Lúc chúng tôi đến, Umschalagplatz vẫn hoàn toàn vắng vẻ. Người ta đang ngược xuôi kiếm nước một cách vô hiệu. Hôm ấy là một ngày cuối hè, nóng và đẹp trời. Bầu trời màu xám xanh, như đang ngả sang màu tro dưới cái nóng dâng lên từ mặt đất và những bức tường nhà loá mắt, mặt trời sáng chói đang vắt kiệt những giọt mồ hôi cuối cùng từ các tấm thân mệt lử.
Bên rìa biệt khu, nơi có một đường phố chạy vào trong, là một khoảng trống không người ở. Ai cũng cố tránh xa khu này, không dám lảng vảng ở đó ngoài việc liếc qua, sợ hãi. Nhiều cái xác nằm ở đó, những người bị giết hôm qua vì phạm phải một điều gì đó, có khi chỉ vì có ý định bỏ trốn. Giữa đám xác đàn ông là xác một phụ nữ và hai cô gái, sọ bị vỡ thành nhiều mảnh. Bức tường phía dưới đống xác đầy những vết máu và óc bắn lên. Trẻ em bị giết bằng một phương pháp mà bọn Đức rất ưa: nắm lấy chân, đập đầu chúng thật mạnh vào tường. Nhiều đàn ruồi lớn, đen ngòm, bâu trên đống xác và trên các vũng máu tràn trên mặt đất, những cái xác trương phình lên và gần như thối rữa trong tiết trời nóng nực.
Chúng tôi thu xếp tạm thoải mái và ngồi đợi tàu đến. Mẹ tôi ngồi trên đống đồ đạc, Regina ngồi trên mặt đất và tôi đứng cạnh chị. Cha tôi bồn chồn đi ngược xuôi, tay chắp sau lưng, bốn bước đi lại bốn bước về. Chỉ đến lúc này, trong ánh chói loà của mặt trời, chẳng còn phải lúc để lo toan những kế hoạch vô ích để cứu giúp chúng tôi nữa, tôi mới có thời giờ ngắm kỹ mẹ tôi. Trông bà thật khủng khiếp, mặc dù bà ráng hết sức tự chủ. Mái tóc bà một thời lộng lẫy và luôn được bà chăm chút cẩn thận, nay khó thấy là màu gì, đang rũ xuống thành từng lọn, trên bộ mặt đầy nếp nhăn, tiều tụy vì lo lắng. Ánh sáng ngời lên trong cặp mắt đen láy của bà dường như đã tắt, một nét co giật căng thẳng chạy từ thái dương bên phải, qua má, xuống khoé miệng bà. Trước đây chưa lần nào tôi chú ý đến nó, chứng tỏ mẹ tôi đau khổ biết chừng nào vì quang cảnh quanh chúng tôi. Regina khóc thổn thức, hai bàn tay úp lên mặt, những giọt nước mắt chảy qua các kẽ tay.
Chốc chốc nhiều chiếc xe chạy đến cổng Umschalagplatz và đám đông bị tái định cư bị lùa vào. Những người mới đến không giấu được nỗi tuyệt vọng. Đàn ông cao giọng chuyện trò, phụ nữ có con bị tách khỏi họ đang la hét và nức nở dữ dội. Nhưng ngay sau đó bầu không khí hững hờ nặng như chì bao trùm biệt khu đã ảnh hưởng đến họ. Họ lặng dần, chỉ thỉnh thoảng mới oà lên một thoáng vì sợ hãi lúc một tên SS đi vào và bắn người nào đó không kịp tránh đường cho hắn hoặc ai đó có vẻ mặt không đủ khúm núm.
Một phụ nữ trẻ ngồi trên mặt đất cách chúng tôi không xa. Quần áo chị tả tơi, đầu tóc rối bù như vừa mới vật lộn với một người nào đó. Tuy vậy lúc này chị ngồi rất bình tĩnh, bộ mặt như người chết, cặp mắt nhìn trừng trừng vào một điểm trong không trung. Những ngón tay của chị xoè rộng, nắm chặt lấy cổ họng và thỉnh thoảng chị lại hỏi, đều đều và đơn điệu:
Sao tôi lại làm như thế? Sao tôi lại làm như thế?
