Khi đối diện với những tình huống mới, hãy giữ
cho đầu óc mình luôn rộng mở thay vì khép kín.
- Bryan Robinson
Luật Murphy(1)? Hãy cẩn thận với cách bạn xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau
Có một việc buồn cười đã xảy ra khi tôi đang chờ xe buýt ở sở thú Honolulu. Một chiếc xe hơi thể thao nhỏ màu đỏ bị chết máy ngay giữa đường và một cảnh sát đang đứng bên cạnh người tài xế. Chiếc xe chết máy khiến giao thông bị tắc nghẽn và nhiều người giận dữ bóp còi inh ỏi. Một người đã xuống xe và chạy đến xem có việc gì xảy ra. Bà tỏ ra vô cùng tức tối và lớn tiếng phản đối người cảnh sát: “Nếu ông muốn phạt thì sao không bảo cô ấy tấp xe vào lề, thay vì đứng đó mà cản trở giao thông?”.
Viên cảnh sát mở xe và cố khởi động máy nhưng cũng không được. Như vậy rõ ràng, khi đầu óc ta đã có sẵn định kiến, ta chỉ nhìn thấy được những ảo giác về điều mà ta nghĩ rằng đang diễn ra, hoặc những gì mà ta nghĩ về người khác, chứ không nhìn thấy được sự thật khách quan về họ.
Chiếc bóng đèn trong phòng tắm, phòng ngủ và nhà bếp bị hư cùng một lúc. Chiếc xe hơi bị xẹp lốp trên đường đến văn phòng. Trong khi đó, ở văn phòng thì kẹp giấy của bạn đã hết. Truyền hình cáp lại bị hỏng nữa chứ. Những điều vụn vặt này có thể khiến bạn phát điên lên. Thế là bạn không kiềm chế được mình, bắt đầu nguyền rủa và nổi đóa lên.
Bạn la ầm lên: “Ôi luật Murphy! Nếu điều gì tồi tệ có thể xảy đến trong đời tôi thì chắc chắn chúng sẽ đến đủ cả”. Nhưng liệu đó có phải là luật Murphy? Hay chính bản ngã của bạn đã cá nhân hóa những bực dọc ngẫu nhiên vụn vặt trong cuộc sống thường nhật?
Hãy để tôi giải thích vì sao luật Murphy là không có căn cứ khoa học và thực chất đó chỉ là định kiến của bản ngã luôn mong chờ những gì tồi tệ nhất trong cuộc sống. Bạn làm rơi một lát bánh mì phết bơ và cái mặt có bơ luôn bị úp xuống đất. Bạn sẽ bảo rằng đó chỉ là xui rủi thôi chứ chẳng chịu dựa vào khoa học? Nhà nghiên cứu Robert A. Matthew ở Đại học Aston tại Birmingham, Anh Quốc, đã tiến hành tìm hiểu điều này. Và Matthew cho biết việc bánh mì phết bơ luôn rơi với mặt có bơ úp xuống là theo quy luật vật lý. Tốc độ xoay của miếng bánh mì phết bơ quá chậm nên nó không thể xoay đủ một vòng và lật ngược mặt có bơ trở lại phía trên trước khi chạm đất. Ông kết luận rằng việc này chẳng có liên quan gì đến luật Murphy cả.
Hay một ví dụ khác: bạn nhận thấy dường như mình đã chọn phải quầy tính tiền chậm nhất trong cửa hàng tạp hóa. Bạn vẫn nghĩ rằng đó là do luật Murphy chứ không chịu tin vào điều Matthew đã nói? Sự thật là tất cả các quầy tính tiền đều hoạt động gần như với cùng một tốc độ. Mỗi quầy đều có thể bị chậm trễ do xuất hiện những tình huống ngẫu nhiên, chẳng hạn như thay băng keo cho máy thu ngân hoặc có một khách hàng bỏ sót món hàng nào đó. Giả sử như có ba quầy; và bạn chọn một trong số đó. Theo quy luật Murphy thì thời gian chờ đợi ở hàng bên trái hay hàng bên phải cũng đều ít hơn thời gian chờ đợi ở hàng của bạn.
Thật ra, những chiếc đèn bị hư cùng một lúc kia đã được sử dụng cùng một lúc và chúng có cùng tuổi thọ như nhau. Hay những tình huống xảy ra trong cuộc sống mà bản ngã của bạn liệt vào hàng tiêu cực đều có căn nguyên khoa học và chẳng hề liên quan tới cách bạn xâu chuỗi chúng lại với nhau như thế nào. Vì thế, khi bạn nhận thấy mình đang có phản ứng thái quá đối với những việc không diễn ra như mong muốn và hoạch định của bạn, hãy nhắc nhở phần bị kích động trong bạn rằng nó chỉ đang trải nghiệm những sự kiện ngẫu nhiên của cuộc sống. Vũ trụ không chống lại bạn và bạn cũng không phải là kẻ xúi quẩy. Bạn chỉ đơn thuần trải nghiệm những quy luật ngẫu nhiên mà thôi.
