Người Cát

NGƯỜI CÁT - I -

Chắc hẳn mọi người đều lo âu cho tôi, vì thật đã quá lâu, tôi không có thư từ thăm viếng ai cả. Mẹ tôi chắc bực mình lắm, còn Clara thì chắc cho rằng hiện tôi đang sống sung sướng vui vẻ nên đã quên hẳn hình ảnh dịu dàng của nàng, hình ảnh đã in sâu vào tim và hồn tôi.

Nhưng không phải như vậy đâu: mỗi ngày, mỗi giờ tôi đều có nghĩ đến tất cả mọi người và gương mặt thân yêu của Clara hiện lên luôn luôn trong những giấc mơ của tôi; đôi mắt trong sáng của nàng nhìn tôi bằng những cái nhìn dịu dàng và đôi môi nàng như ngày nào mỉm cười với tôi khi tôi trở về nhà. Nhưng làm sao tôi có thể viết thư cho nhà trong trạng thái tâm hồn hiện giờ của tôi? Một hiện tượng hắc ám đã xảy ra trong đời tôi! Những linh cảm đen tối về một tương lai oan nghiệt xâm chiếm tâm hồn tôi giống như những đám mây mù mà tia sáng tươi thắm của mặt trời không xuyên qua nổi. Có nên nói ra ở đây sự việc đã xảy đến cho tôi không? Tôi nhận thấy cần phải nói ra vậy: nhưng chỉ thoáng nghĩ đến, tôi đã nghe xung quanh tôi vang lên những tiếng cười chế nhạo! A! Lothaire thân yêu của tôi! Làm sao cho anh cảm thông chút ít rằng sự việc xảy đến cho tôi cách đây mấy hôm thuộc về loại có tính chất xáo trộn đời tôi một cách ác nghiệt! Nếu anh có ở đây, anh có thể nhìn với đôi mắt của anh, nhưng bây giờ chắc có lẽ anh cho rằng tôi là một kẻ bị ám ảnh một cách ngu dại. Tóm lại, sự ám ảnh khủng khiếp mà tôi đang vướng phải và cũng đang tìm cách để tránh ảnh hưởng nguy hại, nguy hại đến cả tính mạng của tôi, sự ám ảnh kia chỉ do như thế nầy: cách đây mấy hôm, vào ban trưa ngày 30 tháng 10, một người bán phong vũ biểu và kính đeo mắt đi vào phòng tôi, đưa cho tôi xem những dụng cụ của y. Tôi không mua cái nào cả, và còn dọa tống y ra khỏi phòng nhưng y đã lẹ bước đi ngay.

