Nhà Tài Phiệt Cuối Cùng

Chương VI

Docsach24.com
ôi chẳng hay biết gì về chuyện này. Tôi đã lên Lake Louise và lúc trở về tôi cũng không hề đi ngang qua phim trường. Nếu không có cú điện thoại của Stahr thì tôi đã về Miền Đông vào giữa Tháng Tám.

- Chú muốn gặp một đảng viên của Đảng Cộng Sản. Cháu giúp chú được không?

Tôi hơi ngạc nhiên:

- Mà ai mới được chứ?

- Bất cứ người nào?

- Thiếu gì ngoài phố kia?

- Không, chú muốn gặp một người trong những tổ chức của họ - ở Nữu Ước chẳng hạn.

Hè năm trước tôi đã bị lôi cuốn vào những hoạt động chánh trị khá nhiều. Giá Harry Bridge còn sống thì tôi có thể thu xếp để anh ta gặp Stahr. Nhưng anh ta đã bị chết trong một tai nạn xe hơi sau kỳ tựu trường, và từ đó tôi mất liên lạc với họ.

Tôi có nghe nói tới một người thuộc nhóm Dân Mới ở gần đâu đây trong thành phố này. Tôi hỏi đùa Stahr:

- Chú bảo đám an ninh cho họ chớ?

Stahr trả lời nghiêm chỉnh:

- À, đúng vậy. Kiếm dùm chú người nào biết nhiều về lý thuyết, bảo họ đem theo sách vở càng tốt.

Stahr làm nhữ chàng muốn gặp một hội viên thuộc một tổ chức văn hóa không bằng.

- Chú muốn cô tóc vàng hay cô tóc nâu?

Chàng nói vội:

- Ồ, một nam đảng viên.

Nghe giọng nói tự nhiên của Stahr, tôi cảm thấy phấn khởi. Vì tôi vừa chợt nghĩ tới chuyện xảy ra trong phòng Ba tôi hôm nào, và có cảm tưởng như mình đang bơi một chiếc du thuyền đi trong vũng đờm lỏng vậy. Thái độ của Stahr đã thay đổi hẳn không khí và còn thay đổi cả quan điểm nhận định của tôi. Chàng nói:

- Chú nghĩ không nên để Ba cháu biết. Có thể bảo anh ta cải trang thành một nhạc sĩ người Balgarian hay gì đó?

- Ồ, chắc họ không chịu ăn bận đàng hoàng.

Công việc dàn xếp gặp gỡ không dễ như tôi nghĩ lúc đầu. Họ sợ mang tiếng là bị mua chuộc, vì lúc đó cuộc tranh chấp giữa Stahr và các soạn giả thuộc nhóm Guild đang bị bế tắc hoàn toàn sau hơn một năm thương lượng. Họ còn hỏi tôi những “đề nghị” của Stahr như thế nào? Sau cùng Stahr bảo tôi nói với họ rằng chàng muốn thảo luận với họ trong việc làm cuốn phim nói về cuộc Cách mạng ở Nga. Chàng đã thực hiện xong cuốn Bác sĩ Caligari và cuốn Chú khuyển Andalou của Salvator Dali, hai phim này có thể gây ra những sự va chạm với họ. Stahr cảm thấy hoảng đối với mớ phim nói về Nga độ chừng hai chục cuốn. Theo sáng kiến của Wylie, Stahr đã bảo phòng viết chuyển phim cho chàng một bản chừng hai trang tóm tắt các nét chánh của Phong trào Cộng sản.

Nhưng chàng là người không chịu tin hoàn toàn vào sách vở. Chàng lý luận theo đường lối riêng của mình, bắt đầu mò mẫm tự tìm hiểu những sự kiện lịch sử từ hàng ngàn năm trước đi lần tới thế kỷ mười tám. Chàng say sưa nuôi hy vọng sẽ làm sống lại được những sự kiện lịch sử đó qua phim ảnh.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại nhà tôi; trong căn phòng lịch sự nhất được mệnh danh là “căn phòng bọc da”. Đây là một trong sáu căn phòng do trang trí gia Sloan trình bày từ nhiều năm trước, và cái tên của nó tôi còn nhớ mãi. Toàn thể nền nhà được trải nệm len màu xám sáng, đó là một màu rất tế nhị khiến người ta nhiều khi không đám bước chân lên. Những chiếc bàn mặt bóng láng như bạc, hay bọc da, những bức ảnh màu kem, và những đồ trang hoàng nhỏ bé mỏng manh khác, tất cả đều như mới tinh sương khiến người ở trong phòng hầu như không dám thở mạnh vì sợ làm dơ bẩn hay đổ vỡ. Đứng ở cửa nhìn vào khi cơn gió nhẹ lay động cuốn nhẹ một góc màn cửa lên thì thấy thật là tuyệt. Giống như những phòng khách cổ xưa của người Hoa Kỳ, căn phòng này chỉ mở cửa vào ngày Chủ nhật. Nhưng tôi nhận thấy đây là dịp thích hợp để xử dụng tới nó. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, cuộc họp này cũng là một kỷ niệm làm tăng thêm giá trị cho căn phòng và cho cả ngôi nhà của chúng tôi.

