Ngọc Tuyền Thảm Sử Truyện Full

- II -

Một hôm, Nguyễn Hữu Chỉnh truyền gọi tất cả những người luyện kiếm giỏi nhất nước vào, bảo với họ rằng:

- Ta muốn đúc một thanh Ngọc Tuyền kiếm. Thanh kiếm ấy phải chém sắt như chém bùn, chém gỗ như chém chuối. Ta sẽ dùng nó mà an bang định quốc.

Bao nhiêu thợ giỏi đều khép nép cúi đầu, không ai dám đảm nhận cái trách nhiệm nặng nề ấy.

Chỉnh bừng bừng nổi giận, hét to:

- Các ngươi chuyên một nghề luyện kiếm mà không có tài đúc nổi một thanh kiếm quý. Ta nghe nước Tàu xưa kia có hai thanh kiếm báu Mạc Gia và Cang Tương, nước Nhật có hai thanh Mãi Mộc và Điểm Nguyệt. Nước ta có tiếng là đã từng bình Nguyên diệt Thanh, lẽ nào không có đặng một thanh báu kiếm như họ hay sao? Các ngươi toàn là bọn bất tài, lại làm điếm nhục quốc thể.

Hét xong, Chỉnh truyền võ đao quân đem bọn thợ ra pháp trường trảm quyết.

Một người thợ run lập cập, quỳ xuống bẩm:

- Tôi tuy có học phép luyện kiếm quý, song vì khó khăn nên chưa thí nghiệm bao giờ. Nay xin vâng mệnh Quốc Công, thử đúc một thanh kiếm báu để Ngài định an xã tắc.

Hữu Chỉnh vui vẻ nói:

- Nước ta ít nhất cũng phải có một thiên tài luyện kiếm chứ! Vậy nhà ngươi hãy chọn những thứ thép tốt, cần bao nhiêu vàng tốt ta sẽ giao cho. Khi rèn xong, ta sẽ ban thưởng trọng hậu.

Người thợ dạ dạ vâng lời. Chỉnh truyền lịnh tha cho tất cả bọn thợ. Họ riu riu ra về, mặt không còn chút máu, thầm cảm ơn đồng nghiệp vừa cứu thoát họ khỏi nanh vuốt tử thần.

Người lãnh nhiệm vụ ấy tên là Huyền Tôn. Vài ngày sau, Huyền Tôn đem những thứ thép tốt vào ra mắt Chỉnh. Chỉnh sai đốt hỏa lò lên, trao cho Tôn năm chục lạng vàng và hai viên ngọc quý.

Tôn bắt đầu luyện kiếm. Ròng rã ba tháng, thanh kiếm luyện gần thành. Tôn dâng lên cho Chỉnh xem. Ánh kiếm long lanh tỏa ra một làn khí lạnh. Cán kiếm bằng vàng chạm hình một con rồng đang giương vuốt. Chuôi kiếm cẩn hai viên ngọc, phản chiếu với ánh kiếm thành những tia sáng ngũ sắc, đẹp và lộng lẫy một cách lạ thường.

Chỉnh hân hoan ngỏ ý muốn thử kiếm. Tôn vội vàng thưa:

- Theo phép luyện báu kiếm, phải có đủ thần khí âm dương. Nếu luyện hai thanh thì một thanh Thư và một thanh Hùng. Nay thanh Ngọc Tuyền chỉ có hình mà chưa có thần, chưa thể gọi là báu kiếm.

Chỉnh hỏi:

- Vậy phải làm thế nào cho kiếm đủ Thần khí?

- Các đạo sĩ ngày xưa thường lấy thần khí bằng linh hồn của hai nam nữ đồng trinh. Mà hai nam nữ ấy phải hợp với tinh thần người luyện thì hồn mới nhập vào kiếm kết thành một tinh anh ảo nhiệm.

Chỉnh nói:

- Tưởng gì khó, chớ tìm hai đứa trẻ thật dễ dàng. Vậy để ta truyền bắt hai đồng trinh về cho nhà ngươi hoàn thành thanh báu kiếm.

Tôn lật đật nói:

- Hai nam nữ đồng trinh ấy phải do tôi tìm mới có công hiệu, vì cần có sự hòa hợp của tinh thần. Nếu Quốc Công muốn có một thanh kiếm quý hơn cả thanh Cang Tương ngày xưa, xin cho phép tôi đích thân tìm lấy nam nữ đồng trinh, vì chỉ có tôi mới tìm ra được mà thôi.

