Dù sao Stahr cũng không muốn đọc bức thơ trước khi chưa hỏi lại nàng. Chàng ngồi vào bàn trước một chồng chuyện phim và cầm tập trên cùng để xuống đùi. Chàng lấy làm hãnh diện vì đã tự chủ được mình; không xé bức thơ ra điều đó chứng tỏ đầu óc chàng luôn luôn sáng suốt. Với Minna trước kia cũng thế, chàng không bao giờ bị mất bình tĩnh, kể cả lúc mới gặp nhau trong một mối tình hết sức thơ mộng, vương giả. Tình nàng đối với chàng luôn luôn tha thiết cho tới lúc chết. Và điều xảy ra ngoài ý muốn, khiến chàng ngạc nhiên là lòng trìu mến đã đưa chàng tới chỗ yêu nàng và yêu luôn cả sự chết. Chàng cảm thấy nàng quá cô đơn trong cõi chết và muốn cùng đi với nàng tới nơi đó.
Nhưng nếu nói chuyện “mê dại vì gái” thì chưa bao giờ chàng bị mắc vào cái tật ấy cả. Chính đứa em của chàng mới là loại người dại gái, hắn đã bị hết bà này tới bà khác, rồi bà khác nữa làm cho tả tơi như chiếc mền rách. Nhưng Stahr thì không, ngay từ lúc còn trai trẻ mới lớn lên, chàng cũng chỉ yêu có một lần, chưa bao giờ đến bận thứ hai, giống như người chỉ uống thứ rượu có một lần rồi thôi. Trí óc chàng đổ dồn vào những cuộc phiêu lưu khác ích lại hơn là những phút mua vui qua cảm giác mạnh. Giống như những nhân vật xuất sắc khác, chàng học được tính lạnh lùng bình thản ghê gớm. Vào khoảng mười một mười hai tuổi, chàng đã biết từ chối không bao giờ chấp nhận những điều dối trá, lừa đảo, sai lầm, nhục nhã, những điều mà loại người như chàng thường xử dụng. Nhờ đó Stahr đã không trở thành một tên vô loại, nhưng chàng đã học được lòng nhân từ, vị tha, kiên nhẫn, cảm tình.
Bác người làm Phi Luật Tân đem tới cho chàng một khay trên có nước lọc, trái cây, hạt dẻ. Stahr lật mở tập chuyện phim đầu tiên và bắt đầu đọc. Chàng đọc luôn trong ba tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng ngừng lại để sửa chữa. Thỉnh thoảng chàng ngừng đọc, nhìn lên, mỉm cười với những ý tưởng sung sướng mơ hồ không phải do chuyện phim tạo ra. Mỗi lần cảm thấy như thế chàng lại để một phút suy nghĩ tìm ra nguyên nhân. Và chàng biết rằng niềm hạnh phúc đó chính là do những ý nghĩ về Kathleen, và chàng lại nhìn lá thơ - có một cái thơ để trước mặt cũng thấy vui vui.
Đã ba giờ sáng, đường gân máu ở mu bàn tay chàng bắt đầu giật giật và chàng biết đã tới lúc nên đi nghỉ. Kathleen giờ này chắc đã chìm sâu trong giấc ngủ mệt mỏi, đôi khi nàng trằn trọc nghĩ tới một người lạ đã gây cho nàng những cảm giác mạnh, người đó không ai khác hơn là chàng, đã sống cạnh nàng trong ít giờ ngắn ngủi vừa qua. Stahr thầm nghĩ nên mở lá thơ ra xem thử coi nàng nói những gì.
Em viết thơ này nửa giờ trước khi tới nơi hẹn với anh. Khi nào chia tay, em sẽ trao thơ cho anh. Em muốn báo cho anh biết em sắp lập gia đình trong một ngày gần đây, và không thể tới thăm anh được nữa.
Đáng lẽ em phải cho anh biết từ đêm hôm qua, nhưng thái độ anh có vẻ bất cần và không muốn biết tới điều đó. Chiều nay trong cuộc đi chơi vui vẻ này, nếu em đem chuyện đó ra nói chắc sẽ làm anh mất vui, và em không muốn thế. Bây giờ thì anh phải nghe em nói sự thực, đằng nào cũng một lần. Em phải nói để anh thấy rằng em cũng chỉ là một cô gái tầm thường như những cô gái khác. Một con bạn tới thăm em tối hôm qua và nó bảo em như thế. Cô ta nói mọi người đều tầm thường cả, ngoài anh ra. Em nghĩ rằng cô ta đã nói như vậy, thì anh nên cho cô ta một việc làm nếu có thể được.
Em rất sung sướng nếu có được rất nhiều cô gái đẹp như vậy vây xung quanh... Em không muốn nói hết câu nhưng chắc anh cũng đã hiểu. Và có thể em sẽ gặp anh trễ, nếu em không thể đi ngay bây giờ.
Chúc anh mọi sự như ý
Kathleen Moore”
Chàng bỏ lên lầu, những bậc thang đầu tiên khiến chàng nhớ tới cái chết của Minna hiện về chập chờn, và chàng phải cố gắng quên đi một cách khổ sở. Từng bậc, từng bậc, chàng đi lên cho tới hết cầu thang. Sàn gác trống trải vây chung quanh, với những cánh cửa không người bên trong. Trong phòng chàng, Stahr lặng lẽ cởi bỏ cà vạt, giày, vớ. Lúc này mọi sự hầu như đã tắt hẳn, ngoại trừ một hình ảnh còn sót lại, đó là chiếc xe hơi của khách sạn. Stahr để đồng hồ báo thức mười giờ.
Hôm đó tôi nhờ Wylie tới bàn Martha Dodd, để hỏi thăm về lai lịch của cô gái lạ, nhưng anh ta chẳng biết thêm được gì cả. Đột nhiên tôi chú ý tới cô ta một cách ghê gớm trong suốt cả cuộc đời. Tôi đoán chừng - và không sai - thế nào Martha Dodd cũng phải biết về cô gái đó. Thực là chuyện vô lý nếu có người ngồi chung một bàn với mình được mọi người chiêm ngưỡng bái phục đến độ muốn trao vương miện cho, mà mình lại không biết đến tên tuổi của họ.
Tôi vừa mới quen biết Martha Dodd qua một vài câu chuyện, nên không tiện hỏi thẳng cô ta về người con gái đó. Nhưng sáng hôm sau là thứ Hai, tôi đã tới phim trường và đi kiếm Jane Meloney.
Jane Meloney là bạn từ lâu. Tôi thường nghĩ tới nàng giống như một đứa trẻ nghĩ đến những người thân thích trong gia đình. Nàng là soạn giả, nhưng tôi mới có quan niệm cho rằng soạn giả thì cũng chẳng hơn gì thơ ký. Có khác chăng là ở chỗ mấy nàng này thường hay léng phéng đến mấy tiệc trà và được mời đi ăn nhiều hơn. Ngoài ra, khi nói về họ người ta cũng thường coi như mấy cô thơ ký. Tuy nhiên có một số soạn giả kịch trường từ Miền Đông tới ở ít lâu rồi lại ra đi thì được mọi người kính trọng ra mặt. Nhưng nếu có người nào định ở lì không chịu ra đi, thì lần lần rồi cũng lại bị hạ xuống ngang hàng với giai cấp cổ trắng.
