Nghệ thuật quyến rũ

NGƯỜI ĐÀN BÀ DUYÊN DÁNG

Duyên Dáng là quyến rũ không cần đến tình dục. Những Người Đàn Bà Duyên Dáng là những người vận dụng thao tác rất tài tình, che đậy sự thông minh của họ bằng cách tạo sự vui vẻ và thỏa mái. Phương pháp của họ rất đơn giản: Chuyển hướng chú ý từ bản thân họ sang mục tiêu của mình. Họ thấu hiểu tâm hồn bạn, cảm được nỗi đau của bạn, hành động tùy theo tâm trạng của bạn. Khi có mặt Người Đàn Bà Duyên Dáng bạn thấy bản thân mình như tốt hơn. Những Người Đàn Bà Duyên Dáng không cãi cọ hay đánh nhau, không than phiền hay quấy rầy – vậy cái gì có thể quyến rũ hơn thế? Bằng cách lôi kéo bạn vào sự nuông chiều của mình, họ làm bạn thành người phụ thuộc và quyền lực của họ sẽ ngày càng tăng. Hãy học ở Người Đàn Bà Duyên Dáng cách quyến rũ; trước hết là nhằm vào những điểm yếu cơ bản nhất của con người: Tính kiêu căng và tự ái.

Duyên dáng

Tình dục là cực kỳ phiền phức. Những nỗi bất an và những tình cảm tình dục khơi gợi nên thường làm đoản mệnh mối quan hệ mà nếu không có tình dục sẽ càng sâu đậm và kéo dài hơn. Cách giải quyết của kẻ quyến rũ là thỏa mãn những khía cạnh của tình dục vốn tỏ ra rất cuốn hút và say mê – sự quan tâm được tập trung, lòng tự tôn được nâng lên, sự chèo kéo vui vẻ, sự hiểu biết (dù là thực hay giả tạo) – nhưng loại trừ đi chính tình dục. Không phải kẻ quyến rũ đè nén hay cản trở tình dục; ẩn sâu bên dưới bề mặt của bất kỳ một ván cờ quyến rũ nào cũng là một sự mời gọi về tình dục, một khả năng. Quyến rũ không thể tồn tại mà không có bất kỳ một biểu hiện nào về sự hồi hộp tình dục. Tuy nhiên nếu tình dục không được ngăn chặn hay không được giữ làm hậu cảnh thì sự quyến rũ sẽ không thể được duy trì.

Từ “charm” (duyên dáng) được xuất phát từ chữ carmen trong tiếng Latinh, đó là một bài hát nhưng cũng là một cụm từ đặc biệt có liên quan đến việc đọc những câu thần chú ma thuật. Kẻ quyến rũ thầm nắm rõ điển cố này, y tạo ra một câu thần chú bằng cách mang đến cho con người một thứ níu giữ sự chú ý của họ, say mê họ. Và bí mật đối với việc nắm bắt sự quan tâm của mọi người đồng thời hạ thấp sức mạnh lý trí của họ chính là tác động lên những điều mà họ có ít quyền kiểm soát nhất: Cái tôi, bản ngã, và lòng tự tôn của họ. Như Benjamin Disraeli đã nói, “Hãy nói chuyện với một người đàn ông về chính bản thân anh ta và anh ta sẽ lắng nghe hàng giờ liền.” Chiến thuật quyến rũ không bao giờ là rõ ràng; sự tinh tế chính là kỹ năng tuyệt vời của kẻ quyến rũ. Nếu đối phương bị buộc phải ngăn không cho nhìn thấu những kế hoạch của kẻ quyến rũ, ngăn không cho phát sinh những nỗi hoài nghi, hay thậm chí trở nên chán ngán sự quan tâm, một sự tác động nhẹ nhàng là thiết yếu. Kẻ quyến rũ như một tia sáng không chiếu trực tiếp lên đối phương nhưng chiếu tỏa một luồng ánh sáng được tỏa lan một cách dễ chịu lên đối phương.

Quyến rũ có thể được áp dụng cho cả tập thể lẫn cá nhân: Một người lãnh đạo có thể quyến rũ công chúng. Sự linh động là như nhau. Sau đây là những quy luật của quyến rũ, được rút ra từ những câu chuyện về những kẻ quyến rũ thành công nhất trong lịch sử.

Làm cho đối phương trở thành trung tâm của sự chú ý. Những kẻ quyến rũ ẩn mình vào hậu cảnh; đối tượng của họ trở thành chủ thể cho niềm thích thú của họ. Để trở thành một kẻ quyến rũ bạn phải học cách lắng nghe và quan sát. Hãy để cho đối phương nói, bộc lộ chính con người họ trong quá trình giao tiếp. Khi bạn hiểu biết về họ nhiều hơn – điểm mạnh của họ, và quan trọng hơn cả là điểm yếu của họ – bạn có thể cá nhân hóa sự quan tâm của mình, si mê với những nhu cầu và ham muốn cụ thể của họ, định hướng cho những lời tâng bốc của bạn nhắm vào những cảm giác bất an của họ. Bằng cách điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần của đối phương và cảm thông với những nỗi đau thương của họ, bạn có thể làm cho họ cảm thấy cao trọng hơn và tốt hơn, xác đáng thang giá trị bản thân họ. Hãy làm cho họ trở thành ngôi sao của buổi diễn và rồi họ sẽ trở nên chết mê chết mệt lấy bạn và ngày càng trở nên phụ thuộc vào bạn. Nói chung, hãy thể hiện những cử chỉ tự hy sinh (dù cho có giả tạo thế nào đi nữa) để tỏ bày cho công chúng thấy rằng bạn cùng chia sẻ nỗi đau với đối phương và đang làm việc trong niềm thích thú của họ, lòng vị kỷ chính là hình thức công khai của thuyết duy ngã độc tôn.

Hãy là nguồn vui. Không ai muốn nghe về những khó khăn hay rắc rối của bạn. Hãy lắng nghe những lời than phiền của đối phương, nhưng quan trọng hơn hãy tách biệt họ ra khỏi những rắc rối bằng cách mang lại cho họ niềm vui. (Hãy làm điều này thường xuyên và đối phương sẽ chìm sâu trong bùa mê của bạn.) Thoải mái và vui vẻ luôn luôn hấp dẫn hơn nghiêm túc và xét nét. Tương tự một sự hiện diện đầy sức sống thì quyến rũ hơn tình trạng thiếu sinh khí vốn ám chỉ tới sự nhàm chán, một điều cấm kỵ nghiêm trọng xã hội; lịch lãm và phong cách thường sẽ lấn át sự thô lỗ, vì hầu hết mọi người thích liên tưởng bản thân họ với bất kỳ điều gì mà họ nghĩ là thanh cao và có văn hóa. Trong thế giới chính trị hãy phô bày ảo giác và tưởng tượng thay vì thực tế. Thay vì bảo mọi người hy sinh cho những điều tốt đẹp lớn lao hơn, hãy nói về những vấn đề đạo đức cao trọng hơn. Một sự cuốn hút khiến mọi người cảm thấy vui vẻ sẽ chuyển thể thành những lá phiếu và quyền lực.

Biến sự thù địch thành hòa thuận. Triều đình là một cái nôi của sự ghanh ghét vì đố kỵ, là nơi mà sự chua cay của một Cassius bí ẩn đơn độc nhanh chóng biến thành âm mưu. Kẻ quyến rũ biết cách xoa dịu sự xung đột. Đừng bao giờ khơi lên những thù hằn sẽ trở nên miễn nhiễm với bùa mê của bạn; khi đối mặt với những người hung hăng, hãy thối lui, để cho họ giành được những chiến thắng nhỏ nhoi của họ. Nhượng bộ và nhún nhường sẽ lấy đi sự hiếu chiến ra khỏi bất cứ kẻ thù tiềm tàng nào. Đừng bao giờ phê bình mọi người một cách công khai – điều đó sẽ chỉ làm cho họ cảm thấy bất an và cự tuyệt sự thay đổi. Hãy gieo giống những ý tưởng, ám chỉ những gợi ý. Bị quyến rũ bởi tài ngoại giao cảu bạn, mọi người sẽ không để ý thấy quyền lực đang dần lớn mạnh của bạn.