Stahr tới trước. Chàng có vẻ nóng ruột và hơi bối rối, ngoại trừ giọng nói lúc nào cũng trầm trầm và luôn luôn cân nhấc cẩn thận. Stahr có một khả năng đặc biệt khi tiếp xúc với người khác, chàng sẽ tiến thẳng, tới bạn, gạt bỏ một cái gì đó sang bên cạnh và tìm hiểu tất cả con người bạn, làm như chàng bị thúc đẩy làm như thế và không thể cưỡng lại được. Có một lý do nào đó khiến tôi hôn chàng trước khi đưa chàng vào căn phòng bọc da. Chàng hỏi tôi:

- Khi nào cháu đi học trở lại?

Trước đây chúng tôi đấ từng nói tới vấn đề hấp dẫn này.

Tôi hỏi:

- Nếu cháu thấp hơn một chút nữa, chú có thích không? Cháu sẽ đi giày đế mòng và ép tóc cho xẹp bớt xuống.

Stahr mở đầu:

- Tối nay mình đi ăn cơm tối. Thiên hạ có bảo là hai cha con chú cũng chẳng cần.

Tôi nói để chàng yên trí:

- Cháu thích người già, miễn là đừng có chống gậy và hết xí quách.

- Cháu đã yêu nhiều chưa?

- Cũng tạm đủ.

- Người ta thường chạy ra, chạy vô trong tình trường, phải không cháu?

- Cháu đọc trong báo thấy Fanny Brice bảo rằng cứ ba năm thì người ta lại thay đổi ái tình một lần.

- Đúng. Chú đã thấy nhiều như vậy. Không biết làm sao người ta sống nổi. Mỗi lần như thế trông họ có vẻ đừ lắm. Sau rồi trông thấy hết, nhưng sự thực thì vẫn còn ê ấm và ai trông cũng biết.

- Chú làm nhiều phim quá.

Stahr vẫn cố tình trở lại chuyện cũ:

- Không biết tới lần thứ ba, thứ bốn họ có còn thấy đừ không, hay là lúc đó họ quen đi rồi.

- Càng ngày càng dữ tợn, nhất là lần cuối cùng.

- Chú cũng nghĩ vậy. Nhất là lần cuối.

Tôi không thích chàng nói câu đó. Nói như vậy chứng tỏ tuy bên ngoài không có gì, nhưng trong bụng chàng đang khổ lắm.

Chàng lại lên tiếng:

- Thật là độc hại, nhưng khi qua rồi thì thấy khá hơn.

- Thôi đi chú. Có lẽ vần đề này chú không rành như điện ảnh đâu.

Brimmer, người đảng viên Đảng Cộng Sản đã tới và đang đi vào để gặp chàng. Tôi vội chạy ra cửa đón, và tự nhiên thấy mình ở trong tay anh ta.

Brimmer là một người dễ coi. Vóc dáng anh ta hơi kém những tiêu chuẩn lý tưởng do Spencer Tracy đặt ra, nhưng vai nở và mặt rộng. Lúc anh ta và Stahr bắt tay nhau tôi tự nhiên nghĩ rằng đây là hai con người tỉnh táo, tinh ranh nhất tôi từng gặp. Mỗi câu nói hai người đều cân nhắc kỹ lưỡng và thường nhỏ nhẹ xuống giọng ở cuối câu, đồng thời quay nhìn về phía tôi cho đúng phép lịch sự. Stahr hỏi:

- Các anh định tính chuyện gì? Các anh khiến bọn trẻ của tôi nhốn nháo hết cả.

Brimmer trả lời:

- Để họ đề cao cảnh giác một chút, phải vậy không anh?

- Lúc đầu chúng tôi muốn để cho một nhóm nhỏ người Nga tự do vào nghiên cứu cơ sở kiểu mẫu của chúng tôi. Nhưng rồi các anh lại tính làm tan vỡ tinh thần hợp tác của cơ sở kiểu mẫu đó.

Brimmer nhắc lại:

- Tinh thần hợp tác, phải anh muốn nói tới tinh thần hợp tác trong một công ty không?

Stahr có vẻ hơi nóng nảy:

- Ồ, không, không phải thế. Ý tôi muốn nói là hình như các anh đã luôn luôn theo dõi công việc sản xuất của tôi. Tuần trước, một gã soạn giả say sưa, từng lang thang đầu đường, xó chợ cũng xồng xộc vào văn phòng tôi đòi bàn công chuyện, thế là nghĩa lý gì?

Brimmer mỉm cười:

- Thưa anh, tôi không phải là người có thể can thiệp vào việc làm của ông soạn giả đó.

Hình như hai người đã uống trà với nhau. Lúc tôi quay trở lại thì Stahr đang kể cho Brimmer nghe câu chuyện khác về anh em ông Warner và cả hai cùng cười. Stahr nói:

- Khiêu vũ gia Nga Balanchine đã lầm anh em Warner với anh em Ritz. Ông ta không còn phân biệt được ai là chủ của mình và ai là người mình đang huấn luyện. Ông ta thường nói: “Tôi hết dạy nổi anh em nhà Warner”.