Anh cho rằng những trường hợp đặc biệt, những hoàn cảnh bất thường đã lưu dấu vết trong cuộc sống của tôi, những sự kiện nầy đã làm cho tôi phải quan tâm đến một sự việc không mấy quan trọng mà tôi vừa trình bày trên. Đúng vậy, tôi tập trung tất cả năng lực để thuật lại cho anh nghe một cách điềm tỉnh, kiên nhẫn đôi trường hợp đã xảy ra trong thời kỳ thơ ấu của tôi, để có thể làm sáng tỏ vấn đề trong tâm trí anh. Trong khi bắt đầu thuật lại, tôi đã thấy anh cười và Clara nói “Quả là những câu truyên trẻ con!” Hãy cười lên! Hãy cười tôi. Tôi cầu mong như vậy! Nhưng, hỡi thượng đế! … Tôi đã dựng cả tóc gáy và hình như tôi muốn thách đố các bạn mỉa mai tôi, mỉa mai một kẻ đang đau xót trong niềm tuyệt vọng, như Franz Moor thách đố Daniel (1). Mà thôi, bây giờ tôi bắt đầu kể lại đây: Ngoài những bữa ăn, tôi và mấy em tôi, chúng tôi ít bao giờ được gần ba của chúng tôi. Sau bữa ăn tối, dọn lên vào lúc 7 giờ, đúng theo thủ tục cũ, chúng tôi và cả Mẹ chúng tôi nữa đều vào phòng làm việc của Ba chúng tôi, và chúng tôi ngồi xung quanh một cái bàn tròn. Ba chúng tôi hút thuốc ống điếu, thỉnh thoảng uống một hớp bia trong một cốc lớn. Thường thường Ba chúng tôi kể cho chúng tôi nghe những mẫu truyện rất hay ho và những câu truyện ông kể làm cho ông hào hứng đến nỗi đôi lúc ông để ống thuốc tắt ngấm bao giờ không hay. Tôi đảm nhiệm chức vụ phải đốt lại ống điếu cho ba tôi và tôi cảm thấy một niềm vui lớn được làm công việc này. Thường thường, Ba chúng tôi trao cho chúng tôi xem những sách có hình ảnh và ngồi im không nói năng trong chiếc ghế bành, thổi lên những làn khói thuốc dày đặc, bao phủ chúng tôi như những đám sương mù. Trong những đêm đó, mẹ chúng tôi rất buồn, và vừa nghe đồng hồ đổ chín giờ, mẹ chúng tôi nói lớn: “Thôi đi ngủ, các con… “Người Cát” sắp đến rồi đấy! Mẹ đã nghe thấy rồi” Quả đúng như vậy, người ta nghe những bước chân nặng nề trên bậc thang, chính đó là bước chân của “Người Cát” thôi! Có một lần trong nhiều lần, tiếng động kia đã làm tôi sợ hãi hơn bao giờ cả, tôi bèn nói với Mẹ tôi “A! Mẹ ơi! Con “Người Cát” dữ tợn kia là kẻ nào vậy, kẻ nào mà luôn luôn xua đuổi chúng ta? Nó ra thế nào? Mẹ tôi đáp “Không có “Người Cát” nào cả. Khi mẹ nói “Người Cát” (2) đến, có nghĩa là các con cần phải đi ngủ, và cũng có nghĩa là đôi mí mắt của các con đã muốn nhắm lại một cách miễn cưỡng, như có ai vất cát vào mắt các con vậy”.

Sự giải thích của mẹ tôi không làm tôi thỏa mãn và trong trí tưởng tượng trẻ thơ của tôi, tôi đoán rằng sở dĩ mẹ tôi chối không chịu nói thật “Người Cát” là ai, là chỉ cốt tránh không muốn làm cho chúng tôi phải sợ hãi. Những tôi nghe con người ấy luôn luôn bước lên bậc thang lầu. Quá tò mò và nôn nóng muốn biết “Người Cát” có thật không, cuối cùng tôi chất vấn người vú già, người vú nuôi giữ em gái nhỏ nhất của tôi. Tôi chất vấn để biết rõ “Người Cát” ấy là ai? Vú già trả lời:

- Này, em Nathanael, em không biết người ấy là ai sao? Đó là một kẻ hung ác đến bắt những trẻ nhỏ không chịu đi ngủ sớm và liệng vào mắt các trẻ ấy những bụi cát, làm cho mắt chảy máu ra. Sau đó, ổng bắt bỏ vào một cái bao và đem lên cung trăng để làm vui bầy cháu của ổng, bầy cháu này có những cái mỏ nhọn như mỏ dơi và mổ vào mắt những trẻ ấy, mổ cho đến chết”.

