Ngôn Ngữ Cơ Thể - Body Language

Chương 11: 13 Điệu Bộ Phổ Biến Nhất Mà Bạn Nhìn Thấy Mỗi Ngày

 

Cụm điệu bộ của đàn ông nơi làm việc mà phụ nữ thấy khó chịu nhất

 

Người ta hiếm khi ý thức được tác động của những động tác tưởng chừng như đơn giản mà họ làm. Ví dụ, khi một người ôm một người khác thì phần lớn những người quan sát thầm cho rằng vỗ lưng vào cuối lúc ôm là cử chỉ trìu mến, hay hôn gió – âm thanh tạo ra ở một bên má của một ai đó – cũng mang ý nghĩa tương tự. Thật ra thì vỗ lưng là cách các tay vật chuyên nghiệp sử dụng để ra hiệu đối thủ ngừng ôm nhằm tháo gỡ cái ôm chặt ra. Nếu bạn thật sự không thích ôm ai đó nhưng buộc phải ôm vì họ ôm bạn trước thì rất có thể bạn sẽ bắt đầu động tác vỗ lưng trước cả khi ôm. Tương tự, hôn gió – với âm thanh kèm theo – được xem là điệu bộ thay thế khi chúng ta không muốn hôn thật sự.

Đa số mọi người sử dụng điệu bộ vỗ vai để tháo gỡ cái ôm chặt, những người ôm nhau thân tình thường ôm rất chặt. Khi cô ấy đang ôm chặt, thì ông ta vỗ nhẹ vai thật nhanh.

 

Chương này bàn về một số điệu bộ dùng đầu và các cụm ngôn ngữ cơ thể phổ biến mà bạn có thể nhìn thấy trong quan hệ giao tiếp hàng ngày.

Gật đầu

Trong hầu hết các nền văn hóa, gật đầu được dùng để tỏ ý “phải” hoặc đồng ý. Gật đầu là điệu bộ cúi chào chưa hoàn tất – theo nghĩa tượng trưng thì người đó đang cúi đầu chào nhưng khựng lại, và dẫn đến động tác gật. Cúi đầu chào là điệu bộ biểu thị sự phục tùng, vì thế cái gật đầu cho thấy chúng ta có cùng quan điểm với người đối diện. Các nghiên cứu được tiến hành với những người bị câm, khiếm thính và khiếm thị bẩm sinh cho thấy họ cũng sử dụng điệu bộ này để tỏ ý “phải”, vì vậy đâu có vẻ là một điệu bộ bẩm sinh.

Ở Ấn Độ, động tác lắc lư đầu được dùng để tỏ ý “phải”. Điệu bộ này gây nhầm lẫn cho người phương Tây và châu Âu, bởi với họ, điệu bộ này mang nghĩa “Có thể phải, có thể không”. Nó giống với điệu bộ gật đầu ở Nhật mà chúng tôi đã nói, gật đầu không nhất thiết phải là “Vâng, tôi đồng ý” mà thường có nghĩa là “Vâng, tôi nghe đây”.

Gật đầu có nguồn gốc từ động tác cúi chào để tỏ ý phục tùng.

Các nước thuộc khối Ả-rập sử dụng động tác hất đầu lên một lần với ý nghĩa là “không phải”, nhưng với người Bungari, điệu bộ này lại mang ý “phải”.

Lý do tại sao bạn nên học gật đầu

Đa số mọi người đều chưa từng biết gật đầu có tác dụng thuyết phục. Các cuộc nghiên cứu cho thấy, người ta sẽ nói chuyện nhiều hơn gấp 3, 4 lần so với bình thường khi người nghe gật đầu 3 cái đều đặn giữa các quãng nói. Tốc độ gật đầu báo hiệu sự kiên nhẫn hoặc sốt ruột của người nghe. Gật đầu nhè nhẹ thể hiện sự quan tâm của người nghe tới người nói, vì vậy bạn hãy gật đầu theo cụm 3 cái gật chậm rãi, thong thả khi người kia đang nghe ý kiến. Gật đầu nhanh để người nói biết rằng bạn đã nghe đủ và muốn họ dừng lại hay đến lượt bạn nói rồi.

Cách để khích lệ sự đồng tình

Động tác gật đầu có tác động hai chiều. Ngôn ngữ cơ thể là một dạng phản ánh vô thức những cảm xúc bên trong ra bên ngoài, vì thế nếu bạn cảm thấy tích cực hoặc không đồng ý, thì đầu của bạn sẽ bắt đầu gật khi bạn nói. Ngược lại, khi bạn cố ý gật đầu thì bạn sẽ bắt đầu phát sinh những cảm xúc tích cực. Nói cách khác, những cảm xúc tích cực khiến ta gật đầu và ngược lại, gật đầu tạo ra những cảm xúc tích cực. Đây chính là mối quan hệ nhân quả.

