Người Trộm Bóng

Chương 5

Về tới nhà, mẹ thông báo với tôi tối đó trên ti vi sẽ phát một phóng sự về nạn chặt phá rừng ở khu vực Amazon. Bà đã chuẩn bị sẵn sàng một khay đồ ăn để chúng tôi cùng thưởng thức trên trường kỷ ngoài phòng khách. Mẹ thu xếp cho tôi ngồi trước ti vi, mang đến cho tôi một chiếc bút và một cuốn sổ, rồi ngồi xuống cạnh tôi. Số lượng động vật hoang dã đã bị lâm vào cảnh phải di cư hay tuyệt chủng vì con người mê say đồng tiền đến mức mất hết lý trí quả thật khủng khiếp!

Trong khi chúng tôi ngồi đó, bất lực theo dõi cảnh những con lười ở Braxin, một loài vật mà tôi thấy rất đồng cảm và gần gũi, bị tàn sát, mẹ xắt nhỏ thịt gà. Đến giữa chương trình, tôi đưa mắt nhìn đống xương còn lại của con gà và thầm hứa sẽ trở thành người ăn chay ngay khi có thể.

Người dẫn chương trình giải thích cho chúng tôi nguyên lý của quá trình thoát hơi nước, một thứ cũng khá đơn giản. Dưới những thân cây, mặt đất cũng thoát hơi nước, gần giống như chúng ta toát mồ hôi qua lỗ chân lông vậy. Thứ mồ hôi này của hành tinh bốc hơi lên cao tạo thành các đám mây. Khi các đám mây trở nên đủ lớn, chúng trở thành mưa rơi xuống, cung cấp lượng nước cần thiết để cho cây cối có thể sinh sôi và tươi tốt. Phải thừa nhận về mặt tổng thể, hệ thống này quả là được nghĩ ra một cách khá chu đáo. Rõ ràng, nếu người ta cứ tiếp tục làm bề mặt trái đất trọc lóc ra như một quả trứng, rồi sẽ chẳng còn mồ hôi hay mây nữa. Hãy tưởng tượng đến những hậu quả khi thế giới này không còn lấy một đám mây xem, nhất là với tôi! Đôi khi cuộc sống lỡm bạn những trò đùa thật dở khóc dở cười. Tôi đã nghĩ ra bài thuyết trình về sự nóng lên của khí hậu này để có một cái cớ, chẳng hề ngờ rồi chủ đề đó lại động chạm sát sạt tới mình như thế.

Mẹ đã ngủ thiếp đi, tôi mở tiếng ti vi to lên một chút để đánh giá giấc ngủ của bà, rõ ràng mẹ đã ngủ rất say. Lại thêm một ngày mệt rã rời nữa của bà. Trông thấy mẹ như thế luôn làm tôi buồn vô cùng. Thêm một lý do nữa để không đánh thức bà dậy. Tôi chỉnh nhỏ tiếng xuống, rồi khẽ rón rén leo lên tầng áp mái. Không bao lâu nữa mặt trăng sẽ lên tới đúng giữa khung cửa trên mái.

Theo đúng quy trình đã áp dụng từ lần thử nghiệm trước, tôi đứng thật thẳng người, quay lưng về phía khung cửa kính, hai bàn tay nắm chặt lại. Tim tôi đập đến một trăm mười nhịp một phút, hệ quả trực tiếp từ nỗi sợ hãi đang ám ảnh tôi.

Đúng 22 giờ, cái bóng xuất hiện trước mắt tôi, thoạt tiên rất mảnh, chỉ nhỉnh hơn nét bút chì một chút trên sàn tầng áp mái, rồi to dần lên. Tôi đờ người ra, những muốn làm gì đó song thậm chí không nhúc nhích nổi lấy một ngón tay. Cái bóng của tôi đáng ra cũng phải im lìm như thế, song nó lại giơ hai cánh tay lên, trong lúc hai cánh tay tôi đang buông xuống dọc thân mình. Đầu cái bóng cúi xuống, nghiêng sang phải, rồi sang trái, quay sang hướng nhìn nghiêng, và rồi chuyện đáng kinh ngạc nhất có thể xảy ra đã thực sự xảy ra, nó thè lưỡi về phía tôi.

Đúng vậy đấy! Người ta có thể vừa sợ run người vừa bật cười cùng một lúc, chuyện này chẳng có gì là không phù hợp. Cái bóng đổ dài ra phía trước hai bàn chân tôi, vươn lên, biến dạng trên mấy chiếc thùng các tông. Nó luồn lách giữa những cái rương, rồi bàn tay của nó đặt lên một chiếc hộp, như thể muốn chống tay lên đó.

