Khi bạn loại ra khỏi cuộc sống của mình
những điều mình không muốn thì có nghĩa là
bạn đã tự tạo ra khoảng trống cho những gì
mình thật sự mong muốn tràn vào.
- Catherine Ponder
Cảm thông với hoàn cảnh cô độc của người bạn thân nhất, Jenny đã mời cô ấy đến sống cùng gia đình mình. Trong suốt một năm trời sau đó, Jenny vẫn tận tụy với gia đình, đảm đương công việc nội trợ, luôn là người vợ đảm đang, người mẹ chu đáo chăm lo cho hai đứa con nhỏ. Cô rất vui khi người bạn thân của mình giờ đã trở thành một thành viên trong gia đình. Thế nhưng lòng tốt của cô đã trở thành một kinh nghiệm đắng cay khi Jenny phát hiện ra người bạn thân và chồng cô đã nảy sinh quan hệ bí mật. Một thời gian sau, họ đã dọn đi nơi khác và kết hôn với nhau, bỏ lại Jenny với sự trống rỗng mà sau đấy nhanh chóng được khỏa lấp bởi nỗi đắng cay và oán hận đối với hai con người đã từng là những người thân thiết nhất của cô.
Trong suốt ba năm sau đó, Jenny vẫn sống trong những cảm xúc tiêu cực ấy; và dường như chính điều này đã gây cho cô nhiều đau đớn hơn là sự tổn thương mà hai người kia đã để lại trong lòng cô. Người chồng của cô và cô bạn thân đã bắt đầu cuộc sống hạnh phúc ở một thành phố khác và chẳng hề quan tâm hay bị ảnh hưởng gì từ cơn thịnh nộ bị dồn nén của Jenny, nhưng Jenny thì khổ sở vô cùng. Cô đã phải chịu đựng những tổn hại cả về mặt tình cảm lẫn thể chất do giữ những cảm xúc bị dồn nén suốt mấy năm trời. Cô sụt cân nghiêm trọng, thường không bao giờ an giấc, làm việc kém hiệu quả và cô bắt đầu phải nhờ đến tác dụng của thuốc an thần. Jenny tự cho rằng, khi cô không còn giữ được người chồng thì ít ra cô cũng được được bù đắp lại bằng những cơn giận dữ và sự cay đắng - chúng giúp cô cầm cự. Cô nghĩ nếu từ bỏ luôn cả chúng thì cô sẽ chẳng còn gì cả.
Đôi khi, chúng ta quen thuộc với việc khư khư giữ lấy những thứ mình muốn hơn là việc cho qua chúng. Cách sống ấy dạy ta thích sở hữu hơn là cho đi, không chỉ vật chất mà cả với cảm xúc của mình. Chúng ta cho rằng nếu ta có được thứ gì đấy trong tay thì ta đã chiến thắng. Ngược lại, nếu ta từ bỏ nghĩa là ta đã thua. Vì thế, ta thường có khuynh hướng muốn sở hữu, tích lũy, níu giữ và nhận lấy hơn là từ bỏ và cho qua. Theo cách nói của David Richo(1) thì: “Bản ngã thích chiếm đoạt và níu giữ, nhưng bằng cách đó nó chỉ tìm thấy được nỗi băn khoăn và thất vọng. Chúng ta buông bỏ để được hạnh phúc. Đó không phải là mất mát, mà chính là sự giải thoát”.
Chẳng hạn, việc cố giữ lấy một khoản tiền dành dụm thường khiến ta cảm thấy mình rơi vào cảnh khốn khó hơn vì bị nó phong tỏa. Nhưng nếu biết sử dụng nó một cách khôn ngoan và đóng góp cho những mục đích xứng đáng sẽ tạo khoảng không mở đường để tiền tài chảy ngược trở vào. Khi những điều tốt đẹp đến với ta, có những điều ta cần biết phải buông bỏ để chúng có thể tiếp tục đến. Việc buông bỏ sẽ duy trì một khoảng không sẵn có để nhiều điều tốt đẹp khác có thể đến. Chúng ta không thể giàu có hơn nếu chỉ biết tích cóp mọi thứ và ta cũng không thể hạnh phúc nếu lưu trữ mọi trạng thái cảm xúc như thể ta đang cố nhốt một con thú vào lồng. Đặc điểm của sự tích lũy, chiếm hữu và ích kỷ sẽ ngăn trở các con đường tiếp nhận. Hay nói cách khác, một bàn tay nắm chặt lại không thể nào nhận được món quà. Đó chính là ý nghĩa của quy luật: “Đi cùng dòng chảy”, nghĩa là hòa mình cùng dòng năng lượng đang lưu chuyển quanh ta và lèo lái những ngọn sóng ấy theo hướng mà nó đang di chuyển.
