Họ đều trông giống nhau, ăn mặc giống nhau, sử dụng cùng các biểu hiện trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể nhưng mỗi người sẽ cho bạn biết họ “đang làm việc của riêng họ”
Khi gặp gỡ mọi người trong lần đầu tiên, giống như hành động của đa số các loài khác vì lý do sinh tồn, chúng ta thường tìm hiểu nhanh xem họ có thái độ tích cực hay tiêu cực đối với chúng ta. Chúng ta làm việc này bằng cách nhìn lướt nhanh qua cơ thể người khác để xem họ có cử động hoặc làm điệu bộ giống chúng ta hay không. Việc lặp lại các điệu bộ được gọi là “bắt chước”. Con người bắt chước ngôn ngữ cơ thể của nhau như là một cách để được hòa nhập, được chấp nhận và để tạo ra mối quan hệ, nhưng thường thì chúng ta không hề ý thức được chúng ta đang làm việc đó. Vào thời xa xưa, bắt chước là một phương cách xã hội giúp tổ tiên chúng ta sống hòa hợp trong cộng đồng lớn, nó cũng là dấu vết còn xót lại của một phương pháp học tập có từ thời nguyên thủy, đó là làm theo.
Một trong những hiện tượng bắt chước đáng chú ý nhất là ngáp – một người ngáp, kéo theo mọi người ngáp! Robert Provine đã phát hiện rằng ngáp dễ lây lan đến nỗi, thậm chí bạn không cần nhìn trực tiếp người khác ngáp mà chỉ cần nhìn hình ảnh người ta mở rộng miệng cũng đủ khiến bạn ngáp rồi. Trước đây người ta nghĩ ngáp là để thu nạp Oxy cho cơ thể, nhưng hiện nay chúng ta biết đó là một dạng của điệu bộ bắt chước nhằm thiết lập mối liên hệ với những người khác cũng như tránh sự gây hấn. Loài khỉ và tinh tinh cũng làm như vậy.
Phụ nữ rất kỵ ăn mặc giống người phụ nữ khác. Nhưng nếu hai người đàn ông mặc trang phục giống nhau xuất hiện tại một bữa tiệc thì họ có thể trở thành bạn bè suốt đời.
Thay cho lời nói, hành vi bắt chước hàm ý: “Hãy nhìn tôi này, tôi giống như anh. Tôi có cùng cảm nghĩ và quan điểm”. Điều này giải thích tại sao khán giả tại các buổi biểu diễn nhạc rock thường đồng loạt nhảy nhót, vỗ tay hoặc tạo “làn sóng tay”. Sự đồng bộ với đám đông làm tăng cảm giác an toàn trong lòng những người tham gia. Tương tự, những người trong một nhóm kích động sẽ bắt chước các hành vi gây hấn, đó là lý do tại sao những người thường ngày vốn điềm tĩnh lại dễ mất bình tĩnh trong tình huống này.
Cảm giác muốn bắt chước cũng là yếu tố cơ bản giúp việc xếp hàng được trật tự. Khi xếp hàng, người ta sẵn sàng hợp tác với những người chưa từng gặp và sẽ không bao giờ gặp lại. Người ta cũng tuân thủ các quy tắc hành xử bất thành văn khi đứng chờ xe buýt, tại phòng triển lãm tranh, trong ngân hàng hoặc khi kề vai sát cánh trong các cuộc chiến. Giáo sư Joseph Heinrich thuộc trường Đại học Michigan đã phát hiện rằng sự thôi thúc bắt chước là hành vi bẩm sinh, bởi việc hợp tác giúp nhận được nhiều thức ăn hơn, đảm bảo sức khỏe và tăng trưởng kinh tế cho cộng đồng. Điều này cũng giải thích tại sao những xã hội có quy định nghiêm ngặt về hành vi bắt chước như Anh, Đức và La Mã cổ đại đã thành công trong việc thống trị thế giới suốt nhiều năm.