- Cậu là bóng của ai? Tôi lúng búng.

- Thế cậu muốn tôi thuộc về ai đây? Tôi thuộc về cậu, tôi là cái bóng của cậu.

- Chứng minh đi!

- Mở cái hộp này ra, cậu sẽ tự thấy thôi. Tôi có một món quà nhỏ dành cho cậu.

Tôi bước lên ba bước, cái bóng tránh sang một bên.

- Không phải là cái ở trên, cậu đã mở nó ra rồi, hãy mở cái hộp ở dưới.

Tôi làm theo. Tôi để cái hộp thứ nhất xuống sàn, mở nắp cái hộp thứ hai ra. Bên trong đựng đầy ảnh trước đây tôi chưa bao giờ thấy, những bức ảnh của tôi vào ngày tôi ra đời. Trông tôi giống như một quả dưa chuột bao tử to tướng nhăn nheo, chỉ thiếu mỗi màu xanh lục và có thêm đôi mắt. Trông tôi chẳng mấy đáng tự hào, và tôi không thấy món quà này thú vị cho lắm.

- Nhìn bức ảnh tiếp theo đi! Cái bóng nằn nì.

Bố đang ôm tôi vào lòng, đôi mắt ông nhìn tôi chăm chú, và bố mỉm cười, một nụ cười tôi chưa từng thấy trên khuôn mặt ông. Tôi bước lại gần khung cửa để nhìn thấy rõ hơn khuôn mặt của bố. Cái nhìn trong đôi mắt ông cũng long lanh ngời sáng giống như trong ngày cưới của bố mẹ.

- Cậu thấy đấy, cái bóng khẽ thì thầm, ông ấy đã yêu cậu ngay từ phút giây đầu tiên của đời cậu. Có thể ông ấy chưa bao giờ tìm được lời để nói cho cậu biết về tình yêu ấy, song bức ảnh này đáng giá bằng mọi lời hay ý đẹp mà cậu từng muốn được nghe.

Tôi tiếp tục ngắm nhìn bức ảnh, tôi cảm thấy hạnh phúc đến phát điên lên khi được ngắm nhìn mình trong vòng tay của bố. Tôi cho bức ảnh vào túi áo của bộ pyjama để giữ nó lại bên mình.

- Giờ cậu hãy ngồi xuống, tôi và cậu cần nói chuyện, cái bóng nói tiếp.

Tôi ngồi xếp bằng xuống sàn nhà. Cái bóng cũng ngồi xuống cùng tư thế trước mặt tôi, tôi có cảm giác nó quay lưng về phía tôi, song đó chỉ là cảm giác do ánh trăng tạo ra.

- Cậu có trong tay một quyền năng rất hiếm, cậu cần chấp nhận và sử dụng nó, cho dù nó có làm cậu sợ đi nữa.

- Để làm gì?

- Cậu rất hạnh phúc khi nhìn thấy bức ảnh này, đúng không?

Tôi không rõ “hạnh phúc” có phải là từ chính xác hay không, song bức ảnh bố đang bế tôi trên tay làm tôi thấy được an ủi rất nhiều. Tôi nhún vai. Rồi tôi tự nhủ nếu bố không cho biết tin tức gì kể từ khi ông bỏ đi, thì nguyên do là vì ông không thể làm khác được. Từng ấy tình yêu không thể nào biến mất chỉ sau vài tháng. Nó chắc chắn vẫn còn hiện hữu trong trái tim ông.

- Chính xác là thế đấy, cái bóng nói tiếp như thể đọc được tất cả suy nghĩ của tôi. Hãy tìm cho mỗi người cậu lấy đi cái bóng một tia sáng nhỏ bé sẽ thắp sáng cho cuộc đời họ, một mảnh ký ức còn bị che giấu của họ, đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu cậu.

- Chúng tôi?

- Chúng tôi, những cái bóng, cái bóng đang đối thoại với tôi khẽ rì rầm.

- Cậu đúng là cái bóng của tôi sao? Tôi hỏi.

- Của cậu, của Yves, của Luc hay Marquès, đâu có gì quan trọng, chúng ta hãy coi như tôi là cán bộ lớp.

Tôi mỉm cười, tôi hiểu quá rõ cái bóng muốn nói gì.