Dẫn dụ đối phương vào sự dễ chịu và thoải mái. Quyến rũ giống như cách thức sử dụng một chiếc đồng hồ đung đưa của một nhà thôi miên: Đối phương càng cảm thấy thư giãn bao nhiêu, việc uốn nắn họ đi theo ý chí của bạn sẽ càng dễ dàng bấy nhiêu. Mấu chốt đối với việc khiến cho đối phương cảm thấy thoải mái chính là bắt chước họ, điều chỉnh cho phù hợp với tâm trạng của họ. Con người là những thực thể như chàng Narcis – họ bị cuốn hút bởi những ai trông giống họ nhất. Hãy ra vẻ chia sẻ những giá trị và thị hiếu của đối phương, ra vẻ thông hiểu cảm nghĩ của họ, rồi họ mắc phải bùa mê của bạn. Điều này tỏ ra đặc biệt hiệu quả nếu bạn là một người quan sát: Việc tỏ ra là bạn có cùng những giá trị của tập thể hay quốc gia mà bạn sinh sống (bạn đã học biết ngôn ngữ của họ, bạn thích những phong tục tập quán của họ, và nhiều điều khác) là cực kỳ hấp dẫn, vì đối với bạn sự ưa thích này là một lựa chọn chứ không là vấn đề sinh quán. Đừng bao giờ chọc giận hay ngoan cố một cách công khai – những phẩm chất không quyến rũ này sẽ hủy hoại sự thư thái bạn cần để thực hiện bùa chú của mình.

Hãy tỏ ra điềm đạm và tự chủ khi đối mặt với nghịch cảnh. Nghịch cảnh và khó khăn thực sự mang lại môi trường hoàn hảo cho việc quyến rũ. Phô bày một vẻ bề ngoài điềm tĩnh khi đối mặt với những điều không vui khiến mọi người cảm thấy thoải mái. Bạn có vẻ kiên nhẫn, như thể chờ đợi định mệnh phát cho bạn một quân bài tốt hơn – hoặc như thể bạn tự tin rằng bạn có thể quyến rũ chính định mệnh. Đừng bao giờ tỏ ra giận giữ, thất thường hay thù hằn hay tất cả những xúc cảm phiền toái khác làm người khác thu mình lại. Trong những hoạt động chính trị ở những tổ chức lớn, hãy đón chào nghịch cảnh như một cơ hội để thể hiện những phẩm chất quyến rũ của lòng khoan dung và sự điềm tĩnh. Hãy để những người khác lo lắng và buồn bực – sự tương phản bạn có sẽ làm tăng thêm lợi thế của bạn. Đừng bao giờ ca thán, đừng bao giờ than phiền, đừng bao giờ cố biện minh cho bản thân.
Hãy tỏ ra hữu ích. Nếu bạn thực hiện điều này một cách tinh tế, khả năng cải thiện cuộc sống của những người khác của bạn sẽ cực kỳ quyến rũ. Lúc này, những kỹ năng xã hội của bạn sẽ tỏ ra quan trọng: Tạo ra một mạng lưới rộng lớn những người bạn đồng minh sẽ mang lại cho bạn sức mạnh để liên kết mọi người lại với nhau, điều này sẽ khiến họ cảm nhận được rằng khi biết bạn họ có thể khiến cho cuộc sống của mình trở nên dễ dàng hơn. Đây là điều mà không ai cưỡng lại được. Đi tới cùng chính là mấu chốt: Rất nhiều người sẽ quyến rũ bằng cách hứa hẹn đối phương những điều tuyệt vời – một công việc mới, một mối quan hệ mới, hay một ân huệ lớn lao chẳng hạn – những nếu họ phóng lao mà không theo lao họ sẽ tạo nên những kẻ thù thay vì những người bạn. Ai cũng có thể hứa hẹn; nhưng điều khiến bạn khác biệt họ, khiến bạn hấp dẫn, là khả năng đi tới nước cờ cuối cùng của bạn, theo sát lời hứa của mình bằng một hành động dứt khoát. Ngược lại, nếu ai đó cho bạn một ân huệ, hãy tỏ lòng biết ơn của bạn một cách cụ thể. Trong một thế giới chỉ toàn ảo tưởng và phù du thì hành động đích thực và sự hữu ích thực sự có lẽ là điều quyến rũ tột đỉnh nhất.

Những trường hợp điển hình

1. Đầu những năm 1870, nữ hoàng Victoria vương quốc Anh rơi vào một giai đoạn thê thảm trong đời sống của mình. Người chồng dấu yêu của bà, hoàng tử Albert đã qua đời vào năm 1861, để lại bà trong cảnh đau thương cùng cực. Trong tất cả những quyết định của mình, nữ hoàng đều dựa dẫm sự cố vấn của chồng; vì bà quá thất học và non kém kinh nghiệm để có thể làm gì khác, hoặc vì mọi thần dân khiến nữ hoàng cảm nhận như thế. Quả thực, sau cái chết của Albert, những vấn đề về quốc sách hay những buổi nghị sự đã khiễn cho bà ngán ngẩm đến rơi nước mắt. Bấy giờ nữ hoàng Victoria dần dần giấu mình khỏi ánh mắt của công chúng. Kết quả là thượng viện trở nên ít nổi tiếng và vì thế mà quyền lực cũng dần mai một.

Năm 1874, đảng Bảo Thủ lên nắm quyền, người đứng đầu đảng này là Benjamin Disraeli 70 tuổi trở thành thủ tướng. Những quy tắc trong quá trình ngồi vào chiếc ghế thủ tướng đòi hỏi ngài thủ tướng phải tới điện thượng viện để gặp riêng nữ hoàng, lúc bấy giờ đã 55 tuổi. Khó mà tưởng tượng được là hai người có thể thành đối tác: Disraeli, sinh thời theo đạo Do Thái, có làn da sẫm và những đặc trưng kỳ lạ khi so sánh với những người Anh thông thường; khi còn trẻ, Disraeli từng là một tay dỏm dáng, quần áo hoa hòe, và ông cũng từng viết những cuốn tiểu thuyết dân dã lãng mạn hay thậm chí mang phong cách gô tích. Trong khi đó nữ hoàng là một người khó gần và ương ngạnh, phong thái luôn trang trọng còn thị hiếu thì đơn giản. Để chiều lòng nữ hoàng người ta khuyên Disraeli nên kiềm chế sự lịch lãm tự nhiên của mình; nhưng ngài thủ tướng phớt lờ những gì mọi người nói và trình diện trước mặt nữ hoàng với phong thái của một hoàng tử phong nhã, Disraeli quỳ một chân xuống, nắm lấy tay nữ hoàng, rồi hôn lên đôi tay ấy mà nói, “Ta nguyện phục vụ cho nữ hoàng cao cả.” Disraeli hứa rằng công việc của mình bấy giờ sẽ là biến những giấc mơ của nữ hoàng trở thành hiện thực. Ngài thủ tướng hết mực ca ngợi những phẩm chất của nữ hoàng đến nỗi nữ hoàng thẹn đỏ mặt; nhưng kỳ lạ thay, nữ hoàng không cảm thấy ngài thủ tướng khôi hài hay xúc phạm nhưng là vì niềm vui của buổi gặp gỡ. Nữ hoàng nghĩ có lẽ mình nên cho người đàn ông kỳ lạ này một cơ hội và thế là bà chờ đợi xem Disraeli sẽ làm gì kế tiếp.

