- Trời lại sắp trở gió. Không biết ta có về kịp Côn Sơn đêm nay không?
Kị sĩ ngước lên nhìn trời dày đặc mây đen xám. Gió xuân đông bắc vẫn dìu dặt thổi về chợt lạnh, chợt ấm đưa hương nhãn sực nức không gian. Đến cái điếm hộ đê vắng teo, kị sĩ ghìm ngựa lại. Con ngựa đang mải nước phi, bực dọc gục gặc cổ hầm hừ. Kị sĩ cả cười, vỗ yêu lên cổ ngựa. Nó thật là một con tuấn mã. Màu lông đen nhưng nhức, chỉ có một vệt trắng từ khấu đuôi đến lưng chừng bộ lông đuôi cong lên đúng kiểu tướng ngựa tranh tiên nhưng cũng không muốn có con ngựa nào khác chạy liền kế ngay sau mình.
Cái đầu con ngựa nhỏ, gầy, gân guốc, hai lỗ mũi nở rộng hếch lên như hất lửa. Ức nó rộng, mông tròn, bốn vó dài, nhỏ như chân hươu rê những chiếc móng tròn xoe dày lên, xéo lên những nụ hoa nhãn rụng đầy mặt đất.
- Đừng nổi giận, đừng nổi giận, con trai yêu của ta. Rồi con sẽ được phi cho thoả bốn vó đuổi gió của con mà. Nào đứng cho yên đi con.
Kị sĩ ngọt ngào dỗ con ngựa quý. Anh ta ăn mặc quá ư xuềnh xoàng, một bộ quần áo nâu đã bạc nhưng may chẽn. Đầu chít một chiếc khăn màu tam giang bằng là, chiếc khăn chít thật khéo, hai nếp đầu xếp chéo lên nhau thành một chữ nhân hơi lệch trên vầng trán rám phong sương nom thật duyên dáng giang hồ. Ngang lưng kị sĩ thắt một chiếc thắt lưng vải bình thường màu đen cài một thanh kiếm ngắn vỏ gỗ có ken những khuyên bằng mây chẻ nhỏ. Kị sĩ đi một đôi hia nhẹ bằng da dê núi, đế bằng nhưng mũi nhọn, chắc rằng dưới lần da dê phải có mũi bằng sắt.
Kị sĩ buộc con ngựa vào gốc nhãn rồi đi sang mé đê bên kia. Từ đây có thể nhìn thấy dễ dàng phong cảnh chung quanh Kiếp Bạc. Một dãy núi đất năm ngọn không cao lắm chắn mặt sau thung lũng. Mé trước có hai mỏm núi chắn hai đầu, chân núi ăn liền ra tới bờ sông. Bên trong thung lũng, dựa lưng vào một quả đồi nhỏ, ẩn sau những vòm cây ăn quả, những mái nhà của trang trại Vạn Kiếp phô màu ngói đã cũ với thời gian. Từ đây về tới Côn Sơn, chỉ có nơi này tiện ngay bên đường có thể nghỉ chân một đêm được. Chủ nhân trang trại là đức ông Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng nổi tiếng là người trọng hiền, hiếu khách...
- Nhưng... - kị sĩ vụt cười lớn: - nhưng ta không bao giờ muốn để chân vào đất của các vương hầu, mặc dù trong thái ấp giàu sang kia ta có một người bạn tri kỉ.
Lúc kị sĩ cười, người ta mới thấy tất cả vẻ đẹp phong trần của một chàng trai trẻ nhưng đã sớm phiêu lãng nhiều năm. Chính lúc cười kị sĩ mới tỏ ra mình chỉ mới hai mươi lăm tuổi là cùng.
- Chẳng thà ta ngủ ngồi, dựa lưng vào một gốc cây.
Kị sĩ lại cười lên ha hả. Bất chợt anh ta thôi cười. Anh ta vừa nhìn thấy một đám người đang làm lụng bên một dòng suối nhỏ. Nhìn họ làm, mặc dù công việc mới nửa chừng nhưng kị sĩ cũng hiểu rằng họ đang lắp một cái cọn nước để lấy nước tưới cho những thửa ruộng cao nằm sát chỏm núi ngoài cùng phía bắc.