Động tác gật đầu rất dễ lan truyền từ người này sang người khác. Nếu ai đó gật đầu với bạn, thường thì bạn cũng sẽ gật đầu đáp lại – cho dù không hẳn bạn đồng ý với những gì họ nói. Gật đầu là phương cách tuyệt vời để xây dựng mối quan hệ, tranh thủ sự đồng tình và hợp tác. Bằng cách kết thúc mỗi câu bằng điệu bộ gật đầu như lời xác nhận “Phải vậy không?”. “Phải thế không bạn?”. “Có đúng thế không?” hay “Đúng chứ?” và cả người nghe cùng người nói đều gật đầu, người nghe sẽ có những cảm xúc tích cực cũng như dễ đồng ý với bạn hơn.

Gật đầu khích lệ sự hợp tác và đồng ý.

Sau khi đặt câu hỏi, bạn hãy gật đầu trong lúc người đó trả lời. Khi người đó nói xong, bạn hãy tiếp tục gật đầu thêm 5 lần nữa với tốc độ khoảng mỗi giây 1 cái. Thông thường, trước lúc bạn gật đến cái thứ 4 thì người nghe sẽ bắt đầu nói tiếp và cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn. Ở tư thế gật đầu, giữ im lặng, tay chống cằm suy ngẫm (tư thế đánh giá), trông bạn không có vẻ sắp tra hỏi hay phản bác. Khi bạn lắng nghe, hãy đưa tay lên cằm và vuốt nhẹ cằm bởi vì như đã nói trước đây, các nghiên cứu cho thấy điệu bộ này có tác dụng khích lệ người khác tiếp tục nói.

Lắc đầu

Các nghiên cứu cho biết lắc đầu với nghĩa “không phải” có thể là một động tác bẩm sinh. Các nhà sinh học nghiên cứu về quá trình tiến hóa tin rằng đó là điệu bộ đầu tiên mà con người biết được. Lý do vì khi một đứa trẻ sơ sinh bú no sữa, nó lắc đầu từ bên này sang bên kia để từ chối vú mẹ. Tương tự, trẻ con ăn no cũng dùng điệu bộ lắc đầu để tránh bị cố đút cho ăn.

Lắc đầu xuất phát từ hành động bú vú mẹ.

Khi một ai đó ra sức thuyết phục bạn, hãy xem họ có lắc đầu khi đang xác nhận điều gì hay không. Khi người nào đó nói “Tôi hiểu ý của anh”, “Nghe có vẻ được đấy”, hoặc “Nhất định chúng ta sẽ làm ăn với nhau” mà đầu của họ lắc lư từ bên này sang bên kia thì điệu bộ này thể hiện thái độ tiêu cực dù lời nói đó có thuyết phục đến thế nào đi chăng nữa, lúc này bạn có quyền nghi ngờ lời nói đó!

Không có phụ nữ nào tin vào một người đàn ông khi họ nói: “Anh yêu em” trong lúc vừa nói vừa lắc đầu. Khi Bill Clinton thốt ra câu nói nổi tiếng: “Tôi không có quan hệ tình dục với người phụ nữ đó” lúc bị điều tra về vụ Monica Lewinsky, ông ta đã không hề sử dụng điệu bộ lắc đầu! (Cần lưu ý tính chất phủ định của câu nói này. Ý tác giả là lẽ ra ông Bill Clinton phải lắc đầu nếu ông ta trung thực.)

Các tư thế dùng đầu cơ bản

1. Ngước đầu lên

Tư thế đầu trung lập.

Có ba tư thế dùng đầu cơ bản. Thứ nhất là điệu bộ ngước đầu lên. Người thực hiện có thái độ trung lập với những điều đang được nghe. Đầu vẫn giữ yên, cuộc trò chuyện chỉ đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cái gật đầu nhè nhẹ. Các điệu bộ đánh giá bằng tay và má thường được sử dụng kết hợp với tư thế này.

Đầu nâng cao và cằm hất về phía trước biểu hiện sự nổi trội, không sợ hãi hoặc ngạo mạn. Người thực hiện điệu bộ này cố ý để lộ cổ họng, làm tăng thêm chiều cao, cho phép họ “xem thường” bạn. Cằm bạnh ra là kết quả của mức testosteron trong cơ thể cao, do vậy, điệu bộ hất cằm được liên tưởng tới quyền lực và sự hung hăng.

Margaret Thatcher dùng điệu bộ hất cằm ngang ngạnh

2. Nghiêng đầu

Điệu bộ nghiêng đầu để lộ cái cổ dễ bị tổn thương, làm cho người đó trông có vẻ nhỏ bé hơn và phục tùng.

Nghiêng đầu sang một bên là dấu hiệu của sự phục tùng bởi điệu bộ này để lộ cổ họng và cổ khiến người thực hiện trông có vẻ nhỏ bé và ít gây đe dọa. Nghiêng đầu có thể xuất phát từ điệu bộ ngả đầu vào vai hay ngực mẹ của đứa trẻ, là hành động mà đa số mọi người, nhất là phụ nữ, đều hiểu được ý nghĩa.