Theo bí quyết khoảng chân không, để tạo ra khoảng trống cho những điều tốt đẹp tràn vào cuộc sống của mình, tự bản thân mỗi người phải loại bỏ những gì đang tồn đọng trong đó. Bí quyết “khoảng trống” này vận hành cả trong giới hạn thế giới nội tâm lẫn cuộc sống bên ngoài của ta. Theo quy luật tự nhiên, khoảng chân không sẽ nhanh chóng được khỏa đầy, trên cả phương diện vật chất lẫn tình cảm.
Khi bạn tạo ra một khoảng không bằng cách loại bỏ những thứ đã hư hại hoặc quá cũ kỹ, bạn đã tạo ra chỗ trống để thay thế nó bằng một thứ tốt hơn. Nó cũng giống như việc bạn muốn có tiền để mua quần áo mới, nhưng các ngăn tủ của bạn đã đầy cứng quần áo cũ. Khoản tiền ấy sẽ chẳng xuất hiện cho đến khi bạn dọn hết chỗ quần áo đã sờn cũ và chẳng còn vừa vặn nữa ấy. Khi đó, bạn đã tạo ra một khoảng không cần thiết và mở đường cho những điều bạn mong muốn đến với mình.
Khi bạn trút bỏ những ý nghĩ và cảm giác ngăn trở lòng tự tin, tức là bạn đang tạo ra khoảng không cho một cuộc sống tự tin hơn. Điều đó rất gần với việc bạn đang muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn, nhưng bản ngã đầy bảo thủ của bạn lại ra sức quấy phá với thái độ tiêu cực, không muốn bạn đạt được điều đó. Lúc này, bạn phải chủ động tách mình ra khỏi những ý nghĩ quấy phá ấy và chú tâm quan sát chúng. Khi ấy, bạn sẽ tạo ra khoảng không cho cái tôi tự tin của bạn trỗi dậy nắm quyền. Nguyên lý khoảng chân không đòi hỏi bạn phải đạt được sự thấu hiểu những thứ đã cũ kỹ, quen thuộc, những sự vật, con người và thái độ mà bạn có thể từ bỏ được, hoặc không còn sợ hãi. Những phần đeo bám ấy thường hoạt động trên nỗi sợ hãi. Vậy nên việc bạn tỏ ra quan tâm đến chúng có thể giúp chúng thư giãn, để rồi tạo ra khoảng trống nội tại hay khoảng chân không. Một khi đã làm được điều đó, bạn sẽ tạo ra một dòng chảy thông thoáng của sự thấu suốt, thanh thản và tự tin lấp đầy cuộc sống của mình.
Một đồng nghiệp chơi xấu bạn, ngăn không cho bạn thành công trong một dự án. Người hàng xóm nhạo báng bạn vì một lỗi lầm ngây ngô, một người thân làm bạn bẽ mặt trước mặt các thành viên khác trong gia đình… Bạn có thể vẫn còn cảm thấy nhức nhối về những điều này. Ký ức vẫn còn mới nguyên như ngày hôm qua, nỗi đau quá nặng nề khiến bạn chưa thanh thản. Bạn nghĩ rằng, việc bám víu lấy cảm giác oán hận có vẻ là một cách tự nhiên để trừng phạt những kẻ đã gây ra vết thương lòng cho bạn. Ý nghĩ buông bỏ sự oán giận nằm ngoài điều được bàn đến ở đây. Bạn cho rằng việc từ bỏ sự thù hằn và oán hận đồng nghĩa với việc chịu nhân nhượng và bỏ qua sự trả đũa. Bạn sẽ cảm thấy bất mãn: “Tại sao Jenny lại phải tha thứ cho chồng và cô bạn kia? Họ đã gây tổn thương cho cô ấy cơ mà”. Vâng, lập luận này là hoàn toàn đúng nhưng việc giữ lấy lòng thù hận sẽ khiến cho tình cảnh đau đớn ấy trở thành tâm điểm trong cuộc sống hằng ngày của Jenny và khiến cô ấy như bị cầm tù về mặt tình cảm.
Việc ôm giữ lấy lòng thù hận tiêu hao rất nhiều năng lượng cảm xúc, trong khi nguồn năng lượng này có thể được sử dụng theo những hướng tích cực hơn để mang lại nhiều lợi ích hơn. Có một câu danh ngôn xưa đại ý rằng, những người làm bạn giận dữ sẽ chế ngự bạn. Việc mang nặng lòng oán hận chỉ làm tổn thương bạn, khiến bạn buồn bã và có khi suy sụp thật sự. Vì vậy việc giải tỏa nỗi oán giận là vì quyền lợi của Jenny, chứ không phải vì chồng của cô hay người bạn gái nọ. Đó là hành động yêu thương mà cô nên dành cho chính bản thân mình.
