Ngọc Tuyền Thảm Sử Truyện Full

- III -

Qua ba ngày, Bình Chương quân quốc Nguyễn Hữu Chỉnh không thấy bóng Huyền Tôn trở lại. Rồi bốn ngày, năm ngày, sáu ngày... Chỉnh biết rằng mình bị lừa. Cơn giận của Chỉnh lên đến cực điểm. Ông hò hét, quát tháo náo động cả dinh. Và lập tức, ông truyền cho quân sĩ tầm nã khắp nơi. Một mặt ông gọi con là Nguyễn Hữu Du lại phán rằng:

- Ta có ý mưu đồ đại sự mới rấp tâm cho luyện thanh báu kiếm Ngọc Tuyền. Nay thanh kiếm gần xong lại bị người mang đi mất. Nếu để tên khốn kiếp Huyền Tôn luyện xong và thanh kiếm lọt vào tay Trịnh chúa, vua Thái Đức hay Bắc Bình Vương, thì bao cơ nghiệp của ta gầy dựng ắt rồi sẽ tiêu tan.

Bái Đình Hầu Nguyễn Hữu Du lễ phép thưa:

- Từ lâu, con đã hiểu chí lớn của cha.

Chỉnh nghiêm giọng:

- Vậy con phải lên đường, gắng công tìm cho được thanh bửu kiếm.

Hữu Du vâng lời cha, lên ngựa ra đi...

Chàng đi khắp kinh kỳ, từ tỉnh nầy qua tỉnh khác, nhưng mây ngàn hạc nội biết đâu mà tìm. Chàng nghĩ thầm: “Có lẽ vì sợ tập nã, Huyền tôn đã trốn về nơi thâm sơn hẻo lánh chăng?” Và bắt đầu từ đó, chàng rời bỏ những nơi phồn hoa đô hội, một mình một ngựa bôn ba khắp chốn rừng xanh.

Ròng rã mấy tháng trường từ núi nầy sang núi khác, từ rừng nầy sang rừng khác, Hữu Du không thấy được tăm hơi thanh kiếm Ngọc Tuyền. Nhưng chàng thanh niên không nản chí. Cái hình ảnh giang san trước mắt khiến chàng phải kiên chí, bền gan. Phong cảnh dầu đẹp đến đâu cũng không thể lưu luyến lòng tráng sĩ.

Cho đến một ngày đầu thu. Gió thu gieo võ vàng trên hoa cỏ, sương thu mờ trên cảnh vật đìu hiu. Chàng đang thơ thẩn buông cương, bỗng nghe gần đâu đây vẳng lại giọng ngâm khảng khái bài thơ hào hùng của chí sĩ Đăng Dung:

Thế sự du du nại lão hà,

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.

Thời lai, đồ điếu thành công dị,

Vận khứ, anh hùng ẩm hận đa.

Tri chủ hữu hoài phù địa trúc,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,

Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.

Việc đời man mác tuổi già thôi,

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

Tan tành sự thế luống cay ai.

Phò vua bụng những mong xoay đất,

Gột giáp sông kia khó vạch trời.

Thù trả chưa xong, đầu đã bạc,

Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi.

(Tản Đà dịch)

Giọng ngâm đã dứt mà âm hưởng trầm hùng còn vang dội khắp rừng xanh. Hữu Du ngạc nhiên nghĩ thầm: “Giữa chốn thâm sơn vắng vẻ, giọng ngâm của ai mà hào khí ngất trời? Nếu không phải là một chí sĩ ẩn dật thì cũng là một anh tài bất mãn với triều đình”. Chàng trai trẻ bỗng nhớ đến câu chót “Kỹ độ Long Tuyền đái nguyệt ma”, hai chữ Long Tuyền làm chàng liên tưởng đến hai chữ Ngọc Tuyền. Chàng lại nghĩ: “Biết đâu người ngâm thơ này không ám chỉ đến thanh bửu kiếm Ngọc Tuyền mà chàng đang gắng công tìm kiếm?” Nghĩ như vậy, chàng nôn nả cho ngựa rẽ vào rừng. Chàng thấy dạng một bóng người xa xa. Giục ngựa đến nơi, chàng mừng rỡ nhận ra người ấy là Huyền Tôn.

Không làm sao tả hết nỗi hân hoan của chàng và cũng không làm sao tả đặng nỗi kinh hoàng của lão thợ. Lão muốn tránh cũng không thể nào tránh được. Hữu Du đã sừng sững trước mặt lão như một vị hung thần.

Hữu Du điềm nhiên cúi đầu chào:

- Tôi vâng lệnh phụ thân đi tìm thanh bửu kiếm. Vậy phiền lão hãy trao thanh kiếm Ngọc Tuyền lại cho tôi, rồi theo tôi về yết kiến Bình Chương quân quốc.