Một thanh niên đứng cạnh chị, rõ ràng là chồng chị, cố an ủi và thuyết phục chị, anh ta nói nhẹ nhàng nhưng hình như là không lọt vào đầu chị.
Chúng tôi gặp nhiều người quen trong đám người bị đưa vào biệt khu. Họ đến, chào chúng tôi và vì thói quen nên cố bắt chuyện, nhưng câu chuyện đứt quãng ngay sau đó. Họ rời đi, thích tự klềm chế sự lo lắng hơn.
Mặt trời mỗi lúc một lên cao, chiếu gay gắt và chúng tôi ngày càng khổ sở vì đói và khát. Chúng tôi ăn miếng bánh mì cuối cùng và súp từ tối hôm trước. Khó lòng ngồi nguyên một chỗ, tôi quyết định đi dạo một chút, may ra có dễ chịu hơn chăng.
Người đến mỗi lúc một nhiều, ngày càng đông đúc hơn. Không thể tránh được nhiều nhóm người nằm ngồi ngổn ngang trên mặt đất. Họ đang bàn cùng một đề tài: họ sẽ bị đưa đến đâu, liệu có bị gởi đi lao động thật sự như cảnh sát Do Thái thuyết phục mọi người không.
Tôi trông thấy một tốp các cụ già đang nằm trong một góc của biệt khu, cả đàn ông lẫn đàn bà, có lẽ họ được đưa từ một viện dưỡng lão đến. Họ gầy khủng khiếp, kiệt sức vì đói và nóng, và hiển nhiên là rất yếu. Vài người nằm đó, mắt nhắm nghiền và khó mà nói họ đã chết hoặc đang chết. Và nếu chúng tôi bị đưa đi lao động thì những người như thế này làm gì ở đây?
Những người đàn bà bế con lê lết từ nhóm này sang nhóm khác cố xin một giọt nước. Bọn Đức đã cố tình cắt nguồn cung cấp nước cho Umschalagplatz. Những đôi mắt trẻ thơ mất hết sinh khí, mí mắt các em sụp xuống, những cái đầu gục trên những cái cổ gầy nhẳng, và những cặp môi khô khốc của các em hé mở như miệng đàn cá bé tí bị dân chài quẳng lên bờ.
Lúc tôi quay trở lại với gia đình, họ không chỉ có một mình. Một người bạn mẹ tôi đang ngồi cạnh bà, chồng bà ta là chủ một cửa tiệm lớn nhập bọn với cha tôi và một người quen khác của họ. Nhà kinh doanh này rất phấn chấn. Song đi cùng với ông là một nha sĩ hành nghề trên đường Sliska, cách nhà tôi không xa lắm, lại có một cái nhìn mọi sự bằng màu sắc u ám, ảm đạm. Ông có vẻ căng thẳng và gay gắt.
Thật là nhục nhã cho tất cả chúng ta! – ông gần như hét lên – Chúng ta để bọn chúng đưa đến chỗ chết như đàn cừu bị lùa đến lò mổ. Nếu nửa triệu người chúng ta tấn công bọn Đức, chúng ta có thể thoát khỏi ghetto, hoặc chí ít chết trong vinh dự, không như một vết nhơ trên bộ mặt lịch sử!
Cha tôi lắng nghe ông, hơi ngượng, nhưng với một nụ cười ân cần, cha tôi hơi nhún vai và hỏi:
Sao anh dám chắc là chúng đưa chúng ta đến chỗ chết?
Ông nha sĩ đan hai cánh tay vào nhau:
Vâng lẽ dĩ nhiên là tôi không biết chắc chắn. Làm sao mà tôi biết được? Chúng có nói với chúng ta đâu? Nhưng anh có thể tin chắc đến chín mươi phần trăm là chúng có kế hoạch xoá sạch tất cả chúng ta.