Bác sĩ kiêm tác gia Bernie Siegel(2) đã nói rằng chúng ta dồn nén những tháng ngày thơ ấu trong thân thể mình và thế là khi trưởng thành, cơ thể ta sẽ phải trả giá cho điều đó. Việc nuôi dưỡng sự giận dữ và lòng thù hận có thể gây ra các phản ứng hóa học trong cơ thể ta. Những cảm xúc tiêu cực sẽ chuyển thành các phản ứng hóa học có hại và được biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng những căn bệnh trầm trọng. Nếu chúng ta không giải tỏa những suy nghĩ và cảm xúc độc hại ấy, chúng có thể sinh ra bệnh tật và trong một số trường hợp, chúng có thể hủy hoại ta. Nếu ta cứ tiếp tục lờ đi những nhu cầu của bản thân, cơ thể ta sẽ nhận được thông điệp về sự thiếu quan tâm của ta đến bản thân mình; và chúng sẽ bỏ mặc để ta chết nhanh hơn.
Bạn không cần phải là một nhà khoa học để biết rằng những cơn đau đầu, đau nhức cơ thể, tim đập nhanh, nôn mửa và các triệu chứng khác thường có nguyên nhân từ sự thiếu quan tâm đến bản thân mình. Nếu chúng ta không biết bỏ qua những điều không còn tốt đẹp nữa thì chúng dần trở nên tồi tệ hơn và sẽ gây ra cho ta những tổn thương lớn về thể chất cũng như tinh thần.
Khi tôi bắt đầu nghĩ đến việc chuyển về một tỉnh ở miền núi sinh sống thì vài đồng nghiệp và bạn bè của tôi cảnh báo rằng: “Anh sẽ chẳng thành công khi mở văn phòng ở đấy đâu vì cái tỉnh nhỏ ấy đã có quá nhiều bác sĩ tâm lý rồi”.
Tôi lắng nghe họ nhưng vẫn giữ khoảng cách với lời khuyên ấy để phần hoài nghi trong tôi không thể giành quyền quyết định với cái tôi tự tin. Nói cách khác, tôi dành một khoảng trống trong nội tâm của mình để cho sự sáng suốt và lòng tự tin ra quyết định, chứ không phải cho phần hoài nghi nảy sinh từ nỗi e ngại của người khác. Việc ứng dụng nguyên lý khoảng chân không từ nội tâm hướng ra bên ngoài đã phát huy tác dụng. Tôi đã chuyển nhà, mở một phòng khám tư hết sức thành công và hiện tại tôi vẫn sinh sống, làm việc ở cái tỉnh nhỏ ấy.
Để có một cuộc sống tự tin, điều quan trọng là ta phải tìm ra điều gì đang cản đường ta (đang ra sức bảo vệ ta) trong nội tâm. Giả sử bạn muốn có được những mối quan hệ tốt đẹp hơn, nhưng quanh bạn chỉ có những người bạn thiếu lành mạnh thì trước tiên bạn phải rời bỏ những mối quan hệ thiếu lành mạnh ấy để tạo không gian cho những người tốt đẹp hơn tìm đến với bạn. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách rà soát lại nội tâm mình để tìm hiểu xem điều gì đang ngáng đường bạn. Bạn có thể tự hỏi: “Phần nào trong tôi đang cản đường hay kháng cự lại việc tạo ra khoảng không cho những thay đổi lành mạnh?”.
Jude nói rằng anh muốn tìm một người bạn tâm giao, ổn định cuộc sống và muốn có những đứa con. Việc này hoàn toàn hợp lý và không quá khó bởi anh là một người đàn ông ưa nhìn, tốt bụng và thông minh. Vấn đề là anh đang có quan hệ thân mật với một người phụ nữ mà anh chỉ thích chứ không yêu. Anh không thể nào hình dung ra cuộc sống chung của hai người trong tương lai, nhưng cô ấy yêu anh và anh thích cảm giác được ai đó yêu thương. Bất kể sự thật là họ luôn luôn bên nhau, nhưng Jude không tài nào hiểu nổi tại sao anh không thể cảm nhận cô là người phụ nữ của đời mình. Vậy anh phải làm gì?