Không bao lâu sau nữ hoàng Victoria bắt đầu nhận được những bản báo cáo từ Disraeli – về những buổi tranh luận trong Hạ viện, các vấn đề chính sách, và nhiều điều khác – những bản báo cáo không giống với bất kỳ một bản báo cáo mà những thủ tướng trước đây đã viết. Gọi nữ hoàng là “Nữ Hoàng Faery,” đặt cho những kẻ thù khác nhau của hoàng gia Anh đủ mọi thứ tên độc địa, ngài thủ tướng nhuốm màu sắc ngồi lê đôi mách cho những bản báo cáo của mình. Trong một bản báo cáo về một thành viên mới trong nội các, Disraeli viết, “Ông ta cao hơn hai mét sáu; giống như chiều cao của tượng thánh Peter ở Roma, thoạt đầu không ai nhận thấy khổ người của ông ta. Nhưng ông ta có sự khôn ngoan của một con voi cũng như hình dáng của nó.” Sự vô tư của ngài thủ tướng, cốt cách suồng sã của Disraeli tiếp giáp với sự bất kính nhưng nữ hoàng lại bị mê hoặc. Nữ hoàng đọc lấy đọc để những bản báo cáo của Disraeli và gần như nữ hoàng không nhận ra rằng sự quan tâm của bà đối với những vấn đề chính trị lại trỗi dậy.

Lúc mới bắt đầu mối quan hệ, Disraeli gởi cho nữ hoàng tất cả những cuốn tiểu thuyết của mình để làm quà. Đáp lại nữ hoàng tặng ngaì thủ tướng cuốn sách duy nhất mà bà đã viết, Journal of Our Life in the Highlands. Từ đó trở đi Disraeli nhắc đi nhắc lại trong những lá thư của mình và những buổi trò chuyện với nữ hoàng cụm từ “Chúng ta những người lãnh đạo.” Nữ hoàng hạnh phúc với niềm tự hào. Bà thường nghe trộm Disraeli ca ngợi bà với những người khác – ngài thủ tướng nói, những ý kiến, óc thực tế cộng với những bản năng nữ tính làm cho nữ hoàng trở nên ngang bằng với nữ hoàng Elizabeth đệ nhất. Hiếm khi Disraeli bất đồng với nữ hoàng. Vào những buổi gặp gỡ với những nghị sĩ khác, Disraeli thường bất ngờ quay sang hỏi ý kiến của nữ hoàng. Năm 1875, khi Disraeli tìm cách để lừa đổi lấy kênh đào Suez với phó vương mắc nợ chồng chất của Ai Cập, ngài thủ tướng dâng thành tựu của mình lên nữ hoàng như thể việc làm này là hiện thực hóa cho ý tưởng của chính nữ hoàng về việc bành trướng Đế Quốc Anh. Nữ hoàng không nhận ra nguyên do nhưng niềm tin tưởng của bà đang gia tăng một cách nhanh chóng.

Nữ hoàngVictoria đã từng gởi hoa cho ngài thủ tướng. Sau đó Disraeli đáp trả lại ân huệ, gởi cho nữ hoàng những bông anh thảo, một loài hoa bình thường đến nỗi một vài người nhận hoa có thể coi đó là xúc phạm; nhưng món quà của ngài thủ tướng lại nhận được những dòng sau: “Trong tất cả những loài hoa, loài lưu giữ vẻ đẹp lâu nhất là bông anh thảo ngọt ngào.” Disraeli phủ vây lấy nữ hoàng Victoria trong một bầu không khí mơ mộng ở đó mọi thứ đều là một ẩn dụ, và dĩ nhiên vẻ mộc mạc của hoa anh thảo tượng trưng cho nữ hoàng – và cũng là tượng trưng cho mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này. Nữ hoàng Victoria đã cắn câu; hoa anh thảo chẳng mấy chốc trở thành loài hoa ưa thích của nữ hoàng. Quả thực mọi việc Disraeli làm lúc bấy giờ đều nhận được sự tán thành của nữ hoàng. Bà cho phép Disraeli được ngồi bên cạnh nữ hoàng, một đặc quyền chưa có tiền lệ. Hai người bắt đầu trao đổi thiệp Valentine mỗi tháng hai. Nữ hoàng thường hỏi mọi người Disraeli đã nói những gì ở mỗi buổi tiệc; khi Disraeli dành sự quan tâm hơi nhiều tới nữ hoàng Augusta nước Đức, nữ hoàng trở nên ghen tị. Những người trong hoàng gia Anh tự hỏi điều gì đã xảy ra với người phụ nữ hình thức, bướng bỉnh mà họ từng biết – nữ hoàng đang hành động như một cô gái điên dại vì tình yêu. Năm 1876, Disraeli ban bố trong khắp Hạ viện một dự luật tuyên bố nữ hoàng Victoria là “Nữ hoàng – Người Cai Trị.” Nữ hoàng hết sức vui mừng. Vì lòng biết ơn và chắc chắn là vì tình yêu, nữ hoàng đã tôn người viết tiểu thuyết và cũng là tay dỏm dáng đạo Do Thái này lên hàng quý tộc, phong cho ngài thủ tướng làm Bá tước xứ Beaconsfield, biến một giấc mơ của cả một đời người trở thành hiện thực.

Disraeli biết vẻ bề ngoài có thể lừa dối mọi người tới mức nào: Những người khác luôn xét đoán Disraeli qua nét mặt và cách ăn mặc của ông, và ông đã học cách không bao giờ làm điều tương tự đối với họ. Vì thế Disraeli không bị lừa dối bởi vẻ bề ngoài nghiêm túc và khó gần của nữ hoàng Victoria. Disraeli cảm nhận được rằng đằng sau vẻ bề ngoài ấy là một người phụ nữ khao khát có được một người đàn ông si mê với nét nữ tính trong con người của bà, một người phụ nữ biết yêu thương, nồng ấm, thậm chí gợi tình nữa. Mức độ mà mặt nhân cách nêu trên của nữ hoàng Victoria bị đè nén chỉ đơn thuần biểu lộ sức mạnh của những cảm giác mà Disraeli khơi gợi nên một khi ông làm tan biến đi bản tính dè dặt của nữ hoàng.

Cách tiếp cận của Disraeli chính là mê đắm lấy hai khía cạnh trong nhân cách của nữ hoàng mà những người khác đã chà đạp lên: Sự tự tin và bản năng giới tính của nữ hoàng. Disraeli là một bậc thầy trong việc tâng bốc bản ngã con người. Theo lời một công chúa nước Anh nhận xét, “Khi tôi rời khỏi bàn ăn tối sau khi ngồi cạnh ngài Gladstone, tôi nghĩ ông ta chính là người đàn ông thông minh nhất ở Anh.” Disraeli phát huy ma thuật của mình bằng một sự tác động tinh tế, gợi nên một bầu không khí vui tươi và thư giãn, đặc biệt là đối với những vấn đề chính trị. Một khi chiếc vòng bảo vệ cho nữ hoàng đã được tháo dỡ, Disraeli làm cho tâm trạng ấy thêm phần nồng ấm và khêu gợi, thêm phần gợi tình một cách tế nhị – mặc dù dĩ nhiên là không có sự tán tỉnh công khai. Disraeli làm cho nữ hoàng mong muốn mình là một người phụ nữ và được ban cho làm một người hoàng gia. Làm sao bà có thể cưỡng lại được? Làm sao bà có thể từ chối ông bất cứ điều gì?

Nhân cách chúng ta thường được định hình qua cách cách chúng ta được đối xử: Nếu cha mẹ hay người bạn đời của ta khép mình hay thích gây sự khi đối diện với ta, chúng ta có khuynh hướng phản ứng tương tự. Đừng bao giờ nhầm lẫn những đặc điểm bề ngoài của mọi người với bản chất thực sự của họ, bởi vì tính cách mà họ biểu lộ ra bên ngoài có thể chỉ đơn thuần là sự phản chiếu của người mà họ tiếp xúc nhiều nhất, hoặc là vẻ bề ngoài che giấu sự đối nghịch của chính tính cách đó. Một vẻ bề ngoài thô lỗ có thể ẩn giấu một con người đang khao khát sự nồng nhiệt; một người trông có vẻ nghiêm túc hay kiềm nén tình cảm thực ra có thể đang đấu tranh để che giấu những cảm xúc không thể kiểm soát. Đó chính là chìa khóa trong quyến rũ – hãy nuôi dưỡng những gì đã bị đè nén hay phủ nhận.