Một bàn tay đặt lên vai tôi làm tôi giật mình kêu thét lên. Tôi quay người lại và nhận ra khuôn mặt của mẹ.

- Con nói chuyện với cái bóng của mình sao, con yêu?

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi tôi thầm hy vọng mẹ đã hiểu ra tất cả, rằng bà đã chứng kiến tận mắt chuyện vừa xảy đến với tôi, song mẹ nhìn tôi với vẻ mủi lòng thương cảm. Từ đó tôi có thể kết luận bà không hề có chút năng lực nào hết. Mẹ chỉ nghe thấy giọng nói của tôi trên tầng áp mái; lần này, xem ra đến lượt tôi sẽ phải làm quen với những buổi trị liệu tâm lý.

Mẹ ôm lấy tôi trong vòng tay, ghì chặt tôi vào lòng.

- Con thấy cô đơn đến thế sao? mẹ hỏi tôi.

- Không, con xin thề là không, tôi trả lời để trấn an bà, đó chỉ là một trò chơi thôi.

Mẹ bò lại gần khung cửa, áp mặt lên tấm kính.

- Tầm nhìn từ đây đẹp quá. Đã lâu lắm rồi mẹ không leo lên tầng áp mái này. Lại đây con, ngồi xuống bên mẹ, và kể cho mẹ nghe những gì cái bóng và con đã nói chuyện với nhau.

Quay người lại, tôi nhìn thấy cái bóng của mẹ, cô độc bên cạnh tôi. Vậy là tới lượt mình, tôi ôm lấy mẹ, dành cho bà toàn bộ tình yêu tôi có được.

 

“Bố bỏ đi không phải vì con đâu, con yêu. Bố yêu một người phụ nữ khác… còn mẹ đã cảm thấy hẫng hụt khủng khiếp.”

Không một đứa trẻ nào trên đời muốn phải nghe mẹ chúng thừa nhận với chúng một sự thật như thế.Những lời nói đó mẹ không hề nói ra, chính cái bóng của bà đã thì thầm như vậy vào tai tôi, trên tầng áp mái. Tôi nghĩ cái bóng của mẹ đã tâm sự với tôi bí mật ấy để giải thoát tôi khỏi cảm giác có lỗi về việc bố bỏ đi.

Tôi hiểu ngay thông điệp này cũng như điều những cái bóng trông chờ ở tôi, giờ đây không còn là chuyện tưởng tượng nữa, và mẹ không ngớt lặp đi lặp lại với tôi rằng tôi chẳng còn thiếu điều gì về mặt đó. Tôi cúi người về phía mẹ, đòi mẹ chiều tôi một việc rất nhỏ.

- Mẹ có thể viết cho con một bức thư không?

- Một bức thư? Thư gì vậy con? Mẹ hỏi lại.

- Mẹ hãy tưởng tượng khi con còn nằm trong bụng mẹ, mẹ muốn nói với con mẹ rất yêu con, mẹ sẽ làm thế nào vì mẹ và con vẫn chưa thể trò chuyện với nhau?

- Nhưng mẹ vẫn luôn nói với con mẹ yêu con trong suốt thời gian đợi con ra đời đấy thôi.

- Vâng, nhưng con đâu thể nghe thấy mẹ nói.

- Người ta nói rằng những đứa trẻ nghe thấy tất cả khi còn nằm trong bụng mẹ.

- Con không biết ai đã nói với mẹ như thế, nhưng dù sao con vẫn chẳng nhớ gì hết.

Mẹ nhìn tôi thật lạ.

- Con muốn gì với bức thư đó vậy?

- Cứ cho rằng để mẹ cho con biết tất cả những gì mẹ cảm thấy, và cũng để con có thể ghi nhớ chúng, mẹ đã nảy ra ý tưởng viết thư cho con. Mẹ viết cho con một bức thư để con đọc thật lâu sau khi con ra đời, chẳng hạn như một bức thư trong đó mẹ cầu chúc cho con vô số điều may mắn, dành cho con vài lời khuyên để con được hạnh phúc khi lớn lên.

- Và con muốn mẹ viết cho con bức thư đó ngay bây giờ?

- Vâng, đúng là như thế, nhưng với điều kiện mẹ quay trở lại là người mẹ đang mang ấp ủ con. Mẹ đã biết trước tên con sẽ là gì ngay từ khi con đang ở trong bụng mẹ, đúng không?

- Không, bố mẹ không biết con sẽ là một cô bé hay một chàng trai. Bố mẹ đã chọn tên cho con đúng ngày con ra đời.