Phòng làm việc của Jane ở tòa nhà dành riêng cho bọn văn sĩ già. Họ ngồi làm việc từng hàng ổ mỗi khu vực khác nhau. Đó là bọn văn nhân già yếu nhưng còn gân guốc, bị bỏ sót lại từ những ngày xa xưa, nhưng hàng ngày vẫn còn cố rên lên khừ khự với cái giọng của những tên văn nô cô độc, những tên ăn mày không bị gậy. Người ta kể chuyện rằng một hôm có ông giám đốc mới tới, ông ta xuống thăm bọn này làm việc và sau đó lên hỏi ở văn phòng xem những người đó là ai. Văn phòng cho biết họ được coi như những soạn giả. Ông giám đốc nói:
- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi đứng coi cả mười phút mà thấy hai người trong bọn không hề viết một hàng nào.
Jane đang ngồi trước máy chữ, lúc đó đã gần tới giờ nghỉ ăn cơm trưa. Tôi nói thẳng với nàng rằng tôi đang gặp phải một địch thủ lợi hại, một con thuộc loại ngựa đen mà ngay cả tên tuổi tôi cũng chưa biết. Jane nói:
- À, chuyện đó hình như chị có nghe ai đó nhắc tới.
Tôi biết thừa, ai đó chính là Ned Sollinger, cháu của Jane hiện là tùy phái trong văn phòng Stahr. Trước đây nàng gởi hắn lên Nữu Ước học ở trường thuốc. Nhưng sau khi bị một cô gái cho leo cây, hắn đã cắt bộ phận kín của một cái xác phụ nữ gởi cho cô gái và bỏ về đây làm lại cuộc đời bắt đầu từ nấc thang thấp nhất và hiện thời hắn cũng vẫn còn lẹt đẹt ở cái chân tùy phái đó. Tôi hỏi Jane:
- Chị nghe nói gì?
- Hình như đêm động đất nàng té xuống cái hố phía sau phim trường và bị chìm. Stahr đã nhảy xuống cứu nàng lên. Có người thì nói nàng đã nhảy khỏi ban công từ trên lầu xuống đất và bị gẫy tay.
- Nàng là ai?
- À, đấy lại là chuyện khác, cũng hay lắm.
Chuông điện thoại reo. Tôi nóng lòng chờ đợi trong khi nàng nói chuyện lòng thòng rất lâu với Joe Reinmund. Hắn ta hình như muốn tìm biết qua đường dây điện thoại xem nàng có thuộc hạng ngon lành không, hay là xem thử nàng đã từng viết chuyện phim nào bao giờ chưa. Nàng đã được nhắc nhở nhiều kể từ hôm nàng có mặt trên sân khấu trong lúc Griffith phát minh ra lối thu hình gần! Trong lúc nói chuyện thỉnh thoảng nàng lại rên lên se sẽ, vặn vẹo mình mẩy, nhăn mặt trước ống nói và áp ống nghe vào gần ve áo để tiếng nói chỉ phát ra một cách yếu ớt, đồng thời nàng vẫn nói chuyện với tôi:
- Sao, ngoài những buổi hẹn với em, ông ta còn đi ăn mảnh ở chỗ khác nữa à?... Ông ta hay hỏi chị mỗi câu hỏi như thế này đến hàng chục lần... Rồi, thế là xong bản dự thảo thời biểu làm việc chị phải gởi cho ông ấy...
Và nàng lại quay nói vào điện thoại:
- Không, nếu cái đó đưa tới Monroe thì không phải của tôi làm đâu. Tôi muốn đi cho tới cùng.
Nàng lại nhắm mắt lại và rên se sẽ:
- Rồi bây giờ ông ta lại tuyển lựa nữa... tuyển lựa luôn cả những vai phụ... Hắn chọn Buddy Ebson... Trời đất, ông ta muốn nói tới Donald Crisp... ông ta để cuốn sách chỉ dẫn tuyển lựa trên đùi, tôi có thể nghe cả tiếng lật sách soàn soạt... Sáng nay ông ta đóng vai nhân vật quan trọng, ông ta là một ông Stahr thứ hai... Ấy, lạy Chúa, tôi còn hai cảnh nữa phải viết trước khi đi ăn cơm trưa.
Sau cùng Reinmund cúp hay là bị ai ngắt ngang ở đầu dây bên kia chả biết. Người làm ở Câu lạc bộ đem cơm trưa tới cho Jane và đem cho tôi một chai Coca Cola, vì mùa hè đó tôi cữ không ăn cơm trưa. Jane đánh máy một câu trước khi ăn. Tôi rất chú ý tới cách viết của nàng. Một hôm tôi thấy nàng và một soạn giả trẻ khác lấy một câu chuyện trong tạp chí “The Saturday Evening Post”, thay đổi nhân vật và cốt chuyện đi rồi họ bắt đầu viết. Họ viết từng hàng một cứ dòng sau trả lời dòng trước giống như một người ráng hết sức mình để làm một việc gì cho có vẻ hay ho, hoặc ra vẻ can đảm, quý phái. Tôi muốn được thưởng thức câu chuyện đó trên màn ảnh, nhưng không thấy.
Tôi thấy nàng thật dễ thương, tựa như một món đồ chơi cũ kỹ rẻ tiền. Mỗi tuần nàng kiếm được ba ngàn đô-la, nhưng ông chồng nàng đã đem uống rượu sạch cả và còn đánh nàng chết lên, chết xuống. Ấy vậy mà bây giờ tôi phải bám vào nàng để có thể xoay quanh, chống lại tình địch. Tôi gạn hỏi:
- Chị không biết tên con nhỏ đó sao?
- À... phải rồi, ông ta có gọi điện thoại cho nàng, nhưng sau đó cho cô thơ ký Katy Doolan biết là bị lộn tên gì đó.
- Hình như ông ấy tìm ra rồi. Chị có quen Martha Dodd không?
- Có phải con nhỏ hay ồn ào, lắm chuyện đó không?
Giọng nói của nàng lên cao dần như người đóng kịch trên sân khấu.
- Chị mời cô ta đi ăn cơm với mình mai được không?
- Ồ, nó thiếu gì đồ ăn mà mình phải mời. Có một gã Mễ Tây Cơ...
Tôi phải giải thích với Jane rằng mình mời không phải thương gì cô ta, nhưng mình có mục đích khác. Nàng đồng ý và nhắc điện thoại gọi cho Martha Dodd.
- Vào năm 1928 nhà em có ba mươi mẫu đất, một sân rộng với phong cảnh tuyệt đẹp và cả hồ tắm nữa. Mùa xuân nào em cũng ở giữa rừng hoa cúc dại mọc cao tới đầu.
Tôi cắt đứt câu chuyện bằng cách bảo nàng tới gặp Ba. Đây là một hành động để chuộc lỗi với nàng, đồng thời che đậy sự dụng tâm lợi dụng khác của tôi. Ở Hollywood này không ai nhị tâm, quanh co như vậy, muốn gì cứ việc nói thẳng ra, bằng không thì rồi thiên hạ cũng biết và sẽ coi bạn chẳng còn ra gì. Sự vòng vo chỉ làm cho bạn mất thì giờ thấy rõ.