Từ đó hình ảnh của “Người Cát” in sâu vào tâm trí tôi một cách hãi hùng. Buổi tối, khi những bậc thang vang dội tiếng chân của “Người Cát” tôi run lên vì sợ hãi và lo âu. Muốn tôi đi ngủ, mẹ tôi chỉ cần nói lớn: “Người Cát” “Người Cát”. Tôi phóng chạy trốn ngay vào một căn phòng và sự xuất hiện ghê sợ kia làm tôi khổ sở suốt cả đêm. Tôi cũng đã hơi lớn tuổi để hiểu rằng câu chuyện “Người Cát” do vú già kể là không xác thực, tuy nhiên “Người Cát” đối với tôi vẫn còn là một bóng ma ghê rợn. Khi tôi biết nhận ra được bước chân của “Người Cát” bước lên bậc thang, để đi vào phòng ba tôi, lúc bây giờ tôi đã bắt đầu hơi tự chủ được mình. Đôi khi, sự vắng mặt của “Người Cát” kéo dài khá lâu. Rồi thì những sự viếng thăm của “Người Cát” lại tiếp tục đều đều trong vòng thời gian hai năm. Tôi không quen thuộc được với sự xuất hiện lạ lùng kia, và gương mặt thâm u của con người bí mật ấy cũng không thể phai nhòa trong trí nhớ tôi. Sự liên lạc giữa Ba tôi và “Người Cát” dần đần làm bận rộn tâm trí tôi và ý muốn được nhìn thấy “Người Cát” một cách hãn hữu tăng dần nơi tôi theo thời gian.

Câu chuyện “Người Cát” đã đưa tôi vào một thế giới tuyệt vời. Không có gì làm tôi thích thú bằng những câu chuyện hãi hùng về các Thánh Thần, các quỷ sứ, các bà phù thủy. Nhưng đối với tôi, trong tất cả những mẫu truyện phiêu lưu kia, giữa những sự xuất quỷ nhập thần kỳ dị và lạ lùng kia, hình ảnh của “Người Cát” vẫn là hình ảnh ghê gớm nhất. Tôi dùng phấn và than để vẽ lên trên bàn, tủ, tường, trên khắp mọi nơi “Người Cát” với tất cả hình thù ghê gớm nhất. Khi tôi lên 10 tuổi, mẹ tôi để tôi ngủ riêng trong một căn phòng nhỏ, không cách xa mấy căn phòng làm việc của Ba tôi. Thường thường, cứ đến 9 giờ, người bí mật báo động và chúng tôi phải rút lui khỏi phòng Ba tôi. Ở trong phòng nhỏ của tôi, tôi nghe người bí mật ấy bước vào phòng Ba tôi, và sau đó một chốc, tôi ngửi thấy một mùi thơm kỳ lạ bay thoảng trong không khí. Tính tò mò càng làm tôi muốn biết rõ “Người Cát”. Tôi mở cửa phòng bước ra mái hiên, nhưng tôi không thể nghe thế được gì hết vì người lạ kia đã đóng kín cửa phòng của Ba tôi. Cuối cùng, không chịu đựng nổi nữa, tôi quyết định nấp ngay tại phòng Ba tôi để chờ xem “Người Cát” đến.