Trong hai mươi năm làm bác sĩ tâm lý, tôi đã điều trị cho nhiều người than vãn về cuộc sống khi họ không thể tìm được người trong mộng của mình. Tôi nhận thấy rằng một phần bản ngã vô thức trong những con người thú vị và đẹp đẽ này quyết định rằng chẳng ai hợp với họ cả (luật Murphy). Họ vẫn hẹn hò nhưng phần phòng thủ trong nội tâm họ luôn tỉnh thức và khiến họ khư khư giữ lấy quan điểm của mình, vội vã đưa ra phán xét hoặc để cho phần tiêu cực che khuất đi những mặt tích cực. Họ có thể trở thành người hay cáu bẳn, thiếu quyết đoán và hay hối tiếc. Tôi đã cố gắng giúp họ nhìn thấy được rằng phần phòng thủ trong con người họ đã quyết định kết quả và nó đã vô tình hành động theo cách tái khẳng định điều nó vốn tin tưởng. Nói cách khác, chẳng có gì là bất ổn với họ (và chẳng liên quan gì đến luật Murphy cả), mà chính những hành động của họ mới là nguyên nhân khiến họ thất bại trong chuyện hẹn hò.
Giả sử bạn đi chơi với một người mới quen và sau lần hò hẹn đầu tiên thì người ấy không liên lạc với bạn nữa. Lúc này bạn sẽ có kết luận gì? Tôi không phải là người thú vị hoặc Tôi không đủ sức cuốn hút. Một tháng sau, bạn phát hiện ra rằng người ấy đã nằm liệt giường suốt cả tuần lễ vì bị bệnh; và việc người ấy không điện thoại cho bạn chẳng liên quan gì đến bản thân bạn cả. Vậy mà bạn lại dành toàn bộ khoảng thời gian của mình để khắc khoải: “Điều gì bất ổn ở mình nhỉ?”. Tâm trí của bạn (cụ thể là phần phán xét) đã hình thành định kiến về cuộc hẹn hò trước khi bạn biết được sự thật. Nó đổ lỗi cho bạn một cách bất công mà chẳng cần chứng cứ gì cả. Liều thuốc chữa căn bệnh định kiến này - chuyển những ảo tưởng từ trải nghiệm cũ vào tình huống mới, thay vì nhìn nhận sự việc như nó vốn có - nằm ở bí quyết “Lối tư duy mở”.
Cũng giống như hầu hết mọi người, bạn có thể kỳ vọng rằng các tình huống sẽ diễn ra theo chiều hướng nào đấy trước khi nó thật sự xảy đến. Thường thì khi bạn nghĩ như thế nào thì sự việc sẽ diễn ra như thế ấy, bởi bản ngã sẽ dẫn dắt bạn hành động và ứng xử theo hướng bạn mong chờ. Phần bản ngã ấy được gọi là lời tiên tri theo ý nguyện của bản thân.
Khi bạn khư khư giữ lấy những kỳ vọng của mình và áp đặt chúng lên hiện tại thì chúng sẽ ngăn bạn nhìn thấy hiện tại như bản chất vốn có. Những kỳ vọng của bạn sẽ tạo ra định kiến về cách diễn tiến của sự việc cũng như cách ứng xử của mọi người ngay trước khi những việc ấy thật sự diễn ra; và khi tình huống đó xảy đến, bạn đinh ninh rằng kết quả sẽ đúng như định kiến của mình. Thông thường, nếu bạn cho rằng việc gì đấy sẽ diễn ra tồi tệ thì nó sẽ trở nên như thế thật bởi vì bạn đã suy nghĩ và hành động một cách vô thức để thực tế khớp với kỳ vọng của bạn.
Các định kiến sẽ khiến bạn đánh mất cơ hội để học hỏi và yêu thương. Những kỳ vọng đã được lên kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận và cư xử với đồng nghiệp, bạn bè cũng như những người thân yêu của mình; đồng thời nó còn ảnh hưởng đến cách bạn hiểu những cuộc đối thoại. Mặc dù việc học hỏi kinh nghiệm là điều rất quan trọng, song việc ý thức được khi nào thì những định kiến (cái phần bản ngã cũ kỹ) che lấp cái tôi tự tin của bạn cùng những kinh nghiệm mới cũng không kém phần quan trọng. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thành kiến, lòng căm thù và chiến tranh.