Chúng tôi chia tay với Jane ở cổng phim trường, nàng có vẻ nhờm chán cho sự hèn nhát của tôi. Martha thì như mở cờ trong bụng vì hy vọng sắp kiếm được việc làm, một hy vọng không lớn lắm vì đã bảy năm trời bị mọi chỗ từ chối, nhưng lúc này nàng âm thầm chấp nhận một sự nôn nóng trong hy vọng, và tôi sẽ hết sức nói với Ba. Họ không bao giờ thi ân cho những người đi kiếm một việc làm cố định như Martha, vì họ tiếc không muốn bỏ ra những số tiền lớn trong một lúc. Nhưng họ để cho người ta đi lang thang, sống lây lất với những số tiền nhỏ kiếm được nhờ làm những công việc lặt vặt. Như thế chẳng thà kiếm tàu chở họ ra khỏi thành phố lại còn có phần nhân đạo hơn. Riêng tôi trong vụ hè đó, Ba tôi đã rất hãnh diện đi khoe cùng khắp là tôi kiếm được đủ tiền mua các đồ nữ trang đắt tiền. Và Bennington, Chúa ơi, tội nghiệp, anh chàng quý phái. Tôi bảo đảm với anh ta rằng mình vẫn sống rất bình thường, mặc áo may-ô, ăn thịt gà thường lệ, và giấu biệt không hề nói tới những bộ quần áo xếch xy, diêm dúa. Tuy nhiên chính Ba đã lo cho anh ta tốt nghiệp đại học. Ông thường nói một cách sung sướng: “Con sẽ có đầy đủ mọi thứ hết”. Phải, tôi nghĩ thầm, trong những cái ông chuẩn bị cho tôi có cả hai năm theo học ở Florence tại một trường mà tôi phải cố gắng hết sức mới còn là người giữ được trinh duy nhất trong trường và cuộc tập sự tại Boston, Massachusetts. Tôi thực đã trở thành một bông hoa mắc tiền trong giới thượng lưu quý phái.
Vì vậy tôi chắc chắn thế nào Ba tôi cũng vì tôi mà làm một cái gì đó cho Martha Dodd, và chúng tôi mạnh dạn tiến vào văn phòng của ổng. Tôi lại còn có mộng lớn là kiếm việc làm cho cả chàng cao bồi Johnny Swanson nữa, rồi lại còn cả Evelyn Brent, và một số các bạn hữu khác. Ba là người rất có duyên, và nhiều thiện cảm, ngoại trừ một lần tôi gặp ông bất ngờ ở New York, lần đó có một cái gì khiến tôi có cảm tưởng ổng không đáng làm cha mình. Dù sao ổng cũng vẫn là ba của tôi, vì tôi ổng có thể làm bất cứ việc gì trên cõi đời này.
Trước khi vào phòng Ba tôi, chúng tôi đi qua phòng ngoài của hai cô thơ ký và nhận thấy chỉ có một mình Rosemary Schmiel đang nghe điện thoại ở bàn giấy của cô Birdy Peter. Rosemary ra hiệu khoát tay bảo chúng tôi ngồi chờ nhưng tôi đã có chủ kiến riêng và bảo Martha cứ việc đi theo tôi, rồi tôi ấn nút chuông ở phía dưới bàn giấy Rosemary và mở cửa phòng Ba tôi tiến vào. Rosemary gọi giật lại:
- Ba cô mắc đi họp... À, không họp, nhưng tôi cần phải...
Cô ta nói được đến đây thì tôi đã đi qua một phòng nhỏ ngăn cách giữa phòng thơ ký và văn phòng làm việc của Ba tôi; qua một lần cửa nữa và thấy Ba mồ hôi nhễ nhại, mặc có mỗi một chiếc áo sơ-mi trần, đang cố gắng mở một cánh cửa sổ. Hôm đó trời nóng, nhưng không đến nỗi nóng quá như vậy, và tôi tưởng rằng ông bị đau. Nhưng Ba tôi trả lời:
- Không, Ba không sao cả. Có chuyện gì vậy?
Tôi liền đem tất cả câu chuyện trình bày về trường hợp kiếm việc của Martha và những người cùng hoàn cảnh như cô ta. Họ cứ phải đi lui, đi tới văn phòng của ông mãi để xin việc hoài. Tại sao không cho họ một việc làm thường xuyên, chắc chắn. Ông có vẻ cảm động khi nghe tôi nói và luôn luôn gật đầu đồng ý. Tôi cảm thấy gần gũi với ổng hơn lúc nào hết. Tôi tiến đến ôm hôn vào má ổng. Mồ hôi ông vã ra ướt đẫm cả áo sơ-mi và người hơi run run. Tôi nói:
- Ba không được khỏe lắm. Hay là có chuyện gì bực mình?
- Không, Ba vẫn khỏe.
- Vậy thì chuyện gì?
- Chà, cái thằng khốn nạn Monroe, thằng lỏi con, nó kiếm chuyện với Ba hoài.
Tôi hỏi lại với giọng lạnh lùng:
- Chuyện gì xảy ra?
- Thằng oắt con, lúc nào hắn cũng ngồi lù lù như ông cố đạo rồi chỉ tay ra lệnh, sẽ làm cái này, sẽ bỏ cái kia. Ba bực muốn điên lên rồi, Ba không thể nói được nữa. Đi ra ngoài với Ba một lát.
- Người Ba như thế này mà đi đâu?
- Đi ra, Ba kể cho con nghe. Ba đừ, nhưng hắn cũng hết ăn uống nổi.
- Ba đi chải đầu và sửa lại quần áo đi. Con muốn Ba nói chuyên với Martha Dodd một lát.
- Ngay ở đây bây giờ sao? Ba có bao giờ trốn cô ta dâu!
- Thì ở ngoài kia vậy. Ba đi rửa mặt và thay cái sơ-mi khác đi.
Với một dáng điệu thất vọng ra mặt, ông đi vào phòng tắm được thiết trí sát ngay văn phòng. Không khí trong phòng oi bức lạ, hình như căn phòng đã được đóng kín cửa cả tiếng đồng hồ vậy. Tôi nghĩ có lẽ tại vậy mà Ba tôi bị đau nên đi mở thêm hai chiếc cửa sổ nữa ra.
Tiếng Ba tôi vọng ra từ trong phòng tắm:
- Con ra trước đi, một lát Ba ra liền bây giờ.
- Ba liệu xử đẹp với nàng. Nhưng đừng có tỏ vẻ thương hại đấy.
Làm như thể tiếng của Martha vậy, tôi vừa chợt nghe có tiếng người rên se sẽ ở đâu đây ngay trong phòng này. Tôi nín thở, và hồi hộp lắng nghe. Tiếng rên lại nổi lên, rồi nghe rõ ràng không phải từ trong phòng tắm vọng ra, cũng không phải từ phòng ngoài đưa vào. Nhưng nó phát ra từ một cái tủ đứng kê ngay phía trước mặt tôi. Không hiểu sao lúc đó tôi lại can đảm đến như vậy. Tôi chạy ngay lại, mở phăng cánh tủ ra, cô thơ ký Birdy Peters của Ba tôi trần truồng như nhộng từ trong tủ té lăn ra ngoài, y như thể một xác chết trong xi-nê. Cùng ùa ra theo với nàng là một làn hơi nghẹt thở, tù túng từ trong tủ kín. Nàng ta nằm ngay đơ trên lối đi trong phòng, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi, một tay hãy còn cầm cái áo, hay cái quần gì đó và ngay lúc ấy thì Ba tôi từ trong phòng tắm chạy ra. Tôi cảm thấy ổng đứng ở đàng sau, và không cần quay lại tôi cũng có thể tưởng tượng được nét mặt ổng, vì tôi đã từng làm ổng ngạc nhiên trước đây ở New York. Tôi nói nhanh:
- Mặc đồ vào. Mặc đồ cho cô ta!
Vừa nói tôi vừa vớ một miếng vải ở chiếc đi-văng gần đó ném cho cô ta.
Tôi ra khỏi văn phòng. Nhìn thấy nét mặt của tôi, Rosemary Schmiel tỏ vẻ sửng sốt. Sau đó không bao giờ tôi găp lại cô ta và cả Birdy Peters. Vừa đi ra ngoài, Martha vừa hỏi: “Chuyên gì vậy chị?”. Thấy tôi không nói gì, nàng tiếp: “Như thế là chị đã hết sức giúp em rồi, mà không được thì thôi, tại có lẽ mình tới không nhầm lúc. Để em đưa chị lại thăm một con bạn rất đẹp của em, con nhỏ mà tối hôm đó đã nhảy với Stahr và ngồi chung bàn với em đó, chị có thấy không?”
