hải mất tới bốn ngày thì tờ báo Herald Tribune có trụ sở tại Paris mới tới được Sài Gòn và tờ New York Times thì phải mất đến một tuần. Tờ báo Mỹ đầu tiên mà Đại sứ quán nhận được sớm nhất chính là ấn phẩm Thái Bình Dương của tờ Stars and Stripes được in ở Okinawa của Nhật Bản. Tờ báo này luôn tới Sài Gòn ngay ngày hôm sau khi nó vừa được phát hành và thực ra cũng không ai muốn xem qua hàng chuỗi những sự kiện vừa xảy ra trên khắp thế giới đã được in trên tờ báo này. Cơ quan thông tấn Mỹ (USIA) và Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) là hai nguồn thông tin nhanh nhất chuyên đưa về các sự kiện quốc tế mà Đại sứ quán đặc biệt quan tâm.
Đại sứ quán đã phải kết luận là lấy làm tiếc vì bản tin của đài VOA đã làm ảnh hưởng tới mối quan hệ vốn đang rất tốt đẹp giữa Đại sứ quán và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Cá nhân ông Đại sứ cũng như những người Mỹ đang làm việc tại đây đều không có cách nào để giải thích với ông Diệm hoặc ông Nhu hay bất cứ một người Việt Nam nào khác về vấn đề này, bởi lẽ đài VOA chỉ thực hiện nhiệm vụ của họ là đưa tin một cách “khách quan”. Người ta đã cười nhạo vào mặt ông Corning khi ông đưa ra kiểu biện hộ như vậy. Tất cả điều đó đã khiến ông Đại sứ phải gửi hết công điện này tới công điện khác đến đài VOA và gửi thẳng cho ông Ed Murrow, Giám đốc điều hành đầy quyền lực của USIA để phản đối về việc phóng viên của các cơ quan thông tấn này cố tình bóp méo sự thật. Thế nhưng chính mấy cơ quan này còn cố tình cho phát lại sang khu vực Đông Nam Á toàn bộ bài viết của tờ báo New York Times.
Đại sứ quán phải xử lý rất nhiều tin bài khác nhau của vô số các hãng thông tấn. Riêng tin bài của Phòng thông tin vùng viễn Đông thuộc Bộ Ngoại giao là luôn phải được chuẩn bị cẩn thận nhất. Sau đó là các tin tức của USIS có trong ấn phẩn Asssociated Press Ticker. Hơn thế nữa, mặc dù khi đó liên lạc vệ tinh cũng chưa phát triển lắm và việc kết nối đàm thoại xuyên qua biển Thái Bình Dương là hết sức khó khăn, nhưng ngài Bilder tối nào cũng phải cố gắng nói chuyện được qua điện thoại với ông Paul Kattenberg thuộc Viện nghiên cứu về các giải pháp hợp tác với Việt Nam của Bộ Ngoại giao để nắm được các thông tin nhậy cảm mà Washington sẽ tập trung vào trong sáng ngày hôm đó. Chính vì vậy, ngay khi các đài phát thanh vừa mới loan tin thì ông Đại sứ đã biết rất tường tận về những gì mà người ta sẽ nói về “Thảm kịch ở Ấp Bắc”. Trên thực tế, ông Corning cũng đã thương lượng với ông Diệm về những lời bình phẩm đó từ hai ngày trước đó khi ông ta rẽ qua dinh Tổng thống để nâng cốc chúc mừng ngày kỷ niệm sáu năm ngày ông Diệm nhậm chức Tổng thống.
Cả hai đều hiểu rằng đây sẽ là một chủ đề rất cần có sự đồng ý cao từ cả hai phía. Hôm mùng 3 tháng 1, Đại sứ Corning đã gửi về Bộ Ngoại giao ba bức điện có liên quan đến vấn đề này, mà một trong ba bức điện đó ông đã trích dẫn nguyên văn lời của ông Diệm là: “Trận đánh ở Ấp Bắc chỉ mang yếu tố tức thời trong một chén trà nóng”. Mặc dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ cả hai phía, nhưng ấn phẩm của báo Stars and Stripes ra vào ngày mùng 4 tháng một vẫn gây ra một cú sốc thật sự. Nó được chuyển đến trong gói bưu phẩm nhận được lúc 10 giờ 30’ hôm mùng 5 tháng 1. Vừa nhìn lên trang nhất, D. Marnin đã vội vã đem ngay tờ báo đến cho ông Đại sứ. Ông Corning và ngài Bilder đang ở trong phòng làm việc bàn bạc với nhau về kế hoạch đón tiếp Đô đốc Bill McGrath, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương chuẩn bị tới Sài Gòn vào chiều hôm ấy.