Nét mặt Huyền Tôn từ màu xanh mét đổi ra màu đỏ, từ vẻ sợ sệt đổi ra vẻ căm hờn. Lão cười gằn bảo Du:

- Thanh Ngọc Tuyền lão không còn giữ. Công tử cứ lấy đầu lão thay cho thanh bửu kiếm.

Hữu Du căm tức:

- Ta chỉ cần thanh kiếm chớ không cần đầu lão.

Tôn thản nhiên:

- Thế thì công tử hãy trở về không vậy.

Một dòng máu nóng sôi trong huyết quản chàng trai. Chàng rút gươm kề sát vào cổ lão, gằn từng tiếng:

- Thanh kiếm lão giấu đâu, phải chỉ mau?

Ngước mặt nhìn thẳng vào mắt Du, lão khẽ lắc đầu đáp:

- Tiếc thay người vũ dũng như Công tử mà đi lạc đường. Một thanh kiếm báu, có khi nào nỡ để lọt vào tay một kẻ phản quốc.

Tiếng “phản quốc” lão vừa thốt, lưỡi gươm Hữu Du cũng vừa vung lên. Máu từ cổ lão tóe ra nhuộm đỏ cả tay chàng tráng sĩ. Chàng lau tay đút trả gươm vào vỏ rồi ngất ngưởng ruổi ngựa đi. Đôi mắt chàng đỏ ngầu như say máu.

Một làn gió thổi qua, trút những chiếc lá vàng tơi tả. Mây lam đọng trên lưng chừng núi, xây những bức tường thành kiên cố uy nghi.

Đi được một dặm, Hữu Du chợt thấy trước mặt một ngọn suối. Tiếng suối reo róc rách vang vang trong thung lũng tấu thành một bản nhạc êm ái thiên thu. Một thiếu nữ xõa tóc ngang vai ngồi mơ màng trên một hòn đá.

Du lần ngựa tới. Thiếu nữ kinh ngạc nhìn Du, vẻ thẹn thùng bẽn lẽn. Du ngơ ngác bỗng thấy mình đứng trước một vẻ đẹp thiên nhiên, một vẻ đẹp cực kỳ huyền ảo, một vẻ đẹp có thể làm mềm nhũn chí anh hùng. Du có biết đâu nàng giai nhân tuyệt sắc ấy là Huyền Tiên, và thiếu nữ cũng có ngờ đâu chàng tuổi trẻ là Bình Chương công tử. Cho nên sau những câu thanh khí; đôi lòng đã thấy khắng khít cảm tình. Giữa cảnh nên thơ, một mối tình bất diệt. Hai tâm hồn bay bỗng giữa chốn trời mây.

Bóng hoàng hôn nhuộm u hoài trên rặng núi. Rặng phong đón gió, mang những dấu vết cuối cùng của ánh tịch dương.

Huyền Tiên chợt đứng dậy, bảo khẽ:

- Cha em sao chừng nầy chưa về?

Rồi nàng chạy về phía rừng. Hữu Du chạy theo, lòng hồi hộp. Tiếng chân của Tiên giẵm xào xạc trên lá. Từng cánh hoa vàng vướng trên mái tóc, nổi bật như những vì sao.

Một cảnh tượng thương tâm bày ra trước mắt nàng. Thây Huyền Tôn nằm lả trên một vũng máu. Tiên còn ngờ mình chiêm bao, nhưng than ôi! Sự thật tàn nhẫn vẫn ràng ràng trước mắt. Nàng ngất quỵ bên cha.

Hữu Du thấy lòng tê tái. Chàng hối hận đỡ Tiên dậy. Đôi mắt nàng chan chứa những niềm bi thảm thê lương. Nàng tỉnh dậy, hai dòng lệ chan hòa trên má. Du hết sức an ủi nàng, một mặt lo khâm liệm Huyền Tôn. Lần đầu tiên, chàng tuổi trẻ đã từng xông pha trận mạc, đã từng coi mạng người rẻ như bèo, biết ăn năn một hành động bạo tàn ích kỷ chỉ vì giọt nước mắt của giai nhân.

Đến tối, Huyền Tiên và Hữu Du mới trở về. Hai người ở chung trong một chòi lá cất dựa bên rừng. Đó là ngôi nhà mộc mạc, Huyền Tôn đã dựng lên để sống hẩm hiu với con gái. Ngày nay bóng Tôn đã vắng, thay vào đấy bóng của chàng trai.

Huyền Tiên cảm thấy lẻ loi cô độc và cần phải vịn vào một lẽ sống. Người thứ nhất đến trong đời nàng là Du, đến giữa lúc nàng bơ vơ giữa lúc tâm hồn nàng khủng hoảng, lòng người thiếu nữ dễ đi từ cảm kích đến yêu đương. Và chỉ có tình yêu tha thiết chân thành mới làm vơi bớt nỗi niềm đau khổ. Than ôi! Nàng có biết đâu người nàng vịn vào để sống, lại là người gây ra nỗi khổ cho nàng.