Học bắt chước cha mẹ từ rất sớm. Hoàng tử Pháp và thái tử Charles lúc trẻ bắt chước y hệt nhau.
Việc bắt chước làm cho những người khác cảm thấy “thoải mái”. Nó là một công cụ xây dựng mối quan hệ hiệu quả đến mức một cuộc nghiên cứu ghi hình quay chậm cho thấy, người ta bắt chước nhau từ việc đồng loạt nháy mắt, khịt mũi, nhướn lông mày và ngay cả giãn nở con ngươi. Điều này thật đáng lưu tâm vì những điệu bộ rất nhỏ này không thể do cố ý tạo nên được.
Tạo sự hòa hợp
Các cuộc nghiên cứu về hành vi ngôn ngữ cơ thể đồng bộ cho thấy những người có cùng cảm xúc, suy nghĩ hay mối quan hệ tốt đẹp nào đó cũng sẽ có những biểu hiện và ngôn ngữ cơ thể tương hợp với nhau. Nhu cầu “đồng bộ” để gắn kết với người khác bắt đầu từ rất sớm trong dạ con, khi các cơ quan trong cơ thể và nhịp tim của thai nhi hòa hợp với nhịp tim của người mẹ, vì thế bắt chước là hành vi bẩm sinh.
Trong giai đoạn đầu quá trình tìm hiểu, một cặp nam nữ thường biểu lộ những động tác đồng bộ như thể đang khiêu vũ. Ví dụ, khi người phụ nữ đưa thức ăn vào miệng thì người đàn ông lau sạch khóe miệng; hoặc anh ta bắt đầu một câu thì cô ta tiếp lời. Khi cô ta bị căng thẳng trước thời kỳ hành kinh thì anh ta trở nên thèm socola; và khi cô ta cảm thấy đầy bụng thì anh ta đánh rắm.
Việc bắt chước ngôn ngữ cơ thể và dáng vẻ của người khác cho thấy một vẻ ngoài đồng nhất và không để cho người này lấn át người kia.
Khi một người nói “chung nhịp đập” hoặc “cảm thấy hợp gu” lúc ở gần người khác thì họ không hề biết là mình đang nói đến sự bắt chước và cách cư xử đồng bộ. Ví dụ, tại nhà hàng, người ta có thể không muốn ăn hoặc uống một mình vì sợ mình khác người. Khi gọi món, có thể mỗi người sẽ bắt chước những người khác bằng cách hỏi: “Anh sẽ ăn gì?” Đây là một trong những lý do tại sao nhạc nền thường ngân lên trong một cuộc hẹn hò lại vô cùng hiệu quả, nhạc làm cho cặp nam nữ hòa hợp với nhau.
Bắt chước ở cấp độ tế bào
Bác sĩ phẫu thuật tìm người Mỹ Memhet Oz kể lại một số phát hiện đáng chú ý về những người được ghép. Ông nhận thấy giống như đa số các cơ quan khác, tim dường như lưu lại các hồi ức tế nào, điều này khiến một số người được ghép tim thừa hưởng một vài cảm xúc của người hiến tặng tim. Đáng chú ý hơn, ông đã phát hiện một số người được ghép tim thậm chí còn thực hiện những điệu bộ và tư thế giống như người hiến tặng tim đã từng làm, cho dù họ chưa bao giờ nhìn thấy người đó. Ông kết luận rằng dường như các tế bào tim chỉ dẫn não người nhận thực hiện các ngôn ngữ cơ thể của người hiến tặng. Tuy nhiên, những người mắc các bệnh rối loạn thần kinh như bệnh tự kỷ thì không có khả năng bắt chước hay hòa hợp với cách cư xử của những người khác, khiến họ giao tiếp khó khăn. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với những người say rượu, do các điệu bộ của họ không khớp với lời nói nên họ không thể bắt chước.