Họ đàm thoại trong không khí êm ả của buổi trưa. Brimmer hỏi Stahr tại sao các nhà sản xuất không ủng hộ Liên Minh chống chủ nghĩa Quốc xã. Stahr trả lời:

- Tại vì các anh xúi bọn soạn giả làm loạn trong cơ sở của chúng tôi. Nhưng nhìn vào đường xa thì cảc anh sẽ thấy rằng các anh chỉ phí thời giờ vô ích. Bọn nhà văn là đồ con nít, ngay lúc bình thường họ cũng chẳng chịu nghe ai nữa là khi tình hình đã trở nên rối loạn.

Brimmer nói với giọng thích thú:

- Họ có thể ví như những nông gia, còn các anh giống như người ở thành thị. Họ sản xuất, nhưng các anh là người hưởng lợi. Chẳng khác gì nhà nông cầy cấy, nhưng khi có những bữa tiệc linh đình họ lại không được dự.

Tôi nghĩ vẩn vơ về cô gái của Stahr, không biết những liên lạc của hai người đã chấm dứt hẳn chưa? Sau này khi được nghe kể tất cả câu chuvên về Kathleen, đứng dưới trời mưa trên con đường Goldwyn loang lổ, tôi cho rằng thời gian đó là vào khoảng một tuần sau khi nàng gởi điện tín cho Stahr. Bức điện tín mà nàng đã may mắn tìm được cách gửi cho chàng. Hôm đó, người đàn ông ở xe lửa bước xuống, anh ta dẫn nàng đi thẳng ngay vào Bưu Điện, không một mảy may ngờ rằng đó chính là nơi nàng đang cần tới. Lúc đó vào khoảng tám giờ sáng. Kathleen nóng lòng nghĩ hết cách làm sao để gởi được bức điện tín cho Stahr. Trên lý thuyết, nàng có thể ngừng lại và nói với anh ta: “Em quên chưa nói với anh, em đã gặp một người đàn ông”. Nhưng trường hợp này không thể nào làm như vậy vì sự gắn bó giữa hai người đã quá sâu đậm, đã đi quá xa qua bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, tin tưởng, chiến đấu. Sự gắn bó giữa hai người chẳng khác gì một chiếc xe chạy trên đường rầy, vật nào muốn ngăn cản sẽ bị nghiến đứt ngay lập tức. Anh ta đứng chờ nàng viết và nhìn thẳng vào bức điện tín. Nàng hy vọng anh ta đứng ở phía bên kia bàn nên khó đọc ngược được...

Khi tôi để ý trở lại tới câu chuyên trong phòng thì Stahr và Brimmer đã đồng ý với nhau ở quan điểm là hành động của các văn sĩ không có gì chắc chắn. Họ đã đồng ý bỏ rơi bọn soạn già khốn nạn đó. Stahr nói:

- Họ không được chuẩn bị và không có khả năng nắm quyền hành. Không gì có thể thay thế được ý chí. Nhiều khi thấy chán nản, anh cần phải ngụy tạo ra một ý chí đi tiếp tục công việc.

- Tôi đã từng cảm thấy thế.

- Vấn đề nhất định là như vậy, không thể nào làm khác hơn. Hàng tuần tôi đều gặp phải hoàn cảnh như vậy. Khi không còn một lý do nào nữa để thúc đẩy công việc anh bắt buộc phải tìm cách tạo ra một lý lẽ nào đó.

- Tất cả các nhà lãnh đạo đều làm như vậy, lãnh đạo giới lao động cũng như trong phạm vi quân sự.

- Chính vì vậy mà tôi phải giữ một lập trường cố định trong vấn đề tranh chấp với nhóm soạn giả Guild. Hình như họ muốn có quyền hành trong công ty, nhưng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ. Tôi chỉ có thể cho ho tiền mà thôi.

- Nhưng nhiều khi anh cho họ ít quá. Mỗi tuần chỉ có ba chục đô la.

Stahr hỏi với giọng ngạc nhiên:

- Ai đâu? Ai có số lương như vậy?

- Đối với những soạn giả thường, dễ thay thế.

- Công ty tôi không có soạn giả nào như thế.

À, phải rồi, trong công ty anh có hai người được trả với giá lương đó.

- Một người là Ransome và người nữa là O’Brien.

Stahr nhìn tôi mỉm cười:

- Những người đó mà là soạn giả cái gì? Họ chỉ là anh em bà con của Ba của cô Cecilia đây.

- Còn một vài người nữa trong phim trường.

Stahr lấy trong túi ra một ve thuốc nhỏ, trút vào ly trà và dùng muỗng khuấy tan, rồi hỏi đột ngọt:

- Tiếng “rút” có nghĩa là gì nhỉ?

- Rút? Đó là một mánh khóe các công ty xử dụng để chấm dứt hoặc làm tan vỡ những cuộc đình công.

- Tôi cũng nghĩ thế. Ở công ty tôi có một soạn giả lãnh lương mỗi tuần một ngàn rưỡi đô-la. Nhưng anh thường đi trong câu lạc bộ, tới phía sau ghế ngồi của những soạn giả khác và nói: “Rút”. Nếu anh ta không chấm dứt cái trò đó thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.