Khi Jude rà soát lại nội tâm mình, anh đã tìm ra phần đang ngăn cản những thay đổi trong cuộc đời anh. Đó là phần lo sợ rằng nếu anh để mất cô bạn gái hiện tại thì chẳng có người phụ nữ nào yêu thương anh như cô ấy. Anh lắng nghe phần lo lắng ấy với tình yêu thương, cố hiểu nguồn gốc của nó và để cái tôi tự tin của anh trấn an nó rằng anh sẽ sớm có một mối quan hệ viên mãn hơn với tình yêu đến từ cả hai phía.
Ingrid là một luật sư giỏi luôn làm việc cật lực, rất giỏi kiếm tiền, nhưng cô không thật sự yêu công việc hiện tại. Điều cô mong muốn là một người chồng và những đứa con, nhưng cho đến bây giờ thì cô vẫn chưa có được những điều ấy. Tại sao? Bởi vì cô đã hoàn toàn từ bỏ đời sống xã hội của mình khi dành tất cả thời gian để lao vào làm việc, và chính điều này đã vô tình ngăn cản cơ hội đón nhận cuộc sống tương lai mà cô đang mong muốn. Khi những thân chủ mới gọi đến, cô bực bội với họ, cứ như thể là họ đang xâm phạm cuộc sống riêng tư của cô và kéo cô ra xa giấc mơ của mình vậy. Các khách hàng tiềm năng đã bắt đầu phàn nàn về thái độ không mấy thiện cảm của cô.
Xét về cơ bản, những hành động của Ingrid có vẻ vô lý. Cô đã tự quảng cáo về mình trên danh bạ điện thoại, bằng sự truyền miệng của các thân chủ và bằng tấm bảng hiệu nhỏ treo phía trước văn phòng làm việc. Việc chuông điện thoại réo liên tục chính là kết quả của những việc cô đang làm; thế nhưng lúc này, bản ngã của cô lại đang dẫn dắt cuộc đời cô. Thay vì thành thật với bản thân về những điều mình muốn, thì một phần bản ngã đã che lấp cái tôi tự tin của cô. Chính nó đã kéo cô đi ngược hướng mà cô mong muốn; và rồi phần oán giận lại xuất hiện để phản ứng lại phần đang dẫn dắt cuộc đời cô.
Ingrid áp dụng nguyên lý khoảng chân không bằng cách phát triển một mối quan hệ với phần oán giận của mình, hứa với nó rằng cô sẽ dành nhiều thời gian hơn cho đời sống xã hội nếu nó chịu bước sang một bên và đồng ý thư giãn. Khi ấy, phần oán giận trong con người cô đã tạo ra một khoảng trống để cô có thể bước lên phía trước, nơi mà cô niềm nở chào đón các thân chủ của mình. Cô cũng làm cho bản ngã của mình thư giãn đi bằng cách nhắc nhở nó rằng cô vẫn có thể tiếp tục thành công trong công việc, đồng thời có một cuộc sống riêng tư hạnh phúc. Khi phần oán giận và bản ngã cùng bước lùi về phía sau, chúng đã tạo ra khoảng trống để cái tôi tự tin của cô nắm giữ vị trí dẫn đạo. Ingrid bắt đầu tập thói quen ngừng làm việc khi kim đồng hồ chỉ đến sáu giờ tối mỗi ngày. Cô cũng dành ra những ngày cuối tuần và ngày lễ cho hoạt động vui chơi. Cô đi chơi với bạn bè nhiều hơn và gặp gỡ với nhiều người bạn mới. Từ những việc làm này, cô tìm được người chồng mong đợi, kết hôn, có con và vẫn tiếp tục thành công trong công việc.
Công việc kinh doanh nhà hàng của Phil đang sa sút nghiêm trọng vì cách quản lý yếu kém của anh. Anh là một chàng trai tốt bụng nhưng lại không biết nói “không” với các nhân viên của mình. Vì muốn mọi người đều yêu mến mình nên khi một người hầu bàn đến trễ, hoặc đầu bếp không đến làm việc, phản ứng của anh chỉ là: “Chuyện nhỏ thôi, tôi sẽ điều động người khác”. Dần dần, áp lực và sự hỗn độn nảy sinh từ việc nhân viên vắng mặt, đến trễ, về sớm hay những bữa ăn trưa kéo dài suốt hai giờ đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho nhà hàng.