Thế là nàng đã thỏa mãn ý nguyện của tôi. Duy có điều là nhờ ở sự việc tôi đã bới nước cống trong gia đình lên để ngửi.
Martha đọc đi đọc lại mảnh giấy, nhưng hình như không phải nàng viết cho Stahr. Căn nhà mà chủ đi khỏi sao có vẻ vắng lặng thiệt. Không phải có ý nghi ngờ nàng ẩn núp đâu đây, nhưng tôi cũng để ý quan sát một lượt xem có gì giá trị không. Chỉ thấy vẻ im vắng. Một con ruồi từ đâu bay tới đậu trên nền nhà, không buồn để ý tới chúng tôi, trong khi cơn gió thổi bay một góc chiếc màn cửa. Martha lên tiếng:
- Không biết con nhỏ đi kiếm việc gì? Hôm Chủ nhật nó còn đi chơi với Stahr mà.
Nhưng tôi không còn để ý gì nữa, và chợt cảm thấy mộr cái gì kinh khủng rình rập đâu đây - máu của nhà tư bản, tôi nghĩ tới một cách ghê sợ. Thình lình tôi hốt hoảng kéo Martha ra ngoài sân. Nhưng không kịp nữa, tôi cảm thấy mặt mũi tối tăm, trước mắt toàn một màu đen ghê gớm, và chợt nhớ lại thân hình trần truồng của cô thơ ký. Tôi thường có những ý nghĩ tốt đẹp về thân hình của mình, cho rằng nó có những đường cong rất mỹ thuật. Tôi thật không thể nào tưởng tượng nổi có người lại đem nhốt mình trần truồng kín mít trong một cái hộc ở tường giữa lúc đang làm việc ban ngày ban mặt.
- Nếu có ghé qua tiệm thuốc, làm ơn xin dùm cái đơn thuốc với nhá.
- Có cần đến dược sĩ điều chế không?
- À, nếu có gặp dược sĩ thì xin dùm toa thuốc cho một người đang bị đau nặng.
- Nặng lắm không?
- Nặng lắm. Và sau đó, nhớ rằng những gì bạn đã nhìn thấy qua cửa sổ khiến bạn khoái tỷ, chăm chú theo dõi, có thể quay thành phim được đấy nhé.
- Bộ anh muốn nói tới vụ án mạng ngoài cửa sổ hả?
Stahr mỉm cười:
- Đó là tại bạn nghĩ vậy. Có thể tôi chỉ muốn nói tới chuyện con nhện giăng tơ trên ô kính cửa thì sao?
- Dĩ nhiên. Tôi thấy hết mà, yên trí.
- Bạn thấy thì mặc kệ bạn, không liên quan gì đến tụi này đâu nghe. Chuyện ổ nhện thì bạn dòm một mình trong khi vụ án mạng thì lại định đổ lên đầu tụi tui là không được đâu.
- Có lẽ tôi nên rút là vừa. Đã ba tuần lễ rồi, chẳng làm dược việc mẹ gì. Bao nhiêu ý kiến đưa ra, bọn soạn giả chẳng ai chịu viết cả.
- Tôi cần bạn ở lại, vì bạn biết nhiều chuyện khác ngoài vấn đề làm phim...
Boxley nói lớn:
- Mấy chuyện đó nhức óc thấy mẹ. Bạn không có quyền để tình trạng này...
Boxley chợt nghĩ lại. Anh ta biết Stahr hiện là người lèo lái con thuyền của công ty. Chàng đang đợi cơn gió dữ qua đi, chuẩn bị lại thuyền bè cho chuyến vượt biển với những kế hoạch khéo léo. Bằng không thì cả công ty sẽ sụp đổ và biến thành một đồng đất đá ngổn ngang, trong đó có thể tìm thấy cả những hòn cẩm thạch quý giá từng được gọt dũa để trang hoàng nơi các đền đài trong quá khứ. Boxley lên tiếng:
- Tôi mong anh sẽ bắt tay xúc tiến ngay chương trình thực hiện ào ạt.
- Phải chờ có đủ điều kiện làm việc. Thí dụ bây giờ anh là họa sĩ tài ba như Rubens chẳng hạn, nhưng lúc anh đang thích vẽ chân dung của Đức Jésus mà tôi lại bắt anh đi vẽ bọn trọc phú như Bill Brady, hay tôi, hay Gary Cooper, hay Marcus thì thử hỏi anh có lòng dạ nào mà vẻ không? Vấn đề điều kiện cho việc thực hiện hằng loạt của chúng ta bây giờ là phải tìm được những câu chuyện hay truyền tụng trong dân chúng. Sau đó chúng ta mới đem thi vị hóa, làm cho nó trở nên huy hoàng, lộng lẫy, rồi trả lại cho họ xem. Và sau đó là địa, phải chi địa thật nhiều, bạn có không, Boxley?
Boxley thầm nghĩ: tối nay thế nào mình cũng ngồi với Wylie ở quán Troc để tán dóc về việc làm và thái độ của Stahr. Nhưng dù sao thì Boxley cũng là người đã từng đọc Lord Chanwood và anh ta phải công nhận rằng trường hợp của Stahr hiện tại cũng giống như hoàn cảnh Tổng thống Lincoln trước kia, một mình với hai bàn tay đơn độc mà phải chiến đấu trong một trận chiến có nhiều mặt trận. Chính Stahr là người đã đưa điện ảnh tới chỗ phát triển mạnh mẽ trong vòng mười năm qua. Ngày nay nội dung của những cuốn phim thuộc “loại A” đã trở nên phong phú, xúc tích hơn cả những gì đang diễn ra trên sân khấu kịch trường. Lincoln dù sao cũng còn là một ông tướng hay nếu muốn có thể trở thành người thường, ngược lại Stahr chỉ là một nghệ sĩ.
Stahr lên tiếng:
- Tụi mình xuống chỗ thằng La Borwitz một chút coi. Chắc nó đang đói địa đây.
La Borwitz và hai soạn giả nữa cùng với một cô thơ ký tốc ký và một ông giám thị đang ngồi bí xị không biết viết tiếp ra làm sao. Stahr biết họ ngồi như vậy đã từ mấy tiếng đồng hồ rồi. La Borwitz rụt rè lên tiếng:
- Có nhiều nhân vật quá, không biết phải làm sao bây giờ!
Stahr khịt mũi se sẽ:
- Đứng. Nhiều nhân vật chính là chỗ dụng ý của cuốn phim.
Nói xong, Stahr móc trong túi ra một đồng năm mươi xu, ngẩng nhìn ngọn đèn treo lủng lẳng giữa phòng và liệng lên, mọi người nghe một tiếng keng, đồng bạc đã rơi vào cái dĩa đựng ngọn đèn. Chàng nhìn những đồng bạc lẻ đang cầm trong tay và chọn một đồng hai mươi lăm xu.
La Borwitz nhìn Stahr một cách bi quan. Việc dựng lên nhiều nhân vật trong cuốn phim này chính là sáng kiến đắc ý của Stahr. Bây giờ sáng kiến đó đang trở thành chuyện xây lâu đài trên bãi cát. La Borwitz thừa lúc mọi người đứng quay lưng về phía mình, anh ta co hai bàn tay vung mạnh lên cao khỏi đầu, thật cao đến độ hai bàn tay như lìa khỏi cổ tay bay lên, và anh ta lại bắt lấy, ráp vào khi nó đang rơi xuống. Sau động tác đó, anh ta cảm thấy trong người dễ chịu hơn.