Do hiện tượng nhân quả, nếu bạn cố ý giả tạo điệu bộ ngôn ngữ cơ thể nào đó thì bạn sẽ bắt đầu trải qua những cảm xúc liên quan đến điệu bộ đó. Ví dụ, nếu bạn thấy tự tin thì tự nhiên bạn sẽ làm điệu bộ chắp tay hình tháp chuông để thể hiện nó, nhưng nếu bạn cố ý thực hiện điệu bộ này thì không những bạn sẽ bắt đầu thấy tự tin hơn, mà người khác cũng cảm nhận như vậy. Lúc đó, điệu bộ này trở thành một phương cách hữu hiệu để tạo mối quan hệ với những người khác bằng cách cố ý hòa hợp với ngôn ngữ cơ thể và tư thế của họ.
Những điểm khác nhau của việc bắt chước giữa đàn ông và phụ nữ
Geoffrey Beattie thuộc trường Đại học Manchester đã phát hiện rằng theo bản năng, tỷ lệ một người phụ nữ bắt chước người phụ nữ khác so với một người đàn ông bắt chước một người đàn ông khác là 4:1. Ngoài ra, ông cũng phát hiện rằng phụ nữ còn bắt chước ngôn ngữ cơ thể của đàn ông nhưng đàn ông ít khi bắt chước các điệu bộ hay tư thế của một người phụ nữ - trừ phi người đàn ông đó đang theo tán tỉnh họ.
Khi một người phụ nữ nói rằng cô ta có thể “biết” ai đó không đồng tình với ý kiến của cả nhóm, điều đó có nghĩa là cô ta “đang nhìn thấy” điểm bất đồng. Cô ấy nhận thấy rằng ngôn ngữ cơ thể của ai đó không hòa hợp với với ý kiến của nhóm và họ biểu lộ sự bất đồng bằng cách không bắt chước ngôn ngữ cơ thể của nhóm. Cách phụ nữ “nhìn thấy” sự bất đồng, thái độ giận dữ, lời nói dối và thậm chí là cảm giác bị tổn thương luôn là điều khiến cho hầu hết đàn ông phải kinh ngạc. Đó là vì não bộ của phần lớn đàn ông không trang bị khả năng đọc được các phản ứng tinh tế trong ngôn ngữ cơ thể của người khác hay không nhận biết được những điểm không nhất quán của hành vi bắt chước.
Như chúng tôi đã nói trong cuốn sách Why Men don’t Listen & Women can’t Read Maps (Nhà xuất bản Orion), não bộ của đàn ông và phụ nữ được lập trình khác nhau để diễn tả cảm xúc thông qua nét mặt và ngôn ngữ cơ thể. Điển hình, một phụ nữ có thể thực hiện trung bình 6 biểu hiện chính trên khuôn mặt trong một khoảng thời gian nghe là 10 giây để phản ánh và phản hồi cảm xúc của người nói. Gương mặt của cô ấy sẽ bắt chước diễn biến cảm xúc của họ. Đứng về phía người quan sát, sự việc nào được hai người phụ nữ thảo luận thì trông cứ như thể là nó đang xảy ra với cả hai người họ vậy!
Người phụ nữ nhận biết được ý nghĩa của những điều đang được nghe thông qua giọng điệu và trạng thái cảm xúc mà người nói biểu lộ bằng ngôn ngữ cơ thể. Đây chính là điều người đàn ông cần làm nếu muốn thu hút sự chú ý, duy trì sự quan tâm của người phụ nữ và khiến cô ấy lắng nghe anh ta. Đa số đàn ông đều ngán ngẩm việc phải bắt chước nét mặt của người đối diện trong lúc đang lắng nghe, nhưng nó sẽ mang hiệu quả cao cho người nào thực hành giỏi.