Cha tôi lại mỉm cười, nhưng ông lại càng tự tin hơn sau câu trả lời này:
Nhìn kìa – cha tôi nói và chỉ vào đám đông trong Umschalagplatz - Chúng ta không phải là anh hùng, chúng ta là những người hoàn toàn bình thường, sao không liều tin vào mười phần trăm cơ hội còn lại để sống?
Nhà kinh doanh đồng tình với cha tôi. Ý kiến ông ta hoàn toàn ngược với ông nha sĩ: bọn Đức không ngu gì mà phí phạm một lực lượng lao động đầy tiềm năng to lớn, đại diện là người Do Thái. Ông cho rằng chúng tôi đang đến các trại lao động, có thể là các trại lao động quản lý khe khắt, nhưng chắc bọn chúng không giết chúng tôi.
Trong lúc đó vợ nhà kinh doanh kể với mẹ tôi và Regina bà đã cất giấu các đồ bạc trong hầm rồi xây bịt kín lại như thế nào. Những đồ bằng bạc đó rất đẹp và có giá trị. Bà hy vọng khi trở về từ chuyến lưu đầy, bà sẽ tìm ra chúng.
Trời đã về chiều, chúng tôi lại thấy một nhóm tái định cư nữa bị lùa vào biệt khu. Chúng tôi hoảng hốt thấy Henryk và Halina trong số đó. Thế là cả nhà tôi cùng chung số phận, và cũng còn dễ chịu khi nghĩ rằng ít ra hai người ấy được an toàn.
Tôi vội đến tìm Henryk, chắc rằng thái độ chính trực một cách ngốc nghếch của anh đã đẩy anh và Halina đến đây. Tôi hỏi dồn dập nhiều câu và trách móc anh trước khi anh kịp giải thích, nhưng đàng nào anh cũng chẳng thèm trả lời tôi. Anh nhún vai, rút một cuốn Shakespeare cỡ nhỏ do Oxford in khỏi túi, lánh sang một bên và bắt đầu đọc.
Chính Halina kể cho chúng tôi nghe việc xảy ra. Khi nghe tin gia đình chúng tôi bị đưa đi làm việc, thế là hai chị em tình nguyện đến Umschalagplatz vì muốn cùng đi với chúng tôi.
Phản ứng của họ mới cảm động và ngớ ngẩn làm sao! Tôi quyết đưa họ ra khỏi đây bằng bất cứ giá nào. Hơn nữa họ không có trong danh sách tái định cư. Họ có thể ở lại Warsaw.
Tên cảnh sát Do Thái đưa họ đến biết tôi làm ở tiệm cà phê Sztuka và tôi hy vọng làm hắn mềm lòng dễ dàng, nhất là chẳng có lý do chính thức nào cho hai người đó ở lại đây. Không may là tôi đã tính nhầm: hắn không để cho hai người đó rời khỏi chốn này. Giống như bất cứ tên cảnh sát nào, hắn có nhiệm vụ mỗi ngày phải đích thân tống năm người đến Umschalagplatz, bản thân hắn cũng có nguy cơ bị tái định cư nếu không tuân theo. Henryk và Halina ở trong tiêu chuẩn năm người hôm nay. Hắn đã mệt và không có ý định thả hai người đi rồi lại thành phố đuổi bắt thêm hai người nữa, có Chúa mới biết họ ở đâu. Theo quan niệm của hắn, công việc săn người thật ra chẳng thoải mái tí nào, vì dân chúng không đến khi cảnh sát gọi mà lại đi trốn, và hắn đã chán ngấy tất cả chuyện này.
Tôi trở lại với gia đình, tay không. Thế là ý định cuối cùng cứu hai người trong gia đình đã thất bại, cũng như mọi ý định trước kia của tôi. Tôi ngồi xuống cạnh mẹ tôi, tâm trạng rất chán nản.
Lúc này đã năm giờ chiều nhưng vẫn còn nóng bức. Mỗi giờ trôi qua đám người lại càng đông thêm. Người ta chen chúc, lạc nhau, người này gọi người kia mà chẳng ăn thua gì. Chúng tôi nghe nhiều tiếng súng nổ và tiếng quát tháo, nghĩa là cuộc vây bắt vẫn đang diễn ra ở các phố quanh đó. Sự kích động lớn thêm lúc mọi người tưởng là xe lửa đã đến.