Một anh soạn giả đã lấy ra mấy đồng bạc cắc cầm trong tay, và sau đó luật chơi được công bố ngay: Phải ném đồng bạc qua những sợi dây treo đèn, làm sao cho nó không chạm vào sợi dây mà lại rơi vào trúng dĩa đựng đèn là ăn, và tất cả những người khác phải chung tiền.
Cuộc chơi kéo dài sôi nổi khoảng nửa tiếng. Chỉ có một mình Boxley không chơi, anh ta ngồi chúi mũi vào tập chuyện phim, cô thơ ký ngồi đếm từng ván một. Cô ta làm một con toán nhẩm và thấy khoảng thời gian bốn người chơi như vậy công ty vẫn phải trả cho họ số tiền tới sáu, bảy trăm đô la. Cuối cùng La Borwitz ăn được tất cả năm đô-la rưỡi, và một người lao công đem thang tới, trèo lên lấy số tiền trong dĩa đèn xuống.
Đột nhiên Boxley lên tiếng:
- Các anh viết cái gì mà tôi đọc chỉ thấy loạn xà ngầu lên, như món gà tây nhồi nhân thập cẩm vậy.
- Anh nói sao?
- Đây không phải là chuyện phim.
Mọi người nhìn về phía Stahr và chàng cố giấu một nụ cười.
La Borwitz nói lớn:
- Vậy thì ở đây chỉ còn có mình bạn là tổ sư điện ảnh thôi, chớ còn ai nữa đâu!
Boxley trả lời thẳng thắn:
- Rất nhiều câu nói hay ho, nhưng không có dịp thuận tiện thích hợp để nói lên. Không phải phim, mà cũng chẳng ra tiểu thuyết. Thiệt tình tôi không biết mô tả làm sao, nhưng quả thực có cái gì không ổn. Đọc lên không thấy gây được một xức cảm nào cả.
Những bản thảo này cũng không hơn gì những bản họ đã đưa cho anh ta đọc cách đây ba tuần lễ. Stahr quay đi và sẽ liếc mắt quan sát từng người. Boxley nói tiếp:
- Không cần bỏ bớt nhân vật. Phải thêm vào nữa là đàng khác. Đó chính là chủ ý của cuốn phim, tôi cũng nhận thấy như vậy.
Hai anh soạn giả:
- Chủ ý của cuốn phim là thế.
La Borwitz nói theo:
- Đúng, đó là chủ ý cuốn phim.
Sự chú ý của những người xung quanh gợi ý cho Boxley:
- Chúng ta để mỗi nhân vật tự nhìn vảo bộ mặt của họ ở một vị trí khác. Thí dụ: viên cảnh sát sắp sửa bắt tên ăn trộm thì anh ta chợt nhận thấy mặt của tên trộm giống anh ta quá. Chúng ta nên có lối xây dựng tương tự như vậy. Có thể gọi đó là đặt mình vào địa vị của người khác.
Thình lình họ bị lôi cuốn vào công việc làm, giống như chú mèo đang chơi vòng, ngửi thấy hơi chuột liền đeo cả vòng ở cổ chạy đi bắt. Có thể ngày mai họ sẽ lại vất bỏ những gì đã viết ra hôm nay, nhưng dù sao sinh lực đã đến với họ trong giây lát. Trò chơi liệng tiền cũng có tác dụng của nó chẳng thua gì sự suy nghĩ của Boxley. Stahr là người đã tạo ra bầu không khí lôi cuốn họ vào sự làm việc hào hứng như vậy. Chàng không dám tự nhận mình là tài xế của cỗ xe, nhưng chàng có những hành động, cảm tưởng và đôi khi cả dáng điệu nửa giống như một đứa trẻ lăng xăng bày hết trò chơi này đến trò chơi khác.
Stahr lặng lẽ ra khỏi phòng, chàng không muốn khua động làm họ mất hứng. Lúc đi qua Boxley, chàng chạm nhẹ tay vào vai anh ta một cái, cử chỉ đó có giá trị thắm thiết như một cái hôn vậy.
- Anh thấy trong người thế nào?
- À, như thường.
- Có thấy khó chịu chỗ này không? Ngủ được không?
- Không. Chỉ được chừng năm tiếng. Dù có vào giường sớm cũng nằm không chớ không ngủ được.
- Uống mấy viên thuốc ngủ tôi đã cho đó.
- Mấy viên thuốc màu vàng uống vào thấy choáng váng.
- Vậy uống hai viên đỏ.
- Thì lại thấy ác mộng.
- Một vàng, một đỏ. Uống viên vàng trước thử xem sao?
- Tôi hả? Tôi thì đã có tôi lo săn sóc cho chính mình được rồi.
- Giỡn hoài, sao nhiều đêm tôi thấy anh thức suốt đêm.
- Thì hôm sau tôi ngủ bù.
Sau đó chừng mươi phút, Baer cho biết:
- Có vẻ tốt. Áp suất máu lên tới năm.
- Vậy là tốt hả?
- Tốt! Tối nay tôi sẽ coi lại biểu đồ nhịp tim. Chừng nào thì anh có thể đi nghỉ ít lâu?
- À để chừng nào công việc thư thư một chút mới được. Chừng năm sáu tuần nữa may ra.
Baer nhìn Stahr với con mắt đầy cảm tình, mối thiện cảm đó đã nảy nở trong thời gian Baer săn sóc sức khỏe cho chàng từ ba năm nay. Ông ta nói:
- Hồi cách đây mấy năm anh khỏe hơn bây giờ nhiều.
- Yên trí, tôi sẽ khỏe trở lại.
Baer nghĩ thầm: Không, chàng sẽ không bao giờ khỏe trở lại được. Hồi Minna còn sống, nàng thường bắt chàng nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng từ ngày nàng chết đi tới giờ, Baer đã cố gắng để ý tìm xem ai là người thân thiết nhất của Stahr để có thể thay thế Minna, săn sóc cho chàng, nhưng tìm không ra. Cứ tình trạng này thì Stahr không thể nào sống lâu thêm được. Trong vòng sáu tháng nữa, cái chết của Stahr sẽ được định đoạt dứt khoát. Có nghiên cứu biểu đồ nhịp tim cũng vô ích. Ai có thể thuyết phục được một người như Stahr, ăn rồi nằm nghỉ chơi không trong sáu tháng trời bây giờ? Làm vậy có lẽ chàng sẽ còn mau chết hơn. Chàng vẫn làm bộ nói mạnh, nhưng không thể che giấu tình trạng kiệt quệ của sức khỏe đã rõ rệt lắm rồi. Lao động là liều thuốc bổ, nhưng cũng có thể trở thành liều độc dược đối với sức khỏe con người. Trường hợp của Stahr, công việc đã thôi thúc quá độ khiến chàng không thể vui hưởng những giây lát nghỉ ngơi thoải mái được nữa. Đó là lối sống phản thiên nhiên, Baer biết vậy nhưng không thể làm gì hơn. Ông ta không dám có ý nghĩ chữa bệnh cho con bệnh nữa, mà chỉ còn cố giữ sao cho bệnh nhân sống thêm được ngày nào hay ngày đó. Baer nói:
- Anh ráng lo giữ sức khỏe.
Rồi hai người trao đổi với nhau một cái nhìn. Không biết Stahr có hiểu ý nghĩa trong cái nhìn đó không. Rất có thể chàng đã biết, nhưng có điều không biết rõ chuyện đó sắp tới vào ngày, giờ nào? Stahr nói:
- Dĩ nhiên. Như thế tôi khỏi còn trách ai được nữa.
Người da đen đã thu dọn xong các dụng cụ. Baer đứng lên:
- Tuần tới nghe.