Một số đàn ông phân bua rằng: “Cô ta sẽ nghĩ tôi có tính như đàn bà!”, nhưng các cuộc nghiên cứu về những phương pháp này cho thấy khi một người đàn ông bắt chước các biểu hiện trên khuôn mặt của phụ nữ lúc cô ta nói chuyện thì cô ta sẽ cho rằng người đàn ông đó biết quan tâm, chu đáo, thông minh, thú vị và quyến rũ.
Tuy vậy, đàn ông chỉ có thể thực hiện được chưa tới 1/3 các biểu hiện trên khuôn mặt như một người phụ nữ có thể làm. Đàn ông thường giữ mặt lạnh, nhất là ở nơi công cộng. Điều này xuất phát từ yêu cầu kìm nén cảm xúc nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ những người lạ trong quá trình tiến hóa và ra vẻ kiểm soát được tình cảm của mình. Đây là lý do giải thích tại sao đa số đàn ông trông như các pho tượng khi họ đang lắng nghe.
Chiếc mặt nạ “vô cảm” mà đàn ông mang trong khi đang lắng nghe cho phép họ có cảm giác kiểm soát được tình hình, nhưng đó không có nghĩa là đàn ông không có cảm xúc. Việc chụp cắt lớp não cho thấy, đàn ông vẫn phát sinh cảm xúc như phụ nữ, chỉ có điều họ tránh biểu lộ cảm xúc một cách công khai.
Vậy bạn nên làm gì nếu bạn là nữ?
Vấn đề then chốt trong việc bắt chước cách cư xử của người đàn ông là phải hiểu rằng đàn ông không sử dụng khuôn mặt để bày tỏ thái độ mà sử dụng cơ thể. Đa số phụ nữ cảm thấy khó bắt chước điệu bộ người đàn ông có khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc. Thực ra, đối với nam giới, việc phụ nữ bắt chước họ không cần thiết. Nếu bạn là nữ, bạn chỉ cần hạn chế các biểu hiện khuôn mặt, tránh tạo ra ấn tượng là bạn đang áp đảo hay dọa dẫm. Quan trọng nhất là đừng bắt chước những điều mà bạn nghĩ là người đó có thể đang nghĩ đến. Nếu bạn hiểu sai thì đây có thể là một tai họa và bạn sẽ bị cho là “ngớ ngẩn” hoặc “đãng trí”. Trong công việc, những người phụ nữ nào lắng nghe với vẻ mặt nghiêm nghị được đàn ông đánh giá là thông minh, sắc sảo và sáng suốt hơn.
Khi nào đàn ông và phụ nữ bắt đầu trông giống nhau?
Khi hai người chung sống với nhau trong một thời gian dài và có mối quan hệ tốt đẹp thì họ sẽ dần trông giống nhau. Đó là vì họ liên tục bắt chước các biểu hiện trên khuôn mặt của nhau, về lâu dài, điều này tạo nên các đường nét rõ ràng của cơ trên những vùng mặt giống nhau. Ngay cả những cặp vợ chống có gương mặt không giống nhau trông cũng hao hao giống nhau khi chụp ảnh bởi vì họ có cùng một nụ cười.
Vào năm 2000, tiến sĩ tâm lý học John Gottman thuộc trường Đại học Washington, thành phố Seattle và các cộng sự đã phát hiện rằng khi người vợ hoặc chồng chẳng những không bắt chước các biểu hiện hạnh phúc của người kia mà lại có những biểu hiện khinh miệt thì cuộc hôn nhân nhiều khả năng thất bại. Trong trường hợp này, biểu hiện trái ngược của người vợ hoặc chồng sẽ ảnh hưởng đến nửa kia đang mỉm cười, cho dù người đó không nhận biết được điều gì đang xảy ra.
Chúng ta có trông giống vật cưng của mình không?
Bạn cũng có thể nhìn thấy việc bắt chước xảy ra ở các vật cưng mà người ta chọn nuôi. Dù có ý thức hay không thì thực tế là chúng ta tự nhiên có khuynh hướng yêu thích những vật cưng giống chúng ta hoặc có vẻ như phản ánh thái độ của chúng ta hơn.