- Tôi nghĩ là ngài muốn đọc bài báo này ngay bây giờ - D. Marnin nói.
Thông thường, ông Đại sứ chẳng thèm đề mắt đến báo Stars and Stripes, một ấn phẩm khổ nhỏ chuyên chỉ phục vụ cho các binh sĩ mới vào nghề có độ tuổi trung bình từ 19 đến 20. Thế nhưng lần này ông ấy cũng phải ngó xem trang nhất có dòng chữ cỡ lớn: “VIỆT CỘNG ĐÃ ĐÁNH BẠI QUN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA TRONG MỘT TRẬN ĐÁNH LỚN” và dưới dòng tít này là hai dòng phụ đề nhỏ hơn tóm tắt kết quả trận đánh: “CÓ BA CỐ VẤN MỸ BỊ CHẾT, NĂM MÁY BAY TRỤC THĂNG BỊ BẮN HẠ” và dòng tiếp theo là “NHÀ TRẮNG ĐANG RẤT LO LẮNG, TỔNG THỐNG ĐÃ YÊU CẦU TỔ CHỨC ĐIỀU TRA ĐẶC BIỆT”. Ở gần cuối trang báo có in hình ảnh một chiếc máy bay trực thăng H-21 nằm lật ngửa lên trời và một lời dẫn cho bức ảnh này là: “Một trong năm chiếc máy bay trực thăng của Mỹ bị Việt Cộng bắn hạ. Ba cố vấn Mỹ đã bị chết”.
Ông Corning đưa tờ báo cho ngài Bilder người cũng đang tập trung vào xem mấy tờ báo khác.
- Tôi không phải đọc thứ này. - ông Đại sứ nói - Tôi biết nó nói cái gì rồi. Trong hai ngày qua tôi đã nhận được tới mười hai cuộc điện thoại từ nước Mỹ gọi đến đây. Ông biết không? chẳng có cuộc gọi nào mang tính chính thức cả. Tất cả họ đều là bạn bè và người thân. Ai trong số họ cũng bắt đầu bằng một câu hỏi giống hệt nhau là: “Gus ơi! cái quái gì đang xảy ra ở bên đó vậy? Tôi đã nghĩ là chúng ta đang giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này cơ mà? Cái thế giới này đang diễn ra cái trò khỉ gió gì vậy?”. Và tôi chỉ trả lời họ rằng họ đều biết cả rồi đấy. Chúng ta đang giành chiến thắng. Thế nhưng tôi cũng cảm thấy rằng ở đầu bên kia người ta vẫn chưa hết hoài nghi đâu. Tối hôm nay sẽ có cả đống người Mỹ sẽ lên giường đi ngủ với ý nghĩ rằng ở đây chúng ta đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng lắm đấy.
- Câu chuyện này - ông Bilder nói - Câu chuyện này Kattenberg đã từng nói với tôi. Tôi nghĩ là ông nên đọc nó thì hơn.
Ông ta gập tờ báo đến trang 5 và đưa nó cho ngài Đại sứ. “Một màn trình diễn tồi tệ” là tên của bài báo này. Dưới dòng phụ đề là dòng chữ: “Các cố vấn quân sự Mỹ cáo buộc ARVN đã bỏ chạy”. Trong bài báo này, có ảnh một viên Đại úy quân đội Mỹ đang ngồi trên chiếc cáng do hai lính Ngụy khênh. Viên Đại úy đang vẫy tay về phía ống kính của phóng viên dưới bức hình này là dòng chữ “Sau khi viên Thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa ra lệnh rút lui, một cố vấn Mỹ bị thương đang được khênh ra khỏi trận địa”. Bài báo này được lấy từ mạng tin tức của tờ New York Times và bài này do phóng viên Willis Mandelbrot tường thuật từ chiến trường. Ông Bilder bắt đầu đọc to hai đoạn đầu tiên của bài viết này:
- “Ngày mùng hai tháng một, tại vùng đồng bằng của Nam Việt Nam, trên một cánh đồng lúa phì nhiêu, các cố vấn quân sự Mỹ đã thật sự choáng váng trước sự rút chạy một cách nhục nhã của lực lượng ARVN trong trận đánh giữa Sư đoàn 7 và Tiểu đoàn số 514 của Việt Cộng. Chỉ có những từ ngữ như: “sự hèn nhát”, “sự vô trách nhiệm”, “khả năng kém cỏi” mới có thể diễn tả được tất cả những gì gọi là nỗ lực của các binh sỹ trong lực lượng đồng minh của chúng ta trong trận đánh này. Sau tất cả những thất vọng và cay đắng vì phải chứng kiến những người đồng đội thân yêu nhất phải ra đi ngay trên tay mình, một cố vấn quân sự cao cấp Mỹ đã phải đau đớn thốt lên rằng: “Đó là một màn trình diễn tồi tàn chó chết”.