- Vậy mẹ hãy viết bức thư đó mà đừng ghi cái tên nào hết, như thế sẽ còn chân thật hơn.

- Con lấy ở đâu ra những ý nghĩ kiểu này vậy? mẹ vừa hỏi vừa ôm hôn tôi.

- Trong trí tưởng tượng của con! Vậy mẹ sẵn lòng làm việc đó chứ?

- Được, mẹ sẽ viết thư cho con, mẹ sẽ bắt đầu viết ngay tối nay. Bây giờ, đến lúc con phải đi ngủ thôi.

 

Tôi leo ngay lên giường, với hy vọng kế hoạch của mình sẽ suôn sẻ tới cùng. Nếu mẹ giữ lời hứa, phần thứ nhất coi như đã thành công.

Sáng sớm hôm sau, khi mở mắt thức dậy, tôi tìm thấy một bức thư mẹ để trên mặt bàn đầu giường, còn bức thư của bố được để dựa vào chân cây đèn ngủ. Lần đầu tiên từ sáu tháng qua, ba chúng tôi lại quây quần bên nhau trong phòng ngủ của tôi.

Bức thư của mẹ là bức thư đẹp nhất trên thế gian này. Nó thuộc về tôi và sẽ mãi mãi là của tôi. Nhưng tôi có một nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành, và để làm được điều đó, tôi cần chia sẻ bức thư. Chắc chắn mẹ sẽ hiểu nếu tôi cho bà biết bí mật này.

Tôi cho bức thư vào cặp sách, và trên đường tới trường, tôi rẽ vào hiệu sách. Tôi dành hết tiền tiêu vặt của cả tuần để mua một tờ giấy rất đẹp. Tôi đưa bức thư của mẹ cho ông chủ hiệu và chúng tôi đã copy một bản trên chiếc máy photo mới tinh của ông. Bản gốc và bản sao hầu như khó lòng nhận ra. Một bản sao gần như hoàn hảo, như thể tôi đã có bức thư của mẹ và cái bóng của nó. Dẫu sao tôi vẫn giữ lại bản gốc cho mình.

Đến giờ nghỉ trưa, tôi lang thang tìm kiếm quanh những thùng rác rất lớn. Cuối cùng tôi cũng tìm được thứ mình cần, một mẩu gỗ nhỏ cháy xém của căn nhà kho còn sót lại sau lần dọn rác. Vẫn còn đủ muội than dính trên đó để dùng cho phần hai kế hoạch của tôi.

Tôi gói mẩu gỗ vào trong một chiếc khăn ăn tôi đã xoáy trong căng tin rồi cất nó vào trong cặp.

Vào giờ lịch sử của cô Henry, trong khi Cleopatre đang làm duyên làm dáng để quyến rũ Julius Caesar, tôi cẩn thận lấy mẩu gỗ cháy đen và bản sao bức thư ra. Tôi để chúng lên mặt bàn học rồi bắt đầu bôi muội than lên tờ giấy. Một ít chỗ này, một ít chỗ kia. Hẳn là cô Henry đã phát hiện ra việc làm lén lút của tôi, cô ngưng giảng bài, để mặc Cleopatre giữa một màn diễn thuyết dang dở và bước về phía tôi. Tôi vo tròn tờ giấy lại rồi nhanh tay vớ lấy một cây bút.

- Cô có thể biết em đang cầm gì trong tay không? Cô hỏi tôi.

- Cây bút của em, thưa cô, tôi đáp không chút ngần ngừ.

- Cây bút mực xanh của em chắc hẳn phải có kiểu ra mực thật kỳ quặc mới khiến em dính toàn chì đen thế kia. Ngay khi đã tìm được thứ gì đó có thể viết bình thường, em hãy viết cho cô một trăm lần “Giờ lịch sử không phải để vẽ”. Còn bây giờ, em đi rửa tay rửa mặt rồi quay lại lớp ngay lập tức.

Đám bạn cùng lớp phá lên cười trong lúc tôi đi ra cửa. A, tình bạn mới đẹp làm sao!

Tới trước tấm gương trong phòng vệ sinh, tôi hiểu ngay lập tức tại sao mình bị phát hiện. Đáng ra tôi không bao giờ được phép quệt tay lên trán, trông tôi lúc này chẳng khác gì một người thợ mỏ.