Để chứng minh điểm này, chúng ta hãy xem vài ví dụ sau đây:
Chúng ta chọn vật cưng giống chúng ta, đúng không nào?
Thấy là bắt chước
Lần tới, khi bạn tham gia vào một sự kiện xã hội hoặc đi đến nơi mọi người gặp gỡ và giao thiệp với nhau, hãy chú ý tới số người làm điệu bộ và tư thế giống với những người mà họ tiếp xúc. Bắt chước là cách người này nói với người kia biết rằng họ tán đồng ý kiến và quan điểm của người kia mà không cần phải mở lời kiểu như: “Như anh thấy đấy, tôi cũng nghĩ như anh.” Người có địa vị cao nhất thường ra động tác trước, còn những người khác thì bắt chước theo, và việc này thường thực hiện theo đúng tôn ti trật tự.
Suy nghĩ giống nhau.
Lấy ví dụ hai người đàn ông đang đứng tại quầy rượu trong hình minh họa ở trên. Họ đang bắt chước điệu bộ nhau, cho nên có thể khẳng định cả hai có chung những suy nghĩ và cảm xúc về chủ đề đang thảo luận. Nếu một người sử dụng điệu bộ đánh giá hoặc đứng trên một chân thì người kia sẽ bắt chước theo. Người này đút tay vào túi quần thì người kia cũng lặp lại. Một khi cả hai còn thống nhất ý kiến với nhau thì việc bắt chước sẽ vẫn tiếp tục.
Hành vi bắt chước xảy ra giữa bạn bè hoặc những người có cùng địa vị. Chúng ta thường thấy các cặp vợ chồng đi, đứng, ngồi và cử động theo các cách thức giống nhau. Albert Scheflen cũng phát hiện rằng những người không quen biết nhau thường cố tránh các tư thế bắt chước.
Ngay cả khi Tổng thống Bush và Tổng thống Chirac bất đồng ý kiến, họ vẫn thường bắt chước nhau. Điều này cho thấy họ tôn trọng nhau.
Hòa hợp giọng nói
Ngữ điệu, âm điệu lên xuống, tốc độ nói và thậm chí là giọng nói cũng bị đồng bộ hóa trong quá trình bắt chước để hình thành thêm những thái độ chung và xây dựng mối quan hệ. Điều này được gọi là “hòa nhịp”, nó gần như thể là hai người đang hát cùng nhịp. Bạn sẽ nhìn thấy người nói đánh tay theo nhịp trong khi người nghe gật đầu theo nhịp. Theo thời gian, khi mối quan hệ dần phát triển thì việc bắt chước các tư thế ngôn ngữ cơ thể chính sẽ ít dần đi, bởi vì mỗi người đã bắt đầu đoán trước được thái độ của người kia. Khi đó, việc hòa nhịp giọng với người kia trở thành phương tiện chính giúp duy trì mối quan hệ/
Đừng bao giờ nói với tốc độ nhanh hơn người kia. Các cuộc nghiên cứu cho thấy, người khác cảm thấy “căng thẳng” khi một người nào đó nói nhanh hơn họ. Tốc độ nói của một người cho biết tốc độ phân tích thông tin một cách có ý thức của bộ não người đó. Hãy nói cũng tốc độ hoặc hơi chậm hơn người kia, đồng thời bắt chước âm điệu lên xuống và ngữ điệu của họ. Việc hòa nhịp rất quan trọng trong trường hợp cuộc hẹn được sắp xếp bằng điện thoại, bởi lúc này, giọng nói là phương tiện giao tiếp duy nhất của bạn.