Phil rất tức giận vì các nhân viên đã lợi dụng lòng tốt của anh. Nhưng vấn đề ở đây là chính phần luôn muốn làm hài lòng mọi người, chứ không phải cái tôi tự tin của anh, đang điều hành nhà hàng. Phần muốn làm hài lòng mọi người ấy có thể giúp anh được nhiều người yêu thích nhưng nó không thể tạo ra một cơ sở kinh doanh phát đạt. Phil buộc lòng phải quyết định việc gì là quan trọng hơn: được mọi người yêu mến hay công việc kinh doanh thành công. Một khi anh khám phá và hiểu được phần luôn muốn làm hài lòng mọi người trong con người mình, thì nó sẽ thư giãn và tạo ra khoảng trống cho cái tôi tự tin của anh quản lý mọi thứ một cách chặt chẽ hơn, trật tự hơn. Thêm vào đó, anh còn có thể thực hiện được những thay đổi cần thiết mà không mất đi sự yêu mến của các nhân viên; và thậm chí họ còn tỏ ra kính trọng anh hơn. Đó là nhờ vào đặc tính vốn có của cái tôi tự tin: nó giúp ta kết nối với những người xung quanh mà không cần phải lúc nào cũng cố làm hài lòng họ.
Nguyên lý khoảng chân không cho thấy rằng những phần trong con người ta có xu hướng gây hại hoặc cản đường ta - chẳng hạn như sự oán thù, sự giận dữ, nỗi sợ hãi, lo lắng, lòng ghen tỵ, nỗi đau, sự suy sụp - sẽ được giải tỏa nếu ta sẵn lòng thiết lập mối quan hệ thông hiểu với chúng. Chừng nào bạn còn chất chứa trong lòng những ảo tưởng đã không còn đúng với thực tế nữa thì khi đó, bạn sẽ không có chỗ cho cái tôi tự tin của mình. Có thể bạn sẽ mãi luẩn quẩn giữa sự oán giận và buồn bã mà chẳng thể hiểu được nguyên nhân vì sao.
Trong cuốn sách “The Seat of the Soul”, Gary Zukav quả quyết rằng có vô số những dòng chảy khác nhau tồn tại bên trong mỗi người chúng ta. Ông cho rằng chúng ta học cách trải nghiệm nguồn năng lượng của tâm hồn mình khi nhân cách của ta “học cách đánh giá và thừa nhận những dòng chảy phát ra sự sáng tạo, sự hàn gắn và tình yêu; đồng thời học cách phản đối và giải tỏa những dòng chảy phát ra sự tiêu cực, thiếu hài hòa và bạo lực”. Ông giải thích:
“Khi chúng ta sắp xếp những ý nghĩ, tình cảm và hành động của mình ngang hàng với những phần cao quý nhất trong con người mình, ta sẽ thấy lòng đầy hăng hái, sống có mục tiêu, có ý nghĩa. Lúc ấy, cuộc đời ta thật viên mãn. Ta chẳng có ý nghĩ gì về nỗi đắng cay hay bất kỳ ký ức nào về sự sợ hãi. Ta sống vui vẻ và chứa chan yêu thương trong thế giới của mình.”
Tình yêu, lòng trắc ẩn, sự rõ ràng và sáu chữ “C” khác là những phẩm chất của tâm hồn có thể bị những tổn thương trong quá khứ che khuất đi. Giải tỏa những tổn thương trong quá khứ sẽ xoa dịu ta, giúp ta cởi bỏ gánh nặng trên vai mình. Một khi ta đã giải phóng bản thân khỏi cái cũ thì ta sẽ sẵn sàng để đón nhận những cái mới. Việc cho qua sẽ mở rộng mọi ngõ ngách trong tâm hồn bạn để cho sự tiêu cực chảy đi và sự tích cực ùa vào.
Có rất nhiều cách để tạo ra khoảng chân không trong tâm hồn và khơi nguồn những dòng chảy. Sử dụng thế giới nội tâm và phát triển các mối quan hệ với những phần gây cản trở dòng chảy sẽ góp phần tạo nên phương pháp hiệu quả nhất.
Các phương pháp sau đây có thể giúp bạn tiếp cận với những phần bản ngã của mình, để bắt đầu hiểu và giúp chúng thư giãn cũng như để cái tôi tự tin của bạn có thể đứng vào vị trí dẫn dắt cuộc đời bạn:
• Nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy hoặc một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn khai thông dòng chảy và hòa mình với cuộc sống xung quanh.
• Tham gia những nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn bộc lộ cảm xúc và tình cảm trong bầu không khí thân mật.
• Viết nhật ký hoặc ghi âm lại những cảm xúc và ý nghĩ của mình sẽ giúp bạn khơi dòng cho nội tâm mình.
• Áp dụng mọi hình thức sáng tạo nghệ thuật, như kịch, âm nhạc hoặc thơ ca đều có thể giúp ích cho bạn.