Người phụ nữ ngồi cạnh chúng tôi vẫn hỏi một mình “Sao tôi lại làm thế?” làm chúng tôi phát cáu hơn bất cứ ai khác. Lúc này chúng tôi đã hiểu chị ta đang nói về việc gì. Nhà kinh doanh bạn của chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân. Lúc mọi người bị bắt rời khỏi nhà, người phụ nữ này cùng chồng con trốn ở một chỗ đã chuẩn bị trước. Lúc cảnh sát đi ngang qua đó, đứa bé khóc, trong lúc sợ hãi, người mẹ đã bóp họng đứa bé chết bằng chính bàn tay của mình. Rủi ro thay, việc đó chẳng giúp ích được gì. Chúng đã nghe tiếng đứa bé khóc, rồi tiếng bé giẫy chết, và chỗ trốn bị phát hiện không mấy khó khăn.
Đúng lúc đó một chú bé len qua đám đông về hướng chúng tôi, một hộp kẹo buộc dây đeo quanh cổ. Chú bán cho chúng tôi với giá rất buồn cười, vì Trời mới biết chú nghĩ gì, làm gì với số tiền này. Vét sạch những đồng tiền cuối cùng, chúng tôi mua được một cái kẹo caramel. Cha tôi lấy dao nhíp cắt thành sáu phần. Đó là bữa ăn cuối cùng của chúng tôi với nhau.
Khoảng sáu giờ, cảm giác bồn chồn bao trùm khắp biệt khu. Vài xe hơi Đức lái đến, cảnh sát xem xét kỹ những người được đưa đi, chúng chọn toàn những người trẻ và khoẻ mạnh. Những người may mắn này chắc dùng vào những mục Đám đông đến hàng ngàn người bắt đầu khẩn khoản được chọn, nhiều người cố chen bật nhau ra, len lên phía trước, phô diễn những lợi thế thể chất của họ. Bọn Đức đáp lại bằng những loạt đạn. Ông nha sĩ vẫn ở cùng nhóm với chúng tôi phẫn nộ:
Bây giờ mọi người đã tin lời tôi là bọn chúng sẽ giết hết chúng ta chưa? Những người đủ sức làm việc sẽ ở lại đây. Cái chết đang sờ sờ kia kìa!
Giọng ông nghẹn ngào lúc ông cố hét thật to át tiếng ồn ào của đám đông và tiếng súng, vạch rõ con đường những người lưu đày sẽ đi.
Chán nản và mòn mỏi, cha tôi không đáp lại. Nhà kinh doanh nhún vai và mỉm cười mỉa mai, ông ta vẫn phấn khởi, việc giữ lại vài trăm người không có nghĩa lý gì với ông cho lắm.
Cuối cùng bọn Đức đã chọn xong đội lao động và đưa đi, nhưng sự kích động của đám đông vẫn không nguôi. Ngay sau đó chúng tôi nghe thấy tiếng còi của đầu tàu ở xa xa, và tiếng các toa xe lạch cạch trên đường ray lúc tiến lại gần. Vài phút sau đoàn tàu hiện ra trong tầm mắt: hơn một chục toa xe chở súc vật và hàng hoá từ từ tiến lại gần. Gió chiều thổi cùng hướng phả mùi thuốc khử trùng ngột ngạt về phía chúng tôi.
Đồng thời hàng rào cảnh sát Do Thái và SS vây quanh biệt khu dày đặc hơn, và bắt đầu rẽ đường cho đoàn tàu tiến thẳng vào trung tâm. Chúng tôi lại nghe thấy nhiều tiếng súng uy hiếp chúng tôi. Tiếng rền rĩ thật to từ đám phụ nữ và tiếng con nít gào khóc nổi lên giữa đám người chật như nêm cối.
Chúng tôi đã sẵn sàng ra đi. Mà sao lại phải chờ kia chứ? Thà vào trong toa còn khá hơn. Một hàng rào cảnh sát đứng cách đoàn tàu vài bước, mở một con đường rộng cho đám đông. Con đường dẫn đến các cửa toa mở toác và sặc mùi thuốc khử trùng clorine.