Một chiều nọ, nhìn thấy Ba tôi im lặng và mẹ tôi buồn rầu, tôi nhận biết rằng “Người Cát” thế nào cũng đến đêm nay. Tôi giả vờ bị mệt và ra khỏi phòng Ba tôi trước 9 giờ. Tôi tìm một ngách cửa để núp. Cánh ngỏ vào chuyển động và những bước chân nặng nề, chậm chạp, khiêu khích vang lên từ ngoài cho đến bậc thang. Mẹ tôi và các em tôi đứng dậy và đi ngang qua trước mặt tôi. Tôi bước ra khỏi ngách nấp, và mở nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng cánh cửa phòng Ba tôi. Ba tôi vẫn ngồi như thường lệ, im lặng, xoay lưng ra phía cửa vào. Ba tôi không nhìn thấy tôi, tôi lướt nhẹ nhàng ra sau lưng ông ta và tìm vào nấp sau bức màn che trước tủ treo áo của ông. Những bước chân vang dội càng lúc càng gần. Người ấy ho lên một tiếng, thở ra và lẩm bẩm thì thầm một cách lạ lùng. Tim tôi đập mạnh vì đợi chờ và sợ hãi. Rất gần cánh cửa, một bước vang lên rõ ràng, một tiếng quay mạnh trên quả nắm và cánh cửa mở toang ra một cách ồn ào. Tôi ló đầu để nhìn với tất cả sự đề phòng “Người Cát” đã đứng giữa căn phòng, trước mặt Ba tôi. Áng sáng của ngọn đuốc tỏa lên gương mặt của y “Người Cát” “Người Cát” kinh khủng chính là nhà luật sư già tên Coppelius thường ngày vẫn có đến nhà chúng tôi, ngồi ăn chung với chúng tôi. Nhưng một gương mặt kỳ dị đến mức nào cũng không làm tôi sợ hãi bằng gương mặt của Coppelius. Anh thử hình dung một con người với dôi vai rộng, một cái đầu khổng lồ, làn da mặt xám xịt, đôi chân mày râm và xách ngược, dưới đôi chân mày ghê tởm kia còn long lanh đôi mắt xanh, tròn như đôi mắt mèo, và một cái mũi cao, nhọn, quắp xuống, liếm đôi môi dày trình trịch. Cái miệng đã méo xẹo còn muốn méo thêm để cố tạo nên một nụ cười mỉm; hai vết thâm nhạt quệt dài trên đôi má của y và những âm thanh đôi khi trầm, đôi khi bổng thoát ra từ hai bộ răng khấp khểnh – Coppelius luôn luôn xuất hiện với bộ đồ nỉ xám tro, cắt theo kiểu xưa. Một cái áo choàng đồng màu, đôi bít tất đen và đôi giày cao cổ, tất cả những thứ này phù hợp với lối trang phục nói trên. Cái khăn choàng cổ quấn không sát cổ, lòi ra hai mối vắt gần đôi tai đỏ chói và biến vào cái gói đen lủng lẳng sau lưng y. Qua cái gói lúc lắc này, tôi còn nhìn thoáng thấy cái khuy bằng bạc dùng để kẹp giữ chiếc cà vạt. Tất cả những thứ ấy tạo nên một sự hòa hợp gớm ghiếc và ghê tởm. Nhưng cái làm cho chúng tôi ghê tởm, nôn mửa nhất trên ông ta đối với chúng tôi, những đứa trẻ con, chính là đôi bàn tay của ông ta, đôi bàn tay lông lá và xương xao; và mỗi khi đôi bàn tay ấy rờ mó vào một vật gì, chúng tôi phải coi chừng không được mó tới. Chính ông ta cũng đã để ý rằng chúng tôi ghê tởm ông nên ông ta lấy làm thích thú rờ mó vào các thứ bánh hoặc trái cây do mẹ chúng tôi dọn lên trong những đĩa để trên bàn. Hắn thỏa mãn một cách kỳ dị khi nhìn thấy chúng tôi khóc sướt mướt. Hắn rất khoan khoái về sự nhịn thèm của chúng tôi, do vì ghê tởm con người y mà không dám ăn. Hắn đã hành động như vậy ngay trong những ngày lễ, khi Ba chúng tôi rót cho chúng tôi một cốc rượu ngon. Hắn đưa tay ra cầm lấy cốc rượu đưa lên đôi môi nhợt nhạt của hắn và cười lớn về niềm tuyệt vọng, về những lời nguyền rủa của chúng tôi. Hắn có thói hay gọi chúng tôi là những con động vật nhỏ; trước mặt hắn, chúng tôi không được phép nói lên một lời nói nào và chúng tôi căm giận muôn đời con người thù nghịch kia, con người gớm ghiếc kia, con người đã đầu độc đến niềm vui nhỏ nhặt nhất của chúng tôi, Hình như mẹ chúng tôi đồng tình với chúng tôi ghét cay ghét đắng tên Coppelius đáng sợ kia; chúng tôi nhận thấy mỗi khi y hiện ra, niềm vui nhẹn nhàng, cốt cách ưu ái, hy sinh của mẹ chúng tôi tan biến để nhường chỗ cho một sự mặc tưởng thần kín.Ba chúng tôi đối xử, xem Coppelius như hạng người thuộc cấp trên mình, mà kẻ dưới phải chịu đựng sự cách biệt và không được làm cho cấp trên ấy nổi giận: người ta không bao giờ quên dâng cho y những món ngon nhất và mở thêm, vì danh dự của y, những chai rượu dành dụm trong nhà.