Bằng cách tỏ ra hào hiệp với nữ hoàng, bằng cách biến mình thành nguồn vui, Disraeli có thể làm mềm lòng một người phụ nữ vốn khó tính và khắc nghiệt. Sự hào phóng là một công cụ quyến rũ mạnh mẽ: Khó mà tỏ ra giận dữ hay khép mình trước ai đó dường như đồng ý với mọi quan điểm và thị hiếu của bạn. Những kẻ quyến rũ có thể tỏ ra yếu đuối hơn đối tượng của họ nhưng rốt cuộc họ chính là thế lực mạnh mẽ hơn bởi họ đã lấy đi khả năng chống cự của đối phương.

2. Năm 1971, Averell Harriman, nhà tài chính người Mỹ đồng thời là người có thế lực thuộc đảng Dân Chủ, chứng kiến đời mình đi tới hồi chấm dứt. Ông đã 79 tuổi, người vợ cùng chung sống nhiều năm Marie vừa mới chết, cùng với việc đảng Dân Chủ thôi nắm quyền, sự nghiệp chính trị của ông dường như chấm dứt. Cảm thấy già yếu và sầu não, ông đành chấp nhận sống những năm cuối đời cùng với những đứa cháu trong tuổi về hưu thầm lặng.

Hai tháng sau cái chết của Marie, Harriman được mời tới tham dự một bữa tiệc ở Washington. Ở đó ông gặp một người bạn cũ, Pamela Churchill, ông đã quen biết trong thế chiến thứ hai ở Luân Đôn nơi ông được phái làm phái viên tư của tổng thống Franklin D. Roosevelt. Lúc bấy giờ Pamela được 21 tuổi và là vợ con trai của Winston Churchill, Randolph. Ắt hẳn có rất nhiều những người phụ nữ xinh đẹp khác trong thành phố nhưng không ai tỏ ra vui vẻ hơn khi có người khác ở bên cạnh như Pamela: Cô tỏ ra rất quan tâm, lắng nghe những vấn đề của Harriman, kết bạn với con gái của ông (hai người cùng tuổi nhau), trấn tĩnh ông mỗi lần ông nhìn thấy cô. Marie ở lại Hoa Kỳ còn Randolph thì làm việc trong quân đội, vì vậy mà trong khi bom rơi đạn nổ ở Luân Đôn thì Harriman và Pamela lại bắt đầu qua lại với nhau. Và trong nhiều năm kể từ khi chiến tranh nổ ra, Marie vẫn giữ liên lạc với Harriman: Ông biết về cuộc hôn nhân đỗ vỡ của cô và cũng biết về những mối tình liên tu bất tận của cô với những tay chơi giàu có nhất ở Châu Âu. Dù vậy ông không còn gặp cô kể từ khi ông trở lại Hoa Kỳ, trở về với vợ của mình. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi gặp lại cô ngay tại thời điểm này trong đời Harriman.

Ở buổi tiệc Pamela đã kéo Harriman ra khỏi chiếc vỏ của mình, cô cười với nhữn câu đùa của ông và khiến ông nói chuyện về Luân Đôn trong những ngày huy hoàng của chiến tranh. Harriman cảm thấy sức mạnh khi xưa của mình đã trở lại – cứ như thể ông đang quyến rũ cô. Mấy ngày sau Marie tới thăm ông tại một trong những căn nhà ông thường đến vào cuối tuần. Harriman là một trong những người đàn ông giàu có nhất trên thế giới nhưng không phải là một người xài tiền phung phí; ông và vợ ông Marie đã sống một cuộc sống thanh bần. Pamela không có ý kiến gì nhưng khi cô mời ông tới nhà mình, Harriman không thể không để ý tới vẻ rực rỡ và đầy sức sống trong cuộc sống của cô – đâu đâu cũng là hoa, những tấm vải lanh đẹp đẽ trên giường ngủ, những bữa ăn thịnh soạn (dường như cô biết hết mọi thức ăn ưa thích của ông). Harriman đã nghe về danh tiếng của cô khi còn là một gái điếm và thấu hiểu sự quyến rũ đối với sự giàu có của ông, tuy nhiên ở bên cạnh cô quả là khiến ông tràn trề sinh lực, và tám tuần sau bữa tiệc đó ông đã cưới cô.

Pamela không dừng lại ở đó. Cô thuyết phục chồng mình hiến tặng những món đồ nghệ thuật mà Marie đã sưu tập cho Phòng Trưng Bày Quốc Gia. Cô bảo ông chi tiêu một phần tài sản của mình – lập một nguồn quỹ vững chắc cho con trai của cô Winston, mua những căn nhà mới, những lần trang trí lại nhà cửa liên tục. Cách tiếp cận rất tinh tế và kiên nhẫn; bằng cách nào đó cô khiến cho Harriman cảm thấy vui vẻ khi chấp nhận những ước muốn của cô. Chỉ trong vài năm, hầu như mọi kỉ niệm về Marie không còn tồn tại trong cuộc sống của họ. Harriman dành ít thời gian hơn cho con và cháu của mình. Harriman dường như trải qua tuổi thanh xuân của mình lần thứ hai.

Ở Washington, các chính khách và vợ của họ nhìn Pamela với sự nghi ngại. Họ nhìn thấu tim gan cô và miễn nhiễm với bùa mê của cô hoặc là họ nghĩ như thế. Dù vậy họ vẫn luôn luôn đến những buổi tiệc thường kì mà cô tổ chức, biện minh cho mình với ý nghĩ rằng những người có quyền lực thường có mặt ở đó. Mọi thứ ở những bữa tiệc này đều được phân chia để tạo nên một bầu không khí thân mật thư giãn. Chẳng ai cảm thấy mình bị phớt lờ: Những người ít quan trọng nhất thường được Pamela đến tiếp chuyện, họ mở lòng mình ra với cái nhìn quan tâm của cô. Cô khiến họ cảm thấy mạnh mẽ và được tôn trọng. Sau đó cô thường gởi cho họ một tờ ghi chú cá nhân hoặc một món quà, thường ám chỉ tới những điều mà họ đã đề cập trong khi nói chuyện. Những người vợ vốn gọi cô là gái điếm hoặc tệ hơn dần dần thay đổi suy nghĩ của họ. Những người đàn ông cảm thấy cô không chỉ hấp dẫn mà còn hữu ích – những mối quan hệ rộng khắp của cô là vô giá. Cô có thể cho họ liên lạc với chính người họ cần mà không cần họ phải phải mở lời. Những buổi tiệc của nhà Harriman chẳng nấy chốc biến thành những buổi gây quỹ cho Đảng Dân Chủ. Có được cảm giác thoải mái, cao trọng bởi bầu không khí quý tộc mà Pamela tạo nên cùng với ý niệm về sự quan trọng mà cô mang đến cho họ, những người khách sẵn chi hết hầu bao mà không cần biết lý do tại sao. Dĩ nhiên đây chính xác là điều mà tất cả những người đàn ông trong đời cô đã làm.

Năm 1986, Averell Harriman qua đời. Lúc này Pamela đã có đủ quyền lực và của cải để không còn dựa dẫm vào một người đàn ông. Năm 1993, cô được cử làm đại sứ Hoa Kỳ ở Pháp, vậy là cô dễ dàng đưa sự quyến rũ về xã hội cũng như cá nhân vào thế giới của ngoại giao chính trị. Cô vẫn còn làm việc khi qua đời vào năm 1997.

Chúng ta thường nhận ra những kẻ quyến rũ là những người như thế; chúng ta cảm nhận được sự thông minh của họ. (Chắc chắn Harriman hẳn đã nhận ra rằng lần gặp mặt với Pamela Churchill vào năm 1971 hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.) Tuy nhiên, chúng ta đã nhiễm phải bùa mê của họ. Lý do rất đơn giản: Cảm giác mà những kẻ quyến rũ mang lại thật hiếm có và xứng đáng với cái giá chúng ta bỏ ra.