Charles Darwin là một trong những người đầu tiên nhận thấy cả con người lẫn con vật – đặc biệt là loài chó – đều nghiêng đầu sang một bên khi quan tâm đến thứ gì đó. Phụ nữ sẽ dùng điệu bộ này để thể hiện sự quan tâm với những người đàn ông họ thích, vì một người phụ nữ không gây nguy hiểm và tỏ ra phục tùng có vẻ quyến rũ đối với hầu hết đàn ông.

Nghiên cứu hình ảnh phụ nữ được phác họa trong các bức vẽ từ 2000 năm qua lẫn trong những mẩu quảng cáo cho thấy nữ giới thường xuyên nghiêng đầu nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Điều này cho thấy trong tiềm thức, đa số mọi người đều ngầm hiểu rằng việc phô bày phần cổ biểu lộ sự phục tùng. Do vậy, khi đàm phán kinh doanh với đàn ông, người phụ nữ nên thường xuyên ngẩng đầu lên.

Đa số mọi người đều ngầm hiểu được ý nghĩa của việc nghiêng đầu để lộ cái cổ dễ bị tổn thương.

Nếu bạn đang thuyết trình hoặc phát biểu, hãy chú ý tìm điệu bộ này trong số các thính giả của bạn. Khi cử tọa nghiêng đầu và cúi về phía trước, dùng điệu bộ đánh giá tay chống cằm, điều đó có nghĩa là họ đã hiểu được ý bạn. Khi bạn lắng nghe người khác nói, hãy dùng điệu bộ nghiêng đầu và gật đầu, đối phương sẽ dần tin tưởng bạn bởi bạn không có vẻ đe dọa.

3. Cúi đầu xuống

Cúi đầu xuống tỏ ý không tán thành hoặc chán nản.

 

Cằm xúi xuống báo hiệu thái độ tiêu cực, xét đoán hoặc gây hấn. Đi kèm với điệu bộ này thường là các cụm điệu bộ đánh giá chỉ trích, và bạn vẫn có thể gặp rắc rối chừng nào đầu của người đó chưa ngẩng lên hoặc nghiêng sang một bên. Những diễn giả và các huấn luyện viên chuyên nghiệp thường phải đương đầu với những thính giả ngồi cúi đầu xuống và tay khoanh trước ngực.

Trước khi bắt đầu thuyết trình, các diễn giả và người dẫn chương trình có kinh nghiệm sẽ áp dụng các biện pháp để đưa thính giả của họ nhập cuộc. Việc này nhằm làm cho thính giả ngước đầu lên và tham gia vào cuộc nói chuyện. Nếu chiến thuật của nó thành công thì tư thế kế tiếp của thính giả sẽ là nghiêng đầu.

Người Anh có một điệu bộ chào hỏi kỳ lạ được gọi là quay đầu, bao gồm việc cúi đầu xuống đồng thời quay đầu sang một bên. Điệu bộ này có từ thời Trung cổ, khi những người đàn ông ngả mũ để chào. Về sau nó phát triển thành điệu bộ cúi đầu và chạm tay vào nón, ngày nay điệu bộ quay đầu hay đơn giản chỉ là vỗ nhẹ vào trán khi gặp ai đó.

So vai rụt cổ

Điệu bộ thụt cổ - dang cổ làm ra vẻ nhỏ bé hơn để không làm phật lòng người khác.

Hành động nâng vai lên và rụt đầu xuống giữa hai vai giúp một người bảo vệ cổ và cổ hòng không bị thương tổn. Người ta thường thực hiện cụm điệu bộ này khi nghe thấy tiếng động lớn đằng sau hoặc khi họ nghĩ một vật gì đó sắp rơi trúng mình. Trong ngữ cảnh cá nhân hoặc kinh doanh, điệu bộ này hàm ý xin lỗi và mang tính quy phục, nó làm giảm giá trị của bất kỳ cuộc gặp nào, nơi mà bạn đang cố làm ra vẻ tự tin.

Khi ai đó đi ngang qua một nhóm người đang nói chuyện, chiêm ngưỡng cảnh vật hoặc đang lắng nghe điều gì đó thì người này cúi đầu xuống, thu vai vào, cố làm ra vẻ nhỏ bé và kém quan trọng hơn. Người ta gọi đây là điệu bộ thụt cổ lại. Nó hay được các nhân viên cấp dưới sử dụng khi họ tiếp xúc với cấp trên đồng thời nó cũng tiết lộ địa vị và quyền lực giữa các cá nhân.

Điệu bộ vờ bị che mắt

Người vờ bị che mắt giấu giếm một ý kiến nào đó và không thích nói ra.

Khi một người nào đó không tán thành ý kiến hay thái độ của người khác nhưng lại không muốn nói ra, có khả năng họ sẽ thực hiện các điệu bộ giấu giếm. Đó là những điệu bộ cơ thể hoàn toàn không có ác ý, chúng chỉ đơn thuần thể hiện sự bảo lưu quan điểm của người thực hiện. Vờ bị che mắt là một trong những điệu bộ như thế. Người sử dụng điệu bộ này thường nhìn xuống, hướng sang chỗ khác khi thực hiện hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt, không thích hợp này. Đây là cử chỉ thông thường bày tỏ thái độ không tán thành và chứng tỏ họ không thích những gì người kia đang nói, cho dù trông họ có vẻ đồng ý.