Nhìn thấy tên Coppelius, tôi nhận ngay được rằng không còn ai ngoài y là “Người Cát”; nhưng “Người Cát” qua tâm trí tôi, không phải là tên hung ác trong câu truyện của vú già, không phải là kẻ bắt trẻ con để đem lên cung trăng cho bầy trẻ y, bầy trẻ mỏ nhọn như mỏ dơi! Không! “Người Cát” đúng ra là một sinh vật kỳ dị và ghê tởm, sinh vật ấy hiện ra đâu là gây nơi đấy sự buồn khổ, sự đau đớn, sự nhu cầu, một sinh vật đã gây nên những thương tâm thật sự, kéo dài. Tôi như mê sảng, đầu tôi ló hẳn ra ngoài tấm màn, mặc dầu biết rằng như vậy, tôi có thể bị bắt gặp quả tang và bị Ba tôi trừng phạt nặng nề. Ba tôi tiếp Coppelius một cách long trọng. Hắn ta nói lớn bằng một giọng rồ rồ, trong khi bắt đầu cởi áo ngoài:

- Thôi bắt đầu làm việc.

Ba tôi, với dáng điệu âm thầm, cởi áo ngủ, và cả hai lại mặc vào lại những áo đen dài. Tôi không để ý hai người đã lấy áo đen dài kia tự đâu ra. Ba tôi mở một cánh tủ và tôi nhìn thấy tủ nầy có một cái hộc sâu trong đó Ba tôi lấy ra một cái lò. Coppelius đi gần lại và từ lò nỗi lên một ngọn lửa xanh. Một mớ niêu kỳ lạ hiện rõ ra trên ánh sáng ấy. Nhưng hỡi thượng đế, tại sao lại có được một sự biến thể lạ lùng như vậy trong nét mặt của cha già tôi! Một vẻ đau đớn tàn khốc, không bộc lộ được hình như đã thay đổi hẳn gương mặt thật thà và trung thưc của Ba tôi, gương mặt ấy bỗng nhiên nhăn nhíu lại một cách ma quái! Ba tôi giống y như Coppelius.

Tên này cầm lên những cái kèm sắt đỏ cháy để dọn lại những miếng than hồng trong lò. Tôi tưởng như nhìn thấy xung quanh y những bộ mặt người, mặt người không mắt! Những lỗ hũng đen, sâu hoẵm và nhớp nhúa hiện ra trên những bộ mặt không mắt ấy – “Những con mắt” Những con mắt! Coppelius kêu lên như vậy bằng một âm thanh tắt ngấm và khủng khiếp.

Tôi rùng mình và ngã sấp xuống nền nhà. Một sự ghê tởm khốc liệt làm tôi choáng váng. Tức thì Coppelius cầm lấy thân hình tôi. Hắn nói: “Một sinh vật nhỏ! Một sinh vật nhỏ!” Hắn vừa nói vừa nghiến hai hàm răng một cách dễ sợ. Nói xong, hắn quăng tôi lên lò mà ngọn lửa đã bắt đầu đốt cháy tóc của tôi. Bây giờ hắn lại hét: “Chúng ta có những con mắt! Những con mắt! – Một đôi mắt đẹp của trẻ con!” và hắn lấy từ lò than ra một bụm than đỏ, định quăng ngay vào đôi mắt tôi. Lúc ấy, Ba tôi la lên, đôi tay chấp lại:

- Thầy ơi, Thầy! Hãy để đôi mắt cho Nathanael, con tôi!

Coppelius bắt đầu cười một cách ồn ào: - “Thì để cho thằng bé giữ lấy đôi mắt của nó nhưng bắt nó phải chịu hình phạt. Đã bắt được nó ở đây, chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng sự cấu tạo những bàn chân và bàn tay nó”.

