Thầy tôi dần dần đã tỏ ra rất bằng lòng về sự tiến bộ của tôi. Thầy thường tán dương sự rõ ràng trong cách điều khiển cung đàn của tôi, ông cũng rất vừa lòng về sự trong sáng của cách phát âm của tôi. Sau đó không lâu, Giáo sư Haak cho phép tôi được nhập giàn nhạc của Kịch viện để kéo vĩ cầm và đôi khi còn cho tôi được gia nhập các buổi hòa tấu tại phòng riêng của nhà vua. Ở đấy, tôi thường nghe Thầy tôi đàm luận với các nhạc sư Duport, Ritter và với nhiều bậc Thầy khác nữa, về những buổi trình diễn nhạc do Nam Tước B... tổ chức, những buồi trình diễn trong đó Nam Tước B... đã soạn hòa âm với một kỷ thuật khá điêu luyện khiến nhà vua cũng có lần đến thưởng thức. Họ kể lại những soạn phẩm tuyệt vời của các bậc thầy cũ, những soạn phẩm đã bị quên lãng và người ta chỉ còn được nghe lại tại nhà Nam Tước B... mà thôi.
Nam Tước B... đã lưu giữ được một số nhạc phẩm chọn lọc cổ kim và ngoài ra, tại nhà Nam Tước B... còn có sẳn một bầu không khí êm đềm, thân mật, thuận lợi, lại còn sẵn sự niềm nở ân cần của Nam Tước đối với anh em nghệ sĩ nữa. Luôn luôn, họ thỏa thuận với nhau để kết luận rằng người ta gọi rất có lý Nam Tước B... là « ngôi sao sáng của thế giới âm thanh miền Bắc.»
Tất cả những sự bàn luận kia khêu gợi tính tò mò của tôi; Tôi lại càng tò mò hơn khi đang giữa câu chuyện, các bậc thầy vĩ cầm kề sát tai để thì thầm và trong tiếng thì thầm bí mật, tôi nhận ra được tên của Nam Tước. Và do đôi tiếng nói lọt vào thính giác một cách bất thình lình, tôi lại đoán được rằng họ đang nói về những bài lý thuyết và thực hành vĩ cầm. Trong những lúc đó, tôi thoáng nhận thấy một nụ cười mỉm nở ra trên đôi môi của thầy Duport. Còn thầy tôi, chính là kẽ đã khơi mòi cho tất cả những vụ thì thầm khúc khích kia ; cuối cùng, đẻ chấm dứt câu chuyện, thầy tôi nói lớn qua một nụ cười, trong khi kẹp thùng đàn vào hai gối để lên dây:
- Dù sao, cũng là một con người đáng mến!
Tôi không chịu đựng được nữa. Tôi yêu cầu Thầy tôi giới thiệu tôi với Nam Tước và cho phép tôi được đi theo nghe những buổi độc tấu của ông. Lời yêu cầu của tôi rất có thể bị cự tuyệt một cách gay gắt, tôi nghĩ thầm như vậy. Đúng thế, giáo sư Haak nhìn chòng chọc vào tôi. Tôi đã nhận ra trong cái nhìn ấy sự nổi giận của thầy tôi nhưng bỗng nhiên, vẻ mặt oai nghiêm của thầy đổi ra tươi tắn, đôi môi nở một nụ cười hơi lạ lùng. Ông nói:
- Được. Có lẽ con cũng có lý. Có những điều cần phải học nơi Nam Tước. Thầy sẽ nối về con với ông và thầy nghĩ rằng ông sẽ vui lòng tiếp con, vì ông cũng thích tiếp đón những nghệ sĩ trẻ tuổi.
Vài ngày sau đó, vừa song tấu xong với giáo sư Haak một vài hòa khúc mắc mỏ, giáo sư bảo tôi cất đàn và nói:
- Nghĩ đi, Carl. Tối nay con phải ăn mặc tươm tất và đến tìm thầy, chúng ta sẽ cùng nhau đến nhà Nam Tước. Tối nay, không có khách đông và đây là một dịp tốt để thầy giới thiệu con với
ông ta.