• Việc giải tỏa những cơn nóng giận bằng các phương pháp mang tính xây dựng như đấm mạnh vào đất sét, dùng gậy đập mạnh vào bao cát hoặc đấm vào nệm sẽ giúp bạn giải tỏa sự kích động ra ngoài. Việc khóc lóc, la hét, đập phá và cười lớn trong những hoàn cảnh được kiểm soát sẽ cho phép các phần trong con người bạn giải phóng năng lượng của chúng.
• Việc tập luyện các môn thể thao như chạy bộ, nhảy aerobics, đi bộ... sẽ giúp bạn khống chế được sự chán nản, giận dữ cũng như những biểu hiện tiêu cực khác.
• Thực hành thiền định cũng là một phương pháp có thể giúp bạn khai thông các kênh cảm xúc. Thiền định có thể giúp bạn buông bỏ những cảm xúc, ý nghĩ, thái độ, quan điểm cứng nhắc về một tình huống phức tạp nào đó, cũng như có thể tìm ra giải pháp giải quyết tình huống ấy.
Cách duy nhất để bỏ quá khứ lại sau lưng là ghi nhớ và tha thứ, vì chúng sẽ giúp ta buông bỏ dễ dàng hơn. Còn việc quên đi, điều mà thật sự bạn không thể thực hiện được, chính là một dạng của sự kháng cự. Tha thứ cho người khác về những việc làm sai trái của họ là một hành động cơ bản của tình yêu thương bản thân, bởi bạn làm điều đó vì lợi ích của chính mình, chứ không phải vì người đã phạm lỗi với bạn. Bạn có thể tự giải thoát bản thân bằng cách tha thứ cho họ và giải tỏa nỗi oán giận trong lòng mình. Sự tha thứ sẽ tạo ra một không gian mà sau đấy sẽ được lấp đầy bằng cảm giác thanh thản, thông suốt và tự tin.
Bạn đang bị làm tổn thương hay đang được giúp đỡ khi khư khư ôm lấy thù hằn hoặc giận dữ? Bạn nghĩ mình sẽ ra sao nếu buông bỏ cảm giác ấy? Nếu bạn thấy mình đang bị làm tổn thương thì có nghĩa là đã đến lúc bạn nên tha thứ cho ai đó vì quyền lợi của chính mình. Với sự tha thứ của mình, bạn đã giải thoát mình khỏi tình trạng bị người khác chế ngự và những cảm xúc có hại cho bản thân. Việc cho qua này mang đến cho bạn sự thanh thản và một trái tim nhân hậu hơn. Nhưng cũng đừng vội vàng tha thứ cho ai đó nếu bạn chưa thật lòng muốn thế. Tác gia Sidney Harris(3) đã từng nói: “Chẳng có nghĩa lý gì khi bạn nói tha thứ cho ai đó mà vẫn ghim sâu sự việc trong lòng”. Bạn phải thật sự chân thành và sẵn lòng trút bỏ cơn giận dữ, sự tổn thương và những cảm xúc tiêu cực nảy sinh để có thể hoàn toàn được giải tỏa.
Khi thực hiện những điều này, chúng sẽ mang đến cho bạn kinh nghiệm thực tiễn để giải tỏa, không chỉ đối với những lỗi lầm trong quá khứ mà ngay cả với những điều có thể xảy đến trong tương lai. Hãy nghĩ về một người nào đó (bao gồm cả bản thân bạn) đã khiến bạn tổn thương hay giận dữ, một ai đó mà bạn lên án, chỉ trích hoặc đối xử không tốt. Đấy có thể là người đã có những hành động khiến bạn không hài lòng, hoặc một người làm bạn bực bội chỉ đơn thuần vì “bản chất vốn có” của họ.
Hãy thiết lập một mối quan hệ thân thiện với phần oán giận trong con người mình, cho nó biết rằng bạn có thể hiểu quan điểm của nó và giúp nó thấy được lợi ích của sự tha thứ. Hãy tiếp tục sự thấu hiểu và thông cảm cho đến khi phần oán giận ấy sẵn sàng tha thứ cho người phạm lỗi một cách hoàn toàn, với những điều họ đã làm lẫn những điều họ sẽ tiếp tục làm. Sau đó, hãy viết ra giấy tên của người phạm lỗi và những việc mà họ đã làm khiến cho bạn giận dữ.
Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng bạn đang nói chuyện với người ấy. Mường tượng ra cảnh người ấy đang làm những việc khiến bạn khó chịu. Kế tiếp, hãy hình dung bạn hoàn toàn tha thứ cho họ. Sau khi bạn cảm nhận được sự tha thứ thật sự xuất phát từ tim mình, bạn hãy mở mắt ra, xé vụn mảnh giấy và quẳng nó vào sọt rác. Sau này, khi nỗi oán giận ấy xuất hiện trở lại thì hãy cảm ơn nó vì đã chia sẻ với bạn và hãy nhắc nhở nó rằng bạn đã tha thứ cho người phạm lỗi ấy rồi.