Hãy mở lòng bàn tay ra và hỏi: “Anh nghĩ sao?” hoặc “Tôi biết anh có vài ý tưởng về điều này. Xin cứ vui lòng nói cho tôi biết ý kiến của anh.” Sau đó, hãy ngồi thụt vào ghế, mở hai cánh tay ra, để lộ lòng bàn tay và chờ đợi câu trả lời. Nếu họ nói là đồng ý với bạn nhưng vẫn tiếp tục làm điệu bộ vờ bị che mắt, có thể bạn phải viện đến cách khai thác trực tiếp hơn để khám phá những luận điểm phản bác của họ.

Cách để thể hiện chúng ta sẵn sàng hành động

Để làm ra vẻ dũng mãnh hơn trong lúc đánh nhau hoặc khi theo đuổi tán tỉnh, loài chim xù lông, loài cá hút nước vào để tăng kích thước cơ thể, con mèo hoặc chó dựng đứng lông lên. Tuy nhiên, con người không có lông mà cũng chẳng có lớp da dày căng ra để trông có vẻ oai vệ hơn khi sợ hãi hoặc tức giận. Lúc kể về một bộ phim kinh dị, chúng ta thường nói: “Nó làm tôi dựng tóc gáy”; khi tức giận ai đó, chúng ta nói: “Anh ta làm tôi tức phát xù lông cổ lên” (Đây là các thành ngữ nguyên gốc tiếng Anh, xin được dịch tương đối sát nghĩa đen để giữ lại ý so sánh con người với các động vật kể trên -ND-); và khi ai đó làm chúng ta sửng sốt, họ có thể khiến chúng ta “nổi da gà”. Đây đều là những phản ứng cơ học của cơ thể, do các cơ cương dưới da gây ra khi chúng ta cố làm cho bản thân trông có vẻ lớn hơn bằng cách dựng đứng tấm da tưởng tượng. Tuy nhiên, con người đã sáng tạo một điệu bộ giúp họ có được vẻ ngoài trông oai vệ hơn, đó là điệu bộ chống nạnh.

Khuỷu tay giơ lên, khuỳnh ra cho thấy tư thế sẵn sàng để thống trị, khủyu tay ép sát vào và đầu nghiêng biểu thị sự phục tùng.

Điệu bộ chống nạnh được sử dụng khi trẻ con tranh cãi với cha, mẹ chúng; khi vận động viên hay võ sĩ quyền anh chờ đến lượt tranh tài; và khi những người đàn ông muốn đưa ra một lời thách thức trong trường hợp lãnh thổ bị xâm phạm. Mỗi lúc như vậy, người ta thường thực hiện điệu bộ tay chống nạnh như một thách thức trong trường hợp lãnh thổ bị xâm phạm. Mỗi lúc như vậy, người ta thường thực hiện điệu bộ tay chống nạnh như một cách chứng tỏ họ sẵn sàng hành động quyết liệt. Điệu bộ này cho phép họ chiếm nhiều không gian hơn, khuỷu tay nhọn được dùng như vũ khí đe dọa, ngăn người khác đến gần hoặc đi qua, cánh tay nâng lên lưng chừng cho thấy tư thế sẵn sàng tấn công. Đây là thế đứng của các chàng cao bồi trong trận đấu súng. Thực ra, chỉ một tay chống hông cũng đủ gửi đi thông điệp này, đặc biệt khi nó hướng về phía nạn nhân ngầm định. Điệu bộ này thường được sử dụng ở khắp mọi nơi. Ở Phillipines và Malaysia, điệu bộ này chưa đựng thông điệp mạnh mẽ hơn, chỉ sự tức giận hoặc xúc phạm.

Chống nạnh còn được gọi là điệu bộ “sẵn sàng”, nghĩa là người thực hiện sẵn sàng hành động quyết liệt. Điệu bộ này ngầm bộc lộ thái độ gây hấn. Ngoài ra, nó còn được gọi là thế đứng của người thành đạt,  gắn với hình ảnh của một người có định hướng mục tiêu khi hành động. Đàn ông thường sử dụng điệu bộ này lúc ở gần phụ nữ để thể hiện sự quyết đoán đầy nam tính của họ.

Điệu bộ chống nạnh khiến bạn trông có vẻ to lớn và gây chú ý hơn bởi bạn chiếm giữ nhiều không gian hơn.

Điều quan trọng là phải xem xét ngữ cảnh cũng như các động tác xuất hiện ngay trước tư thế chống nạnh để đánh giá chính xác thái độ của một người. Chẳng hạn, khi ai đó thực hiện tư thế gây gấn này thì nút áo khoác đó có được mở ra và áo bị đẩy ra sau hông hay được cài kín lại? Điệu bộ sẵn sàng với áo khoác cài nút bộc lộ thái độ chán nản. Trong khi đó, điệu bộ áo khoác không cài nút và đẩy ra sau biểu thị sự gây hấn, bởi vì người thực hiện điệu bộ đang phô bày phần phía trước, chứng tỏ họ không sợ hãi. Tư thế này còn được củng cố bằng điệu bộ hai chân dang rộng trên mặt đất hoặc thêm vào cái nắm tay siết chặt.