Brimmer cười:

- Tôi mong có địp được thấy cảnh đó.

- Nếu muốn, hôm nào rảnh mời anh lại phim trường chơi một ngày.

Brimmer cười có vẻ thích ra mặt.

- Không dám, nhưng tôi thường nghe nói anh là người làm việc kinh khủng và hữu hiệu nhất miền Tây Hoa Kỳ. Tôi mong có dịp được xem anh làm việc. Nhưng chỉ sợ tôi sẽ thất vọng.

Stahr nhìn tôi:

- Chú khoái ông bạn của cháu quá. Ông ấy hơi nóng tính, nhưng dễ thương.

Nói xong chàng nhìn sát vào mặt Brimmer hỏi:

- Anh người miền nào nhỉ?

- Gia đình tôi lập nghiệp ở miền Tây này từ năm sáu đời rồi.

- Chắc anh được nhiều người quen biết ủng hộ lắm?

- Vâng. Ba tôi trước là quản giáo.

- Không, tôi muốn hỏi những người trong tổ chức Cộng sản ấy chứ? Nghe nói có một cán bộ Cộng sản tay tổ người gốc Do Thái có ý định làm tiêu luôn công ty Ford phải không anh? Tên anh ta không biết là gì này...

- Frankensteen?

- À, đúng rồi. Không biết các anh, có ai tin chuyện đó không?

Brimmer trả lời gọn lỏn:

- Cũng có một số ít.

- Nhưng chắc không có anh trong đó?

Brimmer nhún vai:

- Có lẽ họ nói hơi quá đáng. Nghĩ kỹ, chắc anh thấy tôi có lý. Chuyện đó thì ngoài khả năng của tôi.

- Ồ, biết đâu đấy. Có thể ngày nào đó, anh cũng sẽ làm tiêu một công ty khác. Nhưng theo tôi nghĩ thì đó chỉ là những chuyện tán dóc.

- Nghĩ thế nào là quyền của anh. Nhưng Frankensteen cũng có lý của ông ta. Những đại công ty cũng như những nhà tài phiệt rồi ra sẽ bị tiêu diệt lần trong thời đại này, vì hệ thống đó đã lỗi thời.

- Liệu các anh có đinh tiêu điệt luôn chánh phù Mỹ không?

- Không, nhưng có thể chính anh sẽ là người làm việc đó.

Câu chuyện cãi vã của hai người cứ như thế xoắn xuýt lấy nhau, cố tìm những lời dằn mặt, nói móc họng nhau chẳng khác gì những cuộc đôi co của đàn bà. Nhưng đối với đàn ông thì nguy hiểm hơn, vì có thể kết thúc bằng cách làm cho bàn ghế trong phòng tan nát hết. Tôi mở cửa sổ, nhìn ra ngoài vườn bông, một vườn bông màu vàng đặc biệt của vùng California.

Lúc đó đang vào giữa mùa hè, nhưng những tia nước phun ra khắp nơi trông chẳng khác gì tiết Xuân. Tôi thấy rõ Brimmer nhìn ra ngoài vườn và sẽ thở dài. Anh ta sẽ rướn người lên và hình như lớn thêm ra. Sự thực thì nếu bỏ cặp kính đen to tổ bố kia ra, trông anh ta cũng có vẻ đẹp trai lắm đấy chứ. Vậy mà cứ nhất dịnh tránh xa con gái. Sau đó chúng tôi chơi vài ván bóng bàn, anh ta đánh cũng khá. Rồi Ba tôi ở đâu đi tới, tôi nghe thấy tiếng ông hát cái bài dễ ghét Cô gái nhỏ, hãy chăm chỉ một ngày. Nếu sau này có nghĩ lại, chắc Ba tôi cũng thấy rằng ông vừa đi tới là chúng tôi im lặng, không nói gì nữa. Lúc đó khoảng sáu rưỡi, xe tôi đậu sẵn ở lối đi, và tôi đưa ý kiến ba người đi ăn cơm tối ở tiệm Trocadero.

Brimmer có vẻ do dự, giống như trường hợp của Cha O’Ney ngày nào ở New York khi được tôi và Ba tôi mời đi xem đoàn vũ nữ người Nga. Tiệm ăn sang trọng không phải chỗ quen thuộc của anh ta. Trong lúc đang ăn, có ông phó nhòm Bernie tới đòi chụp hình, nhưng Stahr đã đuổi đi. Tôi thấy tiếc rẻ vì muốn có một tấm ảnh.

Stahr đã khiến tôi ngạc nhiên khi chàng uống tời ly rượu thứ ba. Tôi nói:

- Bây giờ thì cháu chắc chắn là chú bị thất tình.

- Tại sao cháu lại nghĩ vậy?

- Vì chú đã uống tới ly cocktail thứ ba.

- Ồ, đã lâu không uống, hôm nay chú phải uống chớ có gì đâu.

Tôi đếm những chiếc ly: “Hai... ba”

- Chú uống mà chẳng thấy mùi vị gì ngon cả, chắc phải có chuyện gì đây.

Tôi nhìn ánh mắt chàng, thấy hơi sầm lại, nhưng rồi lại qua ngay. Brimmer nói:

- Đây là ly rượu đầu tiên của tôi trong tuần. Tối bắt đầu uống rượu từ khi còn ở trong Hải quân.