Các nhà siêu hình học từ lâu đã cho rằng chính những ý nghĩ và sự kỳ vọng của chúng ta tạo ra thực tế. Trong cuốn sách: “The Cosmic Power Within You” (Sức mạnh vũ trụ trong con người bạn), Joseph Murphy(2) đã giải thích quy trình này từ góc độ siêu hình học như sau:
“Bất cứ điều gì mà ý thức của bạn chấp nhận là sự thật sẽ gây ra một phản xạ tương ứng từ tiềm thức của bạn (chính là trí thông minh vô hạn trong con người bạn). Tiềm thức của bạn hoạt động thông qua quy luật sáng tạo phản ứng lại bản chất của ý nghĩ, khiến các tình huống, các trải nghiệm và các sự kiện diễn ra dưới những hình thái quen thuộc đối với thói quen tư duy của bạn.”
Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh được rằng chúng ta thường nhìn thấy những gì mình mong muốn. Trong một cuộc nghiên cứu, một nhóm người được yêu cầu quan sát một em bé chín tháng tuổi đang chơi với chiếc hộp hình nộm(3). Các nhà khoa học bảo với một nửa số người quan sát rằng đứa trẻ là bé trai và bảo với một nửa còn lại rằng đó là bé gái. Khi được yêu cầu mô tả lại phản ứng của đứa trẻ khi cái hình nộm bật ra khỏi hộp, những người nghĩ đứa bé là con gái nói rằng họ thấy bé “sợ hãi”; còn những người nghĩ đứa bé là con trai lại nói họ thấy bé “giận dữ”. Mục đích của cuộc nghiên cứu? Đó là nhằm chứng minh rằng khi ta có niềm tin khác nhau vào kết quả của một vấn đề, ta sẽ kỳ vọng, tìm kiếm và thấy được hai kết quả khác nhau. Khi ấy, tư duy của ta được bản ngã dẫn dắt và đi theo sự chỉ dẫn của hai kỳ vọng khác nhau ấy.
Nghiên cứu nổi tiếng nhất về lời tiên tri theo ý nguyện của bản thân chính là cuộc nghiên cứu về sự kỳ vọng của giáo viên đối với thành tích của học sinh. Các giáo viên được thông báo rằng một số học sinh của họ có trí thông minh tiềm tàng và những đứa trẻ này sẽ đạt được thành tích đặc biệt trong các năm học sắp tới.
Tuy nhiên, sự thật là những đứa trẻ được đánh giá là đặc biệt thông minh ấy được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Vì thế, chẳng có lý do gì (ngoài niềm tin của các giáo viên) để mong mỏi chúng sẽ đạt thành tích cao. Nhưng kết quả nghiên cứu vào cuối năm học cho thấy các em này quả thực đã có những bước tiến vượt bậc trong học tập. Từ những kỳ vọng của mình, các giáo viên đã đối xử với các học sinh theo cách khác đi và nhờ vậy mà các em đạt được thành tích cao.
Kết quả nghiên cứu này không chỉ được ứng dụng trong cách chúng ta đối xử với trẻ em mà còn được dùng cả trong cách ta tiếp cận cuộc sống nói chung. Bạn có thể tạo ra những phản ứng tích cực đối với các tình huống theo cách mà bạn đã tạo ra các phản ứng tiêu cực. Việc mở lòng với những trải nghiệm mới và việc cố gắng không để tâm trí mình bị chi phối bởi định kiến có thể mang đến cho bạn nhiều điều tốt đẹp.
Một luận đề cơ bản của Phật giáo là hãy đối xử với tâm trí mình như một chiếc giường chưa được dọn dẹp chứ không phải đã được sắp xếp ngăn nắp – đó là tư duy của người mới bắt đầu. Nếu bản ngã đã hình thành sẵn nhận định về vấn đề (đây là một trong những cách mà bản ngã dùng để bảo vệ ta) thì nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự thấu rõ của ta về hiện tại. Bạn sẽ không thể học hỏi từ những trải nghiệm mới hoặc đạt được sự thông suốt từ chúng.
Câu chuyện về một nông dân và hai người lạ mặt dưới đây sẽ minh chứng cho luận điểm vừa nêu:
Một ngày nọ, một người nông dân đang làm việc ngoài đồng thì có một người lạ mặt xuất hiện. Người lạ mặt nói:
- Tôi muốn dời nhà đến đây sinh sống nhưng không biết tính cách của người dân nơi đây như thế nào. Ông có thể vui lòng cho tôi biết không?
Người nông dân bèn hỏi lại:
- Thế những người hàng xóm trước của anh như thế nào? Người lạ mặt đáp: - Không tốt lắm. Họ ích kỷ, keo kiệt và chẳng thân thiện tí nào. Tôi rất mừng vì đã bỏ đi!
Người nông dân bảo:
- Ồ, tôi nghĩ anh sẽ tìm thấy những người như thế ở đây… ích kỷ, keo kiệt và chẳng hề thân thiện. Tôi nghĩ có lẽ anh chẳng thích ở đây đâu.