Các người mẫu sử dụng điệu bộ chống nhạnh để làm trang phục trông quyến rũ hơn.

Cụm điệu bộ chống nạnh này hay được các người mẫu chuyên nghiệp sử dụng nhằm tạo ấn tượng trang phục mà họ trình diễn dành cho người phụ nữ hiện đại, quyết đoán, luôn nhìn về phía trước. Thỉnh thoảng, điệu bộ này có thể được thực hiện với chỉ một tay chống hông, còn tay kia làm điệu bộ khác. Đây là điệu bộ thường được phụ nữ sử dụng khi muốn người khác chú ý đến họ. Cụm điệu bộ này sẽ đi kèm điệu bộ lắc hông làm nổi bật tỷ lệ hông-eo, thể hiện khả năng sinh sản của phụ nữ. Điệu bộ chống nạnh thường được cả đàn ông lẫn phụ nữ sử dụng trong thuật tán tỉnh để thu hút sự chú ý.

Tư thế cao bồi

Tư thế cao bồi – các ngón tay chỉ vào những gì anh ta muốn bạn chú ý đến.

Thọc ngón cái vào thắt lưng hoặc phần miệng túi quần, đóng khung vùng bộ phận sinh dục. Điệu bộ này chủ yếu được đàn ông sử dụng, thể hiện nhu cầu tình dục mạnh mẽ. Đó cũng là điệu bộ xuất hiện phổ biến trong các bộ phim cao bồi nhằm diễn tả sự hùng dũng của các gangsto mà khán giả yêu thích.

Nó còn được gọi đùa là điệu bộàn ông có ngón cái dài. Trong điệu bộ này, hai cánh tay ở tư thế sẵn sàng, còn hai bàn tay là vật chỉ thị chính làm nổi bật chạc chân. Đàn ông sử dụng điệu bộ này để đánh  dấu lãnh thổ của mình hoặc để cho kẻ khác biết rằng họ không sợ hãi. Loài tinh tinh cũng sử dụng điệu bộ này, chỉ có điều khác là chúng không có thắt lưng hay mặc quần!

Điệu bộ này nói cho người khác biết: “Tôi hùng dũng! Tôi có thể thống trị.” Đó là lý do tại sao đàn ông thường sử dụng điệu bộ này những khi họ lững thững tìm kiếm cơ hội. Bất cứ người đàn ông nào đứng nói chuyện với phụ nữ trong tư thế này – với con ngươi căng ra và một bàn chân chĩa về phía người phụ nữ - thì đều dễ bị đa số phụ nữ lật tẩy, vì họ vô tình tiết lộ cho người phụ nữ biết trong đầu họ đang nghĩ gì.

Đây chủ yếu là điệu bộ của người đàn ông, nhưng thỉnh thoảng cũng được phụ nữ mặc quần jean hay quần tây thực hiện. Khi mặc áo đầm hoặc váy, người phụ nữ tự tin về mặt tình dục thường thọc 1 hoặc cả hai ngón cái vào thắt lưng vào túi váy.

Phụ nữ tự tin về mặt tình dục

 

Gườm nhau

Hình minh họa bên dưới cho thấy hai người đàn ông đang gườm nhau, họ dùng điệu bộ đặc trưng tay chống nạnh và ngón cái thọc vào thắt lưng. Nếu bạn nhận ra là cả hai người đàn ông đều xoay nghiêng, hướng ra xa nhau và phần dưới của cơ thể trông có vẻ thoải mái thì bạn sẽ hoàn taonf có lý khi cho rằng họ chỉ đang gườm nhau thôi và ít có khả năng xảy ra đối đầu.

Có thể cuộc trò chuyện của họ nghe chừng thoải mái hoặc thân thiện nhưng bầu không khí dễ thở ấy sẽ không duy trì lâu nếu họ không ngưng làm điệu bộ chống nạnh để chuyển sang thực hiện các điệu bộ cởi mở hoặc nghiêng đầu.

Còn nếu hai người đàn ông này mặt đối mặt, bàn chân đứng vững trên mặt đất và hai chân dang rộng ra thì có thể giữa họ sắp xảy ra đánh nhau!

 

Cụm điệu bộ này cho thấy thái độ gây hấn.

 

Cho dù Adofl Hitler đã sử dụng điệu bộ chống nạnh để cố ra vẻ quyền uy trong các bức ảnh đưa ra trước công chúng, nhưng ông ta vẫn không thể bỏ điệu bộ bàn tay trái đặt ngang qua cơ thể nhằm che đậy việc ông ta chỉ có một tinh hoàn.

Các dấu hiệu mâu thuẫn: cánh tay phải đích thị biểu lộ sự gây hấn trong khi cánh tay trái cố bảo vệ phần cơ thể phía trước của ông ta.