Quá thất vọng vì những gì xảy ra lại hoàn toàn trái ngược với những gì mà người Mỹ chúng ta vẫn nói về lực lượng đồng minh của mình, người cố vấn quân sự ấy nói thêm rằng: “Cả ba người lính Mỹ bị chết trong trận đánh này không phải là do những phát súng của đối phương mà họ đều bị chết do mất máu. Họ đã chết vì họ không nhận được sự quan tâm đúng mực của những người chỉ huy trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, những người đáng ra phải có mặt tại chiến trường để giám sát lực lượng của họ, nhưng họ đã không làm như vậy. Sai lầm trong tấn công rồi sẽ dẫn đến sai lầm trong phản công. Điều đáng tiếc là ở chỗ đối phương đã bị tập kích từ mọi hướng và đội hình của họ đã hoàn toàn bị phá vỡ. Tất cả những gì mà chúng phải làm chỉ đơn giản là chặn đứt đường rút lui của chúng. Chúng ta đã có thể xóa sổ toàn bộ Tiểu đoàn số 514 - đơn vị tinh nhuệ nhất của bọn VC. Trong buổi chiều hôm đó Lực lượng Không quân vận đã có thể đóng chặt cái bẫy mà chúng ta đã dựng lên và có thể minh oan cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa sau tất cả những gì mà họ đã không thể làm được vào buổi sáng hôm ấy. Thế nhưng khi lực lượng đổ bộ cuối cùng đươc tung ra thì mục tiêu của họ lại không phải là nhằm vào cánh quân Việt Cộng đang rút chạy mà cái chính là họ, những người đồng minh của chúng ta lại muốn tránh né kẻ thù. Đó quả thật là một màn trình diễn tồi tàn”.
- Thôi, thế là đủ rồi - ông Corning nói - Thế là tôi đã hiểu rồi.
- Đó chính là điều mà tôi đã nói vói ngài đấy. Trên thực tế thì đấy chính là cái người ta vẫn gọi là sự làm phản. Đáng ra người ta phải tìm ra cái thằng chó chết nào nói ra như vậy để đem nó ra ngoài kia thiến quách nó đi cho rồi. Chúng ta đã bỏ ra đấy hàng trăm triệu đô-la để đào tạo những người lính ấy, tập hợp họ lại theo tiêu chuẩn đầu tiên của một đội quân nhà nghề. Để rồi sau đó mấy thằng cha bộp chộp với cái đầu rỗng tuếch ấy mở mồm ra là nói lung tung làm hỏng bét hết mọi công sức mà chúng ta đã làm được. Bọn chúng nó còn làm chúng ta đau hơn cả bọn Việt Cộng. Đáng lẽ ra người ta phải tìm ra cái thằng cha ấy và lấy việc trừng phạt nghiêm khắc hắn để làm ví dụ chứ.
- Không việc gì khó khăn đến vậy đâu. Tất cả đều từ cái thằng cha Mandelbrot nói ra cả đấy. - ông Corning thêm vào - Đó cũng chính là cái thằng Mudd mà phóng viên Mandelbrot đã tô vẽ nên trong tạp chí Times Magazine đó. Nó chỉ được mỗi cái mồm là thích khoe mẽ thôi. Nó đang là cố vấn cho Sư đoàn 7. Mà cũng chính nó là thằng đã gây ra, sau đó ngồi chứng kiến trận đánh này từ đầu chí cuối mà. Nó là một trong những thằng đang bị Phủ Tổng thống cáo buộc là nguyên nhân chính gây ra lần thất bại này. Hắn đang phải trực tiếp đối chất với những lời cáo buộc đó đấy. Còn cái trò gọi là người cố vấn cao cấp Mỹ cũng chỉ là do thằng cha Mandelbrot bịa ra để lòe người khác đó thôi.
- Tôi thì tôi lại nghi ngờ là anh ta không bịa ra câu chuyện ấy - D. Marnin hấp tấp chen vào.
Ông Đại sứ quay đầu lại và đưa mắt nhìn anh.
- Cậu biết thằng cha Mudd này sao? Thế cậu không cho rằng chính hắn là người đã cung cấp tin tức cho bài báo này à?