- Đáng ra phải làm cái cọn ở trên mấy chục trượng nữa thì mới dùng được cho cả những thửa ruộng kia... Hay là họ... họ còn định làm thêm cái cọn nữa.
- Ô kìa!
Một tiếng reo bên tai làm cho kị sĩ giật mình quay lại. Một người trẻ tuổi mặc áo lụa thâm lịch sự, vai đeo một chiếc hồ rượu, tay cầm một chiếc sáo trúc đang trịnh trọng và thân mật vái chào:
- Trời ơi, đúng là hiền huynh rồi. Sáng nay tiểu đệ thấy cây lan tiêu nở bông hoa cực đẹp, tiểu đệ đoán ngay rằng sẽ có khách quý tới thăm. Nhưng tiểu đệ không ngờ rằng khách quý lại chính là hiền huynh.
- Không đâu. Hiền đệ không lạ gì ta, chiếc thân phiêu bạt không quen nghi lễ phiền toái đài các ở các thái ấp. Ta định đi Côn Sơn rồi ta nhắn hiền đệ xuống đó cùng ta trèo núi Phượng Hoàng hái thuốc. Cữ này mưa xuân, nhiều giống thuốc đang nở hoa, chính là lúc phải hái để dùng dần.
Rồi kị sĩ lùi lại mấy bước ngắm người bạn:
- Trời ơi, ta thấy hiền đệ khác xa cái hôm hiền đệ cùng với ta xem chọi trâu ở Đồ Sơn. Bữa ấy, nom hiền đệ... còn... lãng tử hơn ta. Thế mà bây giờ thì...
- Thì sao hiền huynh?
- Thì đúng là khách công hầu rồi. Hiền đệ bây giờ thật đúng là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, vương tử thứ ba của đức ông chúa thái ấp Vạn Kiếp kia kìa. Lại còn văn hài vóc thâm nữa chứ. Đã hài vóc lại còn thêu bướm lượn bướm bay. Chết nỗi, ta đâm sợ cho thân ta đã từng dám suồng sã với hiền đệ như hai kẻ du đãng coi trời bằng vung.
Trần Quốc Tảng - chính là đức ông vương tử thứ ba của thái ấp Vạn Kiếp - cũng cả cười:
- Qua sông phải luỵ đò thôi. Hiền huynh ơi, mặc dù hiền huynh mắng mỏ thế nào tiểu đệ cũng phải chịu nhưng hôm nay thì hiền huynh phải lưu lại đây cho tiểu đệ được hầu rượu.
- Rượu thì có bao giờ ta chê. Nhưng thôi, hiền đệ đừng bắt ta bỏ lời nguyền cũ. Ta rất hiểu hiền đệ cho nên ta mới kết bạn tri kỉ với hiền đệ. Hiền đệ có nhớ hôm gặp nhau lần đầu tiên không?
- Tiểu đệ quên làm sao được...