- O. K. tuần tới.
Cánh cửa vừa khép, Stahr ấn nút máy nội thoại. Tiếng cô thơ ký Doolan lập tức vang lên:
- Thưa, ông có quen ai là Kathleen Moore không ạ?
- Cô nói sao?
- Thưa, có cô Kathleen Moore đang chờ ở điện thoại. Cô ta nói là ông dặn cô ta kêu lại.
Nét mặt Stahr thoáng vẻ giận. Đã năm ngày trôi qua, không biết có còn gì nữa không.
- Cô ấy còn chờ đó không?
- Dạ, còn.
- Rồi, để cô ta nói.
Trong giây lát, Stahr nghe tiếng nàng sát bên tai. Chàng hỏi với giọng trầm, nhưng chắc chắn:
- Sao, em lấy chồng rồi chớ?
- Không, chưa.
Trí nhớ chàng hiện lên hình ảnh nàng. Stahr ngồi xuống ghế và có cảm tưởng nàng tựa vào bàn, cúi xuống nói vào tai chàng. Stahr lên tiếng, giọng chàng bình tĩnh, thản nhiên nhưng hơi khó khăn:
- Em kêu anh có chuyện gì không?
- Anh thấy lá thơ rồi phải không?
- Đúng. Ngay đêm hôm đó.
- Em muốn nói với anh về chuyện đó.
Dần dần chàng cảm thấy mình bị đối xử một cách tàn nhẫn.
- Em định nói gì nữa?
- Em tính viết cho anh một lá thơ khác, nhưng lại thôi.
- Anh cũng biết vậy.
Cả hai cùng im lặng.
Nàng chợt lên tiếng:
- Ồ, vui lên chớ. Stahr chớ đâu phải một kẻ tầm thường mà có vẻ yếu quá vậy?
Chàng nói có vẻ hơi dằn giọng:
- Anh cảm thấy bị đối xử hơi tàn nhẫn. Không biết em còn gọi cho anh để làm gì. Ít ra cũng để cho anh có một cảm tưởng đẹp về em.
- Em không thể tưởng tượng hôm nay anh có vẻ xìu quá vậy. Chắc anh sắp sửa chúc em may mắn và cúp đấy hẳn?
Đột nhiên nàng cười và tiếp:
- Có phải anh định nói vậy không? Em chỉ sợ anh cúp bất tử.
Chàng nói một cách thẳng thắn:
- Anh không ngờ em còn gọi lại.
Nhưng hình như nàng không để ý câu nói của chàng, nàng cười lớn. Tiếng cười của đàn bà và con nít luôn luôn là những tiếng kêu biểu lộ sự vui thú. Rồi nàng hỏi:
- Anh có biết tình cảnh em lúc này không? Em có cảm tưởng như bị một con sâu lông lá, nóng hổi rơi ngay vào mồm trong một mùa dịch sâu ở Luân Đôn.
- Anh xin lỗi.
Nàng năn nỉ:
- Em cần gặp anh. Em không thể nói hết ở đây được.
- Anh bận lắm. Tối nay có buổi chiều phim ra mắt ở Glendale.
- Có phải anh định mời em đấy không?
- Anh đi với George Boxley, một văn sĩ người Anh. Em có muốn đi cùng không?
Nói xong, Stahr chợt cảm thấy ngạc nhiên về chính lời của mình.
- Như thế làm sao mình nói chuyện được?
Chàng đang định nói thì cô thơ ký cúp để chàng có thể nói chuyện với ông giám đốc thu hình. Đây là chỉ thị từ trước tới giờ vẫn vậy. Stahr nói vội “Chờ” và tay chàng ấn vào nút máy. Giọng Kathleen đầy tin tưởng:
- Mười một giờ được không anh?
Ý tưởng lái xe đi lòng vòng khiến chàng cảm thấy không ổn. Giá chàng có thể nghĩ ra được một câu gì đó để từ chối thì chàng đã nói ngay. Nhưng Stahr không muốn làm một con sâu mà nàng vừa nhắc tới. Đột nhiên chàng thấy không có thái độ rõ rệt và chỉ còn cảm thấy dù sao thì ngày hôm nay như thế cũng là đầy đủ rồi. Tối nay chàng có quyền... một trò chơi lại được bắt đầu, chuyển tiếp hay sẽ đi tới tận cùng.
Sau cùng nàng từ trong nhà đi ra, với nét mặt rất vui vẻ, khác hẳn hôm trước. Nàng mặc váy và cốn lên một chút trong lúc đi xuống chỗ đậu xe. Thái độ vui tươi, sung sướng, can đảm, nhí nhảnh của nàng khiến Stahr nghĩ tới một bài hát có tựa đề “Cột chặt thắt lưng. Ta cùng lên đường, cưng ơi”. Hôm nay Stahr đi chiếc xe limousine có tài xế lái. Giữa tài xế và chỗ Stahr ngồi có kính ngăn và màn che kín. Không khí kín đáo, ấm cúng trong xe khiến hai người cảm thấy thân mật ngay, nhất là khi xe quẹo khiến họ ngả vào nhau trong bóng tối thì sự xa lạ đã hoàn toàn tan biến mất. Chàng cảm thấy vô cùng thoải mái sung sướng trong cuộc đi chơi hôm nay. Nếu chàng biết trước được giờ chết thì sẽ không chịu chết vào lúc này.
Chuyện dĩ vãng được nàng làm sống trở lại. Nàng có thái độ bình tĩnh, hai mắt long lanh, rực sáng nhìn xoáy vào cõi xa xôi một cách sống động, đưa Stahr tới những miền xa xôi, những nhân vật mà nàng đã gặp. Câu chuyện lúc đầu có vẻ hơi mơ hồ, với “người đàn ông đó”, tức là người nàng đã yêu và đã sống với anh ta. Rồi tới “một người Mỹ” là người đã cứu nàng khi nàng sắp chết đuối vì gặp chỗ cát lún khi tắm biển.
- Người Mỹ đó tên gì?
- Ồ, tên với tuổi, có gì quan trọng đâu mà anh phải hỏi cẩn thận. Dĩ nhiên cái tên đó không thể nào so với tên Stahr, một người giàu có được. Trước đây người đó ở Luân Đôn, nhưng bây giờ anh ta và nàng sắp sửa tới sinh sống ở thành phố này. Anh ta đang lo ly dị với người vợ cũ. Không phải vì nàng, nhưng việc đó đã xảy ra từ trước.
Stahr lại hỏi:
- Nhưng còn người đàn ông đầu tiên thì sao? Trường hợp nào em quen với anh ta?
À, thoạt đầu là một sự giúp đỡ, thi ân. Ở vào cái tuổi từ mười sáu tới hai mươi mốt, mọi chuyện đều vì miếng ăn, do miếng ăn mà ra cả. Ngày nàng bị gọi ra tòa cùng với người dì ghẻ, cả hai chỉ còn trong túi có một hào, họ phải mua hai chiếc bánh sáu xu ăn cho khỏi bị xỉu.
Ít tháng sau thì người dì ghẻ chết và nàng phải nghĩ cách bán thân để kiếm cho ra một hào khác, nhưng lúc đó nàng quá yếu ớt, không còn đủ sức bò ra tới đường phố. Đường phố ở Luân Đôn lúc nào cũng hầu như rất ồn ào.
- Vậy họ hàng không còn ai sao?
Cũng có những người ở tận miền Ái Nhĩ Lan, họ gởi bơ tới cho nàng. Rồi còn cháo gà nữa. Một ông cậu tới thăm nàng, khi nàng đã ăn no ông ta giở trò ba mươi lăm. Nàng không phản đối và sau đó ông ta lén giấu vợ cho nàng năm mươi Anh kim.