Về phần Du, chàng thấy cả một sự mỉa mai chua xót giữa một mối tình đẫm lệ. Chàng thành thật yêu và thành thật ăn năn, nhưng không lúc nào chàng dám hở môi thổ lộ sự thật. Tiếng thổn thức của Tiên đã bao lần làm lòng chàng quặn thắt, chàng chỉ muốn nó chôn vùi trong dĩ vãng, tan đi trong oan khổ của ngày qua...

 

Một hôm, Du ngồi với Tiên bên bờ suối. Tiên nhìn dòng suối bảo chàng rằng:

- Chàng có thấy làn nước lóng lánh hào quang kia không?

Du nhìn xuống suối, quả thấy những vầng hào quang tỏa ra rực rỡ. Không đợi Du đáp, Tiên buồn bã nói:

- Cha em chết vì những ánh hào quang ấy.

Du ngơ ngác:

- Em nói gì, anh không hiểu?

Tiên như bị khơi lại mạch sầu, mắt lại hoen ngấn lệ:

- Đó là những tia phản chiếu của thanh kiếm Ngọc Tuyền mà cha em thận trọng đặt nó dưới đáy suối.

Du giật mình. Vật mà chàng ra công tìm kiếm cả năm nay, đang hiển hiện ở trước mặt. Chàng nghĩ đến lời cha, lòng cảm thấy bứt rứt. Nhưng khi nhìn lại Tiên, một tràng cảm xúc khiến cho chàng xao xuyến, bồi hồi...

Tiên thở dài não ruột:

- Chỉ vì thanh kiếm đó mà cha con em phải rời bỏ kinh thành hoa lệ, bỏ đời sống nhung lụa, trốn về nơi thâm sơn hẻo lánh, sống cuộc đời vất vả cô đơn. Rồi người chết đi, có lẽ vì một bàn tay oan nghiệt nào có liên hệ mật thiết với thanh kiếm.

Một lần nữa Du giật mình, ngờ nàng đã đoán ra sự thật. Nhưng khi nhìn lại Tiên, chàng thấy nàng vẫn dịu hiền, vẫn tỏ vẻ tin cẩn người yêu. Chàng thấy thương Tiên vô cùng. Đôi mắt như một hồ thu chứa đầy đau khổ kia, có thể nào chàng nỡ phản bội, nỡ nhẫm tâm gieo thêm đau khổ cho nàng? Du nghĩ thầm: “Thà là ở đây vui khổ với nàng cho trọn nghĩa”.

Chàng dịu dàng an ủi:

- Em hãy vui lên, nghĩ đến dĩ vãng làm gì thêm não. Em hãy tin lúc nào cũng có anh bên cạnh.

Tiên nhìn Du, nói như nói với lòng mình:

- Anh là lẽ sống cuối cùng của em. Anh sẽ không bao giờ trở lại kinh kỳ, nơi có muôn ngàn cám dỗ? Anh bỏ đi, em sẽ chết mất.

Du siết chặt tay nàng:

- Không bao giờ anh bỏ đi đâu em.

Và muốn Tiên khuây khỏa, chàng tươi cười nói:

- Để anh ngâm thơ cho em nghe nhé?

Tiên gượng vui, gật đầu:

- Phải đó, anh ngâm đi, em thích nghe thơ lắm. Cha con em lâu nay chỉ biết tìm an ủi qua văn chương. Bây giờ là mùa thu, vậy anh hãy ngâm một bài thơ thu đi.

- Em có thích bài “Thu hứng” của Đỗ Phủ không?

Tiên trở lại bản tánh hồn nhiên:

- Ừ, anh ngâm bài ấy đi. Em thường nghe ba em ngâm bài ấy mỗi lần chạnh nhớ cố hương. Nhưng tráng sĩ mà ngâm thơ thì mới tuyệt.

Du cất giọng ngâm:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng.

Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch đế thành cao cấp mộ châm

Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn Vu hiu hắt khí thu già.

Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa

Khóm trúc tuôn đôi dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.

Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,

Thành quạnh dồn châm bóng ác tà.

Du ngâm dứt, Tiên chớp mắt ngậm ngùi:

- Bài thơ buồn quá. Đây cũng rừng phong, cũng khí thu hiu hắt, nhưng cửa ải đâu không thấy, thành đô quá xa vời. Nghe thơ thêm chạnh niềm cố quốc.

Du cũng thấy buồn lâng lâng nhè nhẹ, nhưng chàng vẫn cố gượng làm vui để nàng khỏi bi thảm. Chàng cười nói:

- Đây cũng khóm trúc, cũng lưng trời mặt đất, tuy thiếu con thuyền nhưng mối tình vẫn buộc chặt trong một túp lều tranh.

Huyền Tiên nhoẻn cười duyên dáng:

- Biết được như thế mãi không?

- Sao lại không? Có suối Ngọc Tuyền và bửu kiếm kia làm chứng.

Cả hai nhìn nhau, im lặng. Gió thu hiu hắt hòa với tiếng suối reo thành một điệp khúc buồn tênh...