Tôi hồi hộp vì sung sướng. Tôi hy vọng mà không hiểu vì sao, sẽ được học tối nay những gì kỳ lạ thích thú vô cùng. Chúng tôi đi. Nam Tước B... là một người hình vóc trung bình, không già lắm, mặc áo quần cắt theo kiểu Pháp, có viền đủ màu sắc - Ông niềm nở tiếp chúng tôi khi chúng tôi vừa để chân vào phòng khách của ông. Nam Tước siết tay chặt chẽ với giáo sư của tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy một sự sùng kính, có được những cảm giác nhẹ nhàng như hiện tại, trước mặt con người lỗi lạc. Người ta đọc được, qua những nét của gương mặt Nam Tước, một tâm hồn cởi mở, một tấm lòng rộng rãi vị tha, và đôi mắt của ông chiếu tỏa một nguồn nhân lực, âm u, biểu lộ của một tâm hồn nghệ sĩ đắm chìm trong nghệ thuật.
Tất cả sự ngại ngùng e lệ của tuổi trẻ nơi tôi trong phút chốc biến tan đâu mất. Nam Tước nói bằng một giọng rang rảng:
- Thế nào, anh Haak? Anh đã dượt hẳn hòi hòa khúc của tôi chưa? Thôi được, mai sẽ hay nhé! - A! Đây là người thanh niên, người nghệ sĩ mầm non mà anh đã có nói với tôi phải không?
Tôi sụp đôi mi xuống, lòng hơi xấu hổ. Tôi cảm thấy đôi má tôi ửng đỏ và nóng phừng. Giáo sư Haak nói lên tên tôi, đề cao những khả năng về nghệ thuật vĩ cầm của tôi và nhấn mạnh về những tiến bộ nhanh chóng mà tôi đã đạt được.
Nam Tước quay lại tôi:
- Thế là con đã chọn cây đàn vĩ cầm để sử dụng phải không? Nhưng con có nghĩ rằng cây đàn vĩ cầm là nhạc khí khó nhất trong toàn bộ nhạc cụ đã được phát minh không? Con có biết rằng nhạc cụ kia, qua cái hình thức giản dị đơn sơ, đã chôn cất một kho tàng về âm thanh do Tạo Hóa phát hiện không? Con có biết rằng những sợi giây và miếng gỗ kia là cả một sự huyền bí và chỉ có một số ít ỏi người của Thượng Đế mới khám phá được mà thôi không? Con có biết, tâm trí con có nói với con một cách vững chắc rằng con phải đi sâu vào đến tận cùng sự bí mật kia không? có rất nhiều kẻ cũng như con đặt niềm tin tưởng vào năng khiếu của họ và suốt đời vẫn phải chịu đóng vai những kẻ bứt giây đàn. Ta không muốn con đứng vào trong số người kia. Thôi được, con hãy kéo cho ta nghe một đoạn đi rồi ta sẽ cho con biết con đã đi được tới đâu và con phải nghe theo lời dạy của ta. Có lẽ sự việc sẽ xẩy đến với con như đã xẩy ra đối với Carl Stammitz. Cậu này cũng mơ tưởng thực hiện được những phát minh lạ lùng trong nghệ thuật vĩ cầm. Chính ta đã làm cho y sáng tỏ và lập tức, y quăng cây vĩ cầm vào xó bếp và xoay qua tập Đại Hồ cầm và đã thành công ít nhiều. Với nhạc cụ này, y có thể xòe theo ý muốn những ngón tay khổng lồ hình chữ điền của y. Y đã chơi tạm được. Nhưng thôi, ta đang sẵn sàng nghe con kéo đây.
Tôi lặng người để nghe lý thuyết lạ lùng của Nam Tước ; lời nói của ông đã gây nơi tôi những cảm xúc sâu xa. Tôi cảm thấy một niềm tuyệt vọng não nùng khi thoáng nghĩ rằng tôi đã lao mình vào một công việc vượt hẳn sức lực của bản thân. Người ta chuẩn bị để hòa tấu ba soạn phẩm mới viết thành bốn bè của Haydn, ba soạn phẩm này được xem như là «mới ra lò». Thầy tôi mở hộp lấy đàn ra và vừa mới chạm cung để lên giây, thì Nam Tước bịt cứng hai tai, hét lên:
- Haak! Haak! Tôi van anh. Tại sao anh có thể làm hỏng cả kỹ thuật của anh với cây đàn kia!