Sự tinh ranh đã trở lại trong đôi mắt chàng, chàng nhìn tôi:

- Tên chó đẻ trông giống như cái hộp đựng xà bông này đã từng ở trong Hải quân sao?

Brimmer hơi bối rối, không biết phải đối phó thế nào. Nhưng sau cùng rõ ràng hình như anh ta tính chung tất cả vào cuộc gặp gỡ buổi chiều nay, mà tôi đã dàn xếp với anh ta, anh ta chỉ mỉm cười nhẹ trước câu nói của Stahr. Stahr cũng mỉm cười lại. Tôi yên tâm khi thấy không có gì xảy ra, mọi người coi đó là thói quen của người Mỹ. Tôi cố nói nhiều để Stahr không có dịp lên tiếng. Nhưng sau đó chàng đã có vẻ bình thản trở lại. Chàng nhìn Brimmer như muốn nói riêng với anh ta:

- Tôi có một kinh nghiệm bàn thân như thế này: Có một ông đạo diễn thuộc loại cừ nhất ở Hollywood này, tôi chưa hề bất đồng ý kiến với ông ta điều gì bao giờ. Nhưng ông ta có một cố tật là bất cứ cuốn phim nào, ông ta cũng tìm cách nhét vào một chuyện đồng tính luyến ái, hay là một cái gì tương tự như thế. Câu chuyện đó ông ta dàn cảnh rất khéo khiến tôi không thể cắt bỏ đi được. Nhưng mỗi lần cuốn phim được đem ra chiếu là Hội Bảo vệ Luân lý lại nhao nhao lên phản đối, và rốt cuộc họ tìm cách cắt xén một đoạn ở trong cuốn phim lành mạnh khác để bù vào.

Brimmer có vẻ đồng ý:

- Đó là một trong những khó khăn điển hình của mọi tổ chức.

- Điển hình cái gì. Đó là một cuộc vật lộn bất phân thắng bại giữa tôi với anh ta. Nhưng vừa rồi anh ta bảo tôi anh ta đã được một ông giám đốc thuộc nhóm Guild che chở, và tôi không thể làm áp lực với anh ta được nữa. Như vậy đó, các anh có thấy rằng việc tranh đấu lộn xộn của các anh đã gây nhiều khó khăn thêm cho tôi chưa?

Brimmer mỉm cười:

- Thực ra thì chúng tôi đâu có kiểm soát được các đạo diễn.

Stahr có vẻ tự phụ:

- Họ đều bồ với tôi cả.

Cũng giống như Edward Seventh từng khoe anh đã sống trong xã hội quý phái nhất Âu châu. Stahr nói tiếp:

- Nhưng bọn đạo diễn không bao giờ tha tôi, dù tôi là người đã dạy bảo họ từng li, từng tí trong việc trao dồi nghề nghiệp. Họ cứ nghĩ rằng sân khấu là đất của riêng họ, tôi không có quyền xía vô. Kỳ này tôi mướn một lô một lốc bọn soạn giả để họ bầu bạn với nhau, và biến thành đảng viên công sản hết thử coi.

Gary Cooper vừa vào trong tiệm cùng với một số người khác, những người này hầu như ngồi bất động và họ chỉ thở khi nào thấy Cooper thở trước. Một người đàn bà khác vào trong tiệm đứng nhìn quanh quẩn một lát, khi quay mặt lại thì hóa ra là Carole Lombard. Dù sao thì hôm nay Brimmer cũng thấy được nhiều nhân vật trong giới điện ảnh.

Stakr kêu liền một lúc hai ly whiskey soda. Chàng không ăn gì, và luôn miệng chửi họ lười biếng thế này thế kia và tuyên bố chẳng coi ai ra gì, vì chàng có quá nhiều tiền. Những lời lẽ đó tôi đã được nghe ba tôi nói nhiều lần với bạn bè của ông. Tôi tưởng rằng ít ra Stahr cũng phải biết những câu như thế không đem ra nói ở ngoài công ty. Có thể chàng chưa được nghe ai nói như thế bao giờ nên không biết là nó chướng tai. Sau cùng chàng ngồi yên và uống hết một ly cà phê đen. Tôi yêu chàng nên dễ dàng bỏ qua. Nhưng tôi giận Brimmer. Tôi không muốn anh ta nhìn thấy những yếu điểm của Stahr như thế này. Nếu những cảnh này được đưa lên màn ảnh thì thiên hạ sẽ chỉ còn coi Stahr là một thứ đồ bỏ. Tôi muốn mọi người coi Stahr là một thiên tài trong việc tổ chức và điều hành kỹ thuật hiện đại.

Stahr lên tiếng như thế muốn bào chữa cho thái độ vừa rồi của mình:

- Tôi là một nhà sản xuất, tôi rất khoái bọn soạn giả và không bao giờ đuổi bất cứ ai, nếu họ biết làm công việc của họ.

Brimmer có vẻ khoái:

- Chúng tôi không cần biết điều đó. Điều chúng tôi nhắm là chính những nhà tư bản các anh.