Bạn có thể thực hành điều này thường xuyên khi cần để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực đối với người đã làm tổn thương bạn, người mà bạn không thích, hoặc người không hòa hợp với bạn, bằng cách thực hành theo lời khẳng định của Catherine Ponder khoảng mười lăm phút mỗi ngày:
“Tôi toàn tâm toàn ý và tự nguyện tha thứ cho anh. Đến giờ phút này, mọi rắc rối giữa hai ta đã kết thúc mãi mãi. Tôi không muốn làm tổn thương anh. Tôi cầu mong anh được bình yên. Tôi và anh đều được tự do và mọi việc giữa chúng ta đã tốt đẹp trở lại.”
Việc tha thứ cho người khác hoặc cho bản thân sẽ tạo nên một khoảng không cần thiết giúp bạn trút bỏ những oán hờn. Nếu bạn đã tự chỉ trích mình hay chỉ trích người khác thì phương pháp thiền định sẽ giúp tinh thần bạn thư giãn hơn. Sau khi ngồi thiền, hãy tự hỏi bạn thích lấp khoảng trống ấy bằng tính chất nào của cái tôi tự tin của mình. Sau đây là một phương pháp thiền thư giãn khác mà bạn có thể sử dụng để buông bỏ những ý nghĩ và cảm xúc buồn bực của mình.
“Tôi dần dần giải tỏa tất cả những ý nghĩ và cảm xúc buồn bực mà tôi đã mang nặng trong lòng suốt bấy lâu nay. Tôi cầu chúc cho anh được yên lành. Tôi hòa giải với tất cả và giải phóng bản thân mình. Khi các gánh nặng đã được trút bỏ, tôi mở rộng lòng mình để đón nhận những phúc lành của cuộc sống mang đến để lấp đầy chỗ trống ấy.”
Việc ứng dụng nguyên lý “Khoảng chân không” giúp bạn tạo ra một biến chuyển lớn trong ý nghĩ và cảm xúc của mình. Một khi những phần bản ngã đang cản đường cái tôi tự tin của bạn cảm thấy tin tưởng bạn hơn, chúng sẽ thư giãn và tạo khoảng trống cho những đặc tính mà bạn muốn tiếp đón để đem đến sự cân bằng cho cuộc sống của mình.
Bạn sẽ không thể có được một mối quan hệ mới, một công việc mới, hay một giai đoạn mới của cuộc sống một cách trọn vẹn cho đến khi bạn hoàn toàn nói lời chia tay với những cái cũ. Bài tập này có thể được sử dụng để giúp bạn thật sự rời bỏ mối quan hệ cũ, công việc cũ, cách làm việc cũ hoặc một giai đoạn của cuộc sống đã qua. Nó cũng có thể được sử dụng như một chất xúc tác trong những giai đoạn đầy mâu thuẫn để ghi nhớ điều thiêng liêng về thứ mà bạn đang từ bỏ và để nhen nhóm trong bạn niềm khao khát xác lập lại mối ràng buộc với nó.
Hãy hoàn thành mỗi câu hỏi và lời phát biểu ở bài tập sau:
BÀI TẬP BUÔNG BỎ
1. Bạn cảm thấy thế nào trong mối quan hệ với … (con người, nơi chốn, hoặc sự vật)?
2. Hãy kể tên những trải nghiệm tiêu cực mà bạn có, sau mỗi trải nghiệm hãy nói: Tôi nói lời chia tay với trải nghiệm đó.
3. Hãy kể tên những nỗi oán giận mà bạn mang trong lòng; và sau mỗi nỗi oán giận, hãy nói: Tôi nói lời chia tay với nỗi oán giận ấy.
4. Hãy kể tên những trải nghiệm tích cực mà bạn có, sau mỗi trải nghiệm hãy nói: Tôi nói lời chia tay với trải nghiệm ấy.
5. Hãy kể tên tất cả những sự ham thích mà bạn có trong mối quan hệ này; và sau mỗi niềm ham thích, hãy nói: Tôi nói lời chia tay với niềm ham thích ấy.
6. Hãy kể tên mỗi ước mơ mà bạn có trong mối quan hệ này và sau mỗi ước mơ hãy nói: Tôi nói lời chia tay với điều ấy.
7. Cuối cùng, hãy nói: Tôi đang giải thoát bản thân mình khỏi quá khứ mà tôi từng có cùng anh và tôi đang sẵn sàng để tiến vào tương lai của mình.