Chân dang rộng

Đây gần như là điệu bộ của nam giới và cũng có thể thấy ở loài tinh tinh khi chúng đang cố chứng tỏ sức mạnh với đối phương. Thay vì mạo hiểm đánh nhau để bị thương, chúng dang chân ra và con nào dang rộng nhất được xem là mạnh nhất. Với đàn ông cũng vậy! Cho dù họ thường làm điệu bộ này một cách vô thức, nhưng nó vẫn chuyển tải một thông điệp rõ ràng. Nếu một người đàn ông dang chân ra thì những người khác thường bắt chước làm theo nhằm duy trì địa vị của họ. Khi một người đàn ông sử dụng nó trước mặt phụ nữ trong lúc bàn bạc công việc, nó sẽ gây bất lợi cho người phụ nữ vì họ không thể nào bắt chước làm theo.

Phụ nữ sẽ cảm thấy đe dọa nếu người đàn ông sử dụng điệu bộ dang chân ra trong các tình huống công việc.

Các cuộc họp được ghi hình cho thấy nhiều phụ nữ phản ứng lại điệu bộ này bằng cách khoanh tay và bắt chéo chên, điệu bộ bộc lộ tư thế phòng thủ. Lời khuyên dành cho đấng máy râu, đó là hãy khép đùi lại trong các buổi họp bàn công việc! Nếu bạn là một phụ nữ luôn phải đối mặt với người đàn ông hay phô bày chạc chân, đừng phản ứng khi anh ta làm điệu bộ này bởi điều đó đó chỉ có tác dụng xấu. Thay vì vậy, hãy thử nói chuyện về cái chạc chân của anh ta bằng các câu đáp trả như “Bob, chỗ đó thì anh có ý kiến hay đó” hay “Tôi có thể biết anh từ đâu đến” để dạy anh ta một bài học nhớ đời cũng như tạo ra trận cười giòn giã khi nó được sử dụng đúng lúc.

Chân gác lên thành ghế

Đây là tư thế chủ yếu được đàn ông thực hiện bởi nó cũng sử dụng điệu bộ dạng chân ra. Tư thế này không những ra hiệu quyền sở hữu cái ghế của người đàn ông đó, mà còn cho thấy anh ta có thái độ khiếm nhã và gây hấn.

Không lịch thiệp, thờ ơ và không quan tâm.

Chúng ta thường thấy khi nam giới cười đùa với nhau, họ ngồi ở tư thế này, nhưng hãy cùng xem xét tác động của nó trong các tình huống khác nhau. Lấy ví dụ một người nhân viên nọ gặp vấn đề riêng tư và hỏi xin lời khuyên của sếp. Trong lúc giãi bày, người nhân viên đó ngồi cúi người về phía trước, hai bàn tay đặt lên đầu gối, đầu cúi xuống với vẻ mặt buồn bã, hạ thấp giọng. Vị sếp lắng nghe trong im lặng, sau đó ngả ra sau ghế và gác một chân lên thành ghế. Thái độ của sếp lúc này đã đổi sang không chú ý hoặc thờ ơ. Nói cách khác, ông ta gần như không quan tâm đến nhân viên đó hay vấn đề của anh ta, thậm chí ông ta có thể cảm thấy thời gian của mình bị lãng phí vì “câu chuyện cũ rích”.

Vị sếp đó thờ ơ về điều gì? Có lẽ, ông ta đã xem xét vấn đề của nhân viên đó rồi và nhận thấy nó không phải là vấn đề to tát. Do vậy, ông ta trở nên thờ ở. Thậm chí ông ta có thể bảo với nhân viên của mình đừng lo lắng, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Một khi chân của ông ta vẫn còn gác lên tay ghế thì ông ta vẫn giữ thái độ bàng quan. Khi nhân viên đó rời khỏi phòng, vị sếp thở phào nhẹ nhõm và tự nói với mình: “Cám ơn Chúa, anh ta đi rồi!” rồi nhấc chân khỏi tay ghế.

Điệu bộ gác chân lên tay ghế có thể gây khó chịu nếu nó xuất hiện trong cuộc đàm phán. Điều quan trọng là phải khiến người làm điệu bộ này thay đổi tư thế, bởi vì anh ta giữ tư thế đó càng lâu thì thái độ bàng quan hoặc gây hấn của anh ta sẽ càng kéo dài. Cách đơn giản để khiến anh ta thay đổi tư thế, đó là yêu cầu anh ta chồm người qua và nhìn thứ gì đó, hoặc nếu bạn có óc hài hước thì hãy nói với anh ta là quần anh ta bị bung chỉ!

Ngồi dạng chân trên ghế

Người ngồi giang chân này muốn giành quyền chi phối hoặc kiểm sóat đồng thời bảo vệ phần trước của cơ thể.

Cách đây hàng thế kỷ, đàn ông sử dụng khiên để bảo vệ thân thể họ khỏi gươm giáo, gậy gộc của kẻ thù. Ngày nay, người văn minh sử dụng bất cứ vật gì trong tầm tay để tự vệ khi bị tấn công về mặt thể xác hoặc ngôn từ. Hành vi tự vệ bao gồm cả việc đứng sau cánh cổng, lối ra vào, hàng rào, cái bàn hoặc cánh cửa xe hơi để mở và ngồi dạng chân trên ghế.