Ngay đó, những ngón tay của hắn ấn mạnh vào da thịt tôi, mạnh đến nỗi những khớp xương của tứ chi tôi kêu lên răng rắc và hắn bắt tôi xoay bàn tay, rồi bàn chân, khi thì bằng cách này, khi thì bằng cách khác - “Cái này không tốt! Cái này cũng như lúc mới sinh ra! Ông già ở trên kia quả đã hiểu hoàn toàn cái này rồi!”

Coppelius thì thầm như vậy và xoay người tôi lại, nhưng tức thời, tất cả đều trở nên âm u và hỗn hợp xung quanh tôi, một sự đau đớn ê chề làm chuyển động tất cả con người tôi: tôi không còn cảm thấy gì hết. Một làn hơi nhẹ nhàng và ấm ấm bay thoảng trên mặt tôi; tôi thức tỉnh như sau một giấc ngủ của sự chết; mẹ tôi cúi sát xuống tôi; “Người Cát” còn đấy không? Tôi mấp máy hỏi mẹ tôi như vậy “Không, con thân yêu của mẹ, hắn đã đi xa rồi, hắn đã đi từ lâu rồi! Hắn sẽ không còn làm con đau nữa đâu”.

Mẹ tôi nói với tôi như trên và hôn tôi. Mẹ tôi ôm sát vào lòng đứa con yêu quý đã được trả lại.

Vì sao tôi làm cho anh bực bội về những câu chuyện dài dòng trên, anh Lothaire thân mến? Tôi bị bắt gặp và đối xử tàn nhẫn bởi tên Coppellius kia. Sự lo âu sợ hãi đã làm cho tôi lâm phải một cơn sốt dữ dội và do cơn sốt này, bệnh tình của tôi kéo dài mấy tuần lễ. “Người Cát” không còn ở đấy?” Đó là câu nói đầu tiên của sự thoát ly và dấu hiện của sự cứu rỗi. Cần phải kể lại cho anh nghe giai đoạn khủng khiếp nhất của thời tuổi thơ; và sau đó, anh sẽ không qui tội cho đôi mắt của tôi nếu tất cả đối với tôi hình như đã nhạt màu trong cuộc sống, vì một làn mây u ám đã bao phủ tất cả sự vật trước tôi và chỉ có cái chết của tôi họa chăng mới làm tan được làn mây kia mà thôi!

Coppelius không còn xuất hiện nữa, có tiếng đồn bảo rằng y đã lánh xa thành phố. Một năm trôi qua, và cũng theo thủ tục xưa cũ, bất di bất dịch, một đêm kia chúng tôi ngồi xung quanh một cái bàn tròn. Ba chúng tôi rất vui vẻ và kể cho chúng tôi nghe một tràng truyện vui rất thích thú, những mẫu chuyện đã xảy ra trong những cuộc hành trình của Ba chúng tôi, vào thời kỳ trẻ trung. Đúng lúc đồng hồ đổ lên 9 giờ, chúng tôi nghe vang tiếng chuông cổng vào và tiếng những bước chân nặng nề nện từ sàn gạch đến bậc thang.

Mẹ tôi nói, sắc mặt như tái hẳn đi:

- Chính Coppelius!

Cha tôi lập lại bằng một âm thanh đứt quãng:

- Phải, chính là Coppelius!

Những giọt nước mắt lăn từ khóe mắt của mẹ tôi, Mẹ tôi nói lớn:

- Này anh – anh – Việc này có nên tiếp tục chăng?

- Lần cuối cùng – Ba chúng tôi trả lời – Hắn đến lần cuối cùng. Anh đoán chắc với em như vậy. Thôi, đi, đi, đi ngủ với các con đi. Chúc em ngủ ngon giấc nhé!

Người tôi như xây xẩm, hơi thở hình như muốn hụt đi. Nhìn thấy tôi đứng im lặng. Mẹ tôi cầm tay tôi dắt đi. Mẹ tôi nói “Theo đây Nathanael” Tôi tự để cho mẹ tôi dắt vào phòng.