Người lạ mặt bỏ đi. Một lát sau, có một người khác xuất hiện, cũng đến từ cùng một hướng với người trước.
Người lạ mặt bảo:
- Tôi đang muốn chuyển nhà đến nơi ở mới. Ông có thể cho tôi biết tính cách của những người dân sống ở đây không.
Người nông dân hỏi:
- Thế những người nơi anh ở trước đây ra sao?
Người lạ mặt trả lời:
- Ồ, họ là những con người tuyệt vời. Họ rất rộng rãi, tốt bụng và thân thiện. Tôi thật sự rất tiếc khi phải rời xa họ.
Người nông dân bảo:
- Tôi nghĩ anh sẽ tìm thấy những con người cũng tốt giống như thế ở quanh đây … rộng rãi, tốt bụng và thân thiện.
Như vậy, ngụ ý của câu chuyện này chính là sự kỳ vọng có thể ngăn cản ta sống cuộc đời tự tin. Chúng ta thường mong chờ kết quả tồi tệ nhất trong những việc chưa xảy đến. Chúng ta kỳ vọng quá nhiều ở bản thân và người khác, để rồi liên tục bị thất vọng. Chúng ta mong mỏi người khác sẽ mang đến cho ta sự an toàn về cảm xúc. Ta hy vọng bản thân có thể làm việc hiệu quả hơn, nhanh nhẹn hơn. Ta kỳ vọng cuộc sống của mình sẽ không gặp khó khăn. Và chính những kỳ vọng này khiến ta cảm thấy căng thẳng và bực bội.
Một người quen của tôi miễn cưỡng mời mẹ anh đến chơi nhà. Mặc dù rất thương mẹ nhưng anh luôn cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh bà vì bà là người tiêu cực và hay gắt gỏng (nghĩa là anh dành cho bà sự phẫn uất). Hai ngày trước khi bà đến thăm, anh cảm thấy vô cùng hồi hộp và luôn nghĩ về những cuộc cãi vã sẽ xảy ra giữa hai người. Vậy là người đàn ông này đã tạo ra kết quả cuộc viếng thăm của mẹ anh cuối tuần. Chắc chắn những ý nghĩ tiêu cực của anh sẽ thành hiện thực.
Một ví dụ khác, giả sử bạn đang chuẩn bị đến buổi phỏng vấn xin việc và một vài thông tin cho biết rằng người phỏng vấn rất thân thiện và tốt bụng. Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ đến buổi phỏng vấn với tâm trạng thoải mái và bình tĩnh. Nhà tuyển dụng sẽ ghi nhận những biểu hiện đó của bạn đồng thời sẽ có ấn tượng tốt về bạn. Khi đó, ấn tượng tốt đẹp ấy sẽ được nhà tuyển dụng thể hiện qua thái độ hài lòng và những lời nhận xét tích cực mà ông ta dành cho bạn. Chính phản hồi này sẽ giúp bạn tiếp tục tự tin thể hiện bản thân và có thể được tuyển vào vị trí đó.
Ngược lại, giả sử có người bảo với bạn rằng người phỏng vấn rất cầu toàn, hay gắt gỏng và rất khó để làm vừa lòng ông. Có thể bạn sẽ bắt đầu buổi phỏng vấn với tâm trạng lo sợ, trừ phi bạn ứng dụng bí quyết tư duy mở. Sự thiếu tự tin của bạn có thể khiến bạn căng thẳng đến mức quên không cười; và thậm chí tỏ ra kém cỏi. Nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy sự lo lắng của bạn, để rồi có ấn tượng không tốt về bạn, cho rằng bạn là người yếu đuối hoặc không thể chịu áp lực. (Hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng cũng suy nghĩ dựa trên kỳ vọng của bản thân họ.) Sự lo lắng của bạn cũng có thể khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy không thoải mái. Bạn bắt đầu nhận ra thái độ không hài lòng ấy khi ông tỏ ra lạnh nhạt với bạn.
Quy tắc này cũng chi phối các mối quan hệ thân mật của bạn khi trong đầu bạn đã có sẵn định kiến. Jake, một bệnh nhân của tôi, tìm đến nhờ tôi tư vấn vì cho rằng vợ anh đang dối gạt anh. Nỗi sợ hãi của Jake lấn át đến nỗi anh quản lý từng cử chỉ nhỏ nhặt của vợ. Khi hai người đi dự tiệc, anh không bao giờ để cô đi khỏi tầm mắt của mình. Anh đi theo vợ mọi lúc nọi nơi, cả khi cô lấy đồ uống hay vào nhà vệ sinh (anh chờ cô ngoài cửa). Anh gửi hoa và thiệp cho vợ mỗi ngày và luôn miệng bảo rằng anh yêu cô. Hãy tưởng tượng nếu bạn là vợ của Jake thì bạn sẽ căng thẳng đến mức nào khi có người luôn bám riết lấy bạn và biết tất tần tật mọi cử động của bạn. Điều này đã khiến cô nổi cáu và đã nghĩ đến việc ly hôn.
