Kể từ khi tôi đặt dấu chấm hết cho cuốn “Người Thăng Long” đến nay đã 20 năm mới công bố phần cuối cuốn tiểu thuyết.
Hai mươi năm để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết thì thật là kì quái. Chẳng ai viết một cuốn tiểu thuyết 10 năm chứ chưa nói đến 20 năm. Con người ta luôn luôn thay đổi, nếu phải sáng tác một tác phẩm tới 10 năm thì phần đầu cuốn sách đó sẽ sôi nổi, tươi tắn, phần giữa viết đĩnh đạc, phần cuối viết kín đáo, thâm thuý. Nói như một anh bạn hoạ sĩ của tôi thì đó là một cô gái 39, 40, mặc áo lơ muya, vấn khăn đuôi gà. Phần đầu của tôi in xong năm 1980, nhân vật trung tâm là Trần Nhật Duật, ông hoàng Sáu, người Thăng Long thanh lịch, tài hoa đã thắng được mình trong cuộc chiến đấu với cuộc đời. Phần cuối của tôi, nhân vật chính là Trần Quốc Tảng, một ông hoàng khác sâu sắc ngạo đời, coi ngai vàng cũng tầm thường như các chức tước khác. Đáng nhẽ phần cuối ra mắt bạn đọc năm 1986 nhưng có một sự cố làm cho tôi phải đốt tất cả đi như Trần Anh Tông sai đốt tất cả bản thảo, tranh vẽ của mình trên giường bệnh. Đó là vì khi nghiên cứu tư liệu, tôi được đọc một bài ca cổ có những ca từ ngạo đời, phóng cuồng hết mực với hai câu đầu:
Trời đất xa trông chừ sao ta thấy mênh mông.
Ngoài vòng cương toả chừ ta chống gậy chơi rong.
(Trích Phóng cuồng ca).
Trong một số Tạp chí Văn học khoảng năm cuối 70 đã xác định tác giả Phóng cuồng ca là Trần Quốc Tảng. Tôi bị mê hoặc bởi con người Trần Quốc Tảng, ngạo đời, triết gia và phần cuối tiểu thuyết đã hoàn thành trên nền tảng các sự kiện xoay quanh một tâm điểm là Trần Quốc Tảng. Đến lúc tôi sắp đưa bản thảo thì Tạp chí Văn học lại công bố một bài khác định Phóng cuồng ca là của Trần Tung. Thế là sụp đổ hết. Tôi định cứ công bố tác phẩm như vậy bất chấp về nghiên cứu là như thế nào. Trong lịch sử văn học thế giới đã chẳng có hiện tượng Koestler viết Spartacus, trong mỗi chương truyện đều có một câu đề từ trích từ sử biên niên và trong chương ông viết ngược lại với câu đề từ.
Nhưng rồi tôi không làm điều đó vì nó ngược với cách thường viết của tôi, là các mấu cớ phải là chuyện có thực trong lịch sử! Phải bỏ phần đó và tôi viết lại phần cuối. Đó là những năm 1990, Trần Quốc Tảng cứ ám ảnh tôi làm cho tôi không dứt ra được. Phải đến lúc tôi “gặp” Đỗ Vỹ, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một hàn sĩ, một người Thăng Long khác, tài hoa, nghệ sĩ, đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt... Nó chọi với Trần Nhật Duật trên mọi phương diện, một vế đối. Tôi bấy giờ mới hoàn chỉnh được cuốn tiểu thuyết nhanh chóng, gọn ghẽ, thẳng tắp như một mũi lao phóng đi không chút ngập ngừng.
Thế là cuốn tiểu thuyết hoàn thành sau 20 năm, tôi vui sướng kể lại với bạn đọc trong hai trang giấy này.
.
Hà Ân