Chỉnh cười rùng rợn:

- Nếu vậy, phiền nhà ngươi một lần nữa, rán tìm được hai đồng tử ấy. Nội trong ba hôm, ngươi trở vào đây luyện nốt thanh thần kiếm.

Huyền Tôn từ tạ lui ra.

*

Huyền Tôn có một đứa con gái tên là Huyền Tiên. Mới mười sáu tuổi mà sắc nước hương trời, hoa nhường nguyệt thẹn. Nàng chẳng những đàn hay, hát giỏi mà còn có biệt tài về thi phú, văn chương. Nàng thường thích ngâm thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... nhất là thơ hào hùng của Đặng Dung, thơ hào phóng trữ tình của Nguyễn Du.

Hôm nay, một mình thơ thẩn vườn hoa, Huyền Tiên cảm khái cất giọng du dương ngâm bài “Độc Tiểu Thanh Ký” của Nguyễn Du:

Tây hồ mai uyển lẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Chi phấn hữu thần lân tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Hồ cũ vườn mai đã xác xơ,

Khóc nàng ta viết một tờ thư.

Đời thương xót mãi hồn son phấn,

Mệnh ghét ghen hoài nghiệp bút thơ.

Trời có hay đâu hờn vạn cổ.

Ta còn mang mãi hận ngàn xưa.

Ba trăm năm nữa trong thiên hạ,

Không biết ai người khóc Tố Như?

(Trần Trọng San dịch)

Ngâm xong bài thơ, Huyền Tiên ngùi ngùi nhớ đến nàng thiếu nữ bạc mệnh trong thơ, nàng Tiểu Thanh đời nhà Minh, vì tài hoa cho lắm, sắc nước hương trời mà chi, để đến nổi tạo hóa ghét ghen, khiến nàng phải phủi sạch nợ trần giữa lúc xuân xanh, năm nàng mới mười tám tuổi. Nhớ người rồi nghĩ đến phận mình, Huyền Tiên lo sợ không biết mình rồi đây có chịu chung số phận với nàng kiều nữ ấy chăng? Nghĩ ngợi, bâng khuâng, nàng cảm thấy lòng vấn vương một nỗi buồn vời vợi, một ám ảnh triền miên...

Giữa lúc đó, Huyền Tôn về đến nhà. Thấy cha mang theo một thanh kiếm, Huyền Tiên ngạc nhiên hỏi:

- Thanh kiếm của ai mà đẹp như vầy, cha?

- Đó là thanh Ngọc Tuyền của Bình Chương quân quốc.

Tôn thuật rõ lại câu chuyện luyện kiếm cho con nghe. Nét mặt sa sầm, nàng chau mày nói:

- Sao cha lại nhận luyện làm gì?

Tôn buồn rầu:

- Nếu không nhận thì bao nhiêu đồng nghiệp bị rơi đầu một cách vô lý.

Nàng vẫn giằn giỗi:

- Bao nhiêu người rơi đầu, còn hơn để giang sơn nghiêng ngửa.

Lặng im một lúc, nàng tiếp:

- Cha lãnh tìm hai đồng tử thật sao?

- Ngộ biến phải tùng quyền. Nếu để thử kiếm thì phải chết, mà không nhận thì cũng chết. Vì kiếm nào lại có thể chém sắt như chém bùn? Họa chăng chỉ có những lưỡi kiếm trong thần thoại hoang đường.

Tiên bĩu môi:

- Vậy mà cũng có người tin, nhất là người ấy vẫn thường tự cho mình là tài ba xuất chúng!

- Vì có người tin như vậy nên ta mới lâm vào một tình cảnh nghịch thường. Thật ác nghiệt thay mấy ông nhà văn Tàu chuyên nói dóc mà vô tình để lụy cho bao nhiêu người khác.

Huyền Tiên thẫn thờ:

- Bây giờ phải làm sao?

Tôn cương quyết:

- Chỉ còn một cách là đào tẩu. Vậy con hãy lo sửa soạn, ta phải lên đường ngay.

Mắt Tiên bừng lên một tia sáng. Nàng ngoan ngoãn đi vào nhà tom góp đồ đạc. Tiên có cảm tưởng như đời nàng đang chuyển dịch đến một đoạn đường nguy hiểm, mà nàng phải cần giữ vững tinh thần phấn đấu trước mọi trở lực, gian lao...