Có thể bạn cần phải thực hiện bài tập này nhiều lần cho đến khi hoàn toàn buông bỏ được những điều đã cũ và tạo ra khoảng trống để có được mối quan hệ mới, công việc mới, trải nghiệm mới hoặc một giai đoạn mới của cuộc đời. Một khi bạn cảm thấy mình đã tạo ra được một khoảng chân không, thì hãy hoàn tất lời khẳng định cuối cùng:
8. Và tôi nói “Xin chào” với:
__
Bài tập dưới đây có thể giúp bạn hiểu thấu đáo về một sự ngăn trở nào đấy đang tồn tại bên trong con người bạn. Hãy vẽ bốn bức tranh sau đây, mỗi bức trên một trang giấy riêng biệt. Khả năng nghệ thuật của bạn không thành vấn đề. Bạn có thể vẽ dạng hình que hoặc sử dụng các hình khối trừu tượng. Bạn có thể vẽ trong bao lâu cũng được.
Dẹp bỏ các chướng ngại vật
Hãy vẽ Vấn đề. Hãy nghĩ về một chướng ngại vật, một vấn đề mà bạn muốn thay đổi hoặc mang ra khỏi cuộc sống của mình. Trong lòng bạn cảm thấy thế nào về vấn đề đó? Hãy vẽ ra cảm giác ấy. Nếu vấn đề đó đến từ người yêu của bạn thì đừng vẽ vẻ mặt của người ấy lúc trách mắng bạn mà hãy vẽ cảm giác của bạn khi chuyện ấy xảy ra. Khi bạn đã hoàn thành bức vẽ đầu tiên, hãy ghi lại bất cứ lời lẽ, suy nghĩ, cảm xúc hay niềm tin gì đi cùng với vấn đề ấy.
Hãy vẽ Giải pháp. Nếu vấn đề này được giải quyết theo cách mà bạn muốn thì bạn cảm thấy thế nào? Hãy vẽ cảm giác của bạn về giải pháp ấy, chứ không vẽ gương mặt tươi cười của người bạn yêu thương. Hãy ghi lại bất cứ lời lẽ, suy nghĩ, cảm xúc hay niềm tin gì đi cùng với giải pháp ấy.
Hãy vẽ Chướng ngại vật. Điều gì bên trong con người bạn đã ngăn cản bạn chuyển từ vấn đề sang giải pháp. Hãy vẽ cảm giác của bạn về chướng ngại vật ấy, chứ đừng vẽ hình ảnh người yêu đang chỉ trích bạn. Một lần nữa, hãy ghi lại bất cứ lời lẽ, suy nghĩ, cảm xúc hay niềm tin gì đi cùng với chướng ngại vật ấy.
Hãy vẽ Sự giải thoát. Điều gì cần xảy đến bên trong nội tâm bạn để có thể giải phóng chướng ngại vật? Hãy vẽ thứ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn. Hãy vẽ hình dáng của sự giải thoát ấy, hoặc cảm giác của bạn về nó. Một lần nữa, hãy ghi lại bất cứ lời lẽ, suy nghĩ, cảm xúc hay niềm tin nào đi cùng với chướng ngại ấy.
Mục đích của thư giải tỏa là nhằm tạo khoảng không cho những cảm xúc giận dữ trong bạn, tránh để chúng bị dồn nén quá mức. Đây là lá thư để chính bạn đọc, chứ không phải dành cho một ai khác. Hãy để phần đang bực bội trong con người bạn cầm bút và bắt đầu với: “Bạn … (tên của người hoặc tình huống) thân mến”, rồi bắt đầu viết liên tục càng nhanh càng tốt. Cố gắng đừng cắt bỏ cảm xúc buồn bực hoặc điều chỉnh các dòng suy nghĩ của mình. Đừng cố gắng hợp lý hóa những gì bạn viết. Hãy nhớ rằng lá thư này là viết cho chính bạn chứ không ai khác. Khi đã hoàn tất, hãy đặt lá thư ở một nơi riêng tư hoặc hủy nó đi, vì đó là lúc nó đã hoàn thành sứ mệnh. Bạn có thể lặp đi lặp lại bài tập này, viết thư như đang nói với cùng một người hoặc một tình huống nào đấy cho đến khi cảm thấy vấn đề đã được giải quyết. Một khi bạn cảm thấy mình đã tạo được một khoảng không vừa đủ, hãy tự hỏi xem bạn muốn dùng điều gì để lấp đầy khoảng trống ấy – điều có thể giúp bạn cảm thấy vui vẻ thay vì giận dữ.