Điều nghịch lý là khi chúng ta lo sợ sẽ bị bỏ rơi thì chính ta lại là người gây ra việc đó bằng cách giữ rịt lấy người mà ta yêu thương và bóp chết mối quan hệ của cả hai. Sau một thời gian, họ không chịu đựng được áp lực và sự giam hãm của ta, thế là họ ra đi, góp phần chứng thực cho cơn ác mộng tồi tệ nhất của ta. Những kỳ vọng của ta có tác dụng tự thỏa mãn; vì vậy, những kinh nghiệm trong cuộc sống của ta chính là những gì ta mong đợi. Nói cách khác, chúng ta chỉ thấy được những gì mà mình muốn thấy và tạo ra các tình huống tích cực hay tiêu cực tùy vào điều ta mong muốn.
Nỗi sợ hãi và tình yêu là hai thứ đối lập nhau. Bạn không thể yêu ai đó một cách trọn vẹn trong khi cứ nơm nớp lo sợ đánh mất họ. Điều nghịch lý là nếu mối quan hệ của bạn bị nỗi sợ hãi dẫn dắt thì bạn sẽ sớm làm cho mối quan hệ ấy kết thúc cũng như làm cho những điều bạn lo sợ trở thành sự thật. Vậy bạn sẽ làm gì với nỗi sợ bị bỏ rơi? Hãy bắt đầu bằng việc tìm xem nỗi sợ hãi ấy bắt nguồn từ đâu. Hầu như câu trả lời luôn nằm trong quá khứ. Chẳng hạn, Jake kể với tôi rằng vào năm chín tuổi, anh háo hức chạy về khoe với mẹ về bài kiểm tra đạt điểm cao của mình. Khi anh chạy ùa vào phòng ngủ của mẹ, anh bối rối nhìn thấy mẹ đang ở trên giường với vị mục sư. Bà đã đánh mắng anh vì tội xông vào phòng ngủ của bà. Kết quả là lòng nhiệt tình của Jake bị dồn nén còn niềm tin vào những người thân yêu của anh đã bị rạn vỡ mãi mãi. Khi lớn lên, anh trải qua nhiều mối tình và đều bị những người anh yêu lừa dối. Từ đó, Jake hình thành định kiến rằng không thể nào tin tưởng phụ nữ được và anh đã mang nó áp đặt lên vợ của mình - người không hề có ý định dối gạt anh.
Tôi nói với Jake rằng thật vô lý khi đổ lỗi cho vợ anh về những gì mà mẹ và các cô gái trước đã gây ra cho anh. Để cứu vãn cuộc hôn nhân của Jake, tôi đã giúp anh kết nối với phần lo lắng bị vợ dối gạt trong con người anh. Rõ ràng, phần lo lắng ấy đang cố gắng giúp anh ngăn vợ lừa dối để anh không bị tổn thương thêm lần nữa, nhưng vô tình nó đã tạo ra hiệu ứng trái ngược. Dần dần, Jake đã nhẹ nhàng tách khỏi phần lo lắng ấy và kết nối khắng khít hơn với cái tôi tự tin. Việc này đã giúp anh nhìn nhận vợ khác đi và từ đó thay đổi cách cư xử của mình. Chính điều này đã giúp anh cảm thấy thư thái hơn và cải thiện được mối quan hệ với vợ.
Một mối quan hệ tự tin phải được xây dựng trên sự tự do, chứ không phải sự chiếm hữu. Những mối quan hệ mạnh mẽ đều dựa trên niềm tin và sự tự do; còn các mối quan hệ non yếu thì dựa trên sự sợ hãi, dẫn tới sự lạm quyền và chiếm hữu. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn như: “Anh ấy sắp sửa bỏ rơi tôi” hay “Cô ấy sắp tìm được người mới”, thì rất có thể chính những trải nghiệm trong quá khứ của bạn đang tạo ra những nỗi lo lắng ấy. Đó là một trải nghiệm cũ chẳng liên quan gì đến hiện tại cả. Phần bị tổn thương bởi những nỗi đau trong quá khứ có thể đang thu thập bằng chứng dựa trên nỗi sợ hãi vô căn cứ và trở thành gánh nặng cho mối quan hệ hiện tại của bạn. Những nỗi sợ hãi vô căn cứ này có thể gây tổn hại cho mối thâm tình của bạn, tạo ra khoảng cách giữa bạn và người mà bạn yêu thương. Khi bạn tách mình khỏi phần bị tổn thương ấy và phát triển một mối quan hệ gần gũi với nó, bạn có thể chấm dứt tình trạng bị nó chi phối đồng thời nhìn nhận những người thân yêu của mình theo đúng bản chất của họ.
