Vì yêu thích những người đại diện của trường cho nên Hạ không thể từ chối đi dự sinh nhật của Bích Lan. Bích Lan là bạn học cùng lớp Hạ. Cùng với Liễu, Bích Lan thường đại diện cho trường thi đấu vũ cầu đơn và đôi. Hạ ái mộ Bích Lan như thần tượng bởi vì con nhỏ luôn tạo cho Hạ một ấn tượng dễ thương với cái cười thật duyên và hình dáng nhỏ nhắn trong sân cầu.
Bích Lan khẳng định:
- Đan Hạ phải đến dự sinh thật của Bích Lan.
Hạ nài nỉ:
- Thôi đi, cho Hạ xin miễn lần này. Sinh nhật của Bích Lan có dạ vũ mà Hạ không biết nhảy làm sao mà đi? Quê lắm.
- Không chịu. Hạ nói Hạ không biết nhảy, không dám đi dạ vũ, sao Đan Hạ đi dạ vũ Công Hoan?
- Sao Bích Lan biết?
- Biết chứ, vậy là Đan Hạ phải đi dự sinh nhật của Bích Lan.
Hạ chưa kịp giải thích được gì thì con nhỏ đã bỏ đi. Anh vừa nhìn theo dáng đi nhún nhảy giận dỗi của con bé, vừa nói:
- Đan Hạ đừng lo! Lần này Anh sẽ không để Đan Hạ sợ như lần trước đâu.
Nghe tiếng gõ cổng, Hạ vội vàng chạy ra trước nhà. Một người con trai rất lịch sự:
- Xin lỗi đây có phải là nhà của chị Đan Hạ không?
- Phải, và Đan Hạ là tôi đây, anh muốn gặp tôi có chuyện gì?
- Chị Anh nhờ tôi chở chị đến dự sinh nhật của Bích Lan.
Hạ lo lắng hỏi:
- Anh không đi dự sinh nhật Bích Lan sao?
- Có chứ, nhưng vì không đủ xe nên Anh nhờ tôi chở chị.
- Được rồi, anh chờ tôi một tí.
Vội vàng chạy vào nhà lấy gói quà, Hạ đóng cửa, đi ngang khu vườn vắng và căn nhà im lìm của bác cả, rồi đến chiếc xe Vespa Sprint đang chờ trước cổng.
Hôm ấy, Hạ mặc chiếc áo bông ép vải mỏng màu trắng kiểu cổ tròn đơn giản, tay áo phồng và dài đến khuỷu tay. Cái quần ống “pát” màu hồng cánh sen nổi bật trên nền trắng của chiếc xe. Đi ngang Ngã Sáu của Nhà Thờ Núi, Hạ cảm thấy thích thú khi biết mình có dáng dấp rất ưa nhìn. Buổi chiều sẩm tối, đường vắng vẻ thưa người, đây đó chỉ một vài chiếc xích lô và xe đạp. Đường đến nơi Bích Lan tổ chức sinh nhật dài thật là dài, ra đến biển, ngang qua phi trường và cả công viên Trần Hưng Đạo. Trên đường đi, Hạ không dám nói gì và không biết mở lời ra sao. Vốn dĩ học trường toàn là con gái, không tiếp xúc thường xuyên với con trai, nói chuyện đã khó huống hồ hỏi chuyện. Hạ cũng không dám hỏi tên của người con trai này vì hình như anh ta đã giới thiệu tên ở cổng nhà mà Hạ quên mất.
Đến nơi, gặp được Anh và một số bạn của Hạ làm cho Hạ quên đi cảm giác ngột ngạt khi đi đường. Hôm ấy, nhóm “Ngũ cô nương” không đi cùng với nhau vì có nhiều người tháp tùng theo cuộc vui. Vân và Hoàng đi cùng Đoan Hạnh và Hương. Anh đi với Trang. Hạ thì đi cùng với một người Hạ chưa biết tên. Đây là lần thứ hai Hạ đi dự tiệc có khiêu vũ.Tuy nhiên, lần này Hạ không có cảm giác sợ sệt như lần trướcbởi vì người dự tiệc không phải ngồi gò bó, im lặng hoặc thì thầm như dạ vũ đầu tiên Hạ dự ở Công Hoan. Giữa khu cát biển rộng là căn phòng nhỏ nơi mà gia đình Bích Lan đặt chiếc bàn dành cho bánh sinh nhật và quà. Một vài chiếc ghế được đặt sát vào tường, chung quanh khoảng trống giữa phòng mà được coi là sàn nhảy. Chỉ vài người thân trong gia đình Bích Lan đứng trong phòng để tiếp khách, còn lại bạn bè trai gái tụ tập từng nhóm nhỏ ngoài sân cát. Đưa quà cho Bích Lan và chào vài người bạn xong, Hạ trốn vào một góc tối ngoài sân. Ngồi một mình trong tối, Hạ yên tâm và thú vị vì tin rằng không bị ai nhìn trong khi có thể quan sát mọi người ngoài sân cát hay trong phòng nhảy. Đây đó trên sân cát, một vài cặp thưởng thức vẻ man dại của biển đêm. Những nhóm khác tâm sự to nhỏ, rì rầm. Xa hơn chỗ Hạ ngồi, Đoan Hạnh và Hương đang trò chuyện với hai anh chàng nam sinh trườngVõ Tánh mới quen. Anh và Trang cười nói hồn nhiên với bạn gái của lớp.