- Tôi không biết anh ta. Tôi cũng chỉ nói chuyện với anh ta một hai lần thôi. Dường như anh ta rất tận tâm với cuộc chiến tranh này. Tôi chỉ... không dám chắc là anh ta đã đưa ra những câu bình luận thiếu trung thực như vậy thôi. Thông qua các bài báo mà tôi được đọc, tôi thấy anh ta là một tay khá lạnh lùng đấy. Sau trận Ấp Bắc, tôi cũng đã nói chuyện với anh ta. Lúc ấy, anh ta khá sâu sắc, bảnh bao và rất điềm tĩnh - một điều có thể nói là rất kỳ lạ vì anh ta vừa trải qua một trận đánh như vậy.
D. Marnin toát hết mồ hôi - vì quá ngượng ngùng khi phải nói dối với cấp trên của mình, một người mà anh luôn tôn kính. Anh đã biết rõ rằng chính thằng cha Mudd là người tiết lộ những bí mật của câu chuyện này. Chính vì thế anh thở phào nhẹ nhõm khi Helen Eng thông báo qua hệ thống liên lạc nội bộ rằng Trưởng các cơ quan, đơn vị đều đã tập hợp đông đủ tại hội trường cho cuộc họp thường kỳ một tuần hai lần giữa các nhóm cùng công tác.
Các nhân vật chủ chốt đều đang ngồi quanh chiếc bàn dài màu nâu bóng loáng trong phòng họp lớn. Ngoài ông Đại sứ và Phó phòng điệp vụ DCM còn có tướng Donnelly, Tư lệnh Bộ Tư lệnh MACV; tướng Parker, Trưởng đoàn MAAG; Tiến sỹ Warren “Curly” Bird, Giám đốc Chương trình (USOM); ngài Stu Markoff, Chỉ huy trưởng CIA tại Sài Gòn; John Mecklin, đại diện Phòng thông tin tuyên truyền; ông Sam Sabo, Tùy viên chính trị của Đại sứ quán Mỹ, ông Bob Jaspers, Tùy viên kinh tế của Đai sứ quán; ông Lou Holbein, Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn cùng toàn bộ đoàn tùy tùng của các quan chức này. Riêng các thư ký và phụ tá giống như D. Marnin thì phải ngồi ở dãy ghế kê sát các bức tường xung quanh. Khi ông Corning bước vào phòng, mọi người đều đứng dậy chào và chỉ ngồi xuống sau khi ông ta đã ngồi xuống chiếc ghế của mình. Ông Đại sứ vẫn ngồi ở chỗ đầu bàn như thường lệ. Tướng Donnelly ngồi ở phía bên phải ông ta còn ngài Bilder thì ngồi ở phía bên trái. Trước khi tướng Donnelly được đề bạt, thì vị trí ngồi của ông bây giờ vốn bị bỏ không, vì đây là đoạn cuối trong vòng tròn quanh chiếc bàn nếu tính từ ông Đại sứ. Việc Bộ Tư lệnh MACV được thành lập không chỉ giúp cho tướng Donnelly trở thành một vị tướng bốn sao mà nó còn thâu tóm luôn cả quyền chỉ huy lực lượng Quân đội Mỹ đang đóng ở Thái Lan. Chính điều này đã tạo điều kiện để tướng Donnelly có quyền trao đổi trực tiếp với Washington mà không cần có sự chấp thuận của bên Đại sứ quán. Và bất cứ ai có một chút hiểu biết về chế độ hành chính quan liêu của Mỹ thì cũng hiểu rằng việc trao đổi trực tiếp như vậy luôn đồng nghĩa với sự thừa nhận quyền hạn tuyệt đối đầu tiên của chức vụ này.
Chính vì thế, tất cả những bức điện mà tướng Donnelly gửi riêng cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tướng Maxwell Taylor hoặc là Bộ Trưởng Quốc phòng McNamara đều hoàn toàn mang tính đặc quyền của ông ấy. Điều này còn có nghĩa là mặc dù xét trên một phương diện nào đó thì tướng Donnelly vẫn phải phục tùng Đại sứ quán nhưng trên thực tế ông ta không làm như thế. Vì vậy, Đại sứ Corning phải có nhiệm vụ vừa đối xử với ông ta như một người đồng cấp nhưng đồng thời cũng vẫn phải duy trì vị trí quyền lực tối cao của mình.