Cây đàn của Thầy tôi là một trong những cây đàn quí giá nhất mà tôi chưa hề bao giờ được nhìn thấy và nghe nói đó là một loại chính cống Antonio - Stradivarius. Và không có gì làm thầy tôi bực mình hơn là thấy kẻ nào chối từ không chịu khâm phục một cách xứng đáng đối với cây đàn yêu quí ấy.
Tôi cũng hơi ngạc nhiên nhận thấy Thầy tôi điềm tĩnh cất lại cây đàn vào hộp. Chắc Thầy tôi đã đoán được trước sự gì xẩy ra. Đúng vậy, khi thầy tôi vừa rút chìa khóa khỏi hộp đàn, thì Nam Tước B... vừa rời khỏi phòng, xuất hiện lại, đôi tay nâng niu một cách thận trọng, như bồng một trẻ nhỏ vừa mới sinh, một cái hộp dài, bọc toàn bằng nhung đỏ, thêu lên những đường viền vàng. Nam Tước nói:
- Tôi muốn trao cho anh một vinh dự, anh Haak ạ! Hôm nay, anh sẽ sử dụng một nhạc cụ lâu đời nhất, quí giá nhất trong những nhạc cụ của tôi. Đây là một «Gramulo» chính cống. Và bên nhà sáng tạo này, người học trò Stradivarius chỉ là một kẻ tập sự mà thôi. Tartini không bao giờ sử dụng nhạc cụ vĩ cầm nào khác ngoài loại Gramulo. Hãy tập trung tư tưởng để cho cây Gramulo của tôi bằng lòng mở ra cho anh tất cả những kho tàng.
Nam Tước mở hộp đàn và tôi nhìn thấy một nhạc cụ, hình thức chứng tỏ một sự xưa cũ lâu đời. Bên nhạc cụ, cung đàn nằm quanh tròn, một cung đàn lạ lùng nhất thế giới. Cung đàn này, do sự uốn cong quả mức, hình như dùng để bắn những cái tên hơn là để kéo trên các dây vĩ cầm. Nam Tước lấy cây đàn trong hộp ra với một sự kính cẩn uy nghi và trao qua cho Thầy tôi. Thầy tôi tiếp nhận với một sự long trọng không kém. Nam Tước đập nhẹ lên vai Thầy tôi, vừa nói vừa mỉm cười:
- Còn cung đàn, cung đàn thì tôi không trao cho anh, vì anh sẽ không sử dụng được. Do đó mà suốt đời, anh không tiến đến được sự tuyệt mỹ.
Nam Tước đưa cao cung đàn lên và ngắm với một cái nhìn sáng lạn, đầy vẻ cảm hứng. Nam Tước nói tiếp:
- Cung này, cung này chỉ để cho nhà vĩ cầm vĩ đại, bất tử Tartini sử dụng và sau. « Người » chỉ còn lại trên quả đất này 2 kẻ, hai kẻ đã được thụ giáo « Người ». Hai kẻ đã được sung sướng nhất vì đã nhận thức được kỹ thuật dồi dào, dẻo dai, sâu sắc, một kỹ thuật chỉ đạt được với loại cung này mà thôi. Một trong hai kẻ ấy là Nardini. bây giờ chỉ còn là một ông già ngoài bảy mươi tuổi, sức mạnh âm thanh cũng chỉ còn lưu lại ở tận đáy tâm hồn ông mà thôi. Còn kẻ thứ hai, kẻ thứ hai, chắc các Ngài đã biết rồi, chính là tôi đây. Như vậy tôi là kẻ độc nhất còn giữ được kỹ thuật sử dụng vĩ cầm: Nhưng tôi không bao giờ quên đặt vấn đề phổ biến kỹ thuật này cho mai hậu. Kỹ thuật mà Tartini là người đã sáng tạo. Nhưng, thưa các bạn, hãy bắt đầu đi.