Stahr lại hỏi:
- Thế em không làm gì sao?
- Có chứ. Một hồi em đã làm cho hãng buôn xe hơi. Em đã bán được một chiếc xe.
- Sao em không kiếm một việc làm chắc chắn?
- Khó quá anh à. Hình như mọi người có cảm tưởng rằng những người như em là loại người chỉ chuyên môn đi cướp việc làm của người khác. Có lần em bị một mụ đàn bà đánh khi em tới định xin làm bồi phòng cho một khách sạn.
- Tại sao em lại bị ra tòa?
- Đó là chuyện xui xẻo do dì ghẻ em gây ra. Em đâu còn ai. Ba em bị một tên da đen giết chết lúc người mới hai mươi mốt tuổi, khi đó em còn chưa biết gì. Người có viết để lại cho em một tác phẩm, đó là cuốn “Lời nguyên cuối cùng”. Anh có bao giờ đọc cuốn đó chưa?
- Anh ít đọc sách.
- Em hy vọng anh sẽ mua tác phẩm đó và quay thành phim. Cuốn sách đó không dài lắm, và hàng năm nhà xuất bản vẫn trả cho em mười hào Anh tiền bản quyển.
Rồi nàng gặp “Hắn”. Hắn đưa nàng đi chu du khắp nơi, hầu hết những chỗ đã được chàng thâu vào phim. Có những thành phố chàng chưa hề nghe nói đã được nàng nhắc nhở vì đã từng sống ở đó. Sau đó hắn đổ đốn, say sưa li bì và ngủ cả với con người làm. Hắn mê cô này và tìm cách đẩy nàng đi với những người bạn của hắn. Nhưng họ cố gắng hàn gắn mối tình giữa nàng và hắn. Mọi người khuyên nàng đã thương hắn thì nên thương cho trót, cho tới cùng. Họ cố gắng thuyết phục nàng bằng đủ mọi cách. Nhưng nàng đã gặp người Mỹ này và bỏ đi luôn.
- Đáng lẽ em phải đi từ trước.
- Phải, nhưng anh thấy đâu có dễ dàng gì. Em đã phải chạy trốn một ông Vua.
Chàng có vẻ thất vọng hoàn toàn. Nàng cố gắng tạo một không khí phấn khởi. Những ý tưởng mơ hồ thoáng qua khiến chàng cảm thấy nghi ngờ mọi cái.
Nàng tiếp:
- Dĩ nhiên Vua đây không phải là Hoàng đế nước Anh, nhưng chỉ là một gã thất nghiệp. Ở Luân Đôn người ta quen gọi thế. - Nàng vừa nói vừa cười. - Ở Luân Đôn có rất nhiều vua.
Nàng ngừng một lát như thể suy nghĩ và nói tiếp với giọng gần như thách thức:
- Hắn cũng hấp dẫn lắm, cho tới lúc hắn bắt đầu sinh chứng và say sưa.
- Hắn là vua nghề gì?
Nàng trả lời và Stahr cố gắng nhớ lại một khuôn mặt nào đó trong cuốn phim thời sự cũ.
Nàng nói tiếp:
- Hắn học rất nhiều. Hắn có thể dạy học bất cứ môn gì. Nhưng cũng giống như một ông Vua, hắn không thích làm việc nhiều, hay ít ra là không bằng anh. Không ai làm việc dữ như anh cả.
Lần này Stahr cười sau khi nghe xong.
- Những người đó hình như luôn luôn lo sợ họ sẽ trở thành lỗi thời. Họ bỏ rất nhiều thì giờ vào việc lo chải chuốt, theo thời. Chẳng hạn có người cố gắng vào cán bộ nghiệp đoàn. Người thì lo cắt những bài tường thuật thể thao trong báo chí mỗi khi có những trận đấu bán kết hay chung kết giải quần vợt. Đi đâu họ cũng ôm khư khư những bài báo đó để tỏ ra ta đây là người theo sát thời sự. Em đã thấy rất nhiều lần như vậy.
Xe của hai người chạy qua công viên Griffith, qua phim trường Burbank nằm chìm trong đêm tối, qua phim trường và đang trên đường đi Pasadena với đầy các bảng hiệu nê-ông của những lữ quán bên đường. Chàng muốn nàng hết sức, nhưng đêm đã quá khuya, vả lại cuộc đi chơi hôm nay như thế kể ra cũng là đầy đủ thú vị lắm rồi. Tay trong tay, nàng ngả đầu vào vai chàng thủ thỉ: “Trời, anh dễ thương quá, em chỉ muốn được ở mãi bên anh”.
Nhưng đầu óc nàng không hoàn toàn thuộc về chàng như cuộc đi chơi chiều Chủ nhật hôm nào. Dư âm của những khích động trong cuộc phiêu lưu nàng vừa kể đã khiến nàng trở nên thẫn thờ, buồn khổ. Chàng không dằn được tính tò mò và bâng khuâng tự hỏi không biết nàng có chịu nói thêm về chuyện người tình Mỹ của nàng không.
- Em quen người Mỹ này từ bao lâu?
- À, chừng năm sáu tháng gì đó. Tụi này gặp nhau thường và thông cảm với nhau. Anh ta hay nói: “Bây giờ thì sóng gió kể như đã qua hết rồi”.
- Vậy tại sao em còn kèu anh làm gì?
Nàng ngập ngừng:
- Em muốn gặp anh thêm một lần. Hơn nữa - đáng lẽ hôm nay anh ấy về tới, nhưng đêm qua em nhận được điện tín anh ấy cho biết sẽ ở lại thêm một tuần nữa. Em muốn có bạn để nói chuyện, dù sao thì anh cũng vẫn là một người bạn.
Chàng cảm thấy muốn nàng kinh khủng. Nhưng với một phần sự sáng suốt còn lại, chàng nghĩ thầm: chắc em muốn biết mình có thương em hay không. Nếu biết chắc là mình có ý định lấy em thì lúc đó em sẽ tính đến chuyện cho anh chàng kia rơi. Nhưng em sẽ không nghĩ tới chuyện đó chừng nào mình còn chưa dứt khoát lập trường. Chàng hỏi:
- Em có yêu người Mỹ này không?
- À, có chứ. Anh ấy đã cứu vớt đời em. Và đã đi nửa vòng thế giới vì em. Em phải nhớ tới điều đó.
- Nhưng em có yêu anh ta không?
- À, có. Em yêu anh ấy.
Những tiếng “À, có” cho chàng biết rằng nàng không yêu anh ta, nhưng thực ra là nàng yêu chàng. Chàng ôm nàng trong tay, gắn chặt môi mình vào môi nàng một lúc lâu và cảm thấy ấm áp. Tiếng nàng thì thào:
- Đêm nay, đừng anh.
- À.
Xe chạy qua cây “cầu tự vận” với một đường dây xích mới được chăng ngang trên cao dọc theo lan can cầu để ngăn không cho người ta nhảy xuống sông. Nàng nhìn sợi dây, cười:
- Ngu gì mà đi tự tử. Người Anh không bao giờ chịu chết nếu họ chưa thực hiện được điều họ muốn.