Kimberly thường gặp rắc rối vào những ngày cuối tuần và ngày lễ. Việc thức dậy với cảm giác rỗi rãi khiến cô cảm thấy bất an. Suốt những giờ nhàn rỗi ấy, cô cảm thấy bồn chồn không yên. Cô cho rằng nếu không cảnh giác thì có thể những điều cô đang lo lắng sẽ xảy đến và khiến cô bị tổn thương. Thế nên cô đã luôn ở trong tình trạng cảnh giác cao độ với những điều không mong muốn, thậm chí ngay cả khi mọi việc đều ổn thỏa. Cô lấp đầy khoảng thời gian rỗi rãi vào những ngày cuối tuần bằng lịch làm việc kín mít để có được cảm giác an toàn hơn. Mặc dù việc này có vẻ giúp cô làm dịu được nỗi lo lắng nhưng nó lại cướp đi của cô tính linh động và những giờ phút thư thái để tận hưởng cuộc sống.
Bạn có lo sợ vì những việc đã xảy ra? Bạn có khư khư giữ lấy hình ảnh của những nỗi sợ hãi cũ - cảm giác cồn cào trong dạ, gánh nặng trên vai và câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu …?” ở trong đầu? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không được thăng chức? Nếu họ không thích tôi thì sao?
Tôi không cần phải nói với bạn về tác hại của những ý nghĩ vô căn cứ ấy đối với cuộc sống của bạn, khiến bạn mắc kẹt trong quá khứ và tương lai ra sao. Cái tương lai ảm đạm do trí óc bạn tạo ra khiến bạn đánh mất những phút giây hiện tại. Mặc dù sự lo lắng có thiện chí nhưng có thể nó giống như những bóng ma ám ảnh bạn không ngừng, khiến cho quá khứ tái diễn trong hiện tại. Liệu tôi có đạt được chỉ tiêu của mình? Liệu năm tới tôi có việc làm hay không? Liệu tôi có còn hấp dẫn? Liệu hôn nhân của tôi có kéo dài?
Sự lo lắng (một phần của bản ngã) luôn đi trước bạn như một hướng đạo sinh, cảnh báo bạn về những tình huống đầy thử thách mà bạn có thể sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, về bản chất, nó giống như một kẻ lén lút, ẩn nấp đâu đó phía sau bạn khi bạn có một ngày làm việc căng thẳng hoặc vừa tranh cãi với ai đó. Giống như những phần bản ngã có chức năng bảo vệ bản thân ta, sự lo lắng là một lời nhắc nhở liên tục để ta nhớ rằng mình không có thời gian vô hạn để hoàn thành sứ mạng của mình. Khi sự lo lắng dẫn dắt bạn, cái neo của nó có thể nhấn chìm và đánh gục bạn nếu bạn cứ khư khư ôm lấy những phiền muộn trong quá khứ, trong hiện tại và cả những điều mà bạn nghĩ sẽ xảy đến trong tương lai. Khi nỗi lo lắng của bạn biến thành câu hỏi: “Điều gì xảy ra nếu …?” thì chúng sẽ lan rộng ra và những ý nghĩ của bạn về chúng sẽ bị bóp méo. Khi ấy, bạn nghĩ mình đang phải đối phó với một rắc rối rất lớn, chứ không nhìn nhận nó theo đúng bản chất.
Đôi khi, sự lo lắng xuất hiện trong lúc mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp và khiến bạn tự nhủ rằng làm gì có chuyện hoàn hảo như thế. Thay vì nắm bắt sự êm ả ấy, tâm trí bạn lại chạy theo những điều tồi tệ nhất. Khi nỗi lo lắng chiếm giữ tâm trí của bạn, cả lúc bình yên lẫn khi gặp rắc rối, nghĩa là khi đó, bạn đang có cuộc sống lo lắng không ngừng. Và điều đó sẽ cướp đi của bạn sự tự tin và hạnh phúc mà cuộc đời ban tặng.
Dù không cố ý nhưng sự lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, đặt bạn vào tình thế “chiến đấu hay bỏ chạy” – một tình thế khẩn cấp mà cơ thể bạn tiết ra adrenaline, dẫn đến sự bào mòn sức khỏe, tựa như bạn phải chịu đựng một trải nghiệm kinh hãi thật sự vậy. Hậu quả của việc này là bạn sẽ bị kiệt quệ về mặt tình cảm, suy sụp và đau ốm.