Lúc chúng tôi đang đến đoàn tàu, toa đầu tiên đã đầy ắp. Người đứng trong đó ép chặt vào nhau. Bọn SS vẫn dùng báng súng đẩy người lên, mặc cho những tiếng kêu la từ bên trong và tiếng phàn nàn vì bị thiếu không khí. Thật vậy, mùi clorine đã khó thở lắm rồi, ngay cả ở cách toa một quãng. Có chuyện gì trong đó mà các sàn tàu phải rải clorine dày đặc đến thế? Đi được nửa đường, tôi bỗng nghe tiếng ai đó gào “Này! Đây! Spzilman!” Một bàn tay túm lấy cổ áo tôi và tôi bị giật ngược khỏi hàng rào cảnh sát.
Ai dám làm như thế? Tôi không muốn chia lìa với gia đình tôi. Tôi muốn ở lại với họ!
Lúc này ngay đúng tầm mắt tôi là lưng của hàng cảnh sát dày đặc. Tôi vùng vẫy cưỡng lại nhưng họ không thả tôi ra. Ngó qua đầu bọn cảnh sát, tôi thấy mẹ tôi và Regina được Henryk và Halina giúp, đang trèo vào trong toa, còn cha tôi đang đưa mắt nhìn quanh tìm tôi.
Cha ơi! – tôi gào lên.
Cha tôi nhìn thấy tôi và tiến vài bước về phía tôi, nhưng ông ngập ngừng và đứng lại. Ông tái nhợt đi, môi ông run rẩy vì căng thẳng. Ông cố mỉm cười, bất lực, đau đớn, ông giơ bàn tay lên chào từ biệt như thể tôi đang lên đường đi vào nơi sống, còn ông đang chào tôi từ thế giới bên kia vậy. Rồi ông quay người và đến thẳng các toa xe.
Tôi húc hết sức vào vai các cảnh sát:
Cha ơi! Henryk! Halina!
Tôi gào như bị ma ám. Kinh hãi tưởng rằng lúc này, lúc sống sót cuối cùng này tôi không thể gặp được họ và chúng tôi sẽ chia lìa mãi mãi.
Một trong những tên cảnh sát quay lại và nhìn tôi giận dữ:
Mày tưởng mày đang làm gì hả? Xeó đi và tự cứu lấy cái thân!
Cứu lấy thân? Cứu khỏi cái gì kia? Trong chớp mắt tôi chợt hiểu điều gì đang đợi những người trong toa xe chở súc vật kia. Tóc tôi dựng đứng. Tôi liếc ra phía sau tôi. Tôi thấy biệt khu mở toang toác, những đường ray và sân ga, đàng xa hơn nữa là đường phố. Bị cơn sợ thú vật xua đuổi, tôi chạy tuột vào các con phố, lẻn vào giữa đội công nhân của Hội đồng đang rời chỗ làm và đi xuyên qua cổng theo đường này.
Lúc hoàn hồn tôi thấy mình ở trên vỉa hè giữa các toà nhà. Một tên SS cùng một cảnh sát Do Thái từ trong một ngôi nhà bước ra. Tên SS có bộ mặt dửng dưng ngạo mạn, tên cảnh sát ra sức xun xoe, vừa mỉm cười vừa đi sát bên cạnh. Hắn chỉ đoàn tàu đứng bên cạnh Umschalagplatz và nói với tên Đức bằng giọng suồng sã, thân tình và mỉa mai:
Đấy, bọn chúng đi để bị nấu chảy ra!
Tôi nhìn về hướng hắn chỉ. Cửa các toa tàu đã đóng chặt, con tàu bắt đầu di chuyển, chậm chạp và cần cù.
Tôi quay đi và loạng choạng đi xuống đường phố vắng tanh vắng ngắt. bật khóc, bị những tiếng gào khóc nhỏ dần của đoàn người bị nhốt trong toa đeo đẳng. Âm thanh ấy giống tiếng kêu rối rít của những con chim trong lồng gặp cơ nguy chí tử.