Chủ ý tạo mối quan hệ
Ý nghĩa của hành vi bắt chước là một trong những bài học về ngôn ngữ cơ thể quan trọng nhất mà bạn có thể học được, bởi đó rõ ràng là cách người khác nói cho chúng ta biết rằng họ đồng ý với chúng ta hay họ thích chúng ta. Tương tự, chúng ta bắt chước để người khác biết rằng chúng ta có cảm tình với họ.
Bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác để đạt được sự chấp thuận.
Nếu một nhà lãnh đạo muốn phát triển mối quan hệ và tạo ra không khí thoải mái với một nhân viên đang lo lắng, thì ông ta có thể bắt chước tư thế của nhân viên đó. Tương tự, chúng ta có thể thấy một nhân viên đầy triển vọng bắt chước các điệu bộ của cấp trên, nhằm thể hiện sự đồng tình của mình khi sếp đưa ra ý kiến. Hiểu được điều này, chúng ta có thể gây ảnh hưởng tới người khác bằng cách bắt chước các điệu bộ và tư thế tích cực của họ. Điều này tạo ra tâm lý thoải mái cho đối phương và giúp họ dễ tiếp thu khi nói chuyện, bởi vì họ có thể “nhận thấy” rằng bạn hiểu quan điểm của họ.
Tuy nhiên, trước khi bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác, bạn phải xem xét mối quan hệ của bạn với người đó. Lấy ví dụ, một nhân viên cấp dưới trong công ty yêu cầu được tăng lương và được gọi vào phòng giám đốc. Khi nhân viên đó bước vào phòng, vị giám đốc bảo anh ta ngồi xuống rồi ông ta làm điệu bộ hình cái ná cùng với điệu bộ bắt chân chữ ngũ, thể hiện thái độ thống trị. Nếu nhân viên cấp dưới bắt chước tư thế đầy quyền uy của vị giám đốc khi đang thỏa thuận vấn đề tăng lương thì chuyện gì sẽ xảy ra đây?
Sếp sẽ cảm thấy hành động bắt chước của nhân viên cấp dưới là ngạo mạn.
Dù cho cách nói chuyện của nhân viên đó vẫn ở chừng mực phản ánh địa vị thấp hơn nhưng vị giám đốc sẽ cảm thấy bị xúc phạm bởi tư thế của nhân viên đó và công việc của anh ta có thể bị lâm nguy. Ngoài ra, bắt chước còn có tác dụng đe dọa hoặc tước vũ khí lớp người “cấp cao hơn” đang cố giành quyền kiểm soát. Kế toán, luật sư và giám đốc rất hay sử dụng các cụm điệu bộ kiểu bề trên khi đứng trước cấp dưới. Bằng cách bắt chước, bạn có thể làm cho những người này lúng túng và buộc họ phải đổi tư thế. Nhưng đừng bao giờ làm như thể với sếp của bạn!
Họ có cùng tư thế, ngôn ngữ cơ thể và khoảng cách gần giữa họ cho thấy họ là bạn bè, sắp sửa bàn công việc làm ăn với cùng mục tiêu.
Ai bắt chước ai?
Các nghiên cứu cho thấy khi người trưởng nhóm làm các điệu bộ và tư thế nào đó thì các thành viên sẽ bắt chước, thường thì việc này xảy ra theo đúng tôn ti trật tự. Những người lãnh đạo trong một nhóm cũng có khuynh hướng bước vào cửa trước nhất và chọn ngồi ở đầu ghế sofa, đầu bàn hoặc đầu băng ghế dài hơn là ngồi ở giữa. Khi một nhóm các quan chức điều hành bước vào một căn phòng thì người có địa vị cao nhất thường dẫn đầu. Khi những người này ngồi trong phòng họp thì người lãnh đạo cao nhất thường ngồi trong phòng họp thì người lãnh đạo cao nhất thường ngồi đầu bàn, cách xa cửa ra vào nhất. Nếu người này ngồi ở tư thế hình cái ná thì có khả năng các nhân viên cấp dưới sẽ bắt chước theo, tùy vào trật tự vị trí của họ trong nhóm đó. Bạn có thể thấy điều này trong một cuộc họp, lúc người ta “đứng về phía” của người khác bằng cách bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người đó. Điều này sẽ mách bảo cho bạn biết ai sẽ bỏ phiếu tán thành và bỏ phiếu chống lại bạn.