Trần Quốc Tảng vốn là một chàng trai quý tộc nhưng tính rất phóng khoáng, ưa thích cuộc đời lãng du đầy những bất ngờ ở bốn phương trời. Là một người văn võ toàn tài, Trần Quốc Tảng cứ một ngựa, một kiếm ngắn ăn mặc xuềnh xoàng đi lang thang khắp nơi. Xem hội, xem phong cảnh, vào núi sâu đàm đạo với các bậc cao tăng, ẩn sĩ hoặc uống rượu trong một cái quán giữa đường cùng với những kị sĩ du khách quen thói không nhà không cửa. Cách đây ba năm, Trần Quốc Tảng ra chơi đảo Vân Đồn. Đúng vào cữ trăng sáng. Trần Quốc Tảng lên dải đá lô xô ven đảo tìm ra một mỏm ở tít ngoài xa. Anh định thưởng trăng một mình ở đó. Nào ngờ, đêm ấy bọn buôn lậu Lôi Châu cũng hẹn gặp nhau để bàn bạc về chuyến hàng sắp tới. Thấy có người lạ mặt, chúng định giết đi để khỏi lộ chuyện. Trần Quốc Tảng là tay kiếm tuyệt luân nhưng bọn buôn lậu đông hơn mười đứa, chúng cũng là bọn giỏi võ. Trận đánh diễn ra trên những tảng đá bám đầy hà sắc như dao. Tiếng kiếm chạm nhau chan chát, lửa toé ra rợn người. Sức đôi bên chênh lệch nên Trần Quốc Tảng phải vừa đánh vừa lùi và lựa thế sao cho mình chỉ phải đối phó với một, hai tên trước mặt. Anh đã chém ngã ba tên nhưng không vì thế mà bớt phần nguy hiểm. Ngược lại, sức anh giảm sút và bọn gian toả rộng ra vây tròn anh lại. Chính lúc nguy cấp ấy có tiếng thét vang động: “Quân đạo tặc, sao dám lộng hành!”. Rồi một người từ ngoài vòng vây xông vào giúp cho Trần Quốc Tảng nhảy vọt khỏi vòng vây. Sau đó cả hai mau chóng chuyền nhảy trên những mỏm đá chạy vào bãi cát. Trần Quốc Tảng về ngay đồn binh của trấn quan Vân Đồn. Viên tướng trấn thủ lập tức đưa một số lính tuyển phong chia thành nhiều đường vây bắt quân gian. Tới mờ sáng bọn gian bị bắt giam hết.
Trần Quốc Tảng tìm ân nhân để cảm tạ nhưng người ấy đã bỏ đi từ lâu. Anh hối hận mãi. May sao, chỉ ba hôm sau, trong phiên chợ ngọc trai bên Hòn Én, Trần Quốc Tảng nhận ra ân nhân của mình đang say mê nghe một người hát xẩm già chơi đàn bầu. Trần Quốc Tảng đã chân thành cảm tạ. Chính vì sự chân thành đó mà người kia bằng lòng kết bạn với Trần Quốc Tảng nhưng với một điều kiện: không người nào được làm phiền người nào. Người ấy, xưng tên là Đỗ Vỹ, không nói một li về gốc tích quê quán. Hai người mau chóng trở thành bạn thân. Có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời, Trần Quốc Tảng gặp một người mà đức ông trẻ tuổi kiêu hãnh ấy phải kính phục về tài năng, về tầm hiểu biết, về sự lịch lãm việc đời, về cả tâm hồn sâu xa mà không độc ác, ôn hoà chính đính mà không chấp nê. Hai người thân nhau tới mức mỗi khi có việc gì cần tới sự giúp đỡ của Đỗ Vỹ, Trần Quốc Tảng chỉ cần nhắn người báo tin là việc tất xong. Với con người hành tung kì bí như Đỗ Vỹ, việc gì anh cũng làm dễ như trở bàn tay. Hình như anh quen đủ mọi hạng người trong thiên hạ, kể cả những người ở bên kia biên giới nữa, mà mức độ thân quen đến không từ nan việc gì hết.
- Sở dĩ ta xuống ngựa chỉ để ngắm xem thế đất nơi đây. Ta có nghe nhiều người tin ở phong thuỷ nói kiểu đất này đẹp lắm.
- Thế hiền huynh cũng tin ở thuật phong thuỷ à?
- Không đâu, ngay kiểu đất mộ tổ dòng họ nhà hiền đệ ta cũng đã ngó qua. Chẳng qua có những kẻ không vừa lòng với việc dòng họ Trần giữ ngôi nước này nên họ đặt điều bêu xấu chứ sự thật có như lời đồn đại đâu.