Hòa khúc bốn bè của Haydn được kéo lên, như người ta có thể hình dung được, kéo lên với một kỹ thuật điêu luyện đến mức sự tấu nhạc này không có điểm nào phải chê trách. Nam Tước ngồi đó, đôi mắt nhắm lại và nũng nĩnh trên chiếc ghế bành. Bỗng nhiên, ông ta đứng dậy, đi gần lại những người hòa tấu, nhìn vào những bè nhạc, nhíu đôi mày lại và lùi nhẹ lại một bước, rồi lùi dần nhẹ nhàng lại chiếc ghế bành, ngồi xuống, gục đầu xuống đôi bàn tay, rên và thở một cách ồn ào. Đến đoạn « nhẹ nhàng » chứa toàn thanh điệu và phần nhất, Nam Tước ré lên:
- Hãy dừng lại! Dừng đàn! Chính đấy là phần nhất của Tartini. Nhưng các bạn chưa hiểu thấu đáo. Hãy trở lại một lần nữa, tôi yêu cầu các bạn hãy trở lại một lần nữa!
Các nhạc sĩ kéo lại đoạn ấy, vừa kéo vừa mỉm cười và lần này các nhạc sĩ sử dụng toàn cung đàn trong mỗi nét nhạc. Nam Tước rên, khóc như một đứa bé. Khi hòa khúc bốn bè đàn xong, Nam Tước nói lớn:
- Một con người thiên thần, nhạc sĩ Haydn! Nhạc sĩ đã biết đi sâu vào tâm hồn. Nhưng khi viết cho vĩ cầm, nhạc sĩ lại không thạo lắm. Và có lẽ Haydn cũng không nghĩ đến điều này. Vì nếu Haydn đã viết theo một kỹ thuật chính xác như Tartini chẳng hạn, các bạn đã không thể nào kéo được rồi!
Đến lượt tôi phải kéo một đôi đoạn « chuyển cung». Giáo sư Haak đã để nhạc trước mắt tôi. Nam Tước đứng ngay sát cạnh tôi, nhìn hẳn vào bè nhạc của tôi. Người ta hình dung được sự sợ hãi xâm chiếm tôi khi mới đầu, với sự phê bình khắt khe đứng bên cạnh. Nhưng lúc kéo đến đoạn «vui tươi», sự thuận tay xuất hiện làm tôi hết «khớp» và cung đàn nhẩy lướt trên bốn giây. Tôi quên mất sự hiện diện của Nam Tước và tôi đã có thể cử động một cách tự do trong tất cả phạm vi khả năng của tôi. Tôi thực hiện một cách hoàn toàn đoạn nhạc ấy và khi kéo xong, Nam Tước đập vào vai tôi, nói qua một nụ cười mỉm :
- Con có thể theo đuổi Nghệ Thuật vĩ cầm. Nhưng con rất còn thiếu sót về phương diện kỹ thuật cung đàn. Có lẽ vì, cho đến nay con vẫn còn thiếu một giáo sư đứng đắn để hướng dẫn.
Mọi người sắp sửa dự tiệc, dọn tại phòng bên cạnh. Sự tươm tất của bữa tiệc vượt quá mức của sự xa xỉ. Các giáo sư vĩ cầm là khách danh dự của bữa tiệc ấy. Câu chuyện càng lúc càng sôi nổi và xoay đi xoay lại trên địa hạt âm nhạc. Nam Tước đưa ra những kho hiểu biết quí báu về nghệ thuật vĩ cầm: sự phê bình của ông nhanh chóng và sâu sắc, chứng tỏ Nam Tước không chỉ là một nhà hâm mộ nghệ thuật mà còn là một nghệ sĩ hoàn toàn, một tài hoa đầy đủ về tư tưởng nghệ thuật và thẩm mỹ. Tôi chú ý nhiều nhất đến những mẩu chuyện về các nhà vĩ cầm nổi tiếng mà ông ta lần lượt mô tả. Nam Tước nói:
