Đường phố đã bị quét sạch. Cửa ngõ các ngôi nhà của dân bị đi tái định cư đóng kín hoặc mở toang hoác. Một cảnh sát Do Thái đến gần tôi, tôi không chú ý đến anh ta và sẽ còn không chú ý nếu anh ta không đứng lại và quát lên:
Wladek!
Lúc đó tôi cũng dừng lại, anh ta sửng sốt nói thêm:
Anh làm gì ở đây, vào lúc này?
Đến lúc đó tôi mới nhận ra, anh ta là người họ hàng của chúng tôi và không được mến mộ trong gia đình. Chúng tôi cho tư cách của anh ta không được minh bạch và cố tránh anh ta. Lúc nào anh ta cũng tránh né khó khăn bằng đủ mọi cách, và vẫn thoát bằng đủ mọi cách mà người khác cho rằng xấu xa. Anh ta gia nhập cảnh sát chỉ càng khẳng định thêm tiếng xấu của mình.
Ngay lúc nhận ra anh ta trong bộ đồng phục, mọi ý nghĩ ấy lướt qua đầu tôi, nhưng lúc này anh ta là người bà con gần gũi nhất của tôi, thực ra là người bà con duy nhất. Dù sao chăng nữa, ở nơi đây còn có một người khác gắn bó với hồi ức gia đình của chúng tôi.
Chuyện này như thể là… - tôi bắt đầu nói. Tôi định kể chuyện cha mẹ tôi, anh chị tôi đã bị đưa đi trên các toa tàu ra sao, nhưng không thể thốt lên lời. Song anh ta hiểu. Anh ta tiến đến chỗ tôi và nắm lấy cánh tay tôi.
Có lẽ như thế lại hay hơn – anh thì thào và làm một cử chỉ nhẫn nhục – Càng nhanh càng tốt, thật đấy. Chuyện ấy đang đợi tất cả chúng ta. – Lặng im một lát, anh nói thêm – Mà này, ghé vào chỗ chúng mình đi, nó sẽ làm mình vui lên tí chút.
Tôi đồng ý, và đã ở lại đêm một mình đầu tiên với người họ hàng ấy.
Đến sáng, tôi đi thăm Mieczylaw Lichtenbaumn, con trai vị chủ tịch mới của hội đồng Do Thái, người tôi rất quen biết từ hồi tôi chơi dương cầm trong các tiệm cà phê ở ghetto. Anh gợi ý tôi có thể chơi đàn trong sòng bạc của đội biệt kích huỷ diệt của Đức, nơi tối tối các sĩ quan Gestapo và bọn SS xả hơi sau một ngày mệt nhọc giết chóc người Do Thái. Chúng được những người Do Thái phục dịch, sớm hay muộn rồi họ cũng bị giết nốt. Lẽ tất nhiên tôi không muốn nhận lời đề nghị như thế, dù Liechbaumn không hiểu nổi vì sao nó không hấp dẫn tôi, và anh ta mếch lòng khi tôi từ chối. Không bàn bạc thêm, anh ta ghi tên tôi vào đội công nhân phá tường của ghetto lớn trước kia, lúc này nhập với khu vực Aryan của thành phố.
Ngày hôm sau, lần đầu tiên trong suốt hai năm qua, tôi rời khu vực Do Thái. Hôm đó khoảng 20 tháng Tám, một ngày đẹp trời và nóng. Trời đẹp như nhiều ngày trước đây, đẹp như ngày cuối cùng tôi ở với gia đình trong Umschalagplatz. Chúng tôi đi theo đội ngũ xếp hàng bốn, dưới sự chỉ huy của các đốc công người Do Thái, có hai tên SS canh gác. Chúng tôi đến quảng trường Zelasna Brama. Thế là vẫn có sự sống ở một nơi nào đó.
Những người buôn bán trên phố mang những giỏ đầy các thứ hàng,đứng ngoài chợ lớn hiện đã đóng cửa và có lẽ đã biến thành vài cửa tiệm của người Đức. Ánh mặt trời lấp lánh đem lại sự rực rỡ cho rau quả, làm những cái cân bán cá lấp lánh, hắt ánh sáng chói chang từ các nắp đồ hộp bằng thiếc. Phụ nữ đi một vòng qua các người bán hàng, mặc cả, đi từ giỏ này sang giỏ khác, mua bán và sau đó đến trung tâm thành phố. Những người bán vàng và tiền rao đều đều “Vàng đây! Xin mời mua vàng. Đô la đây! Rúp đây!”
Một chiếc xe rú còi trên đường phố, rồi một chiếc xe cảnh sát màu xanh xám hiện ra trong tầm mắt. Những người buôn bán hoảng hốt, vội vã gói đồ lại và bỏ chạy càng xa càng tốt. Có tiếng quát tháo và sự hỗn loạn tuyệt vọng bao trùm quảng trường. Vậy ra ngay tại đây mọi sự cũng không được yên ổn lắm.