- Con phải bình tĩnh và ngủ đi, Ngủ đi con nhé!

Mẹ tôi nói với tôi trước khi bước ra khỏi phòng.

Nhưng tôi không thể nào nhắm đôi mắt lại được, vì một sự sợ hãi không kềm chế nỗi làm xao xuyến cả tâm trí tôi. Tên Coppelius gớm ghiếc, tàn nhẫn đang đứng trước tôi, nhìn tôi với đôi tia mắt sáng chói; hắn mỉm cười một cách giả tạo và tôi không có cách gì lánh xa dược hình ảnh đó. Đêm đã về khuya. Vào lúc nửa đêm, bỗng thình lình một tiếng nổ lớn vang lên, giống như tiếng nổ của một vũ khí. Tất cả nhà đều kinh hoàng, xáo trộn và tiếng đóng cửa nghe rõ mồn một. Tôi hét lên “Chính Coppelius!”

Tôi nhảy ra khỏi giường ngủ. Những tiếng rên lọt vào tai tôi. Tôi chạy đến phòng của Ba tôi. Cánh cửa vào để mở, một làn hơi ngạt thở thoảng xông lên và người tớ gái giúp việc trong nhà ré lớn “A chủ tôi! Chủ tôi!”

Trước lò lửa đang cháy, trên tấm thảm, Ba tôi nằm sãi chết, mặt bị rách nát. Các em gái tôi, quỳ xung quanh thi hài ông, kêu lên những tiếng than ghê hồn! Mẹ tôi ngã vật, mềm nhũn bên xác chồng.

Tôi hét lớn:

- Coppelius! Con quỷ bất lương! Mầy đã ám sát cha ta!

Và sau đó, tôi mất hẳn ý thức, bất tỉnh nhân sự.

Hai ngày sau, khi người ta đặt thi hài Ba tôi vào áo quan, gương mặt của ông trở lại điềm tĩnh, trong sáng như lúc còn sống. Nhìn thấy như vậy, tôi cảm thấy mối khổ của tôi vơi dịu được nhiều, tôi nghĩ rằng sự hợp tác giữa Ba tôi và Coppelius, người khách ban đêm kia, không đưa ba tôi đến một sự đày đọa vĩnh viễn. Tiếng nổ đã làm cho xóm giềng thức giấc. Sự việc xảy ra gây dư luận và nhà cầm quyền biết được, cho đòi Coppelius ra trình diện. Nhưng hắn ta đã trốn khỏi thành phố, không để dấu vết nào lại cả.

Khi tôi nói với anh, hỡi người bạn xứng đáng của tôi, rằng người bán phong vũ biểu và kính đeo mắt không ai khác là Coppelius chính tông, bạn sẽ cảm thông mức độ ghê tởm và sự xuất hiện thù nghịch kia đã gây ra nơi tôi đến đâu! Hắn ta mặc một bộ đồ khác xưa nhưng những nét trên Coppelius đã quá ín sâu vào tâm não tôi nên tôi không thể nào quên đi được. Vả lại, Coppelius cũng không chịu đổi tên. Nó đóng vai ở đây một thợ máy và bán kính dạo và xưng danh là Giuseppe Coppola.

Tôi nhất quyết trả thù cái chết của cha tôi dù phải xảy ra việc gì. Đừng nói gì với mẹ tôi về câu chuyện gặp gỡ tàn ác này. Nhắn lời thăm em Clara xinh tươi, tôi sẽ viết cho Clara khi trạng thái tâm hồn được bình tĩnh hơn.

Chú thích:

1)  Trong soạn phẩm Les Brigands của Schiller.

2)Người cát hay người bán cát (Marchand de sable) là một nhân vật thần thoại thật tuyệt vời, người rải cát lên mắt người để người đó sẽ chìm vào trong một giấc ngủ thật nhanh chóng. (Dich Ct.Ly)