- Tôi muốn gom góp lại đây một vài kỷ niệm Corelli là kẻ đã mở đường trước tiên. Những soạn phẩm của ông chỉ có thể thực hiện bằng kỷ thuật của Tartini. Ông đã ý thức được sự lớn lao của nhiệm vụ nhạc khí. Điều này tưởng rất dễ chứng minh. Pugnani chỉ là một tay vĩ cầm xoàng thôi: y có được đôi nét nhạc và rất nhiều thông minh, nhưng lối kéo quả yếu ớt trong các đoạn nhạc có âm thanh phụ hoa hoè. Người đã có dư luận như thế nào đối với Gémianini? Khi tôi nghe ông ta kéo lần cuối cùng tại Ba Lê, cách đây khoảng ba mươi năm, phải nhận rằng ông ta kéo như một kẻ ngủ mê, mơ thấy gì rồi đưa lên quờ quạng ; và quả thật là một giấc mơ khổ nhọc cho những ai phải nghe ông ta diễn tấu: đó chỉ là một lối diễn tấu nhịp nhàng hết sức khó nghe, một lối diễn tấu không màu sắc, cũng không câu kéo. Đây là một điều nên nhớ trong nghệ thuật vĩ cầm: nếu vướng phải điềm bất hạnh là bị cái nhịp cứng nhắc ám ảnh thì đừng hòng theo đuổi nghệ thuật này. Chính ông ta đã làm hỏng nhiều tay vĩ cầm tương lai. Tôi đã kéo cho ông ta nghe những hòa khúc của tôi, sau đó ông ta nhận thức được ngay mình lầm lạc và xin thụ giáo tôi. Như các Ngài biết, tôi sẵn sàng giúp những ai muốn tiến. Nhưng ông ấy đã đi quá sâu vào kỹ thuật sai lệch trước, vả lại ông cũng đã quá lớn tuổi nữa, đã bảy mươi mốt rồi. Mong Chúa hãy cứu rỗi cho Giardini và đừng bắt y phải đền tội. Chính y là kẻ đầu tiên đã ăn trộm hoa quả của vườn cây kỹ thuật và cũng đã làm cho rất nhiều nhà vĩ cầm sau y phạm phải tội lỗi như y. Đó là một trong những nhà vĩ cầm kỳ cục. Y chỉ nghĩ đến bàn tay trái, chỉ chú trọng đến những ngón chạy trên phím đàn mà không bao giờ chịu ý thức được rằng hồn của nhạc vĩ cầm chính là ở trong mỗi cử động của cung, phát ra những tiếng đập của quả tim, như chúng ta lắng nghe được trong lồng ngực của chúng ta. Đối với mỗi cá nhân trong số người kỳ cục kia, tôi ao ước có một Jomelli đứng bên cạnh họ để thức họ dậy bằng một cái tát thật mạnh như Jomelli đã làm lúc Giardini kéo hỏng một soạn phẩm tuyệt vời trước mắt mình. Còn nói đến Lulli, thì quả đỏ là một thằng điên thật sự: Con người dị dợm kia là tay vĩ cầm chỉ biết nhẩy cung bất cứ lúc nào. Hắn ta không thể nào kéo lên được một đoạn «êm dịu» và tất cả tài nghệ của y cũng chỉ nằm trong những lối nhẩy cung, quăng cung kỳ cục và cũng chỉ có hạng người ngu mới thán phục mà thôi. Tôi muốn nói lớn lên cho các bạn hiểu: Nghệ thuật vĩ cầm sẽ tắt lịm theo tôi và Nardini. Đứa bé Viotti là một tài hoa khá điêu luyện, có được đầy đủ năng khiếu. Nhờ tôi mà nó học được rất nhiều về kỹ thuật, thêm nữa, nó là một nhạc sinh chăm chỉ nhất của tôi. Nhưng tôi có thể nào làm hết được? Thiếu ý chí, kiên nhẫn, nó không chịu tiếp tục theo đuổi học hỏi tôi. Tôi hy vọng có thể xây dựng cho Kreutzer hơn: thằng này đã lĩnh hội được những bài tôi giảng và đã biết đem ra thực hành khi trở về lại Ba Lê. Hòa khúc của tôi mà các bạn đang nghiên cứu và thực hiện bây giờ đây, anh Haak chơi không phải kém lắm, nói đúng ra như vậy; nhưng anh vẫn luôn luôn thiếu một khuỷu tay để có thể sử dụng cung đàn của tôi. Còn đối với Giarnowicki, tôi không muốn y bước chân vào nhà tôi nữa. Đó là một tên dối trá và ngu đần, dám cả gan nói xấu Tartini, ông thầy của những bậc thầy và cũng còn dám trêu nhại những bài giảng dạy của tôi. Còn thằng bé Rode, thằng ấy cũng có thể tiến xa hơn, nếu chịu khó nghe tôi. Một ngày gần đây, hẳn cũng có thể trở nên một tay vĩ cầm lỗi lạc, làm chủ được cung đàn. Còn đối với tuổi của con...»