Xe chạy vòng quanh một khách sạn và trở lại đường cũ. Đêm nay, một đêm tối trời, không trăng. Sự thèm muốn háo hức đã qua, hai người cùng ngồi im, không ai nói gì nữa. Câu chuyện về những ông vua thất nghiệp nàng kể khiến chàng nhớ lại hình ảnh thoáng qua của con đương phố chánh ở Erie, Pensylvania với lối đi lát sỏi trắng như những viên ngọc. Hồi đó chàng mới mười lăm tuổi. Trên đường có một tiệm ăn với những con tôm hùm bày trong tủ kính, một cái hang hình con ốc với cỏ dại xanh um và ánh sáng chan hòa phía trên, nhưng bên dưới, sau bức màn cửa màu đỏ là những bộ mặt lạ lùng, bí mật ngôi trầm tư trong tiếng vĩ cầm réo rắt. Đó là lúc chàng sắp sửa đi New York. Người con gái này tối nay đã đưa chàng trở về dĩ vãng với hình ảnh của những con tôm hùm, những con cá tươi ướp đá. Nàng giống như một con búp bê xinh đẹp. Minna không bao giờ giống một con búp bê xinh như nàng.
Nàng nhìn chàng và ánh mắt như thầm hỏi: “Liệu em có lấy người Mỹ này hay không?”. Chàng không trả lời. Sau đó một lát chàng lên tiếng:
- Chúng mình kiếm chỗ nào đi chơi cuối tuần này.
- Anh tính bàn chuyên ngày mai sao chớ?
- Anh sợ bàn tới.
- Vậy thì mai em sẽ cho anh biết.
- Cho anh biết ngay đêm nay đi. Anh sợ...
Nàng cười:
- Sợ lại tìm thấy lá thơ nữa trong xe à? Không có nữa đâu, em đã nói với anh hầu như hết mọi chuyện rồi còn gì.
- Hầu như.
- Vâng. Chỉ còn lại vài chi tiết nhỏ.
Những chi tiết đó là gì? Có lẽ ngày mai nàng sẽ nói hết. Chàng không tin đó là những chi tiết quan trọng, chàng không muốn tin như thế. Chắc chả còn vụ lăng nhăng nào khác nữa, ngoài ba năm chung sống lửng lơ chân trong, chân ngoài với anh chàng vua thất nghiệp kia của nàng.
- Cười lên anh. Em đã học được thói quen cười lên để quên đi mọi chuyên.
Chàng không cười:
- Tại sao hắn không cưới em. Nếu hắn cưới em thì bây giờ em đã trở thành một bà Simpson nào đó chẳng hạn, chớ đâu còn...
- Ồ, hắn đã lấy vợ rồi. Hắn đâu có lãng mạn.
Nàng chợt ngưng ngang câu nói, và Stahr hỏi tiếp:
- Thế còn anh thì sao?
Nàng ầm ừ một cách miễn cưỡng:
- Anh có một phần. Trong anh có tới ba, bốn con người khác nhau, về những con người đó đều lần lượt xuất đầu lộ diên. Đó là đặc điểm của người Mỹ.
Chàng mỉm cười:
- Em đừng vì thế mà bắt đầu tin tưởng quá nhiều ở người Mỹ. Họ để lộ bộ mặt ra đấy, nhưng rồi thay đổi đấy, nhanh lắm.
Nàng có vẻ nghĩ ngợi:
- Vậy sao anh?
- Họ thay đổi liền, rất nhanh, và không gì làm họ quay trở lại được nữa.
- Anh làm em lo quá. Từ trước tới giờ em vẫn có cảm tưởng người Mỹ là cái gì an ninh, bảo đảm lắm.
Đột nhiên nàng có vẻ cô đơn quá, và chàng nắm lấy tay nàng:
- Mai mình đi đâu? Hay là đi chơi núi. Mai có rất nhiều việc phải làm, nhưng anh cóc cần. Nếu chúng ta đi lúc bốn giờ chỉ độ xế trưa là tới rồi.
- Em không dám chắc chắn lắm. Đôi khi em thấy thật là khó nghĩ. Dù sao em cũng là một thiếu nữ tới California với mục đích làm lại cuộc đời.
Ngay lúc này chàng có thể bảo nàng: “Em đã làm lại cuộc đời rồi. Đây là cuộc sống mới của chúng mình”. Vì chàng cảm thấy không muốn xa nàng nữa. Nhưng một con người lớn, không mơ mộng đã nổi lên, ngăn cản không cho chàng nói như vậy, nên để đến mai hãy hay. Nàng vẫn nhìn chàng với đôi mắt bâng khuâng. Nàng nghiêng đầu với một dáng điệu đặc biệt và nhìn đi, nhìn lại từ trán tới cằm chàng.
... Dịp may của anh đã tới đó, Stahr. Tốt hơn anh nên đem nàng đi ngay bây giờ. Nàng là người của đời anh nàng thuộc về anh. Nàng là cứu tinh của anh và sẽ giúp anh tìm lại cuộc sống. Nàng sẽ săn sóc anh, khiến anh trở nên mạnh mẽ để thực hiện điều đó. Nhưng anh phải lấy nàng ngay từ giờ phút này. Hãy nói lên, và hãy cùng nàng ra đi chung sống trong hạnh phúc. Anh cũng như nàng, đâu có ai biết: ngoài xa xăm kia, người Mỹ đó đã thay đổi chương trình. Lúc này tàu anh ta đang đi ngang vùng Albuquerque; tàu chạy rất đúng giờ, chỉ sáng mai là anh ta có mặt nơi đây.
... Tài xế quẹo xe, tiến về phía nhà Kathleen trên đồi. Trời tối, nhưng không khí có vẻ ấm áp. Tuy chỉ đi quanh quẩn trong thành phố một lát, nhưng khi trở về tới đây tự nhiên Stahr cảm thấy mừng rỡ. Chiếc xe này, căn nhà ngoài bãi biển, khoảng đường dài hai người vừa đi qua với những nhà cửa mở mang san sát, tất cả đều như chào đón chàng. Sườn đồi phía trước như bừng sáng, trong lòng chàng những âm thanh reo mừng nổi lên rộn rã.
Lúc chia tay, đột nhiên Stahr lại cảm thấy không thể nào sống xa nàng, về tuổi tác, hai người chỉ chênh lệch nhau có mười năm, nhưng chàng cảm thấy nóng lòng, sốt ruột giống như tâm trạng của một ông già khi yêu cô gái mười sáu, mười bảy, yêu quàng, yêu vội để còn chạy trốn thời gian. Tiếng tích tắc của đồng hồ vang lên cùng với tiếng tim đập trong lòng chàng, như thúc đẩy chàng đuổi theo nàng, đi vào trong nhà và nói: “Mình sẽ sống trọn đời bên nhau, em”.
Kathleen ở trong tình trạng lưỡng lự, một lớp băng giá màu hồng bạc đang đợi mùa Xuân tới để tan theo. Là người Âu châu, nàng luôn luôn có vẻ khiêm nhượng bề ngoài để che giấu sức mạnh bên trong, nhưng lòng tự trọng cao độ không thể cho phép nàng đi xa hơn nữa. Nàng không bao giờ có ảo tưởng trong việc nhận định tình cảm của người đàn ông.
Stanr:
- Ngày mai mình đi chơi núi.
Hàng ngàn người đang chờ đợi ở sự phán đoán, cân nhắc của chàng lúc này. Bạn có thể đột nhiên trở nên bạc nhược, mất hết những khả năng từng giúp bạn trong nhiều chục năm trời nay.
Sáng hôm sau là thứ Bảy, chàng bận rất nhiều công việc. Lúc hai giờ, sau khi đi ăn cơm trưa về, chàng thấy một chồng điện tín để trên bàn: một tàu của công ty bị chìm ngoài khơi Arctic; một tài tử bị ô nhục; một văn sĩ bị đưa ra tòa vì một triệu đô-la; người Do Thái bị chết thảm dưới đáy biển. Bức điện tín sau cùng chàng đọc thấy:
Em lấy chồng trưa nay. Chào anh. Ghim theo bức điện chánh còn có một bức phụ. Gởi trả lời qua hệ thống Liên hiệp Điện tín Miền Tây.