Với rất nhiều nếu không muốn nói là tất cả các sỹ quan cao cấp luôn say sưa với sự thăng tiến trong nghề nghiệp, không chỉ bằng sự cống hiến mang tính cá nhân và tài năng quân sự của riêng họ mà còn có cả bản tính hung hăng sẵn có thì điều này đã có thể là một vấn đề hết sức nan giải cho cả hai người. Thế nhưng nó lại không bao giờ đúng với trường hợp của tướng Donnelly, một nhà quân sự mang tố chất của một nhà ngoại giao thực thụ, thường xuyên rất nhạy cảm đối với các nhân tố văn hóa có thể dẫn đến những tình huống nguy kịch trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cũng có những lúc giữa hai người nảy sinh một vài bất đồng nho nhỏ, nhưng rồi sau những trận quyết đấu năm ăn năm thua trên sân quần vợt họ lại cùng nhau thưởng thức những giờ giải lao quý báu với món Citron presse’. Cũng đã có lúc tướng Donnelly phàn nàn với Đại sứ Corning rằng việc xây dựng Quân lực Việt Nam Cộng hòa chẳng khác nào đi bày cho mấy anh chàng hạ sỹ cách đánh của trận Stalingrat. Tuy thế, tướng Donnelly không bao giờ nói ra những câu bình luận vu vơ như vậy đối với những cấp dưới của ông ta. Trên bức tường trong phòng làm việc của ông ấy có dán một câu nói mà ông ấy rất ưa thích đó là: “Không ai có thể chiến đấu tốt cho đến khi anh ta nghĩ rằng anh ta có đủ khả năng đốt cháy kẻ khác”.
- Trừ khi ai đó có việc thật khẩn cấp thì người ấy mói được phép ra khỏi phòng trong buổi họp quan trọng này - Đại sứ Corning trịnh trọng tuyên bố - Tôi dự định dành toàn bộ cuộc họp ngày hồm nay để tướng Donnelly báo cáo về trận đánh ở Ấp Bắc. Tôi có thể nói với tất cả các ngài rằng Tổng thống và ngài Ngoại trưởng rất bực mình vì những tin tức không đúng sự thật đã được tiết lộ về vụ tai nạn này. Nguy hại hơn là điều đó đã thổi bay toàn bộ công sức tiền bạc mà chúng ta đã gom góp ở đây mấy năm vừa qua. Chính vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh đọc thật cẩn thận ba tài liệu sau đây để đưa ra chính kiến của mình một cách khách quan nhất. Đầu tiên là báo cáo của tướng Donnelly do tướng Parker soạn thảo vừa được công bố ngày hôm qua với nhan đề: “Bài viết của hãng thông tấn AP về trận Ấp Bắc - có 95% là không đúng sự thật”. Thứ hai là bản thông cáo ra ngày hôm qua của Chick Rizzo và Sam Sabo mang tên: “Phản ứng hững hờ của người Việt Nam đối với trận đánh ở Ấp Bắc”. Đây có thể được xem như bản tổng hợp về toàn bộ cái gọi là “thiếu phản ứng kịp thời” của Quân lực Việt Nam Cộng hòa với trận đánh trên. Tài liệu thứ ba mà tôi muốn các anh nghiên cứu chính là biên bản cuộc trao đổi giữa tôi với Tổng thống Diệm được thực hiện mấy ngày trước về chủ đề này. Còn bây giờ, tôi muốn nhường phần trình bày cho tướng Donnelly. Đến lượt anh đấy, Blix...
Tướng Donnelly đứng dậy và ra hiệu cho Aylward mang tới một bộ đồ nghề với đủ cả màn hình và máy chiếu rồi đặt nó xuống dưói chân bàn. Ông Bilder và ông Sabo đưa mắt trao đổi với nhau một nụ cười hóm hỉnh. Cánh quân sự chưa bao giờ truyền đạt một thông tin nào đó cho mọi ngưòi mà không tận dụng triệt để các tính năng của máy chiếu hình, một công nghệ nghe nhìn kiểu cổ điển mà bên ngành Ngoại giao vẫn gọi đùa là cái ghế tựa cho những kẻ dại khờ. Tướng Donnelly rút trong túi áo ra một ống kim loại được dùng làm que chỉ rồi kéo dài nó ra ngay trước mặt mọi người.
- “Toàn bộ bản báo cáo này đã được đóng dấu tuyệt mật. Cho bản slide (bản kính dương) đầu tiên đi” - ông ta nói với Aylward.
Trên phông màn hình hiện lên một khung bảng:
Việt Cộng đang nắm thế mạnh và phần lớn các khu vực rừng núi trên cao nguyên phía Bắc Sài Gòn cũng như tất cả các ngả đường tới vịnh Thái Lan trong đó bao gồm cả thành phố lớn là Sài Gòn-Chợ Lớn. Nam Việt Nam có thể sẽ biến thành bãi chiến trường trong cuộc chiến tranh lạnh. Đây là khu vực cần phải được kiểm soát một cách đặc biệt.
Tướng Ed Landsdale.