Nam Tước xây qua tôi, nói bằng một âm thanh trầm hơn và hình như có vẻ suy nghĩ nhiều:
- Con, con có vẻ hơi ngơ ngốc một chút. Thế mà được. Điều ấy rồi cũng thoát qua. Này bạn Haak, chính nơi anh, tôi đang đặt nhiều triển vọng. Từ ngày mà tôi hướng dẫn anh, anh đã trở nên một con người khác hẳn. Phải tiếp tục khai thác tất cả khả năng hiện có và đừng phí một giờ phút nào. Anh nên hiểu rằng tôi không phải khen đùa đâu nhé!
Tôi rất đỗi ngạc nhiên về tất cả những điều Nam Tước trình bầy mà tôi vừa nghe. Tôi cũng hết sức mệt nhọc phải chờ đợi đến lúc được hội ý với thầy tôi, để hỏi thầy tôi rằng có phải thật Nam Tước là nhà vĩ cầm duy nhất của thời đại, và có phải thật sự thày tôi đã thụ giáo ông ta không? Thầy tôi trả lời rằng chính Thày tôi phải có bổn phận học hỏi ông ta và tôi cũng nên tìm đến ông ta một buổi mai nào đó để được ông phán cho những lời dạy bảo. Còn tất cả nhữngcâu hỏi của tôi về tài nghệ của Nam Tước, thày tôi không trả lời gì cả và tỏ ra thật khó hiểu. Thày tôi chỉ lập lại rằng tôi nên theo gương của Nam Tước, thế thôi. Giữa những lời giải thích của thầy tôi, nụ cười mỉm kỳ lạ của ông luồn luôn nở trên đôi môi, nụ cười kia không thể nào lọt qua được mắt tôi. Và khi tôi đến trình bầy kính cẩn với Nam Tước những ước muốn của tôi, trình bầy rằng sự say đắm độc nhất, sự bồng bột mãnh liệt của đời tôi là Nghệ thuật diễn tấu vĩ cầm ; nghệ thuật này luôn luôn làm tôi hăng hải quyết tâm thì cái nhìn của Nam Tước ban đầu chòng chọc ngạc nhiên sau bỗng chuyển qua hết sức mau lẹ một cái nhìn đầy ưu ái dịu dàng. Nam Tước nói:
- Con, con, khi con tìm đến đây, tìm đến nhà vĩ cầm độc nhất đã còn sống sót lại là thầy đây, con cũng đã tỏ ra là một quả tim thật sự yêu nghệ thuật. Thầy rất muốn giúp con, nâng đỡ con trên con đường đi ấy. Nhưng lấy thì giờ, thì giờ, lấy thì giờ ở đâu? Giáo sư Haak của con cũng đã choáng mất của thầy rất nhiều thì giờ, hiện nay thầy còn có thằng Durand nữa, thằng Durand bây giờ lại muốn diễn tấu trước công chúng - Và nó cũng đã nhận định được rằng việc diễn tấu trước công chúng, muốn thực hiện được, phải theo đuổi học hỏi kỹ càng dưới sự hướng dẫn của thầy. Để thầy xem thử nhé. Đợi coi!... Giữa hai bữa ăn sáng và trưa hoặc giả ngay lúc ăn sáng. Phải, thầy chỉ còn một giờ trống. Này con, con đến thầy mỗi ngày vào khoảng trưa nhé. Thày kéo với con đến một giờ chiều, tiếp đó thằng Durand đến.