Nhắc tới chuyện kiểu đất mộ tổ, chắc chắn rằng Đỗ Vỹ không có ý chế giễu, nhưng Trần Quốc Tảng dù là người khoáng đạt cũng phải ngượng ngùng. Ngôi mộ này nằm ở địa phận xã Thái Đường phủ Long Hưng. Mộ táng từ trước đây hàng bảy tám đời, từ cái thuở dòng họ Trần mới chỉ là một dòng họ chuyên làm nghề chài cá và buôn biển. Chắc chắn rằng khi đó táng ngôi mộ không ai nghĩ đến đất này phát đế vương. Nhưng khi họ Trần lên thay nhà Lý nắm giữ ngôi báu thì bỗng có tin đồn trong thiên hạ rằng sở dĩ như vậy là vì ngôi mộ này kết phát. Người ta truyền tụng nhau: “Phấn đại dương giao chiếu. Liên hoa đối diện sinh. Tha nhật dĩ sắc đắc thiên hạ”, có nghĩa là: Phấn son chiếu về. Hoa sen nở trước mặt, ngày sau nhờ sắc đẹp đàn bà mà lấy được thiên hạ.
Chao ôi chỉ có những cái gò lổn nhổn bày biện chung quanh ngôi mộ mà người này đoán là hoa sen, là phấn son còn người khác thì lại đoán là thanh kiếm, cái ấn. Nhưng đoán là son phấn và hoa sen thì quả là có ác ý. Chắc rằng họ ám chỉ đến sự việc cuối đời Lý có loạn, thái tử Sảm phải bỏ kinh thành chạy về Long Hưng. Nhà dân chài họ Trần đón thái tử về nuôi và che chở. Khi ấy họ Trần đã giàu có lắm rồi. Trong họ lại nhiều người đi buôn biển nên lịch lãm giang hồ, giỏi võ, giao thiệp rộng, nhìn cũng xa, mưu cũng lớn. Họ tính chuyện buôn vua. Họ đem Trần Thị Dung, cô gái xinh nhất họ, gả cho cái anh con vua đang chạy loạn thất cơ lỡ vận. Rồi họ Trần xuất của nhà ra mộ lính hưng binh phò thái tử Sảm về kinh lên ngôi vua. Sảm thành vua thì Trần Thị Dung dĩ nhiên phải trở thành hoàng hậu. Giả sử không có chuyện hôn nhân trên thì làm sao họ Trần rời được cái vạn chài Cửa Bố về được kinh nắm giữ hầu hết những chức vụ quan trọng trong triều rồi thừa thời cơ mà nắm lấy ngôi vua được.
Vì triều Trần lập nên không từ một võ công dựng nước như các dòng họ khác nên vẫn có nhiều người còn nhớ đến các vua Lý. Từ chỗ bất phục dẫn đến đặt chuyện để giễu cợt chơi.
Không để ý đến vẻ mặt Trần Quốc Tảng, Đỗ Vỹ ngắm nghía chăm chú thế đất Vạn Kiếp:
- Này hiền đệ xem, có đúng là: “Đầu gối ngũ nhạc chân đạp phượng hoàng, tả có Bắc Đẩu, hữu có Nam Tào” không? Ta thì không tin rằng thế đất này là thế đất làm tướng nhưng ta thấy đây quả là đất dụng võ.
- Ấy thế mà thân phụ của tiểu đệ coi trọng việc trồng trọt trong thung lũng này hơn đấy.
- Không phải là trọng hơn mà là tuỳ thời cơ đó thôi. Cái cọn nước kia sở dĩ có vì bây giờ cần nhiều thóc lúa nuôi tráng đinh trong thái ấp. Mà nếu phải dụng võ cũng phải nuôi quân no. Kìa, họ đã nghỉ tay rồi sao?
- Không, đã xong thế nào được. Cọn dựng rồi còn phải buộc các ống múc nữa cơ mà. Kìa, cái người mặc áo dài nâu kia chính là thân phụ tiểu đệ.