Chúng tôi cố phá những bức tường càng chậm càng tốt để kéo dài thêm thời gian. Các đốc công Do Thái chẳng ngăn cản chúng tôi, thậm chí ở đây bọn SS cũng không đến nỗi tàn bạo như trong ghetto. Chúng đứng tách riêng ra, mải nói chuyện và mắt nhìn lơ đễnh.
Chiếc xe đi ngang qua quảng trường rồi biến mất. Những người buôn bán tiếp tục trở lại vị trí cũ và quảng trường trông như chẳng có chuyện gì xảy ra. Những người cùng làm việc với tôi hết người này đến người khác rời khỏi đội để đi mua đồ ở các quầy hàng, rồi xếp vào các túi họ mang theo, hoặc nhét vào túi áo hay ống quần. Thật rủi là tôi không có tiền, và chỉ có thể nhìn ngó mà thôi, tôi lả người đi vì đói.
Một cặp thanh niên từ Ogród Saski đến gần đội chúng tôi. Cả hai đều ăn mặc rất đẹp. Người phụ nữ trẻ trông thật duyên dáng, tôi không rời mắt khỏi nàng. Khuôn miệng tô son của nàng đang mỉm cười, nàng lắc hông nhè nhẹ, và ánh mặt trời biến mái tóc vàng hoe của nàng thành màu vàng rực rỡ trong vầng hào quang lung linh quanh đầu. Lúc đi ngang qua chỗ chúng tôi, nàng chậm bước và kêu lên:
Ồ, nhìn này, anh này!
Người đàn ông không hiểu. Anh ta nhìn nàng vẻ dò hỏi. Nàng chỉ vào chúng tôi:
Do Thái.
Anh ta ngạc nhiên:
Thì sao? – Anh ta nhún vai – Đây là những người Do Thái đầu tiên em trông thấy sao?
Người phụ nữ mỉm cười lúng túng, nàng ép sát vào anh ta và họ đi về phía chợ.
Chiều hôm ấy tôi vay hết người này đến người khác được năm chục zloty. Tôi dùng số tiền đó mua bánh mì và khoai tây. Tôi ăn một ít bánh và mang chỗ còn lại cùng khoai tây về ghetto. Chiều hôm ấy tôi đã làm việc buôn bán đầu tiên trong đời. Tôi mua 20 zloty bánh mì, tôi bán trong ghetto được 50 zloty. Khoai tây giá 3 zloty một kí lô, tôi bán với giá 18 zloty. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi đủ ăn và còn dư chút vốn liếng trong tay để tiếp tục việc buôn bán cho ngày hôm sau.
Việc phá huỷ thật hết sức đơn điệu. Chúng tôi rời ghetto từ sáng sớm và đứng quanh một đống gạch trông như đang làm việc cho đến năm giờ chiều. Những người bạn tôi dùng thời gian cho đủ mọi loại giao dịch, họ mua hàng và tích trữ lại, mang lén vào trong ghetto và bán lại với giá hời nhất. Tôi mua những thứ đơn giản nhất, chỉ đủ kiếm sống. Gia đình là điều duy nhất tôi nghĩ đến, không biết giờ này họ đang ở đâu, bị đưa đến trại nào, họ sống ở đấy ra sao.
Một hôm một người bạn cũ của tôi đi ngang qua đội của chúng tôi. Anh tên là Tadeuz Blumental, nhưng có nhiều nét Aryan đến mức anh ta không cần phải nhận nguồn gốc của mình và có thể sống ngoài ghetto. Gặp lại tôi anh rất mừng, nhưng thất vọng ngay khi thấy tôi sống trong hoàn cảnh khó khăn như vậy. Anh cho tôi ít tiền và hứa sẽ giúp tôi. Anh bảo hôm sau sẽ có một phụ nữ đến và nếu tôi có thể lẻn đi mà không bị để ý thì chị ta sẽ đưa tôi đến một nơi có thể ẩn nấp được. Người phụ nữ ấy đến thật, nhưng không may chị ta báo tin là những người định để tôi ở nhờ không chịu nhận người Do Thái.
Hôm sau nữa lãnh đạo nhà hát giao hưởng Warsaw là Lan Dworakowski nhìn thấy tôi lúc ông băng ngang qua quảng trường. Ông đến gặp tôi một cách chân thành. Ông ôm lấy tôi, hỏi thăm tôi và gia đình tôi. Khi nghe tôi kể về những người khác đã bị đưa ra khỏi Warsaw, ông nhìn tôi với vẻ thương cảm đặc biệt, và há miệng như định nói câu gì, nhưng ông không nói thêm gì nữa.
Ông có nghĩ sẽ xảy ra chuyện gì cho họ không? – Tôi hỏi, hết sức băn khoăn.
Wladyslaw! – ông nắm lấy bàn tay tôi và ép lấy chúng một cách nồng nhiệt – Có lẽ để cậu biết thì hay hơn…Cậu biết mà đề phòng…- Ông ngập ngừng giây lát rồi ép chặt tay tôi, ông khẽ nói thêm, gần như thì thầm – Cậu sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa đâu.