Chắc các ngài đã có thể tưởng tượng được rằng qua ngày mai đúng giờ, tôi chạy đến nhà Nam Tước, quả tim hồi hộp hy vọng như thế nào! Ông không cho tôi được phép kéo một âm thanh nào trên cây đàn tôi mang tới và trao cho tôi một cây đàn hiệu Đức, kiểu rất xưa, loại Antonio Amati. Tôi chưa hề bao giờ được sử dụng một loại đàn tốt như thế. Âm thanh trong trẽo phát ra từ đàn ấy làm tôi sung sướng và cao hứng, tôi say sưa kéo lên những đoạn khó khăn nhất, tôi để cho suối âm thanh vang lên như luồng sóng lớn và hạ dần xuống như giòng suối róc rách thì thầm, Tôi nghĩ rằng tôi đã vượt được tôi, tôi đã diễn tấu khá điêu luyện, tinh tế trong phút đầu tiên này. Có lẽ nếu không nhờ ảnh hưởng của hoàn cảnh mới này, chưa chắc tôi đã có thể diễn tấu lại được như lần này. Nam Tước lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng và nói ngay với tôi khi tôi kẻo xong bản đàn:
- Con phải quên hết kỹ thuật hiện tại của con. Trước hết, con cầm cung đàn sai lệch một cách đáng buồn !
Ông ta chỉ cho tôi cách cầm cung đàn theo lối Tartini. Lúc đầu tôi tưởng không thể nào kéo lên được một âm thanh nào với cách cầm cung mới này. Nhưng, thật là ngạc nhiên, khi tôi bắt đầu kéo xong, tôi mới nhận ra được nhiều dễ dàng, nhiều thuận lợi rõ rệt trong phương pháp của ông, Nam Tước nói:
- Thôi, bây giờ chúng ta bắt đầu bài học, kéo lên một âm thanh đi con và hãy giữ âm thanh ấy lâu tới mức độ mà con có thể giữ được. Hãy giảm bớt sức chạy của cung, giảm bớt! Cung đàn đối với nhạc sĩ vĩ cầm giống như hơi thở đối với ca sĩ!
Tôi làm theo lời ông nói, và tôi không thể ngăn cấm sự thỏa mãn của tôi khi nhận thấy tôi đã đạt được kết quả phát lên những âm thanh rõ ràng, chuyển từ « êm dịu » qua « mạnh mẽ » ; tôi cũng đã có thể chầm chậm giảm cường độ âm thanh bằng những cữ động dài của cung một cách khá hay ho. Nam Tước ré lên:
- Con thấy chưa? Con đã có thể diễn tấu những đoạn đẹp đẽ, con cũng đã có thể nhảy cung, nhún cung nhưng con vẫn chưa giữ được cường độ của âm thanh như sự cần thiết! Để thày chỉ cho những điều mà người ta có thể đòi hỏi nơi đàn vĩ cầm.
Nam Tước lấy trên tay tôi cây đàn, chạm ngay cước cung gần sát dá chống dây. Không! Ở đây, những danh từ diễn tả lại lối kéo của Nam Tước thật quả còn thiếu sót. Cung đàn run rẩy, nhảy qua dá chống, trượt xuống phím đàn, cào rít mạnh vào dây làm cho đàn huýt lên, rên la éo ét, ngoan ngoãn như tiếng mèo già bị rắn quấn, tiếng đàn vang lên ắt ắt một cách kinh khũng làm cho gân phải giật, mắt phải nhắm, tai phải bịt, ngay cả đối với những thính giảc ít tế nhị: người ta có thế bảo rằng đó là một bà lão già, sóng mũi bị nghẹt bởi gọng của kiến tuổi, cố gắng nhại lại một âm điệu của một bài hát cũ.
Trong lúc kéo, Nam Tước còn ngước mắt nhìn trời với một vẻ thỏa mãn mầu nhiệm, đôi mắt sáng lên vì thích thú. ông ta hét lớn qua sự một cảm xúc xâu xa:
- Đó là cách phát âm! Đó là điều mà người ta gọi là phát âm!
Tôi chưa bao giờ ở trong một trường hợp tương tự. Cái cười nghẹt thở muốn thoát từ cổ họng được kìm giữ lại khi tôi nhìn thấy Nam Tước là một cụ già đáng kính có vẻ mặt sáng lên do sự hứng khởi và cuối cùng, cảm xúc kia gây nơi tôi cảm tưởng về một sự xuất hiện quỉ thần, ám ảnh đến mức làm tim tôi đập mạnh và tôi cũng không còn thể phát biểu một lời nào. Nam Tước nói
- Phải không con, có phải sự diễn tấu của thầy đã làm con xúc động đến tận đáy lòng? Chắc con chưa bao giờ hình dung rằng trong công việc mà con đang theo đuổi, ẩn nấp một sức mạnh tiềm tàng, một sức mạnh ghê hồn qua bốn giây yếu ớt kia. Thôi lại đây con, con lại đây uống với thầy một cốc rượu cho tỉnh lại.
