anh muốn ghé thăm một vài người bạn xem họ còn ở lại không. Hạ ghé nhà Quân với Anh nghe? Anh không hiểu Quân đã đi Sài Gòn chưa?

  Hạ rất muốn nói “không” và từ chối nhưng vì sợ Anh đoán được sự thầm kín của mình nên im lặng tán thành.

 

 

 

 

 

 

Hạ còn nhớ cách đây một tuần, Hạ đã đến nhà chị họ của Anh ăn cưới. Chị Dạ Lan đã vội vã làm đám cưới với người yêu vì sợ những chuyện không may khi cuộc chiến xảy ra. Chồng chị là lính không quân nên đa số người dự tiệc là những người lính không quân rất cao ráo và đẹp trai. Một vài người ngồi cạnh Hạ rót rượư mời. Hạ ngần ngừ nhìn ly rượu trước mặt rồi nhìn người đối diện xa hơn. Hôm ấy Quân dự đám cưới một mình chứ không có Anh Thư. Anh ta nhìn Hạ với ánh

mắt chẳng thiện cảm gì. Hạ đưa ly rượu lên miệng để tránh bối rối. 

Quân long mắt và lầm bầm:

- Con nhỏ ngu!

  Những lời này làm Hạ điên tiết. Hạ liếc anh ta với cặp mắt thách thức rồi rủa thầm “Quyền gì?” Hạ bắt đầu nói chuyện và cười cợt với những người bên cạnh. Men rượu kích thích sự tức giận của Hạ thêm khi Hạ nhìn Quân. Hạ nâng chiếc ly rượu đầy ắp lên rồi nốc hết toàn bộ. Hai gò má của Hạ rần lên như chúng gần lửa. Hạ hiểu là mình không nên ngồi lâu ở tiệc cưới này vì men rượu sẽ làm Hạ say mèm. Hạ đứng dậy vội vã chào mọi người đi về. Đạp xe trên đường về, Hạ thấy lòng mình tê tái. Nhiều nỗi buồn hòa lẫn với men rượu gây Hạ cho Hạ choáng váng và đau thương. Đến góc chùa Nghĩa Phương, mọi vật trước mắt Hạ như mờ nhạt đi. Hạ cố gắng quẹo tay lái thật nhanh để mau đến nhà. Chiếc xe hơi bất thần thắng gấp trước mặt Hạ và người tài xế hét lớn:

- Đi xe kiểu này muốn chết hả?

Nước mắt Hạ dâng lên, miệng lẩm bẩm: “Phải về nhà! Phải về nhà!”

Dắt  được chiếc xe đến cổng nhưng Hạ không kềm chế được cơn say. Chập choạng trên lối đi, Hạ té sóng xoài bên cạnh chiếc xe đạp. Tiếng ngã của chiếc xe kèm với tiếng sủa của hai con Jack và Jick đã làm cho tất cả những người trong nhà Hạ chạy ra. Ái phụ má dìu Hạ lên giường. Hạ muốn giải thích với má một vài lời nhưng cổ họng đắng nghét vì rượu cùng thức ăn trong bụng cứ tuôn ra mãi không ngừng. Trước mắt Hạ chỉ là những cái bóng mờ nhạt và xung quanh là những tiếng nói văng vẳng. Đầu Hạ nhức như búa bổ. Mặc cho mọi người chăm sóc ra sao, Hạ thiếp đi. Sáng hôm sau, Hạ cảm thấy ái ngại khi đối diện với má và cảm thấy hối hận rất nhiều khi nghe những tiếng thở dài. Không thể giải thích được nỗi niềm đau khổ của mình, Hạ như rơi vào tận vực thẳm cô đơn. Nước mắt Hạ tuôn rơi đầy gối. Hạ muốn có thêm một giấc ngủ thật dài để được quên đi những gì xảy ra cho Hạ. Người ta nói rượu làm quên buồn, nhưng thực tế nó làm Hạ đau khổ nhiều hơn. Đầu óc quay cuồng, Hạ không xác định được sự đau khổ dâng tràn là do nỗi buồn cũ hay do cảm giác mất mát mà Hạ đang đối diện hàng ngày. Bao điều vô vọng tràn ngập khiến Hạ không thể hứa với mình điều gì ngoài một ý nghĩ cố gắng làm má không buồn lòng nữa.

 

 

*

 

 

 

 

Đến trước chiếc cổng sắt dưới giàn hoa giấy, Anh dừng lại. Con nhỏ nghiêng đầu, ngó xuyên qua các song chắn rồi lên tiếng:

  - Thưa bác, Quân có ở nhà không ạ?

  Người đàn ông đứng tuổi đang đứng dưới giàn nho, nheo mắt nhìn Anh qua các khung sắt rồi trả lời:

  - Có! Để tôi gọi nó.

  Anh liếng thoắng:

- Ba của Quân đó! Vậy là Quân vẫn còn ở lại

  Hạ cảm thấy hồi hộp khi Quân xuất hiện trước cổng. Lẳng lặng theo hai người, Hạ bước vào căn phòng khách. Căn phòng khá đẹp nhưng sự bài trí thật đơn giản và không hòa hợp. Những ngày này mọi nhà trong thành phố cố gắng tạo ra cái vẻ thật nghèo nàn để tránh sự để ý của những người tấn công vào miền Nam. Nhớ cảnh dọn dẹp của mấy cô ở nhà, Hạ bật cười. 

Quân nhíu mày nhìn Hạ cười với vẻ rất ngạc nhiên, rồi cất tiếng hỏi:

- Chưa đi sao?

Hạ nhìn thẳng vào mặt anh ta, rồi nhìn Anh mà không trả lời. Con nhỏ ríu rít nói đủ chuyện: nào là lính mũ đỏ về thành phố nhưng đã rút đi cả, nào là thiên hạ phải dùng những phương tiện nào để vào Sài Gòn, đứa bạn nào đã rời thành phố và đi lúc nào, bằng cách nào. Loáng thoáng qua đối thoại, Hạ lờ mờ hiểu rằng bạn bè của hai người bỏ đi rất nhiều, trong đó có cả Anh Thư.

    Hạ lơ đễnh nhìn xung quanh căn phòng rồi lên tiếng:

- Mọi người đều bỏ đi. Buồn quá!

Quân lạnh lùng và cộc lốc:

- Buồn à? Có muốn mượn cái này không?

Quân bước vào phòng bên cạnh rồi trở ra với một vật đen thùi trên tay. Đặt chiếc súng lục trên bàn,

Quân nói:

  -Nếu buồn và muốn tự tử tôi cho mượn khẩu súng này!

  Hạ nhìn khẩu súng với vẻ khiếp sợ, nhưng cố trấn tĩnh với nụ cười nhạt.

- Buồn vì cảm xúc trước những thay đổi bất ngờ chứ ngu gì phải chết vì buồn.

Quân lặng lẽ cúi đầu xuống và không đối đáp một lời nào. Hạ thấy ngột ngạt vô cùng vì sự im lặng của anh ta. Hối thúc Anh về, Hạ từ chối không viếng thăm người bạn nào nữa.