Bạn có đang chờ đợi chiếc rìu bổ xuống hay có đang lo lắng rằng một việc tồi tệ sắp xảy ra mặc dù chẳng có lý do gì để phải tỏ ra như thế? Nếu có thì bạn hãy bắt đầu với sự hiếu kỳ để xem liệu mình có thể hiểu rõ hơn về phần kích động ấy hay không. Hãy tự nhắc nhở rằng nỗi lo lắng chỉ là ý nghĩ vô căn cứ đang cố thuyết phục bạn tin vào nó đồng thời chỉ là một sự kích động của các khớp nối thần kinh trong não. Khi bạn tách mình ra khỏi nỗi lo lắng, hãy xem thử liệu bạn có thể hiểu được nguồn gốc của nó cũng như tại sao nó lại quá kích động như thế hay không. Hãy xem thử liệu bạn có thể cảm kích trước sự bảo vệ mà nó dành cho bạn hay không. Một khi đã hiểu được mục đích tốt đẹp của nó, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy trân trọng công sức khó nhọc của nó hơn. Hãy cố gắng tạo mối quan hệ tốt với phần lo lắng trong con người mình bằng cách để cho nó cảm nhận được sự tồn tại của cái tôi tự tin của bạn. Hãy mang đến cho nó sự an ủi để nó không cảm thấy đơn độc đồng thời xét xem liệu nó có chịu thư giãn hay không. Bạn có thể sử dụng bí quyết này để đối phó với bất kỳ phần bản ngã mạnh mẽ nào đang chiếm giữ cuộc đời bạn và che khuất cái tôi tự tin của bạn.
Việc lo lắng về những điều rắc rối, bất mãn và bất hạnh có thể sẽ mang đến cho bạn đúng những điều ấy. Ngược lại, sự kỳ vọng vào cuộc hành trình trôi chảy, thỏa mãn và hạnh phúc sẽ lấp đầy cuộc sống của bạn bằng chính những điều tích cực ấy. Hãy cố gắng yêu cầu những ảo giác trong quá khứ của bạn đứng sang một bên và xem liệu bạn có thể tiếp cận tình huống mới bằng lối tư duy rộng mở hay không. Hãy tặng cho mình một món quà bằng cách để cho hoàn cảnh tự nói lên bản chất của nó, đồng thời hãy mở rộng lòng mình để đón nhận những điều mới lạ cũng như những khả năng vô hạn thay vì làm méo mó chúng đi. Tư duy mở cho phép bạn nhìn nhận cuộc đời theo đúng bản chất của nó chứ không như những gì bạn nghĩ. Tư duy mở chứa đầy sự sáng tạo. Nó tìm ra phương pháp chữa bệnh bại liệt, vẽ nên các kiệt tác hội họa của thánh đường Sistine Chapel(4) và đưa con người lên mặt trăng. Tư duy mở có thể đưa bạn lên tầm cao mới của sự hiểu biết về bản thân, sự mãn nguyện và tự tin.
Xóa bỏ định kiến
Bạn có thể ứng dụng bí quyết “Tư duy mở” mỗi ngày. Hãy bắt đầu với nhận thức rằng chúng ta thường có xu hướng tiếp cận các tình huống với một định kiến nhất định và nó dẫn dắt ta nhìn thấy những điều mà ta đang tìm kiếm. Ý tưởng này có vẻ rất giản đơn nhưng đừng vội xem thường sức mạnh và khả năng ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với cuộc đời bạn. Hãy tìm cách xóa bỏ định kiến và giữ cho đầu óc mình rộng mở để đón nhận những trải nghiệm mới. Đây là hai cách để bạn có thể ứng dụng bí quyết này:
1. Hãy bắt đầu với một định kiến đang có trong đầu bạn. Việc tách mình khỏi định kiến ấy, làm bạn với nó và an ủi nó có thể tạo ra khoảng trống để những ý nghĩ thoáng hơn (cái tôi tự tin) xuất hiện. Ví dụ, ý nghĩ: “Nếu tôi bỏ công việc này, tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được công việc nào có mức lương tốt như thế” có thể được chuyển thành: “Tôi có thể tìm được công việc mà tôi thật sự yêu thích, phát huy khả năng của tôi và có mức lương tốt”. Sự xuất hiện của những ý nghĩ thông thoáng là điều hoàn toàn có thể. Hãy viết ra những ý nghĩ mới của bạn, đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất và thường xuyên nhắc nhở mình ghi nhớ chúng. Hãy luôn ghi nhớ rằng lòng tự tin của bạn không phải được định hình từ những gì cuộc đời mang đến cho bạn mà chính là từ những suy nghĩ thông thoáng của bạn về chúng.