Lưng ghế đóng vai trò như là một cái khiên bảo vệ cơ thể và có thể khiến người ngồi trở nên gây hấn, thống trị. Khi ở tư thế này, đàn ông dang rộng chân và để lộ chạc chân nhằm làm tăng thêm tính quả quyết của họ. Đa số những người ngồi dạng chân thuộc típ người thống trị, họ thường cố kiểm soát những người khác khi họ bắt đầu chán ngấy cuộc trò chuyện. Lưng ghế lúc này trở thành tấm lá chắn hữu hiệu giúp họ tránh bị các thành viên khác trong nhóm “tấn công”. Người ngồi dạng chân thường hành động rất kín đáo và có thể lẩn vào tư thế này mà hầu như không bị ai để ý.

Cách dễ nhất để khiến người đó không ngồi dạng chân nữa là hãy đứng dậy hoặc ngồi đằng sau người đó, đọng tác này sẽ làm cho anh ta cảm thấy dễ bị tấn công và buộc phải đổi tư thế. Cách này có thể phát huy tác dụng khi ngồi trong một nhóm, bởi vì người ngồi dạng chân sẽ để lộ phần lưng của anh ta và điệu này buộc anh ta phải đổi sang tư thế khác.

Vậy bạn sẽ làm gì với một người ngồi dạng chân trên một chiếc ghế xoay? Cố tranh luận với một người đàn ông ngồi ở tư thế phô bày chạc chân trong một cuộc chè chén say sưa thì thật vô ích, vì vậy cách phòng thủ tốt nhất là không nói gì cả. Trong trường hợp này, hãy đứng dậy nói chuyện và nhìn xuống người ngồi dạng chân, đồng thời tiến vào không gian riêng của người đó. Điều này sẽ làm cho anh ta bối rối, và thậm chí có thể khiến anh ta phải bật ra phía sau để đổi tư thế.

Lần tới, lúc người ngồi dạng chân đến thăm bạn, hãy nhớ mời anh ta ngồi trên một chiếc ghế cố định, có tay ghế để ngăn không cho anh ta ngồi ở tư thế ưa thích của mình nữa. Khi không thể ngồi dạng chân được thì người đàn ông thường chuyển qua sử dụng điệu bộ hình cái ná.

Điệu bộ hình cái ná

Đây là phiên bản kiểu ngồi của tư thế chống nạnh nhưng hai tay để sau đầu với khuỷu tay chĩa ra. Lại một lần nữa, đây gần như là điệu bộ của riêng cánh đàn ông khi muốn hăm dọa người khác. Mặt khác, nó tạo cho người thực hiện vẻ thoải mái, ru bạn vào cảm giác an toàn giả tạo ngay trước khi người này tấn công bạn một cách bất ngờ.

Điệu bộ hình cái nã: thờ ơ, tự tin, biết tất cả và nghĩ rằng nó có nhiều quả chuối hơn bất cứ ai.

 

Đây là điệu bộ đặc trưng của những người có nghề nghiệp mang tính đặc thù như kế toán, luật sư, giám đốc kinh doanh hoặc những người cảm thấy họ giỏi hơn, nổi trội hơn hoặc tự tin về một điểm nào đó. Nếu chúng ta có thể đọc được suy nghĩ của người này thì những điều anh ta nói sẽ đại loại như là “Tôi biết tất cả các câu trả lời”, “Mọi việc đều được kiểm soát”, hoặc thậm chí là “Có thể một ngày nào đó anh sẽ thông minh bằng tôi”! Các nhà điều hành thường xuyên sử dụng điệu bộ này còn những nhà quản lý nam mới được bổ nhiệm đột nhiên sử dụng nó, cho dù thực tế là họ hiếm khi sử dụng điệu bộ này trước lúc được đề bạt. Nó là điệu bộ đặc trưng của những người đàn ông thích “tỏ ra là người hiểu biết” và nó hù dọa đa số mọi người. Nó cũng được dùng như một dấu hiệu đánh dấu quyền sở hữu lên một khu vực cụ thể nào đó.

Điệu bộ này thường xuất hiện cùng tư thế bắt chân chữ ngũ hoặc tư thế để lộ chạc chân, cho thấy người thực hiện không những cảm thấy anh ta ở vị trí cao hơn mà rất có thể là sẵn sàng tranh cãi hoặc cố gắng giành quyền thống trị. Tùy theo tình huống mà bạn có thể có nhiều cách đối phó với điệu bộ này. Bạn có thể cúi người về phía trước, hai lòng bàn tay ngửa ra và nói: “Theo thôi nhận thấy thì anh biết về điều này. Xin mời anh cho ý kiến?”, sau đó ngồi lại tư thế cũ và chờ đợi câu trả lời.

Phụ nữ nhanh chóng đánh mất cảm tình với những người đàn ông sử dụng điệu bộ hình cái ná trong các cuộc họp bàn công việc.