Thế giới đầy rãy những kẻ ích kỷ. Khi ở bên họ, chúng ta biết rằng mọi thứ trong mối quan hệ của ta với họ đều nhắm đến chính họ – những cảm giác bất an, sự tự ti, khát khao được quan tâm. Điều đó càng củng cố cho những hướng vị kỷ của chính bản thân ta; chúng ta khóa chặt mình lại. Đó là một hội chứng chỉ làm ta thêm bất lực trước những kẻ quyến rũ. Thoạt đầu họ không nói nhiều về bản thân họ, làm gia tăng thêm sự bí ẩn và ngụy trang cho những hạn chế của họ. Sau đó, họ dường như thích thú ta, và niềm thích thú ấy được tập trung một cách thú vị tới nỗi ta thả lõng và mở lòng mình ra với họ. Cuối cùng, họ mang đến cảm giác thoải mái khi ta gần bên họ. Họ không hề có bất kỳ một phẩm chất xấu xí nào của hầu hết con người – than phiền, ca cẩm, tự cao. Dường như họ biết điều gì mang đến sự hài lòng. Tài sản của họ là sự nồng ấm bao la; sự kết hợp không liên quan đến tình dục. (Bạn có thể cho rằng một vũ nữ thật gợi tình và quyến rũ; tuy nhiên sức mạnh của cô vũ nữ không nằm ở những khoái cảm mà cô mang đến nhưng là ở sự quan tâm khiêm tốn hiếm có của cô.) Chắc chắn rằng chúng ta sẽ trở nên si mê và phụ thuộc. Và sự phụ thuộc chính là nguồn sức mạnh của những kẻ quyến rũ.

Những người xinh đẹp về mặt thể lý, những người lợi dụng sắc đẹp của mình để tạo nên sự gần gũi đánh đổi bằng tình dục rốt cuộc không có nhiều sức mạnh; thời xuân sanh lụi tàn, luôn luôn có những người trẻ hơn và xinh đẹp hơn, và dù sao con người cũng ngán ngẩm sắc đẹp nếu sắc đẹp ấy không có vẻ thanh nhã trong giao tiếp. Thế nhưng con người không bao giờ thấy chán ngán cảm giác giá trị của bản thân được khẳng định. Hãy học lấy sức mạnh mà bạn có thể sử dụng bằng cách làm cho đối phương cảm thấy họ là một ngôi sao. Điều then chốt chính là phát tán sự hiện diện khêu gợi của bạn: Hãy tạo nên một cảm giác kích động quyến rũ và mơ hồ hơn bằng một hành động quyến rũ tổng thể, một sự gợi tình xã giao thường xuyên, mê say và không bao giờ được thỏa mãn đầy đủ.

3. Tháng 12 năm 1936, Tưởng Giới Thạch, người lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng, bị bắt bởi một nhóm lính của chính ông, những người này bất bình với những chính sách mà ông đưa ra: Thay vì chiến đấu với người Nhật vừa mới xâm lược Trung Hoa, ông lại tiếp tục cuộc nội chiến chống lại quân đội cộng sản của Mao Trạch Đông. Những người lính này không thấy có mối đe dọa nào từ phía quân của Mao Trạch Đông – quân Tưởng đã gần như hoàn toàn đánh bại được những người cộng sản. Thực tế, họ nghĩ Tưởng Giới Thạch nên liên kết lực lượng với Mao Trạch Đông để chống lại kẻ thù chung – đó là cử chỉ của lòng yêu nước duy nhất có thể làm được. Những người lính nghĩ khi bắt giữ ông họ có thể buộc Tưởng Giới Thạch thay đổi quyết định của mình, nhưng Tưởng Giới Thạch là một kẻ cứng đầu. Vì Tưởng Giới Thạch là trở ngại chủ yếu đối với cuộc chiến tranh đoàn kết chống lại người Nhật, vì thế những người lính cân nhắc liệu có nên xử tử ông hay giao ông cho người cộng sản.

Khi Tưởng Giới Thạch bị giam trong tù, ông chỉ có thể tưởng tượng ra viễn cảnh bi thảm nhất. Nhiều ngày sau ông được Chu Ân Lai đến thăm – ông này là một người bạn cũ của Tưởng Giới Thạch và hiện là một người cộng sản có quyền lực. Lịch sự và trân trọng, Chu Ân Lai biện minh cho một mặt trận thống nhất: Những người cộng sản và Trung Hoa Quốc Dân Đảng cùng chống lại người Nhật. Tưởng Giới Thạch không thể lắng nghe những lời như thế, ông căm ghét người cộng sản tận xương tủy, và ông trở nên kích động cực độ. Ông la lớn, ký một hòa ước với người cộng sản trong tình thế này sẽ là nỗi sỉ nhục, sẽ làm ông mất đi tất cả danh dự trong quân đội của chính mình. Không có gì phải bàn cãi. Hãy giết tôi nếu ông buộc phải làm như thế.

Chu Ân Lai lắng nghe, mỉm cười, và hầu như không nói một lời nào. Khi cơn trách móc của Tưởng Giới Thạch chấm dứt, Chu Ân Lai nói với người đứng đầu của Trung Hoa Quốc Dân Đảng rằng nỗi lo lắng về danh dự là điều ông có thể thấu hiểu, nhưng thực sự điều danh dự mà họ cần làm là quên đi những điều khác biệt của hai phe và chung tay chống lại kẻ xâm lược. Tưởng Giới Thạch có thể lãnh đạo cả hai phe. Cuối cùng, Chu Ân Lai nói, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng sẽ không cho phép những đồng chí của mình hay bất kỳ ai được quyền xử tử một người vĩ đại như Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch quá đỗi kinh ngạc và xúc động.

Ngày hôm sau, Tưởng Giới Thạch được những người lính cộng sản hộ tống ra khỏi nhà tù, đưa ông lên một trong các máy bay của quân đội ông, sau đó gởi trả ông về trụ sở chính của mình. Dường như Chu Ân Lai đã tự mình tiến hành kế hoạch này vì khi những người lãnh đạo cộng sản nghe được tin này, họ vô cùng giận dữ: Lẽ ra ông phải buộc Tưởng Giới Thạch chiến đấu chống lại quân Nhật bằng không thì phải ra lệnh hành quyết ông ta – phóng thích Tưởng Giới Thạch mà không có sự đồng thuận là cực đỉnh của sự nhu nhược, và Chu Ân Lai phải trả giá cho điều này. Chu Ân Lai không nói gì mà cứ chờ đợi. Vài tháng sau, Tưởng Giới Thạch đã ký một hòa ước tạm nhưng chiến tranh lạnh và hợp tác với người cộng sản để chống lại Nhật. Có vẻ như Tưởng Giới Thạch đã tự mình đi đến quyết định này và quân đội ông đã tôn trọng quyết định ấy – họ không thể nghi ngờ động cơ của ông.

Kề vai sát cánh bên nhau, những người theo Trung Hoa Quốc Dân Đảng và những người cộng sản đã trục xuất quân Nhật ra khỏi Trung Quốc. Thế nhưng phe cộng sản, trước đó gần như đã bị Tưởng Giới Thạch tiêu diệt, lại tận dụng lợi thế trong giai đoạn hợp tác để hồi phục sức mạnh của mình. Khi quân Nhật đã rời khỏi Trung Quốc, phe cộng sản lại bất ngờ tấn công quân Tưởng và năm 1949, quân Tưởng bị buộc phải di tản khỏi địa lục Trung Quốc tới đảo Formosa, hiện nay là Đài Loan.

Lúc bấy giờ Mao Trạch Đông tới thăm liên bang Xô Viết. Trung Quốc bị chiến tranh tàn phá nặng nề và rất cần được sự giúp đỡ, nhưng Stalin lại dè chừng người Trung Quốc, và họ còn diễn giải cho Mao Trạch Đông nghe về rất nhiều những sai lầm ông đã mắc phải. Mao Trạch Đông phản biện lại. Stalin quyết định dạy cho nhà lãnh đạo non trẻ một bài học; liên bang Xô Viết sẽ không giúp đỡ Trung Quốc. Giận dữ sục sôi. Mao Trạch Đông cấp tốc cho gọi Chu Ân Lai đến vào ngày hôm sau và bắt tay ngay vào việc.