Quay trở lại chỗ ngồi, tôi tìm lại tờ giấy của mình trong tình trạng thật thảm hại và không khỏi lo lắng rằng mọi cố gắng của tôi thế là công cốc. Vậy mà ngược lại, bị vò nhàu như lúc này, bức thư của tôi có dáng vẻ đúng như tôi muốn mang tới cho nó. Chuông báo hết giờ sắp vang lên, không bao lâu nữa tôi có thể chuyển sang thực hiện phần thứ ba, cũng là phần cuối cùng trong kế hoạch của tôi.

 

Tôi tràn trề hy vọng kế hoạch của mình sẽ thành công. Ngày hôm sau, bức thư không còn ở chỗ tôi đã giấu nó, hớ hênh một cách cố ý, dưới một mảnh gỗ trong đống tro tàn của căn nhà kho cũ.

Nhưng tôi sẽ phải đợi thêm một tuần trước khi có được bằng chứng xác nhận.

 

Thứ Ba tuần kế tiếp, tôi đang trò chuyện với Luc trên băng ghế ưa thích của mình thì Yves lại gần hỏi cậu bạn tôi xem có thể để tôi và ông lại riêng với nhau hay không. Yves ngồi xuống chỗ của Luc, sau đó ông im lặng một lúc.

- Bác đã nói chuyện với bà hiệu trưởng xin nghỉ việc, cuối tuần này bác sẽ thôi việc ở đây. Bác muốn tự mình báo tin cho cháu.

- Vậy là cả bác cũng sẽ ra đi, tại sao?

- Đó là một câu chuyện dài. Ở tuổi bác, đã đến lúc bác rời trường rồi, phải không nào? Có thể nói trong suốt những năm ở đây bác đã sống trong quá khứ, bị giam hãm trong tuổi thơ của chính bác. Giờ bác cảm thấy mình đã được tự do. Bác cần lấy lại thời gian đã mất, bác cần xây dựng cho mình một cuộc sống thực sự, để cuối cùng bác có thể hạnh phúc.

- Cháu hiểu, tôi thì thầm, cháu sẽ nhớ bác lắm, cháu rất vui đã có bác làm bạn.

- Bác cũng sẽ rất nhớ cháu, mà có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau.

- Có thể. Bác định làm gì?

- Thử vận may của bác ở nơi khác, bác có một giấc mơ ấp ủ từ lâu cần biến thành hiện thực, và một lời hứa cần làm tròn. Nếu bác cho cháu biết đó là gì, cháu sẽ biết giữ bí mật chứ? Thề nhé?

Tôi nhổ nước bọt xuống đất.

Yves thì thầm bí mật của ông vào tai tôi, nhưng vì đó là một bí mật, tôi sẽ im lặng không hé lộ một lời nào về nó. Tôi là một người biết giữ lời hứa.

Hai chúng tôi bắt tay nhau, ông và tôi cùng quyết định rằng nói lời chia tay luôn lúc đó là hay nhất. Để đến thứ Sáu sẽ quá buồn. Còn nếu chia tay ngay lúc này, chúng tôi sẽ có vài ngày để làm quen với ý nghĩ sẽ không còn gặp lại nhau nữa.

Quay về nhà, tôi leo lên tầng áp mái đọc lại bức thư của mẹ. Có thể cái câu trong đó mẹ tôi viết rằng mong ước lớn nhất của bà là tôi có được niềm vui trong cuộc sống; rằng mẹ hy vọng tôi tìm thấy một công việc làm tôi cảm thấy hạnh phúc, và cho dù tôi có lựa chọn thế nào cho cuộc đời mình đi nữa, chỉ cần tôi yêu và được yêu, vậy là tôi đã hoàn tất mọi hy vọng bà gửi gắm nơi tôi.

Vâng, có lẽ chính những dòng đó đã giải phóng Yves khỏi những xiềng xích bó buộc ông với tuổi thơ của mình.

Suốt một thời gian, tôi cảm thấy hối tiếc đã chia sẻ bức thư của mẹ với ông. Việc đó đã lấy đi mất của tôi một người bạn.

 

Bà hiệu trưởng và các giáo viên đã tổ chức một buổi liên hoan chia tay nhỏ. Buổi lễ diễn ra trong căng tin của trường. Yves được mọi người quý mến hơn nhiều so với những gì ông từng nghĩ, tất cả phụ huynh học sinh đều tới, và tôi tin điều đó làm ông rất cảm động. Tôi đã xin mẹ để hai mẹ con ra về. Khoảnh khắc Yves ra đi, tôi không muốn trải qua nó cùng bất cứ ai khác.