Đỗ Vỹ nghển cổ nhìn. Anh cũng không ngờ một bậc vương gia lừng lẫy như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng coi trọng nghề nông tới mức đích thân coi sóc việc đặt một cái cọn nước. Đàng xa, Trần Quốc Tuấn đang giơ tay giơ chân làm hiệu - chắc rằng ông đang chỉ dẫn cho những gia nô đứng chung quanh. Họ đang nghỉ tay nhưng quần áo xắn gọn vẫn để y nguyên, như vậy là họ còn làm nữa. Trần Quốc Tảng còn đang chăm chú nhìn bố thì Đỗ Vỹ chợt cười:
- Ta nói đúng mà. Ta đâu có phải là khách của thái ấp Vạn Kiếp, khách quý của thái ấp ngày hôm nay đang đến kia kìa.
Trần Quốc Tảng nhìn theo tay chỉ của Đỗ Vỹ. Trên sông, ba chiếc thuyền buồm đang rẽ sóng vào bến. Rõ ràng đây là những chiếc quan thuyền. Chiếc thuyền nào cũng cắm cờ đỏ khé và thuỷ thủ mặc nhung phục của lính trạo nhi. Trên mũi thuyền đi đầu có một văn quan mặc áo màu đại hồng.
- Tại sao hiền huynh biết chắc rằng những người này đến thái ấp Vạn Kiếp?
- Có gì là khó đoán đâu. Hiền đệ thử xem, trên mũi quan thuyền thứ hai kia có cái biển gì sơn son, đúng là cái biển “Khâm sai truyền chỉ” không? Rồi hiền đệ cố đoán xem quan khâm sai kia là ai?
- Ờ... quan học sĩ Đinh Củng Viên. Thế thì quả là họ vào chỗ thân phụ của em rồi.
- Chứ còn đi đâu nữa. Cả một dải đông bắc này có nhà ai mà hoàng thượng phải sai quan khâm sai đến truyền chỉ nào?
Đoàn quan thuyền đã vào bến. Những người lính dẫn lộ biển “Khâm sai” đã lên bờ. Họ dàn những lá cờ đại đi trước rồi đến trống mở đường. Hai chiếc lọng vàng che chênh vênh bên trên cái biển sơn son chữ vàng. Quan khâm sai trịnh trọng đi ngay bên dưới biển, hai bên ngài có hai ngũ lính ngự lâm vác kiếm tuốt trần hộ vệ.
- Kì này thì thân phụ của hiền đệ chắc chẳng còn thì giờ đâu mà lo những chiếc cọn nước nữa.
- Tại sao vậy hiền huynh?
- Tại vì có việc trọng yếu tới mức phải cần đến đức ông Hưng Đạo. Có thể một là phải tiếp sứ, hoặc hai là...
- Hai là sao cơ hiền huynh?
- Hai là sắp phải dụng binh. Mà ta nghĩ có lẽ vì cả hai lí do. Tháng trước khi chơi bên bán đảo Lôi Châu, ta đã được chứng kiến họ bắt lính dân chài và trưng dụng thuyền vận tải đường biển.
Đỗ Vỹ nhìn chăm chăm người bạn không phân biệt vị thế rồi tiếp:
- Có thể cả hiền đệ cũng sẽ không còn dịp đi chơi hội xuân này ở vùng biển nữa đâu. Nếu đúng như phán đoán, nếu đến mức phải triệu đến đức ông Hưng Đạo lên kinh cũng có nghĩa là phải cần đến tất cả các đức ông chi Vạn Kiếp đó.
Bên dưới ruộng, những người làm cọn nước cũng được biết tin có khách đến. Họ tất tả kéo nhau tắt cánh đồng chạy về trang trại nằm dựa lưng vào núi Ngũ Nhạc.
Đỗ Vỹ cả cười:
- Nếu mai hiền đệ rảnh thì xuống Côn Sơn, còn nếu bận thì thôi. Bây giờ thì ta đi đây.
Đỗ Vỹ cởi cương ngựa nhảy phắt lên yên. Con tuấn mã hí dài trước khi sải vó phi nhanh. Đỗ Vỹ giơ cao roi ngựa chào từ biệt...