Trong những phiên đàm phán dài đằng đẵng, Chu Ân Lai chỉ ngồi thưởng thức rượu vốt-ca của nước chủ nhà. Chu Ân Lai chẳng bao giờ tranh luận và trên thực tế còn thừa nhận rằng Trung Quốc đã mắc nhiều sai lầm, và còn rất nhiều điều phải học hỏi từ những người Liên Xô dày dạn kinh nghiệm hơn: Ông nói, “Thưa người đồng chí Stalin, chúng tôi là quốc gia Châu Á lớn đầu tiên tham gia hàng ngũ các quốc gia cộng sản dưới sự hướng dẫn của đồng chí.” Chu Ân Lai đã chuẩn bị tất cả mọi loại đồ thị và biểu đồ được trình bày trật tự vì biết rằng người Liên Xô rất thích những thứ như thế. Stalin chào đón ông nồng nhiệt. Cuộc đàm phán được tiến hành suôn sẻ, vài ngày sau khi Chu Ân Lai đến Liên Xô, hai bên đã ký hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau – một hiệp ước có lợi hơn nhiều cho Trung Quốc hơn là cho Liên Xô.

Năm 1959, Trung Quốc lại lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Chính sách Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông, một nỗ lực nhằm phát động một cuộc cách mạng công nghiệp bất ngờ ở Trung Quốc đã trở thành một thất bại gây tổn hại nặng nề. Người dân giận dữ: Họ thì đói khát trong khi những quan chức ở Bắc Kinh lại sống trong nhung lụa. Nhiều quan chức Bắc Kinh trong đó có Chu Ân Lai trở về quê quán của họ để cố gắng lập lại trật tự. Đa số họ đều thi hành bằng các khoản đút lót – hứa hẹn đủ điều – nhưng Chu Ân Lai lại làm khác: Ông viếng thăm nơi chôn cất tổ tiên mình, nhiều thế hệ gia đình ông đã được chôn cất ở đây, và ông ra lệnh dỡ bỏ tất cả các nắp mộ và chôn các quan tài sâu hơn. Giờ thì khu đất này đã có thể được trồng để lấy lương thực. Trong Nho Giáo,(Chu Ân Lai là một Nho tử ngoan đạo) điều này bị coi là phạm thượng nhưng mọi người đều biết hành động này có nghĩa gì: Chu Ân Lai sẵn lòng chịu đựng cho bản thân mình. Ai cũng phải biết hy sinh kể cả người lãnh đạo. Cử chỉ của ông quả là có tác động tượng trưng to lớn.

Lúc Chu Ân Lai qua đời vào năm 1976, một đám tang quần chúng tự phát và phi chính thức dạt dào niềm tiếc thương đã khiến cho chính phủ Trung Quốc phải ngạc nhiên. Họ không hiểu làm thế nào mà một người chỉ đứng sau ‘cánh gà chính trị’, đã tránh sự tôn thờ của công chúng, lại có thể giành được niềm yêu thương lớn lao đến thế.

Việc Tưởng Giới Thạch bị bắt giữ là một bước ngoặt trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Hành quyết Tưởng Giới Thạch có thể đã là tai hại: Chính Tưởng Giới Thạch là người đã đoàn kết quân đội của Trung Hoa Quốc Dân Đảng lại với nhau, nếu không có ông họ có lẽ đã chia đàn sẻ nghé, tạo cơ hội cho quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc. Buộc Tưởng Giới Thạch ký hòa ước có lẽ cũng chẳng đi đến kết quả tốt hơn: Ông sẽ mất mặt trước quân đội của mình, ông sẽ chẳng bao giờ trân trọng hòa ước đó, và sẽ làm mọi thứ có thể để rửa nỗi nhục của mình. Chu Ân Lai biết rằng việc hành quyết hay ép buộc một tù nhân sẽ chỉ tăng thêm sĩ khí cho kẻ thùvà sẽ để lại những hậu quả không thể kiểm soát. Ngược lại, dụ dỗ chính là một vũ khí dẫn dụ che giấu được nét dẫn dụ của chính nó, bạn sẽ có được chiến thắng mà không hề gợi nên ham muốn trả thù.

Chu Ân Lai đã quyến rũ Tưởng Giới Thạch một cách hoàn hảo, tỏ ra tôn trọng Tưởng Giới Thạch, đóng vai kẻ dưới quyền, khiến Tưởng Giới Thạch chuyển từ cảm giác sợ hãi khi bị xử tử sang cảm giác thở phào nhẹ nhõm của sự giải tỏa bất ngờ. Vị đại tướng được phóng thích mà vẫn giữ được nguyên vẹn phẩm cách của mình. Chu Ân Lai biết tất cả điều này sẽ khiến Tưởng Giới Thạch mềm lòng, gieo hạt giống của ý nghĩ cho rằng có lẽ những người cộng sản rốt cuộc cũng không đến nỗi tệ hại cho lắm, và rằng mình có thể thay đổi suy nghĩ của mình về phe cộng sản mà không hề tỏ ra yếu thế, đặc biệt là nếu ông đưa ra quyết định một cách độc lập thay vì là trong lúc còn ngồi tù. Chu Ân Lai cũng áp dụng cùng một triết lý cho mọi hoàn cảnh: Hãy tỏ ra thua kém, không đe dọa và khiêm tốn. Điều này thì có gì là quan trọng nếu cuối cùng bạn có được điều mình muốn: Thời gian để hồi phục sau cuộc nội chiến, một bản hiệp ước, uy danh đối với quần chúng.
Thời gian chính là vũ khí hiệu quả nhất mà bạn có. Hãy kiên nhẫn giữ trong đầu một mục tiêu lâu dài thì sẽ chẳng có người hay kẻ thù nào có thể cự tuyệt bạn. Và quyến rũ chính là cách tốt nhất để kéo dài thời gian, để gia tăng thêm lựa chọn của bạn trong bất kỳ tình huống nào. Thông qua quyến rũ bạn có thể dụ dỗ kẻ thù thoái lui, cho khoảng trống về tâm lý để hoạch định lên một kế hoạch tác chiến hiệu quả. Mấu chốt là khiến cho người khác xao động trong khi bạn vẫn cứ “phớt tĩnh ăng lê.” Họ có thể cảm thấy biết ơn, hạnh phúc, cảm động, tự kiêu – không có gì là quan trọng chừng nào họ vẫn còn cảm giác ấy. Hãy cho họ những gì họ muốn, thích thú với lòng vị kỉ của họ, làm cho họ cảm thấy họ cao trọng hơn bạn. Khi một đứa bé vớ được một con dao sắc bén, đừng cố lấy lại; thay vào đó, hãy bình tĩnh, cho đứa bé vài thanh kẹo, rồi đứa bé sẽ thả con dao mà bắt lấy miếng mồi hấp dẫn bạn chìa ra.

4. Năm 1761, nữ hoàng Elizabeth nước Nga băng hà, cháu trai của bà kế vị ngai vàng lấy tước hiệu là Czar Peter đệ tam. Trong sâu thẳm tâm hồn Peter vẫn luôn luôn là một bé – ông vẫn còn chơi đùa với những chú lính đồ chơi rất lâu sau khi đã quá tuổi để chơi chúng – và bây giờ khi đã là hoàng đế Czar, ông cuối cùng cũng có thể làm bất cứ điều gì cậu thấy vui và cả thế giới bị nguyền rủa. Peter kí kết một hiệp ước với Frederick đại đế, hiệp ước này vô cùng có lợi cho Frederick (Peter tôn sùng Frederick, và đặc biệt là phong thái kỷ luật là những người lính nước Phổ hành quân). Đây xem như là một thất bại gần như hoàn toàn, còn trong vấn đề tình cảm và quy tắc, Peter thậm chí còn tỏ ra lỗ mãng hơn: Ông từ chối để tang cho người cô quá cố theo đúng quy cách, tiếp tục những trò chơi chiến trận của mình và còn tiệc tùng chỉ vài ngày sau đám tang. Thật là tương phản biết bao khi đem so sánh với vợ ông, Catherine. Bà tỏ ra rất kính trọng trong suốt đám tang, bà vẫn còn mang đồ tang nhiều tháng sau đó, người ta còn trông thấy bà ở hàng giờ liền bên cạnh mộ của Elizabeth, cầu nguyện và khóc than. Bà thậm chí không phải là một người Nga nhưng là một công chúa nước Đức đã sang đông để cưới Peter năm 1745 mà không hề nói được từ tiếng Nga nào. Ngay cả những người nông dân hèn mọn nhất cũng biết Catherine đã cải đạo theo Giáo Hội Chính Thống ở Nga, và đã học nói tiếng Nga với khả năng tiếp thu ngoài sức tưởng tượng vả lại còn nói rất chuẩn nữa. Họ nghĩ, trong trái tim Catherine, bà còn đậm chất người Nga hơn tất cả những tay dỏm dáng kia trong triều đình Nga.