- “Đó” - tướng Donnelly bắt đầu báo cáo của mình -“kết luận này được rút ra vào năm 1960, tức là chỉ mới hai năm trước đây - trong một bản báo cáo tuyệt mật do tướng Landsdale gửi trực tiếp cho Tổng thống Hoa Kỳ. Tướng Landsdale viết báo cáo này sau chuyến viếng thăm đầu tiên của ông ấy tới đây kể từ năm 1956. Tôi cũng phải nói thêm với những ai chưa biết gì về điều này. Hồi năm 1955 và 1956, tướng Landsdale chính là một người hết sức quan trọng trong việc cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm thoát khỏi những đe dọa của các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo cũng như nhóm Bình Xuyên, một tổ chức vũ trang theo kiểu xã hội đen đang kiểm soát toàn bộ Sài Gòn. Ông Landsdale đã rời khỏi Sài Gòn để tiếp nhận những vị trí khác quan trọng hơn. Ông ấy đã hoàn toàn bị sốc bởi vì những gì mà ông ấy phát hiện ra khi quay lại đất nước này.
Mười tám tháng trước đây, đất nước này đang trong tình trạng mỗi ngày một đi xuống. Quân lực Việt Nam Cộng hòa (ARVN), một phương tiện chủ yếu của cuộc chiến tranh này hoàn toàn vô dụng. Đây có thể được xem như một thực tế về Việt Nam mà rất nhiều người đã quên mất. Để bây giờ, mấy tay phóng viên lại đang ra sức đổ hết mọi tội lỗi cho việc chỉ đạo sai trong trận Ấp Bắc. Thú thật, giả sử như những gã hợm mình xấc xược đã dựng nên những câu chuyện đó có đủ cứng cáp để tham gia chiến đấu ở Triều Tiên thôi chứ chưa cần nói đến Đại chiến Thế giới lần thứ hai, thì chắc hẳn họ sẽ phải nhìn nhận cái mà họ gọi là sự chỉ đạo sai lầm ở trận Ấp Bắc ấy phải được xem như là một kỳ tích trong xây dựng kế hoạch tác chiến quân sự. Trước khi chúng ta bắt đầu chỉ trích ARVN, chúng ta nên tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với Tập đoàn quân số tám của Mỹ sau trận Chosen Reservoir ở Triều Tiên.
Thêm vào đó, chúng ta hãy thử nhìn nhận khách quan hơn về lực lượng ARVN xem nào. Tất cả những gì đã xảy ra ở Tân Phú và Ấp Bắc cũng chính là cái gây tranh cãi ở đây. Đó chính là việc một lực lượng gồm hai nghìn quân của ARVN tổ chức tấn công một đơn vị Việt Cộng vào buổi sáng. Rồi đến buổi chiều, lại có thêm một nghìn quân nữa thuộc lực lượng tác chiến đường không tới tăng cường cho trận đánh này. Dĩ nhiên ở một chừng mực nào đó có sự chỉ đạo không sít sao. Nhưng vấn đề là mới chỉ mười tám tháng trước đây, ARVN hoàn toàn không có khả năng tổ chức một cuộc tấn công với năm trăm quân tham gia chứ chưa nói gì tới ba nghìn quân như ngày hôm nay. Đội quân đó đã không có hệ thống chỉ huy chuyên nghiệp, không có một học thuyết quân sự nào để xây dựng và tổ chức lực lượng, không có lực lượng cơ động tác chiến. Mười tám tháng trước đây, chúng ta đã có tới ba hay bốn trận thất bại còn tồi tệ hơn trận Ấp Băc. Vậy nhưng vẫn chẳng có ai để tâm đến điều đó. Và cũng không ai nhớ tới điều đó. Tại sao lại không? Tất cả bởi vì các cố vấn quân sự của ta đã đến đây và đã phục vụ ở đây được mười bẩy tháng rồi. Điều đó còn đúng sự thật hơn tất cả những gì mà các phóng viên ấy đã nói tới. Thế còn những phóng viên đó là ai? Họ là một lũ con nít”.
Ông ta bật ngón tay và Aylward mang tới cho ông ta một tập các. Khi ông ta đọc từng chiếc các ấy thì hình ảnh và tên tuổi của từng phóng viên được đèn chiếu sáng lên màn hình.
- “Phóng viên Hãng thông tấn UPI, 26 tuổi, lần đầu tiên được đi ra nước ngoài. Chưa bao giờ đưa tin chiến sự. Mới ở đây được tám tháng. Trước đó đã qua nghiên cứu sơ đẳng về Đông Nam Á; kinh nghiệm ở bên ngoài nước Mỹ là không biết gì.
- Phóng viên Hãng thông tấn AP, 29 tuổi, một thằng người Úc mắc dịch. Chưa có kinh nghiệm, chưa có bằng cấp nào - hoàn toàn không có gì hết! Những thằng cha này nghĩ rằng công việc của chúng nó ở đây chỉ là đi ném đá thôi chắc.