Ông quay người bỏ đi, gần như chạy. Được vài bước, ông quay lại và đến ôm lấy tôi, nhưng tôi không đủ sức để đáp lại lòng chân thành của ông. Trong tiềm thức, ngay từ đầu tôi đã hiểu rằng những chuyện khó tin của bọn Đức về những trại dành cho người Do Thái, ở đó “có các điều kiện làm việc tử tế” đợi họ đến tái định cư là bịa đặt, rằng chúng tôi chỉ có thể chờ cái chết có sẵn trong tay bọn Đức mà thôi. Song cũng như những người Do Thái khác ở ghetto, tôi vẫn ấp ủ ảo tưởng rằng sự việc có thể sẽ khác đi, rằng những lời hứa hẹn của bọn Đức lần này có thể là sự thật. Mỗi khi nghĩ đến gia đình, tôi cố hình dung họ còn sống, dù có sống trong những điều kiện kinh khủng, nhưng đàng nào cũng sống sót, rồi đến một ngày nào đó, chúng tôi lại có thể gặp nhau. Dworakowski đã phá huỷ tan tành công trình tự dối mình mà tôi đã khó khăn lắm mới duy trì nổi. Chỉ mãi đến sau này, tôi mới tự thuyết phục mình rằng ông ấy đã đúng khi làm thế: cái chết cầm chắc trong tay đã cho tôi nghị lực tự cứu lấy mình trong thời điểm quyết định.
Tôi đã trải qua vài ngày như trong mơ, sáng sáng tự động bật dậy, tự động đi lại, đến tối tự động nằm xuống một cái phản trong một kho đồ gỗ của người Do Thái đã hiến cho Hội đồng. Bằng cách này hay cách khác, tôi phải biết chắc cái chết của cha tôi, mẹ tôi, của Halina, của Regina, của Henryk. Có một cuộc oanh tạc của không quân Xô viết ở Warsaw. Mọi người đều chạy xuống hầm. Bọn Đức báo động và giận dữ, dân Do Thái mãn nguyện dù không dám lộ ra. Mỗi lần nghe tiếng bom rơi, mặt mũi chúng tôi lại rạng rỡ lên, đối với chúng tôi, đó là những âm thanh của sự trợ giúp đang tiến đến gần và đánh bại bọn Đức, điều duy nhất có thể cứu lấy chúng tôi. Tôi không xuống hầm, đối với tôi, sống hay chết cũng thế mà thôi.
Trong khi đó điều kiện làm việc của chúng tôi ngày càng tồi tệ. Lúc này bọn Lithuania canh gác làm chúng tôi không thể mua nổi được thứ gì ở ngoài chợ, chúng tôi bị kiểm tra mỗi lúc thêm gắt gao ở các trạm gác chính trên đường trở về ghetto. Một buổi chiều có cuộc chọn lựa hoàn toàn bất ngờ trong đội chúng tôi. Một tên cảnh sát trẻ đứng ngoài trạm gác, tay áo xắn cao, chia chúng tôi theo kiểu may rủi mà hắn cho là hay nhất: những người bên tay trái thì chết, bên tay phải thì sống. Hắn ra lệnh cho tôi đi sang bên phía tay phải. Những người bên trái phải nằm úp mặt xuống đất. Hắn bắn họ bằng súng lục, người này tiếp theo người kia.
Khoảng một tuần sau, nhiều thông cáo được dán trên các bức tường của ghetto về cuộc chọn lựa mới với tất cả những người Do Thái còn ở lại Warsaw. Ba trăm ngàn người đã bị đưa đi tái định cư, hiện còn lại khoảng 100 ngàn, sẽ dự định giữ lại 25 ngàn người ở lại thành phố, tất cả phải là những người có nghề nghiệp chuyên môn. Công nhân thành thạo không thể thiếu được đối với bọn Đức.
Các viên chức của hội đồng phải đến sân của nhà Hội đồng Do Thái vào một ngày định sẵn, số thường dân còn lại ở trong ghetto giữa các phố Nowolipki và Gesia. Muốn sự việc chắc chắn gấp đôi, một trong những cảnh sát Do Thái, một sĩ quan tên là Blaupapier đứng trước nhà hội đồng, tay lăm lăm roi da, và đích thân dùng roi vút vào những người cố len vào bên trong.
Con số đóng trên những mẩu giấy giao cho những người còn ở lại ghetto. Hội đồng được quyền giữ năm ngàn viên chức cho mình. Tôi không được giao con số nào trong ngày đầu tiên, tuy nhiên tôi vẫn ngủ suốt đêm, mặc kệ số phận, dù cho các bạn tôi đều mất ngủ vì lo lắng. Sáng hôm sau tôi nhận được một con số. Chúng tôi đứng xếp thành hàng bốn và đợi cho đến lúc uỷ ban kiểm tra SS dưới quyền của Unterstursmfuhrer Brandt hạ cố đến và đếm chúng tôi phòng trường hợp quá nhiều người trong chúng tôi thoát khỏi cái chết.
Thế là tôi có cơ may được sống thêm một lần nữa. Nhưng sẽ sống trong bao lâu?