Trong suốt những tháng ngày khó khăn này, trong khi Peter buông lời nhục mạ hầu hết tất cả mọi người ở đất nước Nga thì Catherine lại âm thầm có một người yêu khác, Gregory Orlov, một trung úy trong đội quân canh giữ. Chính nhờ Orlov mà mọi người biết tới lòng mộ đạo, tinh thần yêu nước và sự xứng đáng làm người trị vì của Catherine; đi theo một người phụ nữ như thế sẽ tốt hơn biết bao so với việc phục vụ Peter. Vào những đêm khuya, Catherine và Orlov thường đàm đạo với nhau, Orlov thường bảo bà rằng quân đội của ông đã sẵn sàng và thúc giục bà sắp đặt một cuộc đảo chính. Bà thường lắng nghe một cách chăm chú nhưng luôn luôn trả lời rằng đây không phải là thời điểm để thực hiện. Orlov tự hỏi: Có lẽ bà quá mềm yếu và thụ động khi đứng trước một bước đi vĩ đại như thế. Chế độ của Peter thật hà khắc, vì thế mà những vụ bắt giữ và hành quyết ngày càng chồng chất. Ông cũng ngày càng tỏ ra thô bạo đối với vợ mình, đe dọa li dị bà và cưới người khác. Vào một buổi chiều say xỉn, điên cuồng bởi thái độ im lặng của Catherine và bởi sự bất lực khi không thể khiến bà mở miệng, Peter ra lệnh bắt giam bà. Tin tức nhanh chóng được truyền đi, thế là Orlov vội vã cảnh báo Catherine rằng bà sẽ bị tống ngục hoặc bị xử tử trừ phi bà cấp tốc hành động. Lần này Catherine không tranh luận nữa; bà khoác lên mình bộ đồ tang bình dị nhất, tóc vẫn chưa chải xong, theo chân Orlov tới một chiếc xe ngựa đang đợi rồi phóng nhanh tới doanh trại quân đội. Lúc tới nơi, những người lính phủ phục xuống đất hôn lên vạt áo bà – họ đã nghe nói nhiều về bà nhưng chưa hề thấy bà bằng xương bằng thịt, trông bà như bức tượng Madonna biến thành người thật. Họ đưa cho bà một bộ quân phục, kinh ngạc trước vẻ đẹp của bà khi mặc trang phục của đàn ông, và lên đường đến Cung Điện Mùa Đông dưới sự chỉ huy của Orlov. Cuộc hành quân ngày một rầm rộ khi đi qua những đường phố St. Petersburg. Mọi người hoan hô Catherine, ai cũng cảm thấy Peter phải bị truất phế. Chẳng mấy chốc các mục sư đến để ban lời cầu nguyện cho bà, khiến cho dân chúng càng thêm hào hứng. Và suốt từ đầu chí cuối, bà vẫn thinh lặng và điềm đạm, như thể tất cả đều theo sự sắp đặt của số mệnh.

Khi tin tức tới tai Peter về cuộc nổi loạn thanh bình này, ông trở nên điên loạn, và chấp nhận thoái vị vào ngay đêm đó. Catherine trở thành nữ hoàng mà không cần một trận đánh hay một tiếng súng nào.

Khi còn nhỏ, Catherine rất thông minh và tràn đầy sức sống. Mẹ bà muốn có một người con gái biết nghe lời hơn là làm người khác lóa mắt, và như vậy sẽ là một cô dâu tốt, bởi thế bà luôn phải chịu vô khối những lời bình phẩm, bà đã tạo nên một bức bình phong bảo vệ để chống lại những lời bình phẩm ấy: Bà học cách chiều lòng những người khác hoàn toàn như một cách để trung hòa sự hung hăng của họ. Nếu bà kiên nhẫn và không áp đặt vấn đề thì thay vì tấn công họ sẽ mắc phải bùa mê của bà.

Lúc Catherine đến nước Nga – ở tuổi 16, không có bạn bè hay đồng minh ở đây – bà đã áp dụng những kỹ năng mà bà đã học được khi đối mặt với người mẹ nghiên khắc của mình. Khi đối diện với tất cả những con quái vật trong triều đình – nữ hoàng Elizabeth oai nghiêm, người chồng ấu trĩ, vô số những kẻ phản bội và mưu chước – bà nhún nhường, chiều lòng, chờ đợi, và quyến rũ. Từ lâu bà vẫn hằng mong muốn được trở thành một nữ hoàng và biết rõ chồng mình tệ hại đến thế nào. Nhưng có nghĩa lý gì khi giành quyến thống trị trong bạo lực, khác nào giành lấy một quyền lực mà có người chắc chắn sẽ cho là phi pháp, rồi sau đó cứ phải luôn nơm nớp lo sợ rằng có ngày mình cũng sẽ bị truất phế? Không thể như vậy được, phải đợi thời cơ chín mùi và bà phải khiến chính thần dân đưa mình lên ngai vàng. Đó chính là phong cách làm cách mạng đầy nữ tính: Bằng cách tỏ ra thụ động và kiên nhẫn, Catherine ám chỉ rằng bà không hứng thú với quyền lực. Hiệu quả thật nhẹ nhàng – quyến rũ.

Luôn luôn có những người khó tính mà bạn phải đối mặt – những người bất an kinh niên, những kẻ cứng đầu hết thuốc chữa, những kẻ hay than phiền điên loạn. Khả năng trấn tĩnh những người này của bạn sẽ là một kỹ năng vô giá. Dù vậy bạn cũng cần phải cẩn thận: Nếu bạn bị động họ sẽ lấn át bạn; nếu tỏ ra quyết đoán, bạn sẽ khiến cho những phẩm chất bất thường của họ trở nên tệ hại hơn. Sự quyến rũ và hấp dẫn chính là những vũ khí tác chiến hiệu quả nhất. Bề ngoài hãy tỏ ra lịch thiệp. Thích nghi với mọi tâm trạng của họ. Còn bên trong, hãy tính toán và chờ đợi: Sự nhượng bộ của bạn chỉ là một chiến lược chứ không phải là một cách sống. Khi thời cơ đến, và chắc chắn sẽ đến, thế cờ sẽ xoay chuyển. Sự hung hăng của họ sẽ đẩy họ vào rắc rối, và điều đó sẽ đặt bạn vào vị trí làm người giải thoát họ, giành lại thế thượng phong. (Bạn cũng có thể quyết định rằng mình đã chơi đủ rồi đẩy họ vào quên lãng.) Sự quyến rũ của bạn đã ngăn không cho họ nhìn thấy trước điều này hoặc trở nên nghi ngờ. Cả một cuộc cách mạng có thể được tiến hành mà không có bất kỳ một hành động bạo lực nào, chỉ đơn giản là chờ đợi cho quả táo chín và rụng xuống.

Biểu tượng

Chiếc Gương. Cốt cách của bạn dựng nên một chiếc gương trước mặt những người khác. Khi họ nhìn thấy bạn họ nhìn thấy chính con người họ: Giá trị, sở thích, hay thậm chí cả khuyết điểm. Mối tình cả một đời với chính hình bóng của họ thật thoải mái và thư giãn; hãy nuôi dưỡng cho mối tình ấy. Sẽ chẳng ai thấy được những gì đằng sau chiếc gương.