- Phóng viên tờ New York Times, thằng này mới là thằng tồi nhất. 28 tuổi. Trước kia đã từng làm công việc của một phóng viên điều tra. Đã từng đưa bài về phong trào dân quyền ở Alabama. Hãy để tôi nói cho các anh biết nhé, cái thằng cha mà các anh đang thấy trước mặt còn có ý định tẩy chay cả Tổng thống Diệm nữa đấy. Tôi là người theo trường phái cổ điển. Tôi đã luôn nghĩ rằng một phóng viên thì phải có trách nhiệm là khách quan. Trong trường hợp này, có rất nhiều nghi vấn rằng không hiểu thằng cha này muốn ai - chúng ta hay là bọn Cộng sản giành chiến thắng.
- Thưa tướng quân, ngài nói rằng chỉ có một máy bay trực thăng của ta bị bắn hạ thôi à? - ông Sam Sebo phản đối ngay - Tôi nghĩ là có năm chiếc mới đúng chứ.
- “Sáng hôm mùng hai tháng một vừa qua, có năm chiếc trực thăng của ta bị bắn hỏng. Bốn chiếc trong số này đã được sửa lại và bây giờ vẫn đang bay được. Chúng vẫn đang bay trên trời đấy. Chỉ còn có một chiếc đang nằm trong xưởng sửa chữa mà thôi. Tuy nhiên, nó sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu tuần sau. Anh còn muốn thêm gì nữa không Ace?”
- Không thưa ngài, - tướng Không quân Ace Parker, người nhìn lúc nào cũng như là vừa rơi từ trên cung Trăng xuống ấy nên khó có thể lừa gạt được ai vội vã trả lời. -Những người lính của chúng tôi có hơi chủ quan một cách dũng cảm trong trận Ấp Bắc. Mọi người phải nhớ rằng bọn Cộng sản chưa từng chống trả quyết liệt như vậy bao giờ và bọn chúng chắc là cũng không dám làm như thế nữa đâu. Có thể là chúng tôi đã phải đương đầu với một thằng chỉ huy người địa phương quá lỳ lợm chứ hoàn toàn không có chuyện là chúng tôi chưa sẵn sàng. Trong lần tới, nhất định chúng tôi sẽ chứng tỏ được khả năng của mình.
LÀM SAO ĐỂ GIÀNH CHIẾN THẮNG TRONG
CUỘC CHIẾN TRANH NÀY
Phương pháp 3 M
Con người - Tiền bạc - Phương tiện khí tài
- “Tại sao tôi có thể chắc chắn rằng chúng ta sẽ chiến thắng? Tại sao cứ cho rằng nếu có tới 50 trận như trận Ấp Bắc nữa cũng khống thể làm tôi thay đổi quan điểm này mà ngay cả khi bài báo của tờ New York Times có phản ánh đúng thực tế đi nữa - mà thực ra nó không đúng? Bởi vì lịch sử quân sự đã dạy chúng ta rằng bên nào có những chiến binh dũng cảm, có tài chính dồi dào và hơn tất cả là có những phương tiện khí tài hiện đại thì bên đó sẽ giành thắng lợi. Đó cũng chính là điều mà Ulysees Grant đã dạy lại cho Jefferson Davis và Robert E. Lee.
Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, lực lượng Wehrmacht có những đơn vị mạnh nhất, những sư đoàn mạnh nhất và là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất. Thế nhưng cuối cùng lực lượng ấy cũng không thể cứu vãn điều gì cho Hitler bởi vì cho dù anh có quân đội thiện chiến đến thế nào, có các tướng lĩnh giỏi ra làm sao, nhưng nếu anh không có tiền, anh không có những người dũng cảm, anh không có các phương tiện khí tài hiện đại thì chắc chắn anh sẽ không thể giành thắng lợi. Thời gian còn lại cho bọn Việt Cộng sẽ chỉ được tính bằng ngày. Chúng ta đã tăng cường được lực lượng ARVN lên hơn 30.000 quân - trong số đó có 02 sư đoàn bộ binh thiện chiến nhất mới được thành lập. Những kết quả tương tự cũng đang đến với lực lượng Dân vệ và các đơn vị vũ trang địa phương, một lực lượng mà quan số sẽ được tăng gấp ba lần vào giữa năm tới. Trong một năm qua, chúng ta đã tâng cả viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế từ 215 triệu đô-la lên 337 triệu đô-la. Tất cả điều đó đang đem lại những hiệu quả rõ ràng nhất. Nó đang đem đến cho đồng minh của chúng ta một thứ mà họ luôn luôn thiếu - đó chính là sự tin tưởng. Trận Ấp Bắc sẽ không thể nào làm sói mòn sự tin tưởng ấy. Cho slide tiếp theo”.