 

Hôm đó là một đêm không trăng, có leo lên tầng áp mái cũng chẳng ích gì. Nhưng từ trong nếp gấp của tấm rèm phòng mình, tôi nghe thấy vọng lại giọng cái bóng của Yves cảm ơn tôi trước khi mơ màng ngủ thiếp đi.

 

Kể từ khi Yves rời khỏi trường, tôi không còn tới tha thẩn quanh chỗ nhà kho cũ nữa. Tôi đã hiểu ra mỗi nơi chốn cũng có cái bóng riêng của nó. Những ký ức luôn hiện diện, kéo bạn chìm vào nỗi nhớ ngay khi bạn bước lại gần. Mất đi một người bạn thật chẳng dễ gì nguôi ngoai được. Dẫu vậy, sau khi chuyển trường tôi đáng ra đã phải quen với chuyện đó, nhưng không, vô ích, lần nào cảm xúc cũng vẫn vẹn nguyên như thế, một phần của bạn lưu lại cùng người bạn đã ra đi, nó giống như một nỗi ưu phiền của tình yêu, nhưng giờ đang gắn với tình bạn. Không nên quá gắn bó với những người khác, làm thế thật nguy hiểm.

Luc cảm thấy tôi đang rầu rĩ. Mỗi buổi chiều, khi ở trường về, cậu đều mời tôi ghé qua tiệm bánh của gia đình cậu. Chúng tôi cùng làm bài tập với nhau với phần thưởng là một chiếc bánh kem cà phê xen giữa các bài tập toán và bài học lịch sử.

Học kỳ cuối cùng cũng kết thúc, tôi đã rất cẩn thận với mỗi bước đi của mình, tôi cần lấy lại sức trước khi sử dụng đến năng lực của mình lần nữa. Tôi muốn học cách sử dụng nó thật thành thạo.

Tháng Sáu đã sắp hết, kỳ nghỉ tới gần, và tôi đã giữ lại được cái bóng của mình suốt thời gian đó.

 

Mẹ không có mặt trong lễ trao phần thưởng, bà bận ca trực và không một đồng nghiệp nào trực thay được cho bà. Chuyện này làm mẹ rất buồn, song tôi đã nói với bà như thế cũng không sao. Sang năm lại có buổi lễ trao thưởng nữa, và chúng tôi sẽ thu xếp để lần đó mẹ có thể tới dự.

Vậy là khi bước lên bục nhận phần thưởng, tôi đưa mắt về khu vực chỗ ngồi dành cho phụ huynh học sinh với hy vọng sẽ thấy bố có mặt ở đó, biết đâu ông đã len vào giữa những ông bố khác để dành cho tôi một bất ngờ. Có lẽ cả bố cũng bận ca trực, bố mẹ tôi đúng là không may mắn, tôi chẳng thể nào phiền trách họ, vì đây đâu phải lỗi của bố mẹ.

Niềm vui của tôi trong lễ trao phần thưởng cuối năm học chỉ đơn giản là vì hôm đó đánh dấu chấm hết cho năm học. Hai tháng liền không phải thấy Marquès và Élisabeth tỉ tê bên nhau dưới gốc cây dẻ như hai kẻ ngẩn ngơ, người ta gọi quãng thời gian ấy là mùa hè, và đây chính là mùa đẹp nhất trong năm.

*

Lợi thế khi sống tại thị trấn nhỏ của chúng tôi là người ta thực sự không cần phải đi đâu xa vào các kỳ nghỉ. Với hồ nước để bơi lội cùng khu rừng để đi picnic, chúng tôi đã có tại chỗ mọi thứ cần thiết. Luc cũng sẽ ở lại nhà vì bố mẹ cậu không thể đóng cửa tiệm bánh. Như thế khách hàng sẽ buộc phải tìm đến siêu thị mua bánh mì, và mẹ Luc nói một khi người ta đã nhiễm phải những thói quen xấu sẽ rất khó thay đổi chúng.

Cuối tháng Bảy, một sự kiện tuyệt vời diễn ra. Luc có thêm một cô em gái. Nhìn cô bé ngọ nguậy trong chiếc nôi của nó thật thú vị. Kể từ khi cô em gái chào đời, Luc không còn hoàn toàn như cũ nữa, ít vô tư hơn, cậu bắt đầu nghĩ tới vai trò người anh của mình và thường xuyên tâm sự với tôi về những gì cậu sẽ làm sau này. Cả tôi nữa, tôi cũng rất thích có một cô em gái hay một cậu em trai.