Điểm yếu

Có những người được miễn nhiễm trước sức quyến rũ của Người Đàn Bà Duyên Dáng, đặc biệt là người yếm thế và loại người tự tin đến mức không cần sự ủng hộ từ người khác. Những người này xem loại Người Đàn Bà Duyên Dáng là ranh ma và lừa dối, và có thể gây khó chịu cho bạn. Giải pháp là cứ làm những gì Người Đàn Bà Duyên Dáng theo tự nhiên vẫn thường hay làm: Thật thân thiện và duyên dáng. Hãy tự bảo vệ quyền lực của mình bằng con số người ngưỡng mộ bạn và đừng quan tâm đến một vài người mà bạn không thể quyến rũ. Tính tốt của Catherine Đại Đế đối với mọi người đã tạo nên nhiều thiện cảm và về sau rất có lợi cho bà. Đôi khi lộ ra móng vuốt của mình lại là sự duyên dáng. Có một người bạn không thích? Công khai thú thật điều đó, dừng nên cố gắng quyến rũ một kẻ thù như vậy, và mọi người sẽ nghĩ bạn là người chân thật, không lừa dối lắm. Disraeli cũng bị khó chịu như vậy đối với người báo ứng của ông, William Gladstone.

Những mối nguy khi quyến rũ trong chính trị thường khó xử lí hơn: Cách bạn hòa giải, mưu mẹo, linh hoạt khi tiếp cận đến chính trị chắc chắn sẽ tạo ras một số kẻ thù những người đặc biệt tin tưởng vào động cơ của hành động. Những người quyến rũ công chúng như Bill Clinton hay Henry Kissinger thường có thể lấy lòng được cả những đối thủ cứng rắn nhất nhờ vào sự duyên dáng của bản thân họ, nhưng họ lại không thể có mặt ở tất cả mọi nơi ngay được. Nhiều thành viên nghị viện Anh cho rằng Disraeli là tên ranh mãnh quỷ quyệt; về cá nhân thì tính cách duyên dáng có thể làm họ mất đi cảm giác ấy, nhưng ông lại không thể tiếp xúc với từng người một trong Nghị viện. Trong những giai đoạn khó khăn, khi mọi người mong muốn những điều thực chất và chắc chắn thì sự quyến rũ không còn tác dụng.

Như trường hợp về Catherine Đại Đế cho thấy, việc chọn thời điểm mang tính quyết định. Bản thân người quyến rũ phải biết khi nào cần phải ẩn mình và thời điểm nào là chín muồi để thể hiện sức mạnh thuyết phục của mình. Vì mềm dẻo là một đặc tính của họ, đôi khi họ cũng cần phải đủ linh động để hành động một cách cứng rắn. Chu Ân Lai, một chính trị gia mềm dẻo, linh hoạt, vẫn có thể là một người cộng sản kiên định khi cần thiết. Đừng bao giờ trở thành nô lệ cho sức mạnh quyến rũ của chính mình; phải biến nó thành một thứ công cụ mà bạn có thể tùy ý sử dụng.

Loài chim mê mẩn với những chiếc kèn bắt chước giọng hót của chúng, còn con người mê mẩn bởi những lời nói hòa hợp nhất với chính kiến của họ.

Samuel Butler

Bám lấy cành cây, bạn sẽ làm cành cây ấy trĩu xuống; Nếu dùng sức, cành cây ấy sẽ gãy.

Trôi mình theo dòng thủy lưu: Đó là cách để vượt những con sông Cố bơi ngược dòng chẳng có ích lợi gì.

Hãy thoải mái với những con sư tử hay hổ nếu mục đích của bạn là thuần hóa chúng.
Con bò quen dần với chiếc cày một cách chậm rãi…

Vậy, hãy từ bỏ nếu nàng chống cự: Theo đó bạn sẽ dành chiến thắng sau cùng.
Hãy chắc rằng bạn chỉ thể hiện phần vai trò mà nàng cho phép.
Hãy miệt thị những gì nàng miệt thị.
Hãy ủng hộ những gì nàng ủng hộ,

Hãy bắt chước mọi lời nói của nàng, dù có là thuận lợi hay bất lợi, Hãy cười mỗi khi nàng cười;
Hãy nhớ, nếu nàng khóc cũng hãy khóc theo:
Hãy bắt chước mọi cử chỉ của nàng.
Giả như nàng đang chơi cờ,
Hãy hờ hững thảy viên xúc xắc,
Đi sai những nước cờ của mình…

Đừng từ chối một việc làm mù quáng như việc bắt chước mọi việc làm của nàng:

Dù cho có mù quáng hay không, xin cũng hãy chú ý tới những điều ấy… Ovid, The Art of Love, Peter Green dịch

Disraeli được mời đến ăn tối, anh chàng mặc một chiếc quần nhung xanh, một chiếc áo gilê màu vàng nhạt, mang một đôi giày khóa và tay áo có viền ren. Vẻ bề ngoài của Disraeli thoạt tiên gây băn khoăn, nhưng sau khi rời bàn ăn những người khách lại xì xầm với nhau rằng người khách khôn ngoan nhất ở buổi tiệc tối chính là người đàn ông trong chiếc gilê màu vàng. Benjamin đã có những bước tiến vượt bậc trong giao tiếp xã hội kể từ những ngày tới dự bữa tối của Murray. Trung thành với phương pháp của mình, Disraeli ghi chú: “Đừng nói quá nhiều; đừng cố nói. Nhưng mỗi khi bạn nói, hãy nói bằng sự tự chủ. Hãy nói bằng giọng điệu điềm đạm và hãy luôn nhìn thẳng vào người mà bạn nói chuyện. Trước khi một người có thể tham gia vào quá trình xã giao thông thường với bất kỳ ấn tượng nào, người ấy cần phải hiểu biết về những chủ đề nhỏ nhặt nhưng thú vị cần phải nói đến đầu tiên. Bạn sẽ nhanh chóng lĩnh hội đầy đủ bằng cách lắng nghe và quan sát. Đừng bao giờ tranh luận. Trong tập thể không phải thảo luận điều gì cả; chỉ đưa ra kết luận. Nếu có ai đó khác ý kiến với bạn, hãy cúi đầu rồi thay đổi đề tài. Trong tập thể đừng bao giờ suy nghĩ; hãy luôn là người quan sát, bằng không bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội và thốt ra nhiều điều bất đồng. Hãy nói chuyện với phụ nữ, hãy nói chuyện với họ càng nhiều càng tốt. Đây chính là ngôi trường tốt nhất. Đây là cách để có được sự trôi chảy vì bạn không cần quan tâm đến những gì bạn nói và tốt hơn là không nên tỏ ra biết điều. Họ cũng sẽ ủng hộ bạn ở nhiều luận điểm và vì họ là phụ nữ bạn sẽ không bị xúc phạm. Không có gì quan trọng và hữu ích hơn khi một người đàn ông bước ra đời được phụ nữ đánh giá tốt.”

André Maurois, Disraeli, Hamish Miles dịch Bạn hẳn biết quyến rũ là gì: Đó là nhận được câu trả lời đồng ý mà không cần phải đưa ra câu hỏi rõ ràng nào cả.

Albert Camus
Một bài thuyết giảng đưa người nghe trôi theo nhịp nó và được tán thưởng thường ít mang chất gợi đơn giản chỉ vì rõ ràng bài thuyết giảng ấy được trình bày rất thuyết phục. Mọi người giao tiếp với nhau ảnh hưởng lẫn nhau trong sự gần gũi khăng khít bằng cảm xúc của giọng điệu mà họ điều chỉnh và cách họ nhìn nhau chứ không chỉ bằng loại ngôn ngữ mà họ sử dụng. Chúng ta đúng khi gọi một người giao tiếp giỏi là một kẻ quyến rũ theo nghĩa kỳ ảo của lời nói.

Gustave Tarde, l’Opinion et la Foule, trích trong The Age of The Crowd của Serge Moscovici