Hoặc bạn có thể đặt một vật gì đó ngoài tấm với của người làm điệu bộ này và hỏi: “Anh đã nhìn thấy cái này chưa?”, buộc anh ta phải cúi người về phía trước. Nếu bạn là đàn ông, thực hiện điệu bộ này có thể là một cách đơn giản để đối phó với điệu bộ hình cái ná, bởi nó tạo ra sự bình đẳng. Tuy nhiên, điều này không áp dụng được với nữ giới bởi vì nó để lộ bộ ngực của họ, đặt họ vào thế bất lợi. Thậm chí, phụ nữ ngực phẳng cố dùng điệu bộ hình cái ná đều bị cả đàn ông lẫn phụ nữ cho là người gây hấn.

Điệu bộ hình cái ná không áp dụng được đối với phụ nữ, ngay cả những phụ nữ ngực phẳng.

Nếu bạn là phụ nữ và tiếp xúc với một người đàn ông làm điệu bộ này, hãy đứng dậy và tiếp tục cuộc trò chuyện. Hành động này buộc đối phương phải đổi tư thế để có thể tiếp tục trò chuyện. Khi nào anh ta ngừng làm điệu bộ hình cái ná thì bạn hãy ngồi xuống. Nếu anh ta lặp lại điệu bộ này nữa thì bạn hãy đứng lên. Đây là cách đối phó không mang tính khiêu khích để những người khác thôi không đe dọa bạn. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng nếu người sử dụng điệu bộ hình cái ná là cấp trên của bạn và ông ta đang khiển trách bạn mà bạn lại bắt chước điệu bộ này của ông ta thì điều đó có nghĩa là bạn đe dọa lại ông ta. Ví dụ, hai người ngang nhau có thể dùng điệu bộ hình cái ná trước mặt người kia để biểu thị sự bình đẳng và tán đồng ý kiến, nhưng nếu một nam sinh tinh nghịch làm điệu bộ này thì sẽ khiến thầy hiệu trưởng nổi xung lên đấy.

Tại một công ty bảo hiểm, chúng tôi đã phát hiện rằng 27 trong số 30 nam giám đốc kinh doanh thường xuyên thực hiện điệu bộ hình cái ná lúc tiếp xúc với các nhân viên bán hàng hoặc cấp dưới của họ và có xu hướng sử dụng các cụm điệu bộ phục tùng và nhún nhường khi có mặt cấp trên.

Các điệu bộ cho thấy khi một người nào đó sẵn sàng

Một trong những điệu bộ có giá trị nhất mà một nhà đàm phán có thể học cách nhận biết là tư thế ngồi sẵn sàng. Ví dụ, khi bạn đang đưa ra một lời đề nghị mà người kia làm điệu bộ này vào cuối

 

Tư thế tiêu biểu biểu thị thái độ sẵn sàng hành động.

 

buổi thỏa thuận và cuộc phỏng vấn đã diễn ra tốt đẹp cho đến thời điểm đó, thì bạn có thể yêu cầu lời chấp thuận và nhiều khả năng là bạn sẽ thành công.

Băng hình quay lại cảnh các nhân viên bán hàng đang mời chào những vị khách tiềm năng cho thấy, bất cứ khi nào theo sau điệu bộ vuốt cằm (quyết định) là điệu bộ ngồi sẵn sàng, thì sau hơn phân nửa thời gian phỏng vấn, người khách hàng sẽ “đồng ý” mua hàng. Trái lại, nếu cho đến khi kết thúc cuộc mua bán, khách hàng ngồi ở tư thế khoanh tay ngay sau khi thực hiện điệu bộ vuốt cằm thì cuộc mua bán thường không thành công. Điệu bộ ngồi sẵn sàng cũng có thể được một người đang tức giận sử dụng, điều này cho thấy họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tống cổ bạn ra ngoài. Các cụm điệu bộ xảy ra trước điệu bộ sẵn sàng tiết lộ ý định thực sự của người đó.

Tư thế của người chuẩn bị xuất phát

Tư thế chuẩn bị xuất phát: sẵn sàng để kết thúc cuộc gặp mặt hoặc cuộc trò chuyện.

 

Động tác sẵn sàng xuất phát ra hiệu mong muốn kết thúc cuộc họp. Nó bao gồm cụm điệu bộ cúi người về phía trước với cả hai tay đặt lên đầu gối hoặc giữ lấy ghế như thể là họ đang bắt đầu một cuộc đua. Nếu một trong hai điệu bộ này xuất hiện trong cuộc trò chuyện thì bạn nên chuyển đề tài hoặc kết thúc cuộc trò chuyện.

Tóm tắt

Các dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể được trình bày trong chương này tương đối dễ quan sát, bởi vì đa số chúng đều có liên quan đến các điệu bộ quan trọng đã bàn ở trước. Muốn giao tiếp tốt thì bạn không những cần giải mã ý nghĩa của các dấu hiệu này, mà còn phải loại bỏ được những điệu bộ tiêu cực ra khỏi kho tàng ngôn ngữ cơ thể của bạn và hãy tập sử dụng các điệu bộ giúp mang lại kết quả khả quan.