2. Hãy suy nghĩ về câu châm ngôn: “Sự kỳ vọng chính là những oán giận được lập trình trước”. Rồi hãy nghĩ về một ai đó mà bạn rất sợ tiếp xúc trong tương lai. Hãy tự hỏi xem có phải bạn đã quyết định về kết quả của sự việc và đã có những phản ứng tiêu cực trước khi sự việc ấy thật sự xảy ra hay không. Tiếp theo, hãy suy ngẫm về phần sợ hãi trong bạn và nhẹ nhàng yêu cầu nó bước sang một bên để nhường chỗ cho cái tôi tự tin dẫn dắt cuộc đời bạn. Sau đó, hãy để ý xem liệu cái tôi tự tin của bạn có đứng ở vị trí tiên phong và liệu trải nghiệm của bạn về tình huống ấy có khác so với định kiến ban đầu của bạn về nó hay không.
Trong cuốn sách Creative Visualization (Sự tưởng tượng sáng tạo), Shakti Gawain(5) nói rằng:
“Việc đơn thuần có một ý tưởng hay một suy nghĩ trong đầu là một dạng năng lượng có xu hướng thu hút và sáng tạo nên hình thái của nó trong thế giới vật chất. Nếu bạn liên tục nghĩ về bệnh tật, bạn sẽ dần dần trở nên ốm yếu; nhưng nếu bạn tin rằng mình xinh đẹp, bạn sẽ trở nên như thế thật.”
Việc thực hành tưởng tượng rằng cái tôi tự tin của bạn đang kìm giữ hoặc đang cùng tồn tại với bản ngã có thể giúp bạn nhìn thấy được những kết quả tích cực và tạo ra chúng trong cuộc sống của mình:
Hãy ngồi trong tư thế thoải mái ở một nơi mà bạn cảm thấy không bị phân tâm trong năm hoặc mười phút. Nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở của mình. Hãy hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Hãy làm cho cơ thể bạn hoàn toàn thư giãn. Tiếp tục hít thở và thư giãn cho đến khi bạn đạt đến trạng thái thư giãn hoàn toàn. Hãy xem liệu bạn có thể đắm mình trong cái tôi tự tin hay không. Hãy suy ngẫm về những điều bạn mong muốn diễn ra trong đời mình. Hãy tưởng tượng về những kết quả tích cực mà bạn muốn trở thành hiện thực trong đời mình. Hãy tưởng tượng cái tôi tự tin của bạn xuất hiện trong những tình huống mà bạn trông đợi. Hãy tưởng tượng chúng đang diễn ra một cách sống động và bạn đang nhìn thấy từng chi tiết cụ thể của sự kiện ấy. Hãy tìm hiểu xem phần nào trong con người bạn bị kích động khi bạn đang tưởng tượng về những điều bạn mong muốn xảy ra. Hãy ghi nhận và trân trọng từng phần ấy, chẳng hạn như sự e ngại hoặc hoài nghi xuất hiện đi kèm với những mối bận tâm về điều mà bạn đang tưởng tượng. Hãy cứ để chúng ở đấy đồng thời quan sát chúng khi bạn tiếp tục tưởng tượng. Hãy chào đón tất cả các phần trong con người mình, kể cả phần kháng cự. Hãy cam đoan với chúng rằng tất cả những gì bạn đang làm là tưởng tượng. Hãy mời chúng cùng tham gia tưởng tượng với bạn.
Hãy mường tượng về những điều bạn muốn bằng càng nhiều cách càng tốt. Sau đó, hãy mở mắt ra và khẳng định kết quả mà bạn khao khát có được như thể nó đã thật sự xảy ra. Hãy viết nó ra và ngắm nghía nó trên giấy: Tôi đang trải nghiệm …
Hãy lặp lại bài tập này thường xuyên.
Bất luận là bạn chọn phương pháp siêu hình hay khoa học, thì kết quả mà bạn nhận được đều có thể như nhau nếu bạn có những kỳ vọng đầy tự tin. Bạn có thể tưởng tượng về một công việc khiến bạn hài lòng, một mối quan hệ lành mạnh, một trận golf thành công, một căn nhà mới, sự thanh thản trong nội tâm hoặc sự phát đạt. Hãy liệt kê và mường tượng những khao khát của mình, càng cụ thể càng tốt. Hãy tưởng tượng tất cả những kỳ vọng của mình đều trở thành hiện thực. Hãy tạo ra những kết quả đầy tự tin, mường tượng về chúng càng nhiều càng tốt và đừng bao giờ từ bỏ chúng. Những ý nghĩ của chúng ta có thể trở thành hiện thực khi ta cho chúng nguồn năng lượng tích cực và khi ta hợp tác với bản ngã của mình để trải nghiệm chúng như thể chúng đã trở thành sự thật. Nếu như kết quả mà bạn mong đợi không xảy đến thì hãy kiểm tra xem liệu tư duy được rèn giũa của bạn có đang chắn đường hay không. Nếu đúng như vậy, hãy hợp tác một cách sâu sắc và đầy tình cảm với những phần bản ngã ấy như đã nêu ở chương trước.