Nam Tước rót cho tôi một cốc rượu «Madère» và buộc tôi phải uống hết, sau còn trao thêm cho tôi một miếng bánh bít quy lấy trên bàn. Đồng hồ điểm một giờ. Nam Tước nói:
- Hôm nay vậy là quá đủ rồi! Thôi con có thể về và ngày mai trở lại. Này cầm lấy cái này.
Nam Tước trao cho tôi một phong bì trong đó tôi tìm thấy một đồng « đuy-ca » (ducat: tiền Hòa Lan).
Trong sự ngạc nhiên quá mức, tôi chạy đi tìm thầy tôi và kể lại tất cả sự việc xẩy ra. Thầy tôi nổi lên cười lớn tiếng và nói:
- Bây giờ con mới nhận thấy sự việc xẩy ra như thế nào tại nhà Nam Tước. Khi mới bắt đầu, ông ta la rầy mày và chỉ biếu mày một đồng « đuy-ca » qua mỗi giờ giảng. ít lâu sau, khi mày đã có được những tiến, bộ, theo sự nhận xét của ông ta, ông ta sẽ tăng giờ học cho mày. Hiện nay Thầy đã lãnh được một ‘’ lu y’’ (louis) và Durand hình như đã lãnh được hai «đuyca» (ducat).
Tôi không thể nói với thầy tôi rằng với một cụ già đáng mến như vậy, không nên lấy tiền của cụ bằng cách đó.
Thầy tôi nói:
- Con nên biết rằng tất cả hạnh phúc của cuộc đời Nam Tước là được giảng dạy vĩ cầm. Nếu thầy và các giáo sư khác chống lại những lời phê phán của ông, ông có thể dèm pha, đả kích trong giới âm nhạc, địa hạt mà ông được xem như một nhà phê bình ‘’kinh khủng’’ sát đúng nhất. Vả lại, ngoại trừ kỹ thuật diễn tả trên nhạc khí, ông cụ là một con người đã thấu triệt lý thuyết nghệ thuật và những nhận xét của ông cụ cũng rất là tế nhị. Con nên đến gặp Nam Tước thường xuyên và cũng đừng nên ngăn những cái điên rồ mà đôi khi ông cho tuôn ra một cách bất thình linh, hãy ráng mà thu nhận những lòe sáng phát lộ trong khi ông ta đề cập đến phần triết lý của Nghệ Thuật. Như vậy, con sẽ nhận được nhiều lợi ích.
Tôi nghe theo lời thầy tôi. Nhiều lần tôi phải cố ghìm cái cười nghẹt thở khi Nam Tước chụp lấy cung đàn trên tay tôi và lướt kéo một cách kỳ dị trên lưng của thùng đàn, bảo rằng lối kéo này dùng để diễn tả bản độc tấu vô nhị của Tartini và ông ta là kẻ duy nhất trong thế gian, đã đủ sức diễn tả bản độc tấu ấy. Nhưng sau đó, khi ông để đàn xuống, khi ông bước vào lĩnh vực của những nhận xét giúp cho tôi được giàu thêm những hiểu biết sâu sắc về bộ môn nghệ thuật vĩ cầm, khi Nam Tước mô tả xác thực những mục tiêu cao cả của Nghệ Thuật thì quả tim tôi đã xúc động đối với ông cụ, lòng tôi phải ghi một sự tri ân chân thành.
Lúc tôi tấu nhạc trong những buổi hòa tấu tại nhà ông, và được thính giả đôi lần vỗ tay tán thưởng, Nam Tước mỉm cười với vẻ mặt khoan khoái, tự cao, lướt mắt nhìn xung quanh để nói:
- Chính tôi đã xây dựng được cái tài hoa son trẻ kia đấy. Chính nhờ tôi, kẻ đã thụ huấn nhà vĩ cầm Tartini vĩ đại.
Tôi vẫn tiếp tục đến thụ giáo ông cụ, và cũng để nhận luôn những đồng «đuy-ca» sống đẹp.
E.T.A. HOFFMANN