Viễn, bạn Trang, và ban nhạc “Blue Sky” không tham dự nên dạ vũ của Bích Lan phải sử dụng “nhạc chết”. Khi nhạc trổi lên từ chiếc máy cassette, Bích Lan cùng với bạn trai biểu diễn những bước nhảy lả lướt để khai mạc dạ vũ. Chiếc váy ngắn của con bé tung phồng ra theo các bước xoay làm Hạ hình dung Bích Lan như tượng cô gái múa ba lê mà mỗi lần tết Trung Thu Hạ thường thấy bày bán trong các gian hang thủ công mỹ nghệ. Chủ nhân nhảy được nửa bản nhạc thì vài người lần lượt bước vào phòng nhảy để biểu diễn tài.
Khác với lúc dự dạ vũ Công Hoan, không một ai trong đám “ngũ cô nương” bước vào phòng khiêu vũ. Không có Viễn, Trang không nhảy với người lạ, có lẽ vì sợ bị hiểu lầm. Anh với nhóm bạn gái trong lớp tụ tập rì rầm trò chuyện, thỉnh thoảng cùng reo lên, vui cười nắc nẻ. Hai anh chàng nam sinh “tài tử” Võ Tánh, Vân và Hoàng, không hề nhảy bản nào mà “lợi hại” hơn là cả hai giữ Hương và Đoan Hạnh không cho họ có cơ hội bước vào phòng nhảy. Trên tay của bốn người này là bốn ly nước ngọt. Họ nói chuyện rì rầm và cười khúc khích như thể buổi tiệc sinh nhật hôm nay không có dạ vũ. Hạ cảm thấy lạnh vì những cơn gió đêm từ biển thổi vào, nhưng không muốn vào phòng. “Thà chịu lạnh còn hơn bị mời nhảy”. Chưa dứt được ý nghĩ, một bàn tay đưa mời trước mặt. Ngước mặt lên nhìn người con trai ấy, Hạ nhíu mày, lắc đầu, và thầm nghĩ: “Ngồi trong tối mà cũng không được yên.” Người con trai này bỏ đi, tiến đến nhóm bạn lớp Hạ, phân bua điều gì đó với Anh, thế rồi Anh đến bên Hạ.
- Đan Hạ, người mà mời Đan Hạ khiêu vũ vừa rồi là Quân. Anh ta là người chở Hạ đến đây đó. Quân hỏi Anh sao cùng đi đến đây mà mời Hạ không chịu nhảy.
- Ủa, anh ta là người chở Hạ đến đây sao? Hạ không nhớ mặt, hơn nữa ở đây tối quá. Sao Anh không nói với anh ta là Hạ không biết nhảy?
- Anh nói rồi, nhưng Quân cứ khăng khăng đòi nhảy với Hạ.Thôi thì Hạ nhảy bản này với Quân đi.
- Thôi đi, Hạ sợ lắm.
- Đừng sợ, anh ta sẽ bày cho Hạ. Đã thường múa cho lớp thì Hạ sẽ đi được điệu tango này. Hạ cứ đi theo bước chân của Quân là nhảy được thôi.
Sợ xì xào mãi làm những người xung quanh để ý, Hạ đành nhận lời khiêu vũ với người có công đưa Hạ tới đây. Đầu tiên trong đời Hạ đặt bàn tay mình lên tay người con trai nên Hạ cảm thấy rất ngượng, nhưng Hạ cố giữ khuôn mặt thật tự nhiên. Cũng may đây là điệu nhảy mà những bước chân đi theo nhịp không cần phải thành thạo khi được dìu dắt bởi một người đã thạo. Người này có lẽ thường đi dự các buổi dạ vũ nên anh ta di chuyển những bước chân rất thành thạo và tự tin. Mặt anh ta điềm tĩnh, và lạnh lùng. Anh ta không nhìn thẳng vào Hạ. Đôi mắt xa xôi như đang tập trung vào tiếng nhạc để giữ đúng những bước nhảy nhẹ nhàng và chính xác. Hạ cũng bấm gan, tự nhiên như người con trai này để giữ những bước chân cho khỏi ngập ngừng và nhất là tránh phải đạp lên chân anh ta. Không một ai xung quanh để ý hai đứa vì người nào cũng giữ những bước đi hòa theo tiếng nhạc. Hạ cố nhìn thẳng vào mặt anh ta một lần nữa để cố tìm một đặc điểm nào cho dễ nhận diện. Bệnh cố tật của Hạ là lơ đễnh, bởi vậy phải cố nhớ mặt người này để sau này chào hỏi. Không hiểu người con trai này đang nghĩ gì mà tay anh ta run lên. Mặc dù cả hai đều giữ bước chân theo nhịp của bài nhạc, nhưng bàn tay của anh ta run không ngừng làm Hạ thấy ngượng vô cùng. Hạ ngạc nhiên nhìn anh ta và nhủ thầm, “Là người ăn chơi, nhảy thành thạo như vậy mà run với ta ư?”
Bàn tay người này không thể ngừng run làm Hạ muốn bỏ anh ta đứng một mình và chạy ra khỏi sàn nhảy. Nhìn anh ta thêm lần nữa, Hạ tự hỏi sao người run không phải mình mà là anh ta? Điều này làm Hạ bình tĩnh và tự tin hơn để cùng anh ta tiếp tục các bước tango cho đến hết bản nhạc.
Đêm ấy, Quân đưa Hạ về. Vẫn im lặng như khi đi đường, Hạ chỉ cảm ơn rồi vào nhà mà không hề mời anh ta đến nhà hay hẹn gặp lại.