Stahr gật đầu, dằn giọng:

- Phải lắm, nếu bạn bè của tôi mà có mặt đông đủ ở đây, chắc họ đã đồng thanh yêu cầu tống cổ anh và các đồng chí của anh ra khỏi thành phố này.

Brimmer có vẻ hơi giận:

- Tôi xin ghi nhận lòng tốt của anh. Thực tình mà nói, chúng tôi cũng nhận thấy động tới anh là khó lắm, vì anh là một chủ nhân có nhiều thiện cảm của công nhân, hơn nữa ảnh hưởng của anh rất lớn.

Stahr nghe Brimmer một cách lơ đãng, chàng nói:

- Tôi không bao giờ nghĩ rằng óc của tôi lớn hơn óc của một nhà văn, nhưng tôi luôn luôn nghĩ rằng bộ óc của họ phải thuộc về tôi, vì chỉ có tôi là người biết xử đụng bộ óc đó. Cũng giống như những người La Mã xưa kia, tôi nghe nói rằng họ không có tài phát minh, sáng chế, nhưng có tài xử dụng mọi cái. Anh thấy vậy không? Tôi không dám quả quyết điều đó hoàn toàn đúng, nhưng ngay từ nhỏ tôi đã có quan niệm như vậy.

Brimmer có vẻ chú ý tới câu nói vừa rồi của Stahr. Đây là lần đầu tiên từ chiều tới giờ, tôi thấy anh ta chú ý một cách đặc biệt. Anh ta trả lời Stahr:

- Anh là người biết mình lắm.

Lúc này tôi nghĩ rằng đã tới lúc Brimmer muốn cáo lui. Anh ta tò mò, muốn tìm hiểu xem Stahr là người thế nào, và bây giờ thì anh ta đã thỏa mãn. Tôi vẫn còn hy vọng thay đổi được cảm tưởng của Brimmer đối với Stahr, nên khẩn khoản yêu cầu Brimmer đi cùng xe với chúng tôi về nhà. Nhưng khi đi được nửa đường, Stahr đòi ngừng lại ở một quán rượu để uống nữa, và tôi biết rằng mình đã có quyết định sai lầm.

Hôm nay là chiều thứ Bảy, một buổi chiều êm ả, với rất nhiều xe cộ ngoài đường đưa mọi người đi nghỉ cuối tuần. Stahr duỗi tay ra phía sau nệm xe và chạm vào tóc tôi. Tự nhiên tôi thầm ao ước giá hoàn cảnh này xảy ra mười năm trước đày thì hay biết mấy. Hồi đó tôi và Brimmer đều lên chín. Anh ta đang học ở một trường miền Trung Tây. Còn Stahr thì đang vui vẻ yêu đời với một niềm tự tin mãnh liệt. Lúc đó có lẽ cả tôi và Brimmer đều nhìn Stahr cười xòa là xong. Những hoàn cảnh bây giờ đã khác nhiều: tất cả đã thành những người lớn, mọi việc khó lòng giải quyết một cách êm đẹp trong tiếng cười, nhất là khi người ta đang bị ma men cũng như sự mệt mỏi hành hạ.

Xe đã vào bên trong biệt thự, tôi lái một vòng quanh vườn, Brimmer lên tiếng cáo lỗi:

- Tôi xin phép phải đi gặp một người bạn bây giờ.

Stahr nói ngay:

- Không, anh phải ở lại. Tôi chưa cho anh biết tôi muốn gặp anh để làm gì. Chúng ta hãy đánh ping pong, uống rượu nữa rồi sẽ quần thảo với nhau.

Brimmer có vẻ do dự. Stahr bật đèn lên, cầm lấy chiếc vợt ping pong, và tôi vào nhà lấy rượu với ly ra. Tôi cảm thấy không dám cưỡng lời của chàng.

Lúc trở lại, tôi thấy hai người không chơi ping pong gì cả, nhưng Stahr đang cầm cả một hộp banh mới liệng vào Brimmer và anh ta cố gạt từng trái ra ngoài. Thấy tôi tới, chàng thôi liệng và đỡ lấy chai rượu, rót một ly rồi kéo chiếc ghế ra ngồi uống ở chỗ có đèn sáng, mắt mở to nhìn ra đêm tối, đầy uy nghiêm và nguy hiểm. Trông chàng xanh quá và hình như thân thể trở nên trong suốt, đến nỗi người ta có thể hầu như nhìn thấy chất độc của rượu đang ngấm dần vào cơ thể kiệt quệ. Chàng lên tiếng:

- Chiều thứ Bảy, thời gian để nghỉ ngơi.

- Chú chẳng nghỉ gì cả.

Chàng trông giống như người đang cầm cự trong một cuộc bại trận và sắp trở nên điên loạn. Đột nhiên chàng lên tiếng:

- Tao phải chính tay cho mày một trận mới được.

Brimmer bình tĩnh:

- Anh không mướn thằng nào khác làm thay được sao?

Tôi ra hiệu cho anh ta im.

Stahr lại lên tiếng:

- Tao phải chính tay đập mày mới hả. Tao sẽ đánh cho mày hộc máu ra và ném mày lên xe lửa, tống cổ mày đi cho rảnh mắt.