KẾ HOẠCH TỔNG THỂ
Giai đoạn 1.........Soạn thảo kế hoạch
Giai đoạn 2..........Chuẩn bị thực hiện
Giai đoạn 3..........Triển khai thực thi
Giai đoạn 4.........Bước tiếp theo và tiến tới thống nhất.
- “Đây là một kế hoạch TUYỆT MẬT và tôi không muốn nó bị tiết lộ ra khỏi căn phòng này. Thế nhưng tất cả chúng ta ở đây cần phải biết rằng những gì mà chúng ta đang làm đã được thảo luận rất kỹ càng và chu đáo giữa ông Đại sứ và Tổng thống Diệm. Nó đã được Chủ tịch CINCPAC và ngài Bộ trưởng Quốc phòng McNamara thông qua và được đích thân Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ phê chuẩn. Kế hoạch này được chia ra làm bốn giai đoạn để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này và để Quân đội Mỹ có thể rút về nước trong phẩm giá và danh dự. Kế hoạch này không chỉ vừa mới bắt đầu. Mà thực tế là nó đang được thực hiện một cách hoàn hảo. Hai giai đoạn đầu tiên là Soạn thảo kế hoạch và Chuẩn bị thực hiện đã cơ bản được hoàn thành. Và bây giờ chúng ta đang bắt đầu thực hiện giai đoạn thứ ba - Triển khai thực thi.
Mỗi một giai đoạn này đều được tính toán một cách tỉ mỉ thông qua sử dụng các con số thống kê một cách chính xác. Ví dụ như để chuyển từ Giai đoạn 2 sang Giai đoạn 3 chúng ta phải đạt được 42 thông số thống kê mà ta đã đặt ra từ khi ta mới hình thành kế hoạch này từ 6 tháng trước đó. Rồi chúng ta cũng đã làm được điều đó. Giờ đây chúng ta cũng đang tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu của Gian đoạn 3. Chúng ta sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công ra toàn quốc và nó sẽ được tiếp tục cho tới khi Việt Cộng cũng như các tổ chức vũ trang của chúng bị ta nghiền nhỏ như cám.
Tôi hy vọng rằng kế hoạch này sẽ được hoàn tất vào tháng 1 năm tới, tức là còn đúng một năm nữa tính từ thời điểm này hoặc là muộn lắm cũng chỉ đến tháng 6 năm 1964 mà thôi. Một khi chúng ta bước vào Giai đoạn 4, vấn đề còn lại sẽ là quét sạch các toán du kích quân lẻ tẻ, phục hồi toàn bộ quyền kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tới 184 tất cả các làng bản, thôn ấp trên khắp miền đất này. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sẽ có thể tự làm được điều đó bởi vì khi ấy, Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ nắm quyền chỉ huy tối cao. Bọn Việt cộng sẽ không còn đứng dậy được nữa. Thế giới tự do sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Trào lưu Cộng sản sẽ phải dừng bước ngay trên mảnh đất này”.
Mọi người vẫn lặng im khi tướng Donnelly kết thúc bản báo cáo. Cho tới khi ông ta bước về chỗ ngồi của mình thì ngài Sam Sabo đứng dậy và vỗ tay tán thưởng. Khi nghe đến tiếng vỗ tay thứ ba thứ tư gì đó của Sam Sabo thì lại đến lượt ông Đại sứ Gus Corning đứng lên hưởng ứng. Tới lúc này, mọi người đều đứng bật dậy và đồng loạt vỗ tay - sự ủng hộ nhiệt tình ngoài sức tưởng tượng đối với một bản báo cáo ngay trong phòng họp của Đại sứ quán. D. Marnin chẳng còn bao giờ được tận mắt chứng kiến một sự kiện như vậy ở bất cứ đâu trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình. Toàn bộ tập thể các nhà lãnh đạo trong Đại sứ quán đểu cảm thấy sự đồng tâm nhất trí. Đối với họ giới tuyến này đã quá rõ ràng - Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn chống lại đến cùng quan điểm của tờ báo New York Times.
D. Marnin cũng hòa vào đám đông đang vỗ tay tán thưởng giống như tất cả những ai vừa bị tướng Donnelly thuyết phục. Và có thể anh còn vỗ tay hăng hái hơn tất cả những người khác bởi vì mới hơn một giờ trước đây thôi anh còn đang quá lúng túng và cảm thấy hổ thẹn vì những gì mình đã làm. Một lần nữa tướng Donnelly đã khiến cho anh tin là trước đó anh đã suy nghĩ không thấu đáo, hành động theo bản năng và anh đã ủng hộ cho những kẻ sai trái một cách mù quáng.