Bắt chước là một chiến thuật hay nếu bạn là thành viên của nhóm thuyết trình. Hãy quyết định trước, để khi người phát biểu của nhóm thực hiện một điệu bộ hoặc tư thế nào đó trong lúc đang thuyết trình thì tất cả các thành viên sẽ bắt chước theo. Điều này không những mang lại cho nhóm của bạn vẻ liên kết chặt chẽ, mà còn có thể làm cho các đối thủ cực kỳ lo ngại, bán tin bán nghi về điều gì đó đang xảy ra, cho dù họ không biết đó là cái gì.
Có thể Bill Clinton là người đàn ông quyền lực nhất thế giới nhưng khi Hillary làm điệu bộ nào đó thì ông ta đều bắt chước, và khi họ đi với nhau tay trong tay thì bà thường đi trước.
Khi trình bày ý tưởng, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ cho các cặp vợ chồng, việc ai mà bắt chước ai tiết lộ quyền hành hoặc khả năng đưa ra quyết định sau cùng thuộc về ai. Nếu người phụ nữ cử động trước, cho dù những cử chỉ đó nhỏ nhặt như thế nào đi nữa, ví dụ như bắt chéo chân, bẻ ngón tay hoặc sử dụng một cụm điệu bộ đánh giá chỉ trích và người đàn ông bắt chước theo thì việc yêu cầu anh ta quyết định là vô ích. Anh ta không có quyền quyết định!
Bước đều, Thái tử Charles đi đầu, Camilla đi sau một chút. Sau khi cuộc xung đột Irắc nổ ra vào năm 2003, Thủ tướng Anh Tony Blair bắt đầu bắt chước điệu bộ ngón cái thọc vào dây thắt lưng của Tổng thống Mỹ George Bush.
Tóm tắt
Bắt chước ngôn ngữ cơ thể của một ai đó làm cho người đó cảm thấy họ được chấp nhận và tạo ra mối quan hệ. Đó là một hiện tượng xảy ra tự nhiên giữa bạn bè và những người có cùng địa vị. Ngược lại, chúng ta phải thận trọng, không bắt chước những người chúng ta không thích hoặc những người lạ, chẳng hạn những người cho chúng ta đi nhờ xe hoặc đứng xếp hàng tại rạp chiếu phim.
Bắt chước ngôn ngữ cơ thể và lối nói của người khác là một trong những phương cách hiệu quả nhất để xây dựng nhanh mối quan hệ. Với người mới quen, hãy bắt chước chỗ ngồi, tư thế, góc độ cơ thể, các điệu bộ, các biểu hiện và giọng nói của họ. Chẳng bao lâu sau, họ sẽ bắt đầu cảm thấy thích điều gì đó ở bạn, sẽ cho là bạn “dễ gần” vì họ thấy bản thân họ được phản ánh trong bạn. Tuy nhiên, có một lời cảnh báo là đừng làm điều đó quá sớm khi gặp gỡ người lạ, bởi vì nhiều người đã nhận biết được các chiến thuật bắt chước kể từ khi cuốn sách Ngôn ngữ cơ thể đầu tiên của chúng tôi được xuất bản cũng như hơn 100 triệu người đã xem loạt chương trình truyền hình nhiều kỳ sau đó. Khi người nào đó thực hiện một tư thế, bạn có một trọng ba lựa chọn: phớt lờ đi, làm việc khác hoặc bắt chước tư thế đó. Bắt chước mang lại nhiều lợi ích hơn, nhưng đừng bao giờ bắt chước các dấu hiệu tiêu cực của người khác.