Chàng đứng dậy tiền về phía trước. Tôi vội vàng ôm lầy chàng níu lại:

- Thôi, cho cháu xin. Chú kỳ quá.

Chàng nói giọng lè nhè:

- Thằng này đã dụ dỗ bọn trẻ làm bậy. Bọn trẻ làm mà không biết mình đang làm gì.

Tôi quay qua nói với Brimmer:

- Thôi anh về trước đi.

Đột nhiên Stahr vùng khỏi tay tôi, tuột cả áo ra, và chàng đã đứng sát Brimmer. Anh ta lùi lại, chạy xung quanh chiếc bàn, vẻ mặt khó chịu và hình như đang nghĩ trong bụng: “Con người gần như bệnh hoạn thế này tại sao lại có thể nắm giữ cả một công ty lớn”.

Stahr tiến tới gần hơn, giơ nắm tay lên. Hình như Brimmer đã nắm lấy cánh tay Stahr bằng tay trái của anh ta và giữ yên như thế trong một phút. Sau đó tôi quay đi chỗ khác, không còn dám nhìn tiếp.

Lúc quay lại, tôi thấy Stahr nằm dưới chân bàn và Brimmer đang cúi nhìn chàng. Tôi lại bảo Briinmer:

- Anh về đi, để mặc em.

Anh ta nhìn lại Stahr một lần nữa rồi đi vòng qua bàn:

- Thôi, tôi về chị. Từ lâu tôi muốn được đánh một tên tỷ phú, nhưng thực không ngờ chuyện lại xảy ra ở đây.

Stahr vẫn nằm yên, bất động.

Tôi bảo Brimmer:

- Vâng. Thôi anh về đi.

- Thành thực xin lỗi chị. Để tôi giúp chị một tay.

- Không có gì đâu anh. Anh cứ để mặc tôi.

Anh ta nhìn lại Stahr một lần nữa, hơi có vẻ sợ hãi trước nét mặt im lìm, bất động của chàng. Sự im lìm này đã do chính anh ta tạo ra trong một giây đồng hồ trước. Chờ cho anh ta đi khá xa khỏi sân cỏ, tôi liền quỳ xuống nắm lấy tay chàng. Sau một lát Stahr tỉnh dậy và đầy vẻ mệt mỏi bơ phờ. Chàng lồm cồm đứng lên quát lớn:

- Nó đâu rồi?

Tôi ngây thơ hỏi lại:

- Chú hỏi ai?

- Thằng Mỹ chó chết đó. Tại sao em lại ưng lấy nó. Khốn nạn quá.

- Hắn đi rồi. Cháu có lấy ai đâu.

Tôi đẩy chàng ngồi xuống ghế và nói dối:

- Hắn đi được nữa tiếng rồi.

Mấy trái ping pong nằm rải rác trên bãi cỏ như những vì sao. Tôi mở vòi nước và đem tới một chiếc khăn mùi xoa ướt. Không có dấu vết gì ở mặt, chắc chàng bị đánh trúng ở đầu. Chàng loạng quạng đi ra sau một gốc cây. Tôi nghe hình như chân chàng đá phải một hòn gạch gì đó. Sau đó chàng có vẻ khá hơn, nhưng vẫn không đủ sức đi vào trong nhà. Tôi đem chai rượu lại cho chàng uống một ngụm whiskey nữa, bây giờ chàng mới có vẻ tỉnh trở lại. Vừa ở trường ra, tuy có chút kiến thức, nhưng đây là lần đầu tôi phải đối phó với những sự kiên bất ngờ như thế này. Dù sao mọi việc rồi cũng qua khỏi.

*

Chúng tôi vào nhà. Ông bếp cho biết Ba tôi đang ngồi với Marcus và Fleishacker ở hành lang. Tôi và chàng ngồi lại trong căn phòng bọc da. Chúng tôi nói chuyên một lát. Tôi ngồi ở ghế sa lông, Stahr ngồi ở chiếc đôn bên cạnh.

Chàng hỏi:

- Chú có đánh hắn không?

Tôi trả lời:

- À, có, chú đánh anh ta ghê quá.

Sau một lát nghĩ ngợi, chàng nói:

- Thiệt là kỳ. Chú đâu có định đánh hắn. Chú chỉ muốn đuổi hắn đi. Nhưng có lẽ hắn hoảng quá và đánh lại chú.

Dù chàng có giải thích thế nào thì tôi cũng vẫn cho là hợp lý. Tôi hỏi:

- Liệu chú có còn giận hắn không?

- Ồ, không, chú bị say quá.

Chàng nhìn quanh trong phòng và hỏi:

- Ồ, ai trang trí phòng này vậy nhỉ? Hình như chú chưa vào đây bao giờ thì phải. Có phải nhân viên trang trí của phim trường không?

- Không, do chuyên viên trang trí ở New York.

Stahr trở lại giọng vui vẻ cố hữu của chàng:

- Rồi, mình phải đi chơi một lát mới được. Cháu có muốn ngủ ở trang trại của Doug Fairband không? Cháu tới chơi chắc ông ta mừng lắm.

Sau đó chúng tôi tiếp tục đưa nhau đi rong chơi suốt hai tuần lễ và chỉ còn chờ ngày cưới nhau.

*

Viết tới đây thì tác giả chết. Đoạn sau đây được viết lại do sự góp nhặt trong đống giấy não ông để lại, trong đó ông đã phác họa những nét chánh cho những diễn biến sắp xảy ra như sau:

*

Sau cuộc gặp gỡ với Brimmer, Stahr đi về Miền Đông. Phim trường bị đe dọa cúp lương và Stahr phải tìm cách thuyết phục các cổ đông của Công ty. Từ lâu đã có sự tranh chấp giữa Stahr và Brady trong việc kiểm soát phim trường. Giờ đây sự tranh chấp đã đi tới chỗ gay cấn nhất. Chúng ta không được biết kết quả về công việc trong chuyến đi của Stahr ra sao. Tuy nhiên chàng đã nhân dịp này để thăm Washington lần đầu tiên. Lúc đó nhằm vào mùa hè, không khí thủ đô nóng bức đến nghẹt thở. Stahr bị cúm và đi lang thang ở thủ đô với cơn sốt bên trong cũng như sức nóng bên ngoài. Chàng không bao giờ quen được với cái nóng ở đây.

Từ Washington trở về Hollywood, Stahr nhận thấy lợi dụng lúc chàng đi vắng, Brady đã giảm lương của nhân viên phim trường năm mươi phần trăm. Đầu tiên, Brady triệu tập một phiên họp các soạn giả viết chuyện phim và nói với họ bằng giọng đau đớn, nếu họ bằng lòng giảm lương năm mươi phần trăm thì Ban Giám Đốc cũng chịu chung như thế. Và nếu được như vậy thì các thơ ký và nhân viên cấp dưới sẽ được giữ nguyên mức lương cũ. Toàn thể soạn giả chấp thuận. Nhưng sau đó bị Brady qua mặt: các thơ ký và nhân viên cấp dưới cũng đều bị giảm lương cả, Stahr đã bị phản đối vì việc làm trên đây của Brady và chàng đã va chạm kịch liệt với Brady. Tuy vậy Stahr vẫn chống đối sự đòi hỏi của nghiệp đoàn, vì chàng lý luận rằng bất cứ một nhân viên thấp kém nào cũng có thể tự cải tiến để tiến lên trở thành nhân viên cao cấp được, như trường hợp của chính chàng chẳng hạn. Từ trước tới nay thực ra Stahr vẫn coi tất cả những người trong phim trường không phân biệt chức vụ lớn hay nhỏ đều là bạn cả. Mặt khác Wylie White cũng chống lại Stahr mặc dầu anh ta biết rằng việc giảm lương nhân viên không phải là chủ trương của chàng. Những người Cộng sản cũng chống Stahr, họ coi chàng là bảo thủ. Trong khi giới tài phiệt ở Wall Street thì lại cho Stahr là một tên theo Cộng sản. Nhưng Stahr có chủ trương riêng của chàng để đối phó với hoàn cảnh hiện nay, đó là việc thành lập một thứ Liên hiệp Nghiệp đoàn Công ty. Ý kiến này được Brady nhiệt liệt tán thành.

Còn đối với công việc ở phim trường thì chàng đã có ý định rút lui từ lúc đi Washington, nhưng sau đó chàng bị kẹt vì việc tranh chấp bùng nổ giữa chàng và Brady, khiến chàng không thể dễ dàng rời bỏ phim trường, vì như thế là đầu hàng. Trong khi đó, Stahr vẫn đi chơi với Cecilia. Cô này trong một cuộc nói chuyện với cha đã để lộ cho Brady biết rằng Stahr có một người tình khác. Lập tức Brady điều tra ra Kathleen và biết rằng Stahr vẫn còn liên lạc với nàng. Brady định gài bẫy để làm săng-ta Stahr, vu cho chàng cái tội âm mưu giết chồng của Kathleen. Stahr bực tức, bỏ rơi luôn Cecilia. Đồng thời Stahr tìm cách tố ngược là chính Brady đã nhúng tay vào cái chết của chồng một thiếu phụ mà ông ta yêu. Nhưng cả hai người cùng không ai có bằng cớ.

Brady muốn thủ tiêu Stahr. Biết được tin đó, Stahr cũng tương kế, tựu kế, mướn bọn giết mướn ra tay thủ tiêu đối thủ trước. Sau đó Stahr lên phi cơ đi New York. Nhưng ở trên phi cơ Stahr hối hận, định khi tới phi trường thì gọi điện thoại báo hủy bỏ việc giết Brady. Nhưng phi cơ gặp tai nạn, Stahr chết.

Cecilia quá đau đớn về cái chết của cha và của Stahr nàng mắc phải bệnh lao và chết trong một viện bài lao.

Đoạn cuối cùng là hình ảnh Kathleen đứng ngoài phim trường dưới trời mưa. Nàng đã ly dị với chồng vì anh ta âm mưu với Brady để hại Stahr. Nàng theo đúng ước vọng của Stahr là không bao giờ gia nhập nghề điện ảnh. Nàng mãi mãi chỉ là kẻ đứng bên lề của những thảm cảnh do điện ảnh gây ra.

HẾT